Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

Hình như có điều gì…

TƯỞNG NHỚ NGUYỄN MỘNG GIÁC, GỬI  CHỊ DIỆU CHI

(Trích bút ký Những con người, những bóng ma, NXB Thi Văn)

Tạp bút Nam Dao

Không mấy ai không một lần băn khoăn, sau khi đọc, tự hỏi, hình như, có điều gì còn nằm sau văn bản. Với tôi, tôi gọi là phần hồn. Gọi như vậy, tôi lại chỉ định danh cho... điều gì đó thật mơ hồ, có lẽ một phần là vì cha nuôi tôi. Đó là lần ông cho tôi bản dịch Mái Tây của Nhượng Tống, dặn đọc kỹ lời bình của Thánh Thán, tìm ra phần hồn của Vương Thực Phủ. Thời gian đó là những ngày cuối đời ông, tôi qua Cali sống với ông được một tuần, và trong lúc muốn quên đi những chia ly dẫu chẳng muốn nhưng ắt có, tôi đọc, chẳng phải đọc Mái Tây mà là đọc Ngựa nản chân bon của Nguyễn Mộng Giác. Và tôi tự hỏi, cái phần hồn, nó ở đâu? Không có Thánh Thán bình văn như với Mái Tây, tôi mù tịt... và thở dài.

Thế rồi tôi cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện phần hồn một văn bản: thời đó, tôi vẫn ước mơ đổi đời bằng cách sử dụng cơ chế thị trường trong một xã hội vẫn hướng đến công bằng xã hội, và gọi nó thế nào thì cứ gọi, xã hội chủ nghĩa cũng được! Cho nên, những phút khắc khoải với hiện thực, tôi “xả xú-bắp” bằng thơ, nhanh gọn, và thơ thì cũng cho mình và cho bạn bè gần gũi. Bức bách lắm, tôi chọn Thơ Đường dịch lại, rồi Chinh phụ ngâm... Ông bạn khó tính nhưng chân tình của tôi ở Paris là Tạ Trọng Hiệp mắng (hay khuyên?): “Cậu làm cái gì cũng trung bình ti tí, có lẽ vì tham lam ôm đồm. Văn học, tí ti, chính trị cũng tí ti... Tham vừa chứ!”. Bạn mắng, nhưng ăn thua gì. Tôi cứ thế, chẳng biết mình đi về đâu. Cho đến cái ngày gặp một số bạn trong một hầm rượu ở khu St Germain des Prés tôi mới buột miệng, để tôi viết văn xuôi cho mà xem. Cứ tưởng bốc lên nói càn, sau tôi mới hiểu là điều tôi nói đã cát cứ trong tiềm thức tôi từ lâu.

Đổi đời ư, nhiều cách! Đi đường xa, là văn hóa.

Truyện (văn xuôi) đầu tay của tôi là tiểu thuyết lịch sử Gió lửa. Trong tiểu thuyết này, có một phần là thời Tây Sơn (một phần thôi, hỡi các nhà phê bình lý luận cứ gắn Gió lửa vào Nguyễn Huệ?!), và khi đưa An, con gái giáo Hiến vào truyện, tôi đã e-mail cho Giác, báo tôi sẽ “mượn” An của Sông Côn mùa lũ. Dĩ nhiên thôi. Vì ngay một vị anh hùng cái thế, một nhà chính trị xoay đất lật trời, hay... một tay đầu trộm đuôi cướp lừng danh mà không có bóng dáng một mối tình đầu thì làm sao ra con người được!

Là con người đã, và vì con người, nhưng cả hai nhân vật An lẫn Huệ trong Gió lửaSông Côn mùa lũ lại rất khác. Khác vì quan niệm tiểu thuyết lịch sử của tác giả. Khác vì văn phong. Khác vì Giác khác tôi, và tôi, khác Giác [1]. Văn chương của anh là văn chương “mái ấm”, nhẹ nhàng, thấm thía và luôn luôn hướng về một cái gì đó có tính vĩnh hằng của con người. Còn văn chương của tôi, là văn chương “sóng gió”. Nó sùng sục, nó “có nhiệm vụ” đèo bòng xã hội, nó cứ một mực đòi (huyễn hão chăng?) đổi đời bằng một tương lai khác với quá khứ, cái quá khứ vốn rất khốn nạn của một Việt Nam đã quá tang thương qua dâu biển đổi dời.

... Cũng đành, tên một tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, chứ biết làm sao bây giờ. Cũng đành, tôi viết Bể dâu, với cái tâm nguyện tôi mượn hai câu thơ Tô Thùy Yên để diễn tả: Chút rượu hồng đây xin tưới xuống / Giải oan cho cuộc bể dâu này.

***

Chết chưa, thế là tôi đâm sầm vào “hiện trường” của Mùa biển động. Ôi thôi, cứ tìm những lối đoạn trường mà đi à? Tôi đọc, và biết đừng có trùng đi lặp lại một văn bản đã có, lại được viết bởi một nhà văn thành danh. Nhưng đọc trên dưới ba ngàn trang, tôi quên khuấy mất cái mình “sợ”, nhưng hiểu ra một điều, chẳng ai giống ai đâu, trời sinh Giác khác tôi. Và tôi khác Giác, nên dẫu chúng tôi có viết về cùng một thời khắc lịch sử, sự khác biệt đó sẽ cho ra đời những cách nhìn và cảm nhận hoàn toàn cá biệt. Thế là tôi tìm cách quên hẳn Ngữ, nhân vật (có chút Giác) trong Mùa biển động.

Quên Ngữ nhưng tôi vẫn nhớ tính cách nhân đạo của văn bản, mặc dù một phần thời gian Giác viết tác phẩm này có thể là thời gian khá nghiệt ngã vì những chia cách với gia đình thân thương anh tạm phải chia xa. Anh viết, như chống trả lại nghịch cảnh. Như để hoàn thành tính cách con người của mình. Và tính cách đó tồn tại, bất chấp lịch sử, bất chấp xã hội, không lý luận, không tuyên ngôn, và không nhớp một chút gì ta thường gọi là hận thù, thứ tình cảm chẳng xa lạ trong một tộc người truân chuyên qua 30 năm chiến tranh, gọi là Quốc - Cộng, hay Ủy Nhiệm, hay chống Đế Quốc, hay là gì gì đó... thì cũng chỉ thế, là chiến tranh, mà thôi.

***

Nói thế chưa đủ. Cách đây đâu gần ba năm, tôi đến thăm Giác. Lần này, anh chị có cháu, và tôi nhìn tận mắt cái hạnh phúc và niềm an bình của anh (và cả chị) khi anh vui đùa với cháu. Hình ảnh một con người mô phạm, một “ông thầy” có truyền thống gia đình trong ngành giáo dục, một nhà văn chừng mực, nghiêm túc... chợt như không còn. Tôi chỉ thấy Giác hồn nhiên, Giác tự hào vì đứa cháu dĩnh ngộ, Giác tươi cười, và Giác... thật hạnh phúc.

Anh đã đi, và phải chăng anh đã đặt bước đến chốn nhân sinh ai cũng ao ước?

Giác cho tôi xem bản thảo của những tiểu thuyết trường thiên anh đã viết. Bản thảo đâu vài chục cuốn, được đóng lại, bìa cứng, gáy da. Và trong là những trang chữ viết trang trọng, rất ít gạch xóa, sạch và nghiêm, hệt như bề ngoài con người anh. Chẳng bù với tôi, tôi cũng viết tay nhưng trời ơi, đến tôi đọc lại cũng lắm lúc đọc không nổi. Nào gạch, nào xóa, nào tẩy, và những mũi tên, có mũi bay qua hai trang nhưng vẫn ghi chú “còn tiếp” bay, bay... đến chỗ đánh dấu X thì ngừng.

Còn chữ viết tay, ôi thôi, là một nỗi kinh hoàng cho cả chính tôi. Nếu tôi không chọn (hay nàng chọn tôi?) được một người vợ đọc ra và chịu đánh computer giúp tôi thì, nói thật, chẳng có cái gì gọi là văn chương Nam Dao cả! Nhưng đó là một chuyện.

Chuyện thứ hai làm tôi ngỡ ngàng là viết không tẩy xoá như Giác, anh chắc chắn có một thứ bố cục vững vàng trong đầu cho cả ngàn trang. Với tôi, chuyện này quá khó. Tôi thường phải sửa, chẳng chỉ văn mà cả bố cục, khi viết quá 30 trang. Truyện tôi sửa, ít cũng ba lần, trong khi tôi hỏi thì Giác đáp, anh viết... là xong, không có sửa đi sửa lại gì.

Quả ít nhất anh đã từng là thủ khoa Sư Phạm Văn ở Huế. Đầu anh là một tổ chức hữu cơ. May mà anh không làm cái việc Tuyên Huấn của ông Nguyễn Khoa Điềm mới đây, nếu không chắc anh cũng “tổ chức” văn nghệ không kém như khi anh tổ chức Mùa biển động hay Sông Côn mùa lũ.

Nhắc đến đây, cá nhân tôi xin cám ơn chị Diệu Chi, người đã cho Sông Côn vượt biên “chính thức”, vượt biên “không người lái”, loại phở Hà Nội không thịt khi toàn dân nhịn đói “chống Mỹ cứu nước”.

***

Thật là vô tích sự cái bọn văn nghệ văn gừng.

Đầu thì bảo đi tìm phần hồn, rồi sau, văn cứ lang bang, hệt như đám vong “được đâu chầu đấy” trong dịp cúng cháo lá đa rằm tháng bảy. Vâng, phần hồn của văn bản. Nó là gì? Nó liên quan thế nào với tác giả? Và nhất là, tôi xin nhấn mạnh, nó tương tác thế nào với người đọc?

Đến đây, tôi nghĩ đến cha nuôi tôi và lời ông nhắn nhủ. Tôi đọc lại tập Ngựa nản chân bon. Liệu hai mươi năm sau, tôi có khả năng nhận ra phần hồn một văn bản? Sự thách đố này không phải chuyện đùa. Một mặt tôi làm là thỏa nguyện lời dạy chí tình của cha tôi, mặt kia, phần nào đáp lại cái duyên tôi có với Giác, chẳng phải qua tiểu thuyết mà qua Kịch.

Như một chuyện quái dị của nền văn học sử Việt Nam, kịch là một bộ môn bị bạc đãi còn quá Kiều sau ba lần 15 năm lưu lạc, loại đĩ già chẳng ai đoái hoài cưu mang. Đã vậy còn bị đồng hóa vào chuyện diễu giở (hay giễu dở, tùy loại từ điển tra cứu). Thế mà Giác đăng Treo đầu dây quan họ trong Văn Học mà anh là chủ biên. Và không chỉ thế. Vở kịch thứ hai, Ta xô biển lại, anh từ chối, bảo... vì để giữ tiếng cho tác giả Treo đầu dây... Nhưng sau đó, năm vở kịch tôi viết sau đều xuất hiện trên Văn Học, và phải nói, không có Giác có lẽ tôi đã chẳng tiếp tục viết kịch bản dưới dạng văn học.

Biết Văn Học làm một số đặc biệt về Nguyễn Mộng Giác, tôi điện thoại cho chủ biên, nhà văn Cao Xuân Huy. Huy nói, “Còn một tuần báo lên khuôn”. Tôi muốn viết một bài, nhưng... Huy cắt, “còn anh, cho anh mười ngày!”. A, mười ngày để tìm ra cái phần hồn tôi đã ê a nói suông chứ chẳng dám lý giải như những nhà lý luận phê bình văn học.

Làm thế nào đây? Trước tiên, là phải đọc. Đọc bằng mắt, dĩ nhiên. Đọc bằng tâm hồn, khó hơn, nhưng vẫn OK, vui thì cười, buồn thì khóc, thả lỏng gân cốt (chính kiến), thư giãn tâm tư (và bắp thịt), chớ gồng vì bất cứ lý do gì, kể cả những giá trị nhân loại, những chính nghĩa quốc gia dân tộc, những ý đồ khai phóng để “hội nhập” vào nền kinh tế toàn cầu...

Bạn đọc ơi, đọc như vậy thú lắm. Không tìm chuyện giật gân, không để chính trị thống soái, không và không, ta cứ để cho câu chuyện hấp ta vào, dẫn ta đi...

***

Tôi đọc, và cái phần hồn, hình như nó đây rồi...

Chú bé khều sao trên mái chùa trong Mẹ trong lòng người đi mà nhà văn của chúng ta viết những ngày trên đảo Kuku? Chùa xưa mái ngói cũ/ Trèo lên nắm cây sào/ Đêm khuya rồi không ngủ/ Kéo rụng bao nhiêu sao?

Giác tưởng tượng một chú bé có thể thành nhà chính trị, nhưng nhắn nhủ: “Tôi thích chú trở thành một nhà thơ hơn, vì hành động Kéo rụng bao nhiêu sao vừa dễ thương vừa vô hại. Nhưng chú nhớ cho, đừng bao giờ kéo rụng một ngôi sao đặc biệt. Ngôi sao ấy rụng xuống, chú sẽ cô đơn hối tiếc vĩnh viễn trên đường đời... Hãy coi chừng! Chú khều rụng bao nhiêu sao sáng sao mờ cũng được, nhưng hãy lặng lẽ trân trọng cầu xin cho Ngôi sao Mẹ còn sáng mãi trên bầu trời...”.

Đọc đến đây, hóa ra phần hồn Giác mang tính “lãng mạn”, vì anh thú nhận “Kéo rụng bao nhiêu sao? Ôi, nên thơ và vô hại biết mấy, nếu chỉ là lời thơ”. Hai chữ vô hại dễ mường tượng khi thời ấy có một nhà thơ, ông Tố Hữu, làm phó thủ tướng phụ trách kinh tế. Nhưng còn Mẹ thì hiểu ra làm sao. Là đất nước? Là mẹ anh, mẹ tôi, mẹ chúng ta. Tất cả, vâng tất cả, là Mẹ, chữ M nắn nót viết hoa, với lòng biết ơn sinh thành.

Chẳng lẽ cái phần hồn kia nó trừu tượng đến thế ư? Không, có lẽ khi nói tới Mẹ, chúng ta có những bà mẹ cụ thể hơn, cư xử và hành động thế nào cho ta chẳng thể lẫn lộn với một bà mẹ khác trên cái cõi ta bà này? Tôi lại tiếp tục tìm.

Và đây, đây rồi. Lần này Mẹ đã già, trở thành Bà Ngoại. Bà đưa cháu đi vượt biên, thấy cháu kêu, thương quá nhảy xuống ghe vượt biển và bất đắc dĩ thành thuyền nhân vất vưởng trong Trại Tị Nạn đợi định cư ở một nước thứ ba. Giục cháu viết thư về, bức Thư gửi cho đám mây xa, bà “...chợt nhớ đến chuyện bên nhà, giật mình bảo cháu: Hà viết xong chưa? Cháu phải viết ngay, kẻo quên thì mang tiếng với người ta chết. Cháu viết cho má biết là hôm đi, ngoại còn nợ của bà Tư Sét hai đồng bạc đường, và một đồng bạc ớt. ...Ngoại còn mượn cùa dì Bảy cái dao têm trầu chưa kịp trả. Ngoại tưởng xuống đưa cháu đi xong rồi về, ai ngờ...”

Mẹ như thế đấy, chơn chất, vay trả hẳn hoi với đời, nhưng cho con cháu thì, ôi thôi, mẹ chẳng sá gì thân mình, phận mình, dẫu cho là phải vất vưởng bỏ cả đất nước mà đi.

Và Mẹ, đơn giản là cái ngôi sao ấy, ngôi sao rơi xuống là chúng ta vĩnh viễn cô đơn trên đường đời. Phải chăng, Mẹ là phần hồn nằm sau văn bản? Tìm được hết những phần hồn sau toàn bộ những văn bản của một tác giả, liệu rằng ta có thể định hình được cái hồn của văn, và là cái hồn của người viết, trong ngày xá tội vong nhân mà văn chương ngày hôm nay có khác chi cháo lá đa bố thí cho những linh hồn vất vưởng.

***

Cuối cùng, tôi nghĩ mẹ đã thay bà ngoại trả bà Tư Sét ba đồng và dì Bảy con dao têm trầu. Còn Giác, anh cũng đã trả cái nợ nhân gian qua chín tác phẩm tôi được biết, và hai, ba tác phẩm anh báo là chưa in, nhưng chắc rồi sẽ in. Tôi kể, như để nhắc anh, có Đêm hoang, Mây bay về đâu... Nhưng in hay không, sá gì!

Vì anh đã đóng góp khá nhiều cho chúng ta. Cái nhìn ở dài hạn của anh đúng. Hãy sáng tạo, và tự giá trị tác phẩm, nó sẽ quay về nguồn, nơi có Mẹ. Sông Côn mùa tái bản lần hai ở Việt Nam và, nghe anh Võ Phiến nói, đang chuyển ra phim bản. Nhưng điều đó không có nghĩa gì khi chúng ta nhìn bức ảnh tôi chụp: một Giác an nhiên và chứa chan hạnh phúc với con cháu.

Còn gì sau dâu biển đổi dời? Được cái hạnh phúc ấy, tôi cho là phép lạ.

Chỉ cầu cho phép lạ nối dài cho đến những đời sau.