Biên tập: Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm
Dịch: Phạm Nguyên Trường
Tiểu sử Thabo Mbeki, Tổng thống Nam Phi giai đoạn 1999–2008
Thabo Mbeki, đảng viên nổi tiếng của Đảng Cộng sản Nam Phi và là nhà lãnh đạo ANC, được huấn luyện về chính trị và quân sự ở Moskva và tiếp tục học tập ở Trường Kinh tế London và Đại học Manchester. Sau đó, ông có 28 năm hoạt động chính trị trong tình trạng lưu vong ở London và ở một số nước châu Phi, làm trợ lí chính cho chủ tịch ANC, Oliver Tambo. Mbeki trở thành nhà chiến lược hàng đầu của ANC trong chiến dịch rất thành công nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với chế độ phân biệt chủng tộc, và lãnh đạo các cuộc đối thoại, ở bên ngoài lãnh thổ Nam Phi, giữa ANC và những nhà lãnh đạo da trắng của Nam Phi.
Trở về Nam Phi ngay sau khi Mandela ra tù, Mbeki đóng vai trò trung tâm trong quá trình đàm phán diễn ra sau đó, với kết quả là cuộc bầu cử năm 1993 và Mandela giành được chiến thắng. Mbeki là phó tổng thống thứ nhất, và, trên thực tế, là người điều hành chính của chính phủ Nam Phi mới. Ông dựa vào vị trí chính trị của mình trong ANC, cũng như những mối quan hệ mà ông đã xây dựng được với giới tinh hoa da trắng Nam Phi – trước hết, trong các cuộc thảo luận bí mật trước khi diễn ra những cuộc cải cách của de Klerk và sau đó, trong quá trình đàm phán - và năng khiếu về chiến lược của ông trong việc quản lí quá trình chuyển hóa. Mặc dù không phải không gặp khó khăn, nhưng Mbeki đã xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện tiến hành cải cách và củng cố nền kinh tế của Nam Phi.
Được bầu làm tổng thống trong các cuộc bầu cử năm 1999 và 2004, cuối cùng, Mbeki đã đánh mất địa vị trên trường quốc gia quốc tế, một phần là do phản ứng của ông đối với đại dịch HIV/AIDS, và đã bị buộc phải từ chức vào năm 2008. Từ đó trở đi, ông là người phát ngôn hàng đầu cho khu vực phía nam sa mạc Sahara, châu Phi và trung gian hòa giải đáng tin cậy cho những cuộc xung đột trong khu vực.
Phỏng vấn Tổng thống Thabo Mbeki
Chiến lược bắt đầu từ những năm 1980 nhằm xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc là gì? Mạng lưới quốc tế hỗ trợ cho ANC được xây dựng như thế nào?
ANC đã bị cấm hoạt động vào năm 1960. Ngay sau đó, một số nhà lãnh đạo ANC đã được đưa ra nước ngoài, vì ban lãnh đạo biết rõ rằng chúng tôi cần sự giúp đỡ quốc tế để xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc, và do đó, cần xây dựng phong trào chống phân biệt chủng tộc quốc tế. Vì vậy, từ năm 1960 trở đi, vai trò của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh với chế độ phân biệt chủng tộc được chú ý hơn trước.
Chúng tôi tìm cách tổ chức tất cả mọi người trên thế giới – các chính phủ, các công dân, các tôn giáo, các tổ chức công đoàn, các đảng phái chính trị, tất cả mọi người - đứng lên chống lại chế độ phân biệt chủng tộc. Sự ủng hộ trực tiếp cho ANC dưới nhiều hình thức, từ các quốc gia như Liên Xô và Cuba đã tạo điều kiện cho chúng tôi theo đuổi cuộc đấu tranh, thậm chí bằng các biện pháp quân sự. Các nước như Thụy Điển, đặc biệt khi Olaf Palme làm thủ tướng, cũng ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi. Họ cũng giúp đỡ những lực lượng đối lập khác ở trong nước.
Yếu tố thứ hai, ngoài việc ủng hộ trực tiếp ANC, là tẩy chay chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Những người công dân bình thường từ chối mua các sản phẩm của Nam Phi, các chính phủ áp đặt những biện pháp trừng phạt, và các công ty nói rằng họ sẽ không đầu tư vào Nam Phi nữa.
Yếu tố thứ ba là hỗ trợ nhân đạo. Các tổ chức quốc tế cung cấp trợ các khoản trợ giúp nhân đạo cho người tị nạn. Sự ủng hộ của quốc tế đã trở thành thành phần quan trọng trong cuộc đấu tranh của chúng tôi. Sau này, chúng tôi nói rằng cuộc đấu tranh của Nam Phi dựa trên bốn trụ cột. Trụ cột thứ nhất là vận động người dân ở trong nước. Trụ cột thứ hai là cuộc đấu tranh quân sự, trong trường hợp của chúng tôi, là cánh quân sự của ANC, Umkhonto we Sizwe, tiến hành các hoạt động quân sự. Yếu tố thứ ba là tổ chức lại ANC vì ANC là tổ chức bất hợp pháp, và thành lập các chi nhánh và tổ chức một cách đặc biệt, vì ANC nằm ngoài cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng. Việc này bao gồm nhiều yếu tố, cụ thể là bộ máy bí mật của ANC nhằm tiếp tục cuộc đấu tranh bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trụ cột thứ tư là tình đoàn kết quốc tế, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như tôi đã nói tới. Hoạt động của cả bốn trụ cột dẫn đến hết quả là hệ thống phân biệt chủng tộc đã bị đánh bại.
Ảnh hưởng quốc tế
Những thay đổi ở Liên Xô và Mỹ trong những năm 1980 có ảnh hưởng như thế nào đối với chiến lược của ông trong việc giành được sự ủng hộ của quốc tế?
Những năm 1980 phản ánh cuộc khủng hoảng của hệ thống phân biệt chủng tộc. Mọi người, trong đó có chế độ phân biệt chủng tộc, đều thấy rằng những thay đổi này là không thể tránh được. Ví dụ, trước đó, Ngân hàng Chase Manhattan đã cho chính phủ Nam Phi vay tiền. Năm 1985, là lúc phải trả các khoản vay, thường thì người ta gia hạn và cho vay thêm, nhưng ngân hàng khăng khăng bắt phải trả. Tuy nhiên, chính phủ đã phá sản, không còn tiền. Chính phủ phải đến công ty lớn nhất ở Nam Phi trong thời điềm đó, đấy là Tập đoàn Anh-Mỹ (Anglo American Corporation), để vay tiền trả nợ.
Đó là thời khắc quan trọng. Ngân hàng Chase Manhattan đòi phải thanh toán, bởi vì nhận thức của họ về tình hình chính trị ở Nam Phi lúc đó là chính phủ không thể tồn tại được lâu, trước sau gì nó cũng phải ra đi. Là các doanh nhân, họ hiểu rằng có nguy cơ mất trắng khoản tiền mà họ đã cho Nam Phi vay.
Mỹ có chính sách mà họ gọi là “ràng buộc mang tính xây dựng”, chủ yếu là để cô lập ANC và tìm cách nói chuyện với chính phủ Nam Phi nhằm cải cách từng bước một hệ thống phân biệt chủng tộc. Nhưng, khi một ngân hàng lớn của Mỹ nói rằng sự thực là chính phủ phân biệt chủng tộc sẽ sụp đổ, chính phủ Mỹ liền thay đổi quan điểm. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ, George Shultz, đã mời Chủ tịch ANC, Oliver Tambo, đến thăm Washington vào năm 1987 để thảo luận về quan hệ giữa chính phủ Mỹ và ANC.
Cũng trong giai đoạn đó, vị thế của Namibia đã thay đổi, đấy là kết quả của việc chấm dứt chiến tranh ở Angola. Quân đội Nam Phi đã có mặt ở Angola để chiến đấu với quân Cuba. Chính phủ Nam Phi ngày càng nhân thức rõ hơn rằng không thể nào thắng được cuộc chiến ở Angola, và trên thực tế, họ không còn tiền để tiếp tục chiến đấu. Cuộc chiến đã trở thành không thể chịu đựng nổi đối với nền kinh tế Nam Phi và không thể thắng được trên chiến trường, vì vậy, Mỹ đã can thiệp. Mỹ đã tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa Cuba, Angola, và Nam Phi để chấm dứt chiến tranh. Khả năng độc lập của Namibia xuất hiện, vì khi quân đội Nam Phi và Cuba rút khỏi Angola và nền hòa bình được lập lại ở Angola, thì nó cũng tạo ra cơ hội rất lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng Namibia, do Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (South West Africa People’s Organization - SWAPO) lãnh đạo, trong việc đẩy mạnh cuộc đấu tranh ở Namibia từ đất Angola. Thay vì xem xét trực diện tình hình, trong đó, hoà bình sẽ trở về với đất nước Angola, nhưng cuộc đấu tranh quân sự ở Namibia lại căng thẳng hơn, cộng đồng quốc tế quyết định giải quyết cùng một lúc hai vấn đề. Quá trình này tiếp tục cho đến khi Namibia giành được độc lập vào năm 1990. Một khi Namibia bước vào tiến trình hướng tới nền độc lập, thì rõ ràng là sự cáo chung của chế độ phân biệt chủng tộc ở Namibia sẽ có ảnh hưởng tới chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Vì thế, các sự kiện đã được liên kết lại với nhau.
Ủng hộ quốc tế
Nói về Liên Xô, nước ủng hộ quan trọng, thực tế là năm nào cũng có phái đoàn của ANC tới thăm Moskva và chúng tôi thường thảo luận với ban lãnh đạo Liên Xô. Năm 1989, chúng tôi tới Liên Xô trong một phái đoàn do Oliver Tambo dẫn đầu, ông đã gặp Gorbachev. Gorbachev giải thích những sự kiện đang diễn ra ở Liên Xô, liên quan đến perestroika và glasnost, tại sao lại cần làm những việc đó, ý nghĩa của chúng, và họ muốn đạt được điều gì. Trong bối ảnh đó, ông nêu ra vấn đề giải quyết các cuộc xung đột khu vực, và nói rằng đây là một trong những vấn đề mà họ đã thảo luận với người Mỹ. Ông nói rằng Nam Phi là một cuộc xung đột khu vực, vì, mặc dù nó là cuộc đấu tranh ở Nam Phi, nhưng nó cũng ảnh hưởng tới Angola, Botswana, Swaziland và các nước khác trong khu vực. Cơ sở duy nhất để giải quyết cuộc xung đột trong khu vực này là kết liễu hệ thống phân biệt chủng tộc. Về cơ bản, họ đã đồng ý với Mỹ rằng hệ thống phân biệt chủng tộc phải chết, và mỗi nước sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp đưa đến kết quả như thế. Vì vậy, Gorbachev nói rằng Liên Xô sẽ tiếp tục giúp đỡ ANC như họ đã từng giúp đỡ chúng tôi trước đây. Mỹ (đây là sau cuộc họp giữa George Shultz và Oliver Tambo) sẽ làm bất cứ việc gì có thể để kết liễu hệ thống phân biệt chủng tộc, phụ thuộc vào việc họ nghĩ họ có thể làm được gì.
Quan điểm của Liên Xô không thay đổi trong suốt giai đoạn Gorbachev còn nắm quyền. Sự khác biệt là, lúc đó Mỹ đã thay đổi quan điểm của mình. Mỹ đã thảo luận trực tiếp với ANC và đang tìm cách nhằm góp phần chấm dứt hệ thống phân biệt chủng tộc. Trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến năm 1990, phong trào chống phân biệt chủng tộc trên thế giới đã rất mạnh. Ví dụ, Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra đạo luật gọi là Luật chống phân biệt chủng tộc toàn diện (Comprehensive Anti-Apartheid Act), áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Nam Phi. Dự luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua, nhưng Reagan phủ quyết. Quốc hội bác bỏ quyền phủ quyết của Reagan, vì vậy, dự luật đã trở thành luật. Điều quan trọng là chiến dịch bác bỏ quyền phủ quyết của Reagan được dẫn dắt bởi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa – đặc biệt là hai ông Richard Lugar và Nancy Kassebaum - hai ông này nói rằng tổng thống đảng Cộng hòa sai và động viên Thượng viện bác bỏ quyền phủ quyết. Ngay cả chính phủ Mỹ cũng không thể chống lại Quốc hội Mỹ về vấn đề này.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đã trở thành phong trào mạnh mẽ trên toàn thế giới, và nó đã góp phần làm cho cuộc khủng hoảng của chế độ phân biệt chủng tộc ngày càng trầm trọng hơn. Còn có những cuộc đấu tranh to lớn của quần chúng, một trong bốn trụ cột mà tôi đã nói tới. Có nhiều hành động quân sự khác nhau ở trong nước. Rất nhiều cơ cấu của ANC ở Nam Phi đã được phục hồi. Mặc dù vẫn còn là tổ chức bất hợp pháp, ANC có thể hoạt động ở Nam Phi và lãnh đạo cuộc đấu tranh. Bình diện quốc tế, trụ cột thứ tư, cũng đã đạt mức trưởng thành nhất định.
Đến lúc này, đối với cuộc đấu tranh giải phóng Nam Phi, tất cả các lực lượng lớn, chống chế độ phân biệt chủng tộc đã chấp nhận sự lãnh đạo của ANC. Không quan trọng là người của công đoàn hay của Giáo hội hay của cộng đồng Hồi giáo, người trong phong trào học sinh, phong trào thanh niên, hay phụ nữ, các nhà lãnh đạo truyền thống, giới doanh nhân, v.v. tất cả những người phản đối hệ thống phân biệt chủng tộc đều chấp nhận sự lãnh đạo của ANC. Vì vậy, ANC có thể lãnh đạo bằng cách sử dụng cả các cơ cấu ở trong nước lẫn ban lãnh đạo ở bên ngoài.
Phong trào chống phân biệt chủng tộc toàn cầu cũng chấp nhận sự lãnh đạo của ANC. Vì vậy, khi ANC nói, ví dụ, “Chúng ta cần đẩy mạnh chiến dịch đòi thả tù chính trị”, nó đã dẫn đến chiến dịch đòi thả Mandela. Các chính phủ khác, như Thụy Điển và Na Uy, đã có quan điểm như thế từ rất sớm. Mỹ và Vương quốc Anh có quan điểm đó muộn hơn. Nhưng họ cũng nhận thức được rằng phải giải quyết với ANC.
ANC lãnh đạo chiến dịch này trên khắp thế giới, nhưng không có nhiều người của ANC ở bên ngoài Nam Phi. Việc huy động phong trào đoàn kết, tổ chức phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Anh hay Thụy Điển đã trở thành trách nhiệm của nhân dân các nước đó. Họ không cần tổ chức của ANC ở Thụy Điển để làm việc đó. Có người của ANC ở Thụy Điển, có thể từ sáu đến mười người, nhưng không hơn. Nhưng phần lớn công việc tổ chức chiến dịch là do người Thụy Điển làm, vì họ coi đấy là trách nhiệm của chính mình, họ không thể để hệ thống phân biệt chủng tộc tiếp tục tồn tại. Họ cảm thấy có trách nhiệm phải làm một cái gì đó.
Chúng tôi không có nhiều người của ANC ở bên ngoài, trừ lĩnh vực liên quan đến trụ cột là cuộc đấu tranh vũ trang. Cuộc đấu tranh vũ trang đòi hỏi rằng việc đào tạo và mua vũ khí phải được thực hiện ở nước ngoài. Vì thế, các cán bộ quân sự của ANC ở ngoài nước, nhưng phần lớn không bao giờ tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào. Nhưng cách làm như thế là thông điệp nói rằng ANC có khả năng tăng cường cuộc đấu tranh vũ trang.
Thiết lập cơ sở cho đối thoại và đàm phán
Các cuộc thảo luận giữa ANC và người da trắng trong xã hội Nam Phi, trong đó có các đảng viên Đảng Quốc gia đã bắt đầu như thế nào?
Đối với chúng tôi, rõ ràng là ANC phải tăng cường sự ủng hộ của nhân dân Nam Phi. Một phần của vấn đề là từ năm 1960, ANC đã bị cấm hoạt động và do đó, không thể tự mình lên tiếng. Chế độ phân biệt chủng tộc coi ANC là kẻ thù của mình. Họ nói rằng ANC là tổ chức khủng bố, là công cụ của Liên Xô, nước này muốn áp đặt chủ nghĩa cộng sản, v.v. Vì vậy, đấy là hình ảnh của ANC, nhất là trong số dân số da trắng ở trong nước.
Để tiến lên trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột này, điều quan trọng là phải làm cho tầng lớp trên cùng của xã hội hiểu được bản chất của cuộc xung đột ở Nam Phi và hiểu rằng đấy không phải là cuộc xung đột giữa chính phủ Nam Phi chống cộng, ủng hộ dân chủ và thân phương Tây với tổ chức khủng bố hay cộng sản.
Một trong những thay đổi quan trọng xảy ra khi tầng lớp trên của xã hội Nam Phi - người da trắng, các doanh nhân, giới trí thức, các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người trong giới truyền thông - hiểu ra rằng thay đổi đang đến và rằng Nam Phi không thể tiếp tục sống với hệ thống phân biệt chủng tộc. Sau khi Chase Manhattan từ chối gia hạn khoản vay, người da trắng Nam Phi, trong đó có các doanh nhân và giới trí thức, bắt đầu tới gặp ANC ở nước ngoài. Nhiều người có tiếng nói trong công luận ở trong cả nước đã từ bỏ quan điểm của chế độ phân biệt chủng tộc. Ngay cả những người da trắng Nam Phi cũng thách thức P. W. Botha và bắt đầu tới thăm ANC. Botha bắt đầu thấy rằng người dân trong nhóm cử tri ủng hộ Đảng Dân tộc của ông ta đang nói rằng chính sách cô lập và tiêu diệt ANC không có tác dụng và phải nói chuyện với ANC. Trong số những người da trắng ở Nam Phi, bóng bầu dục là môn thể thao rất quan trọng, và có cả những người đại diện cho môn bóng bầu dục của người da trắng đến thăm ANC. Đây là một cú sốc lớn đối với những người như P. W. Botha. Sự kiện không tránh được là Đảng Quốc gia tự nói: “Nếu chúng ta không bắt kịp tình hình, chúng ta tụt hậu”. Vì vậy, họ quyết định phải nói chuyện với ANC.
Một tổ chức quan trọng của người da trắng Nam Phi, gọi là Broederbond. Tôi đã gặp chủ tịch của Broederbond, tiến sĩ Pieter de Lange, năm 1987, ở New York, tôi thảo luận với ông suốt hai ngày. Broederbond là linh hồn của Đảng Quốc gia, và ông chủ tịch đã giải thích cho tôi những việc đang xảy ra lúc đó trong xã hội của người da trắng Nam Phi. Năm 1987, ông đã nói rõ rằng, nếu quá trình thay đổi ở Nam Phi không được khởi động trước năm 1990, thì chắc chắn là Nam Phi sẽ rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu, nhiều người sẽ chết. Để tránh thảm cảnh đó, chúng tôi phải chuyển động nhằm chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc.
Công ty khai thác vàng Gold Fields, lúc đó do người Anh nắm giữ, đã gặp Oliver Tambo ở London để thảo luận về Nam Phi. Gold Fields nói rằng quan điểm của họ là phải thay đổi, và rằng ANC và chính phủ phải nói chuyện với nhau. Oliver Tambo nói rằng đấy cũng là quan điểm của chúng tôi. Lúc đó Gold Fields hỏi liệu họ có thể sắp xếp để cho một số người da trắng Nam Phi bắt đầu thảo luận với ANC hay không, ANC đồng ý. Gold Fields sắp xếp để chúng tôi gặp gỡ những người da trắng Nam Phi thuộc Đảng Quốc gia, mà không có đại diện của chính phủ.
Chúng tôi bắt đầu một loạt cuộc họp với phái đoàn do Giáo sư Willie Esterhuyse thuộc trường Đại học Stellenbosch (University of Stellenbosch) lãnh đạo. Lúc đó, Esterhuyse là thành viên của Broederbond và rất thân cận với P. W. Botha. Ông lãnh đạo phái đoàn của người da trắng Nam Phi, còn tôi là lãnh đạo phái đoàn ANC. Từ năm 1987 đến năm 1990, chúng tôi đã có một số cuộc họp, do Gold Fields tổ chức. Trong lần gặp nhau thứ hai hay thứ ba, Esterhuyse nói với tôi rằng cuộc trao đổi của chúng tôi đã được P. W. Botha chấp thuận, và Botha đã yêu cầu Cục Tình báo Quốc gia giữ liên lạc với ông này. Vì vậy, trước khi Giáo sư Esterhuyse rời Nam Phi để đến gặp chúng tôi, ông đã gặp ngưởi của Cục Tình báo, những người này sẽ đề nghị ông nêu ra một số vấn đề mà họ muốn tìm hiểu. Ông nêu ra những câu hỏi này như thể chính ông nghĩ ra vậy. Và, khi ông trở về Nam Phi, ông sẽ báo cáo với Cục Tình báo và nói: “Vâng, chúng tôi đã họp về vấn đề mà các ông nói là tôi phải nêu ra. Đây là câu trả lời”, v.v.
Cho đến năm 1989, Đảng Quốc gia tìm mọi cách để có hiểu biết tốt nhất về ANC. Họ hiểu rằng trong suốt hơn 20 năm qua họ đã thể hiện ANC với gam màu rất tiêu cực, và đã tạo ra hình ảnh không chính xác về ANC. Họ muốn biết ANC nghĩa là gì và tổ chức này nghĩ gì về tương lai của Nam Phi. Họ cũng muốn biết phản ứng của chúng tôi trước các sự kiện đang diễn ra, ví dụ như sự phát triển ở Angola và Namibia. Họ làm như thế là để chuẩn bị tiếp xúc chính thức và trực tiếp giữa Đảng Quốc gia và Chính phủ với ANC, vì trước đó họ cũng đã nói chuyện với Nelson Mandela.
Quan hệ giữa người với người là quan trọng trong suốt các quá trình này. Kinh nghiệm của ông liên quan tới việc xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo Đảng Quốc gia và Chính phủ Nam phi là gì?
Những sự kiện diễn ra từ khoảng năm 1985 là quá trình tương tác giữa ban lãnh đạo ANC lưu vong và tầng lớp cao cấp trong xã hội da trắng ở Nam Phi – không chỉ có người da trắng, nhưng ở đây tôi chỉ nói về xã hội của người da trắng. Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với giới doanh nhân da trắng, với các nhà lãnh đạo tôn giáo da trắng, giới khoa bảng da trắng, các chuyên gia da trắng, các luật sư da trắng, v.v. và thậm chí là những người da trắng hoạt động trong lĩnh vực thể thao nữa. Trong khi vẫn sống lưu vong ở Lusaka, nhưng chúng tôi không còn cảm thấy là mình ở bên ngoài Nam Phi nữa, vì ngày nào chúng tôi cũng ngồi nói chuyện với những người Nam Phi khác. Ví dụ, chúng tôi thảo luận các vấn đề khác nhau với Giáo sư Esterhuyse và lúc đó, một người trong phái đoàn của họ có thể nói: “Để tôi nói cho ông nghe về bộ trưởng tài chính, ông ấy là người rất thú vị. Bây giờ các ông thấy Barend du Plessis (tháng 8 năm 1984 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng tài chính – ND) như thế này, như thế này”. Kết quả là khi một người nào đó gặp ông ta, thì đã phảng phất sự gần gũi rồi, đấy là do quá trình tương tác sâu rộng giữa chúng tôi mà ra.
Sự gần gũi đến mức mà tất cả chúng tôi đều cảm thấy rằng chúng tôi đã thực sự quen biết nhau, mặc dù chúng tôi chưa gặp nhau lần nào. Và trong một số trường hợp, trước khi về nước, chúng tôi thậm chí còn nói chuyện với một số nhà lãnh đạo da trắng qua điện thoại. Vì vậy, giữa chúng tôi đã không còn cảm giác quá xa cách nữa. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở Cape Town vào năm 1990. Họ biết tên chúng tôi và chúng tôi biết tên của họ, và hơn thế nữa, chúng tôi thậm chí còn biết một số điều gì đó về từng người một. Vì vậy, giao tiếp và nói chuyện không có khó khăn gì. Trước đó chúng tôi đã đàm phán với người của Cục Tình báo Quốc gia về danh sách chính trị phạm, v.v. Chúng tôi kết thúc các cuộc thảo luận và đi ăn tối cùng với nhau, và chúng tôi hỏi nhau de Klerk là người như thế nào, v.v. Vì vậy, khi gặp ông, thiết lập quan hệ cá nhân với ông không phải là việc khó.
Ông biết gì về những buổi thảo luận ở bên trong Nam Phi?
Nelson Mandela và Oliver Tambo có liên lạc với nhau. Vì vậy, chúng tôi đoán được Mandela thảo luận với chế độ về vấn đề gì. Nhưng mọi người đều hiểu rằng quyết định chính thức tham gia với chính phủ phải được đưa ra ở Lusaka, vì quyết định này phải được tất cả ban lãnh đạo đồng ý.
Năm 1989, Giáo sư Esterhuyse chuyển thông điệp từ Cục Tình báo Quốc gia nói rằng họ sẵn sàng gặp trực tiếp ANC. Vì vậy, chúng tôi đã gặp phái đoàn của Cục Tình báo Quốc gia ở Thụy Sĩ.
Lúc đó chúng tôi đang thảo luận yêu cầu mà ANC đã đưa ra trong suốt nhiều năm: Muốn có các cuộc đàm phán, trước hết họ phải tạo ra môi trường thuận lợi cho đàm phán. Có những câu hỏi về danh sách các chính trị phạm, vì chúng tôi nói rằng để chúng tôi đàm phán với chính phủ, thì phải thả ban lãnh đạo đang bị cầm tù, để họ có thể tham gia tiến trình đàm phán. Chúng tôi đã thảo luận về việc thả các chính trị phạm và bãi bỏ lệnh cấm các tổ chức chính trị như ANC, Đảng Cộng sản, tất cả các thành viên của những tổ chức này. Cần phải bãi bỏ lệnh cấm các tổ chức này để nhân dân có thể trở thành những người năng động về mặt chính trị. Đó là những việc chúng tôi đàm phán với nhóm này trong năm 1989. Lúc đó Botha đã rời khỏi chính phủ, de Klerk đã nắm được quyền lực. Đây là hai vấn đề chính: Thả các chính trị phạm và bãi bỏ lệnh cấm các tổ chức để có thể khởi động các cuộc đàm phán.
Chúng tôi lãnh đạo cộng đồng quốc tế trong những hoạt động chống chế độ phân biệt chủng tộc, và điều quan trọng là chúng tôi cũng lãnh đạo cộng đồng quốc tế về vấn đề đàm phán, coi đấy là hình thức mới của cuộc đấu tranh. Vì vậy, năm 1989, chúng tôi quyết định soạn thảo chính sách về đàm phán ở Nam Phi, thuyết phục các nước trong khu vực của chúng tôi ở miền Nam châu Phi và Tổ chức Thống nhất Châu Phi (OAU) đồng ý với chính sách đó và cuối cùng, tháng 12 năm 1989, trình Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UN). Vì vậy, Đại hội đồng đã thông qua quan điểm về các cuộc đàm phán ở Nam Phi.
Phần quan trọng của quyết định đó là các cuộc đàm phán phải để cho người Nam Phi tiến hành. Cụ thể là, chúng tôi tìm cách tránh những những sự kiện đã xảy ra ở Namibia. Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết 435, nói Namibia thuộc trách nhiệm của Liên Hợp Quốc, và do đó, quá trình giải quyết cuộc xung đột ở Namibia thuộc thẩm quyền của của Liên Hiệp Quốc. Họ bổ nhiệm Martti Ahtisaari làm người lãnh đạo quá trình chuyển đổi ôn hòa của Namibia tiến tới nền độc lập. Chúng tôi muốn tránh điều đó, vì sợ rằng với cách mà toàn thể cộng đồng thế giới đã tham gia vào cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng Nam Phi, khi chúng tôi tham gia đàm phán thì toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ muốn tham gia, và lúc đó chúng tôi sẽ thu được kết quả mà chúng tôi chưa hẳn đã muốn.
Vì vậy, chúng tôi đã nói: “Không, hãy để người Nam Phi tự giải quyết việc này, còn thế giới sẽ hỗ trợ”. Quá trình đàm phán ở Nam Phi từ 1990 trở đi, khi các cuộc đàm phán trực tiếp bắt đầu, nói chung, đã tuân theo những điều kiện đã được các bên thỏa thuận. Nó tạo điều kiện cho chúng tôi tạo ra kết quả của Nam Phi, chứ không phải là kết quả được áp đặt từ bên ngoài. Người Nam Phi ngồi hai bên bàn đàm phán, mà không có sự can thiệp từ bên ngoài, đấy là cái mà chúng ta muốn tránh. Ngay cả đối với vấn đề đàm phán, thế giới đã chấp nhận sự lãnh đạo của ANC, họ cũng đã chấp nhận sự lãnh đạo của ANC khi ANC nói rằng họ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt và tẩy chay Nam Phi. Thế giới đã phản ứng một cách tích cực.
Cuối năm 1989, ANC và chế độ đã đồng ý rằng những tổ chức chính trị bị cấm sẽ không bị cấm nữa, các chính trị phạm, trong đó có Mandela, sẽ được thả và các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu ở bên trong Nam Phi.
Huy động xã hội
Xây dựng được tổ chức tập hợp được các phong trào xã hội, sinh viên, công nhân, phụ nữ và các nhóm chính trị là thành tựu lớn của ANC. Bài học của ANC và Nam Phi trong việc xây dựng liên minh lớn các lực lượng chính trị và xã hội là gì?
ANC bị cấm hoạt động vào năm 1960, sau đó là chiến dịch đàn áp rất mãnh liệt và dữ dội, kể cả bắt giữ và sát hại những người đang bị giam giữ. Nelson Mandela bị bắt, cũng như cha tôi và những người khác bị đưa ra tòa án ở Rivonia, như là một phần của chiến dịch đàn áp này.
Một trong những hậu quả là ở trong nước, ANC trở thành tổ chức quá yếu. Vì chiến dịch này mà ở bên trong Nam Phi, ANC hầu như không còn cơ sở nào, nhưng cơ sở đảng ở ngoại quốc thì vẫn còn. Vì vậy, giai đoạn từ khoảng năm 1962 đến năm 1973, ở Nam Phi, ANC hoạt động không hiệu quả. Các cơ sở của nó đã bị phá hủy, người thì bị bắt tù, phải sống lưu vong, v.v. Đây là giai đoạn cực kì xấu trong cuộc đấu tranh của chúng tôi, vì lúc đó mọi người đã giải tán hết. Không có các cuộc bãi khóa nào của học sinh sinh viên, không có cuộc đình công nào của công nhân, không có hoạt động nào, cuộc đấu tranh chính trị đã chấm dứt.
Rồi, khoảng năm 1973, cuộc đấu tranh của quần chúng trong nước lại tiếp tục.
Xin cho biết quan hệ giữa các phong trào chính trị và phong trào xã hội?
Cuối những năm 1960, phong trào sinh viên đã được tổ chức lại và tái xuất hiện trong xã hội vào đầu những năm 1970, như là các nhà hoạt động - chống phân biệt chủng tộc, vì tiến bộ, vì giải phóng, v.v. Nhiều sinh viên đã từng hoạt động cùng với chúng tôi trong Đoàn thanh niên ANC, nhưng trong giai đoạn đặc biệt này, họ phải ngậm miệng, nhưng vẫn có nhiều sinh viên tái xuất hiện. Vì vậy, trong khi các cơ sở của ANC bị xóa sổ thì vẫn còn những thành viên ANC ở trong nước, đây là những người tham gia vào quá trình tái động viên nhân dân, bắt đầu với học sinh, sinh viên và công nhân, rồi đến những người có đạo, v.v.
Từ khoảng năm 1973, phong trào quần chúng lại xuất hiện, và nó xảy ra đồng thời với quá trình xây dựng lại các cơ sở của ANC ở trong nước. Những năm 1980, ANC vẫn hoạt động bất hợp pháp, đã thu được nhiều thành công hơn trong việc tái lập các cơ sở ở trong nước hơn là thập kỉ trước đó. Vì vậy, khi bàn đến các cuộc đàm phán và phải làm gì với các phong trào dân chủ của quần chúng, thì hệ thống thiết chế giữa ANC và các tổ chức ở trong nước – các tổ chức công đoàn, những người có đạo, những người hoạt động trong lĩnh vực thể thao, giới khoa bảng, các phương tiện truyền thông và chính phủ - đã có sẵn rồi.
Chúng tôi soạn thảo Tuyên bố Harare ở Zimbabwe, văn kiện nói về các cuộc đàm phán, và sau đó đưa nó đến tất cả khu vực ở miền Nam châu Phi của chúng tôi, nói chuyện với tất cả những người đứng đầu nhà nước và đứng đầu chính phủ: “Xin coi đây, chúng ta phải lập kế hoạch cho những cuộc đàm phán này, bởi vì sắp tới rồi và đây là những việc chúng tôi đề xuất”, và họ đồng ý. Chúng tôi tới hội nghị của Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) bởi vì chúng tôi phải đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của OAU để cả lục địa này cùng ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi đưa tới hội nghị Harare, đại diện của các tổ chức công đoàn của Nam Phi, đưa tới những người có đạo, đại diện của phong trào phụ nữ và thanh niên. Chúng tôi có phái đoàn từ trong nước tham gia khi chúng tôi gặp OAU ở Harare để thỏa thuận chương trình và kế hoạch đàm phán. Các phong trào quần chúng trong nước tham gia vào quyết định. Vì vậy, khi phái đoàn trở về nước, họ cũng nói như ANC: “Tất cả chúng ta cùng tham gia lực lượng và chúng tôi đã trình bày quan điểm về các cuộc đàm phán”. Vì vậy, nó đã trở thành quan điểm của cả phong trào, chứ không chỉ là quan điểm của ANC.
Xây dựng liên minh
Khi các cuộc đàm phán được khởi động vào năm 1990, sức mạnh chính trị của ANC đã đủ để đảm bảo rằng tất cả các lĩnh vực đều cảm thấy có đại diện? Một số phong trào của người da đen, không chỉ có Đảng Tự do Inkatha, đã không đồng ý với ANC. Chiến lược của ông nhằm đưa tất cả các nhóm vào là gì?
Sẽ là sai lầm nếu ANC đơn thương độc mã giải quyết những vấn quan trọng chiến lược như có nên tham gia đàm phán không, và tham gia đàm phán với chế độ như thế nào. Quan trọng là phải đảm bảo rằng phong trào dân chủ rộng lớn là một bên tham gia quyết định. Đó là lí do vì sao chúng tôi tới Harare cùng với tuyên bố. Trong quá trình đàm phán, phải đảm bảo rằng chúng tôi giữ được phong trào rộng rãi đó tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh. Đấy là việc thứ nhất. Việc thứ hai là có các tổ chức da đen khác, nằm bên ngoài ANC, họ không phải là một phần của phong trào rộng lớn vừa nói; đấy là những tổ chức nhỏ, nhưng chúng tôi không muốn bỏ qua những tổ chức này, vì bản chất mang tính chiến lược của quyết định tham gia thương lượng là để tạo ra một nước Nam Phi mới. Để nước Nam Phi mới là đất nước của càng nhiều người Nam Phi thì càng tốt, quá trình tham gia càng rộng lớn thì càng tốt. Chúng tôi biết cách giải quyết trong nội bộ và với phong trào dân chủ rộng lớn, nhưng có những tổ chức khác như Đại hội Đại Phi châu, Tổ chức Nhân dân Azan và những khu vực gọi là Bantustans khác nhau (những khu vực mà chế độ phân biệt chủng tộc cách li một số nhóm dân da đen – ND). Trong quá trình đấu tranh, chúng tôi đã liên kết với một số ban lãnh đạo trong các Bantustans để tìm cách đưa họ ra khỏi chế độ phân biệt chủng tộc và kéo về phía chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi nói rằng chúng tôi cần kéo tất cả các lực lượng đó sang phía mình.
Chúng tôi mời tất cả tới tham dự hội nghị để thiết lập mặt trận thống nhất. Chúng tôi cần đảm bảo rằng các tổ chức này, dù nhỏ như đã thấy, nhưng là những tổ chức đại diện của một số cử tri da đen, đều tham gia vào tiến trình. Họ đến hội nghị, và chúng tôi thảo luận về mặt trận thống nhất và các nguyên tắc của nó, những mục tiêu chung,v.v. Sau đó, khi chúng tôi tham gia các cuộc đàm phán thực tế, chúng tôi khẳng định rằng đây không chỉ là những cuộc đàm phán giữa ANC và Đảng Quốc gia hoặc ANC và chính phủ; phải bao gồm tất cả mọi người. Cuối cùng, tôi nghĩ chúng tôi có 19 tổ chức chính trị tham gia. Chúng tôi tìm cách đảm bảo rằng lúc nào chúng tôi cũng mang theo đa số người dân của đất nước, thậm chí cả những người nằm trong tổ chức chính trị bên ngoài ANC.
Tiến trình và cơ chế đàm phán
Khi bắt đầu đàm phán, đâu là những vấn đề chính trong cuộc tranh luận, dẫn tới bản hiến pháp tạm thời và các ông đi theo những thủ tục nào? Các nước đang và sẽ tham gia tiến trình này trong tương lai học được những bài học nào từ quá trình xây dựng hiến pháp?
Khi chuẩn bị Tuyên bố Harare, trước hết, chúng tôi tham khảo ý kiến những người đứng đầu nhà nước và đứng đầu chính phủ trong khu vực phía Nam châu Phi rồi mới mang tới OAU. Một trong những cuộc tham vấn mà chúng tôi tiến hành trong khu vực là với Julius Nyerere [Tổng thống Tanzania giai đoạn 1964-1985]. Đề xuất của chúng tôi lúc đó là Hội đồng Lập hiến dân cử sẽ phải soạn thảo hiến pháp. Julius Nyerere tham gia với chúng tôi về vấn đề đó. Ông nói rằng chúng tôi chưa đánh bại được Đảng Quốc gia, và họ cũng chưa đánh bại được chúng tôi. Tuy nhiên, trong đề xuất của chúng tôi về Hội đồng Lập hiến dân cử, chúng tôi đã tìm cách áp đặt giải pháp của người chiến thắng cho phía bên kia, vì khi tổ chức bầu cử ở Nam Phi thì chắc chắn là ANC sẽ thắng. Vì vậy, trên thực tế, điều chúng tôi nói là: “Hãy tổ chức bầu cử để chứng tỏ rằng các ông bạn là những người dân chủ”. Nhưng trên thực tế, chúng tôi sẽ giành cho mình độc quyền trong việc quyết định bản hiến pháp của Nam Phi. Ông ấy hỏi tại sao chúng tôi lại nghĩ phía bên kia chấp nhận việc đó. Vì vậy, ông đề xuất là ANC và những người ủng hộ nó và Đảng Quốc gia và những người ủng hộ nó, tập hợp lại và soạn thảo những nguyên tắc của hiến pháp. Chúng tôi phải đàm phán với họ, vì không bên nào đánh bại được bên nào. Sau đó, chúng tôi có thể bầu Hội đồng Lập hiến, nhưng cơ quan này phải soạn thảo hiến pháp trong khuôn khổ của những nguyên tắc hiến pháp đã được thỏa thuận này. Làm như thế, Đảng Quốc gia sẽ được đảm bảo rằng các quan điểm cơ bản của họ trong bản hiến pháp mới - do những người ủng hộ chúng tôi bầu ra soạn thảo - sẽ được hướng dẫn bởi những nguyên tắc đã được thỏa thuận.
Cơ chế cải cách hiến pháp
Việc đầu tiên chúng tôi làm trong những cuộc đàm phán liên quan đến hiến pháp là thỏa thuận về các nguyên tắc. Bản dự thảo hiến pháp tạm thời phải phù hợp với những nguyên tắc đã được thỏa thuận. Sau đó đến cuộc bầu cử năm 1994 và chúng tôi thỏa thuận rằng Nghị viện được bầu một cách dân chủ năm 1994 sẽ làm công việc của Hội đồng Lập hiến. Là cơ quan dân cử, khi soạn thảo bản hiến pháp cuối cùng, nó cũng phải tuân theo các nguyên tắc tương tự. Bản hiến pháp cuối cùng phải tuân thủ những nguyên tắc đã được thỏa thuận ngay từ đầu để soạn thảo bản hiến pháp tạm thời. Vì vậy, về các nguyên tắc và cốt lõi của chế độ dân chủ, nền chính trị đa đảng, phân chia quyền lực, tuyên ngôn nhân quyền, sự độc lập của hệ thống tư pháp, tất cả những khoản đó, đều không thể thay đổi, ngay cả khi đã có Hội đồng Lập hiến dân cử.
Đây là điểm quan trọng, vì Julius Nyerere khẳng định rằng Nam Phi là xã hội bị chia rẽ quá sâu sắc, chia rẽ theo đủ mọi kiểu, chia rẽ theo chủng tộc, chênh lệch về của cải, v.v. Nhưng khi bạn soạn thảo bản hiến pháp, bạn soạn nó cho cả nước. Điều quan trọng là bản hiến pháp là của toàn thể người dân Nam Phi, và do đó, quá trình soạn thảo hiến pháp phải là dung hợp.
Tất nhiên, trong các cuộc bầu cử, một đảng sẽ thắng, còn đảng kia thua. Nhưng không thể dự thảo bản hiến pháp trên cơ sở đa số và thiểu số. Ngay cả phe thiểu số cũng phải có cảm giác về quyền sở hữu bản hiến pháp. Vì thế, phải đàm phán các nguyên tắc điều chỉnh quá trình soạn thảo hiến pháp. Những nguyên tắc này phải được dự thảo và được tất cả mọi người thỏa thuận, trong đó có những người đại diện cho phe thiểu số.
Vì vậy, không có sự khác biệt đáng kể giữa bản hiến pháp tạm thời và bản hiến pháp cuối cùng, ngoại việc bản hiến pháp tạm thời là do một nhóm người không do dân bầu soạn thảo. Đấy là những người đại diện của các đảng. Bản hiến pháp cuối cùng được thương thuyết bởi cơ quan dân cử. Cho đến hôm nay, người Nam Phi không tranh chấp về hiến pháp. Tất cả mọi người đều đồng ý.
Những bước thụt lùi
Có sự gián đoạn nghiêm trọng trong các cuộc đàm phán. Sự khác biệt chính là gì? Có bất đồng về quy tắc đa số?
Vấn đề bạo lực ở trong nước đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán. ANC nói rằng chúng tôi không thể tiếp tục đàm phán trong những điều kiện khi có rất nhiều người bị giết. Khi chúng tôi quay lại đàm phán, một trong những vấn đề xuất hiện lúc đó là chúng tôi cần tìm cách đàm phán sao cho có thể tăng tốc tiến trình mà không làm thay đổi bản chất của nó.
Cơ chế cải cách hiến pháp
Cùng với việc chấp bút bản hiến pháp mới, ông quyết định thành lập Tòa Bảo Hiến, cơ quan này sẽ giám sát việc áp dụng những nguyên tắc của hiến pháp. Tại sao đấy lại là ưu tiên?
Đã có quyết định rằng, mặc dù đã có cơ quan dân chủ, dân cử, có tất cả quyền hành trong việc soạn thảo hiến pháp, bản hiến pháp cuối cùng phải được trình cho Toà Bảo Hiến. Lúc đó Tòa Bảo Hiến có thể xác định liệu các điều khoản trong bản hiến pháp có phù hợp với những nguyên tắc của hiến pháp hay không. Nếu có những quy định trong hiến pháp không phù hợp với các nguyên tắc đã được thảo thuận, Hội đồng Lập hiến sẽ phải họp lại để sửa, vì quan trọng là phải tôn trọng những nguyên tắc hiến pháp đã được thỏa thuận. Mặc dù ANC nắm đa số trong cơ quan dân cử, nhưng không có nghĩa là ANC có thể sử dụng quyền của mình nhằm áp đặt điều gì đó bên ngoài những nguyên tắc đó lên nhóm thiểu số. Cho nên, thỏa thuận là cơ quan dân cử này sẽ viết xong bản hiến pháp, nhưng sau đó sẽ đưa lên Tòa Bảo Hiến để quyết định xem liệu nó phù hợp với các nguyên tắc đã được thỏa thuận hay không.
Công lí và hòa giải
Các nguyên tắc đã thỏa thuận được áp dụng như thế nào đối với vấn đề ân xá và quyền con người, và những người khác có thể học được những bài học nào?
Ở Nam Phi, bên này không đánh bại bên kia, vì vậy, không có người chiến thắng áp đặt công lí của kẻ thắng lên người thua. Tuy nhiên, vấn đề công lí thì vẫn phải giải quyết, không thể lờ đi những việc làm sai trái đã diễn ra trong cuộc đấu tranh. Chúng tôi phải thương lượng chuyện đó.
Trong xã hội phân chia theo sắc tộc của chúng tôi, dù đã có các nguyên tắc cơ bản đó, sự kiện là sự phân chia này trở thành sự phân chia giữa thiểu số người da trắng và đa số người da đen. Chúng tôi nói rằng chúng tôi muốn xây dựng đất nước Nam Phi phi chủng tộc. Để làm việc đó, cần có sự hòa hợp giữa người da đen và người da trắng. ANC có thể nói rằng F. W. de Klerk và một số người khác đã phạm tội và chúng tôi sẽ đưa họ ra tòa. Nhưng đây là những nhà lãnh đạo của cả một cộng đồng, cộng đồng này lúc đó sẽ cảm thấy rằng họ không có chỗ trong chế độ dân chủ mới này, vì chúng tôi đã bỏ tù các nhà lãnh đạo của họ.
Cuối cùng, thậm chí còn có tính thực dụng hơn, đấy là Lực lượng Quốc phòng của Nam Phi nằm dưới quyền chỉ huy của các viên tướng da trắng, do chế độ phân biệt chủng tộc bổ nhiệm. Cảnh sát cũng thế. Lãnh đạo của cơ quan hành chính cũng thế. Các doanh nghiệp nằm trong tay người trắng. Vì vậy, trong khi ANC đại diện cho đa số, thì nhiều trung tâm quyền lực lại nằm ở những nơi khác. Vì vậy, muốn công cuộc chuyển hóa dân chủ thành công, cần đưa cả những người này vào tiến trình. Bạn không thể nói hai thứ khác nhau cùng một lúc. Chúng tôi không thể nói, chúng tôi muốn người da trắng tham gia với chúng tôi để chúng ta có thể cùng nhau xây dựng chế độ dân chủ, đồng thời lại bắt giam họ. Chúng tôi phải tìm ra cách giải quyết vấn đề này.
Giải pháp của Nam Phi, mà chúng tôi học được từ Chile, là TRC (Ủy ban Công lí và Hòa giải). Nếu người ta nói toàn bộ sự thật và chỉ có sự thật, thì họ có thể được ân xá. Những người không nói rõ sự thật có thể vẫn bị đưa ra tòa. Vì vậy, lúc đó các nạn nhân có thể biết những chuyện đã xảy ra với người thân của mình, nơi họ được chôn cất, cho nên họ có thể được khai quật và chôn cất một cách phù hợp, và họ có thể được người ta xin lỗi. Chúng tôi nói các thủ phạm: “Ông đã nói sự thật và xin lỗi và ông đã xám hối, cam đoan không lặp lại những tội ác này”. Rồi chúng tôi ân xá.
Có một số người da trắng bị truy tố về những tội ác mà họ đã phạm và đang chấp hành hình phạt, v.v., bởi vì một số người xin ân xá nhưng bị bác và bị buộc tội. Một số người thậm chí còn không xin ân xá, vì biết rằng họ không thể thoát được. Nhưng chúng tôi phải tìm được sự cân bằng giữa vấn đề công lí và quá trình chuyển hóa ôn hoà sang chế độ dân chủ ở Nam Phi. Muốn có công cuộc chuyển hóa ôn hoà sang chế độ dân chủ ở Nam Phi, chúng tôi phải đảm bảo rằng sẽ mang theo những người có thể đã phạm tội ác chống lại loài người. Nếu lúc đó chúng tôi nói không, chúng tôi sẽ đưa họ ra tòa, thì phải sẵn sàng tiếp tục chiến tranh. Vì vậy chúng tôi phải quyết định.
Hòa hợp dân tộc
Ông đã nhắc đến hai sáng kiến chính: Bản hiến pháp cuối cùng và TRC. Còn cái gì nữa cũng góp phần củng cố chế độ dân chủ sau khi ANC giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1994?
Trong quá trình đàm phán, chúng tôi phát hiện ra rằng có một số vấn đề chúng tôi cho là sẽ dễ giải quyết, nhưng hóa ra lại trở thành khó trong đàm phán. Chế độ của nhóm người thiểu số ở Nam Phi đã tồn tại khá lâu, trong chế độ của Đảng Quốc gia, từ năm 1948. Họ đã quen độc quyền thực thi quyền lực và họ đã lạm dụng quyền lực của thiểu số người da trắng để áp bức. Vì vậy, chúng tôi kết luận rằng, thiểu số da trắng đang sợ. Bây giờ, khi chúng ta có hệ thống dân chủ, rõ ràng là ANC sẽ thắng. Làm sao họ biết chúng tôi sẽ không làm những việc tương tự như thế với họ, không làm những việc mà họ đã làm với chúng ta? Vì vậy, họ sợ chế độ dân chủ.
Chúng tôi đặt mình vào vị trí của họ và hiểu rằng chúng tôi cũng sẽ sợ như thế. Biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này là thừa nhận rằng phải là chế độ dân chủ, nhưng không có nghĩa là họ sẽ mất hết quyền lực; dù kết quả bầu cử có như thế nào thì, họ sẽ vẫn có chân trong chính phủ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị thành lập Chính phủ Thống nhất Quốc gia. Chúng tôi nói rằng thậm chí nếu ANC được 98% phiếu bầu, chúng tôi sẽ đồng ý rằng Đảng Quốc gia phải tiếp tục phục vụ trong chính phủ, vì vậy chúng tôi sẽ thành lập Chính phủ Thống nhất Quốc gia để họ có thể tiếp tục sử dụng quyền lực. Sáng kiến này làm họ vô cùng ngạc nhiên. Chính phủ Thống nhất Quốc gia được thành lập vào năm 1994 như thế đấy.
Điều này là quan trọng, vì nó cho người ta biết tư duy về quyền của ANC. Tất cả các vấn đề về hòa giải và thống nhất quốc gia xuất phát từ nhu cầu đảm bảo rằng cái xã hội bị phân chia và rạn nứt quá đáng này, đã tồn tại như thế trong suốt 350 năm qua, có thể tìm được cách nhằm tái tạo Nam Phi và xây dựng một quốc gia mới. Cần phải có hòa giải dân tộc. Vì vậy, ví dụ, có thể thấy điều khoản có thể gây nhiều tranh cãi trong bản hiến pháp của Nam Phi. Nó được gọi Điều khoản về Sở hữu. Điểu khoản này khẳng định rằng nhà nước không có quyền tước đoat tài sản của bất cứ người nào mà không có lí do hợp lí và bồi thường. Người thiểu số da trắng biết rằng họ đã lấy đất của người bản địa và bây giờ họ lo ngại rằng chính phủ sẽ tước đoạt đất đai và nhà máy của họ. Chúng tôi phải đưa ra thông điệp như là một phần của quá trình xây dựng đất nước Nam Phi thống nhất mới, một thông điệp giải quyết được cái gọi là “nỗi sợ của người da trắng”.
Việc theo đuổi mục tiêu hòa giải dân tộc và thống nhất quốc gia là trọng tâm của Nelson Mandela trong nhiệm kì tổng thống duy nhất của ông. Ông rất ít khi tham gia các cuộc họp nội các, vì ông nghĩ rằng trong khi những người khác trong số chúng tôi tham gia giải quyết các vấn đề thực tế trong việc quản lí đất nước, thì ông phải tiếp tục với thông điệp hòa giải dân tộc và thống nhất quốc gia. Các TRC trở thành một phần quan trọng của quá trình đó, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất.
Quản lý kinh tế để phát triển
Vấn đề quan trọng thứ hai liên quan tới cái xã hội bị chia rẽ này là nạn nghèo đói. Rõ ràng là chúng tôi phải chăm lo đến nạn đói nghèo một cách nhanh chóng nhất, và rõ ràng là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề này sao cho nó có tác động ngay lập tức là thông qua nhà nước. Giảm nghèo có nghĩa là tạo ra việc làm, nhiều người có việc làm, v.v. đúng như thế. Nhưng nếu chúng tôi nói: “Chúng ta sẽ phát triển nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn, v.v. và sẽ giải quyết được vấn đề đói nghèo” và dừng lại ở đó, thì sẽ chẳng có tác dụng gì. Chúng tôi phải tạo ra mạng lưới an sinh xã hội. Bằng cách đó, ít nhất cũng có thể giải quyết những người nghèo nhất để họ có cảm giác rằng cuộc sống của họ đang được cải thiện.
Có một vấn đề liên quan đến hệ thống phân biệt chủng tộc. Đấy là khi cuộc khủng hoảng của chế độ phân biệt chủng tộc ngày càng tồi tệ thêm, chế độ - ngoài việc chi rất nhiều tiền cho quân đội và cảnh sát để đàn áp và giữ quyền lực – còn nghĩ rằng họ có thể mua chuộc được người dân. Vì vậy, họ vội vàng tìm những khoản tiền, ví dụ, để chi tiêu trong các khu Bantustans, và họ sử dụng nhiều người hơn trong các cơ quan hành chính, v.v. Kết quả là, khi chúng tôi nắm được chính phủ vào năm 1994, thâm hụt ngân sách trên 10%. Chúng tôi quyết định rằng không thể tiếp tục thâm hụt ngân sách cao như thế, nhất khi chúng tôi cần dựa vào nhà nước để thiết lập ngay lập tức mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo. Nếu để cho thiếu hụt ngân sách tiếp tục gia tăng, thì cuối cùng, chúng tôi sẽ phải trả cho các ngân hàng số tiền mà chúng tôi cần để cung cấp nước sạch và xây dựng trường học và phòng khám bệnh. Vì vậy, chúng tôi cần phải cắt giảm thiếu hụt ngân sách và quản lí nó một cách phù hợp. Đó là một trong những việc khó khăn nhất mà chúng tôi phải làm, vì, tất nhiên là quan điểm phổ biến là chúng tôi phải phát hành trái phiếu, nhưng chúng tôi cảm thấy rằng biện pháp đó sẽ phá hủy nền kinh tế.
Nó trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi. Hôm nay, người ta nói rằng chúng tôi đã quyết định sai, nhưng đó là quyết định đúng. Kết quả là, chúng tôi đã có thể cắt giảm thâm hụt ngân sách, và cách làm đó đã thực sự tạo ra nhiều nguồn lực hơn cho mạng lưới an sinh xã hội. Chính phủ vẫn có thể thực thi chương trình nhà ở công cộng rất rộng lớn, đặc biệt ở khu vực đô thị và cả ở các vùng nông thôn nữa. Chúng tôi giải quyết vấn đề tiếp cận với nước sạch, điện khí hóa và tiếp cận với các dịch vụ y tế và giáo dục. Chúng tôi không phải tăng thuế để trả những khoản nợ công to lớn. Đó là sự can thiệp có tầm quan trọng, vì nghèo đói và bất bình đẳng ở Nam Phi được định nghĩa bằng những thuật ngữ mang tính chủng tộc. Cho nên, bất bình đẳng liên quan đến chủng tộc, và vì thế, xung đột liên quan trực tiếp đến vấn đề liệu có thể đạt được sự hòa giải dân tộc nào đó hay không. Không chỉ là vấn đề chính trị đơn thuần khi nói: “Là một dân tộc, xin hãy quên quá khứ đi” và những câu kiểu như thế. Chúng tôi còn phải chỉ ra những thay đổi trong cuộc sống của những người dân mà trong chế độ phân biệt chủng tộc đã từng là những người bất mãn và bị thiệt thòi.
Vấn đề thứ ba là tái thiết nền kinh tế Nam Phi, lúc đó đã là thách thức và hiện nay vẫn còn đang là thách thức. Trước đây, nền kinh tế Nam Phi phụ thuộc quá nhiều vào khoáng sản. Rồi, vấn đề đất đai, vì các mô hình sở hữu đất đai ở Nam Phi cho đến ngày nay vẫn giữ những đặc điểm đã hình thành trong giai đoạn thuộc địa. Để giải quyết vấn đề tái phân phối đất đai mà không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp là thách thức còn lại. Nhưng đó là một phần của những việc chúng tôi phải giải quyết trong giai đoạn đầu.
Thiết lập chương trình nghị sự cho cải cách
Vấn đề tiếp theo phải làm với bộ máy của nhà nước. Chúng tôi không làm cách mạng, chúng tôi có một cuộc chuyển hóa qua thương lượng. Vì vậy, chúng tôi thừa hưởng các cơ cấu của nhà nước hiện có, với các nhân viên, với các quy tắc và quy định, với truyền thống, v.v. Chúng tôi muốn chuyển hóa các thiết chế này để chúng có thể phục vụ nhà nước dân chủ. Không phải dễ, nhưng cần phải làm. Chúng tôi thừa hưởng bộ máy nhà nước đang hoạt động, bắt đầu với nội các. Khi chúng tôi vào nội các, chúng tôi tiến hành những cuộc họp nội các theo cách mà họ đã làm trong giai đoạn phân biệt chủng tộc. Thư ký nội các giữ hồ sơ cũng là người đã phục vụ trong giai đoạn phân biệt chủng tộc. Như vậy là, chúng tôi thừa hưởng hệ thống đang hoạt động mà chúng tôi phải thay đổi cùng với thời gian.
Vấn đề cuối cùng mà tôi sẽ nói là hệ thống quan hệ quốc tế. Chúng tôi xuất phát từ giai đoạn khi Nam Phi bị mọi người xa lánh, bị phần còn lại của thế giới cô lập. Khi tiếp quản, chúng tôi phải xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế mới giữa Nam Phi và phần còn lại của lục địa này và giữa Nam Phi và phần còn lại của thế giới.
Các cuộc đàm phán chính thức giữa ANC và chính phủ bắt đầu vào năm 1990 và kết thúc vào năm 1994. Giai đoạn này tạo cho ANC cơ hội để suy nghĩ về việc phải quản lí Nam Phi như thế nào khi nó trở thành đất nước dân chủ và chúng tôi muốn có những chương trình nào. Đó không phải là vấn đề chỉ mới xuất hiện vì chúng tôi phải soạn thảo bản tuyên ngôn về cuộc bầu cử năm 1994. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận và diễn ra không chỉ bên trong ANC. Cuộc thảo luận về những sự kiện sẽ tới với Nam Phi sau giải phóng phải diễn ra trong phong trào dân chủ rộng lớn hơn. Hai văn kiện đặc biệt đã được thông qua. Một văn kiện có tên là Sẵn sàng cai trị (Ready to Govern), còn văn kiện kia là Chương trình phát triển và tái thiết (Reconstruction and Development Programme).
Khi nắm chính quyền, chúng tôi đã hiểu rõ về nơi mình muốn tới. Nếu nắm chính quyền mà không làm công việc chuẩn bị, thì tôi nghĩ chúng tôi sẽ gặp rắc rối trong việc xây dựng cách tiếp cận nhất quán đối với việc giải quyết các vấn đề về đói nghèo, hòa giải, tái thiết nhà nước,v.v. Chúng tôi đã có thời gian để chuẩn bị. Trong khi đàm phán, chúng tôi cũng đã làm công việc quan trọng này.
Cải cách lực lượng an ninh
Cải cách ngành an ninh là vấn đề cực kì quan trọng trong quá trình chuyển hóa. Đã từng có nguy cơ đảo chính quân sự hay không? De Klerk nói rằng khi tiếp nhận quyền lực từ tay Botha, ông đã quyết định xóa bỏ quyền lực của Hội đồng An ninh Quốc gia. Làm sao ông xây dựng được lực lượng cảnh sát và hệ thống tình báo gần gũi hơn với nhân dân và có ích cho chế độ dân chủ?
Chúng tôi thừa hưởng cơ quan quản lí nhà nước đang hoạt động, được xây dựng để thực hiện những mục tiêu của chế độ phân biệt chủng tộc, nhưng nó hoạt động phù hợp với hiến pháp. Quân đội Nam Phi và cảnh sát, trong chế độ phân biệt chủng tộc, được đào tạo và giáo dục phải trung thành với hiến pháp và chính phủ lúc đó. Do đó, họ tiếp tục trung thành khi chúng tôi có chính phủ mới và bản hiến pháp mới. Tôi không nghĩ rằng đã từng có nguy cơ đảo chính quân sự là vì thế. Có những sĩ quan trong quân đội và cảnh sát phản đối thay đổi, nhưng họ không có khả năng huy động toàn bộ lực lượng quân sự hay cảnh sát trên khắp nước Nam Phi. Những thành phần trong quân đội và cảnh sát phản đối thay đổi đã hành động ở bên ngoài quân đội và cảnh sát nhằm làm cho tình hình bất ổn bằng cách cho nổ bom và giết người. Họ tự ý hành động và xuất hiện như những người Nam Phi da trắng cánh hữu.
De Klerk đúng khi nói rằng đã xóa bỏ một hệ thống đặc biệt, cơ sở hạ tầng của bộ máy an ninh quốc gia cùng với Hội đồng An ninh Quốc gia, đấy thực sự là cơ quan chính phủ cao nhất vì nhà nước từng bị đe dọa. Hội đồng An ninh Quốc gia thực sự quản lí mọi thứ. Ông đã đóng cửa cơ quan này và trả lại quyền lực chính trị về cho nội các. Tuy nhiên, có nguy cơ là những người từ những tổ chức này sẽ lập ra những nhóm phản cách mạng hữu khuynh, có vũ trang nhằm làm cho đất nước rơi vào tình trạng bất ổn.
Khi chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi sẽ có một nước Nam Phi dân chủ, và rằng chúng tôi phải thay đổi lực lượng cảnh sát và quân đội, các quân nhân của chúng tôi đã gặp các lực lượng quân sự của chế độ phân biệt chủng tộc và thỏa thuận chương trình. Các quân nhân của chúng tôi trở thành một phần của quân đội mới, người của chúng tôi cũng tham gia lực lượng cảnh sát và tình báo. Chúng tôi đã tiến hành quá trình chuyển hóa bằng biện pháp có tính dung hợp. Chúng tôi giữ lại những người đứng đầu lực lượng quốc phòng, cảnh sát, và thống đốc Ngân hàng Trung ương đang làm cho chế độ phân biệt chủng tộc. Chúng tôi lập tức thay người đứng đầu cơ quan tình báo. Chúng tôi giữ lại nhiều người nắm các vị trí chủ chốt trong ba đến bốn năm và sau đó mới thay.
Chia sẻ quyền lực
Tại sao de Klerk rút khỏi chức phó tổng thống Chính phủ Thống nhất Quốc gia? Ông có ngạc nhiên không? Nó có ảnh hưởng gì đối với giai đoạn còn lại của chính phủ chuyển tiếp?
Chúng tôi không nghĩ rằng de Klerk sẽ ra khỏi Chính phủ Thống nhất Quốc gia và phản đối chính phủ. Đảng Quốc gia lúc đó tự đổi tên thành Đảng Quốc gia Mới và nằm trong thành phần của chính phủ. Chương trình Tái thiết và Phát triển, được ANC và phong trào dân chủ rộng lớn thông qua, trước cuộc bầu cử, đã trở thành tuyên ngôn bầu cử của chúng tôi. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, chúng tôi đã đệ trình Chương trình Tái thiết và Phát triển cho nội các, cho toàn thể chính phủ, trong đó có Đảng Quốc gia, nghĩa là, với tư cách đảng nắm đa số, bây giờ chúng tôi phải chuyển cương lĩnh chính trị trước bầu cử này thành chương trình hành động của chính phủ. Lúc đó đó chương trình này được nội các đem ra thảo luận và sách trắng được xuất bản, được trình lên Nghị viện, được thảo luận tại Nghị viên, được Nghị viện thông qua, và được đưa trở lại nhánh hành pháp để thực hiện.
De Klerk và những người khác đã tham gia vào quá trình đó, vì họ có chân trong chính phủ. Nhưng có một đảng nhỏ, gọi là Đảng Dân chủ, đã khoác lên mình bộ trang phục của Đảng Quốc gia. Ví dụ, để nâng cao mức sống của người da đen, chúng tôi cần thực hiện hành động kiên quyết nhằm thúc đẩy quá trình đó. Đảng Dân chủ, một đảng nhỏ của người da trắng, thế chỗ Đảng Quốc gia và bắt đầu nói chuyện với người da trắng như Đảng Quốc gia thường nói với họ. Trước đây, chính sách của Đảng Quốc gia là phản đối hành động cứng rắn, mặc dù trước đó họ đã sử dụng hành động cứng rắn để nâng đỡ người Nam Phi da trắng. Họ thậm chí còn có cách nói của người Nam Phi da trắng để chỉ hành động cứng rắn, họ hiểu rõ, nhưng bây giờ họ không muốn hành động cứng rắn nữa. Nhưng khi đã có chân trong chính phủ, hành động cứng rắn cũng trở thành chính sách của họ.
Lúc đó Đảng Dân chủ tới với dân da trắng, đấy cũng là tập thể cử tri của Đảng Quốc gia, và nói rằng Đảng Quốc gia đã phản bội và bán rẻ họ. Họ nói rằng Đảng Quốc gia đã bàn về hành động cứng rắn, trong khi Đảng Dân chủ bảo vệ quyền của người thiểu số da trắng. Đảng Quốc gia có chân trong Chính phủ Thống nhất Quốc gia và phải nói về các quyền của tất cả người dân Nam Phi. Vì Đảng Dân chủ, như một phần của phe đối lập, có thể lên tiếng nhằm bảo vệ các quyền của người da trắng, Đảng Quốc gia sợ rằng Đảng Dân chủ sẽ giành mất khối cử tri và sự ủng hộ trong các cuộc bầu cử. Đó là lí do vì sao Đảng Quốc gia rời khỏi chính phủ.
Có một buổi quốc yến để chào mừng việc thông qua bản hiến pháp năm 1996. Một nhà báo nói với tôi rằng Đảng Quốc gia sẽ họp vào đêm hôm đó để thảo luận về việc rút ra khỏi chính phủ. Cho nên, tôi đã nói chuyện với de Klerk. Tôi hỏi ông họ có họp vào đêm hôm đó để thảo luận về việc rút ra khỏi chính phủ hay không. Ông nói có một cuộc họp, nhưng không phải là để thảo luận vấn đề đó, chỉ để đánh giá về cách thức hoạt động của chính phủ. Tôi nói với ông rằng quan điểm của ANC là họ nên ở lại trong chính phủ. Khi chúng tôi chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 1999, chúng tôi sẽ có tiến bộ trong nhiều vấn đề, như nhà ở, nước sạch, sức khoẻ, và giáo dục. Vì vậy, khi vận động tranh cử, với danh nghĩa Đảng Quốc gia, họ có thể nói với nhân dân: “Hãy nhìn vào sự tiến bộ mà chúng ta đã làm được, bởi vì chúng ta có chân trong chính phủ này, và Mandela có thể không bao giờ đạt được tiến bộ như thế mà không có tôi, bởi vì tôi đã từng hoạt động trong chính phủ”. Vì vậy, tôi đề nghị ông ở lại, nhưng họ không ở lại.
Thiết lập các ưu tiên trong chính sách
Trong chính phủ của ông, bắt đầu từ năm 1999, những vấn đề chính mà ông - trong vai trò tổng thống – coi là cực kì quan trọng đối với việc củng cố tiến bộ của hiến pháp và chế độ dân chủ?
Vấn đề cơ bản là giải quyết nạn đói nghèo và bất bình đẳng, vì không làm như thế thì không thể đảm bảo được ổn định chính trị và chấp nhận trật tự hiến định mới. Điều cực kì quan trọng là mọi người đều có ý thức rằng đấy là lợi ích mà mọi người đều được hưởng, sau khi chế độ phân biệt chủng tộc bị xóa sổ. Đó là, người dân không chỉ có thể đi bầu cử, mà lĩnh vực vật chất trong đời sống của nhân dân cũng đang thay đổi.
Dĩ nhiên, giữ cho hệ thống dân chủ ổn định cũng là vấn đề quan trọng. Cụ thể là, phải đảm bảo rằng chúng tôi giải quyết được vấn đề bạo lực chính trị. Trong suốt gian đoạn đàm phán, đã xảy ra rất nhiều vụ bạo lực, nhiều người chết. Thậm chí ngay cả cuộc bầu cử năm 1994 vẫn có người bị giết, đó là mối đe dọa đối với chính hệ thống. Lực lượng cánh hữu - những người ra khỏi quân đội, cảnh sát, v.v. lập ra các nhóm và cho nổ bom. Đó là vấn đề nghiêm trọng mà chúng tôi thực sự phải giải quyết. Chúng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi đã kết thúc quá trình này và cho mọi người thấy rằng chúng ta đang sống trong chế độ dân chủ, và họ không cần lực lượng vũ trang để mang lại những thay đổi mà họ mong muốn. Trong chế độ dân chủ, họ có thể mang lại những thay đổi đó bằng con đường hòa bình.
Tham gia hoạt động chính trị và tiến bộ của phụ nữ
Chính phủ đã giải quyết vấn đề về sự tham gia của phụ nữ trong môi trường dân chủ mới như thế nào?
Có một số biện pháp. Thứ nhất, chúng tôi đã cố ý đưa một số phụ nữ vào chính phủ. Vì trong nhiều trường hợp, có thể thấy rằng nếu lựa chọn chỉ dựa trên công lao thì sẽ phân biệt đối xử với phụ nữ, vì xã hội đã phân biệt đối xử đối với họ. Vì vậy, có thể tìm được nhiều đàn ông có những phẩm chất đó, vì xã hội phân biệt đối xử với phụ nữ và làm lợi cho đàn ông ở mức độ nào đó. Nhưng bước thứ nhất, chúng tôi nói rằng một phần ba nghị sĩ quốc hội phải là phụ nữ và phải làm như thế. Sau năm năm hoặc lâu hơn, có thể đạt được sự cân bằng.
Đảng ANC chúng tôi đã và đang bảo vệ hệ thống danh sách ứng cử viên của đảng trong các cuộc bầu cử và đại diện theo tỉ lệ. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận ở Nam Phi – tranh luận vẫn tiếp tục cho đến nay - về các đơn vị bầu cử chỉ có một nghị sĩ. Một phần luận cứ của chúng tôi là khi đưa một người đàn ông và một phụ nữ, có nhiều khả năng là người đàn ông sẽ thắng. Chắc chắn, đấy là “dân chủ”, nhưng cuối cùng đấy sẽ là hệ thống phân biệt đối xử với phụ nữ. Nhưng nếu áp dụng hệ thống danh sách ứng vử viên của đảng, và nhấn mạnh rằng phải có một tỷ lệ nhất định phụ nữ trong danh sách của đảng, thì chắc chắn sẽ có đại diện của phụ nữ.
Thứ hai, cần phải hiểu bản chất của quá trình phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Ở Nam Phi, có rất nhiều người nghèo, nhất là nạn nghèo đói ở nông thôn, trong số người da đen, và phần lớn dân nông thôn là phụ nữ và trẻ em, vì đàn ông thường làm việc ở khu vực đô thị. Cho nên, khi chúng tôi cam kết xóa đói giảm nghèo, chúng tôi phải tập trung chú ý trước hết vào tất cả các khu vực nông thôn và do đó, tập trung vào phụ nữ. Một trong những thách thức trước mắt phụ nữ - thể hiện việc phụ nữ bị tước quyền theo nghĩa xã hội học của cuộc sống nông thôn - là phụ nữ là người phải gánh nước từ sông về dùng, là người phải lấy củi về để nấu ăn, là người nấu ăn, là người trông giữ trẻ. Hiểu môn xã hội học đó, thì sẽ hiểu rằng muốn giảm bớt gánh nặng đặt lên vai người phụ nữ nông thôn, thì phải cung cấp cho họ nước sạch và đường ống dẫn nước. Bây giờ họ không còn phải đi đến những con sông cách nhà tới 10 km nữa. Ngay cả khi nước vẫn chưa được dẫn tới từng nhà, nhưng có những cái vòi ở trong làng, là đã cất được gánh nặng lớn khỏi vai người phụ nữ rồi. Điện khí hóa nông thôn cũng quan trọng. Nhưng nếu điện khí hóa, mà họ chỉ có thể dùng điện để chiếu sáng, chứ không phải là nấu ăn. Chúng ta phải làm gì? Vì vậy, phải đưa ra mức giá trần, gia đình trong những cộng đồng nông thôn này không trả tiền điện nếu sử dụng dưới một mức nào đó. Bạn sẽ thấy rằng, sau khi làm những việc này, phụ nữ liền có thì giờ học tập. Bây giờ họ có thể đi học và có thì giờ rỗi, vì họ không còn phải đi ra sông lấy nước hoặc vào rừng lấy củi nữa.
Hiểu được môn xã hội học liên quan đến sự phát triển của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ là cực kì quan trọng để biết cần phải can thiệp vào đâu. Có một số nghị sĩ là phụ nữ hoặc có một số phụ nữ trong nội các là chưa đủ. Đấy là điều quan trọng và cần thiết. Nhưng muốn tạo được ảnh hưởng đối với những người phụ nữ bình thường thì phải làm hơn thế. Vì vậy, tôi luôn nghĩ rằng phải có những hành động can thiệp tích cực. Một trong những vấn đề mà Liên đoàn Phụ nữ ANC tiếp tục thảo luận là cảm giác về sự bất lực của chị em phụ nữ. Nó xuất phát từ nền văn hoá, từ xã hội, và do đó, họ thường nói rằng sẽ khuyến khích các chị em trong Liên đoàn Phụ nữ đứng lên và phát biểu, thể hiện quan điểm của mình, chứ không để cho đàn ông nói mãi như trước nữa.
Tất cả những việc này đều cần sự can thiệp nhất định. Phải đảm bảo rằng phụ nữ có đại diện trong Nghị viên. Phải đảm bảo rằng chúng ta thay đổi điều kiện sống cho phụ nữ. Phải tìm cách tạo ra không gian cho những phụ nữ này đi học. Ở Nam Phi có lợi thế đặc biệt, đó là, phong trào phụ nữ đã tham gia vào cuộc đấu tranh ở Nam Phi từ năm 1913, kéo dài hơn 100 năm. Vì vậy, phong trào phụ nữ luôn luôn có mặt trong tiến trình dân chủ.
Những nguyên tắc nền tảng
Ông nghĩ thế nào về những biện pháp mà hiện nay các tổ chức và chính phủ có thể dùng để hỗ trợ dân chủ? Chúng ta có thế giới đa cực, với các công nghệ mới và những hình thức truyền thông mới. Đó là một thế giới mới cho chế độ dân chủ và cho các cuộc chuyển hóa. Ông nghĩ thế nào về tương lai của dân chủ và đặc biệt là tương lai ở các nước châu Phi?
Cuộc đấu tranh ở bên trong Nam Phi vì giải phóng đã động viên được hàng triệu người. Đó là cuộc đấu tranh của quần chúng, tương tự như cuộc đấu tranh ở Ai Cập và Tunisia, v.v. một cuộc động viên người dân để thay đổi. Về mặt ý thức, có thể họ không biết chắc ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, nhưng họ đang hành động để thay đổi. Nó đã thu hút hàng triệu người, và đó thực sự là động cơ của tiến trình thay đổi. Tôi không đánh giá thấp vai trò của các đảng phái chính trị, của các nhà lãnh đạo chính trị, và tất cả những thứ đó, nhưng tôi nói rằng những người dân bình thường, hoạt động tích cực trong cuộc đấu tranh vì dân chủ là những nhân tố thay đổi thực sự. Vì vậy, dân chủ đã tới và nhân dân rất phấn khởi. Họ đã bầu ra chính phủ của mình và họ đã có vị Tổng thống của mình, Nelson Mandela. Cái đã làm cho nhân dân tham gia lại cũng làm cho hàng triệu người không tham gia nữa. Ví dụ, một tổ chức cực kì quan trọng trong suốt cuộc đấu tranh của chúng tôi là Hội đồng Giáo hội Nam Phi. Đa số dân Nam Phi là người Cơ đốc giáo, và Hội đồng Giáo hội đoàn kết được tất cả các giáo phái khác nhau và hoạt động rất tích cực. Những người như Giám mục Tutu xuất thân từ tổ chức này. Hôm nay tổ chức này gần như đã chết. Hiệu quả sự thay đổi này là nhân dân không còn tham gia nữa.
Bây giờ chính phủ mà chúng tôi bầu lên phải làm. Chúng tôi có vấn đề liên quan. Nhiều người lãnh đạo từng tham gia vào công tác vận động nhân dân đã thôi để tham gia vào Nghị viện và chính phủ. Họ không còn vận động nhân dân nữa, họ đang ngồi trong chính phủ. Một số người làm trong các cơ quan hành chính và trở thành quan chức. Mất nhiều người lãnh đạo và làm suy yếu các tổ chức quần chúng, không có các tổ chức đó thì hệ thống dân chủ không thể hoạt động đúng đắn được. Khi quần chúng không còn được huy động nữa, và ban lãnh đạo ngày càng xa dân, thì mọi thứ bắt đầu sai. Muốn giữ được hệ thống dân chủ, cần có các tổ chức chính trị được tổ chức một cách phù hợp và có liên hệ chặt chẽ với những người dân bình thường, và có ý tưởng rõ ràng về mục tiêu. Cần có tổ chức công đoàn mạnh và các tổ chức xã hội dân sự mạnh, cùng tham gia vào những quá trình này. Cần có các phương tiện truyền thông đại chúng có trình độ, chứ không phải là những phương tiện truyền thông chỉ nói những chuyện giật gân - để giữ cho dân chúng tiếp tục tham gia vào tiến trình thay đổi. Khi người dân không được huy động thì chính phủ không còn bị sức ép của nhân dân nữa. Lúc đó những người trong chính quyền sẽ bắt đầu hành động vì quyền lợi của mình, chứ không phải vì quyền lợi của những người đã bầu họ. Và tôi nghĩ rằng đấy là điều rất cơ bản. Đó chắc chắn là kinh nghiệm của Nam Phi.
Những mốc chính
Tháng 1 năm 1912: Đại hội Dân tộc của người bản địa Nam Phi, sau này đổi tên thành Đại hội Dân tộc Phi (ANC) được thành lập để chiến đấu chống lại nạn phân biệt đối xử với người da đen.
Tháng 5 năm 1948: Đảng Quốc gia (NP) giành chiến thắng trên cơ sở cương lĩnh tách riêng các chủng tộc, có lợi cho người da trắng Nam Phi nói tiếng Hà Lan. Chính phủ đẩy người da đen tới những khu vực xa xôi, tách riêng các trường học và khu vực công cộng, chấm dứt quyền bỏ phiếu vốn đã hạn chế đối với tất cả người da màu và mở rộng quyền lực tới mức cấm phe đối lập.
Tháng 6 năm 1955: ANC, Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP) và các đồng minh thông qua Hiến chương Tự do, kêu gọi thành lập chế độ dân chủ phi chủng tộc và thay đổi triệt để nền kinh tế.
Tháng 4 năm 1960: Chính phủ cấm ANC vì coi là Cộng sản. Các nhà lãnh đạo ANC, người thì chạy trốn, người thị bị bắt, và tiến hành thảo luận về việc thành lập cánh vũ trang - Umkhonto we Sizwe (MK) - được thành lập sau đó một năm và đặt dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ, Nelson Mandela.
Tháng 8 năm 1962: Mandela bị bắt, rồi bị kết án. Việc bắt Mandela và bắt những nhà lãnh đạo khác của ANC vào năm sau đã làm ANC tê liệt trong suốt một thập kỉ.
Tháng 1 năm 1973: Cuộc đình công của công nhân nhà máy ở Durban thể hiện sức mạnh của phong trào công đoàn phi sắc tộc đang gia tăng.
Tháng 6 năm 1976: Diễn ra những cuộc biểu tình có đông người tham gia của thanh niên trong “thị trấn” Soweto gần Johannesburg của người da đen. Cảnh sát đáp trả bằng cách giết chết hàng trăm người. Umkhonto we Sizwe (MK) tăng cường các cuộc tấn công quân sự từ những nước láng giềng do người da đen kiểm soát.
Tháng 10 năm 1978: P. W. Botha trở thành thủ tướng. Ông ta đẩy mạnh “chiến lược tổng thể” bao gồm cải cách từng bước một, kết hợp với đàn áp bằng bạo lực và chuyển quyền lực sang Hội đồng An ninh Quốc gia.
Tháng 3 năm 1982: Những người phản đối công cuộc cải cách của Botha, do Andries Treurnicht lãnh đạo, ra khỏi NP để thành lập Đảng Bảo thủ cánh hữu (CP).
Tháng 8 năm 1983: Giáo hội, giới lao động và các nhà hoạt động xã hội dân sự ủng hộ chế độ dân chủ phi sắc tộc (nhiều người trong số đó liên kết với ANC) thành lập Mặt trận Dân chủ Thống nhất (UDF).
Tháng 11 năm 1983: Các cử tri da trắng thông qua bản hiến pháp mới với hệ thống tổng thống và đại diện có giới hạn của cử tri người châu Á và cử tri là người lai (“da màu”) thông qua Nghị viện “ba viện”. Đảng CP và UDF phản đối bản hiến pháp mới.
Tháng 9 năm 1984: Cuộc bầu cử Nghị viện ba viện, cùng với nền kinh tế nghèo nàn, đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối do UDF điều phối và kéo dài sang tận năm sau. Các cuộc biểu tình này được khuyến khích bởi lời kêu gọi của ANC: Làm cho đất nước trở nên “bất khả trị nhậm”.
Tháng 11 năm 1985: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Kobie Coetsee bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật với Mandela. Những cuộc đàm phán này và những cuộc đàm phán với người lãnh đạo công tác quốc tế của ANC, Thabo Mbeki, ở Lusaka, là để thăm dò những điều kiện cho việc hợp pháp hoá ANC.
Tháng 12 năm 1985: Các hiệp hội chống phân biệt chủng tộc thành lập Đại hội Công đoàn Nam Phi.
Tháng 5 năm 1986: Nam Phi đánh bom những khu vực đóng quân của ANC trong các lân bang, nhằm làm mất phương hướng Nhóm những Nhân vật Nổi tiếng của Cộng đồng thịnh vương chung (EPG). Đáp lại, EPG kêu gọi áp dụng những biện pháp cấm vận quốc tế mới.
Tháng 6 năm 1986: Do tình trạng bất ổn trong xã hội gia tăng, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bắt giữ các nhà lãnh đạo UDF, khiến UDF bị tê liệt. Các cuộc đình công và bạo loạn tiếp tục, và UDF được tiếp nối bằng Phong trào Dân chủ của Quần chúng.
Tháng 10 năm 1986: Sau khi tình trạng khẩn cấp và làm mất phương hướng EPG thất bại, Quốc hội Hoa Kỳ ban hành những biện pháp trừng phạt mới đối với Nam Phi.
Tháng 2 năm 1989: Botha từ chức sau một vụ đột quỵ. Nhóm nghị sĩ của NP bầu F. W. de Klerk, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, làm người lãnh đạo mới của đảng này.
Tháng 8 năm 1989: Vì bạo lực vẫn tiếp tục, Klerk và nội các buộc Botha từ chức tổng thống. De Klerk nhậm chức tổng thống.
Tháng 12 năm 1989: Sau những thất bại về quân sự và chiến dịch ngoại giao do Hoa Kỳ dẫn đầu, Nam Phi đồng ý trao trả độc lập cho Namibia, đưa nước này trở lại với chính quyền của người da đen.
Tháng 2 năm 1990: Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội, de Klerk kêu gọi đàm phán về bản hiến pháp mới, hợp pháp hóa ANC và SACP, phóng thích Mandela và các chính trị phạm khác.
Tháng 5 năm 1990: ANC và chính phủ cam kết chấm dứt chiến sự và phóng thích tù nhân. Bạo lực leo thang, đấy là do lực lượng cảnh sát yếu kém và xung đột vũ trang giữa ANC và Đảng Tự do Inkatha (IFP) có tinh thần dân tộc chủ nghĩa của Mangosuthu Buthelezi.
Tháng 12 năm 1991: Đại hội vì nước Nam Phi Dân chủ (CODESA) bắt đầu đàm phán về hệ thống chính trị mới. Các cuộc đàm phán, trong đó có NP, ANC, IFP và những tổ chức khác, kéo dài hơn một năm, nhưng không đạt được đồng thuận.
Tháng 3 năm 1992: Sau khi NP thua CP trong cuộc bầu cử, de Klerk tổ chức trưng cầu dân ý trong nội bộ người da trắng về việc tiếp tục đàm phán. Các nhà quan sát nghĩ rằng kết quả sẽ sát nút, nhưng 68% người tham gia trưng cầu ủng hộ đàm phán, gia tăng ủy quyền cho Klerk.
Tháng 6 năm 1992: Du kích quân IFP giết 45 người ủng hộ ANC ở thị trấn Boipatong. Mandela cáo buộc chính phủ ủng hộ IFP và không cho cảnh sát tuần tra thị trấn này. Do bế tắc về các vấn đề hiến pháp, Mandela thông báo ANC rút khỏi CODESA.
Tháng 9 năm 1992: Kí biên bản Thỏa thuận giữa ANC và chính phủ, khôi phục lại các cuộc đàm phán. ANC đồng ý với việc chia sẻ quyền lực tạm thời và ân xá có giới hạn, NP hứa hẹn trách nhiệm giải trình của cảnh sát.
Tháng 3 năm 1993: Diễn đàn Đàm phán Đa đảng (MPNF), thay thế cho CODESA, bắt đầu làm việc. ANC và NP theo đuổi “sự đồng thuận vừa đủ” của hai đảng, cho IFP ra rìa.
Tháng 4 năm 1993: Một người thuộc cánh hữu da trắng ám sát nhà lãnh đạo ANC, Chris Hani. ANC tiếp tục đàm phán và kêu gọi bình tĩnh, mặc dù dân chúng rất phẫn nộ. Vụ ám sát thúc giục các bên đống ý tổ chức bầu cử vào tháng 4 năm 1994, hạn chót này đã góp phần tăng tốc các cuộc đàm phán.
Tháng 6 năm 1993: Những người hoạt động phái hữu da trắng chiếm trụ sở MPNF, nhưng nhà lãnh đạo cánh hữu da trắng, vốn là một viên tướng, Constand Viljoen, thuyết phục họ rút lui.
Tháng 11 năm 1993: Các bên thống nhất về bản hiến pháp tạm thời với nghị viện gồm hai viện, đại diện theo tỉ lệ và “các nguyên tắc hiến định” có tính ràng buộc. Hội đồng Điều hành Chuyển tiếp Đa đảng được thành lập.
Tháng 3 năm 1994: Quân đội quốc gia chặn đứng được cuộc tấn công của lực lượng bán quân sự của phái cực hữu ở Bophuthatswana. Sự thất bại của lực lượng bán quân sự ngăn chặn được thái độ bất dung của những nhà lãnh đạo ở trong nước và phái hữu da trắng, và thúc đẩy Viljoen tham gia tranh cử.
Tháng 4 năm 1994: IFP không tham gia tranh cử, đe doạ vụ dàn xếp, nhưng bị áp lực phải đồng ý tham gia, một tuần trước khi cuộc bầu cử được tổ chức. Cuộc bầu cử công khai đã được tổ chức. ANC giành được 62%, NP giành được 20%, và IFP giành được 10% phiếu bầu. Các đảng thành lập liên minh, Mandela làm tổng thống, Mbeki và de Klerk làm phó tổng thống, và Buthelezi làm bộ trưởng.
Tháng 5 năm 1995: Cơ quan lập pháp thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải, do tổng giám mục Anh giáo, Desmond Tutu, làm chủ tịch, để điều tra những tội ác của chế độ phân biệt chủng tộc, tổ chức các phiên điều trần trên TV và ân xá với điều kiện là người phạm tội phải tiết lộ những tội ác đã phạm.
Tháng 6 năm 1996: NP rút khỏi chính phủ để phản đối việc họ chẳng có ảnh hưởng gì tới các quyết định của chính phủ. Mbeki trở thành phó tổng thống duy nhất, chịu trách nhiệm hoạt động thường nhật của chính phủ. Chính phủ áp dụng chính sách tăng trưởng theo định hướng thị trường, công bằng và chính sách tái phân phối về kinh tế, chính sách này làm cho kinh tế phát triển và ổn định, nhưng không giải quyết được tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng.
Tháng 12 năm 1996: Kí kết bản hiến pháp vĩnh cửu, giữ nguyên phần lớn các thiết chế chính trị lâm thời và bảo tồn những nguyên tắc hiến định trước đó.
Tháng 9 năm 1997: De Klerk nghỉ hưu, không làm lãnh đạo NP nữa và trở lại với đời sống riêng tư.
Tháng 10 năm 1998: Ủy ban Sự thật và Hòa giải công bố báo cáo chỉ trích tất cả các bên về những vụ lạm dụng, sau khi đã ân xá chưa đến 20% các trường hợp
Tháng 6 năm 1999: Tổ chức bầu cử theo bản hiến pháp mới. ANC giành được 66% phiếu bầu, Đảng Dân chủ Tự do trở thành đảng đối lập lớn nhất. Mbeki trở thành tổng thống, ông ủng hộ các ban lãnh đạo khu vực của Nam Phi.
Tháng 9 năm 1999: Liên minh châu Phi được thành lập với tư cách là người kế nhiệm Tổ chức
Thống nhất châu Phi, Mbeki và Nam Phi tham gia tích cực trong tổ chức này.
Tháng 8 năm 2003: Sau áp lực của xã hội dân sự và quyết định của tòa án, quyết định của Mbeki về việc không cấp thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS điều trị trong các bệnh viện của nhà nước bị bãi bỏ.
Tháng 6 năm 2005: Mbeki bãi nhiệm phó tổng thống Jacob Zuma, người được cho là sẽ là tổng thống trong tương lai, vì cho rằng ông này mắc tội tham nhũng. Việc bãi nhiệm đã làm cho những người ủng hộ ANC do Zuma lãnh đạo tức giận.
Tháng 12 năm 2007: Zuma đánh bại Mbeki trong một cuộc tranh cử chức lãnh đạo đảng ANC và được coi là vị tổng thống tiếp theo.
Tháng 9 năm 2008: Do áp lực của các nhà lãnh đạo ANC, Mbeki buộc phải từ chức tổng thống. Vị tổng thống lâm thời giữ chức vụ này cho đến năm 2009, khi Zuma được bầu làm tổng thống.
Đọc thêm
Adler, Glenn, and Edward Webster, eds. Trade Unions and Democratization in South Africa, 1985–1997. New York: Palgrave MacMillan, 2000.
De Klerk, F. W. The Last Trek— a New Beginning: The Autobiography. New York: St. Martin’s Press, 1999.
Dlamini, Jacob. Native Nostalgia. Auckland Park, South Africa: Jacana Media, 2009. On townships during apartheid and transition.
Friedman, Steven, ed. The Long Journey: South Africa’s Quest for a Negotiated Settlement. Johannesburg: Ravan Press, 1993.
Friedman, Steven, and Doreen Atkinson, eds. The Small Miracle: South Africa’s Negotiated Settlement. Johannesburg: Ravan Press, 1994.
Gevisser, Mark. A Legacy of Liberation: Thabo Mbeki and the Future of the South African Dream. New York: Palgrave MacMillan, 2010.
Gilliomee, Hermann. “Democratization in South Africa.” Political Science Quarterly 110, no. 1 (1995): 83–104.
Habib, Adam, Devan Pillay, and Ashwin Desai. “South Africa and the Global Order: The Structural Conditioning of a Transition to Democracy.” Journal of Contemporary African Studies 16, no. 1 (1998): 95–115.
Jung, Courtney, and Ian Shapiro. “South Africa’s Negotiated Transition: Democracy, Opposition, and the New Constitutional Order.” Politics and Society 23, no. 3 (1995): 269–308.
Lodge, Tom. Politics in South Africa: From Mandela to Mbeki. Oxford: James Curry Press, 2003.
Lyman, Princeton. Partner to History: The US Role in South Africa’s Transition to democracy.
Washington, D.C.: US Institute of Peace, 2002.
Mandela, Nelson. Long Walk to Freedom: The Autobiography of Nelson Mandela. New York: Little, Brown, 1995.
Marais, Hein. South Africa: Limits to Change— the Political Economy of Transition. Kenwyn, South Africa: University of Cape Town Press, 1998.
Massie, Robert. Loosing the Bonds: The United States and South Africa in the Apartheid Years. New York: Nan A. Talese/Doubleday, 1997.
Sparks, Allistair. Tomorrow Is Another Country: The Inside Story of South Africa’s Road to Change. Chicago, Ill.: University of Chicago Press, 1996. Journalistic overview.
Welsh, David, and Jack Spence. “F. W. de Klerk: Enlightened Conservative.” In Leaders of Transition, edited by Martin Westlake. New York: St. Martin’s Press, 2000.
Wilson, Richard A. The Politics of Truth and Reconciliation in South Africa: Legitimizing the Post-Apartheid State. Cambridge: Cambridge University Press, 2001.
Wood, Elisabeth Jean. Forging Democracy from Below: Insurgent Transitions in South African and El Salvador. Cambridge: Cambridge University Press, 2000.