Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Chào một nhà thơ mới!

Gửi Phapxa Chan

FB Hoang Hung

Phapxa ChanChùm thơ đầu tiên của Phapxa Chan xuất hiện trên Văn Việt đầu năm 2017 khiến tôi sững sờ. Vì đã biết sơ thông tin về anh ngoài đời, tôi không ngờ một ngòi bút trẻ đã có được sự vững vàng, có thể nói là “chín” cũng đúng, đến thế! Cấu tứ đâu ra đấy, ý tình nhiều độc đáo, câu chữ ít khi thừa, chứa sức mạnh bên trong và tự thân, và cả năng lực tung tẩy biến hóa cấu trúc… như một tay “chơi thơ” lão luyện! Sau gần một năm, giờ đọc lại đến lần thứ ba, vẫn không đổi nhận xét. Xin ghi lại những câu, những khổ thơ đáng nể:

Chiều cuối năm
người không nhà
lên đỉnh núi
đón mây sa

chuyện xưa chuyện mới
chợt xa xôi

Một điều chợt nhớ
lại quên...
một điều định nói
lại thôi...

chân vẫn tin rằng đường có thật

chỉ còn cái nhìn nhìn..

Giao cảm thánh thần
là hai hốc mắt
nơi chứa
những mặt trời
đã tắt

hóa thạch thành miếng thịt treo
năm trăm năm trên gác bếp

trăng rơi những mảnh cuối cùng
ao thu sáng lên lần cuối

cô gái rùng mình
vấy một giọt café lên váy trắng

Cặp đũa son
trói chặt trong mớ thừng rau muống
kết án chôn sống giữa bát tương

Hai chiều hướng hình thành trong thơ Phapxa Chan từ những bài thơ đầu tay này:
Một là tính cổ điển thăng hoa; không phải cổ điển bó chặt, định hình của các nhà nho, mà cổ điển của các du tăng, đầy thiền vị, lặng mà vang, hướng tới giải thoát. Hai là tính ấn tượng đi đến xuất biểu của cảm giác mạnh, gây ám ảnh đa đoan trần thế. Hai hướng dường như mâu thuẫn lại đan xen trong phần 1 của của tập bản thảo mà tác giả cho tôi đọc.

Có lẽ vì thế mà ở các phần sau (2,3,4,5), tôi thấy anh tự bứt phá, tung thơ vào nhiều cảnh giới, thử những bút pháp khác nhau, những hình thức khác nhau từ thơ tự do đến thơ văn xuôi, thơ xếp hình… Không ít sự khác thường, ý lạ, cách nói nghịch lý như một kiểu “phá chấp”, neo được sự chú ý và kích lên lời tán thán thầm. Tiếc rằng phần lớn như đang phác thảo, đang ghi chép những tình ý nảy nở, chưa kịp định hình thành Bài Thơ có sự sống tự nó như một Sinh thể độc lập sau khi nghệ sĩ hoài thai đủ tháng đủ ngày thì đẻ ra và… chỉ biết nhìn nó sống chứ không thể tùy tiện nặn, sửa nó nữa.

Có một điều nổi bật trong toàn bộ bản thảo Thơ Phapxa Chan: năng lực khai thác chiều siêu hình, trừu tượng, từ những chi tiết sống – rất hiếm trong truyền thống Thơ Việt mạnh về tả cảnh tả tình, cảm giác, kể lể, “trí tuệ” hơn một chút thì ẩn dụ, tượng trưng, triết lý,…

Trong đó, có năng lực tự dõi bản thân như tách khỏi nó để quan sát như một khách thể, khá đặc dị, mà tôi phải dẫn nguyên một bài thơ để minh họa:

Dài

người về từ phố.
cởi xiêm áo. bỗng thấy quãng đường vừa qua dài như một thập kỷ.
một cái bóng mờ với điểm tiếp nối hai bàn chân cứ vươn dài mãi cái đầu về bất tận.
như trẻ con nhìn đàn kiến, tìm mãi con đầu đàn. cái bóng vươn mãi, dài mãi, hút ngược về phố.
người đứng lặng như tượng chết. chỉ đồng tử còn sống sót, đảo hết biên độ dõi theo cái bóng. những ngón tay bỗng theo một mệnh lệnh không từ não bộ, nhúc nhích, dài ra, vươn theo cái bóng.
từ ngón giữa bàn tay trái, cả cơ thể bị kéo theo, dài mãi.
đồng tử bất lực. nhìn. rồi đến lòng trắng nhìn lòng đen đi trước.
đến lượt lòng trắng ra đi. hốc mắt nhìn.
hộp sọ cũng mờ dài theo bóng.
chỉ còn cái nhìn nhìn…

Đề tài này từ một bài thơ ở phần 1 đã được khai triển thành một chuỗi thơ-văn xuôi ở cuối phần 4, theo dõi “Cái Tôi” phiêu giạt vào cõi hư-thực mộng ảo. Một giấc mơ dài mà tôi chưa biết cách giải, và có thể chính tác giả cũng không giải được. Đồ chừng đó là đoạn phim tự động quay những thời “quán tự tại” của một thiền giả đang vượt cảnh giới “sơ thiền”? (xin lỗi vì tự nhiên nhớ một đoạn viết-tự-động của bản thân gần 40 năm trước, sau khi tiếp xúc lần đầu với Kinh Phật: “Ai sơ thiền lên tam lên tứ đã xuất mộng đẩu tinh lại phóng về vọng tưởng ảo thân ảo giác ảo giang hồ còn dai dẳng phi phi phi tưởng xứ…”)

Quá trình Thơ của Phapxa Chan khiến tôi chợt liên tưởng nhân vật chính trong cuốn “Câu chuyện dòng sông” của Herman Hesse: một thầy tu trẻ tưởng như đã đắc đạo trên núi cao, bỗng một ngày bỏ hết công phu tu tập, xuống núi, trải nghiệm mọi sắc dục của cuộc đời trần thế… Để rồi cuối cùng, thực sự “ngộ” lẽ “sắc-không”.

Phapxa Chan đang ở kỳ nào của quá trình “giác ngộ”? Tôi chưa biết, nhưng biết rằng có một Nhà Thơ Mới đang đi tới, cho dòng sông Thơ Việt tiếp tục chảy và trổ nhánh vào miền đất lạ…

Mùa thu 2017
Hoàng Hưng

https://www.facebook.com/hoang.hung.714/posts/10210486117929222

Attachments area