Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Sách mới: Nhà văn Việt-Nam hải ngoại

Tác giả: Nguyễn Vy Khanh

Nhân Ảnh, 2019. 850 trang.

Nhận định về 73 tác giả

clip_image002

Người Việt-Nam sinh sống ở ngoài nước không chỉ bắt đầu từ sau ngày 30-4-1975 mà theo lịch sử, đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII khi một số quân sĩ của nhà Nguyễn bôn ba theo Chúa Nguyễn Ánh rồi ở lại định cư ở Xiêm-La – và cũng đã có một số văn bản chữ quốc ngữ cũng như chữ Nôm của những người Việt này hiện còn lưu trữ ở các Hội Thừa sai và Dòng tu. Rồi từ đầu thế kỷ XX thêm các sinh viên du học, tu nghiệp, lính thợ, rồi định cư luôn tại Pháp, đã xuất bản sách báo bằng tiếng Việt mà nội dung và số lượng khá đặc biệt và đáng kể.

Cộng đồng hải ngoại thời hiện đại đã hình thành từ xương máu, chết chóc, dựng từng viên đá từ cơ cực, hy sinh mới có ngày hôm nay mạnh về nhân tài và đời sống vật chất cũng như tinh thần. Văn học hải-ngoại cũng vậy, đã đi từ những bước đầu khó khăn, rời rạc đến những khuynh hướng, sáng tác đa dạng và phong phú, và dù đã bắt đầu bị lão hóa, nhưng thành quả đã có, đã cùng hiện diện và tiếp tục sống với cộng đồng người Việt hải ngoại. Do hoàn cảnh lịch sử, người Việt ngụ cư khắp nơi trên thế giới, lớp sau tiếp nối lớp trước, rồi thế hệ thứ 2, thứ 3,... làm nên một nền văn-học viết bằng tiếng Việt ở hải-ngoại rất đỗi phong phú, đa dạng, đa văn hóa, và nhất là tự do, khai phóng bên cạnh những sinh hoạt văn học hội nhập với ngôn ngữ bản xứ của các thế hệ tiếp nối! Chúng ta sống trong một ngôn ngữ khi không còn lãnh thổ.

Trước ngày 30 tháng Tư 1975, văn học miền Nam từng phát triển và hiện đại hóa không ngừng, đã được những người ra đi mang theo, để rồi trải dài hơn bốn thập kỷ, cho đến hôm nay dù không được như ban đầu nhưng tinh túy, nội dung đã thẩm thấu và vẫn hiện diện. Văn học hải-ngoại là do người Việt lưu vong, tị nạn ban đầu và con cháu của họ, sau này tiếp thêm người di dân mới. Thơ văn và báo chí phong phú về cả phẩm và lượng ở thế hệ người Việt thứ nhất, rồi dần yếu đi, phải chăng đã đủ chứng tích định danh hay ý chí sáng tạo thơ văn muôn đời bớt hết còn thôi thúc hay xuất hiện dưới hình thức và phương tiện khác cho hôm nay? Đó là những lý do chúng tôi viết về văn học Việt-Nam ở ngoài nước, và trong khi chờ đợi phần Tổng quan “Văn Học Việt Nam Những Năm Hải Ngoại” mà hiện chúng tôi chưa sẵn sàng xuất bản, tuyển tập Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại này được in trước, gồm 73 tác giả – trong khi nhiều tác giả khác bài viết chưa hoàn tất hoặc chúng tôi nghiên cứu chưa đủ, đành hẹn một mai sau.

Năm 2008, chúng tôi đã tuyển chọn một số bài viết nhận định về các tác giả văn-học Việt-Nam hải ngoại xuất bản tuyển-tập đầu mang tựa 33 Nhà Văn Nhà Thơ Hải Ngoại. Nhà văn nhà thơ ở hải ngoại khó có con số chính xác, tùy tiêu chuẩn và quan điểm văn nghệ, phe nhóm, nhưng qua gần 45 năm, con số lên đến nhiều trăm (Bộ 44 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại do nhà Mở Nguồn xuất bản tháng 4-2019 tại Hoa-Kỳ ghi nhận 308 tác giả). Phần chúng tôi chỉ nói đến một số tương đối rất nhỏ, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, về tác-giả, tác phẩm, về một thể loại hay đề tài,... Tuyển tập Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại này do đó sẽ gồm một số các tác-giả Việt-Nam đã khởi đầu sự nghiệp trước trong thời miền Nam 1954-1975 và người trước người sau tiếp tục sinh hoạt văn nghệ khi rời đất nước sau ngày 30-4-1975, và những nhà văn thơ khác mà phần sự nghiệp chính là ở ngoài nước hoặc chỉ xuất bản, sáng-tác sau khi rời đất nước hoặc vì chủ đề, phân tích của chúng tôi đặt trọng tâm vào tác phẩm của tác-giả đó xuất bản ở ngoài nước, và một số nhà văn mới khởi nghiệp ở hải ngoại. Trong số có những tác-giả đã quá-cố, có vị về sau không tiếp tục sáng tác hoặc bớt/không xuất hiện trên báo chí hoặc phương-tiện liên mạng Internet. Với một số tác giả, chúng tôi chỉ nhận định phần “hải ngoại” trong tập này nếu đã có mặt trong bộ Văn Học Miền Nam 1954-1975 đã xuất bản năm 2016 và tái bản năm 2019.

Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại tuyển một số bài viết, xếp theo vần bút hiệu, như một dấu chứng về hiện tượng viết ở ngoài nước, một nối dài (một phần) và một có-mặt hiển nhiên, qua một số tác phẩm và người viết, qua một số dấu mốc thời gian. Có bài và sự việc đã có bụi mờ của năm tháng nhưng có thể hãy còn tiếng vang vọng hôm nay và sau này. Cũng cần nói đây là các tác giả mà chúng tôi yêu thích, tìm đến hoặc đã đến với chúng tôi như người đọc và quan sát. Có bài viết do cảm hứng, có bài vì nhu cầu văn học sử. Có bài viết về một tác phẩm mà cũng có nhiều bài về cả sự nghiệp. Dĩ nhiên trong đây thiếu nhiều người rất nổi tiếng mà chúng tôi thấy khó viết thêm, viết theo, vì đã có nhiều nhà khác giới thiệu, nhận định rồi – chúng tôi sẽ nói đến trong phần Tổng quan. Và còn rất nhiều tác giả khác nữa mà chúng tôi, sinh sống ở Canada xa các “thủ đô văn học nghệ thuật” của người Việt nên không biết đến hoặc gặp khó khăn trong việc tìm đến tác phẩm, nhất là từ khi sinh hoạt và báo chí văn học nghệ thuật bị lão hóa.

Các bài viết được giữ lại thời điểm biên soạn, riêng các chi tiết về tiểu sử và tác-phẩm được cập nhật khi có thể. Các phân tích và nhận định về các nhà văn thơ cũng được giữ nguyên dù có thể có những dữ kiện và sự Thật dễ (và đã) mất lòng, vì thiển nghĩ mục-đích của các nghiên cứu nói chung là nói lên các tính cách nghệ thuật, độc đáo và đa dạng thật sự của văn-chương cũng như trả lời văn-chương là gì hoặc có mục đích gì.

73 tác giả:

1. Cao Đông Khánh

2. Cung Tích Biền

3. Cung Vũ

4. Diễm Châu

5. Doãn Quốc Sỹ

6. Du Tử Lê

7. Duyên Anh

8. Dương Tử

9. Đặng Thơ Thơ

10. Đỗ Quyên

11. Đức Phổ

12. Hà Nguyên Du

13. Hà Thượng Nhân

14. Hà Thúc Sinh

15. Hiếu Đệ

16. Hoàng Chính

17. Hoàng Khởi Phong

18. Hoàng Lộc

19. Hoàng Ngọc Biên

20. Hoàng Xuân Sơn

21. Hồ Minh Dũng

22. Hồ Trường An

23. Khánh Trường

24. Kiệt Tấn

25. Lâm Chương

26. Lâm Hảo Dũng

27. Lê Hân

28. Lê Tất Điều

29. Lê Thị Thấm Vân

30. Luân Hoán

31. Lữ Quỳnh

32. Mai Thảo

33. Minh Đức Hoài Trinh

34. Nguyên Nhi

35. Nguyên Sa

36. Nguyễn Minh Nữu

37. Nguyễn Mộng Giác

38. Nguyễn Nam An

39. Nguyễn Ngọc Ngạn

40. Nguyễn Sỹ Tế

41. Nguyễn Tấn Hưng

42. Nguyễn Tất Nhiên

43. Nguyễn Thị Hoàng Bắc

44. Nguyễn Thị Thanh Bình

45. Nguyễn Trung Hối

46. Nguyễn Văn Sâm

47. Nguyễn Xuân Thiệp

48. Nhật Tiến

49. Phạm Hồng Ân

50. Phạm Thị Hoài

51. Phạm Văn Nhàn

52. Phan Nhật Nam

53. Phan Ni Tấn

54. Phan Xuân Sinh

55. Phùng Nguyễn

56. Phùng Nhân

57. Quan Dương

58. Song Thao

59. Sương Mai

60. Thái Tú Hạp

61. Thảo Trường

62. Tiểu Tử

63. Tô Thùy Yên

64. Trạch Gầm

65. Trần Doãn Nho

66. Trần Hoài Thư

67. Trần Trung Đạo

68. Trần Văn Nam

69. Trương Anh Thụy

70. Võ Kỳ Điền

71. Võ Phước Hiếu

72. Xuân Vũ

73. Xuyên Trà

Sách có bán trên trang mạng amazon:

https://www.amzn.com/1927781965/