Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Giấc mơ Trung cổ – Một cuộc thảo luận với tiểu thuyết gia Umberto Eco về Viết, và Thế giới của Thư viện

Gaither Stewart

Đoàn Huyền dịch

“Thư viện này được xây dựng theo một đồ án bí ẩn qua bao thế kỉ”, lời của Abot dòng Benedict trong tiểu thuyết Tên của đóa hồng. Chỉ người thủ thư đó biết thư viện bí ẩn của Eco chứa đựng những gì và không hé môi về bí mật của những cuốn sách quý. “Tất cả sự thật”, Abot nói, “không dành cho mọi người; không phải tất cả trá ngụy có thể bị nhìn thấu bởi những kẻ kính Chúa. Sách là một sinh vật mong manh, bị tổn hại qua thời gian”. Bởi vậy thư viện phải bảo vệ cuốn sách mong manh ấy. Sách phải tự bảo vệ mình, bí hiểm, như những bí mật nó ôm giữ. Nhắc lại rằng “monasterium sine libris est sicut mensa sine cibis,” Abot thế kỉ 14 của Eco gọi Luật dòng Benedict của mình là sự bảo tồn tri thức, thứ luôn đe dọa biến mất trong hỏa hoạn, cướp bóc và động đất”. Ở những thế kỉ tiền in ấn được miêu tả bởi Eco, thư viện của tu viện là một trung tâm tri thức tối quan trọng nhưng chúng bị che giấu trong bí mật, bởi tri thức vào lúc đó là thứ nguy hiểm. Tu sĩ bỏ thời gian trong các phòng viết, chép kinh sách, chú giải, đóng và bảo quản sách. Những tu viện như mười ba tu viện được Thánh Benedict lập ra vào thế kỉ 6 trên dãy núi gần Rome là nơi lưu trữ văn hóa quan trọng của châu Âu trong suốt thời kì bị rợ ngoại bang xâm chiếm.

Sau khi đọc thấy, trong tiểu thuyết của Umberto Eco, cung cách sống bí hiểm ở thư viện tu viện, tôi quyết định ghé thăm vài nơi. Tu viện Santa Scolastica ở Subiaco là tu viện nguyên thủy duy nhất của dòng Benedict còn sót lại. Bây giờ, nó ẩn mình trong thị trấn thần thoại Subiaco, nằm biệt lập ở dãy núi cách Rome bảy mươi kilomet, các tu sĩ của tu viện, xưa vốn dùng thời giờ để thiền định, chép sách còn các nghệ sĩ sơn vẽ nhà thờ và nhà nguyện.

Cách đây 550 năm hai thợ in người Đức từ Mainz tới đây, đã làm thay đổi cuộc sống của tu viện. Sự thay đổi đến đột ngột. In ấn làm cho những tu sĩ mù chữ chuyên mài mực, chuẩn bị giấy da cừu và đóng những cuốn sách lớn, mất việc đồng thời cho nhiều người hơn biết đến những cuốn sách chép tay đầy nghệ thuật cũng như đến những nghệ sĩ chú giải bên lề sách. Nhưng nói chung, ít người biết về vai trò của Subiaco trong việc truyền bá kĩ thuật in ấn ở thế kỉ mười năm. Lịch sử nhanh chóng lướt qua nó.

Hai người Đức, Arnoldus Pannartz và Conradus Sweynheym chuyên tâm vào công việc in ấn. Paris hay Rome – sớm sẽ thành những trung tâm in ấn lớn của châu Âu – đều chưa khởi sự khi những người Đức tạo ra những chiếc máy in của họ ở Subiaco cô lập và ấn loát ấn phẩm đầu tiên của Italia: cuốn triết học luân lí Lattanzio. Cuốn sách, được viết bởi kẻ cải đạo Cơ đốc thế kỉ mười bốn, Cecilio Lattanzio. Nó mang những kí tự in bằng tiếng Hy Lạp đầu tiên trên thế giới, một kiểu chữ in được phát minh cho những trích dẫn dài bằng tiếng Hy Lạp của cuốn sách, tất cả trong những mẫu tự di động nay gọi là “kiểu chữ in Subiaco”. Cuốn sách được in ở Subiaco vào 29 tháng 11 năm 1465. Hai tu viện Santa Scolastica và Sacro Speco, hay Holy Grotto (Hang Thiêng) – nơi Thánh Benedict sống – thống trị Subiaco trung cổ. Với 100.000 đầu sách quý, Santa Scolastica là một trong những thư viện tu viện phong phú nhất trong mười một thư viện tu viện lớn của Italia. Những cuốn sách của thư viện đã tạo nên một kho báu mang giá trị thần bí, lịch sử, văn học, văn hóa đích thực.

Tôi dùng một trong những kĩ thuật yêu thích của Eco và liệt kê ra đây một số những tác phẩm của thư viện: 320 bản thảo chép tay của những thế kỉ 10-17, những bản thảo chưa bao giờ mang ra khỏi thư viện, 2.000 sách thế kỉ mười lăm, 14.000 sách thế kỉ mười bảy, một tuyển tập thánh ca thế kỉ mười và bản chú giải Kinh thánh thế kỉ mười một, bản chép tay của nó được dùng như kiểu mẫu cho các nhà khoa học nhân văn và cho kí tự in của Subiaco bốn thế kỉ sau, một cuốn sách Kinh dành cho lễ Misa thế kỉ mười ba mang số 2001 cho thấy thư viện đã từng đồ sộ như thế nào và 280 incunabula [những ấn bản đầu tiên] – những cuốn sách được in giữa những năm 1445 và 1500. (Tiện đây (nói thêm là từ incunabula có gốc từ chữ Latin cuna, cái nôi, cái nôi của kĩ thuật mới – in ấn.)

Thư viện được đặt ở trong một hành lang kiểu Roman thế kỉ mười hai, trên đỉnh có tháp chuông đúc năm 1052. Điều thú vị là nhà thờ tân cổ điển của Santa Scolastia được thiết kế bởi kiến trúc sư đến từ Bergamo, Giacomo Quarenghi, người ở tuổi 25 đã thiết kế nhà thờ duy nhất của mình tại Ý, trước khi được nữ hoàng Catherine II triệu đến Nga, và sau này sẽ trở thành Bernini của St. Petersburg.

Tu viện Sacro Speco được chạm trong đá ở nhiều mức độ, gần như toàn bộ được sơn vẽ bởi các nghệ sĩ những thế kỉ tám - mười ba, là một trong những địa điểm ngoạn mục nhất của Ý và ít được biết đến hơn (so với Santa Scolastica). Vùng núi non lởm chởm, những thung lũng hẹp, những dòng nước xối xả, những vách đá lổn nhổn và rừng rậm, Umberto Eco có thể đã bắt được chính ở đây cái không khí u huyền của Tên của đóa hồng. Nhưng các tu sĩ cả quyết ở đó không có bí ẩn, không có những âm mưu hay chuyện ái tình gì. Chỉ có yên bình và thanh vắng.

Khi cuốn tiểu thuyết của Umberto Eco đứng đầu Top Ten Mỹ trong nhiều tháng, số lượng sách tiêu thụ trên toàn thế giới tăng vụt lên hàng triệu bản, và một bộ phim được dựng dựa trên tiểu thuyết. Tạp chí The New York Times viết về hiện tượng này: “các nhà xuất bản nên học từ đây rằng công chúng sẵn sàng cho cái gì đó vượt quá những sản phẩm làm sẵn thông thường”

Các nhà phê bình khắp thế giới phân tích Tên của đóa hồng, cố gắng tìm ra bí ẩn thành công lạ thường của cuốn tiểu thuyết. Cuốn sách được dán nhãn tiểu thuyết lịch sử, truyện kinh dị thần học, tiểu thuyết triết học, tiểu thuyết Gô-tich, một bài tập bí nhiệm lạ thường. Tác giả của nó bị chỉ trích vì bịa một cuốn sách giả tạo trên bàn kế hoạch và ngay từ đầu đã tự tín về thành công của tác phẩm. Nhưng sau đó một nhà phê bình người Ý Beniamino Placido, cũng là người ngưỡng mộ Eco, nhận thấy cuốn sách chỉ làm ra vẻ một hành trình đi vào văn hóa trung đại; đằng sau khung lịch sử của nó, nhà phê bình cho rằng, bung nở lịch sử của những căng thẳng và lo âu luôn chực bùng phát của thế giới hiện đại. Chính Eco cũng tán thành: “Thời Trung cổ là tấm gương cho thời hiện đại. Chúng ta tìm thấy gốc rễ của những vấn nạn, những đau khổ, những khủng hoảng của chính mình.”

Ở khía cạnh khác, Umberto Eco chưa bao giờ vướng bận đến niềm tin cũ kĩ vào thần cảm và đam mê trong nghệ thuật. “Người ta chưa học được rằng mỗi tác phẩm nghệ thuật là một trò chơi diễn ra ngay trên bàn làm việc. Không gì,” nhà văn khẳng định, “gây tác hại cho sáng tạo hơn sự đam mê thần cảm. Chuyện hoang đường của những nghệ sĩ lãng mạn tồi đã mê hoặc những nhà văn, những nhà thơ tồi. Nghệ thuật là vấn đề nghiêm túc. Manzoni và Flaubert, Balzac và Stendhal viết tại bàn làm việc. Có nghĩa là kiến thiết, như các kiến trúc sư thiết kế một công trình. Nhưng chúng ta thích tin rằng nhà tiểu thuyết viết truyện vì anh ta được một vị thần thì thầm bên tai.”

Thời điểm cuốn tiểu thuyết đời, Eco đã viết khoảng mười hai tác phẩm, từ Thi pháp của Joyce [Poetics of Joyce] đến Cách viết một luận văn [How to write a dissertation]. Sau khi tham gia vào nhóm những nhà văn cánh tả trẻ, Grupppo 63 [Nhóm 63], phong trào văn học hậu chiến quan trọng của Ý, nhà văn thân cận với những thành viên chủ chốt của phong trào phản kháng 1968, rất nhiều người trong số họ sau này trở thành lãnh đạo của phong trào khủng bố cánh tả. Tuy nhiên, Eco không theo họ tham gia vào những tổ chức phản kháng hay tham gia vào chính trị. Khi cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 1980, Umberto Eco đã là một học giả danh tiếng quốc tế, một diễn giả và một giáo sư kí hiệu học xuất sắc, chuyên gia về truyền thông đại chúng, nhà tiểu luận, biên tập viên, tác giả, nhà tư tưởng, với một trí nhớ kỳ diệu. Bốn mươi tám tuổi, sau một đêm, Eco trở thành một tác giả ăn khách và giàu có.

Như hầu hết các phóng viên nước ngoài ở Ý, tôi đưa tin về hiện tượng Eco. Nhưng trước khi tiểu thuyết xuất bản, tôi mới chỉ đọc một vài bài báo của nhà văn và chưa bao giờ gặp Eco. Sau thành công của Tên của đóa hồng, Eco từ chối trả lời phỏng vấn – trừ những cuộc phỏng vấn của The New York Times, Le Monde, hay BBC. Eco đồng ý một cuộc phỏng vấn qua thư với tôi, tôi trình bày ở đây những điểm đáng lưu ý nhất. Tuy nhiên, cũng phải nói là ông đã đánh máy khoảng mười năm trang giấy dài để hồi đáp; thay vào đó nhà văn tiết kiệm được thời gian để tiếp tôi. Eco xem thường “thần cảm”, nhưng tin rằng thôi thúc trần thuật có ở mọi người. “Đó là lí do mà rất nhiều nhà khoa học, nhà triết học và nhà phê bình cũng viết tiểu thuyết – cả những người chúng ta nhớ tên như Tolkien, Segal, Hoyle, Sartre, Asimov, và Harold Bloom, người xuất thân hàn lâm, cũng như cả những người chúng ta lãng quên. Tôi nghĩ viết là cách phô bày những mâu thuẫn của cuộc sống mà người ta muốn giải quyết. Viết tác phẩm hư cấu, thơ chẳng hạn, nghĩa là chỉ đơn giản trình bày những mâu thuẫn nhưng không giải quyết chúng. Nhưng thực ra thì, qua sự cộng tác diễn giải của mình, người đọc [sẽ] lựa chọn cách hiểu tác phẩm. “Tôi viết Tên của đóa hồng đơn giản vì tôi muốn viết. Một lí do đáng giá. Đầu tiên, khát khao đến – như khát khao làm tình. Rồi ngồi vào bàn viết và bắt đầu, tôi không nói là viết, mà là chơi, là kiến tạo một khả giới [a possible world]. Năm đầu tiên khi tôi muốn viết, tôi không viết ngay mà tôi thiết kế, dựng đồ án tu viện, phác thảo danh sách tên nhân vật, thậm chí tôi còn phác họa gương mặt họ. Bởi vậy, tôi tin rằng một người viết tiểu thuyết bởi họ khao khát xây dựng một thế giới. Và (khao khát) truyền thông [communicate].”

Vào những năm 1950, Eco đang viết về thời Trung Cổ; luận văn (tiến sĩ) của nhà văn về Thánh Thomas Aquinas. Trong những năm sáu mươi sung mãn, Eco làm việc cho nhà xuất bản lớn của Ý, Valentino Bompiani. Người ta đồn, khi đó trong những cuộc họp biên tập, phát biểu của Eco luôn mang tính quyết định. Nhà văn mắt nhắm hờ, hút một hơi từ tẩu thuốc, rồi nói một hồi cách giải quyết vấn đề.

Trong thời gian này Eco bận rộn với “kí hiệu”, truyền thông đại chúng và trở thành nhà kí hiệu học hàng đầu của Ý, đồng thời xuất bản những tác phẩm học thuật. Những giai thoại lan truyền khi đó đã tạo nên một hình ảnh chắc chắn về Eco: Eco làm việc hai mươi tiếng một ngày, Eco có thể trích dẫn theo trí nhớ tới một nửa khối lượng sách mình đã đọc qua, cuộc sống của Eco được tổ chức theo cung cách Đức, nhà văn có khả năng liên hợp phi thường những thứ khác biệt. Eco nói đùa với tôi rằng, mình cũng tiết kiệm thời gian bằng cách rút ngắn những bài phỏng vấn rồi viết cho tôi chừng ấy trang giấy!

Eco nhanh chóng thành công với vai trò giáo sư ký hiệu học ở Đại học cổ Bologma. Những bài giảng nổi tiếng của Eco được 400 sinh viên, những người bị hấp dẫn bởi sự lôi cuốn của giáo sư, tham dự. Đáp lại, như một kẻ tự mê, Eco bỏ 250 bài giảng một năm. Đối thoại cởi mở, Eco vừa hài hước vừa hàn lâm một cách tự nhiên. Những người bạn ông bảo rằng không thể biết chính xác liệu Eco đang chơi hay đang làm việc. Eco gọi mình là con nhện hàn lâm. Phong cách Eco khắc nghiệt nhưng đặc trưng bởi những lời đùa cợt, những trò chơi và những cuộc đấu trí nhớ. Người ta miêu tả ông như một cái “máy suy nghĩ”. Do kí hiệu học dễ ứng dụng với thời Trung Cổ, vì thời kì này rất giàu kí hiệu và là một xã hội ít phức tạp, nên tôi hỏi Eco về mối quan tâm của nhà văn với giai đoạn này và tầm quan trọng của nó với thế giới hôm nay.

“Kiểu cách thời Trung đại, giấc mơ Trung cổ, đi dọc qua toàn bộ văn minh châu Âu. Thời Trung đại là lò luyện kim của văn minh châu Âu và văn minh hiện đại: chúng ta vẫn phải tính đến những sản phẩm của nó: ngân hàng và hối phiếu, các cấu trúc hành chính và chính trị cộng đồng, đấu tranh giai cấp và nghèo đói, những tranh cãi kịch liệt giữa nhà nước và nhà thờ, trường đại học, khủng bố bí ẩn, tòa án xét xử trên hồ nghi, bệnh viện, giáo phận, thành phố hiện đại, ngành du lịch hiện đại, cách một người vẫn tôn trọng vợ trong khi mòn mỏi trông ngóng người tình – vì thời Trung đại cũng tạo nên khái niệm tình yêu ở phương Tây.

“Chúng ta khôi phục những cổ vật được khai quật ở Quảng trường La Mã, phục dựng Đấu trường La Mã [Coliseum], dọn dẹp thành Acropolis, nhưng chúng không được làm đầy trở lại. Một khi được khám phá lại, chúng chỉ để chiêm ngưỡng. Nhưng cái gì còn lại của thời Trung đại có thể bị làm hư hoại và người ta tiếp tục tái sử dụng nó với tư cách một đồ chứa đựng, đặt thứ gì đó vào trong nó và nó vẫn không khác biệt hoàn toàn với gốc gác của mình. Ý tôi là ngân hàng vẫn là ngân hàng. Và người ta điều chỉnh khi người ta bảo tồn Chartres hay San Gimignano, không sùng kính nhưng họ vẫn tiếp tục sống trong chúng. Người ta có thể mua vé để vào thăm một ngôi đền Hy Lạp nhưng người ta tham dự một lễ Mass ở nhà thờ Milan Cathedral. “Điều tôi muốn nói ở đây là giấc mơ Trung cổ có đất diễn ở những gì có thể điều chỉnh được chứ không ở những thứ chỉ có thể trở thành một bảo tàng.”

Eco dường như có ý kiến về mọi thứ xảy ra từ thời Trung đại. Quan điểm của nhà văn về thư viện thường được trích dẫn. Eco thích suy nghĩ về những gì một thư viện lí tưởng không nên trở thành và những gì một thư viện ưu tú phải là. Nhà văn thường nói rằng mình đặc biệt thích thư viện Sterling Library ở Đại học Yale, Eco gọi nó là một tu viện tân-Gothic. Eco phàn nàn về những thư viện kiểu mê cung của Ý, coi chúng là đại diện cho cái mà một thư viện không nên trở thành và đề nghị những đồ án mang tính lý thuyết cho một thư viện lý tưởng.

Eco miêu tả áo quần có thể ảnh hưởng lớn đến con người như thế nào, nhắc lại chuyện những chiến binh trong những thế kỉ trước vận áo giáp chỉ có đời sống ngoại tại, trong khi các tu sĩ tạo ra chiếc áo chùng – nghiêm trang, mềm mại và đồng dạng – cho phép cơ thể tự do và được bỏ quên (cả trong lẫn ngoài!). Các tu sĩ theo cách đó, có một cuộc sống nội tại cực giàu có, do cơ thể họ được bảo vệ bởi tấm áo choàng, thứ vừa làm tôn quý cơ thể đồng thời khiến nó được giải phóng để suy nghĩ và để lãng quên chính nó.” Sự châm biếm đầy uy lực của Eco thể hiện trong lời khuyên dành cho “những kì nghỉ thông minh.” Nhận thấy những người không phải tội phạm hay kẻ khủng bố thường tha thiết đọc sách hơn trong kì nghỉ, nhà văn đưa ra một loạt những lời khuyên: với những người muốn biết về những vấn đề của chiến tranh thế giới lần ba, Eco đề nghị một cuốn sách thú vị Kitab al-s ada wa’l is’ad của Abdul’ l Al’ Amiri, bản sao sát nhất năm 1957 hiện có ở Teheran. Hay, cuốn Zefir Yezirah, theo cách gọi tự nhiên là Zohar, cho những kiến thức bổ ích về truyền thống Kabbalah. Hoặc bạn chỉ cần mang đến bờ biển cuốn Die Grundrisse [của Karl Marx, tên đầy đủ là Grundrisse der Kritik der politischen Ökonomie (Cơ sở của sự phê bình về kinh tế học chính trị) – Văn Việt], cuốn Ngụy Tân ước (Apocryphal New Testament), và một số tấm vi phim không xuất bản của nhà kí hiệu học Peirce.

Ở chỗ khác, nhà văn suy ngẫm về cái giá cho sự ra đời một kiệt tác, từ những tác phẩm đắt giá như Núi thần (với bệnh viện nghỉ dưỡng, áo lông thú…), đến Chết ở Viên (khách sạn Lido, thuyền đáy bằng của Viên, túi Vuitton) [hai tác phẩm của Thomas Mann – Văn Việt] đến những tác phẩm ít đắt đỏ như Chuông nguyện hồn ai (một chuyến đi bí mật đến Tây Ban Nha, phòng và boong tàu được người Cộng hòa trang bị đồ đạc và túi ngủ với người tình) [của Ernest Hemingway – Văn Việt], hoặc Robinson Crusoe (chỉ cần phí tàu) [của Daniel Defoe – Văn Việt].

Tôi liệt kê những chủ đề đa dạng của Eco để nhấn mạnh niềm yêu thích dành cho những danh sách [lists] của nhà văn. Các chủ đề của Eco tạo thành một danh sách dài. Tâm trí nhà văn ghi mục lục, biến đổi và ứng dụng. Tôi hỏi tại sao tất cả những danh sách này lại có mặt trong Tên của hoa Hồng. “Tôi luôn yêu thích kĩ thuật lập bản danh sách. Trong nhiều năm tôi sưu tập những ví dụ và nghiền ngẫm viết một cuốn sách về việc dùng những bảng liệt kê từ văn học cổ điển đến Joyce. Hơn nữa, danh sách là một chiến lược miêu tả mang tính trung cổ điển hình. Bởi vậy tôi dùng danh sách trong tiểu thuyết vì nó rất trung cổ.

“Theo chiều hướng của danh sách, có điều thậm chí còn quan trọng hơn: nó điển hình của cả thời nguyên thủy và cả thời kì rất văn minh. Khi người ta chưa biết hay người ta không còn biết hình dạng của thế giới, thay vì miêu tả hình dạng người ta liệt kê các khía cạnh của nó. Người ta đi tới bằng sự kết hợp thay vì bằng một tổ chức. Về cơ bản, nhân vật Adso của tôi trong Tên của đóa hồng không hiểu rõ những gì đang xảy ra hoặc đã xảy ra; bởi vậy cậu ta liệt kê những gì mình thấy hoặc những gì mình nghe thấy và những gì cậu tin là nhìn thấy… và cậu ta biết chỉ bởi cậu nghe hay đọc những danh sách khác.”

Dường như, Umberto Eco là một nhà trí thức tự trong bản chất. Ông được coi trọng ở Ý và trên thế giới. Sự tương đồng giữa người trí thức và nhà phê bình của Eco phản ánh một cách thuyết phục vai trò nhà văn mường tượng cho mình trong xã hội. “Tôi thường nói rằng người trí thức có gì đó giống nam tước trên cây của Italo Calvino: anh ta ngồi trên cây nhưng theo dõi và bình phẩm mọi sự, cứ như thế tham gia vào các sự kiện của thời đại mình. Sự tham gia của người trí thức trong đời sống chính trị là một hành động phê phán đôi khi mang hình thức của cuộc nghiên cứu dường như vô tư lợi, cho dù với tư cách một cá thể công dân anh ta có thể vừa tận tụy với cuộc sống tập thể vừa đặt tri thức của mình theo sự bố trí của đảng hay của một nhóm. Nhưng chức năng trí thức thực sự của anh ta được dùng không phải khi anh đại diện cho đảng hay nhóm mình mà là khi anh phản đối nó. Chỉ trích kẻ thù thì dễ. Phê phán bạn bè là cả một vấn đề. Vai trò mà tôi muốn đảm nhận là người qua những phân tích của mình báo hiệu một cái gì không đúng chức năng tại những nơi quá nhỏ để được bày tỏ.

“Nhưng, tôi cố gắng nhớ rằng trong khi xã hội cần những nhà thơ của nó và muốn lắng nghe ý kiến của họ, tuy nhiên đó là một vị trí sai lầm. Các nhà thơ lên tiếng qua tác phẩm của mình và ít được trân trọng ở những hội thảo nơi họ thường nói những điều xuẩn ngốc. Thành công với tư cách một tiểu thuyết gia cho tôi một tiếng nói có thẩm quyền nhưng khi tôi quyết định lên tiếng, tôi cố gắng đứng ở vị trí của một nhà tiểu luận, chứ không phải một người viết tiểu thuyết.”

Cuối cùng, phải thảo luận với Umberto Eco về những mối quan hệ quyền lực mà ông cho là hậu cảnh của Tên của đóa hồng. Thời kì sau chiến tranh Thế giới thứ hai, người trí thức châu Âu có một vai trò đầy quyền lực. Châu Âu vừa ra khỏi chiến tranh và chủ nghĩa Phát xít và bị chia đôi về mặt chính trị giữa phái cấp tiến (những người theo chủ nghĩa Xã hội và những người Cộng sản) và phái Bảo thủ (những người Phát xít và những người Dân chủ Cơ đốc giáo). Những trí thức cấp tiến là trung tâm của những phong trào phản kháng năm 1968 ở Ý, Pháp và Đức. Vấn đề quyền lực là tối quan trọng.

Eco cho rằng Michel Foucault giải thích cặn kẽ cách hiểu về quyền lực một cách thuyết phục nhất – trong hoạt động xã hội: quyền lực không chỉ là sự trấn áp và cấm đoán mà còn khích động sự lên tiếng và sản sinh tri thức. Thứ nữa, quyền lực không phải là một quyền lực đơn mảnh. Nó không phải là số lớn. Nó không phải một quá trình không định hướng giữa một toàn thể ra lệnh và thần dân của nó. Quyền lực là đa bội và có mặt khắp nơi. Nó là một mạng lưới của những đồng thuận bắt đầu từ bên dưới. Quyền lực là số nhiều. Quyền lực là đa bội những mối quan hệ sức mạnh. Với nhà kí hiệu học, ngôn ngữ luôn được nối kết gần gũi với quyền lực. Eco cho rằng sự phê phán quyền lực đã thoái hóa vì sự phê phán này đã trở nên có tính đám đông. Đại phê bình quyền lực sinh ra những quan điểm ngây thơ cho rằng quyền lực – hệ thống – có một trung tâm, biểu tượng bởi một người đàn ông xấu xa với chòm râu đen đang thao túng giai cấp công nhân. Eco nhắc tới những nhà lý thuyết của chủ nghĩa khủng bố châu Âu, kẻ muốn đánh vào trung tâm của chính quyền, như một ví dụ tiêu biểu của sự nhầm lẫn.

Theo Eco, điều tai hại hơn là sự nhầm lẫn giữa quyền lực và sức mạnh. Sức mạnh là nhân quả. Nhân quả có thể đảo ngược lại được. Sự đảo ngược đó được gọi là sự xét lại [revisionism]. Mặt khác, thay đổi quyền lực là làm cách mạng. Chẳng hạn, đàn ông quyết định đàn bà sẽ rửa bát – một mối quan hệ biểu tượng của sức mạnh dựa trên sự đồng thuận của chủ thể. Mối quan hệ đó bị thay đổi nếu phụ nữ từ chối rửa bát – đó là sự xét lại. Những thỏa hiệp luôn mang tính xét lại.

Cách mạng, tuy nhiên, là toàn bộ những dãy dài của những sự xét lại, một sự khuynh đảo mạnh mẽ của những xét lại tiến bộ. Xã hội trở thành một vũ trụ phi trung tâm. Mọi thứ là ngoại biên. Không còn trung tâm của bất kì thứ gì nữa. Chỉ có những tay khủng bố viển vông của nhóm Red Brigades (Lữ đoàn Đỏ) mới nghĩ rằng nhà nước có một trung tâm và trung tâm đó dễ bị tổn thương.

“Một điều nữa, là về sự tồn tại của các đế chế đa quốc gia ngày nay. Đa quốc gia không phải là phát minh của những người phản kháng hay khủng bố. Tôi không muốn lên mặt đạo đức và cho rằng đa quốc gia là tồi tệ. Chúng là hình thức mà tổ chức công nghiệp hiện đại đưa vào xã hội tư bản. Một sự thật khác là đa quốc gia luôn bị xáo trộn bởi các sự kiện và các quyết định chính trị có tính địa phương. Hãy xem những gì đã xảy ra ở Chile. Và hiện nay ở nhiều nơi. Đây là một trong những vấn đề của thời đại chúng ta. Đừng hỏi tôi giải pháp. Tôi chỉ lưu ý đến hiện trạng này thôi.”

Gaither Stewart

Rome, Italy

November, 2000

Dịch từ bản tiếng Anh, The Medieval Dream, an Interview with Novelist Umberto Eco on Writing and the World of the Library, của Gaither Stewart. Bài dịch được thực hiện trên tài liệu đăng tải trên trang: www.critique-magazine.com

Đường dẫn: http://critique-magazine.com/article/umbertoeco.html

Về tác giả: Gaither Stewart sinh ở Asheville, North Caroline, Mỹ. Stewart sống chủ yếu ở châu Âu. Tác giả từng làm phóng viên thường trú tại Italia của tạp chí Hà Lan, Algemeen Dagblad, đồng thời cộng tác với nhiều báo ở nhiều nước khác nhau.