Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Bên ngoài là một màu trắng bất động…

(Lời giới thiệu tác phẩm sắp đặt “Monument of Round Trays” (Núi Mâm), Viện Bảo tàng Dân tộc học Dahlem, Berlin ngày 24.10.2004)
Ly Hoàng Ly
Dương Phúc An (*) ghi
Hơn mười lăm năm trước tôi đã có duyên được gặp gỡ Phạm Tú Anh (1975-2020). Lần đó anh cùng vợ, họa sỹ Ly Hoàng Ly, sang tham dự triển lãm mỹ thuật “Xung đột giữa bản sắc và toàn cầu hoá? Các quan niệm nghệ thuật đương đại từ Đông Nam Á“ ở Viện Bảo tàng Dân tộc học Berlin-Dahlem. Ly Hoàng Ly được mời tham gia triển lãm với tác phẩm sắp đặt “Monument of Round Trays“ (Núi Mâm) và tôi là người chuyển ngữ sang tiếng Đức bài đáp từ của chị tại lễ khai mạc triển lãm. Xin được giới thiệu lại ở đây bài phát biểu này của hoạ sỹ, trong đó Ly Hoàng Ly đã nói về vai trò của chồng trong sự nghiệp sáng tạo của chị – như một nén hương lòng gửi đến Phạm Tú Anh và lời chia buồn với Ly và toàn thể gia đình của nhà thơ Hoàng Hưng.
(*) Bút hiệu của Trương Hồng Quang (Văn Việt).

Núi Mâm nhìn từ bên ngoài
Tôi sinh ra ở Hà Nội, thủ đô Việt Nam, nhưng sống ở thành phố Hồ Chí Minh và làm việc tại đó. Tôi đã tốt nghiệp khoa sơn dầu, trường đại học mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ở Việt Nam hiện nay có ba trường đại học mỹ thuật, thế nhưng ở tất cả các trường này chỉ có các khoa điêu khắc và hội hoạ, mà không có khoa nào về media art hoặc installation art cả. Vì vậy sau khi tốt nghiệp khoa sơn dầu, tôi đã tự mình khám phá và tìm hiểu về những ngành mỹ thuật đương đại như nghệ thuật sắp đặt (installation art) và nghệ thuật trình diễn (performance art). Tác phẩm installation này bao gồm hơn 400 cái mâm làm bằng nhôm, là thứ mà chúng tôi sử dụng hàng ngày để phục vụ cho các bữa ăn. Cảm hứng để cho ra đời tác phẩm này là một câu chuyện rất đơn giản. Mỗi ngày tôi đều sử dụng cái mâm này để lo việc cơm nước cho gia đình. Nhưng vì là hoạ sĩ nên tôi mua một cái mâm như thế để làm palette vẽ tranh, cái mâm đó đầy các màu sơn dầu chồng chất lên nhau. Vào khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2001 tôi chuyên vẽ những người bay, tức là về những giấc mơ được bay bổng, thoát khỏi cái thế giới thực tại mà tôi sống hàng ngày. Một hôm bố của tôi là một nhà thơ đi ngang qua và thấy cái palette mâm đó của tôi, tự dưng ông bảo rằng đây chính là vật dụng hàng ngày của một người phụ nữ Việt Nam bình thường trong xã hội và lại được dùng để làm một công việc sáng tạo, đó một điều rất hay. Từ câu nói đơn giản như vậy của bố tôi trong một câu chuyện bình thường, tự dưng tôi có một cảm hứng, cái cảm hứng này chắc chắn phải bắt nguồn từ cả cuộc sống của tôi. Tôi bắt đầu nung nấu việc xây dựng một cái núi toàn bằng mâm như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội ngày hôm nay. Như ban đầu tôi đã nói, trước đó tôi hoàn toàn không học và biết gì về nghệ thuật sắp đặt, chỉ tự tìm hiểu sau này mà thôi. Cho nên quá trình để thực hiện, từ việc vẽ sketch cho đến khi ra một tác phẩm như vậy thực sự rất khó khăn. Rất may mắn là tôi đã chia sẻ điều đó với chồng của tôi, anh là một kỹ sư hàng hải, và chính anh là chuyên viên kỹ thuật đã nghĩ ra cách để thể hiện tất cả các tư tưởng của tôi. Đó là lí do khiến tác phẩm này đi từ Chiangmai, Bangkok tới đây luôn luôn đều có anh ấy ở bên cạnh. Trên những cái mâm này tôi vẽ biểu tượng của những người phụ nữ, mọi người sẽ thấy là họ cứ đi thành một vòng tròn, tôi muốn diễn tả một cuộc sống đều đặn, không thay đổi, hàng ngày cứ như vậy, đó là một vòng tròn khép kín, cuộc sống cứ đi, nhưng không thể vượt ra khỏi cái khung của nó. Tác phẩm này nguyên tôi đặt ở ngoài trời, khi trời mưa hay nắng, gió… nó có thể mô tả sự nhạy cảm, đồng thời là đức tính kiên trì của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống thường nhật. Nếu người thưởng ngoạn đứng từ xa thì chỉ thấy một hình khối như là một cái núi. Nhưng khi đến gần người ta bắt đầu có thể nghe thấy tiếng lách cách của các cái mâm chạm vào nhau, bởi vì khi đặt ngoài trời thì gió mạnh gió nhẹ sẽ khiến có những tiếng kêu rất là tự nhiên. Mặc dù có chuyển động và tạo tiếng kêu như thế, nhưng cái khối hình đó không bao giờ có thể đổ được. Qua đó tôi muốn nói lên một truyền thống, có thể nói là một vẻ đẹp truyền thống trong cuộc sống của người phụ nữ. Họ luôn sống theo cách truyền thống, tức đặt mình trong một cái khuôn khổ, hi sinh mình cho chồng con, tất cả mọi người. Và cái khuôn khổ của cách sống đó do xã hội đặt ra cho họ từ xưa đến giờ, bản thân họ cũng tự đặt ra cho họ điều đó, không ai ép buộc hết. Thế nhưng tôi mời mọi người vào bên trong để thấy được cái mâu thuẫn nội tại của họ.
Bên trong Núi Mâm
Tuy họ đặt mình vào cái khuôn, vào cách sống như thế và coi đó là một vẻ đẹp truyền thống, nhưng bên trong họ không phải là không có những mâu thuẫn với cái tự do và sự vượt phá khỏi cái khuôn khổ đó. Bên ngoài là một màu trắng bất động, nhưng khi vào bên trong thì sẽ thấy một sự xáo trộn và rực nóng. Đấy là những màu nóng và các bức hình khoả thân của phụ nữ phương Tây đang bay, bởi vì khi tôi đặt ngoài trời thì gió sẽ làm bay rất tán loạn ở bên trong. Điều đó cũng diễn tả một nét tính cách của người phụ nữ Việt Nam và châu Á nói chung, đó là bỏ tất cả mọi khát vọng vào bên trong mình, giống như một sự thầm kín, chỉ một mình biết mà thôi. Đối với tôi đó cũng là một mâu thuẫn giữa việc giữ gìn cái identity và toàn cầu hoá, tức sống khác đi so với cách truyền thống của mình. Tôi còn muốn nói thêm một chi tiết nữa mà tôi rất thích khi xây dựng cái núi mâm này, đó là những chất liệu này khi đặt ngoài trời, hay ngay cả ở đây, khi sắc trời thay đổi sẽ hiện lên như một cái gương phản chiếu toàn bộ sự thay đổi của thiên nhiên. Và khi trời nắng gắt thì không ai dám nhìn vào bởi vì sẽ cực kì bị chói mắt.





Tác phẩm sắp đặt “Monument of Round Trays” (“Núi Mâm”) của Ly Hoàng Ly (sinh năm 1975) hiện trưng bày tại Viện Bảo tàng Dân tộc học Berlin-Dahlem (Ethnologisches Museum Dahlem, Lansstrasse 8, 14195 Berlin) từ 22.10.2004 – 30.01.2005 trong khuôn khổ triển lãm “Identität versus Globalisierung? Positionen zeitgenössischer Kunst aus Südostasien” (“Xung đột giữa bản sắc và toàn cầu hoá? Các quan niệm nghệ thuật đương đại từ Đông Nam Á“) do Quỹ Heinrich-Böll-Stiftung tài trợ.
Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3126&rb=0202