Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Nhà thơ Thường Quán và thi tập Hải đảo, trở lại

Phan Tấn Hải

bia_hai-dao-tro-lai-tho-thuong-quan

Nhà thơ Thường Quán vừa ấn hành thi tập Hải đảo, trở lại… Như thế, đây là tác phẩm thứ ba của nhà thơ Thường Quán, người đã sáng tác từ nhiều thập niên, cả tiếng Việt và tiếng Anh, có thơ đăng trên nhiều tập san văn học hải ngoại.

Hình như nhà thơ Thường Quán chữ nghĩa rất kén chọn -- có thể hiểu là khó tính… Có vẻ như từng chữ một đều là những suy nghĩ cô đọng, những cân nhắc rất kiệm lời.

Và trong ngôn ngữ có vẻ ngập ngừng, do dự của Thường Quán, chúng ta có thể đọc thấy sinh mệnh của nhân loại, một chủng loại đang đi dưới bầu trời, suy nghĩ về những thế hệ quá khứ đã khuất núi và để lại một lời tử tế trên trái đất – và lời tử tế (phải chăng là thơ?) chỉ là từ con người, hoàn toàn không phải là từ bất kỳ cõi nào khác.

Bài thơ tựa đề “Gió” trong thi tập Hải đảo, trở lại nơi trang 87 như sau, trích:

gió vẫn thổi

người vẫn đi dưới bầu trời

suy nghĩ

về những người đã rời bỏ

họ

một hôm nào đã gởi đi

một địa chỉ rời trên trái đất

một lời tử tế thân ái

không thể có

không thể đến

từ Thần hay Trời

(hết trích)

Nhà thơ Thường Quán tên đời là Nguyễn Tiên Hoàng, sinh năm 1956 tại Đà Nẵng. Thường Quán có thơ, tiểu luận đăng phần lớn trên các tạp chí văn nghệ ngoài nước như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Tập Họp, Việt, Nhân Văn, Quê Mẹ, Diễn Đàn, Da Màu, Tiền Vệ…

Thơ Anh ngữ của anh ký tên Nguyễn Tiên Hoàng đã đăng rải rác ở The Age Saturday, Cordite Poetry Review, Meanjin, HEAT, Best Australian Poems của NXB Black Inc. các năm 2006, 2008, 2010, 2011, 2013; và trong nhiều tuyển tập khác.

Tác phẩm đã xuất bản:

-- Ngoài Giấc Ngủ (Nhà xuất bản Văn Nghệ Calỉfornia, 1990)

-- Years, Elegy (NXB Vagabond Press, 2012)

Thường Quán Nguyễn Tiên Hoàng hiện cư ngụ tại Melbourne, Úc châu.

Điểm nổi bật trong thơ Thường Quán có lẽ là một cảm giác về xao xuyến, về một nỗi bất an trong suy nghĩ về những ý nghĩa cuộc đời.

Như trong bài “Giờ hẹn” được Thường Quán ghi là “gởi anh Mai Thảo” nơi trang 23, dài chỉ bốn câu thôi, nhưng đọc như một tiếng thở dài trong cõi đời hoang vắng, trích:

Giờ hẹn với biển tối

kẻ nào quên đội nón ra đi buổi chiều

Hàng bạch dương gió đã dọn hết lá

đâm rễ ngược.

(hết trích)

Nỗi xao xuyến, nỗi bất an trong thơ Thường Quán cũng một phần khởi lên từ những biến cố lịch sử, như khi anh nhớ tới những người bạn đã vĩnh viễn an nghỉ nơi đáy biển, qua bài “Dưới Đáy” nơi trang 24, trích các câu cuối bài:

tôi đi tìm một viền mây sáng

và nhớ

một đáy biển

những bạn hữu

an nghỉ

(hết trích)

Nỗi xao xuyến về cuộc đời hiển lộ trong thơ của Thường Quán cũng là một suy nghĩ về ước muốn vượt thoát qua hình ảnh Icarus, một nhân vật huyền thoại Hy Lạp tìm cách vượt thoát ra khỏi đảo Crete bằng đôi cánh làm từ lông vũ và sáp… nhưng rồi, vì bay quá gần mặt trời, sáp trên đôi cánh Icarus chảy ra và chàng Icarus rơi xuống biển.

Bài thơ “Icarus” của Thường Quán nơi trang 28 có cấu trúc xếp chữ từ từ dài ra như đôi cánh vươn rộng và rồi từ từ thu về một chữ, trích:

Bay

lên không

nhờ một đôi cánh

sáp mà bằng bầu không

trong thân thể và sức kéo

dọc một mặt trời đứng

rễ xanh lùng kiếm

mái gió đắng sự

buông thả tới

cháy vong

tán

(hết trích)

Nỗi bất an trong thơ Thường Quán cũng hiển lộ khi ghi lại một chuyến viếng thăm nhà của thi sĩ quá cố Quách Tấn, với những hình ảnh rất buồn như “nắng đọng” nơi “trũng mắt” trong khi “chiều đã đi xa”… Bài “Chợ Đầm, viếng nhà thi sĩ Quách Tấn” là phần thứ ba trong bài thơ “Ghi ỏ Nha Trang tháng mười một, 1991” nơi trang 48-49, trích:

nắng đọng trũng mắt chiều đã đi xa

con mắt còn lại cười hiền từ bóng tối huy hoắc

tịch dương

ngôi sao chiều bên kia đang ửng trăng

những cánh quạ đen mùa thu trôi cùng những giọt nước

(hết trích)

Thường Quán nói gì về tập thơ này của anh?

Trong phần “Thư đến bạn, người đọc” nơi trang 13-16 của thi tập “Hải đảo, trở lại” đã giải thích, trích:

“…Thực hiện tập thơ này tôi đã đi ngược lại những đoạn đường, tìm lại những bài thơ đăng tải rải rác ở những tạp chí văn học, những tờ báo được điều hành, biên tập bởi những nhà văn, nhà thơ yêu văn chương, làm việc một cách tự nguyện. Cuộc đi ngược lại này cho tôi không ít những cảm xúc, trước hết về những đổi thay, những đổi thay bó buộc như luật tắc tự nhiên, về những mất mát, về những người bạn nay không còn nữa, những ký ức về họ, những hình ảnh thiết thân của đời sống. Chúng tự động trở về cùng những điểm năm tháng tồn đọng trong trí nhớ. Vâng, quả nhiên, không có trí nhớ, không có trí nhớ được lưu giữ, tôi e rằng thơ khó bề hiện hữu. Phần lớn những gì tôi chọn lọc để vào sách này chứa đựng phần ký ức thuộc về tình cảm ấy, trước là gì khác. Những lớp bụi đóng váng trên những bàn ghế, những cuốn sách đứng im trên giá, một căn phòng trở lại. Bụi ấy, một nhà thơ đã gọi nó, là da thịt của thời gian…

Gốc rễ của thơ: ta có thể thả lửng như những đầu bạch dương mà mùa màng đã dọn hết lá, treo giữa trời kia, hay có thể kéo lại gần, cùng thứ kỷ niệm chung cùng, của những ai đã từng đi qua bìa một cánh đồng, đứng trước một căn nhà, về tới một bìa nước, nước soi rọi thơ ấu.

Tôi gởi bạn người cầm tập thơ này khoảng không gian ấy.” (hết trích)

Một khoảng không gian ấy, và các hình ảnh trở về cùng những điểm năm tháng tồn đọng trong trí nhớ, và bụi thời gian… Tập thơ của Thường Quán là những trang giấy lấp lánh hiện lên các xao xuyến đó, hiển lộ một nỗi say đắm với đầy những nghi vấn về ý nghĩa cuộc đời.

Liên lạc với NXB qua:

http://ajarpress.com/Work-Detail.aspx?WorkId=41