Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (212): Mùa biển động (13)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác


Image result for "Mùa biển động"


MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 2: BÃO NỔI

Chương 24

Việc tướng Kỳ đưa quân ra định “giải phóng” Ðà nẵng rồi lại rút quân về khiến thành phố này trở thành một quốc gia riêng biệt đang tưng bừng mở hội chiến thắng. Một quốc gia độc lập vì hoàn toàn phủ nhận quyền uy và ảnh hưởng của cường quốc lân bang là Sài gòn.

Một quốc gia trọn quyền tự quyết vì mặc dù được các doanh trại và căn cứ Mỹ đóng chung quanh bảo vệ an ninh, nhưng những chiếc C-141 Mỹ chở Thủy quân Lục chiến và cảnh sát Sài gòn ra đây can thiệp vào nội bộ của Đà nẵng, xâm lăng Đà nẵng, đủ là bằng cớ để quốc gia này phải cảnh giác với cường quốc hùng mạnh nhất thế giới!

Chưa hết. Ðà nẵng còn là một quốc gia theo chủ nghĩa vô chính phủ, vì từng người, từng giới, từng tôn giáo đều thấy mình là thành phần nòng cốt đã cương cường đứng ở đầu gió, đã kiêu dũng thách thức, nhờ vậy tướng Kỳ đã phải một lần nữa nhờ những chiếc C-141 của quân đội Mỹ chở một nghìn năm trăm Thủy quân Lục chiến và hai đại đội cảnh sát quốc gia về Sài gòn.

Tính quá khích của dân đất Quãng được dịp phát triển ào ạt. Ðà nẵng hết còn là đàn em ngoan ngoãn của Huế. Đứng ở tuyến đầu, trực diện với “kẻ thù”, bao quanh bởi một lực lượng quân sự hùng hậu có vẻ như đang đồng lõa với “kẻ thù”, Đà nẵng tự kiêu và nổi giận. Đà nẵng thấy mình mới là con mắt bão, là trung tâm điểm của thời cuộc, thấy mình chứ không phải Huế-lặng-lẽ-êm-đềm mới là ngọn cờ đầu cho một cuộc vận động dân-chủ-hóa chế độ, tự-do-hóa chính trị, dân- tộc-hóa quân đội. .. Mặc cảm phụ thuộc kéo dài từ mấy trăm năm cai trị của triều Nguyễn, đến bây giờ, mới được dịp xóa bỏ hết, như một đứa con trai trưởng thành lần đầu tự tin lớn tiếng đáp “không” với cha mẹ.

Mọi người dân Đà nẵng đều thấy mình lớn lao, mình đang “làm lịch sử”, từ ông Bác sĩ Thị trưởng mang từ Pháp về những giấc mộng vá trời nhặt nhạnh qua sách vở cho đến bác tùy phái già lâu nay quen giả bộ khúm núm ngớ ngẩn. Cả những “khách tạm trú” của Đà nẵng cũng bị cuốn hút vào cuộc!

Trước hết là Lãng!

Ngay sau hôm đi cùng với Mân lên phi trường xem xét tình hình để còn liệu việc làm ăn, Lãng không liên lạc gì với ông Thanh Tuyến và Mân nữa. Với chiếc xe Honda 90 mua lại của một quân nhân Mỹ, Lãng đắc lực trong vai trò mới: vai trò liên lạc viên cho các lực lượng tranh đấu. Ở đâu “nóng” là có mặt Lãng, ổ tranh đấu nào cần những điều tầm thường cụ thể không tiện viết trong các tuyên cáo hay bàn trong các đêm không ngủ, cũng không hề được nhắc tới trong các thông cáo số 1, số 2, như cần vài ổ bánh mì thịt, cần cà phê để uống trong đêm canh thức, cần giấy đánh máy chữ, cần mực quay ronéo, cần một bữa nhậu nhỏ khao quân, có Lãng đậy! Hồi đó loại xe gắn máy Nhật Honda chưa nhập cảng ồ ạt vào Việt nam. Trong lúc những người khác còn dùng các loại xe gắn máy thô kệch tầm thường như Goebbel, Puch, tệ hơn nữa như Mobylette, Solex… thì Lãng đã có một chiếc Honda chín mươi phân khối sáng loáng và khỏe như trâu. Sẵn sàng rút ví chi những món tiền vặt không chút e ngại, thêm chiếc Honda quí giá, Lãng mau chóng trở nên một “khuôn mặt lớn”.

Cậu Gavroche của Victor Hugo, người chiến sĩ nhỏ bé hồn nhiên của cách mạng Pháp, thua xa Lãng về cả hiệu năng đóng góp lẫn trang phục bên ngoài. Lãng đã bỏ bộ đồ lính cũ, mặc một bộ quân phục có huy hiện của đặc khu Quảng Đà cho đúng là thứ tranh đấu chính gốc. Ở ve túi áo bên trái của Lãng, ngay đúng chỗ trái tim đang đập những nhịp nhanh hào hứng, Lãng găm một mánh vải vàng. Ðể thay cho đôi giày trận cao cổ quá chính qui, quá “có vẻ Sài gòn”, Lãng chỉ mang một đôi dép Nhật. Cứ như vậy, kèm thêm cái ví da có nhiều tờ giấy bạc hai trăm mới tinh, Lãng phóng xe Honda 90 vi vút trên khắp các nẻo đường tranh đấu, quên mất chuyện ông Thanh Tuyến nằm chèo queo một mình trong phòng khách sạn.

Mân cũng nhập cuộc nhưng theo một cung cách và động cơ khác! Mân hiểu hơn ai hết mình phải luôn luôn đứng về phe nắm thực quyền ở thành phố này thì mới có thể tiếp tục làm ăn bất hợp pháp như đã làm lâu nay. Quân trấn, cảnh sát, ty an ninh quân đội, tiểu khu, quan thuế, sư đoàn, quân đoàn. .. biết bao nhiêu cơ quan có thế lực, chỉ cần nhấc cái điện thoại lên là cơ quan trưởng cơ quan đó cũng đủ đốt cơ nghiệp kinh doanh của Mân trong nháy mắt.

Mân vẫn tỏ ra bình tĩnh điệu nghệ trong trò đi dây giữa các thế lực, nhiều lúc tung hỏa mù để thế lực này tưởng cơ sở làm ăn của Mân thuộc một thế lực cao hơn, hoặc đôi lúc đâm bị thóc thọc bị gạo để hai thế lực nguy hiểm đe dọa việc làm ăn của Mân phải kiềm chế lẫn nhau.

Cho nên Mân theo dõi biến chuyển ở Sài gòn, Đà nẵng, cả biến chuyển ở Hoa Thịnh Đốn, còn kỹ càng hơn cả những tay làm chính trị chuyên nghiệp.

Sau khi tướng Kỳ cho rút quân khỏi Ðà nẵng và tướng Thiệu loan báo sẽ cho tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến trong vòng từ ba đến sáu tháng, Mân nghĩ phong trào Phật giáo miền Trung đã thắng thế. Sẽ có một hình thức thỏa hiệp nào đó tại Sài gòn, và trong mọi tình huống, thế nào những nhân vật quân sự hay dân sự nắm miền Trung cũng phải có cảm tình với phong trào tranh đấu, hoặc do phong trào tranh đấu lựa chọn.

Còn chờ gì nữa mà không đón gió ngay từ khi gió mới nổi. Mân nghĩ vậy, và lao vào cuộc!

***

Nếu ông Thanh Tuyến được ngồi trên chiếc Toyota trắng nệm bọc nhung màu cà phê sữa để đi lại trong thành phố Ðà nẵng như những lần trước, có lẽ ông cảm thấy an toàn hơn. Ông có một chỗ dựa êm ái ở phía sau. Đầu ông ngả lên phần đầu chiếc ghế nệm, chỗ mà các nhà vẽ kiểu xe hơi Nhật đã bỏ công nghiên cứu để người lái xe vừa ngồi ngay lưng để nhìn đường vừa khỏi phải mỏi cổ. Bàn tay trái của ông nắm hờ lên cái vô-lăng bọc da mịn, bàn tay phải nắm chặt lấy cần số. Gài số xong, ông có thể tiện tay bấm nút máy cassette để nghe nhạc cổ điển Tây phương tỏa ra từ hai cái loa sau lưng ông, hoặc bấm một cái nút khác để nghe tin tức trên khắp thế giới. Cả nền khoa học kỹ thuật tân tiến nhất của thế giới qui về đây bảo bọc phục vụ ông, và ngược lại, từ trên chiếc Toyota thân yêu, ông có cảm giác lâng lâng thú vị của người được từ trên cao nhìn ngắm theo dõi cả thế giới. Mân đã lấy chiếc xe Jeep đi làm “cách mạng” nên suốt một tuần qua, đi đâu ông cũng phải cuốc bộ. Ông đã không quen đi bộ từ lâu, nên đây là lần đầu ông khám phá một cách chua xót rằng gân cốt của mình không còn vững nữa. Chỉ đi từ khách sạn trên đường Ðộc lập xuống bờ sông Hàn, ông đã mỏi nhừ hai vế, mồ hôi toát ra ướt đẫm lưng áo. Ra đến bờ sông, ông phải thuê ngay một cái ghế bố nằm vật xuống, để thở.

Ðà nẵng lên cơn sốt cách mạng nên khách nhàn du chiều chiều ra bờ sông hóng mát thật ít ỏi. Ở đoạn bờ sông quen thuộc xế trái Tòa Thị chính, chỉ lác đác có vài ông già ra ngồi hóng gió sông đọc báo. Ông Thanh Tuyến càng thấy mình già cỗi, càng thấy chới với vì tuổi trẻ đẩy ông vào vị trí mà từ lâu ông phải trở về: nhà an dưỡng cho những kẻ về hưu.

Vì khách ít nên ngoài những người cho thuê ghế bố, hàng quán dọc theo bờ sông đều đóng cửa. Những người buôn gánh bán bưng chuyên bán những món ăn vặt nhưng thật ngon như bánh nậm, bún thịt nướng , cháo gà, đậu hũ, trước đây hễ ông đặt lưng xuống ghế bố là các chị ùa đến chào mời. Những ngày sôi động này, không ai buồn bán quà ở chỗ vắng vẻ nữa. Muốn kiếm cái gì ăn, ông lại phải lội bộ ngược lên phố.

Nhiều hôm bực dọc ông muốn thuê cyclo ra bến xe về Huế. Ông đã viết vài chữ cho Mân và Lãng, định nhờ chủ khách sạn trao lại. Nhưng ông nấn ná, viết rồi lại xé, rồi lại viết…

Ông sợ trong thời gian ông vắng mặt, Mân có việc cần giải quyết gấp không có ai đỡ đần. Ông sợ nét mặt cau có của Mân.

Và một lần nữa, ông Thanh Tuyến lại đau xót nhận ra cái tuổi già của mình.

***

Một hôm không chịu đựng được nữa, ông Thanh Tuyến thuê cyclo đi đến địa chỉ cũ ở đường Trưng Nữ vương hỏi thăm về Mân và Lãng. Bà chủ nhà tỏ vẻ lo ngại khi thấy ông tới. Bà nhìn dáo dác hai bên đường xem có ai đứng gần đó không, đoạn giục khéo:

– Bác vào nhà đi! Ðứng ở ngoài nắng, cảm bây giờ!

Ông Thanh Tuyến vừa bước qua khỏi cửa, bà chủ đã đóng nhanh cửa lại. Bà quên cả việc mời ông ngồi, xán đến gần thì thào:

– Bác tới đây làm chi? Khổ quá!

Ông Thanh Tuyến sợ hãi, hỏi lại:

– Có việc gì thế?

– Hai ba ngày nay lại có một tụi mất dạy đèo Goebel đến đây hỏi bác với anh Mân, chú Lãng hoài.

– Tụi quen mặt hay lạ mặt?

– Lạ mặt. Có một thằng có cái sẹo dài trên trán.

– Sáu Thẹo à?

– Không. Sáu Thẹo thì tôi còn lạ gì. Nó nói tiếng Quảng.

Giọng ông Thanh Tuyến run run khó nghe vì lưỡi ông ríu lại:

– Chúng hỏi những gì?

Bà chủ nhà chợt nhớ, lên tiếng nhắc:

– Bác ngồi xuống đã. Ôi thôi, chúng nó hỏi đủ thứ chuyện. Hỏi lâu nay bác với anh Mân có ghé lại đây không? Tôi trả lời không, chúng nó hỏi gặn tại sao tôi nói dối. Tôi đem cha mẹ ra thề, chúng mới tin, rồi quay sang hỏi tôi có biết bác dời đi đâu không. Tôi bảo không biết, chúng nó dọa nạt.

– Dọa thế nào?

– Không hiểu tại sao chúng nó biết rõ thế. Chúng nó bảo thằng con tôi lo lót bao nhiêu tiền cho những ai để được làm lính kiểng, rồi hỏi có muốn được yên thân hay muốn đưa con ra trận. Chúng nó còn hỏi chiếc xe vận tải mang số EB-2316 hôm 24-2 dừng ở đây chở đi bảy kiện hàng, hàng đó loại gì, chở đi đâu!

Ông Thanh Tuyến sợ quá, nói một mình:

– Chắc phe núp bóng Ty An ninh Quân đội!

Bà chủ nhà ngồi xuống cái ghế nệm trước mặt ông Thanh Tuyến, giọng trở nên khẩn khoản:

– Bác thương giùm mẹ con tôi. Tôi chỉ còn một đứa con đó thôi. Họ mà làm tới thì chắc mẹ con không còn được thấy mặt nhau nữa. Tôi van bác. Nếu họ có hỏi bác, xin bác nói giùm tôi chưa hề quen biết bác, với anh Mân. Trời ơi! Nếu biết cơ sự thế này…

Bà chủ bắt đầu thút thít khóc. Ông Thanh Tuyến ngồi trân trên ghế, chẳng biết phải làm gì. Chờ cho bà chủ nhà qua cơn sợ hãi, ông mới nói:

– Chị chớ lo quá. Không việc gì đâu.

Rồi thấy bà chủ nhà chưa yên tâm, ông đặt điều nói dối:

– Ai chứ tên Bắc kỳ sẹo đó thì chúng tôi biết rõ lắm. Chúng nó chỉ oang oang cái mồm đi dọa người khác lấy tiền hút bạch phiến chứ không có thế lực gì đâu. Lãng nó đã tìm gặp hắn rồi!

Bà chủ nhà ngửng phắt lên, mừng rỡ:

– Thế à! Rồi chúng nó có chịu bỏ qua không?

Phóng lao phải theo lao, ông Thanh Tuyến tiếp tục nói dối:

– Sao không chịu! Anh Mân với thằng Lãng không nói cho chị biết à?

– Cơ khổ! Từ hôm chú Lãng lại đây lấy chiếc Honda, chú ấy đi mất tăm. Cả anh Mân cũng vậy. Hôm qua thấy chú Lãng chạy Honda qua chợ Cồn, tôi gọi, nhưng chú ấy chạy nhanh quá không nghe. Bác có gặp chú ấy hay anh Mân, nên nói cho họ biết để đề phòng. Quân đá cá lăn dưa ấy, không tin lời chúng nó được đâu. Cẩn thận đề phòng vẫn hơn.

Ông Thanh Tuyến đáp lại:

– Chị cũng thế.

Người chủ nhà giật mình, lại đâm lo lắng. Ông Thanh Tuyến biết mình lỡ lời, tìm hỏi chuyện khác:

– Lãng nó còn để đồ đạc gì ở đây không?

Bà chủ nhà mừng rỡ đáp:

– May quá, bác nhắc tôi mới nhớ. Hôm cô Quế với bà cụ vào đây, về Huế có bỏ quên lại vài thứ lặt vặt. Không biết… Không biết gửi cho bác đem về hô cho cô ấy, có tiện không?

Ông Thanh Tuyến không biết rằng sở dĩ bà chủ nhà đột nhiên do dự, vì trong những thứ Quế bỏ quên lại, có cả quần áo lót của phụ nữ. Cho nên ông hăng hái nói:

– Được mà! Có gì đâu. Ðể tôi đem về cho Quế cho. Có thứ gì nặng không?

Bà chủ nhà đỏ mặt, nhưng cũng tìm được cách trả lời khéo:

– Có cái cassette Sony, hai tấm drap trải giường , hộp xà phòng Dove và và… một ít quần áo lặt vặt tôi đã nhét vào cái bọc nhỏ. Tôi mang ra xe cho bác nhé? Sao bác đậu xe ở đâu tôi không thấy?

Ông Thanh Tuyến không muốn cho chị chủ nhà biết điều gì bất thường, nên lại nói dối:

– Ấy anh Mân mượn chiếc Toyota của tôi đi công chuyện, tôi chờ mãi, cuối cùng cũng kêu xe cyclo đi đến đây.

Bà chủ nhà e ngại hỏi:

– Bấy nhiêu đồ đạc bác ôm có xuể không? Hay cứ để đây, hôm nào cô Quế vào hãy hay.

Ông Thanh Tuyến chỉ mong có vậy, ông nói:

– Vậy cũng được. Để tôi bảo Lãng ghé lấy sau nhé! Thôi, xin phép chị tôi về.

– Bác về Huế à?

– Không, tôi lại chỗ khách sạn để chờ anh Mân.

Bà chủ nhà không lưu khách, lặng lẽ tiễn ông Thanh Tuyến ra cửa. Chị muốn nhường ông đi trước cho đúng phép, nhưng nghĩ sao, chị lại bước nhanh ra mở cửa, đứng giữa khung cửa khép hờ nhìn ra ngoài dò xét, rồi mới thì thào nói với vào trong:

– Không có ai. Bác về nhé!

Ông Thanh Tuyến lách ra khỏi cửa, cắm cúi đi nhanh về phía tay trái. Thái độ cảnh giác của bà chủ nhà khiến ông hồi hộp, lưng nhột nhạt vì cứ nghĩ có ai đó đang rình rập sau lưng mình. Ông đi bộ được một quãng khá xa mới dừng lại, giả vờ cúi xuống sửa giày nhưng thực ra là muốn kiểm chứng xem có ai theo gót không. Chỗ ngả ba, một người đàn ông đang xăm xăm đi tới. Ông Thanh Tuyến vội bước nhanh ra đường lớn. Người lạ cũng bước nhanh theo ông. Đến chỗ gốc cây cách ông Thanh Tuyến chừng mười thước, người lạ nhìn trước nhìn sau, đăm đăm nhìn ông Thanh Tuyến rồi lại cúi xuống nhìn vào gốc cây. Ông Thanh Tuyến sợ quá, muốn chạy cho xa mà hai chân bủn rủn không bước được. Người lạ ngước nhìn ông Thanh Tuyến lần nữa, rồi đứng khuất sau thân cây, như muốn lấy vật gì ra khỏi người mà không muốn cho ông Thanh Tuyến thấy. Ông Thanh Tuyến chết sững, thì thào một mình:

– Chúng nó đến rồi đây! Thôi, cũng đành.

Ông vội chịu thua cuộc quá sớm! Vì người đàn ông lạ chỉ nấp sau gốc cây để tiểu tiện mà thôi!

***

Ông Thanh Tuyến về tới khách sạn thì được ông quản lý trao một lá thư dán kín của Mân. Mân viết vội mấy dòng vắn tắt:

“Công việc gặp trở ngại. Chúng nó tìm hết cách phá mình nhân vụ lộn xộn này. Chờ anh mãi không được, tôi phải đi Sài gòn ngay bây giờ để nhờ Trung tướng dàn xếp. Anh về Huế chờ tôi”.

Ông Thanh Tuyến không buồn, ngược lại, ông mừng rỡ. Thà như vậy, để ông dứt khoát dẹp quách cái vụ làm ăn bấp bênh hồi hộp này. Ông vội lên phòng thu dọn đồ đạc cho hết vào cái va-li Samsonite. Ông xuống tầng dưới gặp viên quản lý thanh toán tiền phòng. Số tiền quá cao làm ông nhăn mặt, nhưng ông tự an ủi: Thôi, chịu tốn lần cuối cùng rồi trở lại buôn bán bình thường như cũ. Cái ý dứt khoát với hiện tại phức tạp để bước vào một giai đoạn đời phẳng lặng an tâm khiến ông nô nức. Thật là giờ phút nhớ đời. Phải ăn mừng mới được. Bây giờ ông mới thấy đói cồn cào. Ông hỏi anh quản lý có gì ăn không. Anh ta trả lời chỉ còn trứng và bánh mì thịt nguội. Ông Thanh Tuyến hỏi:

– Gần đây có tiệm ăn nào mở cửa không?

Anh quản lý đáp:

– Tiệm Thời đại có mở đấy. Mấy hôm nay dưới đó mặc sức hốt bạc.

– Sao thế?

– Ôi chao! Hết nhóm này tới nhóm khác kéo đến đó ăn mừng, khao quân. Tối hôm qua Tòa Thị chính đãi anh em trên chùa Tỉnh hội một bữa thả giàn.

Ông Thanh Tuyến lấy làm lạ, hỏi lại:

– Anh em nào?

– Anh em quân nhân Phật tử đó!

– Sao anh biết rõ vậy?

– Chủ tiệm Thời đại là anh em cột chèo với tôi mà!

Ông Thanh Tuyến gật gù, dặn viên quản lý nếu có cậu tre trẻ đi Honda 90 đến tìm trong thời gian ông đi ăn, thì bảo hãy chờ chừng nửa giờ ông sẽ về. Sợ anh ta quên, trước khi đi, ông còn nhắc:

– Anh nhớ bảo cậu ấy rán chờ tôi về nhé! Chuyện quan trọng lắm, anh chớ quên! .

Ông kêu cyclo đến hiệu Thời đại. Vào lúc đó, hiệu ăn đã thưa khách vì ở lơ lửng giữa bữa trưa và bữa chiều. Khách phần lớn chỉ kêu đồ uống, và đều mặc đồ lính.

Ông gọi một đĩa mì thập cẩm xào dòn, và một ly rượu chát. Anh bồi đem rượu lên cho ông trước. Ly rượu mầu tím nhạt kêu lanh canh kêu vui tai vì những viên nước đá nhỏ va vào thành thủy tinh mỗi lần ông bưng lên uống. Ba trái lệ chi trắng nõn nổi trên mặt rượu. Ông lấy thìa múc một trái lệ chi cho vào miệng, nhai chậm rãi. Vị ngọt pha lẫn chất rượu. Ông cảm thấy yêu đời, bất giác hát nho nhỏ một bản nhạc cũ hồi tiền chiến. Một bản nhạc của Ngọc Bích, nhan đề hình như là Bến Mơ thì phải.

Bồi bàn mang dĩa mì xào bốc khói lên. Ông ăn chậm rãi, nhấm nháp từ từ để thưởng thức thật kỹ hương vị của từng miếng ăn, từ vị cay của bẹ cải xanh, vị bùi của miếng gan gà, vị ngọt của lát mực biển thái mỏng từng khoanh mầu hồng, vị béo của thịt heo ba chỉ… Ông quên cả chuyện có thể Lãng tìm gặp ông trong thời gian ông ăn uống nhẩn nha tại đây.

Ông gọi thêm một ly rượu chát. Mỗi lần gọi, lòng ông lại hớn hở với ý tưởng đoạn tuyệt được cuộc đời làm ăn phiêu lưu nguy hiểm bấy lâu. Lúc xế chiều, ánh nắng vàng vọt phía tây chiếu vào chỗ ông ngồi, ông mới dứt khoát đứng dậy. Ông chuếnh choáng say, bước đến quầy trả tiền mà chân như đạp trên những mớ bông nõn ếm ái. Ông va vào một cạnh bàn, làm ngã thêm một cái ghế trước khi ra khỏi cửa hiệu.

Ông đứng lại trên lề đường Ðộc lập cho tỉnh táo hơn. Gió chiều nhè nhẹ giúp ông tỉnh trí chút đỉnh, nhưng tai ông vẫn còn nghe rõ mồn một tiếng đập dồn dập của từng nhịp tim. Rồi lẩn lộn vào thứ âm thanh đều đặn ấy, lẩn lộn vào tiếng gió thổi vi vu qua những dây điện cao, ông Thanh Tuyến nghe thoang thoáng những câu nói xa lạ:

– … Nó đó! Chính nó đó!

– Sao chỉ có một đứa? Mấy thằng kia đâu?

– Có đúng thằng già này không?

– Lẹ đi rồi còn dzọt!

– Nhanh lên! Mày sợ hả?

Một tiếng nổ chát chúa, thật gần! Ông Thanh Tuyến giật bắn người. Một hơi gió mạnh xô tạt vào ông. Chỉ cần có thế. Chân ông vốn đã bủn rủn hơi rượu! Ông ngã sấp xuống lề đường, đầu óc chỉ lóe lên một chút đủ cho ông sợ hãi, rồi ông bị cuốn vào một chốn quay cuồng điên đảo, mờ mịt hỗn độn. Ông không biết gì nữa.

_____________________________________________

Chương 25

Mặc dù không có vinh dự đứng ở tuyến đầu trực diện với kẻ thù, không được là con mắt bão, nhưng Huế không mất chút nào niềm tự cao tự đại cố hữu. Huế thức dậy trước hơn ai hết trong cuộc vận động lật đổ Ngô triều, thì có lý nào đến bây giờ, khi Sài gòn phải nhượng bộ chịu rút quân về, Huế lại không tiếp tục cầm đuốc soi sáng dẫn đường cho giai đoạn tranh đấu mới.

Các lãnh tụ Phật giáo quan trọng đều ở Huế. Viện Ðại học ở Huế cũng hoài bão và hy vọng của một lớp trí thức trẻ tuổi, tốt nghiệp từ Pháp, Mỹ về có, mà tốt nghiệp tại quốc nội cũng có. Còn thành phố nào lý tưởng hơn để làm bộ óc nhìn xa trông rộng cho một khúc quanh lịch sử!

Thành thử khác với không khí náo động kiêu binh ở Ðà nẵng, Huế những ngày tháng tư vẫn giữ được cái không khí vừa nghiêm túc vừa lãng mạn của một giảng đường triết học thời Hy lạp cổ.

Mọi người lại say sưa nói, nói, nói… Nói để thêm hy vọng. Nói để che giấu sự vụng về trong hành động. Nói để thoát khỏi cuộc sống phẳng lì. Nói để che giấu sợ hãi… Mỗi người có một động cơ khác nhau, nhưng nói đã trở thành một nhu cầu cấp thiết.

Và động cơ chung thúc đẩy Huế lại liên miên họp hành tranh luận, là thái độ khó hiểu đáng ngại của người Mỹ.

Từ bên này đèo Hải vân nhìn sâu vào phía nam, Huế có nhãn quan rộng hơn trước việc những chiếc C-141 của Không lực Mỹ chở Thủy quân Lục chiến và cảnh sát Sài gòn ra định “giải phóng” Đà nẵng. Không phải lăm lăm khẩu súng về phía phi trường Đà nẵng như những người lính Quảng Đà, sinh viên Phật tử Huế có thì giờ nhìn xa hơn, xa tận tòa đại sứ Mỹ ở Sài gòn, xa tận tòa Bạch ốc bên kia đại dương.

Chiều hôm đó, Tường hướng dẫn một cuộc hội thảo tại Ðại học Văn khoa, đề tài mới nghe qua thật mênh mông: Dân tộc và Ðạo pháp. Tường vẫn thích đặt những vấn đề thật lớn lao như vậy. Tuy nhiên nhờ kinh nghiệm mấy năm dạy triết học, lần nào Tường cũng khéo léo hướng dẫn để dần dần các hội thảo viên thu hẹp lại tầm suy nghĩ, để cuối cùng chỉ chú ý đến một vấn đề thời sự nóng hổi vừa xảy ra. Kinh nghiệm cho Tường biết rằng nếu đưa vấn đề thời sự trước mắt ra từ đầu, thì có hai trường hợp xảy đến: Một là những kẻ thích hùng biện khoe khoang sẽ từ đó thổi phồng thành đủ vấn đề tổng quát, rồi câu chuyện cứ lan man đầu Ngô mình sở chẳng đi tới đâu. Hai là những kẻ hăng hái sốc nổi sẽ chộp lấy cơ hội đòi bàn đến biện pháp, để rồi cuộc họp kết thúc bằng những biện pháp cũ mèm như lại ra một tuyên cáo, gửi một kháng thư cho ông này ông nọ.

Nhiều lần lâm vào bế tắc, nên Tường rút kinh nghiệm lần đầu, đặt ngay từ đầu những vấn đề tổng quát để sau đó suy diễn thành những nhận định hoặc phương thức hành động cụ thể.

Câu hỏi đầu tiên Tường đặt ra cho buổi hội thảo: “Nếu phải lựa chọn giữa Ðạo pháp và Dân tộc, ta chọn cái gì?” gây sôi nổi ngay từ đầu. Kẻ bảo phải đặt Dân tộc lên trên hết. Kẻ bảo phải sống đúng với Đạo pháp trước đã, để có phương hướng trở thành một người phụng sự cho Dân tộc. Bàn qua cãi lại một hồi, Tường chứng minh đây là một vấn đề giả, vì một tín ngưỡng thực sự phù hợp với dân tộc thì mới có cơ tồn tại và phát triển trong dân tộc đó, đồng thời dân tộc đó cũng thực sự vững mạnh trên nền tảng của đạo pháp. Thời Lý Trần là một ví dụ. Sinh viên học sinh Phật tử nghe đến đó, hớn hở vổ tay vang cả hội trường khu đại học. Bấy giờ, Tường mới phổ biến hai tài liệu nóng hổi vừa nhận được.

Tài liệu thứ nhất là bài diễn văn của thứ trưởng bộ ngoại giao Mỹ William P. Bundy đăng trên tờ New York Times số ra ngày 9-4-66 trong đó Bundy cảnh cáo thượng tọa Thích Trí Quang có thể chủ trương lập chính phủ liên hiệp với cộng sản.

Tài liệu thú hai là bài xã luận do Cyrus L. Sulzberger viết trên New York Times số ra ngày 14-6-66, trong đó Sulzberger tố cáo phong trào Phật giáo miền Trung đã bị cộng sản trà trộn lũng đoạn, và cảnh cáo rằng nếu không chận đứng phong trào tranh đấu, thì chắc chắn cộng sản sẽ chiếm Huế và Đà nẵng.

Tường cho biết thêm là Cyrus L. Sulzberger viết loạt bài xã luận này sau khi là khách quí ở nhà phó đại sứ Mỹ Porter tại Sài gòn một thời gian.

Hai tài liệu từ hai nguồn gốc đáng chú ý: một từ Bộ Ngoại giao Mỹ ở Hoa Thịnh Đốn, một từ Tòa Ðại sứ Mỹ ở Sài gòn, đều có chung một lập luận.

Rồi Tường lớn tiếng hỏi: Hoa Thịnh Đốn bảo chúng ta là tay sai của Hà nội. Chúng ta có chịu sẵn sàng làm tay sai cho ai không?

Cả hội trường sôi động hét lớn: Không!

Tường hét vào micro để át tiếng ồn ào:

– Thiệu Kỳ Có sắp đem quân ra đây “giải phóng” Huế. Chúng ta không sợ. Vì chúng ta có hậu thuẫn của tuổi trẻ, có sức mạnh của đạo pháp. Các bạn, các bạn hãy trả lời dứt khoát một lần trước dân tộc: Các bạn có sợ không?

Cả hội trường hét vang : Không. Từ dưới hội trường, một nhóm sinh viên cầm ba tấm biểu ngữ không biết viết sẵn từ lúc nào chạy lên sân khấu. Tường phải né sang một bên cho họ giăng ngay biểu ngữ cho cả hội trường đọc rõ. Một tấm có viết: End the oppressions of the yellow race. Hai tấm kia cũng viết bằng tiếng Anh bằng sơn đỏ: Down with the CIA và End the foreign domination of our Country.

Rồi cả hội trường vỗ tay hát bài tâm ca của Phạm Duy:

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai!
Kẻ thù ta tên nó là gian ác!
Kẻ thù ta tên nó là vô minh!
Tên nó là hờn căm!
Tên nó là tị hiềm!
Tên nó là một lũ ma, thế thì:
Kẻ thù ta đâu phải là người…

Tường ngây ngất bước khỏi sân khấu. Nam ngồi ở hàng ghế đầu, chạy đến nắm tay Tường lắc lắc, ánh nhìn khâm phục say đắm. Nàng cũng ngây ngất vì hãnh diện, nhìn ngắm Tường hồi lâu chỉ thốt lên được một tiếng: Anh!

Một cậu sinh viên đến gần. Nam tế nhị tránh xa ra một chút cho hai người nói chuyện. Họ thì thào gì đó, chắc là việc quan trọng lắm, vì Tường nghe xong đã vội vã chạy ra phía cửa bên trái. Nam chạy theo bắt kịp Tường, lo âu hỏi:

– Việc gì thế anh?

Tường thì thào, giọng lạc hẳn đi:

– Thầy …. thầy bị thương nặng vừa được chở về nhà.

Nam mếu máo hỏi:

– Ba em à? Lúc nào?

Tường biết Nam hiểu lầm, vội cải chính:

– Không. Thầy của anh. Bị lựu đạn trong Ðà nẵng. Anh phải về ngay bây giờ.

Nam run rẩy vì thương cảm lẫn sợ hãi, nói như van xin Tường:

– Anh cho em về với! Ở đây em không yên tam chút nào!

Tường gật đầu, rồi chạy lại chỗ nhà xe lấy chiếc Vespa. Nam ngồi phía yên sau, choàng tay ôm chặt lấy Tường, vừa để an ủi người yêu vừa để tìm một chỗ trú ẩn. Vì Nam bắt đầu lo sợ!

***

Ông Thanh Tuyến được chở từ Đà nẵng về lúc tám giờ tối, và vì phố xá ế ẩm đóng cửa thật sớm nên tai nạn của ông không lôi kéo ai chú ý cả. Chiếc xe Van bao thuê dừng lại trước cửa hiệu bán radio, lầm lũi đứng nép ven đường dưới bầu trời ngập sương. Người tài xế đến gõ cửa. Khi bà Thanh Tuyến đáp đúng địa chỉ, hai người nữa từ trên xe bước xuống nói qua những chuyện rủi ro của ông Thanh Tuyến. Bà Thanh Tuyến chết sững, rồi khuỵu xuống ngay chỗ hai cánh cửa sắt mở hé. Họ vực bà vào bên trong, dìu bà ngồi lên cái ghế dựa đặt sát quầy thu tiền, rồi lặng lẽ ra mở cửa sau xe Van khiêng băng-ca đưa ông Thanh Tuyến vào. Mọi sự làm trong yên lặng như cảnh đưa ma.

Thấy cảnh chồng nằm dài trên cái băng-ca đặt giữa lối đi, bà Thanh Tuyến đứng bật dậy, chạy đến bên chồng, mếu máo hỏi:

– Mình ơi mình, Trời hỡi, sao đến cớ sự này?

Hai người lạ khép kín cửa lại, sau khi dặn người tài xế tìm chỗ đậu xe rồi quay trở lại ngay.

Tự nhiên bà Thanh Tuyến bình tĩnh trở lại. Sự có mặt của hai người lạ, cảnh ông Thanh Tuyến nằm ngay giữa lối đi, khiến bà thấy phải rán giữ bình tĩnh để làm ngay những việc cần làm. Bà cúi xuống sát mặt ông hỏi nhỏ:

– Mình có nhận ra em không?

Ông Thanh Tuyến mở mắt, ngơ ngác hồi lâu, và khi nhận ra vợ, ông cố nhếch cười cho bà yên tâm, rồi gật đầu. Bấy nhiêu cũng đủ cho bà Thanh Tuyến cảm thấy nhẹ nhõm. Bà quay về phía hai người lạ nhỏ nhẹ nói:

– Hai ông đã làm ơn xin làm ơn cho trót. Nhờ hai ông đưa giúp nhà tôi lên lầu cho. Thưa lối này, chỗ cái cầu thang!

Bà hướng dẫn cho họ khiêng ông Thanh Tuyến lên phòng ngủ, gọi thằng Bá lên sai đạp xe qua đài phát thanh tìm Tường bảo về gấp, tự tay rót nước mời hai người lạ uống, rồi mới vào buồng tìm hiểu cho rõ một điều bà hồi hộp không dám biết: ông Thanh Tuyến bị thương nặng nhẹ thế nào!

Một điều ba hơi yên tâm hy vọng, là khác với tai nạn của Tường, bà thấy chồng bà không bị băng bó đầy mình như Tường lần trước. Bà rón rén đến ngồi lên giường. Cái băng-ca dùng để cáng ông từ Ðà nẵng ra đây được đặt thẳng lên mặt nệm. Bà Thanh Tuyến vuốt nhẹ trán và má của ông. Ông hâm hấp sốt. Bà hôn nhẹ lên trán ông, và tới lúc đó, bà mới bật khóc. Bà thảng thốt hỏi:

– Mình ơi, mình có đau lắm không?

Ông chưa kịp mở mắt trả lời, bà đã hỏi tiếp:

– Mình bị thương ở đâu?

Ông Thanh Tuyến rên khẽ, thì thào bảo vợ:

– Sau ót!

– Mình cho em xem nặng nhẹ thế nào! Để Tường nó về em bảo nó liên lạc đưa mình lên bệnh viện Huế nhé?

Ông Thanh Tuyến lắc đầu. Bà băn khoăn chẳng hiểu vì sao, nhìn đăm đăm lên khuôn mặt nhợt nhạt của ông, dò hỏi. Ánh sáng mát dịu của cây đèn ngủ chiếu rõ một nửa khuôn mặt bên trái của ông. Bà âu yếm nhìn chồng, chờ đợi, và ngờ ngợ nhận ra vài điệu khác thường. Con mắt phía trái của ông cứ nháy từng chặp, miệng cũng hơi méo về phía trái. Tay phải ông Thanh Tuyến đưa lên tìm nắm lấy tay bà, bóp nhẹ. Bà cảm động lại khóc. Bà cầm bàn tay trái của ông đưa lên môi hôn. Bàn tay trái mềm nhũn, rũ ra như không có xương.

***

Tường và Nam về tiếp chuyện với ba ông khách Ðà nẵng mới biết đầu đuôi câu chuyện. Ông Thanh Tuyến bị kẻ lạ nào đó quăng lựu đạn, nhưng may mắn không bị thương nặng. Ông chỉ bị một mảnh lựu đạn nhỏ bằng đầu tăm găm vào đầu, máu loang ra tóc không nhiều lắm. Người hàng phố vực ông lên cyclo chở đi bệnh viện. Ở đây, bác sĩ trực thấy ông chỉ bị một vết thương nhỏ nhưng lại nằm rũ ra, cứ nghĩ ông hãi hùng quá nên đâm yếu đuối. Mặc dù vậy, bác sĩ vẫn xem xét vết thương cẩn thận. Bác sĩ tìm không ra mảnh lựu đạn, nên phải cho chụp quang tuyến X. Kết quả phim chụp cho biết vì sao ông Thanh Tuyến nằm rũ như vậy. Mãnh lựu đạn nhỏ xíu xuyên hơi sâu vào đầu ông Thanh Tuyến, chạm vào một dây thần kinh. Ông tạm thời bị ảnh hưởng các hoạt động thân thể phía bên trái. Bác sĩ thấy trường hợp phức tạp, nên sau khi hỏi ý kiến bệnh nhân, bệnh viện đã thuê một chiếc xe Van để đưa ông về Huế cho gia đình quyết định nên mổ hay không nên mổ ngay để lấy mãnh lựu đạn ra. Câu đầu tiên Tường hỏi ba người Đà nẵng là:

– Có bắt được tên quăng lựu đạn không?

Một người đáp:

– Chúng tôi không rõ. Hình như chúng đã chạy mất.

Tường hy vọng vu vơ, hỏi tiếp:

– Hay có người lính nào đó vô ý đánh rơi lựu đạn?

Người tài xế dứt khoát đáp:

– Không đâu. Có người nghe chúng nó bàn luận với nhau trước khi ném lựu đạn. Cả ông bác cũng có nghe nữa!

Tường đoán được nguyên nhân tai nạn. Chàng không dám hỏi nữa, quay sang thương lượng với họ vấn đề tiền công chở ông Thanh Tuyến từ Đà nẵng ra Huế. Họ tính rành rọt tiền xăng nhớt, tiền ăn đường, cả tiền cái băng-ca nhà binh họ mua ở chợ Cồn, tiền thuê khách sạn ngủ đêm nay để mai trở về… Tường nói mẹ xuất tiền trả sòng phẳng, biếu thêm hai nghìn để “mua ít quà cho các cháu”, rồi lễ phép mời họ ra khu Lạc sơn dùng cơm tối kẻo đói!

Khi khép cánh cửa sắt xong, Tường cau mặt lại khó chịu. Chàng lầm bầm:

– Cái giá đầu tiên phải trả đây!

Tường không muốn lên lầu vội. Chàng ngại nhìn thấy cảnh mẹ và Nam thút thít sụt sùi quanh giường bệnh của cha. Ngại cả những câu hỏi thăm chàng phải hỏi, để rồi phải nghe những câu trả lời xa gần với sự thực. Tường đi xuống bếp tìm thằng Bá, bảo tìm cách gọi Quỳnh Như về ngay.

Thằng bé ngại ra mặt, tìm cách thoái thác:

– Nhưng con biết cô ấy ở đâu mà tìm?

Tường gắt:

– Lên trường Đồng khánh. Ở phòng có ánh đèn phía tay trái.

Thằng Bá không có cách nào khác, phải dắt xe đạp ra cửa một lần nữa.

***

Tường tắt đèn ở dưới cửa hiệu sau khi đóng cửa sắt. Chỉ còn ngọn đèn bóng tỏa ánh sáng lờ mờ ở cầu thang. Chàng uể oải tiến về phía đó để lên lầu. Lúc bước lên bậc thang thứ nhất, Tường đâm ra ngại ngùng. Ngại phải nghe những tiếng khóc thút thít của mẹ. Ngại nhìn nét mặt hớt hải của Nam. Ngại nhất là phải đến lúc phải hỏi cha để biết rõ đầu đuôi của tai nạn.

Tường thừ người đứng ở đầu cầu thang hồi lâu, rồi không biết nghĩ sao, quay ra phía cửa hàng, ngồi lên chiếc ghế sau quầy thu tiền. Chiếc ghế không có dựa nên chàng chồm người lên phía trước, chống hai cùi chỏ lên mặt quầy, hai bàn tay đỡ lấy cằm.

Chàng ngồi trong bóng tối lặng lẽ như vậy thật lâu, trí óc lan man không định được là mình đang nghĩ gì. Cho đến lúc Nam từ trên lầu đi xuống, Tường vẫn còn ngồi y nguyên như pho tượng rầu rĩ. Nam tưởng Tường đau đớn, bước nhẹ tới bên Tường nói nhỏ:

– Anh đừng buồn. Em nghĩ thầy không bị nặng lắm đâu.

Tường quay lại, nhìn Nam nước mắt rơm rớm đang lo âu ngước lên nhìn chàng , như sợ chạm phải một nỗi đau khổ lớn lao mà mong manh lắm. Nam không nghe thấy Tường nói gì, đến thật gần ôm lấy thân Tường, giọng vỗ về:

– Anh đừng buồn! Em sẽ thay anh săn sóc thầy! Vết thương trên đầu thầy, em với me đã xem rồi. Chỉ có một ít máu loang qua miếng băng keo, như vậy chắc không nặng lắm đâu. Không như anh hồi trước. Có điều em không hiểu là tại sao thầy cử động khó khăn quá. Chắc thầy chưa hoàn hồn.

Tường ôm chặt lấy người Nam, lòng cảm thấy bớt nặng nề. Chàng áp má lên tóc Nam. Mùi chanh lẫn với mùi bồ kết tỏa lên, Tường cảm thấy thân thuộc mộc mạc khác hẳn mùi những loại thuốc gội đầu đắt tiền mà Quỳnh Như và mẹ thường dùng. Tự nhiên chàng thấy phải tâm sự hết với Nam, phải thành thật nói hết không được e dè giấu giếm bất cứ điều gì. Chàng hỏi Nam:

– Lúc anh xuống đây, thầy có nói gì không?

Nam ngước lên, vui mừng thấy Tường đã lấy được bình tĩnh. Giọng nàng reo vui:

– Có. Nhưng ít thôi! Lúc me với em đỡ thầy xuống giường để lấy cái băng-ca ra, em với me cứ sợ thầy đau. Nhưng thầy không nhăn mặt đau đớn gì cả. Me bảo em ra ngoài phòng khách, đóng cửa lại, để me thay quần áo cho thầy. Em ra ngoài, một lúc sau me bảo em vào để đỡ thầy nằm nghiêng cho me thay nốt cái áo. Em quì xuống bên cạnh giường đỡ lấy vai thầy. Thầy cười với em. Có điều em hơi lạ là ở má và thái dương phía bên trái của thầy, các bắp thịt lâu lâu lại giật. Cái cười của thầy cũng méo xệch về phía đó. Anh!

Tường hỏi nhỏ:

– Gì hở Nam?

– Anh đưa thầy lên bệnh viện Huế xem sao! Anh có quen bác sĩ nào trên đó không?

– Quen nhiều lắm. Nhưng Nam này!

– Anh nói gì?

– Đưa thầy lên đó, anh ngại lắm!

Nam kinh ngạc vội ngước lên nhìn Tường:

– Anh ngại điều gì? Sao lại ngại?

Tường do dự một lúc không đáp. Nam gỡ tay Tường đứng thẳng dậy, hỏi lần nữa:

– Sao lại ngại? Chẳng lẽ cứ để thầy nằm một chỗ như vậy?

Tường lấy can đảm, nói với Nam:

– Anh ngại rồi mọi người sẽ biết vì sao thầy bị tụi mất dạy lưu manh ấy ám hại. Từ lâu anh vẫn lo chuyện làm ăn kiểu đó có ngày sẽ gặp chuyện không lành. Ði đêm lâu phải tới lúc gặp ma.

Mãi tới lúc đó, Nam mới chợt nhớ tới Lãng. Nàng xấu hổ là chỉ lo cho ông Thanh Tuyến mà quên bẵng em trai mình. Nam thì thào hỏi Tường, mà thật ra là hỏi mình:

– Không biết thằng Lãng có việc gì không?

Rồi Nam bảo Tường:

– Anh lên lầu với em đi. Cho em hỏi thầy thử Lãng có sao không! Tường theo Nam lên lầu. Bà Thanh Tuyến đang ngồi rì rầm nói chuyện với chồng, thấy Nam và Tường vào, gọi đến gần bảo:

– Thầy đã khỏe. Nam ra rót cho me tách nước trà.

Tường sợ phải ở lại một mình với thầy mẹ, vội nói:

– Để con đi lấy nước cho.

Bà Thanh Tuyến gật gù bằng lòng khi thấy con trai sốt sắng. Nam đến gần giường cúi xuống hỏi bà Thanh Tuyến nho nhỏ:

– Thầy có nói thằng Lãng em con có việc gì không me?

Bà Thanh Tuyến liếc nhìn chồng, thấy ông nằm yên nhắm mắt như đang ngủ, cũng thì thào bảo Nam:

– Me chưa kịp hỏi. Nhưng chắc không việc gì. Vì thầy kể chỉ có một mình thầy đi ăn ở Thời đại mà thôi!

Tường trở vào, tay bưng tách nước trà cho mẹ. Bà Thanh Tuyến hỏi:

– Lúc nãy con đưa cho họ bao nhiêu?

Tường nói:

– Dạ năm nghìn đồng.

Bà Thanh Tuyến trố mắt nhìn con, quên cả uống nước. Giọng bà trở nên gay gắt:

– Con điên rồi à? Tiền đâu trả cho họ thế?

Tường cũng cau mày đáp:

– Con vừa lãnh lương tháng trước.

Bà Thanh Tuyển hỏi:

– Lâu nay họ vẫn trả lương cho con sao?

Tường không đáp, chợt thấy cái phi lý khôi hài khi chính phủ trả lương đều đặn cho mình đi xách động chống chính phủ. Nhưng Tường tìm ngay được một lối tự biện hộ rất hợp lý: là tiền chàng lãnh không phải của mấy ông tướng trẻ trong Sài gòn. Đó là tiền của dân. Và chàng đã làm những điều phải làm, để khỏi thẹn với đồng tiền “nhân dân” đã đóng góp để trả lương hàng tháng cho chàng!!

***

Nam thấp thỏm chờ ông Thanh Tuyến mở mắt hoặc lên tiếng với vợ con để nhân cơ hội hỏi thêm về Lãng, nhưng chờ mãi không được, cuối cùng đành phải xin phép bà Thanh Tuyến về nhà. Bà Thanh Tuyển cảm động, nói với Tường:

– Con lấy Vespa chở em nó về!

Suốt dọc đường từ phố xuống Gia hội, ngồi sau lưng Tường, Nam muốn hỏi Tường xem liệu Lãng có bị nguy hiểm gì không, nhưng biết rõ Tường rất ghét Lãng, nên Nam ngồi im. Tường cũng hoàn toàn im lặng, chăm chú lái xe. Nam vịn tay vào yên trước chiếc Vespa, không dám thân mật ôm hông Tường như mọi khi. Nàng băn khoăn không biết có nên kể tai nạn của ông Thanh Tuyến cho gia đình mình biết không. Nếu kể, dĩ nhiên mẹ nàng sẽ hỏi về Lãng. Bấy giờ nàng giải thích với mẹ làm sao? Nếu không kể, chắc chắn gia đình Tường không tha thứ cái tội vô tình của nàng được. Nàng nghĩ: tốt hơn hết là nên bịa lời ông Thanh Tuyến, bảo Lãng không hề hấn gì. Tường dừng xe lại trước cửa nhà Nam. Nam hỏi:

– Anh vào không?

Tường đáp:

– Thôi khuya rồi.

Biết thế nào Nam cũng kể việc gia đình mình cho ông bà Văn và Quế, Ngữ biết, Tường dặn:

– Em thưa với ba má là thầy không bị nặng nề lắm đâu. Ðể mai lên thăm cũng được!

Nam đáp nhỏ:

– Dạ!

Tường không nói gì thêm, tăng ga rồi quày xe trở ngược về phố.

Đến nhà, chàng thấy Quỳnh Như và thằng Bá đã về. Tường cau mày gay gắt hỏi thằng Bá:

– Sao đi lâu vậy?

Thăng Bá gân cổ cãi lại:

– Cậu bảo tìm ở phòng có đèn bên dãy trái. Con lên không thấy đâu có đèn cả, vào tận phía sau mới tìm thấy phòng họp. Cô Như lại đang nói chuyện với người ta, con làm sao bảo cô về được.

Quỳnh Như cú đầu thằng Bá một cái, kêu lên:

– Ngốc ơi là ngốc. Tao thấy mày ngồi im, tưởng me sai qua để chờ đón tao về. Sao có chuyện quan trọng như vậy mà mày không nói liền?

Thằng Bá cãi:

– Cô nói mãi nói mãi, có lúc nào ngừng cho con nói đâu!

Quỳnh Như không thèm cãi với thằng người làm nữa, quay sang nói với anh:

– Em đã điện thoại cho bác sĩ Q. Bác sĩ hứa sẽ điện thoại ngay cho bác sĩ giám đốc bệnh viện để họ cho xe đến chở thầy. Em kể qua vết thương của thầy, bác sĩ bảo không thể biết nặng nhẹ, phải chụp hình mới rõ được.

Tường lớn tiếng, gần như quát tháo với Quỳnh Như:

– Ai bảo cô điện thoại cho bác sĩ Q? Ai bảo?

Quỳnh Như ngớ ra, chẳng hiểu tại sao anh mình nổi giận một cách vô lý như vậy. Quỳnh Như cũng nổi giận:

– Thầy bị như vậy không đưa thầy lên bệnh viện thì làm gì? Anh quẫn trí rồi!

Tường giật mình, lúng túng không biết nói gì nữa. Quỳnh Như thì vùng vằng bỏ đi lên lầu. Tiếng guốc của cô bé nghe như tiếng gằn của gót chân giận mặt gỗ!