Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 133): Lê Minh Hà - Bài hát cũ bây giờ ai hát nữa

Những đứa trẻ hát đồng ca đi tới

Đi chưa hết những cơn mưa hoang đường

Lê Bi

Bác thợ cắt tóc vít đầu tôi xuống, nhát gừng:

- Nhìn gì... Người điên đấy mà... Ngồi yên nào... Thế... Tôi lấy ráy đây này... khéo mà điếc.

Tôi chưa kịp nhìn. Chỉ nghe. Người điên mà hát hay thế. Như đã qua nhạc viện. Cái cách nhả tiếng ấy... Dâng hiến. Mê đắm. “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng... Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương...” Một bài hát cũ. Nếu là tôi tôi sẽ không hát thế bây giờ. Đơn giản vì tôi chỉ muốn được là tôi. “... Là mây theo làn gió tôi bay khắp trời... là người xin một lần khi nằm xuống cùng anh em đứng lên phất cao ngọn cờ.” Thường khi hát những câu thế này trên sân khấu thoạt tiên ca sĩ sẽ giang rộng hai tay, xong thu lại áp trước ngực, đầu ngẩng, mắt ngước nhìn mông lung. Trên ấy thì có quỷ gì, toàn thiêu thân mê đèn. “... Là người xin một lần khi nằm xuống... Phố vắng teo và nắng. Người điên hát mê man.

Trả tiền xong, tôi nhìn theo mấy đứa nhỏ không biết từ cái ngõ nào túa ra đang hò nhau chạy sang đường. Nếu bác già cắt tóc không nói trước thì khéo tôi sẽ nghĩ là chúng chạy đi xem một đoàn làm phim nào đó đang thực hiện một cảnh quay. Bên ấy, dưới một gốc lim già, có một người đàn bà đang đứng. Hệt như tôi đã hình dung. Hai bàn tay chắp lại nâng ngang ngực, vai hơi rướn lên, người đàn bà bắt qua một giai điệu khác, rất quen: “Cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào...” Gương mặt tái nhợt, mắt to và vẫn còn đen dưới một vòng cung lông mày tỉa rất mảnh không hề có ánh nhìn dài dại. Chỉ hơi lạc mốt. Đàn bà bây giờ thích lông mày lá đề. Mẹ tôi ngày xưa tỉa lông mày nhỏ tí mà giờ kẻ thật đậm, đậm gần như lông mày em gái tôi. Tuy thế cái vẻ lạc mốt của người điên lại tạo cho chị ta một vẻ tách biệt. Trông không giống người ngớ ngẩn. Nếu im lặng, người ta sẽ không dám quấy rầy vì cảm giác chị ta đang để mình bị cuốn hút bởi một ý nghĩ nào đấy. Trang phục của người đàn bà là thứ trang phục ưa thích của các bà các cô một thời: dép nhựa quai hậu bạc bụi, áo bộ đội có túi ngực, cầu vai, thắt eo, như được cắt may cẩn thận chứ không phải đồ cấp phát, dù rằng chị mặc trông có hơi rộng. Bác già nhìn theo tôi, buông sõng:

- Văn công đấy. Văn công ngày xưa đấy. Nghe bảo đã từng hát hẳn ở Nhà Hát Lớn cơ đấy. Tôi cũng nghe mấy con mẹ bán hàng quanh đây bảo thế chứ tôi thì... đã bao giờ bước lên bậc thềm Nhà Hát Lớn đâu. Vé đắt bỏ mẹ.

*

Cuộc đời vẫn đẹp sao thật. Vì bác già đã nói nhiều hơn mọi lần. Tôi cắt tóc ở hàng bác đã lâu. Lần đầu là từ hồi sắp hết cấp ba. Hồi ấy bác già làm ở cửa hàng cắt gội sấy quốc doanh phố Tràng Thi. Ra vào đó toàn những người vóc vạc trông rất oách. Có cả Tây. Tôi đã liều bước chân vào đấy sau khi nhận từ mẹ tiền cắt tóc hàng tháng và phụ thêm đúng hai tuần tiền ăn sáng. Tôi không dám liều phó thác cái đầu mười bảy tuổi của mình cho anh thợ cạo gần nhà sau khi được thằng lớp trưởng dúi cho cái vé xem phim tập thể cùng lời nhấm nháy: “Ngồi cạnh cái Dung đấy nhé. Mày một bên. Tao một bên.

Lần đầu ấy cũng là lần cuối. Sau đó tôi lại cun cút ra hàng anh thợ cạo quen dưới gốc sao đen bên kia đường để khỏi phải nhịn đói năm tiết học suốt mười lăm ngày trong một tháng vì một đứa con gái hóa ra khô hơn ngói cứng hơn đá, hoàn toàn không có duyên cớ nào để mà tự kiêu đến thế. Ngoài ra tôi còn ngại phải lảng tránh không có lý do nào khả dĩ cái nhìn đầy vẻ đồng lõa của bố tôi. Bố tôi bao giờ cũng cắt gội sấy ở hàng nọ...

... Bây giờ, khi đã là một thằng kỹ sư đúng một giáp và là một gã phó giám đốc kế hoạch của xí nghiệp, nghĩa là không phải băn khoăn gì khi bước vào những chỗ có máy đếm tiền thì không hiểu sao tôi lại chỉ thích cắt tóc vỉa hè. Thực cũng không rẻ. Vì đã là một cái mốt mới ở Hà Nội. Hà Nội giờ có hẳn một phố để thợ cắt tóc hành nghề. Thợ toàn những tay rất trẻ, rất bụi, rất có học vì thường là đương kim sinh viên thất nghiệp, làm mê mệt bọn Tây ba lô bằng những đường kéo lãng mạn và bằng những câu chuyện phiếm với một thứ tiếng Anh không tồi. Có dạo tôi cũng ra đó. Nhưng từ ngày phát hiện ra chỗ bác già thì tôi thích ra chỗ bác hơn. Cửa hàng cắt tóc dạo nào chuyển hướng kinh doanh, cho thuê mặt bằng làm văn phòng đại diện. Mấy ông thợ buộc phải giải tán về ăn một cục lại tụ vào một chỗ ở viả hè tiếp tục nghề cũ. Đến đó toàn khách quen. Tôi trẻ nhất trong số đó. Ngồi chờ đến lượt, xem lơ mơ mấy tờ báo nhí nhố và nghe mấy bố già tán gẫu là thú thư giãn của tôi. Một phần. Phần khác là được nhìn bọn trẻ con đi bơi ở bể bơi thiếu niên gần đó trở về, đứa nào cũng đen trùi trũi, quần áo chỗ khô chỗ ướt. Đã có biết bao nhiêu điều trôi qua trên thành phố này. Như là gió. Nhưng những mê thích ưu tư tuổi học trò thì thời nào cũng như thời nào. Thời tôi, thời chiến tranh cũng thế. Đi sơ tán về, nghe tin bể bơi mở phục vụ hè, đứa nào cũng mừng rú. Đi bơi, ăn quà vặt, sao mà sướng. Giá không ngại bất chợt có cô gái nào nhìn và mỉm cười thì tôi đã ngồi luôn xuống hàng bà già bán sấu chín ở gốc cây kia...

*

Đúng một năm sau tôi mới gặp lại người đàn bà điên. Chị vẫn thế. Đôi mắt. Hàng lông mày. Trang phục. Tiếng hát lảnh lót. Buổi chiều. Nắng trắng cả mắt. Ve kêu điên dại. Thỉnh thoảng lắm gió mới phẩy một vệt dài trên vòm cây, không đủ sức rứt rụng một chiếc lá đã héo nào. Người đàn bà đứng hát. Đơn độc. Mê man. Mái tóc không hề xơ xác vì bệnh tật tết thành hai bím thả ngang ngực đột nhiên văng mạnh ra sau vai khi chị hất cao đầu: “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng. Cánh chim xao xuyến..” Không có một đứa trẻ nào tò mò đứng nhìn. Thành phố lịm đi trong hơi nóng. Mấy bác xích lô nằm chỏng quèo. Bà hàng quà vặt sụp nón lim dim. Thỉnh thoảng một chiếc xe máy vèo qua. Người đàn bà đứng hát, lưng áo quân phục sẫm lại vì mồ hôi. “...Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương... nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ... ước mơ những mùa xuân... Tôi ngạc nhiên thấy mình bồi hồi. Thằng bạn thân lớp trưởng ngày xưa nghiêng đầu bên thùng đàn: “...Ước mơ những mùa xuân... bóng dáng tương lai... đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm... có mùa xuân nào đẹp bằng...

Nó đi Campuchia. Rồi về chết giữa Hà Nội. Cả lớp cũ tụ tập trước cửa nhà xác quân y viện 108. Nó là đứa đầu tiên... Cô bé ngày xưa, Dung ngày xưa của cái thời tôi và nó âm mưu “mày một bên tao một bên” khóc lặng lẽ.

Lúc đó chúng tôi hai mốt tuổi. Dung đã cưới, bỏ sư phạm. Tôi đang là thằng kỹ sư thiếu tháng. Ở chính cái trường cả tôi và nó đã nộp hồ sơ để thi vào và đã đỗ oanh liệt. Có một lần tôi đã nghĩ rằng giá bọn Tàu đánh mình sớm hay muộn một năm thì có khi nó chưa chết. Hoặc giả không có lệnh tổng động viên ngày ấy. Đêm trước ngày đi, nó hát “Những đôi mắt mang hình viên đạn” rồi đột nhiên quăng cái đàn ra sau lưng: “Những đôi mắt mang hình viên đạn. Ví von gì mà ghê bỏ mẹ. Cả lớp đang gào theo nó cười ầm lên: “Lớp trưởng chưa ăn cơm lính ngày nào mà đã biết nói bậy.” Lần đầu tiên tôi thấy thằng bạn không định hào hoa.

Nó chết rồi, thằng em nó đến nhà đưa tôi bức thư nó không gửi khi sống. “Đơn vị mang về. Anh Thắng ơi, vì em mà anh Việt chết.” Thằng em nó khóc hù hụ trong lúc tôi đọc thư. “…Tao đâu có muốn tình nguyện. Tao đâu có thích làm anh hùng. Nhưng mày nghĩ mà xem. Chiến tranh làm sao có thể chấm dứt trong vài ba tháng. Chúng mình mười chín tuổi mà đã hai lần đi sơ tán. Trong có mười năm đi học. Thằng Tuấn em tao kém tao với mày có một lớp. Tao không đi thì nó sẽ phải đi... Thằng Tuấn khóc mãi rồi cũng phải im. Nó nói lạnh lẽo: “Nhà em cứ tưởng anh ấy định phấn đấu rồi về học lại sau dễ phân công công tác. Chẳng ai can. Anh ấy là con cả, là cháu đích tôn. Giờ thì em phải sống thay anh ấy. Em sẽ suốt đời không thể là em.” Tôi gặp thằng Tuấn lần cuối cách đây lâu lắm rồi. Nó tốt nghiệp đại học xong là đi Đức xuất khẩu lao động luôn. Hình như nó không về. Vậy là nếu ông bà thằng bạn tôi mà chết thì chắc vẫn không có thằng cháu nào chống gậy. Nhưng nói chung thì tôi không rõ lắm. Lâu rồi tôi không đến được nhà nó.

Đầu óc tôi cứ luẩn quẩn mãi chuyện thằng Tuấn khi nghe người đàn bà điên hát. Đúng. Tôi chỉ nghĩ tới thằng Tuấn chứ không nghĩ mấy về thằng bạn đã chết. Người điên hát hết bài nọ tới bài kia. “...Đêm nay trời Hà Nội vang rền tiếng súng. Lửa bùng cháy khắp phố phường yêu dấu...” Tôi đã sống qua những ngày đêm như thế trước khi thành phố ban lệnh triệt để sơ tán. “...Lửa trừng trị B52... Lửa rực trời đêm Thăng Long...” Từ trong hầm công cộng chen ra cửa ngó nghiêng, thấy bầu trời đen thẫm huyền hoặc bị xé toạc bởi trăm nghìn đường đạn đỏ lừ, còn phía chợ Đuổi, phía có nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, quầng sáng hồng rực hắt ra từ lò cao dường như còn sáng hơn giữa thành phố mất điện. Sau này, mỗi dịp nhìn pháo hoa bắn mừng lễ lạt, bao giờ tôi cũng nhớ cảnh ấy. Cứ như là mới hôm qua. “...Thánh thót đàn của ai ngân dài phố vắng. Bản tình ca đất nước càng sâu lắng... Người Hà Nội mang trong tim độc lập tự do thiêng liêng... Dù đổ nát đau thương...” Ừ! Đúng là như thế trong những năm tháng ấy. Bây giờ thì chịu chết không thể nghe được một tiếng đàn đêm như thế... Có thể là mưa... Hoàng lan chín lìm lịm phố. Nay từ phố này có vẻ ít được dùng. Lớn bé gì cũng đường tất. Và sớm tối gì thì phố phường cũng nhốn nháo người, khét lẹt mùi xăng cháy không hết từ trăm ngàn những chiếc xe máy nghĩa địa. Nhưng ngày ấy... “...Ơi các mẹ các em đang giờ đây tạm xa Hà Nội... trông thấy chăng cháy rực lửa hào quang trên thành phố của ta... Hà Nội đêm nay thức suốt cùng miền Nam... Chao! Nếu tôi lớn hơn vào đúng thời buổi ấy, chắc chắn lời ca kia sẽ thúc tôi phải lên đường. Nhưng liệu như thế, tôi có day dứt một nỗi niềm gì tương tự như thằng bạn đã chết của tôi trong cuộc chiến tranh sau này?

*

Về nhà tôi gặp đứa em gái đang ngồi với bạn. Nó kém tôi đúng mười tuổi. Sau 72, bố tôi từ Quảng Trị ra, mẹ mới có nó. Giờ nó cũng sắp xong Đại học Ngoại ngữ, khoa Anh. Nó mê Bee Gees, Take That... Nghe tôi buồn mồm kể chuyện, nó khó chịu: “Anh đi xem người điên đấy à?” Cô bé bạn nó rụt rè: “Anh nhìn thấy cô ấy ở phố nào? Để em về bảo nhà cô ấy đi tìm. Cô ấy cùng ngõ với em đấy. Giọng cô bé thấp xuống: “Cô ấy trước là dân trường em hồi phổ thông. Đi chiến trường mãi. Sốt rét với suy nhược gần chết mới được đưa ra. Năm nào khai giảng ôn lại truyền thống của trường tên cô ấy cũng được nhắc. Nghe bảo bộ đội mình ngày xưa quý cô ấy lắm. Cô ấy chỉ bị điên vào mùa hè thôi. Còn thì bình thường hát vẫn hay, với lại đan rất đẹp. Cả ngõ em trước là của nhà cô ấy hết. Giờ ông bà nhà cô ấy chết rồi. Nhà cũng chỉ giữ được có ba phòng mà người thì một đống.

Em gái tôi trề môi:

- Trường mày thành tích dầy nhỉ? Hết Sihanuc lại tới Xuphanuvong, rồi bây giờ lại thêm ca sĩ điên đi từ trong trường ra. Tao hãi giọng các bà ngày xưa lắm. Chát cả óc.

Nó giang hai tay, mắt nhắm tịt, rống: “Trông lên Trường Sơn kìa gió đã nổi... Trông ra biển Đông kìa sóng đang gầm...” Xong mở choàng mắt, cười ré lên, tự bình: “Lên cao thất thanh xuống trầm mất hút.” Nhìn con em nhơn nhơn với cái đầu tỉa vuốt gôm đâm xuôi đâm ngược, tôi chỉ muốn tát cho một cái. Đâm mến cô bạn của nó. Cô bé thật hiền, phản đối mà như ngượng nghịu:

- Đừng hòng. Giọng ấy phải học mới hát được chứ không phải cứ đi thi phường ca quận ca thắng mà thành ca sĩ đâu. Mới lại cô ấy chỉ hát những bài ngày xưa khi phát bệnh thôi. Thứ hai nào đài cũng phát toàn những bài ấy đấy. Ông tớ chẳng bỏ qua buổi nào. Chương trình Những bài hát không thể nào quên. Bảy rưỡi. Buổi sáng.

Tôi không hề biết có chương trình ấy. Bảy rưỡi sáng thì tôi đã ngồi trong quán với khách hàng rồi. Không phải lúc nào chúng tôi cũng tìm được hợp đồng trong khoảng giờ đó. Nhưng chưa có một hợp đồng nào chúng tôi thỏa thuận được ở ngoài nhà hàng cả. Có điều tôi hoàn toàn không muốn cô bạn con em tôi biết điều này.

*

Mùa đông tôi sang Nga vì mấy cái hợp đồng của công ty. Không phải ngẫu nhiên mà bọn đi Nga học cứ toe toe yêu nước Nga như là Tổ Quốc thứ hai. Người mình ở đây thật đông. Bây giờ người ta có thể sống hoàn toàn như người Việt ở cái xứ này. Cái gì cũng có. Rau muống và bầu bí. Bún măng và bánh cuốn. Kẻ nổ tung vì giàu và kẻ bẹp dí vì nghèo. Cả cách làm luật cũng thế. Trong cái xứ người anh Nga giờ còn phải xin làm cửu vạn cho dân mình ở đây thì thế là rất thường.

Một lần tôi được một thằng bạn cũ vốn là sinh viên ở Kiep dạt về 'Mat' làm ăn hơn chục năm nay rủ đi nghe ca nhạc. Các dịch vụ văn hóa ở Nga cũng hệt như ở Việt Nam. Sách báo đưa hàng tuần qua. Nhiều đoàn ca nhạc cũng bay qua biểu diễn không trong kế hoạch của sứ. Kể thì cũng ô hợp. Nhưng không phải không có đoàn hay. Đoàn tôi và thằng bạn xem lần này có nhiều người đã thành danh. Phải tới ba bốn nghệ sĩ ưu tú, biểu diễn rất hàn lâm. Có điều già hết cả. Họ hát bằng cái giọng được mê một thời nói như con em gái tôi là chát cả óc những bài hát thời thượng bây giờ. Lạc điệu thế nào ấy. Cứ như tôi nghĩ thì một giọng hát át tiếng bom không thể đi với các ca khúc cần được nghe trong bóng tối mờ khói kiểu Những bài không tên ngày trước hay Hà Nội mùa vắng những cơn mưa bây giờ... Một anh chàng nói giọng xứ bọ vùng khỏi chỗ ngồi giơ nắm đấm về phía trước: “Nhạy. Nột Quảng Bình quê ta ơi rôi dẹp. Hạt đẹo gì ma hạt lặm thệ không biệt.” Khói thuốc mù mịt. Khán giả lắc giật lắc. Nửa lên đồng nửa động kinh. Toàn điệu rứt tóc móc mắt. Thằng bạn tôi ngồi chết dí ở một góc, uống rất nhiều. Và bảo:

- Ca nhạc bên này thế đấy. Xem. Không phải là nghe. Cậu không uống được nhiều thì chờ chút nữa có cháo lòng.

Bất chợt tôi thấy người đàn bà điên trên sàn diễn. Hoặc là nữ ca sĩ rất giống chị. Giai điệu bài ca quá chậm hình như không lôi cuốn người ta nhảy nữa. Nữ ca sĩ cúi đầu, tóc xoã, cất tiếng âm thầm: “...Lối cũ ta về - Dường như nhỏ lại - Trời xanh xanh mãi - Một màu ấu thơ...” Tôi tức ngực. Chắc vì khói thuốc. Người đàn bà thì thầm trên sân khấu: “...Lối cũ ta về - Sỏi nghiêng gót giày - Chiều nghiêng mắt nắng... Lối cũ ta về - Đường xưa có còn...

Tôi đi ra ngoài. Moscow đập vào tôi lạnh buốt, có cảm giác như làm đông lại cục gì tưng tức trong ngực. Tiếng hát bị đóng ập lại sau lưng tôi. Có phải đó là người đàn bà chỉ điên vào mùa hè mà tôi đã gặp? Trong dáng vẻ say sưa hát những bài hát cũ? Có lẽ lúc chị điên như thế chị hoàn toàn không khổ. Và nói chung người điên không khổ nếu họ không tỉnh lại, không biết rằng mình điên...

Đêm về, tôi tiếc đã không ăn cháo lòng. Bụng trông trống như những hôm có việc phải thức dậy quá sớm. Mãi không ngủ nổi.

Rốt cục điều ấy làm tôi đâm bực mình.

Limburg 1995

Chú thích:

Lời những bài hát được rút từ Tự nguyện (Trương Quốc Khánh); Cuộc đời vẫn đẹp sao (Dương Hương Ly- Phan Huỳnh Điểu); Bài ca hy vọng (Văn Ký); Hà Nội những đêm không ngủ (Phạm Tuyên); Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân); Lối cũ ta về (Thanh Tùng).