Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Văn học miền Nam 54-75 (557): Nguyễn Mạnh Côn (kỳ 8)

Đem tâm tình viết lịch sử

Phần 6 (tiếp theo và hết)

Làm thế nào? Người trí thức vẫn tự hỏi như thế. Câu hỏi đưa đến bế tắc, khiến cho trong tâm hồn họ rộn lên một niềm đau đớn. Nhất là những thanh niên còn nhiều thiết tha với dân tộc không thể ngồi yên, cũng không thể liều lĩnh làm một cái gì cho hả. Thanh niên tuổi băm lăm, băm mấy, được sống đủ để được biết đủ, không thể chấp nhận cho những thứ bác sĩ Moreau bôn-sơ-vích biến đổi con người thành đồ vật, càng không thể chấp nhận một cuộc đầu hàng người Pháp.


Tuổi thanh niên băm lăm, băm bảy là tuổi chúng ta. Tôi đọc những bức thư của Trung, rồi lòng hỏi lòng, càng nhận thấy tuổi chúng ta là tuổi phải chịu nhiều vết thương tâm tình nhất trong thời đại.
Chúng ta trước hết đã bị Cộng Sản giày xéo. Đến bây giờ lại bị dằn vặt trong tâm tư bởi ý chí muốn thoát ra khỏi một hoàn cảnh bế tắc. Tôi tin lời Trung viết cho tôi:
- “Chúng ta hiện mang nặng một chứng bệnh tâm lý, một chứng bệnh thế kỷ, nó đòi hỏi, nó bắt buộc chúng ta đi tìm một lẽ phải, một lẽ phải tuyệt đối, một lẽ phải là căn nguyên của mọi sự, cắt nghĩa mọi sự, và, do đó, chính là lí do tồn tại của đời sống”.

Trung lại viết cho tôi: - “Chúng ta sở dĩ chống lại người bôn-sơ-vích là vì chúng ta biết họ chưa tìm thấy lẽ phải tuyệt đối mà đã nóng lòng tranh chấp đến tự thỏa mãn bằng những lẽ phải của giai đoạn, họ cố nhiên chiến thắng chúng ta trong giai đoạn cái lẽ phải của họ. Nhưng đời người còn dài, nguồn sống bất tận của con người không thể bị chính nó hủy diệt, cho nên tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy lẽ phải tuyệt đối, có khả năng giải quyết tất cả mọi thắc mắc, bộc lộ nguồn gốc của mọi cuộc giao tranh, có khả năng phán xét sau cùng, và đặt địa vị trí cũ những tinh thần lầm lạc”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Trung rằng người trí thức- trí thức tư sản, nói cho thật rõ-có nhiệm vụ đi tìm một lẽ phải vĩnh viễn, bên ngoài thời gian và không gian, không thể không có cho đời sống thái bình của nhân loại. Người trí thức, nhân danh những đau khổ họ đã chịu đựng, rất xứng đáng sẽ tìm thấy.
Nhưng người nào sẽ tìm thấy thì chính người đó đã biến thành thần linh. Bởi, trong lịch sử của giống người, đã tìm thấy một lẽ phải có giá trị lâu bền, mới chỉ có Thích Ca Mâu Ni, Giu se Ki ri xi tô với Mahomet. Thêm hai vị á thánh Khổng Khâu và Cam Địa, có lẽ có chủ trương gần gũi với loài người hơn, nhưng tiếc thay, chỉ hợp với một phần nào nhân loại.
Nhân loại hiện đang tiến rất nhanh- có thể là nhanh quá chăng? Trong lĩnh vực khoa học. “Người sau này tìm thấy lẽ phải tuyệt đối, Trung đã viết thế, phải là người có thiên tư phối hợp cảm tình với khoa học, một thứ trí tuệ Einstein hay Copernic cộng với tấm lòng bác ái, vị tha của Đức Phật”. Ở nơi đó, tôi cũng tin như Trung, rằng cuộc tranh chấp giữa hai khối dân chủ, bôn-sơ-vích, ngày nay đã lớn rộng quá, khiến cho một sự hòa giải không thể có, và sẽ chỉ có hoặc một sự can thiệp thiêng liêng, hoặc một trận giao tranh kinh khủng giữa những sức mạnh cuồng nhiệt năng nguyên tử, trong đó loài người không thể tránh được tự tiêu diệt toàn bộ. Cả hai viễn tượng cùng vượt xa người trí thức trung bình, không mỗi lúc làm nên giáo chủ, cũng không thể một ngày thành được một Einstein. Cho nên vì biết rõ được sự không đi tới đâu của mình mà phát sinh hoài nghi.
Đã đành rằng hoài nghi là một bệnh nặng. Nơi tận cùng bức thư sau trót gửi cho tôi, Trung đã lộ một vẻ buồn sâu sắc. Trung không viết rõ, nhưng tôi nhận được, qua dòng chữ, ý nghĩ của Trung không nhiêu xa sự tuyệt vọng: -“Chúng ta đi đúng đường, nhưng chúng ta đi quá chậm. Có thể rằng Nước Đỏ sẽ tràn ngập cuộc đời là hậu quả của sự thắng thế của Tội Ác trên Thiên lương. Khoa học đã nhiều lần chứng tỏ dấu tích những nền văn minh bị tiêu diệt”.
Tôi nhận thấy Trung bi quan quá, một phần vì Trung là một người độc đáo trong tư tưởng, nên không thể cam chịu những giải pháp nửa vời, không chấp nhận một lẽ phải giai đoạn và cương quyết không thỏa hiệp với lẽ phải bôn-sơ-vích. Nguyên nhân thứ hai của căn bệnh bi quan của Trung, theo ý tôi, là Trung rời xa đất nước lâu quá, từ sớm quá. Mười lăm năm thương nhớ, cứ mỗi khi muốn có hình ảnh dãy núi, con sông cùng những nét sinh hoạt dồn dập hay thờ ơ, lành hiền hay bạo ngược của đồng bào, Trung chỉ có thể đọc sách báo, và đọc những bức thư của một số bạn thân, trong đó có tôi.
Tôi biết Trung thao thức, tha thiết muốn có những tài liệu xác thực, để có thể mường tượng ra hẳn đời sống của quốc dân ta, trong một thời kỳ nhất định. Tôi không thể làm vừa lòng Trung cũng như không một ai làm nổi việc ấy, kể cả những cấp bộ chỉ huy cao nhất nhất, vì lý do đơn giản là mỗi người chỉ có thể biết được sự thật của riêng phe mình. Tôi nghĩ như vậy, nên thuật lại cuộc đời của chính tôi trong thời kỳ ấy. Trung hiểu tôi, sẽ hiểu cả một thế hệ. Nếu mỗi thế hệ có một người cũng làm cái việc tôi làm với Trung, thì đem tất cả những bức thư gom lại, nhà học giả xã hội và tâm lý sẽ có những tài liệu chính xác nhất về đời sống của một dân tộc.
Nhưng riêng Trung, chỉ có thư riêng của tôi, tôi với Trung lại cùng một lứa tuổi, thành ra Trung chỉ biết, tuy biết rất rõ về một thế hệ. Một thế hệ, dù có được giữ một vai trò trọng yếu nhất trong một giai đoạn lịch sử, vẫn không thể là một dân tộc. Trung có lẽ không chú ý đến điều này nên mới có thái độ bi quan quá đáng.
Trung viết: -“Tôi nhiều khi khổ sở mà nghĩ rằng chúng ta đành phải thúc thủ. Công việc của chúng ta cố nhiên tâm thành mà vẫn không tránh khỏi không tưởng. Chúng ta muốn làm thánh, trong khi kẻ địch của chúng ta làm người e không đủ tàn bạo, lại còn cố trở thành đồ vật… Trên lý thuyết đấu tranh, tôi không thấy sức mạnh của mình, không thấy kẽ hở của địch”.
Chúng ta đành thúc thủ vì lẽ phải của chúng ta chưa kịp tìm thấy (Trung viết: sẽ có ngày nào tìm thấy được chăng?!), lẽ phải của địch, tuy chỉ có giá trị trong một giai đoạn, giai đoạn ấy có thể còn dài, đủ dài cho những người bôn-sơ-vích tiêu diệt xong những người tiểu tư sản. Trung nghĩ như vậy. Tôi nghĩ cũng gần như vậy. Chúng ta cùng chủ bại.
Duy không phải tất cả mọi người, tất cả mọi thế hệ đều chủ bại. Tôi vừa mới viết, ngay trên đây, rằng Trung biết rõ một thế hệ, là cốt để bây giờ viết thêm rằng có những thế hệ Trung không biết, những thế hệ đương lên. Nhất là thế hệ của những đứa em của chúng ta, hôm nay trên dưới ba mươi tuổi, thế hệ của những thanh niên cũng say đắm tự do và dân chủ, cũng thiết tha với tài sản tinh thần, nhưng không những không chủ bại, cũng không phải chỉ có một ý chí liều chết chiến đấu, mà, trái lại, còn tìm thấy cái lẽ phải tạm thời có thể “giải quyết được tất cả mọi thắc mắc, bộc lộ mọi nguồn gốc của mọi cuộc giao tranh, có khả năng phán xét sau cùng , và có thể đặt về vị trí cũ những tinh thần lầm lạc”.
Lẽ phải đó là gì, thế nào, sau đây tôi sẽ nói rõ cho Trung biết. Lẽ cố nhiên đó không phải là sự “tìm thấy” của tôi, bởi, ví dù tôi có thật tìm thấy cũng không có giá trị gì hơn, vì nghĩ là một việc, nhận rằng đúng là một việc, mà tin vào cái nghĩ đúng ấy lại là một việc khác. Điều tôi cần phải nói ngay, là chính họ, họ tin vào cái họ nghĩ.

Họ là những bạn trẻ tôi thường gặp. Mắt họ sắc nhưng nhìn thẳng, miệng họ cười tươi thắm nhưng khi hai vành môi khít lại, lại vẽ thành một nét trang trọng, uy nghiêm sớm sủa. Vầng trán của nhiều người đã có bóng những vết nhăn ngang, trái hẳn với mớ tóc họ cắt ngắn, xương bả vai họ rộng và đầy, có vẻ tố cáo họ chỉ biết ăn khỏe, ngủ khỏe, tập thể thao khỏe, để bồi bổ riêng cho sức mạnh của thể xác.

Tôi gặp họ, yên chí họ thơ ngây, ít ra là về chính trị. Nhưng vẫn theo dõi họ vì tò mò. Họ biết thế, theo dõi lại tôi không kém. Cho đến khi hoàn cảnh cho phép chúng tôi hiểu nhau, qua một đêm tâm sự chí tình.

Họ vào đề đột ngột:

- Chúng em biết các anh đau khổ trong một trạng thái tinh thần không có lối thoát. Các anh đã chiến đấu can đảm, các anh còn muốn chiến đấu nữa. Nhưng các anh đã hoài nghi chính khả năng chiến đấu của các anh, của dân tộc, và, luôn thể, hoài nghi đến sự hữu hiệu của những tổ chức quốc tế. Sau một thời gian tích cực chiến đấu, các anh vì lẽ này lẽ khác, đã muốn sinh hoạt nặng về tư tưởng. Các anh nhiều lần giáp mặt với cái chết, nhiều lần được chứng kiến những hành vi nham hiểm và hèn hạ, cho nên vì một thứ phản ứng nén tâm, các anh đã hướng về sự tìm tòi một Sự Thật tuyệt đối, và đó là một thái độ không tưởng.

Tôi chịu là chúng ta trở nên không tưởng, nhân nói thêm rằng sự có mặt của chúng ta, từ trước tới nay, thật là vô ích, nếu không có hại. Thì họ lại bênh vực chúng ta:

- Các anh đã đóng trọn một vai trò lịch sử, một cách cao quý không thể nào hơn được. Sự có mặt của các anh là một sự lợi ích, là một cứu cơ cho bọn chúng em. Các anh đã hứng chịu hộ chúng em tất cả những ảnh hưởng tai hại của một giai đoạn quá độ của lịch sử. Chính các anh đương lúc lớn lên, đã phải nhận lấy cái mặc cảm chủ bại của tinh thần Nho giáo suy tàn. Các anh lại bị đầu độc bởi lãng mạn chủ nghĩa, cá nhân khoái lạc chủ nghĩa trong văn chương Pháp. Chúng em cho rằng chính tinh thần hiệp sĩ Pháp, tinh thần trung quân, quân tử Tống Nho, đã xui các anh chống Cộng Sản bằng cách giúp Cộng Sản chống Pháp. Nhất là anh Quảng, như anh có lần kể chuyện, chúng em thấy anh Quảng giống một Don Quichotte cộng với một Chu Hy như đúc…

Tôi không muốn nghe họ nói về Quảng, dù nói rất đúng. Sự phân tách tâm lý một người bạn đã khuất chỉ có thể gợi cho tôi nhiều xúc động không nên có vào lúc ấy. Tôi cắt lời họ bằng cáchđưa cuộc thảo luận sang vấn đề thực tế chống Cộng Sản. Về vấn đề này, ý kiến của họ khác ý kiến chúng ta nhiều lắm.

Họ trước hết không công nhận cái mạnh hiện hữu của những người bôn-sơ-vích là không có kẽ hở. Theo ý họ:

- Cộng Sản không phải mạnh vì lý thuyết chủ nghĩa mác-xít. Cộng Sản thật ra mạnh vì trên đời còn có đói khổ và nô lệ, nghĩa là còn có những người bất mãn. Vì thế, nếu có thể một lý thuyết cùng những thực hiện xây dựng xã hội lành mạnh, no đủ và tự do, thì Cộng Sản tự nhiên hết quyến rũ về tinh thần. Sức mạnh thứ hai của Cộng Sản là một tập thể vững chắc với những đạo quân cuồng tín. Chúng em công nhận tính chất cuồng tín ấy có thật, nhưng chúng em cho rằng binh sĩ của họ sở dĩ cuồng tín là vì hai nguyên nhân. Một nguyên nhân là sức quyến rũ của chủ nghĩa chúng em vừa nói, một nguyên nhân nữa lại chính là tinh thần yêu nước trong mỗi người. Những binh sĩ Việt Minh, Bắc Hàn, và Nga Sô với các nước Đông Âu trong những năm 1941-1945, đều chiến đấu anh dũng để bảo vệ tổ quốc. Chứng cớ là 159 ngàn quân Lỗ mã Ni, năm 1941-1942, đánh Nga Sô để đòi lại vùng Bessarabie, còn anh dũng gấp mấy 200 ngàn quân Lỗ mã ni, năm 1944-45, theo Hồng quân Nga Sô đánh vào nước Đức.

Họ lại còn thấy cái yếu của Cộng Sản:

- Cộng Sản bảo không có mâu thuẫn trong hàng ngũ Cách Mạng Vô Sản, tức là trong Đệ Tam Quốc Tế. Họ đã nhầm lớn lắm. Trong hàng ngũ Đệ Tam đã phát sinh mâu thuẫn thứ nhất là Đệ Tứ Tờ Rốt Kýt. Rồi chính hàng ngũ những nước xã hội chủ nghĩa là cả một cái quyết thế có cực nhiều mâu thuẫn nội bộ: mâu thuẫn giữa các bộ với cán bộ, giữa đảng viên với cán bộ hay với đảng viên; mâu thuẫn giữa Đảng với quần chúng đối lập với cả quần chúng đã theo Đảng, vì lẽ số quần chúng này theo Đảng để hưởng quyền lợi, nên sẽ đòi Đảng phải thi hành những lời hứa mà Đảng muốn quên. Như vậy là trên thực tế, Cộng Sản đã không mạnh như người ta tưởng, mà về lý thuyết, chính Marx nói xã hội chủ nghĩa không có mâu thuẫn với biện chứng duy vật, tức là mâu thuẫn với lý thuyết nguyên thủy. Theo ý chúng em, trong khi nói "xã hội xã hội chủ nghĩa không có mâu thuẫn", Marx chỉ có một dụng ý tuyên truyền: Tuyên truyền gian dối, đâu có phải là tuyên truyền của sức mạnh thật sự?

Sau một hồi quanh quẩn, họ lại trở về chúng ta:

- Anh Trung (tôi có cho họ xem thư của Trung) nói rất phải là họ quá vội trong sự tranh chấp quyền lực, nên đã phải tự thỏa mãn bằng những lẽ phải có tính chất giai đoạn. Có điều anh Trung đã bi quan quá, khi sợ rằng giai đoạn lẽ phải của họ đủ dài để cho phép họ tiêu diệt tiểu tư sản, Theo chúng em thì họ đã trở thành nô lệ ngay cái tính chất giai đoạn của họ: sau giai đoạn lợi dụng tiểu tư sản để kháng chiến thành công (khi sự thành công đã rõ rệt) là họ bắt buộc phải chuyển sang giai đoạn đấu tranh chính trị, lợi dụng quần chúng nghèo đói để tiêu diệt tiểu tư sản. Nhưng các anh đã thấy họ thất bại trong công cuộc giáo dục căm thù, chứng cớ là anh Chắt Hoe chắc chắn đã dự vào việt giết anh Nhiễu, (ai có thể không dự ?), nhưng sau đó lại hồi tâm, có lẽ còn hối hận nữa là khác, nên mới hy sinh cho vợ con anh Nhiễu: Nghĩa là Cộng Sản có thể giết được người mà dân chúng kính phục, nhưng không thể giết được chính sự kính phục người ấy trong lòng dân chúng. Nói tóm lại, hai chữ giai đoạn đã làm cho họ trở nên máy móc, biết làm Cải Cách Ruộng Đất thì mất lòng dân mà cứ phải làm.

Sự thảo luận chân thực đưa tôi đến chỗ hỏi về quan niệm của họ đối với vai trò của chính họ trong lịch sử. Họ thẳng thắn công nhận:

- Các anh đã giúp chúng em quá nửa về công việc lý thuyết. Trên lý thuyết, vì sao chống Cộng Sản, chúng em chỉ cần phải nói thêm một điều anh chưa kịp nói, là Cộng Sản chủ trương một thứ tự do tập đoàn, một thứ tự do trong kỷ luật sắt thép. Chúng em chưa vội phê bình chủ trương ấy có lợi hay có hại cho đời sống vật chất của nhân loại nói chung, nhưng chúng em có thể nói ngay rằng tự do tập thể, chính họ cũng công nhận, sẽ giết chết tự do cá nhân. Tự do cá nhân bị tiêu diệt thì sáng kiến cá nhân cũng bị tiêu diệt, và bị tiêu diệt luôn thể cả ý chí sáng tạo của con người. Đó là nơi chúng em chống họ đến cùng trên lý thuyết. Lẽ cố nhiên em không là nghệ sĩ, nhưng cũng không quan niệm chữ sáng tạo hẹp hòi trong phạm vi nghệ thuật. Chúng em công nhận người ta ở đời, mỗi người là một nghệ sĩ: Người mẹ sáng tạo ra đứa con theo hình ảnh mình, người tình nhân tìm hết cách để nhìn người yêu của mình cho thật đúng với người yêu lý tưởng; người thợ dụng tâm là ra một đồ vật theo ý mình, tất cả đều là nghệ sĩ.

Nghe họ nói đến đây, tôi cười họ chặt chẽ hết sức trong lý luận mà vẫn còn có cảm tình đối với nghệ thuật. Họ cũng cười:

- Chúng em quan niệm nghệ thuật khác các anh nhiều. Các anh làm nghệ thuật để tô điểm cho đời sống, chúng em làm nghệ thuật để ích lợi cho đời sống. Các anh nặng về cá nhân, chúng em nặng về tập thể tuy vẫn bảo vệ cá nhân trong tập thể. Các anh thuần cảm tình nên không làm được, còn chúng em may sinh sau các anh, nên chịu ảnh hưởng Tây phương thuần túy, chúng em phân định được rõ rệt vị trí của cá nhân trong tập thể. Có lẽ chính vì thế mà chúng em tin ở lực lượng của tập thể, tin ở hiệu lực của những công cuộc tổ chức, giáo dục và chi phối tập thể. Công cuộc ấy lẽ dĩ nhiên là nhiệm vụ của người trí thức tiểu tư sản: các anh sẽ giúp chúng em về giáo dục, chúng em sẽ thay các anh trong tổ chức và chỉ huy. Chúng em, hơn nữa, còn tin ở các tổ chức quốc tế hơn các anh. Các anh, với kinh nghiệm sống bốn chục năm gần đây, không tin tưởng ở sự trong sạch của những cuộc bang giao quốc tế. Còn chúng em lại bằng vào sự khôn ngoan trong khi phân phối và bảo vệ quyền lợi chung, mà tin rằng thời kỳ chia rẽ và mâu thuẫn tất phải hết, để cho quốc tế đi dần đến thời kỳ chân thực đồng minh chống Cộng, đồng thời giải phóng những nước bị trị. Sở dĩ chúng em dám đặt hy vọng vào những viễn tượng tốt đẹp của tương lai, là vì chúng em theo kịp sự tiến bộ của khoa học, của tinh thần khoa học. Khoa học có thể mở mang tài nguyên cho đời sống ê hề đến nỗi chiến tranh trở nên vô ích và vô lý. Khoa học cũng có thể tiến tới điểm chế tạo ra những võ khí tuyệt đối, khiến cho bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng là một cuộc tự sát chung của cả nhân loại.

Rồi, thân ái Trung, đây là quan điểm của họ về cuộc giao tranh giữa chúng ta, tiểu tư sản và những người bôn-sơ-vích:

- Trên phương diện tuyệt đối cảu thời gian hễ hết đói khổ, nhờ hòa bình và khoa học, và hết nô lệ, nhờ kháng chiến dân tộc và can thiệp quốc tế, là Cộng Sản sẽ hết mãnh lực thu hút đối với dân chúng. Riêng trong phạm vi nước ta, trận Điện Biên Phủ vừa mới kết liễu, Việt Minh-Cộng Sản rõ rệt sắp chia đôi sơn hà với Pháp. Chúng em nóng lòng chờ đợi ngày chia đôi đó. Không phải vì chúng em thích thú gì sự chia đôi đất nước, nhưng riêng chúng em cho rằng đó là một sự tai hại cần thiết. Miễn là có hòa bình, vì chủ trương bạo ngược và vì mất danh nghĩa kháng chiến Việt Cộng sẽ mất lòng dân cực kỳ nặng nề. Người Pháp còn giữ một phần đất, nhưng vừa mới thua đau, còn khiếp nhược và hoang mang. Quốc tế nhân việc điều đình, chú ý đến nước ta hơn, chắc hẳn sẽ bênh vực người tiểu tư sản mà hiện nay quen gọi là người Quốc Gia chống Cộng. Người tiểu tư sản, được ba điều trên, nhất là được trông thấy Cộng Sản mất dân, sẽ như được tiêm thuốc hồi sinh. Nói tóm lại, chúng em tin rằng người tiểu tư sản không cử phải tìm thấy lẽ phải tuyệt đối mới thắng được người bôn-sơ-vích, ít ra là trong giai đoạn hiện tại, mà các anh nói là “giai đoạn” của lẽ phải của họ”.

Thân ái Trung,

Tôi vừa mới thuật lại, dài dằng dặc, mấy mẫu tư tưởng của một số anh em thanh niên ít hơn chúng ta dăm, bảy tuổi. Tôi thuật lại đúng, cho nên miễn phê bình, dù chỉ để tỏ lòng tin tưởng của tôi hơi họ, hoặc chỉ để chống lại quan niệm độc đoán của họ về nghệ thuật.

Tôi thấy chỉ cần phải nói cho Trung biết ít ngày sau đêm họ nói chuyện với tôi thì xảy ra việc quân Pháp bỏ khu chiến miền Đông Nam. Sự rút lui của đoàn quân Viễn Chinh là cả một sự vội vã, cả một sự sợ hãi trông thấy. Có điều lạ, là không có một lời tuyên truyền, dân chúng ùn ùn bỏ nhà cửa theo quân đội. Dân chúng bám vào xe chở hàng, như chùm sung, tràn lên đò làm chìm mất vô số. Rồi đi xe tay, đi bộ, mẹ cõng con, chồng dắt vợ, trên vai tòn ten đôi quang thúng, có khi tiền bạc thì quên, lại đem đi mấy cái nồi đất. Tôi xuống tận Nam Định. Buổi tối, đèn mờ mờ, trông đoàn người ra đi không mảy may khác những người, chín năm trước, ra đi kháng chiến.

Nhưng vẫn khác, bởi ra đi kháng chiến, người ta tuy lặng lẽ mà nhộn nhịp, tuy đau khổ vì tan vỡ, mà hy vọng xa xôi nhưng mãnh liệt vẫn tràn ngập không gian. Còn lần này ra đi, chỉ có những bóng đen câm nín cúi đầu xuống mặt đường, và lưng còn dưới gánh nặng.

Hình ảnh của tội lỗi, của hối hận, hay của sự cam tâm chịu đựng vò xé bởi sự lìa bỏ vĩnh viễn quê cha đất tổ? Hình ảnh của một đoàn quân chiến bại? - Không! Hơn nữa, Trung ơi, vì đây là hình ảnh của những bị người phản bội, bị phản bội trong lòng tin thắm thiết nhất. Đây là người nông dân không chịu đổi nóc nhà thờ dột nát lấy mười mẫu ruộng tốt, đây là người nông dân trọn đời không có gì để cho ai một chút, nhưng ngót tám năm vừa qua đây, không có gì để tiếc không cho kháng chiến.

Kháng chiến với họ không phải là lá quốc kỳ dù đẹp dù xấu, không phải là bài quốc ca dù dở dù hay, cũng chưa hẳn là một chính quyền hoàn toàn việt nam hay những quyền tự do căn bản… Kháng chiến, trong tâm hồn người dân lành, chỉ là làm thế nào cho được sống yên ổn, dù nghèo đói, thiếu thốn trăm bề, trong căn nhà có bát hương thờ tổ phụ, bên bờ ao đã soi bóng nhiều đời mẹ hiền, và trên mặt những thửa ruộng biết bao nhiêu đời nông phu kiên nhẫn đã cầy, đã bừa, cho nhuyễn cả những viên đá sỏi, cho cây lúa mọc được lên, rồi trĩu nặng bông vàng dưới một thứ ánh sáng mặt trời không thể có ở nơi đâu khác. Kháng chiến là làm thế nào giữ cho khỏi đứt đoạn sự quen thuộc với thôn xóm, tình tương trợ của họ hàng, vì không có những thứ ấy, người dân lành thấy mình bơ vơ, lạc lõng trong đời sống. Kháng chiến còn nhất là sự giữ gìn cho toàn vẹn, sự bù đắp cho tăng thêm một chút gia sản, dù hèn mọn đến đâu cũng vẫn là “của hương hỏa” làm sự bảo đảm tương lai cho đàn con lũ cháu, sau này.

Đối với người dân lành, kháng chiến là như thế. Dốc một lòng, và “để cho con cái chúng ta giữ được như thế lâu dài”, họ đã hy sinh tất cả những gì là của họ. Họ đã chịu cho giặc đốt nhà thờ, chịu cho du kích tát cạn ao chuôm để xẻ hào giao thông, chịu bỏ cỏ những bờ xôi ruộng mật vì những ngày dân công xa vắng. Cuối cùng họ mặc dầu không được huấn luyện, đã dám cầm thanh mã tấu, cái câu liêm, đi trước quân đội để đánh Pháp: họ đã liều cái mạng họ. Vì họ tin lời người cán bộ mà nghĩ rằng “để cho con cái chúng ta được yên hưởng về sau”! (người nông dân không yêu con kiểu cách như người thành thị. Không chìu nựng, không quấn quít. Người nông dân yêu con bằng một tình yêu hồn nhiên, một tâm tư chất phác: Con cái là khả năng làm cho đời sống không bao giờ tận cùng: Cha mẹ chỉ là một đoạn đường, trong khi con cái là tất cả, là vĩnh viễn)

Yêu như thế, tin như thế, thế mà họ bị phản bội. Phản bội không vì điều đình với Pháp. Phản bội đã đến, ngấm ngầm, dần dà, từ lâu rồi. Từ ngày họ không được giết con gà cúng bố mẹ, từ ngày Đảng bắt buộc đấu tranh phải khởi sự giữa vợ chồng, con cái, giữa thôn xóm, giữa họ hàng. Từ ngày hạt thóc vàng, là kết quả của trăm cay nghìn đắng, của vợ kéo chồng cày, phải đem gánh tất cả ra trụ sở Nông hội xã để nộp thuế Nông nghiệp. Nghĩa là từ ngày họ hết sạch, cả của lẫn người, nhất là người.

Sự phản bội gây ra thất vọng mênh mông và mất mát trọn vẹn, đến nỗi bước chân ra khỏi căn nhà quen thuộc, họ không tìm thấy vật gì đáng kể là còn lại, đáng đem theo vào một bên quang thúng, cho cân với bên kia đặt đứa con mới chập choạng tập đi. Đi, đi hẳn, có khác gì chết trong lòng người dân lành, cái chết héo hắt, dần mòn của linh hồn? – Đến chết còn kinh ngạc, chưa muốn chịu thật rằng họ chẳng có một cách nào khác nữa, ngoài sự rời bỏ quê hương, không hy vọng gì trở lại.

Sự ra đi của những người dân lành thật biết bao nhiêu cay đắng. Bởi nhớ những lần tản cư kháng chiến, họ liều chạy trước tầm súng giặc, một đỗi đường một đỗi nghi, để quay lại tìm lẫn trong chân trời, cái vệt thẫm dài là làng xóm, là quê hương họ. Lần trước họ nhìn lại, nhìn lại là hy vọng. Còn lần này, họ cúi đầu xuống mặt đường…

Tôi hiểu nỗi đau đớn của những người nông dân ấy. Thời thế đã bắt họ trở thành những chiến sĩ, vì tự họ, họ chỉ muốn cày ruộng, làm nhà, cuộc đời họ, lành mạnh những tự cao mặc cảm, không bao giờ muốn tranh cướp. Sức khỏe của họ, trí khôn của họ, họ chỉ quen dùng vào việc giành giật với thiên nhiên, với mưa nắng, gió bão, với khô nẻ hay lụt lội, những khóm lúa “chít hết hai gang tay”, có nhiều bông “lớn như đuôi trâu”. Tâm sự họ đơn giản, họ là người, có thể một đôi khi gian dối về đấu thóc, thúng gạo hay con lợn, con bò, nhưng họ không bao giờ dám nghĩ người ta có thể lừa nhau về quê hương, đất nước và tổ tiên. Họ đã ra đi kháng chiến, tin theo bọn cán bộ, với tâm sự đơn giản ấy. Họ đã bị phản bội, bị “bán đứng cả cút” cho một thứ chủ nghĩa Cộng Sản nói thì đẹp vô cùng, mà đến lúc thực hành thì hà hiếp bóc lột hơn cả bọn Chánh Sứ, Tây đoan thời trước.

Họ biết đau khổ, lần đầu tiên trong một lãnh vực rộng lớn. Tôi đoán được nỗi lo sợ của họ ở cặp mắt họ nháo nhác quay ngược, quay xuôi tìm kiếm, tuy không có gì mà chờ đợi. Họ muốn nhìn thấu ý nghĩa của sự việc đã vượt họ xa quá, để nhận định con đường phải đi cho tới được yên ổn. Họ thấy tôi đứng một mình bên cột đèn, có lẽ nét mặt khổ sở của tôi làm cho họ tin tưởng hay chỉ bằng vào cặp kính trắng là dấu hiệu của con người có học, họ đến gần tôi cất tiếng hỏi, ngập ngừng e sợ: “Ông ơi! Chúng cháu đi về đâu bây giờ?”

- Đi về đâu? Người nông dân ra đi để bảo vệ lấy một chút tài sản tinh thần, người nông dân tiểu tư sản đã hỏi tôi như thế. Lời hỏi chân thực, họ chắc chắn sẽ đi về hướng tôi chỉ cho họ. Mặc dầu họ không biết tôi, trong đáy sâu của bản năng họ vẫn tin tưởng ở tầng lớp trí thức, theo một truyền thống chưa bao giờ đứt đoạn.

- Đi về đâu? Tôi biết trả lời họ ra sao, một khi chính chúng ta còn tự hỏi lẫn nhau câu ấy?

- Đi về đâu? Tôi yếu đuối chỉ tay về phía Hà Nội. Dưới bầu trời không trăng sao, con đường nhựa thăm thẳm tan vào đêm tối. Tôi rùng mình, có cảm giác cả không gian thấp xuống, nhỏ lạ trong màu đen cạm bẫy. Con đường đưa vào đáy một cái túi không lối thoát. Tù ngục.

Họ đi rồi. Thì tôi muốn kêu lên, gào lên, để gọi họ trở lại: Đằng nào cũng chết, thà ở đây mà chết, còn bao nhiêu sinh lực hãy tập trung lại để chết cho can đảm! Nhưng có một chút gì ngăn cản không cho tôi làm cử chỉ tuyệt vọng ấy. Một chút gì thiết tha, tính gan góc và ý chí tận tụy của Quảng, tiếng khóc của anh Chắt Hoe, bước đi của chị Nhiễu thấm máu chân vào rễ cây rừng Nghĩa lộ. Tôi nhớ lại tất cả sự dai dẳng chịu đựng của con người tiểu tư sản, của con người tìm tự do, và nhớ lại lời người bạn trẻ về một sự tai hại cần thiết, một nơi nghĩ dưỡng sức cho những người chiến đấu đã quá mệt, một địa điểm tập trung những khả năng còn đương lên.

Tôi nghĩ: “Chia đôi đất Việt!”

Trong bụng tôi nao nao một sức nặng muốn bồng lên, trong cổ tôi tanh nhạt một vị kinh tởm, tôi có cảm giác sắp nôn xuống mặt đường tất cả tim phổi, dạ dày, ruột non, ruột già. Những bộ phận ấy đã sống vì kháng chiến, nay kháng chiến bị ô nhục, bị phản bội, tất cả thân thể tôi bỗng ngập trong mùi máu.

Tôi nhìn lên ngọn đèn vẫn ú áy trong sương đêm. Ngọn đèn đổ nhào xuống vỉa hè. Tôi choáng váng mày mặt, phải ngồi thụp xuống đất. Hai tay tôi chống lên những ngọn cỏ mát rượi, tôi đưa tay áp lên trán, trán tôi nóng rừng rực. Tôi cứ ngồi yên mãi như thế lâu lắm.

Thế rồi đất nước bị chia đôi thật. Trong tâm hồn tôi, như tâm hồn một bố già thấy chủ bán mất một phần thửa vườn cũ, có những dòng nước mắt tê tái, tủi nhục.

Từ Hải Phòng, tôi nhiều lần trở lên Hà Nội, những tưởng sẽ ra ngồi khóc trên bãi cỏ Hồ Gươm cho nhẹ nỗi đau khổ. Nhưng mỗi lần ra tới đó, lưng quay vào tòa Thị sảnh, mặt nhìn ra phía Tháp Rùa, thì đáng lẽ than van yếu đuối, tôi lại kinh ngạc thấy mình bình thản đặt vấn đề tính toán.

Có lẽ từ trong tiềm thức, tôi đã học được, hay được truyền tiếp nguồn sinh lực của số đồng bào đông như kiến cỏ trên con đường Nam Định, Hà Nội. Ở Hà Nội, tôi đi thăm nhiều trại tạm trú của đồng bào, trong khi chờ đợi phương tiện vào Nam. Đình, chùa, nhà thờ, nhà thương, trường học, thậm chí trại giam và trại lính, bất cứ đâu, miễn có đất đặt quang gánh nghỉ chân và có mái che mưa nắng. Tôi len lỏi tìm người quen không thấy, nhưng đến đâu cũng nhanh chóng thành quen hết cả. Đồng bào, hàng trăm ngàn người à lên để trả lời chung những câu hỏi. Hỏi: tại sao đi? Trả lời: Vì không ở được. Hỏi: Tại sao không ở được? Thì chính tôi đã trả lời ngay trên đây. Nhưng, mặc dầu biết chắc mình không lầm, tôi thành thật vẫn muốn nghe tiếng nói của người trong cuộc.

Tôi hỏi, đồng bào tranh nhau thuật chuyện làng, chuyện nhà, cả đến chuyện riêng của mình. Một bà mẹ chừng bốn mươi tuổi- thế hệ chúng ta! Ôm con nhỏ trong cánh tay gầy guộc, vừa kéo vạt áo lau đôi mắt đỏ mọng vừa kể:

- “Ông ơi, các anh cán bộ xã, các anh ấy bảo chúng cháu bỏ cúng ông vải, vì cúng vái là duy tâm, là chống chính phủ Cụ Hồ. Các anh cán bộ phát động gọi họp ngoài đình để đấu cụ Cử xóm Hạ, bảo là kẻ thù của nhân dân. Ban Nông hội xã thu thuế bắt phơi khô quạt sạch, chúng cháu gặt về mười phần phải nộp đến bảy, tám phần rồi. Rồi đến các anh cán bộ dân công, các anh ấy chia lân thế nào mà mấy vợ chồng bố con nhà cháu lúc nào cũng có người phải đi phục vụ chiến dịch. Các anh cán bộ bảo thế nào chúng cháu cũng xin vâng, vì các anh ấy bảo thế là theo Cụ Hồ kháng chiến. Chúng cháu cũng muốn kháng chiến lắm, nếu có phải khổ gấp trăm, gấp ngàn hồi Pháp thuộc chúng cháu cũng cố chịu.

Người đàn bà nghẹn ngào khi bắt đầu vào đến đoạn thương tâm:

- “Nhưng về sau có hai điều làm chúng cháu cay đắng, nhục nhằn quá. Là hồi tháng Một năm ngoái, chúng cháu mới gặt xong tay, là đảng gọi họp, bảo chúng cháu đấu ruộng, đấu trâu vào, làm chung. Bố thằng cháu có ý kiến xin cứ để cho ai làm của nấy (vì chả nói ông cũng biết, chúng cháu cấy ít mới làm tốt được, tám sào ruộng nhà cháu là khóm lúa cứ như khóm lúa nếp cả ấy ông ạ) nhưng anh cán bộ giận dữ, buộc là bố cháu phản động, bảo vệ tư hữu (khốn nạn, chúng cháu có mấy sào ruộng quèn thì tư hữu, tư hiếc gì!). Bố cháu có nói muốn làm lấy tốt để cho mấy đứa cháu mỗi đứa một tí, gọi là thơm thảo của cha của mẹ chúng nó, thì anh cán bộ bảo cháu cụ Hồ đã có đảng, có Bác.

- “Sau rồi nghe chừng bố cháu buồn bực lắm, mà những nhân dân (!) khác cũng thế, anh cán bộ mới bảo nhân dân về thảo luận với các con, cháu xim chúng nó có bằng lòng lấy ruộng gia tài không. Bố cháu bằng lòng ngay, những tưởng các cháu nó dại, bảo chia ruộng cho chúng nó thì chúng nó mừng. Nào ngờ bố cháu vừa hỏi chưa dứt câu, cái thằng Nhớn nhà cháu này- người đàn bà chỉ đứa nhỏ, chừng tám tuổi, mắt ráo hoảnh, mặt câng câng- nó đã bảo ngay “bố bẩn thỉu, ù lì, ngoan cố”. Bố cháu giận quá, có đánh nó mấy cái khẽ, thế mà nó lu loa lên rằng áp bức nó, cấm đoán nó, không cho nó làm cháu cụ Hồ. Nó lại còn đi báo cáo cho ban xã cảnh cáo bố cháu, là chúng cháu có đẻ nhưng chính đảng với Bác nuôi, nên từ nay phải hòa bình (!) với nó. Thế là bố cháu đợi đến đêm hôm ấy thắp hương van với ông bà ông vải, rồi cuối canh Ba cuốn gói đi ngay”.

Người đàn bà nói đến đây liếc nhìn thằng Nhớn. Mặt nó trân tráo, đáng ghét quá. Tôi khẽ hỏi, thì bà cho biết vợ chồng phải lừa nó ngủ, lấy giẻ nhét vào miệng rồi trói nó lại mà xé rào, vừa cõng em nó, vừa khiêng nó đi trốn (vì thế không đem theo được tí đồ đạc nào hết). Tôi ngạc nhiên, sao vợ chồng bà không để nó lại:- “Cái đồ bất hiếu bất mục ấy, đem nó đi làm gì?”. Nhưng bà ta đã trả lời ngay tôi rằng “nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi”, rằng “cháu nó dại, nghe người ta dụ dỗ, rồi bố cháu sẽ khuyên can cháu”

Lời nói đi thẳng vào đáy lòng khiến cho tôi cảm động. Bao lâu nay quen dùng kỹ thuật để diễn tả tâm tình tế nhị, thiết tha, nhưng rối ren, giăng mắc, tôi ngạc nhiên thấy cả một bầu trời cao rộng và xanh trong của tình yêu hồn nhiên, giản dị.

Tôi thành thực hổ thẹn, phải nhận rằng bao nhiêu học hành, bao nhiêu từng trải , chỉ làm cho tâm hồn tôi càng ngày càng thêm suy yếu. Tâm hồn tôi đâu còn có khả năng thương yêu một cách trọn vẹn đến thế? Và lòng tin trong tôi không đủ, khiến cho đối trước tương lai, tôi phải đặt ra bao nhiêu câu hỏi không thể trả lời. Tôi thật không bằng người đàn bà chẳng bao giờ nghĩ rằng con cái có bổn phận phải yêu thương và hy sinh ngược lên cho cha mẹ. Tôi học ở trường “hoài nghi” của tinh thần Pháp, hôm nay thật sung sướng vô ngần khi nhận thấy trên đời quả nhiên có những tấm tình “yêu không đòi yêu lại”.

Tôi lại còn được những bài học khác. Bài học về sự khiếp nhược của chúng ta trên đường đời. Chúng ta nhìn về tương lai, tính đếm lợi hại, không lúc nào không cần đến sự giúp đỡ bên ngoài: Nào là sự bảo trợ của một chính quyền dân chủ, nào là quyền tự do cá nhân, nào là cơ sở kinh tế bắt đầu xây dựng. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài những điều kiện. Chúng ta quá nhiều tự ti mặc cảm, so sánh với gia đình nông dân kia, đi chỉ đem theo được có hai thứ vốn liếng: Một là lòng tin ở mình và ở đồng bào mình, rằng đi bất cứ đến đâu cũng có những người tốt; hai là lòng tin ở trời, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, tin ở trời mà thật ra là chắc bằng vào sức khỏe với đức tính cần cù, kiên nhẫn và chịu đựng của mình.

Sự thật hết sức rõ rệt, là nếu chúng ta ở vào địa vị họ, trong một ngàn người chưa dễ có một người đã dám đi tay không như họ. Tôi đã nói: Vì đời sống của chúng ta phụ thuộc nhiều quá vào những loại vật chất phù phiếm mà chúng ta tưởng rằng không có không được. Có lẽ chính vì thế mà chúng ta không tìm thấy Lẽ Sống. Lẽ Sống hình như phải là định nghĩa của những hoạt động nhất định thiết yếu của con người, là lao động, tin yêu, và sáng tạo. Lao dộng để bảo vệ lấy bản thân mình, có bảo vệ được bản thân mình chắc mạnh mới có tin yêu vạn vật quanh mình, có tin yêu vạn vật quanh mình thì sự sáng tạo, để truyền tiếp nòi giống, truyền tiếp những vẻ đẹp của Vũ trụ và loài Người, lúc đó mới thật có nghĩa lý.

Thân ái Trung,

Tôi nhiều lần len lỏi giữa đám đông những người nông dân ra đi để tìm hiểu họ hơn nữa. Trên bãi xi măng các phi trường Bạch Mai, Gia Lâm, có những tốp người quần nâu áo vá chen nhau tránh nắng dưới bóng những chiếc Dakota hay Nord-Atlas hai thân. Sự hạnh ngộ không thiếu ý nghĩa sâu sắc, đối với ai kia mới ngày này tháng trước, thoáng nghe tiếng máy bay ầm ì đã mau mau xuống hầm, xuống hố, àm bây giờ sắp trèo vào bụng của chính những con chim dữ tợn ấy, để ngồi vào đúng những chỗ đặt bom, mắc đạn, làm một chuyến đi suốt đời không bao giờ mơ tưởng.

Sự hạnh ngộ này, tôi hoảng nhiên thức tỉnh, là cả một cuộc đảo lộn của lịch sử. Có viên sĩ quan phi công Pháp quặt tay ra sau lưng để làm thang cho một em nhỏ trèo lên vai, rồi truyền sang ngồi thu lu trên bánh xe kép của chiếc Nord-Atlas. Lớn, bé, với tất cả số đồng bào ngồi quanh đấy, cùng nhau vui cười hỉ hả. Cuộc đảo lộn thật rõ rệt: Giai đoạn thực dân đã hết, giai đoạn sau đã bắt đầu bằng những chuyến đi tập trung vào miền Nam của những người chống Cộng.

Tôi viết “giai đoạn sau chống Cộng”, viết xong mới ý thức được rằng, từ trước đến nay, chúng ta quả thực chưa từng có một mặt trận và một giai đoạn chống Cộng. Không kể mặt trận trò hề Tâm, Hữu, những con người yêu tự do, những con người tiểu tư sản đã có lần nào họp được nhau thành tập thể có trách nhiệm hẳn hoi trước lịch sử?

- Chưa có, nhưng sẽ có, vì phải có. Vì Nam Việt là cứ điểm cuối cùng của chúng ta, nếu chúng ta không muốn có ngày biến thành đồ vật. Vả lại, chính Cộng Sản đã dồn vào Nam-Việt hàng trăm ngàn đồng bào từ này phải bấu víu lấy nhau để sống. Cộng Sản, khi thắng Pháp bằng chiến tranh, không ngờ đã hoàn bị cho người tiểu tư sản một đoàn quân cảm tử. Một đoàn quân, từ nay là cái nhân mãnh liệt trong cái quả dân tộc. Một cái nhân, vốn là cái quả của kháng chiến…. Nếu chúng duy tâm, sẽ cố nhiên cho rằng Đạo Trời huyền bí, yếu mà được, mạnh mà thua là như thế.

Nhưng chưa chắc chúng ta đã duy tâm, cũng như chưa hẳn chúng ta đã duy vật (bôn-sơ-vích). Chúng ta hay biết cứ nhận chân một sự kiện cụ thể, nó chứng minh rằng sau ba, bốn năm phân ly kẻ bị mê hoặc, kẻ bị đàn áp tàn nhẫn, thì bây giờ đồng bào nông thôn, nền móng của xã hội ta, đã lại trở về với trí thức.

Tôi muốn thú nhận với Trung rằng, ngay lúc này, trong tâm hồn tôi tràn đầy một viễn tượng tương lai rực rỡ. Những người bạn trẻ của tôi đã rời khỏi Hà Nội, người đi Pháp, đi Mỹ, người vào Nam, mỗi người nắm trong tay một kế hoạch cho những ngày sắp tới.

Họ đến thăm tôi để từ biệt, không ai quên nháy một mắt và hất đầu một cái không đâu, để tỏ vẻ đồng tình một cách khoái trá. Riêng tôi còn ở lại, hàng ngày đi tiễn những người lên máy bay không quen biết, nhưng cũng từng đêm ra ngồi trên bờ Hồ Gươm, lắng nghe tiếng im lặng của cảnh vật, của ánh đèn tan trên mặt nước, và của cả bóng đen u uẩn dãi quanh Hồ.

Lòng hỏi lòng, tôi thấy mình như con ngựa mệt mỏi dọc theo lối mòn kháng chiến quanh co, nay ra đến con đường mới vừa thẳng vừa rộng, thốt nhiên đâm sợ. Sợ, nhưng cũng có mừng: Đàn ngựa trẻ đang phóng lên nước kiệu … Tôi linh cảm Việt Cộng lại đương nhầm, nhầm ở chỗ đáng giá anh em ta quá thấp.

Tôi chấm hết thư ở đây, bằng một điểm hy vọng. Đừng trách nhau chủ quan. Hai mươi nhăm triệu cái chủ quan sẽ làm nên lịch sử, nghe đâu tôi đã viết thế cho Trung, trong bức thư thứ nhất, để bênh vực một ý muốn lạ đời: ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ.

Hải Phòng,
Ngày 1 tháng 8, năm 1954, viết hết.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=ddem%20tam%20tinh%20viet%20lich%20su&page=6