Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (213): Mùa biển động (14)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác




Image result for "Mùa biển động"


MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 2: BÃO NỔI

Chương 26

Ngày hôm sau, Lãng dùng chiếc Honda 90 chạy một mạch từ Ðà nẵng về Huế. Không phải Lãng sợ tai bay vạ gió như ông Thanh Tuyến. Đối với Lãng, những chuyện có dính dáng tới súng đạn, tới máu đổ, vẫn hấp dẫn hơn việc làm ăn chí thú lắm bạc nhiều tiền. Vì có tiền, Lãng cũng chẳng biết tiêu gì khác ngoài các trò nhậu nhẹt hoặc đi tìm các em bán bar. Uống rượu thì Lãng chóng say, thường bị giới giang hồ chê là gà chết, là phá mồi. Vung tiền cho gái thì Lãng lại càng chịu thua thiệt hơn nữa. Mặc dù  mỗi lần vào quán rượu hoặc tìm xuống các xóm chơi bời, Lãng cố ý để cho râu tóc thật cô hồn, nhưng cái tướng con nít của Lãng vẫn không giấu được. Lãng bị giới chị em gọi là “em bé”:

– Em bé mua cho chị một ly Sài gòn tea đi!

– Em bé đưa cho chị mượn vài nghìn!

– Này, hôm nay giở chứng hả! Em bé không được làm hỗn với chị!

Mọi lần như vậy, Lãng thấy mình “quê” dễ sợ! Càng giận dữ càng bị các cô chọc quê. Càng vung tiền ra, càng bị xem là con nít học đòi. Không có cô nào nghiêm trang nghe Lãng tán tỉnh cả! Họ mỉm cười lắng nghe, với đôi mắt ranh mãnh giễu cợt.

Lãng chỉ thực sự thấy mình trưởng thành khi đối đầu với bọn du thủ du thực mất dạy trong các băng bụi đời. Không phải Lãng cao lớn hoặc có võ nghệ siêu quần! Như Billy The Kid trong sách tranh của Mỹ, Lãng chỉ được cái nước liều. Bất kể đối thủ là ai, bất kể chúng tay không hay có dao, Lãng cứ xông bừa vào. Chết thì thôi, cóc sợ! Quả nhiên dân anh chị quay ra sợ Lãng. Nhờ vậy, Lãng giúp cho Mân dàn xếp nhiều vụ lộn xộn. Đôi khi vì cái tính liều của Lãng mà Mân và ông Thanh Tuyến giấu không cho Lãng biết một vài vụ phá thối của những kẻ tranh ăn quá nhiều quyền thế, hoặc của những băng đảng đông đảo. Vì hễ biết là Lãng xông vào húc bừa.

Lãng vội về Huế trước hết để thăm bệnh tình ông Thanh Tuyến, sau đó để báo cho ông biết chuyện làm ăn trong Ðà nẵng đã thuận buồm xuôi gió trở lại. Tình hình tạm yên, các doanh trại Mỹ đã cho người Việt nam ra vào như trước. Hơn thế nữa, ông tướng bà con với Mân đã chính thức ra nắm vùng Một.

Gặp Nam và Quế ở nhà, Lãng oang oang nói ngay:

– Tụi Thanh Bồ tìm cách ám sát bác Thanh Tuyến vì hận anh Tường. Chúng nó thấy ông Kỳ đem quân ra, tưởng thời cơ lại đến rồi!

Quế ngơ ngác hỏi:

– Tụi Thanh bồ nào?

Nam thì dè dặt:

– Có thật như thế không, hay Lãng đặt điều ba hoa?

Lãng quả quyết:

– Thực chứ. Các băng trong đó đều dưới tay em hết, nếu tụi nó ra tay, em phải biết. Chỉ có tụi Cần lao ở Thanh bồ mới dám làm như vậy thôi!

Thế là ngay buổi trưa hôm đó, Nam lên thăm bà Thanh Tuyến, rì rầm to nhỏ với bà cả giờ đồng hồ. Bà Thanh Tuyến lại rì rầm to nhỏ với Quỳnh Như. Buổi tối ở bệnh viện Huế, từ bác sĩ tới y tá chụm nhau lại xì xào về cái tin hấp dẫn: ông Thanh Tuyến bị Cần lao Ðà nẵng mưu toan ám sát. Tin sốt dẻo ấy lan nhanh trong một thành phố vừa tạm lắng dịu cơn sốt thời cuộc, mau chóng đến tai Tường.

Tường xấu hổ, mà chẳng biết phải làm gì. Lặng lẽ đồng ý để người khác thêm khâm phục mình, thì thô bỉ quá. Phủ nhận hay cải chính, thì ô nhục quá. Mà mỗi lần lên bệnh viện thăm cha, Tường đều phải nghe những lời xum xoe tâng bốc hoặc phải thấy những điệu bộ nghiêm trọng thành kính, y như lúc Tường tiếp những người đến thăm mình sau vụ Thanh bồ. Tường tự hỏi họ thật sự hời hợt dễ tin hay họ đóng kịch cho mình vào xiếc? Tường khó chịu, bất mãn với cả mình lẫn người, càng ngày càng tránh lên bệnh viện thăm cha.

***

Bác sĩ ở bệnh viện đã mổ và gắp mảnh lựu đạn nhỏ xíu ra khỏi đầu ông Thanh Tuyến. Vết thương mau chóng liền da, nhưng như nỗi lo của các bác sĩ ở Đà nẵng, mảnh lựu đạn đó đã phạm đến một dây thần kinh quan trọng. Ông bị bán thân bất toại. Điều này đã rõ ràng. Ông phải nằm một chỗ, việc đi lại khó khăn, chưa nói mọi việc kinh doanh buôn bán từ nay trở đi phải giao hết cho vợ.

Các bác sĩ ở bệnh viện Huế trước khi cho ông về nhà có an ủi là hiện nay, giới y khoa đã thành công trong việc dùng điện để kích thích phục hoạt các dây thần kinh bị tê liệt vì nhiều lý do, tê liệt vì bị đứt mạch máu cũng có, hoặc tê liệt vì tai nạn như trường hợp ông. Nhưng phương pháp này cần nhiều thời gian, phải kiên nhẫn.

Đó là niềm hy vọng để an tâm chịu đựng của ông Thanh Tuyến. Hằng ngày nằm một mình trên lầu, ông triền miên ôn lại cuộc đời mình. Có những chi tiết vụn vặt ở một thời kỳ heo hút mất dấu nào đó, bây giờ đột ngột hiện rõ trong trí ông, rõ đến từng chi tiết. Chẳng hạn một lần ông nhớ hồi còn học lớp ba trường làng, ông cùng với lũ bạn nhỏ đi chơi ngang qua cái giếng đá ở đầu đình. Cả làng ngoài Bắc quê hương ông đều uống nước ở cái giếng chung ấy. Lâu ngày lũ trẻ con rắn mắt vất bậy nhiều thứ xuống giếng nên nước đã bớt trong, làng cử ông Tuất ở xóm Nhì vét giếng. Ông lão khỏe mạnh răn chắc, tuy tuổi đã sáu mươi, lâu nay không có một tấc đất cắm dùi, lại dốt nát nên sống bằng cách đi quanh khắp làng trên chạ dưới làm việc vặt cho mọi nhà. Hôm đó, cậu bé con nhà giàu thấy ông Tuất đang dựa vào cái thang ở đáy giếng để vớt rác cho vào cái sọt tre đan. Nổi máu tinh nghịch, cậu bé cầm hai đầu thang rung mạnh. Ông lão ở dưới đáy giếng sợ quá, chửi vung lên. Những lời chửi bới thực tục tằn thô lỗ. Cậu bé căm lắm, vì cả ông bà tổ tiên gia đình cậu đều bị đào mồ cuốc mả lên hết. Cậu hằm hằm về nhà, nghĩ phải tìm cách trả thù. Phải trả thù cách nào cho đích đáng, cho xứng hợp với những lời chửi bới thô lỗ. Và cậu đã lấy một cái gáo dừa xúc đầy phân trâu, chờ đến ban đem lén ra đầu đình quăng tòm xuống giếng. Cậu nghĩ trả thù như thế mới đáng! Lão Tuất cố làm sạch giếng, thì cậu phá cho nó dơ đi. Cậu hãnh diện lắm. Ông Thanh Tuyến nhớ rõ là đêm hôm đó, sau khi vứt gáo phân trâu xuống giếng làng, cậu ngủ không được. Cậu hân hoan đến nỗi đắp chăn nằm cười một mình. Cậu quên bẵng là nhà cậu cũng uống nước cái giếng ấy!

Một lần khác ông lại nhớ chuyện dĩa mắm kho. Vẫn ở làng quê trù phú ven sông Hồng của ông. Hồi đó gia đình ông có nuôi một chị vú để lấy sữa cho cô em gái lên một của ông. Ông Thanh Tuyến hồi đó lên bảy. Chị vú có một đứa con gái ba tuổi, mặt mày khá xinh nhưng có cái tật ưa khóc nhè. Cậu bé con nhà chủ ghét nó thậm tệ. Chẳng hiểu tại sao, mỗi lần thấy mặt nó, là cậu nổi sùng. Một hôm cậu xuống bếp thấy chị vú ăn cơm xong đem dĩa mắm kho còn lại cất kỹ vào cái nồi đất. Chị đậy vung lại, cẩn thận hơn, còn lấy cái thớt gỗ đằng lên cái vung lật ngửa, sợ mèo ăn mất chút mắm thừa. Cậu lén chị bếp đem cả dĩa mắm cho con mèo xiêm liếm sạch. Con mèo liếm xong, cậu còn đặt y nguyên cái dĩa vào nồi, và đằng cái thớt lên trên nắp nồi như cũ. Buổi chiều chị vú giở nồi thấy dĩa mắm đã hết, nghi ngay cho con bé. Chị nọc nó ra, đánh cho một trận nên thân. Nó khóc thét lên, mỗi lần nghe nó khóc, là  mỗi lần cậu khoái trá…

Những chuyện ông Thanh Tuyến nhớ lại, đại loại đều như vậy cả. Ông lặng người mỗi lần ôn lại những mẩu kỷ niệm ấy, tự nhủ hãy rán quên đi để tìm những kỷ niệm đẹp trong đời, nhưng không tìm ra được. Ông cố gợi cho mình những mối tình cũ, những hò hẹn đầu đời, những lá thư không dám gửi, những rạo rực qua nụ hôn đầu, cảm giác còn lại khi vỡ lòng thú vui nhục dục, chiếc xe hơi đầu tiên, lần gặp gỡ với bà Thanh Tuyến… Nhưng những kỷ niệm ấy hiện đến rồi vụt đi, mờ nhạt vô vị! Ông chẳng hiểu tại sao!

***

Tất cả những bạn buôn bán kinh doanh của ông, bạn bè của Tường, Quỳnh Trang, Quỳnh Như… đều đến thăm ông. Ða số thăm cho phải phép. Những người thực tình trở lại thăm ông nhiều hơn, cho tới lúc mọi sự an bài thì không đến nữa. Có đến thì cũng không thể nói chuyện bệnh tật thuốc thang được. Vết thương của ông đã lành, chuyện chữa trị chứng bán thân bất toại phải cần dài ngày. Còn gì đâu để làm đề tài lấp đầy những cuộc viếng thăm gượng gạo. Nếu ông Thanh Tuyến ham nghe thời sự thì còn dễ xử. Đàng này ông hoàn toàn ơ hờ với thời cuộc. Còn nói chuyện gì bây giờ?

Ông bà Văn lên thăm ông một lần khi ông còn nằm bệnh viện, và hai lần khi ông đã trở về nhà, Mân và Lãng đến gặp ông nhiều lần khi bác sĩ chưa cho biết là ông bị tê liệt nửa thân thể không còn hoạt động đi lại như xưa. Trong doanh trường, ông là đồ bỏ. Mân và Lãng không cần tới ông nữa! Ông Thanh Tuyến thở phào nhẹ nhõm. Nếu không có tai nạn này, ông đã bỏ họ trước, khỏi cần bám víu vào cái trò nguy hiểm!

Chỉ có Ngữ là người thích được đến thăm ông luôn. Và ông cũng thích nói chuyện với Ngữ.

Cả hai đều kinh ngạc, chẳng hiểu tại sao nẩy sinh mối đồng cảm bất ngờ như vậy. Họ không hề có điểm chung nào, từ tuổi tác, nghề nghiệp, tính tình cho đến bối cảnh quá khứ. Ngữ tuy là bạn thân lâu năm với Tường, nhung tận thâm tâm, vẫn xem ông Thanh Tuyến là một “anh con buôn”. Ngược lại, ông Thanh Tuyến không ưa được hai người bạn thân của con. Ông xem Ngô và Ngữ như những thằng con nít gàn dở, vô tích sự, không có một chút ý niệm thiết thực nào về đời sống nên thơ mộng hóa những điều phù phiếm giả hình. Chưa hết! Ông còn khinh rẻ họ như những tên ăn bám, những kẻ bám vào con trai ông để ít ra cũng đỡ lo những khoản lặt vặt cà phê thuốc lá.

Mảnh lựu đạn bằng đầu cây tăm thay đổi hẳn lối nhìn người của ông! Dường như mắt ông trông rõ hơn, tai thính hơn. Sự im lặng của căn phòng giúp ông nghe được những âm thanh khác, những tiếng nói không phát ra ở cửa miệng đầu lưỡi mà đến từ ánh mắt, hoặc từ sự vắng mặt.

Ông cảm nhận được thứ tiếng nói huyền nhiệm ấy nơi Ngữ! Mỗi lần gặp nhau, những điều Ngữ và ông Thanh Tuyến nói với nhau cách khoảng quá xa với những điều thiên hạ đang chú ý. Họ như hai người đi lạc vào một thế giới mù mờ mà họ không hiểu hết, tìm hết cách vẫn quờ quạng không thấy lối ra, nên chỉ còn một lối là tìm đến nhau. Hay chính họ là những kẻ bất lực giữa một thời cuộc quay cuồng, cô độc trước cuộc đào thải tàn nhẫn nên bấu víu nhau để tìm chút hơi ấm cảm thông.

Về sau này, Ngữ vẫn không nhớ rõ uyên nguyên từ đâu chàng và ông Thanh Tuyến đột nhiên đến với nhau. Có lẽ bắt đầu là do cách Ngữ thăm hỏi ông Thanh Tuyến. Không như những người khác, Ngữ không hề tò mò thắc mắc gì về nguyên do của tai nạn. Ngữ không xoi mói tới chuyện làm ăn của ông, cũng không cố tạo một lý do huyễn hoặc để tâng bốc an ủi ông như nhiều người đã làm. Cả hai lối nhìn, cả hai cách cư xử đều khiến ông Thanh Tuyến khó chịu. Ông lo lắng đề phòng, giữ gìn lời nói, cử chỉ, nét mặt, ở thế thủ. Như con chim bị tên, ông nhột nhạt với bất cứ lời nói xa gần nào liên quan tới tai nạn của mình.

Ngữ không như vậy! Chàng đọc được ở đâu đó một chân lý đơn giản: Đừng bao giờ rơi nước mắt cho những gì không thể thay đổi được nữa. Vô ích! Cũng đừng ép mình với tay lên chỗ biết rõ đã quá tầm tay. Vậy thì tại sao phải thắc mắc vì sao ông Thanh Tuyến bị kẻ lạ mặt ám hại, hoặc đặt điều bày trò để cố an ủi ông.

Nhờ thế, nằm nói chuyện với Ngữ, ông Thanh Tuyến cảm thấy thoải mái, có thể nói là thoải mái hơn cả lúc ông nói chuyện nhà với vợ. Ông vẫn bị tê liệt một nửa thân người, đôi môi không điều khiển được bình thường nên giọng nói biến đổi. Giọng ông khi thì phều phào, khi thì ngọng nghịu. Cho nên ông tránh nói nhiều, trừ những hôm gặp Ngữ. Ông đem hết mọi điều thoáng qua trong đầu ông những lúc nằm một mình để kể với Ngữ. Chẳng hạn ông đem kể chuyện ông trả thù ông lão Tuất, chuyện đĩa mắm kho. Những chuyện mà suốt cuộc đời may mắn và thành công của ông, chưa bao giờ ông nhớ tới. Rồi ông hỏi:

– Tại sao như vậy? Tôi còn nhớ thêm nhiều chuyện khác nữa, kể cả những mơ ước phi luân tàn ác nhất. Anh có muốn tôi kể hết những mơ ước thầm kín quái dị ấy không?

Ngữ xua tay đáp:

– Thôi, bác ạ ! Nhưng con xin đoán non đoán già nguyên nhân vì sao đột nhiên bác nhớ lại hết những kỷ niệm không đáng nhớ hồi nhỏ. Những “hận ngày xanh”, nếu bác với con muốn nói cho văn hoa. Bác như một người leo núi hăm hở cố bám cho chắc lấy dốc đời, để, bằng bất cứ giá nào, phải đặt chân lên đỉnh núi. Phải leo cho đến đỉnh trời chót vót, vì lên tới đó thì mọi sự sẽ được giải quyết. Bác sẽ nhìn hết được mọi sự, bác sẽ ở trên hết mọi người. Ai cũng mơ ước như vậy, kể cả con. Tường là một trường hợp khác. Ngô là trường hợp khác nữa. Mỗi người tự chọn cho mình một dốc núi, và người này chê cách chọn của người kia là sai lầm phù phiếm. Trong cuộc leo dốc ấy không ai còn tâm trí đâu để nhớ những chuyện vặt vãnh. Chỉ khi nào ta tới đích, hoặc khi nào ta đi lầm đường, leo tới một dốc núi hiểm trở đến nỗi không có đường lên mà cũng khó trở xuống, lúc đó, ta mới nhớ lại những gì đã quên suốt chặng đường đi qua. Bác ở trong hoàn cảnh ấy.

– Nhưng tại sao chỉ nhớ toàn những điều ân hận?

– Vì trong thâm tâm, bác cứ cố giải thích cái thất bại cuối cùng, cái rủi ro trước mắt. Những điều lâu nay bác hãnh diện hay các việc tốt bác đã đóng góp cho đời, không giúp ích gì cho bác. Nó chỉ khiến bác thêm uất ức, thấy ông Trời bất công. Bác cố trấn an bác rằng tất cả đều theo lẽ công bằng, rằng hiện trạng của bác là hậu quả tất nhiên. Bác phải moi óc tìm cho ra những điều ân hận để nối kết chúng lại thành một dây nhân quả hợp lý. Con xin thưa ngay với bác rằng, theo ý con, nếu thật sự có luật nhân quả, thì luật ấy không đơn giản như chuyện những con suối phải đổ hết vào sông, và giọt nước nào trên sông cũng trôi ra biển. Không đâu. Có những dòng suối chết. Có những mạch sông ngầm. Có những giọt nước bốc hơi tan loãng vào hư không. Có những giọt nước hóa thành đá nghìn năm trên đỉnh tuyết. Bác còn có nhiều, quá nhiều niềm hãnh diện trong đời, bên cạnh những điều ân hận. Bác đừng cố giải thích gì cả!

Càng nói Ngữ càng say sưa, trôi chảy, lời nói văn hoa như lời viết. Những lúc đó, ông Thanh Tuyến mỉm cười lắng nghe, và lòng ông trở nên an lạc. Nhiều hôm Ngữ mê mải nói đến nỗi lúc dừng lại, ông Thanh Tuyến đã ngủ lúc nào không biết. Trên môi ông, một nụ cười. Và vầng trán ông không còn nét nhăn cau có nào!

***

Thời gian đầu, khi tới thăm ông Thanh Tuyến, Ngữ thường gặp Tường. Ngữ nhận ra ngay thái độ bất thường của Tường đối với mình. Tường ăn nói nhát gừng, tìm cớ để khỏi đi sâu vào chuyện gia đình, cũng không chủ động lái câu chuyện sang thời sự để khuyến khích thúc giục Ngữ như những lần trước. Ngữ tưởng bạn giận thái độ lừng khừng của mình, tìm cách biện hộ:

– Mày hiểu cho tao. Tao thấy trong chuyện này có cái gì vương vướng !.

Tường quắc mắt nhìn Ngữ, giọng nói hơi lắp bắp:

– Thôi, dẹp quách chuyện đó đi. Không phải chuyện của mày.

Ngữ trố mắt nhìn bạn, ngơ ngác. Tường hiểu lầm mình, nên hạ giọng hỏi:

– Mày đang nói chuyện gì thế?

Ngữ đáp:

– Chuyện ông nói gà bà nói vịt, trước sau không thống nhất của phong trào tranh đấu ở đây. Mày thuộc thành phần dẫn đạo, mày hiểu tại sao chứ?

– Có gì đâu mà bất nhất?

Ngữ kể chuyện trong Tiểu khu:

– Chẳng hạn ở chỗ tao làm việc, ở Tòa Hành chánh và Tiểu khu. Mấy tuần trước đây, từ trên xuống dưới ai cũng nói một giọng: Thiệu Kỳ Có phải từ chức. Phải dứt khoát đứng về một phía để một phen sống mái với Sài gòn nếu ông Kỳ cho tấn công vào Đà nẵng hay đem quân ra đánh Huế. Từ ông đại tá tỉnh trưởng cho đến anh binh nhì, từ trên chùa cho tới khu đại học, khí thế bừng bừng. Chuyện đó mày biết rồi. Nhưng từ lúc ông Kỳ cho rút quân về, rồi Sài gòn hứa hẹn này nọ, thì chín người mười ý. Có người bảo nên dừng lại, chờ Sài gòn thực thi lời hứa. Có người nói phải làm tới, vì dừng lại nửa chừng trong khi ông Thiệu, ông Kỳ, ông Có vẫn còn đó, súng đạn trong tay, thì có ngày chết không kịp ngáp. Đã leo lên lưng cọp phải leo cho tới cùng, xuống khỏi lưng cọp nửa chừng tất nhiên phải bị cọp vồ. Trong Tiểu khu của tao số người chủ trương phóng lao phải phóng cho đến khi trúng đích nhiều hơn số người chủ hòa. Thế rồi mới hôm qua đây, các sĩ quan Tuyên úy Phật giáo lại phổ biến lời hô hào của thầy Trí Quang, bảo nên trở về với nhiệm vụ, phải tái lập trật tự trong khi chờ bầu cử quốc hội lập pháp. Thầy Trí Quang còn đoan chắc rằng sau khi bầu quốc hội xong, hai ông Thiệu Kỳ sẽ từ chức, và những quân nhận công chức tham dự tranh đấu được bảo đảm không bị biện pháp kỷ luật nào cả. Thế là thế nào? Bên phía sinh viên tranh đấu và Mặt trận Nhận dân Cứu quốc có chuyện đó không?

Tường đáp gọn:

– Không bao giờ!

– Nghĩa là chủ trương của mày không giống chủ trương trên chùa?

– Giống sao được! Không thể nói chuyện với họ bằng kinh kệ. Đồ tể mà buông dao xuống là thành Phật! Trời đất hỡi! Mấy ông sư điên hết rồi!

– Nghĩa là mày không tin những lời hứa của mấy ông tướng?

– Không.

– Họ sẽ làm gì?

– Sẽ làm như ông Kỳ đã làm, là chờ cơ hội để quật lại lần nữa. Nhất là bây giờ Mỹ công khai ủng hộ họ! Mày đã đọc hai bài báo New York Times chưa?

– Chưa! Nói gì trong đó thế?

Tường cau mày nhìn Ngữ như nhìn một quái vật:

– Mày đang ở đâu vậy? Tài liệu đó tụi tao quay ronéo phân phát khắp nơi, chẳng lẽ mày chưa hề đọc qua?

– Chưa!

Giọng Tường bực dọc:

– Vậy thì có còn gì để nói với mày nữa đâu! Chẳng trách mày cứ lừng khừng hoài!

Ngữ bị chạm tự ái, hỏi lại:

– Giả sử người Mỹ đứng về phía các tướng lãnh ở Sài gòn, mày sẽ làm gì?

– Còn giả sử giả thiết gì nữa! Chuyện đó đã rõ. Chúng liên minh với nhau. Một thứ liên minh ma quỉ.

Ngữ nghe những tiếng lạ, hỏi:

– Liên minh ma quỉ? Mày nhặt ở đâu cách nói lạ lùng vậy?

Tường không đáp, hỏi Ngữ:

– Nếu mày còn có lương tâm, mày phải chọn phía: hoặc đứng về phía dân tộc, hoặc đứng về phía những kẻ chống lại dân tộc.

Ngữ nổi nóng:

– Mày ám chỉ ai? Những người làm việc cho chính phủ, những người làm việc với người Mỹ à?

Tường ngửng phắt lên nhìn Ngữ đăm đăm, giận dữ. Tường nghĩ Ngữ chống chế bằng cách nhắc đến nghề thầu dịch vụ cho Mỹ của ông Thanh Tuyến. Tường gằn giọng nói:

– Mày hãy rờ vào ót mày trước đã!

Rồi bỏ đi. Từ đó Ngữ ít gặp Tường. Vả lại, Tường cũng ít về thăm nhà, trừ trường hợp phải về để lấy thêm tiền và thay quần áo cho thằng Bá giặt!

____________________________________________

Chương 27

Ông Thanh Tuyến nằm một chỗ “an lạc”, nên không hề biết rằng bên ngoài của phòng ông, cuộc sống của gia đình đang hồi xáo trộn dữ dội. Có thể nói cả cơ nghiệp ông bỏ công lao xây dựng trong bao nhiêu năm sụp đổ nhanh trong vòng có mấy tuần. Mân dứt khoát loại ông Thanh Tuyến ra khỏi tổ hợp đấu thầu. Lý do gần quá dễ hiểu: ông Thanh Tuyến đã trở thành phế nhân. Nhưng còn một lý do sâu xa hơn. Mân tuy cần vốn của ông Thanh Tuyến, nhưng suốt hai năm nay, cứ ngay ngáy lo sợ có một ngày nào đó, hoạt động chính trị của Tường sẽ ảnh hưởng tai hại đến công cuộc làm ăn. Bây giờ ông Thanh Tuyến tê liệt nằm một chỗ, Mân phải chộp cơ hội hiếm có. Vì thế, Mân chỉ đến thăm ông Thanh Tuyến có một lần, rồi không bao giờ trở lại. Trong lần đó, Mân không đả động gì tới việc làm ăn. Mân coi như chưa hề có tổ hợp đấu thầu rác và cung cấp rau tươi cho hai doanh trại Mỹ ở Mỹ khê, và từ khi ông Thanh Tuyến bị nạn, Mân chưa hề dự tính một vụ đấu thầu nào tương tự. Bà Thanh Tuyến tiếc của, nhiều lần nhắc Quế hoặc Lãng lên nhà để bà hỏi cho rõ Mân tính thế nào, vốn liếng vợ chồng bà góp vào nay tiền lời chia chát ra sao. Lãng đã vào Ðà nẵng, còn Quế thì thành thật thưa rằng cô không biết gì hết.

Bà Thanh Tuyến nghĩ có một âm mưu sang đoạt tài sản của bà. Bà muốn làm tới. Nhưng làm thế nào? Thưa kiện với ai trong lúc này? Giấy tờ ở đâu?

Quỳnh Trang được điện tín từ Sài gòn về Huế thăm cha, thấy mẹ gầy gò hẳn đi. Bà Thanh Tuyến không ngủ được, đêm nằm gác tay lên trán thở dài sườn sượt. Quỳnh Trang tội nghiệp cho mẹ quá, đề nghị bỏ học để về đỡ đần bớt việc buôn bán.

Bà Thanh Tuyến nghe con gái lớn nói vậy, cảm động bật khóc. Bà mếu máo nói:

– Mẹ khổ lắm, con biết không? Mấy tháng nay tiền chỉ có ra chứ không vô đồng nào. Tình hình lộn xộn, cửa hiệu bữa đóng bữa mở. Nếu cứ cái đà này thì có ngày mấy mẹ con ra đường dắt díu nhau đi ăn xin! Thầy mày thì nằm một chỗ!

Quỳnh Trang ôm lấy vai mẹ, an ủi:

– Ở trong Sài gòn còn lộn xộn hơn đây nữa, nên buôn bán trong đó cũng ế ẩm. Ở trường Dược con có học hành gì được đâu. Thôi, mẹ cho con ở lại giúp đỡ me, me nhé!

Bà Thanh Tuyến đưa tay áo chặm nước mắt, rồi hỏi:

– Nhưng học được hai năm rồi, bỏ đi uổng quá. Con cứ vào lại đi, mọi việc có mẹ lo!

Quỳnh Trang quì xuống thảm để nhìn thấy mẹ rõ hơn. Nàng nói:

– Thầy me khổ, con không yên tâm. Mẹ cho con nghỉ học để con trông hàng, cho me săn sóc thầy.

Bà Thanh Tuyến nhận thấy không còn giải pháp nào khác. Nhìn lại gia đình, bà thấy quá đơn chiếc. Tường thì coi như không có. Quỳnh Như tính tình bộp chộp không đủ kiên nhẫn để lo việc chi li tiền bạc. Chỉ còn Quỳnh Trang là tin cậy được, tuy bà biết Quỳnh Trang còn chậm chạp vụng về khi cần giao thiệp bên ngoài. Muốn khỏi ân hận vì bắt con thôi học, bà bảo:

– Ðể me hỏi ý kiến thầy xem sao. Nếu thầy mày bằng lòng, mẹ mới yên tâm.

Rồi không hiểu nghĩ gì, bà lại thút thít khóc.

Buổi tối bà đem chuyện hỏi ý ông Thanh Tuyến. Ông cũng xót xa cả lòng như vợ, nhưng thấy chỉ còn cách giải quyết bất đắc dĩ này. Quỳnh Trang trở thành người quán xuyến mọi việc trong nhà. Một người nội trợ biết rõ vị trí và nhiệm vụ của mình, lặng lẽ nhận hết những việc đa đoan phức tạp không chút than van cũng như lặng lẽ thi thố quyền uy lớn lao của mình với người khác.

Mới từ Sài gòn về hôm trước, hôm sau Quỳnh Trang đã cùng với mẹ tính toán kiểm điểm lại sổ sách tới khuya. Quỳnh Như ngủ chung phòng với chị như hai năm trước, nên dần dà nhận ra những biến đổi của chị. Quỳnh Trang biến đổi từ cách đi đứng, ăn nói, cho tới cả cách ăn mặc. Trách nhiệm mau chóng biến Quỳnh Trang thành một người phụ nữ lớn trước tuổi, đến nỗi Quỳnh Như không còn dám nói đùa hoặc trêu chọc chị nữa. Mắt Quỳnh Trang trước kia tuy nghiêm nhưng lâu lâu không giấu được nét trẻ thơ ranh mãnh. Bây giờ ánh mắt ấy đầy lo lắng, đăm chiêu. Lời nói chậm và rõ, ăn mặc xuề xòa như một người đã có chồng con, không cần làm dáng với ai khác.

Quỳnh Như thấy thương chị, bùi ngùi nhớ lại những lần đùa nghịch với chị trước đây. Tuy vậy, Quỳnh Như không biết phải an ủi chị thế nào. Quỳnh Trang lặng lẽ thản nhiên quá. Quỳnh Như đâm ngại.

***

Nam lên thăm ông Thanh Tuyến mới biết Quỳnh Trang không vào Sài gòn nữa. Hai người bạn cũ dẫn nhau vào phòng đóng cửa lại nói chuyện riêng. Vừa khép cánh cửa lớn ăn thông ra phòng khách xong, Quỳnh Trang ôm lấy Nam khóc nức nở.

Nàng khóc nấc lên, và khóc thật lâu. Bao nhiêu đau khổ dồn nén, bao nhiêu tình cảm che giấu để yên lòng thầy mẹ và em, bây giờ được dịp giải tỏa. Nam để mặc cho Quỳnh Trang khóc, không nói gì. Vì Nam cũng khóc lặng lẽ theo bạn.

Một lúc sau, họ mới lấy lại được bình tĩnh. Nam thút thít hỏi:

– Trong đó biết tin hôm nào?

Quỳnh Trang cũng thút thít trả lời:

– Nhận điện tín hôm thứ bảy. Mãi thứ ba mình mới mua vé máy bay được. Số khách ứ đọng vì thời kỳ ngoài này lộn xộn không có máy bay, dồn nhiều quá, họ được ưu tiên đi trước.

– Trong đó vẫn yên ổn à?

– Yên ổn sao được. Một thời gian ngày nào cũng có một hai đám biểu tình diễu qua trước trường Dược. Tháng trước, tụi nó chận xe Mỹ lại đốt ngay trước cửa trường mình. Hai lính Mỹ trên xe phải chạy vào trường trốn, chờ MP tới đưa về.

Nam láu lỉnh hỏi:

– Rồi Trang có tham gia biểu tình không?

Quỳnh Trang lắc đầu. Nam cười.

– Vậy là thua xa tụi ngoài này rồi. Mai, buổi tối lại có hội thảo do anh Tường hướng dẫn. Trang đi với mình cho vui.

Quỳnh Trang lại lắc đầu:

– Mấy chỗ đó mình không tới đâu!

Rồi Quỳnh Trang hỏi:

– Nam với anh Tường độ này thế nào?

Nam tươi ngay nét mặt, nhưng làm bộ chưa hiểu, hỏi bạn:

– Thế nào là sao?

Quỳnh Trang cười mỉm:

– Chuyện hai ông bà ra sao, con Quỳnh Như biên thư kể hết cho mình biết rồi. Như nó bảo Nam độ này hăng lắm, trở thành “lãnh tụ” chị em Phật tử rồi. Đúng thế không?

Nam lắc đầu làm ra vẻ chán ngán Quỳnh Như đặt điều, nhưng vui sướng hiện cả trong ánh mắt:

– Cái con bé không chừa cái tính mách lẻo lanh chanh. Nhưng mấy “tên tướng” trong đó như thế, làm sao mình ngồi nhà cho được!

Quỳnh Trang ngạc nhiên vì lối nói của Nam, nhìn bạn hồi lâu xem do đâu Nam không còn như xưa nữa.

Chưa hết! Nam còn thuyết cho bạn nghe đầy đủ tình hình thế giới, tình hình trong nước, cuộc oanh tạc leo thang ở Bắc Việt đi về đâu, bản chất giai tầng tướng lãnh ở các nước chậm tiến là gì, hậu quả cuộc đối đầu giữa Sài gòn và Phật tử Miền Trung sẽ ra sao, tướng Kỳ có dám đem quân ra Đà nẵng lần nữa hay không…

Nam càng say sưa nói, Quỳnh Trang càng kinh ngạc. Nàng tự hỏi phải chăng tình yêu Tường đã biến đổi cô bạn cũ nhút nhát nhạy cảm ngày xưa của nàng thành một người khác hẳn.

Trong lúc Nam nói, Quỳnh Trang mỉm cười tò mò nhìn bạn. Phải, người bạn yếu đuối nhạy cảm của Trang ngày xưa, bây giờ không còn yếu đuối nữa. Quỳnh Trang thử làm một cuộc so sánh. Trước hết là nét mặt điệu bộ của Nam. Không kể những lúc Nam ngồi yên lặng thu người nhỏ nhắn giữa đám đông, nét mặt lạc lõng giữa những khung cảnh náo nhiệt vui vẻ như sân trường giờ ra chơi, ở đại nhạc hội, ở một cuộc họp mặt thân hữu. Hãy kể những lúc Nam cảm thấy đủ an toàn để bỏ hết sự dè dặt e ngại, như các buổi tối Nam và Quỳnh Trang học chung với nhau. Những lần đó, Nam nói nhiều hơn, tâm sự chân thành và cởi mở hơn. Nhưng mỗi lần nói điều gì, Nam có thói quen cúi xuống giấu mặt, nói xong một câu lại ngửng lên liếc nhanh về phía bạn như sợ vừa nói một điều thất thố. Thói quen đó, bây giờ không còn! Nam kể chuyện thời sự nóng bỏng cho bạn nghe với đôi mắt sáng. Nàng nhìn chếch lên trời như kiểu các cha đạo giảng kinh, và y như các tu sĩ nhiệt tín, Nam có những nhận xét quá khích liều lĩnh bất cần người nghe có chấp nhận hay không, bất cần hợp lý hay trái lý. Lối nói đó, dáng diệu đó thật giống lối nói dáng điệu của Tường. Bây giờ Quỳnh Trang mới hiểu một điều lâu nay nàng vẫn thắc mắc: là không hiểu vì sao những cặp vợ chồng Trang quen biết đều rất giống nhau, cả hình dáng, tính tình lẫn lối cư xử với mọi sự trên đời. Về hình dáng, Quỳnh Trang tìm được một cách giải thích tạm ổn thỏa. Những đứa con trong gia đình đều có nét hao hao giống cha một ít, giống mẹ một ít. Nét mặt của chúng là một thứ hòa hợp kỳ diệu giữa hai nét mặt, nên trở thành cái gạch nối khiến hai vợ chồng trở nên tương tự nhau. Về tính tình, trước đây Quỳnh Trang không hiểu. Bây giờ, sau khi gặp lại Nam, nàng hiểu. Tình yêu thật sự nào cũng đưa đến sự tự xóa để thích nghi, kể cả những thứ tình yêu bao quát như yêu tổ quốc, yêu loài người, yêu cuộc sống. Lúc ấy con người cảm thấy nhỏ lại, cảm thấy mong manh, và khác với khát vọng sinh tồn thúc giục người ta chiếm hữu trong sung sướng và đau khổ khi thua thiệt, ở đây con người tìm được niềm hạnh phúc của kẻ tử đạo! Cuộc sống lứa đôi biến đổi cả hai vợ chồng lúc nào không hay, và tới một lúc nào đó, cả hai nói chung một thứ tiếng, vui buồn giận hờn chung một cung bậc, giận dữ phẫn nộ vì chung một nguyên do. Quỳnh Trang mỉm cười nhìn bạn, lòng pha lẫn nào trìu mến, nào ganh tị, nào mơ ước vu vơ…

***

Rồi phải tới lúc Nam thấy mình giành nói một mình, và nét mặt của Quỳnh Trang buồn buồn. Nam ngơ ngác hỏi bạn:

– Trang có chuyện gì thế?

Quỳnh Trang lắc đầu, cố tươi nét mặt cho bạn yên tâm:

– Không! Có gì đâu! Tự nhiên thấy nhớ Sài gòn.

Nam cười, chỉ vào mặt Quỳnh Trang tra vấn:

– Nhớ “chàng” nào phải không? Khai cho chị dâu đi!

Quỳnh Trang đỏ mặt, lúng túng nói:

– Bậy!

càng khiến cho Nam ngờ vực thêm. Trong nỗi hân hoan, Nam nghĩ mọi người cũng phải may mắn như mình, nên quyết tra gạn:

– Còn bậy gì nữa! Cũng học Dược phải không?

– Không có ai đâu! Mình xưa nay…

– Không có, sao Trang có vẻ ấp a ấp úng vậy?

Quỳnh Trang không muốn cho bạn biết rõ cuộc sống tình cảm heo hút, trống không của mình, tìm cách nói sang chuyện khác:

– Tại mình về đây rồi ở lại luôn, sợ con bạn thuê chung phòng trọ nó buồn. Con bé học năm thứ nhất, dễ thương lắm!

– Tiền thuê nhà trong đó có đắt không?

– Dĩ nhiên là đắt. Nhất là những khu không ồn ào ô hợp quá, lại gần trường. Mình ở khu Ðakao đó.

– Khu làm guốc phải không?

Quỳnh Trang bỡ ngỡ hỏi lại:

– Làm gì có khu làm guốc ở đấy?

Nam cười:

– Tại mình nghe guốc Ðakao, nên cứ tưởng ở đó toàn dân đóng guốc.Từ đó đến trung tâm thành phố Sài gòn có xa không?

– Không xa bao nhiêu. Trường mình học ở giữa đoạn đường từ nhà đến khu Catinat, dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà. Muốn đi biểu tình phản đối hay xuống đường đã đảo ai, tiện lắm!

Nam không chú ý cái giọng hơi mỉa mai của Quỳnh Trang, chỉ nhớ đến hình ảnh tưởng tượng về nhà thờ Đức Bà, về con đường từ nhà thờ lớn chạy qua những dinh thự phố xá sang trọng nhất Sài gòn để gặp bến Bạch Đằng, về chỗ ngụ của một thứ quyền lực mạnh mẽ nhất nước. Giọng Nam có vẻ tiếc nuối:

– Mình lớn chừng này mà chưa biết Sài gòn rộng hẹp thế nào cả. Quê dễ sợ!

Quỳnh Trang tìm được đề tài thông thạo hơn Nam, nên kể:

– Dĩ nhiên phố xá trong đó tấp nập hơn đây, nhưng mình vẫn không chịu đựng được tiếng ồn liên tu bất tận từ sáng sớm đến khuya và mùi khói xe. Nam tính, ở đây mình xe đạp tà tà thong thả, đi đâu cũng tới, không việc gì vội. Ở trong đó hễ ra đường là phải chạy. Xe cộ như mắc cửi, nhất là xe gắn máy. Mình xin tiền me mua cái Solex để đi học, vì thấy ngoài này con Như nó đi Solex tiện quá. Mua rồi mới biết mình lầm. Đường Sài gòn cứ một đoạn là có đèn xanh đèn đỏ. Đi Solex, cái phiền là lúc dừng phải với tay ra phía trước kéo cái cần máy lên gài vào cái móc ở ghi-đông, đèn xanh lại thả cần xuống. Nam cứ tưởng tượng chạy một cây số mà phải lên cần xuống cần hàng chục lần như thế, thật mệt. Cho nên mình bán chiếc Solex đi và mua cái Honda dame. Loại xe gắn máy của Nhật mới nhập cảng đó.

Nam nói:

– Ở đây thiên hạ bắt đầu dùng loại đó khá nhiều rồi. Trông có vẻ nặng nề lắm, phải không?

– Không nặng đâu. Đi khoẻ lắm. Mình đèo con Trâm ngồi sau, vẫn chạy vù vù.

– Trâm nào thế?

– Con bạn thuê chung phòng mình nói lúc nãy.

Quỳnh Trang cười, giọng tự đắc:

– Nói thuê chung, nhưng thực ra mình trả gần hết tiền phòng. Nhà nó túng thiếu, thấy tội nghiệp quá!

Nam thắc mắc:

– Trang về đây, cô ấy ở đâu?

– Bởi! Cho nên mình lo cho nó!

Nam nhớ lại hồi gia đình còn túng bấn, nhớ lại mặc cảm thua sút đối với bạn suốt thời gian học trung học, đột nhiên thấy vẻ lo lắng kẻ cả của Quỳnh Trang có gì đáng ghét. Nam nói:

– Hôm nào mình sẽ nhờ thằng Lãng mua giùm một chiếc Honda dame. Lâu nay đi đâu cũng nhờ anh Tường chở, thật bất tiện. Còn đi xe đạp thì nhọc quá. Trang nghĩ coi, từ nhà đạp xe lên tận Từ đàm để họp hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, sức đâu chịu nổi! Càng ngày họ càng khách sáo với nhau hơn, che giấu những điều bất lợi và khoe khoang cả những điều chưa có thật. Hai người bạn cũ cảm thấy vừa mất một cái gì đơn giản, chơn chất, thoải mái, tự nhiên. Câu chuyện tâm tình đi dần tới chỗ gượng gạo!

***

Lúc ông Thanh Tuyến gọi Quỳnh Trang mang vào cho ông bình nước trà, Nam chộp lấy cơ hội chấm dứt cuộc nói chuyện gượng gạo, ngỏ ý với bạn muốn về. Quỳnh Trang không lưu khách lại. Nam theo Quỳnh Trang vào buồng chào ông Thanh Tuyến. Cứ nghĩ thế nào ông cũng hỏi về Lãng hoặc Quế, nên nàng nói trước:

– Hồi chiều em Lãng vừa về đây. Cháu có rủ nó lên thăm bác, nhưng nó nói tối nay nó có việc bận, hẹn sáng mai thế nào cũng ghé bác trước khi vô Đà nẵng.

Ông Thanh Tuyến không nói gì, lại hỏi một câu hoàn toàn bất ngờ đối với Nam:

– Anh Ngữ bận gì hai hôm nay không lên đây chơi?

Nam ngỡ ngàng nhìn ông Thanh Tuyến hồi lâu, tưởng ông nói lầm. Ông Thanh Tuyến hỏi lại:

– Anh ấy vẫn đi làm đều bên Tiểu khu đấy chứ ?

Nam biết chắc ông Thanh Tuyến hỏi về Ngữ, vội đáp:

– Dạ vâng. Anh con vẫn đi làm.

Ông Thanh Tuyến muốn nói gì thêm nữa, sau nghĩ sao, lại thôi.

Nam muốn về, nên nói nhỏ:

– Thưa thầy, con về!

Ông Thanh Tuyến giật mình, quay về phía Nam, nói:

– Được, con về!

Quỳnh Trang lặng lẽ tiễn Nam xuống lầu. Cảnh cửa hiệu radio bề bộn hơn trước kia, bàn ghế xếp đặt lung tung thiếu hẳn vẻ ngăn nắp trật tự. Trong tủ kính ngay phía trái quầy thu ngân, chỉ bày lèo tèo ba cái radio nhỏ và một cái cassette hiệu Hitachi có hai loa rời. Nam tò mò hỏi:

– Sao hàng họ ít quá vậy?

Quỳnh Trang nói:

-Lâu nay thầy bận, không ai lo đặt thêm hàng. Mình lo xong sổ sách sẽ vào Sài gòn mua thêm!

Nam mừng rỡ dặn:

– Khi nào đi cho mình đi theo với! Nhớ nhé!

Quỳnh Trang không nói gì, lẳng lặng lục chìa khóa trong hộc bàn đến mở cửa sắt cho Nam ra. Nam dắt chiếc xe đạp dựng ở cái bàn kê gần cửa lách qua cửa, ra đường Trần Hưng Ðạo.

Nam về rồi, Quỳnh Trang ngồi một mình giữa cửa hiệu xơ xác, lòng bất an vu vơ. Nàng ngồi như vậy thật lâu, quên cả khóa cửa để còn lên lầu chuẩn bị đi ngủ.

Quỳnh Như về bắt gặp chị ngồi như pho tượng, lạ lùng hỏi:

– Sao chị chưa đi ngủ? Ngồi chờ ai thế? Chẳng lẽ chờ em?

Quỳnh Trang đáp chậm:

– Chị cũng sắp đóng cửa đấy. Mới đưa con Nam về xong.

Quỳnh Như reo len:

– Chị ấy có lên à? Hồi nào?

Quỳnh Trang đáp lơ mơ cho có đáp:

– Hồi nãy!

rồi hỏi chuyện khác, giọng trở nên gay gắt:

– Mày làm gì bây giờ mới về?

Quỳnh Như đưa tay quệt mồ hôi trán, cười nói:

– Thôi chị đừng hỏi nữa. Em không khôn khéo tốp bớt các bà ấy cãi nhau cho đến sáng. Em chúa ghét chuyện lý luận dài dòng. Làm gì thì làm quách đi, chứ ngồi đó bàn cãi nào “tôi thiết nghĩ rằng. .. , theo thiển kiến của tôi trong vấn đề này thì. .. , chị X đã trình bày thật hợp lý chính xác nhưng căn cứ vào tình hình thực tế thì… , quan niệm của tôi có lẽ không được chính xác lắm nhưng…”. Ôi chao! Cứ “rằng, thì, mà, nhưng, vì thế, tuy nhiên” mãi, nghe đến nhàm! Chẳng hiểu sao các bà càng ngày càng khoái lý sự thế không biết!

Quỳnh Trang hỏi:

– Các bà nào thế? Tiểu thương chợ Đông ba à?

Quỳnh Như hăng nói quá, chưa hiểu câu hỏi của chị. Ðến khi hiểu, nàng cười phá lên. Quỳnh Như đáp:

– Không! Các bà thanh nữ Phật tử.

Quỳnh Trang thắc mắc:

– Mày “đi” Phật tử hồi nào vậy?

Quỳnh Như lại cười:

– Em có “đi” đâu! Nhưng vì bên đó yếu quá, anh Tường đưa em qua tổ chức lại.

Giọng Quỳnh Trang vừa mỉa mai vừa âu yếm:

– Mày làm lớn dữ! Đúng là gia đình trị.

– Ừ! Đúng là gia đình trị. Chị Nam còn làm lớn hơn em nhiều! Chị ấy độ này nổi lắm. Ăn nói đâu ra đấy, ai cũng phải ngạc nhiên. À, chị Trang này!

– Cái gì?

– Hồi sáng me có nói gì với chị không?

– Me có nói gì đâu? À, có đấy. Me dặn làm gấp sổ sách để xem có cần đi Sài gòn mua thêm hàng không, với lại…

Quỳnh Như mất kiên nhẫn, cắt lời chị:

– Không phải chuyện đó. Chuyện của em cơ!

– Chuyện mày à? Chuyện gì vậy?

Quỳnh Như cười bẽn lẽn, giọng mơn trớn:

– Em xin me ít tiền tiêu. Me bảo để me hỏi chị.

Quỳnh Trang cau mày hỏi:

– Bao nhiêu?

Quỳnh Như cười nhỏ, hạ thấp giọng:

– Em cần chừng hai nghìn thôi!

Quỳnh Trang giật bắn người, la lớn:

– Hai nghìn mà “thôi”! Mày nói đùa?

Quỳnh Như bắt đầu bực, hỏi chị:

– Em có đùa với chị bao giờ? Hồi me giữ tiền, em…

Quỳnh Trang ngồi lặng người, không nghe Quỳnh Như nói. Nàng nghĩ đã tới lúc phải cho em gái biết rõ tình trạng tài chánh của gia đình. Không chờ cho Như nói xong, Quỳnh Trang nói:

– Mày lớn rồi, phải biết nghĩ một chút. Lâu nay thầy lo vụ thầu trong Đà nẵng, một mình me lo cửa hiệu này. Bao nhiêu vốn liếng thầy đổ vào trong đó, ở đây chỉ buôn bán cầm chừng. Vả lại tình thế lộn xộn liên miên, còn buôn bán gì được. Cuối cùng hàng họ lèo tèo, như mày thấy đấy. Lúc chuyện làm ăn trong Đà nẵng thuận buồm xuôi gió thì không sao. Nhưng bây giờ, thầy nằm một chỗ. Vốn bỏ ra, không có mình, biết bao giờ mới thu lại được. Còn tiền thuốc thang cho thầy, tiền chi tiêu, tiền điện tiền nước, đủ bao nhiêu khoản phải chi. Tối hôm kia me nói cho tao biết hiện nhà còn bao nhiêu tiền, tao lạnh người. Me khóc, tao cũng khóc. Mày với anh Tường cứ tưởng nhà còn của kho nên vòi me đủ thứ. Mày với anh Tường có biết đâu me lo quá, không ngủ được. Mày có muốn biết hiện me còn được bao nhiêu trong tủ sắt không?

Quỳnh Như bất ngờ va đầu vào thực tế đen tối, thì thào đáp:

– Thôi, chị đừng nói cho em biết làm gì.

rồi nàng nói tiếp, sau một tiếng thở dài:

– Tôi nghiệp me!

Hai chị em im lặng nhìn nhau. Rồi Quỳnh Như chạy đến ôm chầm lấy chị, thút thít khóc.

***

Đó là đêm đầu tiên Quỳnh Như bắt đầu nhận ra cuộc sống phức tạp! Mọi vật chung quanh âm thầm đổi khác, nàng đâu có hay! Nói đâu xa, chỉ cần nhìn kỹ lại một vòng quanh căn phòng ngủ của hai chị em.

Nàng ngạc nhiên, tự hỏi tại sao mãi tới lúc này nàng mới thấy được những thay đổi ấy. Như ánh sáng trong căn phòng ngủ. Ánh sáng quá mờ, đến nỗi Quỳnh Như tìm cái kẹp tóc rơi trên tấm drap trải giường mãi không được. Hai ngọn đèn đặt sau cái chóa hình con sò vẫn còn đó, nhưng chỉ có một ngọn đèn sáng. Bóng đèn kia đã cháy dây, và chưa ai thay. Có thể me không đủ tiền để sai thằng Bá qua cửa hiệu bên cạnh mua một cái bóng 25 watts. Mò mẫm một lúc Quỳnh Như vẫn chưa tìm thấy cái kẹp tóc. Đưa tay bật công tắc ngọn đèn ngủ ở đầu giường, mới biết cái công tắc bằng nhựa đã vỡ. Tấm drap rít và ẩm mồ hôi. Nàng vào phòng tắm đánh răng trước khi đi ngủ. Ống kem đã hết, và ai đó lấy kéo cắt ngang đáy ống kem để cố nặn cho sạch khoảng kem thừa. Cục xà phòng Dove không còn nằm ở chỗ cũ, cạnh bồn tắm. Cả cái khăn tắm mầu hoa cà dài đến hơn một mét cũng bị cắt làm đôi…

Quỳnh Như không tin gia đình mình sa sút nhanh chóng trong vòng không đầy một tháng như vậy. Nhưng những biện pháp tiết kiệm phòng xa ấy là một dấu hiệu rõ rệt của sự sa sút. Của một tình thế tuyệt vọng. Nàng lau mặt qua, rồi trở lại phòng ngủ. Quỳnh Trang dưới nhà bếp đi lên, thay vì mặc bộ đồ ngủ bằng lụa lèo in những đóa hoa cúc đỏ, lại chỉ mặc một bộ pyjama cũ của bà Thanh Tuyến.

Hai chị em nằm xuống giường, kéo chăn lên tới cổ, rồi cố nhắm mắt ngủ, không ai nói với ai lời nào.

Đêm như mênh mông tang tóc hơn. Tiếng động dưới phố, từ tiếng một chiếc xe nhà binh chạy vụt qua cho đến tiếng trẻ con gọi nhau, đều có vẻ hấp tấp, vội vã, chới với. Rồi mọi sự im lìm. Rồi Quỳnh Như nghe một tiếng thở dài.

Không dằn được nữa, nàng quay về phía chị, gọi nhỏ:

– Chị ơi!

Quỳnh Trang vẫn nằm ngửa, mắt nhắm, thì thào hỏi:

– Gì vậy Như?

– Em xin lỗi chị!

Quỳnh Trang mở mắt ngỡ ngàng nhìn em. Một lúc lâu, Quỳnh Trang nói:

– Em có lỗi gì đâu!

– Em có lỗi đã không săn sóc me, đỡ đần cho me. Em cứ tưởng…

Quỳnh Như không dám nói hết ý. Hai chị em lại nằm im, cố ngủ để quên. Một lúc, Quỳnh Như lại hỏi:

– Em có nên nghỉ học không?

Quỳnh Trang kinh ngạc, quay về phía em, hỏi:

– Chi vậy?

– Để ở nhà kiếm tiền giúp me.

Quỳnh Trang im lặng khá lâu, mới hỏi:

– Bằng cách gì?

– Em cũng chẳng biết!

Suy nghĩ một lúc, Quỳnh Như nói:

– Như tìm chỗ kèm trẻ. Hoặc đi buôn như con Quế.

Giọng Quỳnh Như hăng hái hẳn lên:

– Phải đấy. Con Quế lanh không bằng em còn kiếm tiền được, huống chi…

Quỳnh Trang ngắt lời Quỳnh Như:

– Em có biết Quế nó kiếm được khá tiền nhờ cái gì không?

Quỳnh Như đáp liền:

– Nhờ nó chịu khó. Một mình mà lo mua rau cung cấp cho cả một trại lính Mỹ, đủ biết…

Quỳnh Trang lại cắt lời em:

– Không đơn giản thế đâu. Em có biết… có biết vì sao thầy bị nạn không?

Quỳnh Như không đáp ngay, nằm im suy nghĩ. Nàng nhớ lại bao nhiêu lời đồn đại chung quanh ông Thanh Tuyến, nhớ lại những lời xì xào to nhỏ, những nụ cười bí hiểm khi nàng hăng hái kể chuyện bọn Cần lao ám hại cha mình. Đột nhiên, Quỳnh Như hiểu hết. Nàng nhắm mắt bậm môi lại để dằn xúc động, nhưng nước mắt tự nhiên ứa ra. Quỳnh Như không dám đưa tay lên chùi nước mắt, sợ chị biết mình khóc. Nước mắt ban đầu còn ít, đọng lại ở bờ mi. Nhưng về sau, nước mắt chảy lan xuống má, chảy vào mũi. Nàng bắt đầu thút thít, rồi bật khóc òa.

Quỳnh Trang quay lại lặng lẽ ôm mặt em, lấy chéo mền chùi nước mắt trên má em. Quỳnh Như vừa khóc vừa nói:

– Em xin lỗi chị. Em xin lỗi me.

Quỳnh Trang nói:

– Em nên xin lỗi cả thầy nữa.

Quỳnh Như im lặng một lúc, rồi nói:

– Vâng, con xin lỗi thầy!