Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Người đeo lục lạc (kỳ 14)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 18: Những ngày sống thêm

Năm 1990 cụ Nguyễn Hữu Đang được Nhà nước phục hồi danh dự, cấp nhà, trong khu tập thể hai tầng Bộ Tư pháp ở Cống Vị và được trả lại quyền công dân, được cấp thẻ cử tri đi bầu cử và hưởng lương hưu.

Nói cho chính xác căn hộ đó rộng 18 m2, đây là căn hộ Nhà nước cho thuê. Cụ Đang trả lời đài RFI: "Từ thuở bé đến giờ, tôi chưa bao giờ có nhà, nên lần này có chỗ ở riêng, tuy là nhà cho thuê thôi, nhưng cũng đã lấy làm phấn khởi…"

Có một kỷ niệm sâu sắc là tháng 11/1992 đông đảo số anh em văn nghệ sỹ đã tổ chức mừng thượng thọ 80 cho già. Trước đó mười ngày, ông Trương Tửu người bạn cũ của ông Đang cũng đã làm lễ mừng thọ 80 tại nhà mình 53 Hàng Gà. Đến mừng thọ ông Trương Tửu có nhiều bè bạn và học trò ở Đại học Tổng hợp thời kỳ 1955 - 1956 là các vị trí thức có tên tuổi.

Mừng thọ cụ Nguyễn Hữu Đang có hàng trăm người dự, đủ thế hệ, già trẻ trong giới văn chương trong đó có người lâu nay xung khắc với nhau. Có cả Tổng Thư ký Hội Nhà văn mà 40 năm trước ông Đang là Biên tập tờ Văn nghệ. Cụ Nguyễn Hữu Đang coi ngày mừng thọ là một cái mốc mà cuộc sống tiếp theo được coi là "thời gian sống thêm" với một quan niệm nhân bản: "Cầu sự bình yên trong cảnh thanh bần, tìm an ủi trong tình cảm của những người thân quen, hưởng thú vui thái độ "Sống Để Xem". Ba chữ cuối này cụ Đang viết hoa. Như thế là cụ Đang có 15 năm "sống thêm", sống yên lặng, dấu mình.

Ngoảnh mặt lại nhớ về "cố hương", nhớ bạn tri âm, cụ viết lá thư thứ 2 cho ông Nguyễn Tiến Đoàn. Thư viết đề ngày 2/11/1994 nghĩa là cụ đã được trả tự do 4 năm. Thư cụ viết câu chữ ngậm ngùi tiếc nuối, đánh thức tình cảm, tri thức cho cụ Nguyễn Tiến Đoàn đang ẩn thân trong một cái làng có tên gọi Động Trung hẻo lánh mà cụ Đang đã nhiều lần thả bộ đến để đàm đạo về dòng họ Nguyễn Mậu Kiến. Cuộc đời hai cụ cốt cách vững vàng, dạn dày sương tuyết, nhưng lam lũ như hoa cỏ dại, thơm mãi vị đồng áng quê mùa.

Thư cụ Đang viết:

Anh Đoàn thân mến, sau mười hai năm tôi lại có dịp viết những dòng cảm nghĩ về anh. (Lần thứ nhất 1/5/1981, lần thứ hai 2/1/1994). Lần này tôi hiểu biết hơn lần trước cả về con người và sự nghiệp của anh mà tôi tin anh là còn phát triển cao hơn nữa. Từ bước đầu đi vào dịch "Ngô gia thế phả", tiến qua những thiên tiểu sử Phan Bá Vành, Kỳ Đồng, Ngô Quang Bích anh đã đạt được những thành tích chẳng những khẳng định được vị trí của cá nhân anh trong khu vực văn hóa Việt Nam ở Thái Bình, mà còn cống hiến đáng kể vào nền học thuật chung của cả nước.

Tuy vậy có một sự thành công lớn của anh mà dư luận đại đa số công chúng chưa biết đến, và chính tôi trước đây nhiều năm cũng chưa nắm vững. Đó là sự tìm tòi công phu, tận tụy để làm sáng danh sự nghiệp lớn lao của cụ Nguyễn Mậu Kiến và dòng họ cụ kéo dài liên tục trong khoảng 120 năm. Đây là một dòng họ yêu mến cách mạng hiếm có trong lịch sử Việt Nam.

Điểm lại tất cả các danh nhân kiệt xuất từ sau khi đế quốc Pháp bắt đầu xâm lược nước ta chưa hề có dòng họ nào có được vinh quang ấy.

Anh đã thật sự làm tròn "trách nhiệm" trong phạm vi có thể được của nhà nghiên cứu lịch sử. Đồng thời cũng đã dũng cảm làm tròn nghĩa vụ đối với dòng họ trước hết với cụ Nguyễn Mậu Kiến mà tôi gọi là một Danh Sỹ Anh Hùng.

2/1/1994

Nguyễn Hữu Đang

Người dân các phố phường Hà Nội trong những năm đầu bước vào công cuộc đổi mới của Đảng đường phố đã bắt đầu khác xưa, hàng hóa thông thoáng. Những ngày ấy trên đường phố nhỏ người ta gặp ông già nhỏ thó, gương mặt cương nghị khắc khổ gò lưng đạp chiếc xe mini Liên Xô với bộ quần áo bạc phếch, đó là cụ Nguyễn Hữu Đang. Đây đó trong một vài cuộc hội thảo về "Chống nạn mù chữ", về Hội Truyền bá Quốc ngữ, về việc tổ chức ngày lễ khai sinh ra "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Bạn bè người quen cũ vẫn thấy cụ Đang xuất hiện trước mọi người với nụ cười rộng mở, hồn nhiên, giọng nói sang sảng. Tên tuổi cụ đã thấy xuất hiện ở một vài tờ báo. Bài cụ viết mỗi câu mỗi chữ vẫn nghiêm chỉnh giữ được phong cách người làm báo lão luyện.

Nhiều người đã đến thăm cụ, các phóng viên tìm đến ngày một đông. Người ta muốn ghi chép lại thật tỉ mỉ cụ thể một vài sự kiện lớn cụ là người trong cuộc như phong trào Truyền bá Quốc ngữ, Ngày Độc Lập. Một số không khỏi tò mò tìm hiểu những ngày cụ sống khó khăn cùng cực. Một vài đồng chí lãnh đạo cũng quan tâm đến cụ và có những chính sách đối với cụ.

Chiều ngày 28/4/2008 tôi có cuộc tiếp kiến với ông Phan Diễn, Thường trực Ban Bí thư Trung ương tại nhà riêng 171 Nguyễn Gia Thiều để tìm hiểu "Lớp nhà Nho cuối cùng đi theo kháng chiến" trong đó có cụ Phan Thanh là Thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ cha đẻ ông Phan Diễn trong dòng họ cụ Phan Khôi, Phan Thanh tôi hằng kính yêu mà cụ Đang có rất nhiều mối quan hệ.

Theo như ông Phan Diễn, nhà cụ Phan Thanh, nhà cụ Phan Khôi cách nhau một bờ rào. Thế hệ ông Phan Diễn nhìn bác Khôi già rất "sợ" vì "nghiêm phép nhà". Cụ Phan Thanh rất giỏi tiếng Pháp lại rất mực khắt khe. Hình như cụ Phan Thanh sinh ra để đáp ứng với giai đoạn lịch sử của đất nước, thực hiện xuất sắc chủ trương của Đảng mà Bác Hồ sáng lập lúc bấy giờ. Cụ dạy học ở trường Thăng Long rồi tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ, viết báo, tổ chức diễn thuyết.

Nguyễn Hữu Đang hồi đó cũng đang dạy học ở trường Thăng Long, hai cụ gần gũi, thân ái với nhau, cụ Đang thường đến nhà chơi với cụ Phan Thanh. Đến khi xảy ra chuyện "Nhân Văn Giai Phẩm" thì ông Phan Diễn học ở Liên Xô nên chẳng hiểu "đầu cua tai nheo" thế nào chỉ biết cụ Đang bị đi tù. Ông Phan Diễn kể:

- Đến lúc làm Thường trực Ban Bí thư, tôi có nảy ra ý định đi thăm cụ Đang. Hình như việc đối với cụ Đang đã có người khởi xướng, anh Đỗ Mười thì phải. Vì sau khi nhận được thư của Trần Dần. Anh Phan Diễn kể: "Tôi đến nơi bác ở thì thấy quá khổ, trang bị chẳng có gì, nhếch nhác quá! Tai bác điếc nặng, nói không nghe thấy gì nữa, giữa hai chúng tôi đều phải viết giấy cho nhau để nói ý nghĩ của mình trong giấy tôi giới thiệu "Tôi là Phan Diễn, con cụ Phan Thanh và bà Xuyến đấy!". Cụ Đang nhìn tôi vẻ dè dặt, giữ kẽ… không muốn thổ lộ tâm trạng. Tôi về xem lại hồ sơ mới biết đây là người có công với cách mạng cần được quan tâm giúp đỡ. Các anh ở bên Ban Tư tưởng Văn hóa cũng bàn với nhau đề nghị Ban Bí thư nên có chính sách với cụ Đang.

Ban Bí thư cử Ban tài chính Quản trị (anh Lâm) Cục trưởng Quản trị A Trung ương, cùng chị Hồng Phó Trưởng Ban Tài chính Trung ương đến nơi cụ Đang ở xem xét cụ thể về báo cáo lại Ban Bí thư. Các anh Ban Tư tưởng Văn hóa đã đề nghị cấp nhà và chế độ lương bổng cho cụ mà mua thêm cho cụ một cái tủ, một vô tuyến.

Mấy hôm sau tôi đề nghị mời cụ đi bệnh viện Bạch Mai chữa tai nhưng các bác sĩ bó tay vì bệnh quá nặng.

Trước lúc trở lại Hà Thành, Nhà thơ Phùng Quán về Trà Vi, Vũ Công thăm, rồi gợi ý chuyện xây dựng cho cụ một tổ ấm nhưng bị từ chối… Những ngày về cuối cùng già thường ngồi im lặng rất lâu với nụ cười bình thản trên môi, và ngày càng ít nói… Song tầm mắt vẫn hướng về tấm ảnh nhỏ chụp chân dung già. Ánh mắt xa xăm da diết nghĩ về thân phận mình, người ngoài cuộc ai hiểu được nỗi lòng già? Chỉ có già mới hiểu, là đằng sau tấm chân dung Nguyễn Hữu Đang kia là tấm ảnh người phụ nữ đầu tiên, cũng là người cuối cùng trong đời già, đã giành cho tình yêu thật sự cho cô ấy. Đó là cô Huyền Nhiên.

Lạ thay! Cuộc sống cụ bị đối xử hà khắc, trăm sự cúi đầu với thiên hạ, trăm lời độc địa với già, thế mà già vẫn ngồi triết luận về "tiếng cười" ở giai đoạn "sống thêm".

Tưởng "mang sách kiếm đến Trường An" để luyện rèn giúp gì cho nước cho dân cụ hằng mơ tưởng, ai ngờ chàng thanh niên mới ngoài ba mươi tuổi ấy đã dấn thân vào tù tội đến lúc chết, để "những ngày sống thêm" để nghiền ngẫm "chuyện cười"…

Lạ thay cụ đã sống hết với mọi sự ấm lạnh ở đời, bây giờ ở "những ngày sống thêm" lại đi lý giải "tiếng cười" nghe có vẻ nhàn chán dông dài là vậy. Có phải sau 1973 cụ về quê ở trong cuộc sống "người tù giam lỏng" cuộc sống ở nông thôn quê cụ đã phô ra tất cả những cái gì khó khăn phiền toái, một cuộc sống bận bịu.

Những lúc bình thường với bức tranh quê cụ như đứa trẻ nhem nhuốc, nhếch nhác, bận mải, nhất là khi có tiếng kẻng gọi đi làm đồng, cụ nghĩ là tiếng kẻng báo động. Rồi lại tiếng kẻng nghỉ việc tưởng là tiếng kẻng báo yên, cụ nhìn mảng tường nhà bà Đoán mốc meo, bạc phếch những hầm hố tránh máy bay dọc đường khoét ra nham nhở chưa chịu lấp đi, lõng bõng nước, ở dưới vách hầm là ổ trứng con bọ ngoáp, hoặc con cóc, chú nghoé, chú rắn, đi ăn đêm rơi xuống không lên được, đang ngơ ngác nhìn với lên vòm trời cao xanh vời vợi. Đòi hỏi được sống “tự do” không phải ở trong cái hang tối ẩm ướt chật chội.

Cái đáng sợ do cuộc sống khó khăn thì những thói hư tật xấu con người, nhút nhát, tham lam vụ lợi, cơ hội có dịp thức dậy, khi con người càng tìm cách dấu diếm thì càng đê tiện. Nhiều việc đến tức cười, cười ra nước mắt nữa là khác.

Đã có lần cụ đã chứng kiến cảnh một người nông dân thích chơi chữ, ông ta vào chùa xin nhà sư mấy chữ Hán treo vào ngày Tết trước bàn thờ tổ tiên để tỏ lòng sớm hôm con cháu. Đương nhiên nhà sư phải tìm những chữ hợp với hoàn cảnh gia đình, đẹp lòng gia tiên, nhưng lại phải là chữ thông dụng đó là "ẩm Thủy Tư Nguyên", nghĩa là uống nước nhớ nguồn. Vậy mà ngày áp Tết, anh cán bộ xã đến nhà chỉ vào bộ chữ hỏi chủ nhà "những chữ gì đấy?" Sau khi ông chủ nhà đứng chắp hai tay nghiêm chỉnh thưa với nhà chức trách về chữ "uống nước nhớ nguồn" ạ. Anh ta bảo: "Coi chừng ông sư chùa làng định lồng chính trị vào trong đó". Cuộc sống như vậy họ luôn tạo ra sự ngờ vực dân chúng nên cười hay khóc thì hơn. Cụ Đang không khỏi bùi ngùi xúc động. Cụ nghĩ mình sống sao cũng được, ở thế nào cũng được, nhưng hòa bình nhìn vào cái ăn cái uống của dân còn thấy khổ quá, cái tư tưởng tự do tín ngưỡng của dân còn o ép quá. Cụ Đang cảm thấy cuộc sống như cứ nẫu ra.

Thế thì lúc này cần nhiều tiếng cười quá, tiếng cười dân gian để vơi đi nỗi mệt mỏi, cười chê bai bọn nha lại nông thôn áp bức người hiền. Cười để làm vui cuộc sống.

Thời ấy người ta tuyên truyền các cụ già sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ được sống trong "An Dưỡng Đường" có người cơm bưng nước rót, hầu hạ sớm hôm cho các cụ. Đó là chế độ ưu việt "Xã Hội Chủ Nghiã". Hôm ấy có mấy cháu học sinh tan trường về, gặp các cụ đội trồng cây nghỉ dưới gốc đa. Chúng nó bảo: "Các cụ đi "An Dưỡng Đường ạ". Một ông cười, cười như mếu bảo: "Các cụ đang đứng đường cháu ạ". Thế rồi chúng nó hót:

Hoan hô các cụ trồng cây

Mười cây chết chín một cây gật gù.

Một cụ phản pháo:

Các cháu có mắt như mù

Mười cây chết tiệt gật gù ở đâu?

Rồi ông cháu cùng cười, cái cười lần này thật ướt mắt.

"Những ngày sống thêm" của cụ Đang cũng thật sự có ý nghĩa của một nhà văn, nhà văn hóa yêu nước. Cụ biết mình sắp đi đến cùng đường con đường mình đã chọn, một cuộc đời như vậy cũng chẳng cần để so hơn tính kém với ai. Cụ không sợ cái chết, càng sống càng thấy có ý nghĩa, và cần phải sống "Để Xem". Cụ biết cuộc sống bao giờ cũng cao hơn cái chết, nếu không có cái để mà sống, để mà lưu danh, thì làm gì có cái chết có ý nghĩa. Cụ hiểu được sứ mệnh một đời người, công việc một đời người không cho phép bất cứ ai lơi lỏng, dễ dãi nên cả cuộc đời cụ là những ngày sống nghiêm chỉnh, phép tắc, thủy chung, chân thật, dù là cuộc sống ở trong tù.

Cụ nói "Sống Để Xem" ba chữ ấy viết hoa, nhưng có lúc nào cụ dửng dưng với công việc. Từ 1995 cụ lại thảo ra một chương trình "Hoạt Động Câu Lạc Bộ Chiến Sỹ Diệt Dốt Nguyễn Văn Tố".

Ngày đầu cách mạng cụ đã đi làm việc "lương thiện", xóa nạn mù chữ cho dân. Bây giờ tiếp tục làm việc "lương thiện" là thành lập "Câu Lạc bộ Chiến sỹ Diệt dốt" để động viên, khuyến khích nhau sống có ích.

Có đọc về cụ Đang, tìm hiểu về cụ mới thấy "Những ngày sống thêm" ít nhiều cho ta hiểu cụ. Trong con người cụ, dù cái chết đã cận kề nhưng tư tưởng cứ bừng sáng trong lòng người. Nếu ai có gặp cụ về thời ấy đều nhớ lời cụ lo sao nâng cao dân trí. Cụ sợ cái ngu dốt trú ngụ mãi trong mỗi mái nhà. Tư tưởng bảo thủ, võ biền, coi thường phép tắc cũng từ dốt nát mà ra, nó nằm trong nội tạng mỗi con người, rồi chi phối ra cả chính trị, văn học, triết học, khoa học, giáo dục nữa…

Những người nông dân ít chữ cũng thích "làm vua". Bản chất của họ là hiền lành chất phác, khi nắm được quyền hành thì tàn bạo vô cùng chứ chả chơi đâu? Nông dân "làm vua" chẳng bao giờ gột rửa được cái tính tâng bốc lẫn nhau "mẹ hát con khen". Ai mà trái ý họ "không tâng bốc họ" chỉ "có bỏ mẹ".

Trong cái mớ sách vở nhôm nhoam "Những ngày sống thêm" cụ Đang có để lại một trang trong sách cụ cắt ở đâu đó thật có ý nghĩa cho cuộc sống:

"… Ngày xưa, sau khi đánh bại Sở vương Hạng Vũ để thống nhất Trung Hoa, Hán Cao Tổ Lưu Bang rất kiêu căng ngạo mạn, hay chế diễu, chửi bới các nhà Nho, có khi gặp các Nho sinh bắt họ bỏ mũ ra, rồi Cao Tổ đi tiểu vào mũ họ. Nhà trí thức Giả Nghị thấy thế khuyên Cao Tổ nên đọc sách. Lưu Bang trả lời: "Nãi công cư mã thượng nhi đắc thiên hạ an sự thi thư" (Ta đây ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, cần gì phải đọc sách). Rõ ràng là giọng võ biền, gặp thời, tiểu nhân đắc thế. Giả Nghị thưa: "Chúa công có thể ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, nhưng không thể ngồi trên lưng ngựa mà trị thiên hạ" thật chí lý là vậy.

Điều cụ Nguyễn Hữu Đang ghi lại cốt để hậu thế hiểu được cần xây dựng một xã hội có đạo đức nhân ái, lễ nghĩa, hiếu thảo, độ lượng, nhờ đó xã hội mới yên vui.

Triết lý của đạo Phật đã vào Việt Nam trên dưới hai nghìn năm, đã cùng chung vận mệnh thăng trầm vinh nhục của dân tộc trong suốt dòng lịch sử. Để chứng minh điều này, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn chương thứ XIV trang 429 nói về đạo Phật thời Lý như sau (cuốn Lý Thường Kiệt)

"Nói tóm lại sau một đời vua hung hãn, ta thấy xuất hiện ra những kẻ cầm quyền độ lượng và khoan hồng, những người giúp việc ít tham lam phản bạn. Đời Lý có thể gọi là đời "thuần từ nhất" trong lịch sử nước ta"

Hồi ấy cụ Đang vẫn còn lo lắng khi thấy nhân dân kêu ca sự thiếu dân chủ và cán bộ hư đốn tham lam, anh chị Nguyễn Hữu Hà cháu ruột cụ kể lại những ngày "sống thêm" của cụ Đang nhiều khi ngồi một mình tư lự hình như muốn làm một việc gì đấy. Chữ nghĩa cứ như hút hồn hút vía cụ. Có lúc cụ trở nên đờ đẫn chậm chạp, bao nhiêu tinh hoa nhanh nhẹn của cụ trước kia biến đi đâu hết cả. Một hôm cụ hỏi vợ anh Hà: "Chị có thấy cuốn sách bìa cứng, to và dày thế này… - Cụ đưa ngón tay làm mẫu - ở đâu không?". Cô cháu dâu trả lời: "Từ ngày cháu về làm dâu nhà này, ông có thấy cháu để ý đến sách vở gì đâu". Cụ mỉm cười khẽ nói: "Ngu si thì hưởng thái bình, thích nhỉ". Cũng năm đó, một hôm có sáu "cô" tuyên truyền thanh niên xung phong thời kỳ tiền khởi nghĩa với cụ Đang giờ đã là bà nội, bà ngoại cả rồi hỏi thăm kéo đến nhà tôi đây nấu nướng ăn với nhau một bữa cơm rau muối. Hôm ấy thấy ông cụ như trẻ lại. Tôi nghĩ, nếu ngày nào cũng được gần bạn bè cũ, được sống lại cái không khí ngày đầu cách mạng chắc cụ vui lắm, chắc chắn sống thêm được mấy năm nữa.

Cứ nói "Những ngày sống thêm", "Sống Để Xem" ai cũng tưởng cụ Đang tôi an nhàn, ai ngờ lúc nào cụ cũng đăm chiêu thẫn thờ, vào ra, suy nghĩ… Có lần tôi nói với chồng tôi (anh Hà): "Không khéo cụ Đang bị "chữ nghĩa nó hành" cũng nên. Cả cuộc đời cụ sống với con cháu, gia đình, bè bạn, nói rộng ra với công việc với nhân dân đẹp đẽ quá, trọn vẹn quá. Thế mà lắm lúc cụ sống như hụt hơi, mất đà, tâm thần có khi bất định…

Cụ Đang hơn người quen sống đơn độc, đằng sau cái con người mà dân tình gọi là "ông già lẩm cẩm", có lúc nhà chức trách còn gọi là "già điên" mọi sự sinh hoạt thường ngày của cụ người đời đem ra diễu cợt: "Kẻ ăn mắm dòi". Ai biết bên trong ông già đó là con người sắt thép, kiên cường, nhẫn nhục. Đôi khi đeo vòng "lục lạc" ra đường, bắt con cào cào, câu con cá giếc, cụ đóng vai kẻ tầm thường vớ vẩn, đêm đêm về úp cái thúng rách làm bàn đọc sách Lão Trang. Cuộc đời đầy nỗi bất công, long đong của cụ sẽ gửi vào hai nhân vật: "Quý cuộc đời Phạm Lãi - Trương Lương".

Những ngày Sống Để Xem của cụ chẳng muốn phiền hà đến ai, cụ đã từng viết: "Quên chí làm quan, quên gan làm giàu", cầu lấy sự bình yên trong cảnh thanh bần. Ngày 11/9/1995 cái anh đài RFI đêm tháng 10 lại phỏng vấn cụ. Thật là muốn yên mà chẳng được yên, nó làm xáo trộn tâm hồn cụ, cái anh chàng “võ mồm” này lại đào xới cái chuyện cũ. Họ bắt cụ cho biết Thực Chất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, rồi hỏi cụ bắt đầu nghi ngờ Đảng từ bao giờ. Câu hỏi chót RFI giành cho cụ "… Việc tự do sáng tác ở thời kỳ này khác với thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm như thế nào?".

Đáp: "Chị hỏi về sáng tác, riêng về phần tôi, giờ đây cũng có viết sách viết báo được. Người ta cũng kiểm duyệt rất chặt chẽ, nhưng nếu mình viết đúng đường lối chính sách người ta có thể in cho đấy.Tôi chưa được in cuốn sách nào, nhưng mà viết báo thì cũng đã được năm, mười bài đăng cho. Mình viết không có đụng chạm gì lắm. Còn bây giờ nói chung về tự do sáng tác nói thật với chị là nguyên tắc chuyên chính vô sản, nguyên tắc một nhà nước XHCN là quản lý rất chặt những sản phẩm tinh thần, sản phẩm văn hóa. Cho nên ở Hà Nội, trong cả nước, văn nghệ sỹ viết lách có hai cơ quan giám sát để người ta sàng lọc, kiểm duyệt. Một là Ban Tư tưởng Văn hóa, thứ hai là cơ quan An Ninh thuộc Bộ nội vụ, người ta theo dõi, khi cần người ta cũng can thiệp..

Tự do sáng tác lệ thuộc vào dân chủ hóa, bao giờ có dân chủ hóa lúc bấy giờ mới có tự do sáng tác. Hai cái này gắn liền nhau".

Năm tháng cũng qua đi, bất chợt ông (Tố Hữu) đã nhận ra, nhận ra những đã quá muộn, vì nhiều người chịu phạt vạ rũ tù, ông đã sám hối. Lẽ đời là thế, giọng nói cũng bi ai sầu muộn. Có được cũng là cũng nhờ ngọn gió đổi mới của Đảng giúp ông có cái nhìn toàn diện thận trọng bình tĩnh công bằng hơn. Theo bài viết của Phan Khắc Hi - tạp chí Hội nhà văn 4-2009 với tiêu đề “Trong đại nghiệp đổi mới của dân tộc”. Tại nhà khách Trung ương (tức T78 cũ đường Trần Quốc Toản hiện nay) đã có cuộc gặp gỡ ấy nhà thơ đánh giá cao về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ông tâm sự : “Sau 30/4/1975” ít lâu anh Văn đã đề xuất vấn đề lớn “Đổi mới đất nước về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, khoa học kĩ thuật, công tác tư tưởng”.

Nói đến đây nhà thơ bảo tôi (Phan Khắc Hy). Tôi (Tố Hữu) muốn tâm sự với anh đôi điều .... Có thể khẳng định bất cứ một văn nghệ sĩ trí thức nào đã tham gia liên tục hai cuộc kháng chiến đều xứng đáng danh hiệu chiến sĩ văn hoá. Nhà thơ nói tiếp, trong những nhân vật xuất sắc, ở những mức độ khác nhau của nền văn hoá dân tộc, có anh Văn Cao - Nguyễn Đình Thi - Đào Duy Anh - Trần Đức Thảo - Nguyễn Mạnh Tường - Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quý Lưu - Hữu Phước - Đỗ Nhuận - Hoàng Vân - Tô Hoài - Nguyễn Hữu Đang - Hữu Loan - Quang Dũng - Tử Phác - Trần Dần - Hoàng Cầm - Lê Đạt - Phùng Quán - Trương Tửu - Huỳnh Văn Nghệ - Hoàng Việt - Nguyễn Sáng -Dương Bích Liên - Phan Khôi - Hoài Thanh - Hà Minh Thuận - Phùng Cung...

Tố Hữu nói chậm lại, nhưng rõ từng tiếng một: Giờ đây (2001) dưới ánh sáng 15 năm đổi mới của toàn Đảng, toàn Dân, không nhìn vào giai đoạn ngắn mà nhìn vào toàn bộ cuộc đời mấy chục năm phấn đấu vì cách mạng các vị kể trên. Tôi (Tố Hữu) phải nói rằng các vị ấy, các anh chị ấy đều xứng danh hiệu “Chiến sĩ trên mặt trận văn hoá” mà Bác Hồ đã tặng, cho văn nghệ sĩ trí thức cách mạng.

Nguyễn Hữu Đang thì khác, già sớm nhận biết cái “thật” cái “giả” hơn ông quan cách mạng Tố Hữu. Cụ Đang sớm có chính kiến, khác người về “Tự do dân chủ” nên lưỡi gươm và thần chết đã treo trên đầu cụ quá sớm. Mỗi lần ông ngồi nhắc với ai đó hoặc là bạn bè, hoặc là cánh đàn em, Phùng Quán. Phùng Cung vào cái “ngày sống thêm” về vụ án văn chương, giọng cụ hình như nhỏ đi, se lạnh đi, thì thào, khe khẽ. Có lúc cụ lè lưỡi ý chừng sợ lắm, cụ sợ con người ta với nhau, cụ sợ sự thông thái hiểu biết làm gì nhiều? Kiến thức uyên thâm làm gì nhiều ? Các cậu cũng nên biết “sợ” đi, biết sớm đi thì hơn chứ như tôi đây cứ kiên định lập trường của mình, cứ lẽ phải mà làm thì chuốc lấy cuộc đời tù tội cô đơn.

Những ngày cuối đời "Sống Để Xem" của cụ ai cũng nhận ra cụ sống nhẫn nhịn, nó không là ở sự sống chừng mực, vừa phải, biết điều mà sâu sắc hơn thế. Cụ đã hiểu ra được tình thế làm người văn nghệ trong chế độ XHCN. Ngày xưa có lúc bốc đồng hoang tưởng quá nghĩ rằng một vài bài báo của Nhân Văn làm thay đổi được pháp luật và thể chế Cộng sản chủ nghĩa hay sao.

Bây giờ sắp được về bên kia với tổ tiên, nghĩ lại hành trình của đời mình "bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm" già Đang đã từng nói với bầu bạn ví như cụ Phạm Quỳnh - Nguyễn Văn Vĩnh là những người có chính kiến, thấy ở nước ta có ba kỳ chế độ chính trị khác nhau, Nguyễn Văn Vĩnh mới có chủ trương thuyết "Trực trị", Phạm Quỳnh chủ trương thuyết "Lập hiến" đòi người Pháp thi hành đúng hiệp ước 1884, người Pháp chỉ đóng vai trò bảo hộ còn công việc nước Nam do vua quan nước Nam làm lấy. Phạm Quỳnh ra làm quan ở Huế chỉ để lấy danh nghĩa Chính phủ Nam triều đòi Pháp trở lại hiệp ước 1884. Ông có mặt trên sân khấu chính trị cốt để lợi cho nước Nam mình. Thế mà có người suy nghĩ buộc tội ông "bán nước" và làm "tay sai đắc lực cho thực dân Pháp". Về tội "bán nước" Phạm Quỳnh đã nói: "Khi tôi ra đời nước đã mất rồi còn đâu mà bán, còn tôi làm "tay sai" thì nhiều người đã biết đến bản phúc trình "tối mật" 8/1/1945 của Khâm sứ Trung Kỳ Haelevvyn gửi cho Toàn quyền Đông Pháp: "Thêm một lần nữa Thượng thư Nội vụ Phạm Quỳnh lại cực lực phiền trách chúng ta trưng dụng lúa gạo để cung cấp cho Nhật"

Phạm Quỳnh không biết cái thân "Nho quèn" đương nổi sao với thời thế nhà văn hóa lão thành Vương Hồng Sến ở tuổi 90 đã nêu ra câu hỏi trong tham luận: "Tại sao cách mạng lại giết Phạm Quỳnh?" Còn Nguyễn Văn Vĩnh một con người rơi vào quên lãng… (theo tài liệu tạp chí "Xưa Nay" tháng 9/2006)

Cụ Đang chẳng dám sánh mình với các bậc học giả. Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố nhưng cụ đã chọn lấy con đường như các cụ chọn đi ném thân vào cát bụi, luôn luôn có chủ kiến, đòi được tự do, dân chủ hóa hơn nữa, với 15 năm tù giam chặt, và 15 quản thúc ở quê, 15 năm "sống thêm" trước ngày cụ mất một tháng, có Nhà thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, nhà sử học Dương Trung Quốc đến thăm cụ. Cụ nằm một chỗ trong gian buồng hẹp nhà cháu ruột mình Nguyễn Hữu Hà. Từ lâu cụ vẫn sống nhưng có lẽ không còn đọc, mà cũng chẳng nghe được nữa. Cả ba người ngồi trầm ngâm thi thoảng là câu gọi khẽ: Đạt đây… Đang ơi, Cầm đây… Đang ơi…"

Cuộc đời "một bậc hào kiệt" cách gọi của Phùng Quán đã "trắng tay" không một tấm Huân chương ghi nhận công lao. Thời gian thì sẽ trôi đi… lịch sử mãi mãi sẽ chói ngời sự kiện Ngày Lễ Độc Lập (2/9/1945) nhưng mấy ai đã biết đến một con người từng được Hồ Chí minh giao việc với câu khích lệ "Việc khó mới giao cho chú"

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)