Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Con cừu có mái tóc màu hạt dẻ

Vũ Thành Sơn


Trạm xe buýt cách nhà chừng mười phút đi bộ. Tôi cố nán lại để nghe cho hết bản tin buổi sáng. Khi bản tin kết thúc, vừa bước ra đến cửa thì tiếng chuông điện thoại bất thần reo lên dồn dập sau lưng.

Tôi đã định mặc cho nó reo nhưng sực nhớ biết đâu là điện thoại của em gái thông báo tình hình của mẹ tôi không chừng. Mẹ tôi sống với cô em gái, bà đang ốm mấy hôm nay, khó thở cộng thêm chứng thoái hóa cột sống khiến bà phải nằm, ngồi một chỗ. Em tôi tính đưa bà đi bệnh viện nhưng chưa xin nghỉ phép được. Hai hôm nay bận việc tôi không ghé qua thăm bà mà cũng quên gọi điện cho cô em để thăm hỏi. Tôi vội vã quay vào, vẫn để cửa mở, nhoài cả người qua bàn ăn, với tay lấy chiếc điện thoại treo trên tường.

Thế nhưng vừa nhấc ống nghe lên thì tiếng chuông ngưng bặt. Chỉ có âm thanh tít tít từng hồi ở đầu dây bên kia. Tôi gác ống nghe trở lại và dợm đứng lên, chuông lại đổ.

- Alô!

- Anh hả? Chiều nay anh có rảnh không?

Không phải em gái tôi mà là Nhân. Giọng của cô trầm đục, âm thổ, nghe là lạ như chính cái tên của cô vậy. Nhiều khi tôi nghĩ sao cô không bỏ quách cái nghề cạo giấy nhạt nhẽo ở công ty quảng cáo mà đi học làm ca sĩ, với chất giọng ấy biết đâu chừng có khối người sẽ bị tiếng hát của cô làm cho chết mệt.

- Rảnh. Có gì không em?

Tất nhiên tôi không thể nói không với một cô gái, nhất là người đó lại là Nhân.

- Mình đi nhậu đi. Em đang chán đây.

- Có chuyện gì mà chán vậy hả em?

Vừa nói vào ống nghe tôi vừa dòm chừng ra cửa canh không cho mấy con mèo hàng xóm thấy cửa mở mà lẻn vào nhà. Tuần trước mới gặp mà, có nghe cô nói gì đâu. Cô còn nói sẽ mua một tour du lịch ra đảo đi săn cá mập và câu mực đêm để chụp ảnh và có tư liệu viết bài cho một tờ báo kinh tế của thành phố. Chuyện gì đã xảy ra? Cô bị lừa tiền hay bị đuổi việc? Mỗi lần có chuyện gì, vui hay buồn, Nhân lại rủ tôi đi nhậu. Thường cô chỉ uống bia, có khi uống rượu nhưng không nhiều. Cô đưa nguyên chai lên tu, chiếc ly đá vẫn để trước mặt không động đến và thuốc lá đốt liền tay, hết điếu này đến điếu khác. Có một lần quá xỉn, cô không tự lái xe nổi, tôi phải đưa cô về nhà.

- Còn giờ thì chuyện gì nữa đây?

- Trời ơi! Em chán lắm. Chỉ muốn chết bà nó đi cho xong.

Tôi giở giọng trêu cô, OK, được rồi, được rồi. Từ từ đã nào. Em chết thì con em bỏ ai nuôi hả? Mà em định ngồi ở đâu? Đừng chỗ cũ nghe, ngồi một chỗ hoài chán muốn chết.

Vừa dứt lời, tôi liền nhớ ra con gái của Nhân tháng trước phải vào bệnh viện vì sốt cao. Cô sợ nó bị sốt xuất huyết, gọi điện cho bạn bè quen biết khắp nơi, hỏi ai có thể giúp vì đứa nhỏ nhập viện không đúng tuyến. Lần đó tôi đã áy náy vì chẳng giúp được gì cho cô.

Không, anh. Hôm nay em có một chỗ khác, chỗ mới, ngồi cũng được lắm.

- Ở đâu vậy?

- Chiều hết giờ qua đón em rồi sẽ biết.

- OK, thống nhất như vậy đi.

- Bye anh.

- Bye em.

Gác điện thoại lên tường, tôi nhớ một anh bạn ở sở làm có lần nói điện thoại nhà anh có chức năng ngăn chặn những cuộc gọi ngoài ý muốn, nhất là những cú gọi để bán hàng hay giới thiệu sản phẩm. Tôi sẽ hỏi kỹ chuyện này. Chắc chỉ cần đăng ký mua dịch vụ ở bưu điện.

Tôi liếc nhìn đồng hồ trên tay. Trời! Chỉ còn mười lăm phút. Mười phút đi bộ ra bến xe, nếu có ngay ở đó một chiếc xe buýt chờ sẵn thì năm phút còn lại cũng không thể nào bay đến được sở làm. Tôi đóng sập cửa, phóng như bay ra ngõ.

Tôi nghĩ con người chẳng khác nào một bầy cừu. Mỗi sáng chúng được thả rong đi kiếm ăn ở khắp các hang cùng ngõ hẻm trên mặt đất, cho đến chiều tối từng con một sẽ lần lượt được một Gã Chăn Dắt vô hình lùa hết vào chuồng. Rồi cho đến phải giã biệt cõi tạm này, bầy cừu cũng lại sốt sắng giao phó cho cái Gã Chăn Dắt đó sỏ mũi để đưa đến một cái chuồng khác. Tuy vậy, luôn luôn vẫn có một vài con bướng bỉnh, đầy những mơ mộng huyễn tưởng, lang thang đến quên cả lối về.

Con cừu đứng trước mặt tôi trên chuyến xe buýt sáng nay là một phụ nữ có mái tóc nhuộm màu nâu hạt dẻ, các móng đều sơn đen bóng. Xe chật cứng người khiến khoảng cách giữa hai chúng tôi gần đến nỗi tôi nhìn thấy những sợi lông măng trên gáy và má của cô. Tôi phải ngẩng cao đầu hoặc ngoảnh mặt đi, cố gắng giữ hơi thở của mình không chạm vào da thịt cô ta, nhưng như những hòn sỏi nhặt từ bãi biển đựng trong một cái lọ, hành khách đứng trên sàn cứ chao qua đảo lại và va vào nhau không ngớt, thở ra một mùi chua nồng mỗi lần cái lọ bị lắc mạnh.

Khi xe đang đổ dốc, bất thần một cú thắng gấp xô tôi chúi nhào về phía trước trong tư thế gần như ngã chồm lên người cô. Tôi hấp tấp níu lấy lưng ghế trước mặt để trì lại. Một vài tiếng chửi thề chung quanh vang lên. Sau khi đã trụ vững, cô ta quay phắt lại. Tôi nghĩ mình sẵn sàng để đón nhận những lời trách cứ, thậm chí sỉ vả thậm tệ mặc dù trong chuyện này chẳng phải lỗi của ai. Thế nhưng, thật bất ngờ, sự bực dọc thoáng qua nhanh chóng, cô nhìn tôi với một vẻ ngờ ngợ.

- Xin lỗi… Có phải là… Bình?

- Vâng, tôi là Bình.

- Bộ Bình không nhận ra tôi sao?

Không có một nét gì quen thuộc để tôi có thể nhận ra người đang đứng trước mặt mình là ai. Có thể đây chỉ là một sự ngộ nhận thôi, người giống người, như vẫn thường xảy ra trong cuộc đời này.

Tôi có cảm giác những ánh mắt tò mò của hành khách trên xe bây giờ đang chĩa hết về phía chúng tôi.

- Anh còn nhớ cà phê ngõ Cây Điệp?

- Xin lỗi. Thú thật là trí nhớ tôi rất kém.

- Trí nhớ, đó là một thứ hoàn toàn xa xỉ đối với tôi.

- Thế còn sân sau Thư viện Quốc gia?

Liên kết hai địa điểm mà cô vừa nói, bất chợt một góc kỷ niệm xa vắng bị bao phủ bởi mù sương của thời gian dần dần được vén lên và tôi lờ mờ nhận ra cô.

1984. Đó là vào những năm cuối bậc đại học. Một nhóm nhỏ đàn đúm, hút xách gồm cả trai lẫn gái. Cuộc chơi của họ đôi khi kéo dài thành những chuyến giang hồ vặt. Từ những cuộc đàn đúm ấy, một ban nhạc trẻ, The White Dream, và một tờ tập san văn chương in photocopy đã ra đời. The White Dream nổi đình nổi đám ở các liên hoan sinh viên một thời gian nhưng còn tờ tập san chỉ ra được vài số thì biến mất. Cuộc vui của họ có một số phận thật ngắn ngủi và phù phiếm.

- Loan? Đúng không?

Cô gật đầu, cười thật tươi.

Loan là cây trống của The White Dream và có thể nói là cây trống nữ duy nhất trong các ban nhạc của các trường đại học thời đó. Loan được biết đến như là một hiện tượng khá hiếm hoi và có lẽ chính điều đó đã góp phần không nhỏ trong thành công của ban nhạc. Cô xuất hiện ở đâu là lập tức gây ra những tiếng hò reo đầy phấn khích ở đó. Bây giờ Loan đổi khác nhiều quá đến mức khó khăn lắm tôi mới nhận ra. Hơn hai mươi năm đã trôi qua còn gì. Từ đó đến nay, tôi không có tin tức gì của cô.

- Tôi nghe nói…

Chiếc xe buýt bất thình lình dừng lại. Tôi ngó ra ngoài cửa xe. Đã đến trạm tôi phải xuống. Tôi nói vội vàng, tôi phải xuống ở đây rồi. Thôi…

Nhưng thật bất ngờ khi tôi nghe cô nói Loan cũng xuống ở đây.

Từ trạm này, tôi phải đi bộ qua hai ngã tư nữa thì mới đến chỗ làm. Tôi xem đồng hồ. Đã trễ 15 phút rồi. Tôi nghĩ mình cần phải kết thúc câu chuyện với cô.

- Lúc nãy ở trên xe anh định hỏi gì Loan đó?

- À, tôi muốn hỏi là… Tôi nhớ là hình như Loan sinh sống ở Canada mà, phải không?

Trạm xe nằm trên một đoạn đường ngắn một chiều, không có ngã rẽ. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện. Tôi tính đi đến bùng binh sẽ chia tay với Loan.

- Đúng rồi anh. Loan ở Alberta, nhưng bây giờ Loan về Việt Nam rồi.

- Loan muốn nói là về chơi hay định cư luôn?

- Về luôn.

- Ồ! Loan về cùng với gia đình hả?

- Không, về một mình.

Tôi thấy trí tò mò của mình bắt đầu được khơi dậy bởi câu chuyện này.

Loan tiếp tục kể, cô lấy chồng, sau đó theo chồng sang Canada. Gia đình chồng gốc Hoa, cần cô dâu sang để phụ giúp trông coi nhà hàng. Bi kịch đã xảy ra khi sau một năm chung sống, cô phát hiện mình không có khả năng sinh con. Gia đình chồng muốn con trai có đứa con nối dõi, tốn khá nhiều tiền cho cô chữa chạy, thuốc men nhưng tất cả mọi cố gắng đều không đưa đến kết quả. Cuối cùng, cô ở trong tình huống buộc phải ly hôn và anh chồng cưới ngay sau đó một cô gái Hoa khác. Hai năm sau, cô bị ung thư vòm họng. Ban đầu chỉ là một cục hạch nhỏ ở cổ, đi khám thì được kết luận là ung thư giai đoạn hai. Chín tháng điều trị, hết xạ trị rồi hóa trị, bây giờ ung thư đã di căn xuống phổi. Trước khi về Việt Nam, cô phải chịu phẫu thuật cắt 1/3 thùy phổi trái. Biến cố dồn dập khiến cho cô gần như suy sụp hoàn toàn. Có lúc cô đã tìm đến cái chết như lối thoát duy nhất bằng cách nhảy từ lầu bốn căn hộ xuống đất, nhưng chẳng hiểu sao cô lại rơi trúng vào những tấm đệm của khu chứa đồ phế thải ở sân sau, khiến cô chỉ bị gãy xương bả vai và xương đùi.

Qua lần chết hụt đó, cô cảm thấy dường như đang có một luồng ánh sáng huyền nhiệm soi rọi vào những góc khuất u ẩn của tâm hồn mình, cô nhận ra toàn bộ cuộc đời cô cho đến giây phút đó thực sự chỉ là sự hợp thành của những nỗ lực vô nghĩa nhằm đeo đuổi một mục tiêu không có thực. Cô bắt đầu lui tới các trung tâm thiền học và gặp gỡ, tham vấn các thiền sư. Sau đó cô quyết định trở về nước, dâng hiến những tháng ngày còn lại của mình cho công việc từ thiện. Hiện thời cô phụ trách việc dạy âm nhạc trong một dự án giáo dục dành cho các trẻ nhỏ mồ côi.

Tôi vẫn còn một thắc mắc đã muốn hỏi ngay từ lúc bước xuống xe. Tôi chỉ vào mái tóc của cô và nói: Tôi nhớ tóc Loan ngày xưa khác mà.

Ngay khi vừa thốt ra, ngay lập tức tôi thấy câu hỏi của mình ngốc nghếch đến mức không thể tha thứ, nhưng chẳng còn cách nào để chữa lại nữa.

Cô phì cười rồi sau đó, ngay giữa phố xá đông người, bất thình lình cô giật phăng mái tóc trên đầu. Trời ơi! Tôi đứng sững lại và không kìm được tiếng kêu sửng sốt khi nhìn thấy một cái sọ tròn, nhỏ, lún phún những chân tóc ngắn sát da đầu. Trước mắt tôi bây giờ, cô chẳng khác một con cừu bị xén trụi lông.

Tôi thấy rõ dấu vết tàn phá bệnh tật để lại trên gương mặt cô mà trước đó mái tóc giả cùng với lớp son phấn hóa trang đã giúp che đậy được phần nào. Trong lúc tôi chưa kịp hoàn hồn thì cô đã thản nhiên đội lại mái tóc giả và tiếp tục bước đi.

Đến bùng binh, tôi đành phải chia tay với Loan để rẽ sang sở làm. Tôi đưa cho cô danh thiếp của mình và hẹn tìm cách liên lạc với các bạn học cũ còn sống đây đó ở trong nước.

Thế rồi công việc tới tấp trong sở sau đó đã làm tôi không một phút giây nào rảnh rang để nhớ lại cuộc gặp gỡ hồi sáng với Loan nữa. Có một lúc tôi có cảm tưởng cổ họng mình bỗng khô ran, phải đi đi lại lại ra ngoài hành lang uống khá nhiều nước. Uống đến ly nước thứ tư, tôi thấy mình giống một miếng mút sũng nước nặng trịch.

Gần đến trưa, tôi lại phải giải quyết một chuyện khá rắc rối. Một bà khách gọi điện thoại đến than phiền đứa con gái bốn tuổi của bà đã bị gạt ra khỏi đoạn phim quảng cáo một cách vô lý. Trong phim, cháu bé đó chỉ nói “Mẹ ơi! Mẹ cho con uống đi!”. Thế mà cháu đã làm đi làm lại rất nhiều lần, hết cả hai ngày nhưng vẫn không thể hiện được sự diễn cảm qua giọng nói và nét mặt như yêu cầu. Tôi và cả ê kíp làm phim đều thấy công việc có vẻ như vượt quá khả năng của bé. Chúng tôi không thể nhẫn nại hơn được nữa và đi đến quyết định chọn một diễn viên khác. Thế nhưng, bà mẹ không bằng lòng, bà cho rằng con mình thực sự có năng khiếu biểu diễn, chỉ là do chúng tôi có thành kiến với bé, và bà sẽ cùng với công ty đối tác làm cho rõ chuyện này.

Tôi gác máy điện thoại xuống bàn, thở dài ngao ngán. Một cảm giác mệt mỏi xâm chiếm toàn bộ thân thể. Chính ngay lúc ấy không hiểu sao tôi sực nhớ đến Nhân và cái đầu trọc lóc của Loan. Tôi mệt mỏi nhìn xuống dưới sân, thấy các nhân viên trong bộ đồng phục công sở lục tục đi về phía nhà ăn tập thể. Họ đi thành hàng, chẳng ai nói chuyện với ai; sự im lặng của một bầy cừu thẳng tiến đến cái địa điểm được mặc định.

Tôi xoay người lại nhấc ống nghe điện thoại lên, gọi cho Nhân. Tiếng của cô a lô trả lời ở đầu dây bên kia.

- Anh đây.

- Dạ.

- Chiều anh qua đón em mấy giờ?

- Năm, sáu giờ gì cũng được… Bộ có chuyện gì hả?

- Không, không… Anh hỏi vậy thôi… Vậy nhé.

- Dạ…

Tôi không gác điện thoại xuống bàn ngay và có cảm tưởng ở phía bên kia hình như Nhân cũng vậy, cô vẫn còn cầm điện thoại trên tay. Trong khoảng tích tắc đó, không ai trong chúng tôi nói thêm một lời nào.

Sau cùng Nhân là người gác máy trước, tôi nghe tiếng tít tít kéo dài liên hồi bên tai.

(Từ tập truyện ngắn Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?. TP HCM: nxb. Văn hóa Văn nghệ TP HCM – Domino Books, 2017)