Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (619): Cung Tích Biền (kỳ 2)

Ngoại ô, Dĩ An và linh hồn tôi

- Sao, mày có chịu không?

- Cái gì vậy hả chị?

- Thì ngủ với thằng cha Lớp-Bơ chớ còn gì nữa.

- Thôi, em ớn lắm chị.

- Ðồ ngu, sức mà ở đó giữ trinh với tiết.


Chị Dĩ An nói với tôi như vậy rồi bỏ đi ngay. Từ một năm nay chị Dĩ An bỏ nhà ra đi hàng tháng. Mỗi lần trở về chị có tiền đưa cho mẹ tôi. Mẹ tôi hỏi chị, chị nói con đi làm sở Mỹ tận Sài Gòn.

Lần này chị về nhà bảo thẳng với tôi cho ông Lớp-Bơ phá trinh lấy ba trăm đô la. Chị bảo: “Mày ở cái xóm chó ghẻ này tới già cũng không có một xu nhỏ bỏ vào hòm!” Tôi nghe cay đắng những lời nói của chị. Sống gần chị như sống gần một bầu trời đầy giông bão. Tôi cũng không hiểu nguyên do nào làm con người chị tôi mau thay đổi như vậy. Cả cái tên Dĩ An cũng không biết ai đặt cho chị. Chỉ biết lần đầu chị đi Sài Gòn về người chị có vẻ xanh xao. Gương mặt chị luôn thảng thốt. Chị có cái nhìn đã hết tinh anh: lầm lì, liều, và hay khóc trong bóng tối. Tôi gọi chị là Liêm – cái tên cha mẹ đặt cho chị – thì chị cãi lại ngay. Chị nói: “Mày nhớ tao là con Dĩ An đây”.

Nhiều khi chị có vẻ bình tĩnh, và tâm sự với tôi: “Em này, chị muốn trong đời đến sự khổ đau cũng phải có tên gọi. Người ta đã tìm ra chị nơi cái xóm Dĩ An hèn mọn. Người ta thay nhau ngủ với chị, xem chị như mảnh đất có hoa màu và cần phải đặt tên cho nó.”

Những buổi chiều nước sông dâng lên cao chị thường ra nhìn. Chị nói mình thầm tiếc cái gì đây mà không biết được. Chị thích đi ngược chiều gió. Có khi chị ngủ suốt cả ngày. Chị ăn uống thất thường. Nhận xét của chị về cuộc đời đầy vẻ chua chát.

Dĩ An là chị ruột của tôi. Năm nay chị hai mươi tuổi. Trước đây hai năm chị là một nữ sinh có nhan sắc, tính tình hiền hậu nhất trường. Ngày đó cha tôi thường nói mai sau thằng nào gặp con Liêm (Dĩ An đó) là có phúc lắm. Và cha mẹ tôi đã cho chị Dĩ An tới trường với tất cả cố gắng về vật chất của mình.

“Em biết không, nhà mình nghèo lắm”. Chị thường nói với tôi như vậy. Năm học đệ tứ có tháng chị đứng đầu lớp. Cha tôi đạp xích lô. Ai không biết điều đó. Nhưng hầu hết ai cũng thương và kính trọng chị. Bạn trai của chị trong đó có Lân là người theo đuổi chị.

Lân lớn người, học sinh đệ nhất cùng trường. Anh thi trượt hai năm. Buồn, xin vào Thủ Ðức, mãn khóa về ngành Thiết giáp. Mỗi lần về phép Lân đều thăm chị. Có lần anh xin cưới chị, chị từ chối nhưng chị buồn.

Cái xóm lao động của chúng tôi là một ngoại ô đầy bùn lầy và dấu chân bò. Những mái nhà tôn nóng bức nằm san sát nhau. Từ cái sân nhỏ, con hẻm chật hẹp, hàng cây, nước sơn, cánh cửa sổ đến những ngọn đèn thầm cháy về đêm, cái gì ở nơi đây cũng biểu lộ một vẻ khiêm nhường đáng thương.

Cha tôi thường đẩy xe về nhà khoảng mười giờ đêm. Cái bóng lặng lẽ tiến vào đầu hẻm đúng lúc chị Dĩ An múc nước vào chậu thau chờ sẵn. Sau đó chị dọn mâm cơm ra bàn. Khi xe được đẩy vào hiên nhà chị mang chiếc khăn ra lau chùi. Chị thường bỏ học nửa giờ để săn sóc cha tôi lẫn chiếc xe.

Mẹ tôi về nhà khuya hơn với đôi chân mỏi mệt và gánh chè có khi mười một giờ đêm bán chưa hết. Một đêm trời mưa lớn, các em tôi đã ngủ yên, mẹ tôi vẫn còn đi giữa đường phố. Hôm sau về nhà mẹ đau nặng. Lần đó chị tôi khóc nhiều nhất.

Chị Dĩ An giàu tình cảm. Với ai chị cũng đem lòng giúp đỡ được. Chị lớn hơn tôi hai tuổi nhưng chị khôn hơn tôi rất nhiều. Bây giờ chị đau khổ nhiều cũng vì chị có suy tư và tình cảm.

Chúng tôi sinh ra và lớn lên từ ngoại ô. Ngoại ô là bức tranh nghèo nàn. Nhưng tôi không xem mình là kẻ bị lưu đày. Tôi mến ngoại ô này như mến thân thể tôi. Thành phố ngoài kia có gì nhiều tôi không cần biết đến. Chị Dĩ An ạ, làm sao những người ngoại ô có thể là con chim quên tổ ấm phải không chị? Tôi nói với chị Dĩ An như vậy. Chị mỉm cười. Những buổi chiều xuống mau, những tia sáng vàng vọt đượm màu thần thoại của tuổi thơ tôi hãy còn đây.

Rồi chiến tranh mỗi ngày một lan rộng. Chiến tranh trên quê hương này là vết thương khó cứu chữa. Thành phố mở cửa đón những đoàn quân nước bạn. Ngoại ô tôi bắt đầu có những chàng Mỹ trắng Mỹ đen lùng lội tìm của lạ. Linh cảm cho tôi biết ngoại ô này cũng theo thân phận của đất nước. Mọi nếp sống sẽ đổi thay. Mọi tâm hồn sẽ bị lung lay trước sự lung lạc của vật chất. Con sông mở rộng. Sáng hôm đó chuyến tàu đầu tiên rẽ sóng chạy vào. Những người lính viễn chinh lên bờ mang theo tấm thân lực lưỡng, những thèm muốn và tiền bạc. Một chiếc khăn tay nhỏ một đô la. Một cuốc xe ngắn một đô la. Nói được một tiếng Hello, chỉ được con đường tới xóm bình khang một đô la. Tiền bạc tràn ngập. Ðô la đắp lên thành phố khô cằn này. Ngoại ô tôi chìm trong giấc ngủ bỗng thức giấc xao xuyến. Những ngày đầu tiên chị em tôi không dám đi phố. Thôi, nhường cho họ những buổi chiều đại lộ.

Ngoại ô tôi mất dần những cô gái hiền từ. Con Hiền lấy ông trung sĩ Mỹ, ông ấy cho cha mẹ cô ta một trăm nghìn. Con Tuyết đã bỏ học đi bán bar. Gớm, chị Thuyên thế mà cũng nhảy dù chồng kiếm thêm đô la. Ngoại ô tôi đêm ngày sống trong sự bàn tán xôn xao. Nhiều gia đình nghĩ đến lúc con gái mình cầm lòng không đậu, hư thân mất nết rồi lặn ngụp trong tội lỗi.

Một hôm Lân từ Peiku về thăm chị Dĩ An. Tình yêu nở ra mãnh liệt. Hôm lên đường đáo nhận đơn vị anh mang theo cái niềm vui chị Dĩ An đã nhận lời làm vợ chưa cưới của anh. Nhưng một tuần sau thì Lân tử trận trong một cuộc hành quân lớn. Thi hài anh Lân được chở về thành phố tràn ngập cuộc vui của gái điếm và du đãng. Lân chết trong rừng để thành phố được tiếp tục cơn động kinh của thời đại.

Chị Dĩ An như người bị cướp linh hồn: buổi chiều ra thăm mộ anh, buổi tối khóc, sáng đi thơ thẩn. Chị bắt đầu lập cái vạch nối giữa sự thất vọng cùng những cuộc trác táng. Năm đó chị tôi thi hỏng. Cha tôi đi làm được nhiều tiền, nhưng chị lại không chịu đi học nữa. Những đứa em tôi được vào học trường lớn trong thành phố. Chị Dĩ An mặc jupe. Tôi dùng dù che mỗi khi ra phố. Xuống đại lộ chúng tôi lẫn lộn trong biển người thời đại. Chúng tôi bị lôi cuốn ngấm ngầm như một người nghiện.

Ngoại ô thân yêu của chúng tôi năm xưa không còn cái vẻ nghèo nàn nữa. Nhưng nó vươn lên một cách học đòi, quê mùa giả tạo. Những chiếc jupe chật, những chiếc áo dài lòe loẹt, những chiếc dù sặc sỡ thấp thoáng trong các con hẻm xưa kia đàn bò lội qua. Mùa xuân đến càng làm cho người ngoại ô tôi sang trọng một cách đáng thương. Lính Mỹ và trẻ em có một thứ ngôn ngữ riêng, có những con lộ riêng, có những xã giao với nhau đầy bí mật. Người Sài Gòn cũng thèm đời sống dễ dàng của thành phố này. Những người đến lập nghiệp đầu tiên vẫn là con gái. Họ đều âm thầm tôn thờ một thứ triết lý sống thật là đặc biệt: đi đến thành phố xa làm ăn, khi có tiền trở về quê hương lấy chồng.

Mãi đến bây giờ tôi vẫn tin nhiều con bạn của tôi đi theo con đường đó. Cũng như dạo nào con gái chủ trương nên yêu một người mà không bao giờ lấy họ làm chồng. Người chồng phải là người lớn tuổi và có tiền. Con gái, nghĩ mà buồn. Sao họ rắc rối lắm vậy.

Gia đình tôi bắt đầu vượt qua cảnh sống nghèo khó thì cha tôi lâm bịnh nặng. Cha tôi chết trong bệnh viện khi những cơn mưa vẫn kéo dài đến thành phố. Ðêm hôm đó tôi trả tôi về với ngoại ô nước mắt. Chiếc quan tài của cha tôi lướt qua những con đường nóng sốt. Và nghĩa địa đầy vỏ chai la-de, hộp thiếc vất bừa, là nơi an nghỉ cuối cùng của một đời người. Chúng tôi thấy bơ vơ trước hoàn cảnh thiếu người che chở. Mẹ tôi khóc suốt ngày. Chị Dĩ An như cánh bèo trôi dạt. Mấy đứa em sắp phải nghỉ học. Những đêm nằm nước mắt tôi ràn rụa. Tôi biết mẹ, chị Dĩ An, em tôi, những linh hồn mai đây không nơi đậu, những chiếc lá đã vàng trên cành. Chiều ngoại ô đã trả tôi nỗi buồn, mái nhà cho tôi nhìn thấy cô đơn; và con đường mùa đông này đã cho tôi những bước đi khó khăn.

“Chị Liêm – tên cũ chị Dĩ An – em phải xin việc làm thôi”. “Thôi đi em, chị lớn để chị lo”. Mặc dù chị trả lời với tôi như vậy, tôi vẫn đem cái bằng trung học đến các sở xin việc. Nơi nào cũng không nhận vì tôi còn nhỏ tuổi. Có một ông thầu khoán nhận cho tôi làm thơ ký riêng. Nội chiều hôm đó ông đã hôn tôi trong phòng. Tôi tát vào cái mặt dơ bẩn đó, về nhà nghĩ mà thương cho mình.

Chị Dĩ An thì không có bằng cấp. Với cái chứng chỉ đệ tứ chị chỉ được làm ở sở Mỹ nhờ một người quen bảo lãnh. Nội cái việc bảo lãnh cũng phải trả một giá quá đắt rồi. Thằng khốn nạn nói bóng gió nhưng chị Dĩ An thừa hiểu một cách cay đắng rằng: cho nó ngủ một đêm.

Làm công như chị Dĩ An sao mà nhiều tiền quá. Mẹ tôi vốn hiền từ tin ở con mình. Riêng tôi, tôi vẫn có một linh cảm chua xót về chị Dĩ An của tôi.

- Thực tình mày không chịu ngủ với thằng cha Lớp-Bơ hả? Ðồ con chó, sao mày dại vậy?

Chị Dĩ An vừa đắp phấn lên mặt vừa nói như vậy. Chị mặc đồ lót đứng trước gương soi không chút ngại ngùng. Tôi nói:

- Thôi chị, em không thể làm được.

- Nghèo mà ham, ở đó thờ phụng cuộc đời. Mày có bồ rồi hả?

- Em không có bồ bịch nào hết nhưng em chẳng thể nghe theo lời chị được, mặc dù em vẫn thương chị như bao giờ.

- Sức mấy mà thương với ghét.

Chị Dĩ An trả lời như xối gáo nước lã, đi lại giường nằm dang hai tay ra như người chờ đợi. Buổi tối ông Lớp-Bơ đến. Cửa phòng chị đóng kín đến gần hai giờ sáng mới mở ra. Khi xe đưa ông Lớp-Bơ về rồi, tôi nghe thấy chị khóc nhỏ. Sáng hôm sau Dĩ An thức dậy trễ. Trong dáng điệu mệt mỏi chị nói với tôi:

- Em đi phố với chị nghe. Bữa nay chị cho em tha hồ mua sắm.

Tôi đi với chị. Ðại lộ từng làn sóng người. Chị Dĩ An trang điểm kỹ lưỡng. Chưa bao giờ tôi thấy chị đẹp như hôm nay. Nhưng thành phố không dành cho chị cái cảm tình nào nữa. Họ xem chị như một món thời đại nặn sinh ra. “Em Bích Ty ạ, miền Trung mình đã quá cực khổ rồi”. Chị Dĩ An nói như thế với giọng bồn chồn khắc khoải.

Mua sắm xong chúng tôi xuống bến tàu ngồi. Ngọn núi Sơn Trà dựng lên bên kia sông. Xa Xa năm ngọn Ngũ Hành Sơn chìm trong làn mây mờ. Biển ăn sâu vào thành phố mang theo cơn gió ngọt. Chúng tôi ngồi ghế đá yên lặng. Chị Dĩ An thỉnh thoảng thở ra nhè nhẹ. Dĩ An nói:

- Em có nghĩ một con đĩ có tâm sự buồn là một con đĩ đau khổ nhiều nhất không?

Tôi không trả lời được. Dĩ An tiếp:

- Chị bán linh hồn chị rồi. Em thương chị không? Dĩ An nói rất nhiều trên bờ sông thầm lặng.

Tối hôm đó nước mắt tôi ràn rụa. Tôi thương chị Dĩ An, thương cha mẹ tôi, thương bầy em nhỏ dại không ai nuôi dưỡng. Tôi thương xót hết thảy. Ôi ngoại ô, quê hương, linh hồn tôi. Các em tôi vẫn tiếp tục học hành nhờ đồng tiền của chị Dĩ An. Mẹ tôi sống nhàn rỗi hơn những ngày trước. Tuy nhiên tôi vẫn thấy một cái gì đè nặng lên đời sống mình. Tôi chán ngán. Thực tại là một giấc mơ kinh hoàng. Chị Dĩ An bây giờ đã thay đổi quá nhiều. Tính tình chị thất thường. Khi vui khi buồn. Chị khóc tự nhiên. Nụ cười hết tinh anh. Lớp-Bơ vẫn đến mỗi tối. Lớp-Bơ cỡ người cao lớn. Ông đeo kính cận, tóc quăn, khuôn mặt đẹp, trông thông minh. Lớp-Bơ yêu thương chị, muốn cưới chị mang về Hoa Kỳ. Dĩ An từ chối. Nhiều khi tôi nghĩ sau lưng chị còn mồ mả cha ông và bầy em không cơm áo. Chị như mảnh đất nghèo nàn nằm trên quê hương này để nuôi dưỡng những người mới lớn. Em tôi sẽ nghĩ như thế nào nếu mai sau nó biết được nó sống nhờ vào những tờ giấy trăm sột soạt trao nhau trong phòng tối. Chúng nó có thương những người chị tàn phai nhan sắc vì cơn gió thổi đến quá phũ phàng hôm nay.

Anh Lân đã chết. Cha tôi đã chết. Ðến lượt mẹ tôi già. Em tôi lớn. Những hàng cây ngoại ô đổi thay. Bãi biển thêm những ngày cát bồi và gió mặn. Tôi cảm thấy bơ vơ giữa biển đời sâu rộng. Chị Dĩ An trôi chơi vơi trong dòng băng rã cuồn cuộn. Không một tiếng gọi nào có thể làm cho thành phố này chú ý. Những người bạn trai đã bỏ đi xa. Cuộc sống ồn ào nhưng thê thiết lạ lùng. Một buổi tối chị Dĩ An lại bảo tôi:

- Bích Ty ạ, mày nên có chồng đi là vừa.

- Em ngán lắm chị ơi.

- Mày thì cái gì cũng ngán với ngao. Một nước có thể có hai anh hùng nhưng trong nhà hai chị em không nên làm đĩ cả hai mày hiểu chưa?

- Thôi mà chị, cay đắng với em làm gì.

Chị Dĩ An bỗng quay phắt lại:

- Ðồ con chó này sao cứ xem ta như kẻ chán đời.

Chị Dĩ An ngồi xuống giường mình, ngã tới phía trước, tay cầm bàn chải đưa tới trước mặt tôi, chị tiếp:

- Này, em phải lấy chồng. Thằng nào cũng được. Có gia đình là tự nhiên có hạnh phúc. Gia đình, nơi đó em trốn được nỗi buồn con gái.

Tôi cúi mặt yên lặng. Tôi thương chị tôi, người trôi dạt cần một chiếc phao. Chị đã chán chường những đêm ái ân qua đường, chán những ngày không đợi chờ mà khoái lạc vẫn đến. Khoái lạc như ngọn lửa lan trên da thịt. Nhiều chàng trai đã ôm chị tôi trong lòng. Họ hôn chị sau đêm hành quân về. Họ hỏi chị về quá khứ, khen chị đẹp, ve vãn chị nhiều, nhiều lắm. Nhưng tất cả những âu yếm tạm bợ là những nhát chém xuống đời chị tôi. Từ ngày anh Lân chết đi không ai chịu nhận chị Dĩ An làm vợ nữa. Không ai quỳ xuống để ca ngợi một sắc đẹp trong bùn lầy.

Từ ngày anh Lân chết đi, thành phố này đối với chị là một nghĩa trang. Chị thường ra sân ga nhìn những toa tàu nằm chết trong đường. Cây cầu hoen rỉ không dấu xe qua. Chị đến bãi biển ngồi thầm lặng. Hoàng hôn xuống buồn. Có khi khuya lắm chị mới trở về nhà. Chuyến xe trở về ngoại ô lặng lẽ làm chị nhớ tới ba tôi. Tội nghiệp chị, một đời nước mắt.

Tôi đi trên con đường lầy lội đêm mưa này không biết gọi tên ai. Chị Dĩ An đã vào trong biệt thự. Anh Lân, cha tôi, đã có cuộc hành trình riêng lẻ. Thằng em tôi lớn lên mỗi ngày nó càng lầm lì. Nó muốn tìm hiểu chị Dĩ An nhưng nó làm sao hiểu. Một hôm nó về hỏi thẳng với tôi: “Chị Dĩ An làm đĩ hả?” Tôi không trả lời được. Em tôi gắt gỏng: “Ai đặt cho chị Liêm cái tên Dĩ An đó?” Tôi cúi mặt đi vào phòng, nước mắt ràn rụa. Em tôi bỏ đi. Buổi chiều tôi thấy nó uống la-de say mềm trong quán. Nó đập lộn với bạn bị cảnh sát bắt về đồn. Tôi đến đồn. Ông đồn trưởng nói thẳng vào mặt tôi:

- Cái gia đình này bầm dập lắm, con thì làm đĩ, thằng thì du đãng.

Tôi trả lời:

- Ông không nên bôi nhọ kẻ khác một cách vô cớ như vậy.

- Cô là chị thằng cao bồi này hả?

- Em tôi không như ông tưởng. Nó là học sinh.

- Học sinh như cô vậy phải không?

Viên đồn trưởng nói xong nhe răng cười với bọn cảnh sát. Họ thúc cùi chỏ với nhau làm như đã thấy tôi ở đâu trong xóm bình khang. Rồi em tôi đi lính. Một buổi chiều tôi tìm nó ở trại nhập ngũ. Tôi van:

- Em ở nhà với chị. Nhà mình không còn ai đâu.

- Em đã lập hồ sơ xong xuôi cả. Chị ơi, cho em trăm bạc, hết tiền rồi.

Tôi cho nó một trăm đồng (tiền này vẫn là của chị Dĩ An). Nó cầm lẹ rồi đi về phía quán nước làm như quên mất rằng có chị đang đau khổ vì nó ở đây. Tôi đứng tựa vào thân cây bên cổng. Ánh nắng chói chang, Một lát sau thằng em trở ra với điếu Ruby và nụ cười hiu hắt trên môi. Tôi nói:

- Lâm, em buồn mấy chị phải không? Tụi chị xin lỗi em đây.

- Chị Bích Ty ơi, sao chị ác vậy. Không bao giờ em có ý nghĩ đó.

Lâm có vẻ buồn. Anh Lân ngày xưa nói thật đúng. Theo anh, tuổi trẻ hôm nay có quá nhiều nỗi buồn. Tiếng cười của họ thay tiếng khóc. Em tôi cười nhiều khi trông thật đáng thương.

Lần thứ hai tôi đến trại nhập ngũ thì em tôi chuẩn bị lên đường. Tôi đứng ở cổng nhìn đoàn xe chạy qua. Lâm mặc bộ đồ nhà binh màu vàng rộng xuềnh xoàng, tóc hớt cao, vẫy tay chào tôi. Bụi đường bay vút lại sau xe như sương mù.

Em tôi lên đường mà chi Dĩ An không tới thăm nó. Chị đưa tôi hai chục nghìn đồng và nói: “Mày bảo nó vào trong ấy khi nào cần tiền thì cứ viết thư về cho tao, còn việc đến trại nhập ngũ thì tao không bao giờ”. Tôi thừa biết chị Dĩ An đã một lần tới đây tiễn đưa anh Lân rồi. Bây giờ chị sợ khung cảnh ấy.

Nhà tôi vắng vẻ lại càng vắng vẻ thêm vì thiếu Lâm. Dĩ An bắt đầu một sa đọa mới: đánh bạc. Tiền trong nhà băng được rút ra để chị đốt trong sòng bài mỗi đêm có tới hàng chục nghìn. Ai cũng biết chị nhiều tiền. Thời gian đầu có tháng chị kiếm ra trên trăm ngàn. Bây giờ đâu lại bắt đầu vào đấy. Người chị trông xanh xao. Những thằng ma cô làm khó dễ chị. Họ lăn lóc trong các vùng đam mê tàn lụi đó. Chúng nó có thừa nghệ thuật làm chị bị kích thích, ngây ngất. Bao nhiêu tiền cũng về tay chúng nó.

Bây giờ Dĩ An như người không còn trí tuệ. Chị không chú trọng tới nhân cách nữa. Gặp bạn đồng nghiệp với chị, chị văng tục nghe mà xanh dờn.

Lâm từ quân trường viết thư về bảo tôi tìm cách giết chị Dĩ An đi. Tôi đọc thư bằng nước mắt. Nghĩ mà thương cho hết thảy kiếp người. Tại sao thân phận nào cũng dai dẳng những đau khổ triền miên, cũng vướng lầy nợ nần trả trọn đời không hết.

Ngọai ô tôi bây giờ cũng mất linh hồn như chị. Dĩ An tôi say sưa, đàng điếm, dối trá, sống theo những bản năng rừng rú không bằng. Tôi muốn rời thành phố nhưng không đủ can đảm. Rồi Lâm từ quân trường trở về với cái lon trung sĩ. Ở ngoài bước vào tôi không nhận ra. Lâm đen và mập hơn xưa kia rất nhiều. Nỗi khắc khổ đã làm cho Lâm trở thành người lớn. Em tôi hỏi:

- Chị Dĩ An dạo này ở đâu?

Tôi nói:

- Chị không rõ lắm. Chị ấy hai tháng nay không về nhà.

Rồi tôi òa lên khóc. Cái gì nức nở đau thương vỡ ra trong tim tôi lênh láng. Lâm ôm lấy tôi nói:

- Em van chị, đừng làm em buồn.

Nói xong Lâm quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt lăn trên má. Ðứa em ngang tàng của tôi hôm nay trở về chứng kiến sự tang tóc của gia đình.

Mấy tháng nay mẹ tôi phải đi rong phố với gánh chè trên vai. Tôi đi làm để tìm đủ mọi cách cho mấy đứa nhỏ còn ngồi được trong trường. Lâm lãnh mấy tháng lương đầu dành dụm gởi về cho tôi. Nhưng trong lúc này chị Dĩ An đã tiêu phá đời mình, đã đốt hàng chục ngàn trong một canh bài. Trong lúc này chị phải phiêu bạt phương trời. Chị có nhớ lại quá khứ êm đềm của ngọai ô? Chị có tưởng đến kỷ niệm tuổi thơ? Chị Dĩ An, chị đã đánh mất tương lai, mất cả quá khứ.

Sáu ngày phép trở lại thăm nhà Lâm dành trọn để tìm kiếm chị Dĩ An. Chúng tôi không biết địa chỉ ông Lớp-Bơ. Gặp người Mỹ nào quen với chị ngày trước họ cũng đều lắc đầu: “We don’t know.”

- Chị Bích Ty ạ, Dĩ An mà chết đi chắc chúng ta phải ân hận suốt đời.

Tôi nghe câu nói của Lâm như nghe điệu buồn vô tận. Mây ngoài trời vẫn bay mau. Những chiếc lá vẫn xanh trên cành. Riêng chị Dĩ An đã lạc loài quá nhiều. Rồi Lâm lên đường. Người lính trẻ tìm cuộc hành trình riêng cho mình. Tôi trả tôi về với những ngày tháng nay âu lo.

Ba tháng sau, một đêm trời mưa tầm tã, chị Dĩ An trở về. Mẹ tôi mừng ôm chị khóc òa. Chị có vẻ khác xưa. Da tươi thắm hơn, gương mặt thầm lặng chứa nét đẹp kín đáo như thuở nào. Ðặc biệt chị có dáng dấp của một người con gái vừa mới sinh con đầu lòng. Chị ở nhà một đêm sáng hôm sau chị đi ngay.Trong gia đình này không có mãnh lực nào giữ chị lại được hết. Chị đi Sài Gòn sinh con, cho cô nhi viện nuôi rồi trở về tiếp tục con đường cũ. Chỉ có trời xuống đây mới lập lại được cuộc đời của chị Dĩ An. Tôi thấy mình mất hết cả rồi. Không hy vọng gì ở chị Dĩ An nữa. “Bích Ty, cho mày hay tao không phải là con cái gì trong cái nhà này nữa. Mày đi làm có tiền để nuôi các em mày nếu mày muốn!”

Chị Dĩ An vất cho mẹ tôi một chục ngàn rồi đi luôn. Hình ảnh cuối cùng của một người chị trong đời tôi như vậy đó. Tôi buồn và bắt đầu đi lang thang trong những cánh rừng thông bãi biển. Chiều nay tôi âm thầm đạp xe đến cổng một hotel mà cuộc đời chị ném sâu trong đó. Hoàng hôn xuống thành phố. Trên từng lầu thứ ba đèn sáng qua các ô cửa. Chị Dĩ An tôi trên đó. Tiếng cười điên loạn trên đó.

Ngọn đèn pha trên núi Sơn Trà vàng vọt cô đơn. Ðêm tối đã bắt đầu trong vùng biển. Gió ngọt xua trên bãi cát vắng. Linh hồn tôi đã lạnh. Tôi lặng lẽ đạp xe về. Ôi, ngoại ô một khung trời buồn.

Cần Thơ 12/19/1965

Nguồn: https://saigonocean.com/truyenVN/html/ngoaio.htm