Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

1984 (kỳ 10)

George Orwell

 

IX.

Winston mệt rã rời như một miếng thịt đông. Từ thịt đông rất hợp. Từ này xuất hiện một cách đột ngột, nhưng diễn tả đúng. Mình mẩy không chỉ rã rời mà còn trong như một miếng thịt đông. Anh cảm thấy có thể nhìn xuyên qua được lòng bàn tay nếu đưa nó ra trước luồng ánh sáng. Công việc đã rút cạn máu huyết, chỉ còn lại da, xương và hệ thần kinh. Mọi cảm giác đều trở thành thái quá. Áo như cứa vào vai, mặt đường như cù vào chân, chỉ nắm lại đã nghe tiếng kêu lục cục trong các đốt ngón tay.

Anh đã làm việc tổng cộng chín mươi tiếng trong năm ngày liền. Mọi người trong Bộ đều làm như thế cả. Nhưng bây giờ xong rồi, tuyệt đối không phải làm gì, ít nhất là cho đến sáng mai. Anh có thể nghỉ sáu tiếng trong căn phòng bí mật và chín tiếng trên giường nhà mình. Nắng đã nhạt, anh bước một cách chậm rãi trên con phố bẩn thỉu để đến cửa hàng ông Charrington, mắt vẫn không ngừng quan sát xem có đội tuần tra nào không, nhưng thâm tâm anh biết rằng chiều nay sẽ không bị ai quấy rầy đâu. Cái cặp nặng cứ đập vào gối mỗi lần cất bước, làm cho bắp vế ngứa ran lên. Trong cặp có một cuốn sách, anh đã giữ nó sáu ngày rồi, nhưng chưa đọc, thậm chí chưa từng nhìn nó lần nào.

Trong ngày thứ sáu của Tuần Lễ Hận Thù, sau bao nhiêu cuộc tuần hành, sau bao nhiêu bài diễn văn, sau khi hò hét, sau khi hát hỏng, sau khi đã xem đủ thứ khẩu hiệu, biểu ngữ, phim ảnh, tượng sáp, sau khi đã nghe tiếng trống, tiếng kèn xung trận, tiếng xích xe tăng nghiến trên đường đá, tiếng gầm rú của những phi đội máy bay, tiếng súng đại bác chào mừng, sau sáu ngày liên tục như vậy, khi mà niềm phấn khích đã đạt tới đỉnh điểm, khi mà lòng hận thù Eurasia đã trở thành cuồng nộ đến mức nếu 2000 tên tội phạm chiến tranh Eurasia bị treo cổ công khai trong ngày cuối cùng mà rơi vào tay đám đông thì họ sẽ xé xác chúng ra thành từng mảnh – nhưng đúng lúc đó thì mọi người lại được nghe tuyên cáo rằng Oceania không đánh nhau với Eurasia. Oceania đang đánh nhau với Eastasia. Eurasia là đồng minh.

Không ai nói rằng đã có thay đổi bạn thù, chuyện đó đương nhiên. Ngay lập tức và khắp mọi nơi mọi người đều biết Eastasia là kẻ thù chứ không phải Eurasia nữa. Chuyện đó xảy ra khi Winston đang tham gia mít tinh trên một trong những quảng trường trung tâm của London. Lúc đó đã tối, đèn chiếu phả ánh sáng nhợt nhạt lên mặt người trắng bệch và màu cờ đỏ chói chang. Mấy ngàn người tập trung trên quảng trường, trong đó có một ngàn học sinh mặc đồng phục đội viên Tình Báo đứng thành một khối riêng. Diễn giả, đảng viên Đảng Nội Bộ, một người đàn ông nhỏ thó, gày còm, tay dài ngoẵng, đầu to, lại hói, chỉ còn lưa thưa vài sợi tóc, đang hùng hổ hò hét trên một cái bục trải thảm đỏ. Thân hình nhỏ bé co rúm lại vì hận thù, một tay anh ta nắm cổ cái micro, trong khi cái tay to lớn, xương xẩu còn lại kia chém lia lịa vào khoảng không ở trên đầu. Cái loa phóng thanh cứ thế lải nhải những từ như tàn bạo, tàn sát, trục xuất, cướp, hiếp, tra tấn tù binh, ném bom khu dân cư, tung tin thất thiệt, xâm lăng trắng trợn, vi phạm hiệp ước. Nghe hắn nói, đầu tiên người ta tin, sau đó người ta sẽ phát khùng. Chốc chốc đám đông lại gầm lên và tiếng nói của diễn giả lại chìm vào trong tiếng gào thét phát ra từ hàng ngàn cuống họng cùng một lúc. Bọn học sinh hò hét dữ tợn nhất. Buổi nói chuyện kéo dài được khoảng hai mươi phút thì có người chạy lên bục và đưa cho diễn giả mảnh giấy. Hắn ta giở ra đọc, miệng vẫn tiếp tục diễn thuyết. Không có gì thay đổi, cả trong giọng nói, cả trong động tác, cả trong nội dung, nhưng tên thì đã khác. Không ai thốt lên lời nào, mọi người hiểu ngay lập tức. Oceania đang đánh nhau với Eastasia! Một sự hỗn loạn kinh hoàng diễn ra ngay sau đó. Tất cả các khẩu hiệu, biểu ngữ trang trí quảng trường đều sai! Một nửa tranh ảnh cũng sai nốt! Phá hoại! Lũ gián điệp của Goldstein đây! Người ta giật áp phích, người ta xé tan biểu ngữ và đưa xuống làm giẻ lau. Các đội viên Tình Báo tỏ ra rất khéo léo, chúng trèo lên mái nhà và cắt những tấm băng rôn treo từ ống khói nhà này sang ống khói nhà kia. Chuyện đó kéo dài hai hoặc ba phút. Diễn giả lại một tay cầm cổ micro, ngực ưỡn ta đằng trước, tay kia chém lia lịa vào khoảng không trên đầu, tiếp tục bài diễn văn như chưa có gì xảy ra. Chỉ một phút sau đám đông đã lại gào lên một các man dại như cũ. Hận Thù tiếp tục, chỉ có đối tượng là khác.

Nhớ lại chuyện đó, điều làm Winston ngạc nhiên nhất là diễn giả đã kịp chuyển hướng ngay giữa câu nói mà không ngắc ngứ, thậm chí không hề sai cú pháp. Nhưng lúc này anh có một việc còn quan trọng hơn. Số là trong lúc lộn xộn, khi tất cả còn mải giật biểu ngữ thì có người, anh không nhìn rõ mặt hắn ta, vỗ vào vai anh và nói: "Xin lỗi, hình như ông vừa đánh rơi cặp". Anh đưa tay cầm ngay chiếc cặp, nhưng không nói gì. Anh biết rằng phải mấy ngày nữa mới có điều kiện xem đến nó. Anh quay về Bộ Sự Thật ngay sau khi kết thúc mít tinh, tuy lúc đó đã gần hai mươi ba giờ. Tất cả công nhân viên chức của Bộ cũng đều đến sở cả. Mệnh lệnh phát trên màn màn vô tuyến, hạ lệnh mọi người trở lại công sở, thực ra là thừa.

Oceania đang đánh nhau với Eastasia: Oceania luôn luôn đánh nhau với Eastasia. Phần lớn sách báo chính trị năm năm vừa qua đã hoàn toàn lỗi thời. Tất cả các bản báo cáo, các tài liệu đủ mọi loại, các tờ báo, cuốn sách, phim ảnh, đĩa ghi âm – tất cả đều phải được hiệu chỉnh với tốc độ nhanh nhất. Dù không có ai ra lệnh, nhưng mọi người đều biết lãnh đạo muốn rằng trong vòng một tuần phải hủy hết mọi chứng cứ liên quan đến cuộc chiến với Eurasia và liên minh với Eastasia. Công việc quả thật là nhiều; hơn nữa, các thủ tục lại không được gọi đúng tên của chúng. Tất cả cán bộ công nhân viên Ban Tài Liệu đều làm việc mười tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, chỉ tranh thủ được ngủ chừng ba bốn tiếng thôi. Nệm được lấy từ tầng hầm lên và rải dọc hành lang, thức ăn gồm bánh mì kẹp thịt và cà phê Chiến Thắng được nhân viên căng tin chở trên xe đẩy. Mỗi lần đến phiên đi ngủ, Winston đều cố gắng làm xong hết việc; nhưng mỗi lần bò trở lại, mắt vẫn nhắm, người đau như dần, là anh lại thấy hàng đống giấy tờ, trùm lên máy ghi, rơi cả xuống nền nhà, và việc đầu tiên là thu chúng vào một đống cho gọn để lấy chỗ làm việc. Không được thụ động, thế mới mệt. Đôi khi chỉ cần thay một cái tên, nhưng các bản báo cáo các sự kiện cụ thể thì phải chú ý và có sáng kiến nữa. Chỉ cần chuyển chiến cuộc từ vùng này đến vùng khác cũng cần biết bao nhiêu kiến thức địa lí rồi.

Ngày thứ ba mắt anh đã đau không thể chịu nổi, còn kính thì cứ năm phút phải lau một lần. Giống như khi phải làm một công việc chân tay quá sức mình: có thể không làm nhưng người ta lại sốt ruột muốn làm cho xong. Mỗi lần nhớ lại, anh dường như không mấy bận tâm về việc tất cả những lời anh thì thầm vào máy ghi, tất cả những điều viết ra bằng bút, đều là những lời dối trá có chủ đích. Điều anh cũng như mọi người trong Ban quan tâm là làm sao cho sự giả mạo phải thật hoàn hảo. Đến buổi sáng ngày thứ sáu thì nhiệm vụ đã bớt dần. Chờ nửa tiếng đồng hồ mà không có cuộn giấy nào, sau đó có một cuộn rồi chấm hết. Khắp mọi chỗ, công việc chấm dứt gần như cùng một lúc. Mọi người cùng thở phào. Một công việc vĩ đại, nhưng sẽ chẳng bao giờ được nhắc tới, đã hoàn thành. Từ giờ trở đi sẽ không ai có thể chứng minh bằng giấy trắng mực đen rằng đã có chiến tranh với Eurasia. Đúng mười hai giờ thì có thông báo cán bộ công nhân viên của Bộ được nghỉ đến sáng ngày mai. Winston cầm cái cặp có chứa cuốn sách (khi làm việc thì anh kẹp vào háng, còn lúc ngủ thì đặt làm gối) và đi về nhà, cạo râu và thiếp đi ngay trong bồn tắm dù nước chỉ hơi âm ấm.

Anh bước lên thang gác nhà ông Charrington, mỗi bước lại nghe kêu rắc rắc trong các khớp xương. Mệt nhưng không còn buồn ngủ nữa. Anh mở cửa sổ, đốt cái bếp dầu để đun nước pha cà phê. Tí nữa Julia sẽ tới, nhưng bây giờ phải xem sách đã. Anh ngồi vào cái ghế bành đã sờn và mở khoá cặp. Một cuốn sách dày, bìa màu đen, không có tên tác giả hay tác phẩm. Chữ in cũng không thật chuẩn. Các trang giấy đều sờn mép và dễ rách, chắc đã qua tay nhiều người lắm rồi. Trang thứ nhất có ghi:

EMMANUEL GOLDSTEIN

CHỦ NGHĨA TẬP THỂ BĂNG ĐẢNG

LÍ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN

Winston bắt đầu đọc.

Chương I - Ngu dốt là sức mạnh.

Từ ngày có sử, có thể là từ cuối thời Đồ Đá Mới, loài người đã chia làm ba giai tầng, thượng, trung và hạ lưu. Các giai tầng đó được hình thành theo những cách khác nhau, mang đủ những danh hiệu khác nhau, tỉ lệ thành phần giữa các tầng lớp, thái độ của họ với nhau cũng mỗi thời kì mỗi khác, nhưng cấu trúc cơ bản của xã hội thì vẫn không bao giờ thay đổi. Ngay cả sau những cuộc biến loạn, tưởng chừng như không thể đảo ngược được, thì cấu trúc này vẫn luôn luôn tự tái lập, giống như con quay hồi chuyển trở lại vị trí cân bằng, dù trước đó có bị đẩy kiểu nào đi nữa. Mục đích của ba nhóm là không thể dung hoà.

Winston ngừng đọc, mục đích là để xem có ngồi một cách thoải mái và an toàn không. Chỉ có một mình: không màn vô tuyến, không có tai nghe đặt ngoài lỗ khoá, không phải ngó chừng hay giơ tay che trang sách. Không khí ngày hè ngọt ngào vờn trên hai gò má. Phía xa xa vọng lại tiếng trẻ con reo hò: nhưng trong phòng thì tuyệt đối im lặng, chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc điểm nhịp, nghe như tiếng dế kêu. Anh ngồi sâu vào lòng ghế và gác chân lên cửa lò sưởi. Đây chính là hạnh phúc, đây chính là an lạc. Bất ngờ, người ta vẫn làm thế khi biết rằng trước sau gì cũng sẽ đọc hết, cũng sẽ còn đọc đi đọc lại nhiều lần, anh giở một trang bất kì và tìm thấy chương III. Anh đọc:

Chương III - Chiến tranh là hoà bình.

Việc chia thế giới thành ba siêu cường đã có thể được dự báo và đã được dự báo từ giữa thế kỉ hai mươi. Hai siêu cường là Eurasia và Oceania đã thực sự hình thành sau khi Nga nuốt chửng Châu Âu và Mĩ xâm lược Đế Quốc Anh. Siêu cường thứ ba, Eastasia, chỉ xuất hiện như một thực thể thống nhất sau cả chục năm chiến tranh liên miên. Biên giới giữa các siêu cường có chỗ chưa được xác định, có chỗ di động, phụ thuộc vào tình hình chiến sự, nhưng nói chung là trùng với các đường phân cách tự nhiên. Eurasia bao gồm miền Bắc Âu, Bắc Á, kéo dài từ Bồ Đào Nha cho đến tận eo biển Bering. Oceania bao gồm Châu Mĩ, những hòn đảo trên Đại Tây Dương, Anh quốc, Châu Úc và miền Nam Châu Phi. Eastasia, nước nhỏ nhất, biên giới phía Tây không được xác định, bao gồm Trung Quốc và các nước ở phía Nam, Nhật Bản, nhưng vùng này rất hay đổi chủ, vùng Mãn Châu, Mông Cổ và Tân Cương.

Liên kết bạn thù có lúc thế này lúc thế khác, nhưng chiến tranh thì triền miên, chiến tranh kéo dài suốt hai mươi lăm năm qua. Nhưng tính chất chiến tranh bây giờ khác, không còn là một mất một còn như nửa đầu thế kỉ hai mươi nữa. Đấy là những cuộc chiến với mục đích giới hạn, không bên nào có khả năng huỷ diệt bên nào, họ đánh nhau không phải vì tư tưởng, cũng chẳng phải vì vật chất. Nhưng sẽ là sai khi nghĩ rằng cách thức tiến hành chiến tranh cũng như thái độ của phần lớn dân chúng đối với chiến cuộc ít đẫm máu hơn và không dã man như trước đây. Ngược lại, tính hiếu chiến đã trở thành phổ quát và thường trực trong cả ba siêu cường; những hành động như hiếp dâm, cướp bóc, tàn sát trẻ con, biến cả một dân tộc thành nô lệ, hành hạ tù binh, thậm chí đem luộc hoặc chôn sống tù binh đã là chuyện bình thường, thậm chí là hành động cao cả nếu đấy là do "phe ta" làm. Về mặt vật chất mà nói thì số người tham chiến không nhiều, chủ yếu là các chuyên gia được huấn luyện kĩ, thiệt hại nhân mạng không cao. Chiến cuộc, đấy là nói khi có chiến cuộc, thường diễn ra ở những vùng biên giới xa xôi, người dân thường chỉ có thể ước đoán; hoặc xung quanh những Pháo Đài Nổi làm nhiệm vụ canh gác các tuyến đường vận tải trên biển. Tại các vùng trung tâm của nền văn minh, chiến tranh chỉ có nghĩa là thiếu hụt triền miên các đồ tiêu dùng, và đôi khi bị bắn rốc két làm vài chục người chết mà thôi. Tính chất của chiến tranh thực sự đã thay đổi. Đúng hơn phải nói rằng, lí do tiến hành chiến tranh đã thay đổi. Những lí do không quan trọng lắm, lí do hạng hai của các cuộc chiến lớn trong nửa đầu thế kỉ XX đã trở thành lí do chính.

Để có thể hiểu bản chất của cuộc chiến tranh hiện nay – dù bạn thù thay đổi vài năm một lần, nó vẫn là một cuộc chiến tranh – ta phải luôn nhớ rằng cuộc chiến này không có hồi kết. Dù quân đội hai nước có hợp lại cũng không thể đánh bại được nước thứ ba. Sức lực của họ gần tương đương nhau, khả năng phòng thủ tự nhiên lại vô cùng vững chắc. Eurasia được bao bọc bởi những vùng đất vô cùng rộng lớn, Oceania thì được Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bảo vệ, còn Eastasia thì có dân số vô cùng đông đúc và chăm chỉ. Thứ hai, họ không đánh nhau để tranh giành quyền lợi vật chất. Với việc thiết lập các nền kinh tế tự cung tự cấp, trong đó sản xuất và tiêu thụ được điều chỉnh cho phù hợp với nhau; tranh giành thị trường, lí do chính của các cuộc chiến trước, nay đã trở nên không còn cần thiết nữa; trong khi đó, nguyên vật liệu cũng không phải là vấn đề sống còn. Cả ba nước đều rộng đến nỗi có thể khai thác tất cả các nguyên vật liệu cần thiết ngay trong vùng lãnh thổ của mình. Nếu nói về mục đích kinh tế trực tiếp thì đây là cuộc chiến tranh để giành lực lượng lao động. Giữa biên giới của các siêu cường là một vùng tứ giác với các đỉnh nằm ở Tangier, Brazzaville, Darwin và Hong Kong, vùng này không thuộc hẳn siêu cường nào, lại có đến một phần năm dân số thế giới. Tranh giành vùng đất đông dân này và vùng băng giá Bắc bán cầu là lí do dẫn đến những cuộc tranh chấp thường xuyên giữa các siêu cường. Chưa nước nào chiếm trọn được vùng nằm trong vòng tranh cãi. Từng phần của nó được sang tay thường xuyên; để có thể giành được một vùng nào đó, người ta sẵn sàng phản bội đồng minh, biến bạn thành thù và đấy là lí do của những vụ thay đổi liên minh bất tận.

Tất cả các vùng tranh chấp đều chứa các khoáng sản quí, một số vùng còn làm ra được các sản phẩm có giá trị có nguồn gốc thực vật như cao su mà các nước hàn đới phải sản xuất bằng các phương pháp tổng hợp khá tốn kém. Nhưng cái chính là vùng này có một lực lượng lao động cực kì dồi dào, giá lại rẻ. Ai chiếm được vùng Châu Phi Xích Đạo, Trung Đông, hay miền Nam Ấn Độ hoặc các quần đảo Nam Dương là chiếm được hàng trăm triệu nhân công vừa chăm chỉ vừa rẻ mạt. Dân chúng những vùng này, bị đưa xuống hàng nô lệ, chuyển từ tay quân chiếm đóng này sang tay quân chiếm đóng khác và bị sử dụng giống như than đá hay dầu hoả trong cuộc chạy đua nhằm sản xuất được nhiều vũ khí hơn, chiếm được nhiều lãnh thổ hơn, để lại kiểm soát được nhiều lao động hơn, sản xuất nhiều vũ khí hơn, chiếm được nhiều lãnh thổ hơn và cứ thế không bao giờ ngừng. Cần phải nói rằng cuộc chiến chưa bao giờ vượt ra ngoài vùng lãnh thổ tranh chấp. Biên giới của Eurasia di chuyển lên xuống trong vùng giữa Congo và bờ bắc Địa Trung Hải; quần đảo giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương khi thì thuộc về Oceania, khi lại bị Eastasia chiếm; đường phân chia giữa Eurasia và Eastasia qua vùng đất Mông Cổ chưa bao giờ ổn định; cả ba nước đều tuyên bố chiếm giữ những vùng đất bao la gần Bắc Cực, không có người ở và cũng không được khai thác; tuy vậy, tương quan lực lượng vẫn giữ nguyên và trung tâm của các quốc gia không bao giờ bị đụng chạm. Hơn nữa, nền kinh tế thế giới thực ra không cần đến sức lao động của dân chúng bị nô dịch trong vùng xung quanh xích đạo. Họ không đóng góp được gì cho sự thịnh vượng của thế giới, vì họ chỉ sản xuất cho nhu cầu của chiến tranh, mà mục đích khơi chiến là để giành vị trí tốt hơn để khơi chiến nữa. Bằng chính sức lao động của mình, dân chúng các vùng bị nô dịch đã góp phần làm cho cuộc chiến ngày càng thêm khốc liệt. Nhưng, giả sử như không có họ thì thế giới cũng vẫn như thế, sẽ chẳng có biến đổi nào trong cơ cấu của thế giới và những tiến trình đảm bảo giữ vững cơ cấu ấy.

Mục đích chủ yếu của cuộc chiến tranh hiện nay (theo nguyên tắc "nướcđôi", ban lãnh đạo tối cao của Đảng Nội Bộ đồng thời vừa công nhận vừa phủ nhận mục đích này) là để tiêu thụ những sản phẩm do máy móc làm ra mà không cần nâng mức sống của người dân. Ngay từ cuối thế kỉ XIX, tại các nước công nghiệp, vấn đề sử dụng các sản phẩm tiêu dùng thặng dư đã được đặt lên bàn nghị sự. Hiện nay, khi mà không có mấy người được ăn no, vấn đề này không phải là cấp bách, nó cũng sẽ không cấp bách ngay cả khi sản phẩm không bị phá huỷ một cách cố ý. Thế giới hôm nay nghèo hơn, đói kém hơn, hoang tàn hơn hồi trước năm 1914, lại càng không thể so sánh được với cái tương lai mà người thời đó mường tượng. Trong những năm đầu thế kỉ XX, tất cả những người biết đọc biết viết đều nghĩ rằng, xã hội tương lai phải rất giàu, có đủ trò tiêu khiển, có trật tự kỉ cương và hiệu quả – đấy sẽ là thế giới của thép, kính và xi măng trắng như tuyết, tất cả đều sáng loáng, lấp lánh và vô trùng. Khoa học và kĩ thuật đã phát triển với tốc độ chóng mặt và dĩ nhiên, có thể giả định rằng nó cứ phát triển như thế mãi. Nhưng điều đó đã không xảy ra, một phần vì bị các cuộc cách mạng và chiến tranh diễn ra triền miên làm cho sa sút, một phần vì tiến bộ của khoa học và kĩ thuật dựa trên cơ sở của chủ nghĩa kinh nghiệm sẽ không thể tồn tại trong xã hội đã bị ép vào khuôn phép. Thế giới hiện nay, nói chung, thô lậu hơn cách đây năm mươi năm. Một số vùng lạc hậu có phát triển lên, một số máy móc mới, thường là có liên quan đến chiến tranh hoặc tình báo, cũng được cải tiến, nhưng đã không còn các công trình thí nghiệm và sáng tạo nữa, hậu quả của cuộc chiến tranh hạt nhân hồi những 50 vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn. Nhưng mối nguy tiềm ẩn do máy móc đem lại thì vẫn còn đó. Ngay từ khi máy móc mới xuất hiện, những người có suy nghĩ đều biết rằng sẽ đến lúc không còn phải làm công việc chân tay cực nhọc nữa và như thế cũng có nghĩa là cơ sở của sự bất bình đẳng giữa người với người cũng sẽ không còn. Nếu máy móc được sử dụng cho mục đích đó thì nạn đói kém, lao lực, bẩn thỉu, mù chữ, bệnh tật sẽ bị loại trừ chỉ sau vài thế hệ. Thực ra, dù chưa được sử dụng cho mục đích đó; có thể nói mới được sử dụng một cách tự phát, máy móc trong 50 cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ X, đã sản xuất ra một khối lượng sản phẩm, đôi khi không thể không phân phối, đủ nâng cao đáng kể mức sống của người dân bình thường.

Nhưng rõ ràng là xã hội phân chia theo đẳng cấp sẽ bị phá huỷ, ở khía cạnh nào đó, nó đã bị phá huỷ, nếu đời sống toàn dân cứ được nâng cao lên mãi. Trong một thế giới mà mọi người đều chỉ phải làm việc vài giờ mỗi ngày, ai cũng đủ ăn, ai cũng được sống trong những ngôi nhà có buồng tắm và tủ lạnh, có ô tô và cả máy bay nữa thì cái biểu hiện rõ nhất, cũng có thể là biểu hiện quan trọng nhất của bất bình đẳng giữa người với người đã không còn. Nếu ai cũng giàu có thì tài sản không còn tạo ra khác biệt nữa. Dĩ nhiên, có thể tưởng tượng được xã hội, trong đó tài sản, theo nghĩa tài sản và tiện nghi mà một cá nhân có quyền sử dụng, sẽ được phân phối hoàn toàn đồng đều, trong khi quyền lực lại nằm trong tay một đẳng cấp ưu tú. Nhưng trên thực tế, xã hội như vậy không thể ổn định lâu dài được. Vì nếu mọi người đều có thì giờ nhàn rỗi và không phải lo đến miếng cơm manh áo nữa thì cái đám đông quần chúng, những người do nghèo mà hoá ra hèn, sẽ học đọc học viết và biết cách suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình; và một khi điều đó xảy ra thì không chóng thì chày họ sẽ nhận ra rằng, cái đẳng cấp đặc quyền kia chẳng được tích sự gì và họ sẽ lật đổ chúng. Rút cục, xã hội phân chia theo đẳng cấp chỉ có thể tồn tại trong nghèo đói và dốt nát. Trở lại với quá khứ nông nghiệp, như có một số nhà tư tưởng từng nghĩ hồi đầu thế kỉ XX, là việc làm phi thực tế. Nó mâu thuẫn với xu hướng cơ khí hoá, một xu hướng có thể nói đã trở thành một loại bản năng khắp toàn cầu; hơn nữa, nước lạc hậu về công nghiệp sẽ trở thành bất lực về mặt quân sự và bị các đối thủ tiến bộ hơn, gián tiếp hoặc trực tiếp, nô dịch.

Giữ quần chúng trong vòng nghèo đói bằng cách giảm sản lượng hàng hóa cũng tỏ ra không thích hợp. Điều đó đã từng xảy ra vào giai đoạn cuối của chủ nghĩa tư bản, nghĩa là vào khoảng giữa những năm 1920 và 1940. Kinh tế nhiều nước bị đình đốn, nhiều vùng đất không được gieo cấy, máy móc không được cải tiến, nhiều vùng dân cư không có việc làm, phải sống tạm bợ qua ngày bằng tiền trợ cấp của chính phủ. Nhưng cái đó cũng làm cho năng lực phòng thủ bị yếu đi, đồng thời, cảnh thiếu đói mà không có lí do chính đáng nhất định sẽ tạo ra các phong trào đối lập. Vấn đề là làm sao giữ cho nền công nghiệp làm việc hết công suất, nhưng tài sản của thế giới thì vẫn không tăng. Hàng hóa phải được sản xuất, nhưng không được phân phối. Chỉ có một cách – đấy là chiến tranh, chiến tranh triền miên.

Bản chất của chiến tranh là tiêu diệt, không nhất thiết phải là con người, mà là sản phẩm do con người làm ra. Chiến tranh là đập tan thành từng mảnh, đốt thành tro bụi, hay nhấn chìm xuống đáy đại dương những thứ có thể được dùng nhằm nâng cao mức sống người dân và như vậy, cuối cùng, sẽ làm cho họ thông minh hơn. Ngay cả khi vũ khí không bị phá huỷ trên chiến trường thì việc sản xuất thêm vũ khí cũng là biện pháp khả dĩ để người dân tiếp tục làm mà không tạo ra bất kì sản phẩm tiêu dùng nào. Để làm ra một Pháo Đài Nổi phải cần số lượng nhân công đủ làm hàng trăm con tàu vận tải. Pháo Đài Nổi rồi sẽ cũ đi, rồi sẽ bị phá ra làm sắt vụn mà chẳng ai được lợi lộc gì, sau đó, một cái khác sẽ lại được xây, lại cần biết bao công sức và vật tư. Về nguyên tắc, các chiến dịch bao giờ cũng được tính toán sao cho chúng có thể tiêu huỷ tất cả những sản phẩm thặng dư, chỉ để lại vừa đủ cho những nhu cầu cần thiết tối thiểu của dân chúng mà thôi. Nhưng trên thực tế, nhu cầu của dân chúng bao giờ cũng bị hạ thấp, kết quả là thường xuyên thiếu thốn, ngay cả những vật dụng cần thiết nhất, nhưng điều đó lại được coi là có lợi. Đấy là một chính sách đã được cân nhắc kĩ: giữ ngay cả các nhóm đặc quyền đặc lợi trong vòng nghèo túng vì sự khốn khó chung sẽ làm cho những ưu đãi nhỏ trở thành quan trọng và như vậy, càng làm tăng khoảng cách giữa các nhóm với nhau. Nếu so với mức sống đầu thế kỉ XX, thì phải nói ngay các đảng viên Đảng Nội Bộ cũng làm nhiều hơn và sống đạm bạc hơn. Nhưng dù sao, một số tiện nghi mà anh ta được sử dụng, một căn hộ rộng, trang bị đầy đủ, quần áo được may bằng vải tốt, thức ăn, thức uống, thuốc lá đều thuộc loại ngon, có hai ba tên đầy tớ, có ô tô, thậm chí máy bay trực thăng riêng; anh ta quả thật đang sống trong một thế giới khác hẳn với một đảng viên Đảng Ngoại Vi; đến lượt mình, đảng viên Đảng Ngoại Vi lại có những ưu tiên, ưu đãi, so với đám quần chúng nghèo khổ nhất gọi là cu li. Xã hội tựa như một thành phố bị bao vây, có một miếng thịt ngựa là người giàu, không có là nghèo. Đồng thời, nhờ có chiến tranh, ai cũng cảm thấy đang bị đe doạ, nên việc chuyển giao quyền hành vào tay một đẳng cấp nhỏ được coi là đương nhiên, là điều kiện cần thiết để sống còn.

Chiến tranh, như đã thấy, đang phá hủy, nhưng phá hủy một cách chấp nhận được về mặt tâm lí. Về nguyên tắc có thể sử dụng sức lao động dư thừa vào việc xây dựng đền đài, kim tự tháp hay đào hố rồi lại lấp đi, hoặc sản xuất thật nhiều hàng hoá rồi đem đốt. Nhưng làm như vậy thì chỉ đảm bảo cơ sở kinh tế cho một xã hội có đẳng cấp, chứ cơ sở tâm lí thì không. Vấn đề không phải là đạo đức của quần chúng, thái độ của họ chẳng có ý nghĩa gì vì họ phải làm việc suốt ngày rồi, mà là đạo đức của Đảng. Ngay một đảng viên khiêm nhường nhất cũng được đòi hỏi là phải có nhận thức, phải chăm chỉ, phải có đầu óc trong một giới hạn nhất định, nhưng quan trọng hơn là anh ta phải là một người cuồng tín, cả tin; anh ta phải luôn luôn sợ hãi, luôn luôn căm thù, luôn luôn kính yêu và điên cuồng hồ hởi. Nói cách khác, anh ta phải có trạng thái tâm lí phù hợp với chiến tranh. Có thật sự xảy ra chiến tranh hay không không quan trọng, và vì là không thể có một chiến thắng quyết định nên thắng hay bại cũng không quan trọng. Quan trọng là nằm trong tình trạng chiến tranh. Đảng vẫn yêu cầu các đảng viên theo dõi lẫn nhau, thời chiến càng cần và nay việc này đã trở thành công việc thường nhật của mọi người, càng cấp cao càng hăng. Chính vì vậy mà trong Đảng Nội Bộ, tâm lí hiếu chiến và lòng căm thù quân địch là mãnh liệt nhất. Như một nhà quản lí, đảng viên Đảng Nội Bộ phải nắm được bản tin chiến sự nào là thật còn bản nào là bịa, đôi khi anh ta cũng biết rằng toàn bộ cuộc chiến là giả hay lúc đó chẳng hề có chiến sự gì cả hoặc cuộc chiến được phát động với mục đích hoàn toàn khác với mục đích đang được tuyên truyền, nhưng kiến thức đó lại bị phương pháp suy nghĩ "nướcđôi" triệt tiêu ngay. Không đảng viên Đảng Nội Bộ nào dao động, dù là trong một sát na, niềm tin thần bí rằng đây là cuộc chiến thực sự, chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về họ và Oceania sẽ trở thành chủ nhân ông trên toàn thế giới này.

Đối với tất cả đảng viên Đảng Nội Bộ, chiến thắng là một phần của đức tin. Họ sẽ giành được chiến thắng bằng cách mở rộng dần dần lãnh thổ, bằng cách đó sẽ tạo được sức mạnh áp đảo hoặc bằng cách phát minh ra một loại vũ khí mới, không có đối thủ. Việc tìm kiếm vũ khí mới được tiến hành liên tục và đấy là một trong vài lĩnh vực còn sử dụng những đầu óc có nhiều sáng kiến và có khả năng tư biện. Hiện nay, tại Oceania, khoa học, theo nghĩa cũ của từ này, đã không còn tồn tại nữa. Ngômo không có từ "khoa học". Chủ nghĩa kinh nghiệm, cơ sở của tất cả các thành tựu khoa học trong quá khứ, mâu thuẫn với các nguyên lí cơ bản của Chuanh. Ngay các tiến bộ về kĩ thuật cũng chỉ xảy ra khi thành quả của nó có thể áp dụng để ngăn chặn bớt tự do của con người. Trong các ngành nghề khác, thế giới hoặc là giậm chân tại chỗ hoặc là đã đi giật lùi. Ngựa thì cày ruộng còn sách thì do máy viết. Nhưng trong những lĩnh vực có ý nghĩa sống còn như quân sự và tình báo thì chủ nghĩa kinh nghiệm vẫn được khuyến khích hoặc chí ít cũng được chấp nhận. Đảng có hai mục đích: chinh phục toàn thể địa cầu và loại bỏ vĩnh viễn khả năng tư duy độc lập. Như vậy là, Đảng có hai vấn đề lớn cần phải giải quyết. Một là làm sao phát hiện được một người đang nghĩ gì, thứ hai là, làm sao có thể giết, mà không báo trước, một lúc mấy trăm triệu người. Đấy chính là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Nhà khoa học hiện nay phải vừa là một nhà tâm lí học, vừa là một điều tra viên, chuyên nghiên cứu nét mặt, cử chỉ, giọng nói, ảnh hưởng của các loại thuốc, liệu pháp sốc, thôi miên và tra tấn; hoặc đấy là nhà hoá học, nhà vật lí học hay nhà sinh vật học chỉ chuyên tâm vào những lĩnh vực liên quan đến việc giết người. Trong những phòng thí nghiệm to lớn của Bộ Hòa Bình, trên những trạm thử nghiệm bí mật trong những cánh rừng ở Brazil hay trên sa mạc Australia hoặc trên những hòn đảo Bắc Băng Dương, nhiều nhóm chuyên gia vẫn làm việc không quản ngày đêm. Một số lập kế hoạch hậu cần cho những cuộc chiến tranh trong tương lai, số khác chuyên thiết kế các loại tên lửa có sức công phá lớn hơn, thuốc nổ mạnh hơn, tấm bọc khó xuyên thủng hơn, số khác nữa, chuyên tìm các loại khí độc mới hoặc các chất độc hòa tan trong nước, có thể sản xuất với số lượng đủ tiêu diệt hoàn toàn thảm thực vật cả một châu lục, hoặc các loại vi khuẩn mà không thuốc kháng sinh nào có thể trị được; nhóm khác, chuyên nghiên cứu các loại phương tiên giao thông có thể chui vào lòng đất hệt như tầu ngầm, hoặc các loại máy bay không cần đường băng hay hàng không mẫu hạm; nhóm nữa, chuyên nghiên cứu những vấn đề dài hạn như hội tụ ánh sáng mặt trời từ những thấu kính đặt trên vũ trụ hoặc tạo ra động đất hay sóng thần bằng cách rút nhiệt từ trung tâm trái đất.

Nhưng không có dự án nào đạt được mục đích và không có siêu cường nào trong ba siêu cường giành được thế thượng phong. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là cả ba siêu cường đều có bom nguyên tử, một loại vũ khí có sức tàn phá lớn gấp nhiều lần thứ vũ khí mà các nhà nghiên cứu hiện nay có thể phát minh. Mặc dù Đảng, như vẫn thường thấy, nhận là đã phát minh ra bom nguyên tử, thực ra loại bom này đã có từ đầu những 40 và được đem ra sử dụng hàng loạt sau đó khoảng chục năm. Lúc đó các trung tâm công nghiệp, chủ yếu là vùng nước Nga thuộc châu Âu, Tây Âu, Bắc Mĩ đã bị thả hàng trăm quả bom nguyên tử. Kết quả là giới cầm quyền tất cả các nước đều nhận thức được rằng chỉ cần thêm vài quả nữa là nền văn minh sẽ cáo chung, cũng có nghĩa là sẽ cáo chung uy quyền của chính họ. Sau đó, mặc dù không có một thoả thuận nào được kí hay được gợi ý, nhưng đã không còn vụ bỏ bom nguyên tử nào nữa. Cả ba siêu cường tiếp tục sản xuất và tích trữ bom để dành cho cuộc chiến quyết định mà họ tin rằng sớm muộn gì cũng phải xảy ra. Trong khi đó, nghệ thuật chiến tranh giẫm chân tại chỗ trong vòng ba, bốn mươi năm. Máy bay trực thăng được sử dụng rộng rãi hơn, máy bay ném bom được thay thế bằng các tên lửa tự hành, tàu chiến dễ bị tổn thương được thay thế bằng Pháo Đài Nổi không thể bị đánh chìm, cải tiến trong các lĩnh vực khác không đáng kể. Xe tăng, tàu ngầm, ngư lôi, súng máy và ngay cả lựu đạn vẫn còn được sử dụng. Mặc dù báo chí và màn vô tuyến vẫn thường xuyên thông báo về những trận đánh đẫm máu, những chiến dịch lớn với hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người bị giết chỉ trong vài tuần, đã không còn xảy ra nữa.

Không siêu cường nào dám thực hiện những cuộc hành quân có nguy cơ thất bại lớn. Những chiến dịch lớn thường là những trận tấn công bất ngờ vào quân đồng minh. Cả ba nước cùng theo, hay tuyên bố là theo cùng một đường lối chiến lược. Nội dung của chiến lược đó là bằng cách vừa đánh vừa đàm và những đòn tấn công phản trắc, thiết lập xung quanh nước thù địch một loạt căn cứ quân sự và kí với nó hiệp ước hoà bình, sống chung hoà bình một thời gian, làm tê liệt tinh thần cảnh giác của đối phương. Trong thời gian đó, có thể lắp bom nguyên tử vào tên lửa tại những vị trí chiến lược, để khi cần có thể bắn cấp tập, sự tàn phá sẽ là khủng khiếp đến mức đối phương không thể nào đáp trả được. Lúc đó có thể kí hiệp ước hoà bình với siêu cường còn lại và tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới. Có lẽ chẳng cần nói rằng kế hoạch này chỉ là một giấc mơ, không thể nào thực hiện được. Hơn nữa, các trận đánh chỉ diễn ra tại những vùng tranh chấp xung quanh xích đạo hay vùng Bắc Cực: chưa có quân bên nào lấn vào lãnh thổ bên kia. Điều này giải thích tại sao biên giới giữa các siêu cường luôn luôn dịch chuyển như thế. Thí dụ, nếu muốn, Eurasia dễ dàng chiếm cứ các British Isles, vốn là một phần Châu Âu; mặt khác, nếu muốn, Oceania cũng dễ dàng đẩy biên giới của mình đến tận sông Rhine hay ngay cả sông Vistula. Nhưng nếu làm như thế thì sẽ vi phạm nguyên tắc mà các bên đều tuân thủ, tuy chưa bao giờ được tuyên bố công khai, đấy là nguyên tắc toàn vẹn văn hoá. Nếu Oceania xâm chiếm những vùng trước đây thường được gọi là Pháp và Đức thì nó sẽ phải hoặc là tiêu diệt tất cả dân chúng, một nhiệm vụ cực kì khó thực hiện; hoặc là nó phải đồng hóa cả trăm triệu người có cùng trình độ phát triển về mặt kĩ thuật với Oceania. Cả ba siêu cường đều có vấn nạn tương tự. Cơ cấu của chúng tuyệt đối không cho phép dân chúng tiếp xúc với người nước ngoài, ngoại trừ tù binh chiến tranh và nô lệ da màu. Ngay cả đồng minh (trong giờ phút đó) cũng bị nhìn với thái độ nghi kị. Nếu không có tù binh chiến tranh thì một người dân thường của Oceania sẽ chẳng bao giờ trông thấy công dân của Eurasia hay Eastasia; học ngoại ngữ cũng bị cấm. Nếu người dân được phép quan hệ với người nước ngoài thì anh ta sẽ phát hiện ra rằng họ cũng là người như mình và tất cả những lời tuyên truyền trước đây đều là dối trá. Cái thế giới đóng kín mà anh ta đang sống sẽ bị đập tan, nỗi sợ hãi, lòng thù hận và thái độ tự mãn rằng chân lí luôn thuộc về mình, những điều vốn là chỗ dựa tinh thần của anh ta, sẽ tiêu tan. Vì vậy mà tất cả các bên đều nhận thức được rằng dù Persia, Egypt, Java hoặc Ceylon có sang tay bao nhiêu lần đi nữa, ngoài tên lửa ra, không ai được vượt qua đường biên giới chính.

Đằng sau tất cả những điều đó ẩn chứa một sự kiện, chưa bao giờ được thảo luận công khai, nhưng ai cũng biết và được tính đến, đấy là điều kiện sống ở cả ba siêu cường là tương đối giống nhau. Ở Oceania chủ thuyết Chuanh chiếm thế thượng phong, ở Eurasia thì đấy là Chủ Nghĩa Bolsevich Mới, còn ở Eastasia thì là học thuyết dịch từ tiếng Trung Quốc là Diệt Vong Kinh nhưng có lẽ phải dịch là Thủ Tiêu Cá Nhân mới thật chính xác. Công dân Oceania không được biết tí gì về hai giáo lí kia, nhưng y được dạy phải coi chúng như sự chà đạp trắng trợn đạo đức và lẽ phải. Trên thực tế, ba chủ thuyết gần như giống nhau, còn các thể chế xã hội xây dựng trên ba chủ thuyết đó thì hoàn toàn giống nhau. Vẫn là cấu trúc xã hội theo hình kim tự tháp, vẫn là sùng bái lãnh tụ vốn được coi gần như một vị thánh sống, vẫn là một nền kinh tế dựa vào chiến tranh và để phục vụ cho cuộc chiến tranh kéo dài triền miên. Từ đó suy ra rằng, không nước nào trong ba siêu cường có thể chinh phục được nước kia và cũng chẳng được lợi gì nếu làm được như thế. Ngược lại, xung đột là cách nương tựa lẫn nhau: “ba cây chụm lại”[1] . Và cũng như thường thấy, các nhóm cầm quyền trong cả ba siêu cường đồng thời vừa nhận thức được vừa không nhận thức được điều họ đang làm. Họ dành trọn đời mình cho công cuộc chinh phục thế giới, nhưng họ lại biết rằng chiến tranh phải là vĩnh cửu và không thể có chiến thắng tối hậu. Đồng thời, vì không có nguy cơ bị chinh phục nên họ phủ nhận luôn thực tế khách quan, đây chính là đặc trưng cơ bản của Chuanh và các hệ tư tưởng đối địch khác. Cần phải nhắc lại một điều đã nói ở trên: chiến tranh kéo dài liên miên và vì vậy bản chất của nó cũng đã thay đổi.

Ngày xưa, chiến tranh, có thể nói theo định nghĩa, là một giai đoạn nhất định của lịch sử, trước sau gì cũng phải kết thúc bằng chiến thắng hay thất bại. Trước đây, chiến tranh còn là phương tiện chủ yếu để đưa xã hội loài người về với hiện thực trần trụi. Tất cả các nhà cầm quyền thuộc mọi thời đại đều cố gắng áp đặt lên các thần dân của mình một thế giới quan sai lầm; nhưng họ không bao giờ khuyến khích những sự ngộ nhận có thể dẫn tới suy giảm hiệu năng phòng thủ. Vì thất bại là mất độc lập hoặc, nói chung, sẽ dẫn đến những kết quả không hay khác, các biện pháp phòng thủ phải được quan tâm một cách thích đáng. Không được bỏ qua các sự kiện. Trong triết học, trong tôn giáo, trong đạo đức hoặc trong chính trị, hai cộng hai có thể là năm, nhưng khi thiết kế khẩu súng hoặc cái máy bay thì hai cộng hai nhất định phải là bốn. Dân tộc kém hiệu năng trước sau gì cũng sẽ bị chinh phục, nhưng muốn tăng hiệu quả thì phải giảm ảo tưởng. Hơn nữa, muốn hiệu quả thì phải có khả năng học hỏi quá khứ, nghĩa là phải có nhận thức đúng đắn về những điều đã xảy ra trong quá khứ. Tất nhiên là báo chí, cũng như sách lịch sử, vẫn thường tô vẽ và xuyên tạc, nhưng giả mạo ở mức độ như hiện nay thì không thể nào xảy ra được. Chiến tranh đòi hỏi phải tỉnh táo, đối với giai cấp cầm quyền thì phải tỉnh táo gấp đôi. Khi chiến tranh, nghĩa là có thể thắng mà cũng có thể bại, không giai cấp cầm quyền nào được phép hành động một cách hoàn toàn vô trách nhiệm.

Nhưng khi chiến tranh đã trở thành triền miên thì nó cũng không còn nguy hiểm nữa. Khi chiến tranh đã trở thành liên tục, cái gọi là nhu cầu quốc phòng cũng không còn nữa. Tiến bộ kĩ thuật chấm dứt, các sự kiện cũng có thể bị bỏ qua, bị phủ nhận. Như chúng ta đã thấy, các cuộc khảo cứu, có thể gọi là nghiên cứu khoa học, tiếp tục được thực hiện vì mục đích chiến tranh, nhưng thực ra chúng chỉ là những điều mơ tưởng hão huyền, chẳng ai thèm quan tâm đến kết quả của những cuộc khảo cứu đó. Hiệu quả, ngay cả hiệu quả trong quân sự cũng không còn là điều cần thiết nữa. Ngoài Cảnh Sát Tư Tưởng ra thì cả Oceania này chẳng có ai làm việc có hiệu quả. Vì cả ba siêu cường đều không thể bị chinh phục, mỗi nước, trên thực tế, được coi là cả vũ trụ, trong đó những ý tưởng điên rồ nhất cũng có thể đem ra triển khai mà không sợ bất cứ hậu quả nào. Thực tế chỉ còn tác động lên những nhu cầu của đời sống thường nhật như phải ăn, phải uống, phải có nhà ở, phải có quần áo mặc, không được nuốt chất độc, không được chui ra ngoài qua cửa sổ tầng trên…v.v. Giữa sống và chết, giữa niềm vui và nỗi đau thể xác thì sự phân biệt vẫn còn, nhưng chỉ thế thôi. Bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, cũng như với quá khứ, công dân Oceania giống như người đang sống giữa các vì sao, không biết đâu là trên, đâu là dưới nữa. Nhà cầm quyền ở đó có quyền lực tuyệt đối, ngay đến các Pharaon hay Caesar cũng không có được quyền lực như họ. Họ có trách nhiệm phải giữ cho số thần dân bị chết vì đói ở mức không tạo ra rắc rối, họ có trách nhiệm bảo đảm cho kĩ nghệ quốc phòng cũng nằm ở mức thấp ngang với địch thủ, khi mức tối thiểu đó đã đạt được rồi thì họ tha hồ bóp méo, vặn vẹo hiện thực thế nào cũng được.

Vì vậy, chiến tranh, nếu ta xem xét nó dưới góc độ những cuộc chiến tranh trước đây, chỉ là một sự lừa gạt. Nó giống như cuộc đấu của những con trâu đã bị cưa bớt sừng, không thể làm hại được nhau. Mặc dù chiến tranh là giả, nhưng không phải là vô ích. Nó giúp xơi gọn số sản phẩm thặng dư và giữ nguyên tình trạng tâm lí mà một xã hội phân chia theo đẳng cấp cần. Ngày nay, chiến tranh, như đã thấy, chỉ là công việc đối nội. Ngày xưa, tuy nhà cầm quyền ở tất cả các nước đều nhận thức được những lợi ích chung, cố gắng hạn chế tối đa mức tàn phá, nhưng họ thực sự đánh nhau và người chiến thắng bao giờ cũng cướp bóc kẻ chiến bại. Ngày nay, họ hoàn toàn không đánh nhau. Chiến tranh là do giới cầm quyền phát động để chống lại chính thần dân của mình, mục đích không phải là bảo vệ hay chiếm cứ một vùng đất, mà là để bảo vệ thể chế xã hội. Cho nên chính từ "chiến tranh" tạo ra nhầm lẫn. Chính xác hơn phải nói rằng từ khi trở thành hiện tượng thường trực, chiến tranh đã không còn là chiến tranh nữa. Áp lực đặc biệt mà chiến tranh mang lại cho con người từ thời Đồ Đá Mới cho đến đầu thế kỉ XX đã không còn nữa, nó đem đến một cái hoàn toàn khác. Nếu ba siêu cường không đánh nhau nữa, đồng ý sống trong một nền hoà bình vĩnh cửu, không nước nào xâm phạm vào bên trong lãnh thổ nước kia thì kết quả cũng vẫn như thế. Vì trong trường hợp đó, mỗi nước vẫn là một thế giới khép kín, vẫn tránh được mọi ảnh hưởng thức tỉnh nguy hại từ bên ngoài đưa lại. Hoà bình vĩnh viễn cũng chẳng khác gì chiến tranh liên miên. Đấy chính là ý nghĩa sâu xa, mặc dù đa số đảng viên chỉ hiểu một cách hời hợt, của khẩu hiệu: Chiến tranh là hoà bình."

Winston ngừng đọc. Có tiếng rốc-két nổ từ xa vọng lại. Cảm giác an lạc vì được ở một mình với một cuốn sách cấm, trong căn phòng không có màn vô tuyến vẫn còn đọng lại trong lòng. Một mình và thanh thản, anh cảm thấy điều đó ngay trên da thịt mình, nó hoà trộn với cảm giác mỏi mệt trong cơ thể, cảm giác mềm mại của cái ghế, sự mơn man trên gò má của cơn gió nhẹ vừa thổi qua cửa sổ. Cuốn sách làm anh choáng váng, đúng hơn, phải nói, nó đã làm anh thêm phấn chấn. Không có gì mới, nhưng chính vì thế mà hấp dẫn. Nó nói những điều chính anh cũng có thể nói nếu anh sắp xếp được những ý nghĩ lộn xộn của mình. Nó là tác phẩm của một cái đầu tương tự như anh, nhưng mạnh mẽ hơn, có hệ thống hơn và dũng cảm hơn nhiều. Cuốn sách tốt nhất, anh nghĩ, là cuốn sách nói những điều ta đã biết rồi. Anh quay lại chương I đúng lúc nghe thấy tiếng chân Julia bước lên cầu thang và đứng dậy đón cô. Cô bỏ túi dụng cụ màu nâu xuống sàn và lao vào vòng tay anh. Đã hơn một tuần nay họ chưa gặp nhau.

“Anh nhận được cuốn sách rồi”, anh nói khi họ vừa buông nhau ra.

“Rồi à? Tốt”, cô nói, không tỏ ra quan tâm lắm, rồi cô ngồi ngay xuống nhóm bếp để pha cà phê.

Họ chỉ quay lại với cuốn sách sau khi đã ở trên giường được nửa tiếng đồng hồ. Buổi chiều hơi lạnh, họ kéo chăn đắp. Từ bên dưới vọng lên tiếng hát và tiếng ủng nện trên nền đá. Người đàn bà khổng lồ, cánh tay đỏ mà Winston nhìn thấy ngay hôm đầu đến đây, dường như chưa bao giờ bước ra khỏi sân. Có vẻ như lúc nào bà ta cũng đi đi lại lại giữa chậu giặt và giây phơi, miệng ngậm những cái kẹp và ông ổng hát. Julia đã quay nghiêng và sắp ngủ đến nơi rồi. Winston nhặt cuốn sách và ngồi lên đầu giường.

“Phải đọc cho xong”, anh bảo. “Em cũng thế. Tất cả Huynh Đệ đều phải đọc.”

“Anh đọc đi”, cô nói, mắt vẫn nhắm. “Đọc to lên. Cùng nghe. Sau đó anh sẽ giải thích cho em.”

Đồng hồ chỉ số sáu, nghĩa là đã mười tám giờ. Họ còn được ở đây ba, bốn tiếng đồng hồ nữa.

Anh để cuốn sách lên đầu gối và đọc.

“Chương I - Ngu dốt là sức mạnh.

Từ ngày có sử, có thể từ cuối thời Đồ Đá Mới, loài người đã chia làm ba giai tầng, thượng, trung và hạ lưu. Các giai tầng đó được hình thành theo những cách khác nhau, mang đủ những danh hiệu khác nhau, tỉ lệ thành phần giữa các tầng lớp, thái độ của họ với nhau cũng mỗi thời kì mỗi khác, nhưng cấu trúc cơ bản của xã hội vẫn không bao giờ thay đổi. Ngay cả sau những cuộc biến loạn, tưởng chừng như không thể đảo ngược được, thì cấu trúc này vẫn luôn luôn tự tái lập, giống như con quay hồi chuyển trở lại vị trí cân bằng, dù trước đó có bị đẩy kiểu nào đi nữa.”

“Julia, em còn thức không?”, Winston hỏi.

“Còn, anh yêu. Em đang nghe đấy. Đọc tiếp đi. Hay quá.”

Anh tiếp tục đọc.

“Mục đích của ba giai tầng là không thể dung hoà. Mục đích của tầng lớp thượng lưu là cứ giữ mãi vị trí của mình. Mục đích của tầng lớp trung lưu là chiếm lấy vị trí của thượng lưu. Mục đích của tầng lớp hạ lưu, đấy là nói khi họ có mục đích – vì đặc điểm truyền kiếp của hạ lưu là phải làm việc quần quật suốt ngày, ít có thì giờ để nghĩ đến những gì ngoài miếng cơm manh áo – là tiêu diệt mọi bất công và xây dựng một xã hội, trong đó, mọi người đều bình đẳng. Vì vậy mà trong suốt chiều dài của lịch sử, các cuộc đấu tranh, về cơ bản là giống nhau, cứ nổ ra liên miên. Tầng lớp thượng lưu có vẻ nắm vững được quyền lực trong một thời gian dài, nhưng không chóng thì chày, rồi cũng có lúc họ đánh mất niềm tin vào chính mình hoặc mất khả năng quản lí một cách hữu hiệu, hoặc đánh mất cả hai. Họ sẽ bị tầng lớp trung lưu, lúc này đã lôi kéo được hạ lưu đứng về phía mình bằng cách tuyên bố rằng đang chiến đấu cho tự do và công bằng, lật đổ. Sau khi đã đạt được mục đích, họ liền đẩy hạ lưu về lại tình trạng nô lệ, còn mình thì trở thành thượng lưu. Một lầng lớp trung lưu mới, tách ra từ một trong hai tầng lớp kia hoặc là từ cả hai, sẽ lại hình thành và cuộc chiến đấu cứ thế tiếp tục không bao giờ ngừng. Trong ba tầng lớp thì chỉ có hạ lưu là không bao giờ đạt được mục đích, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Sẽ là quá đáng nếu nói rằng chưa hề có tiến bộ nào về mặt vật chất trong suốt chiều dài của lịch sử. Ngay trong giai đoạn sa sút hiện nay, một người trung bình vẫn có đời sống vật chất khá hơn cách đây vài thế kỉ. Nhưng không có tài sản nào, không có những cải thiện trong quan hệ giữa người với người nào, không có cuộc cải cách hay cách mạng nào có thể rút ngắn được khoảng cách bất bình đẳng, dù chỉ một li. Theo quan niệm của tầng lớp hạ lưu thì tất cả những biến động của lịch sử chỉ có nghĩa là đã thay một ông chủ này bằng một ông chủ khác mà thôi.

Ngay từ cuối thế kỉ XIX, nhiều nhà quan sát đã thấy rõ rằng một cuộc biến loạn mới sắp sửa diễn ra. Lúc đó, xuất hiện trường phái các nhà tư tưởng cho rằng lịch sử vận động theo chu kì và chứng minh rằng bất bình đẳng là qui luật bất di bất dịch của loài người. Dĩ nhiên, thuyết này trước đây vẫn có môn đồ, nhưng nay nó được trình bày một cách khác hẳn. Trong quá khứ, nhu cầu về một xã hội có đẳng cấp là lí thuyết của tầng lớp thượng lưu. Nó được các vua chúa, các nhà quí tộc, các thày tu, thày cãi và tất cả những kẻ sống bám vào nó rao giảng và được tô điểm bằng những lời hứa bù đắp trong một thế giới tưởng tượng sau khi xuống mồ. Tầng lớp trung lưu, trong khi còn tranh đấu để giành chính quyền, luôn luôn sử dụng những từ như tự do, bình đẳng, bác ái. Nhưng nay, quan niệm về tình huynh đệ giữa người với người bị ngay những kẻ chưa hề nắm quyền, mới chỉ ước ao một ngày nào đó có thể nắm quyền, công kích. Trước kia, tầng lớp trung lưu tiến hành cách mạng dưới ngọn cờ bình đẳng, bác ái nhưng một khi lật đổ được chính thể chuyên chế cũ, họ sẽ thiết lập ngay một chính thể chuyên chế mới. Ngày nay, tầng lớp trung lưu mới, trên thực tế, đã tuyên bố thiết lập chế độ chuyên chế ngay trước khi tiến hành cách mạng. Chủ nghĩa xã hội, một lí thuyết xuất hiện vào đầu thế kỉ XIX là mắt xích cuối cùng của truyền thống tư tưởng kéo dài từ những cuộc khởi nghĩa nô lệ thời Trung Cổ, vẫn còn mang nặng dấu ấn của của nghĩa không tưởng của những thế kỉ trước. Nhưng ý tưởng thiết lập một xã hội tự do và bình đẳng đã bị những xu hướng xã hội chủ nghĩa xuất hiện từ sau năm 1900 trở đi công khai bác bỏ. Những phong trào mới xuất hiện vào giữa thế kỉ XX, Chuanh ở Oceania, Chủ Nghĩa Bolsevich Mới ở Eurasia, Diệt Vong Kinh, như người ta vẫn gọi ở Eastasia, đã tự đặt ra cho mình mục đích là kéo dài vĩnh viễn tình trạng MẤT tự do và BẤT bình đẳng. Những phong trào mới này dĩ nhiên là được sinh ra từ các phong trào cũ, vẫn giữ tên cũ và ngoài miệng thì tuyên bố trung thành với lí tưởng cũ. Nhưng mục đích của những phong trào đó chính là chặn đứng sự tiến bộ và vòng quay của bánh xe lịch sử. Cái quả lắc đánh thêm một lần nữa, rồi dừng hẳn. Như thường thấy, tầng lớp thượng lưu bị trung lưu lật đổ, rồi trung lưu trở thành thượng lưu, nhưng lần này, nhờ một chiến lược đã được tính toán chu đáo, tầng lớp thượng lưu có thể giữ được vị trí của mình cho đến tận muôn đời sau.

Những học thuyết mới xuất hiện một phần là do kiến thức lịch sử đã thu thập được, phần khác là do tư duy lịch sử mà trước thế kỉ XIX, nếu có tồn tại thì cũng mới ở dạng phôi thai mà thôi. Khi người ta đã hiểu được rằng lịch sử vận động theo chu kì hay làm ra vẻ hiểu như vậy thì người ta cũng cho rằng có thể tác động vào chính tiến trình vận động của lịch sử. Nhưng nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thầm kín nhất lại là ở chỗ ngay từ đầu thế kỉ XX, quyền bình đẳng giữa người với người đã có thể thực hiện được về mặt kĩ thuật. Tất nhiên là con người không ai giống ai về mặt tài năng và việc phân công lao động sẽ đặt người này vào vị trí thuận lợi hơn người khác; nhưng khoảng cách giàu nghèo quá lớn và việc phân chia giai cấp đã không còn cần thiết nữa. Trước kia, việc phân chia giai cấp không những là cần, mà còn là việc nên làm. Bất bình đẳng là cái giá phải trả cho nền văn minh. Nhưng với sự phát triển của sản xuất công nghiệp, tình hình đã thay đổi. Mặc dù vẫn phải làm những công việc khác nhau, việc buộc người ta phải sống trong những điều kiện kinh tế và xã hội khác nhau đã không còn cần thiết nữa. Vì vậy, theo quan điểm của bọn người đang tranh đoạt quyền lực thì bình đẳng không còn là lí tưởng phấn đấu nữa mà là mối nguy cần phải tìm mọi cách ngăn chặn. Trong những thời đại bán khai, xã hội hoà bình và công chính là bất khả thi, đấy đơn giản chỉ là niềm tin. Hàng ngàn năm nay, con người vẫn hằng ước mơ xây dựng một thiên đường trên trái đất, trong đó mọi người sẽ sống trong tình huynh đệ, không cần luật pháp và không ai phải làm việc cực nhọc nữa. Ước mơ đó ám ảnh cả những nhóm người thực sự được lợi sau mỗi biến động của lịch sử. Hậu duệ của các cuộc cách mạng Pháp, Anh và Mĩ vẫn còn tin vào thời đại của họ về quyền con người, tự do ngôn luận, bình đẳng trước pháp luật .v.v. và đã để cho những lí tưởng đó phần nào ảnh hưởng đến hành vi của chính mình. Nhưng, đến những năm 40 của thế kỉ XX thì tất cả các luồng tư tưởng chính trị đều mang tính chất toàn trị. Thiên đường trên trái đất bị mất tín nhiệm ngay đúng vào lúc có đủ điều kiện để biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Tất cả các trào lưu chính trị, dù có mang tên gì đi nữa, cũng đều kêu gọi quay trở về với xã hội đẳng cấp và khuôn phép. Cùng với những quan niệm cứng rắn, xuất hiện khoảng năm 1930, những tập quán đã lỗi thời, có cái cả hàng trăm năm như bỏ tù không cần xét xử, bắt tù binh chiến tranh làm công việc khổ sai, xử bắn công khai, tra tấn, sử dụng con tin, bắt lưu đày cả một dân tộc, không những được chấp nhận mà còn được những người tự nhận là văn minh, tiến bộ bảo vệ nữa.

Phải sau cả chục năm chiến tranh, nội chiến, cách mạng và phản cách mạng trên toàn thế giới thì Chuanh và những đối thủ của nó mới xuất hiện như những lí thuyết chính trị hoàn thiện. Tiền thân của chúng là những hệ tư tưởng có tên chung là toàn trị, đã xuất hiện ngay từ đầu thế kỉ này, còn đặc điểm của cái thế giới sẽ xuất hiện sau những cuộc biến loạn dữ dội ấy thì đã rõ từ lâu. Loại người nào sẽ thống trị thế giới ấy cũng đã rõ. Tầng lớp quí tộc mới xuất thân chủ yếu từ các công chức, các nhà khoa học, các kĩ sư, các lãnh tụ nghiệp đoàn, các chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo, các nhà xã hội học, các giáo viên, các nhà báo và các nhà chính trị chuyên nghiệp. Họ vốn là các viên chức bậc trung và công nhân lớp trên, được nền công nghiệp độc quyền và chính thể trung ương tập quyền đào tạo và gắn kết với nhau. Nếu so với những tổ chức tương tự trước kia thì họ không hám lợi bằng, không xa hoa bằng, nhưng tham quyền hơn và trên tất cả, họ biết rõ họ đang làm gì và quyết tâm hơn trong việc tiêu diệt mọi lực lượng đối lập. Điểm khác biệt cuối cùng lại chính là khác biệt quan trọng nhất. So với hiện nay, tất cả các chính thể chuyên chế trong quá khứ đều là những chính thể thiếu kiên quyết và kém hiệu năng. Các nhà cầm quyền trước đây đều ít nhiều có tư tưởng tự do, họ sẵn sàng bỏ qua nhiều việc, họ chỉ ngăn chặn những hành động công khai mà không quan tâm đến việc các thần dân đang nghĩ gì. So với hiện nay, nhà thờ Công Giáo thời Trung Cổ cũng còn bao dung hơn. Lí do một phần là vì các chính phủ trước đây không đủ sức theo dõi thường xuyên thần dân của mình. Phát minh ra máy in làm cho việc điều khiển dư luận xã hội trở nên dễ dàng, chiếu bóng và phát thanh đã đẩy tiến trình này thêm một bước nữa. Cùng với việc phát triển của vô tuyến truyền hình và tiến bộ kĩ thuật cho phép ngay một lúc có thể truyền và nhận tín hiệu trên cùng một dụng cụ; đời sống cá nhân, đời sống riêng tư, đã cáo chung. Tất cả các công dân, hay ít nhất tất cả các công dân quan trọng, đáng phải theo dõi, đều có thể bị cảnh sát theo dõi hai mươi bốn giờ mỗi ngày và liên tục bị tiếng loa tuyên truyền chính thức rót vào tai, trong khi các kênh thông tin khác thì bị khoá kín. Đây là lần đầu tiên xuất hiện khả năng tạo ra không chỉ sự tuân phục tuyệt đối ý chí của nhà nước, mà còn tạo ra sự thống nhất tuyệt đối quan điểm về mọi vấn đề.

Sau giai đoạn cách mạng những năm 50 và 60, xã hội lại chia, như vẫn thế, thành ba giai tầng: thượng, trung và hạ lưu. Nhưng tầng lớp thượng lưu mới, khác hẳn với những bậc tiền bối, không hành động theo bản năng mà biết rõ phải làm gì để có thể giữ được vị trí của mình. Từ lâu, người ta đã hiểu rằng cơ sở vững chắc nhất của chế độ băng đảng chính là chủ nghĩa tập thể. Sẽ dễ dàng bảo vệ tài sản và đặc quyền đặc lợi hơn nếu nó là của chung. Cái gọi là “thủ tiêu tư hữu” được thực hiện vào giữa thế kỉ XX thực chất chỉ là tập trung tài sản vào trong tay một nhóm người, điều khác biệt duy nhất là chủ sở hữu hiện thời là tập thể chứ không phải là một đám đông những cá nhân riêng lẻ nữa. Về mặt cá nhân, mỗi đảng viên chỉ có một ít vật dụng cần thiết. Về mặt tập thể, Đảng nắm tất cả mọi thứ ở Oceania này, vì Đảng quản lí tất cả nên Đảng cũng phân phối sản phẩm theo cách mà Đảng cho là phù hợp. Trong những năm sau cách mạng, Đảng đã giành được vị trí lãnh đạo đó mà không gặp bất kì sự chống đối nào vì tất cả quá trình này được tiến hành nhân danh tập thể hoá. Người ta luôn luôn nghĩ rằng, sau khi tước đoạt tài sản của giai cấp tư sản thì sẽ có chủ nghĩa xã hội và thế là bọn tư sản bị tước đoạt hết mà không ai thắc mắc gì. Nhà máy, hầm mỏ, đất đai, nhà cửa, phương tiện giao thông bị tịch thu bằng sạch và vì tất cả những cái đó không còn là sở hữu cá nhân nữa, chúng trở thành sở hữu tập thể. Chuanh, phát sinh từ phong trào xã hội chủ nghĩa trước đây và thừa hưởng được những thuật ngữ của phong trào ấy, trên thực tế, đã thực hiện được điểm quan trọng nhất của chương trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, với một kết quả mà nó mong muốn và nó đã thấy trước: Làm cho bất bình đẳng về kinh tế trở thành vĩnh viễn.

Nhưng vấn đề vĩnh cửu hoá chế độ đẳng cấp còn đi xa hơn. Có bốn cách làm cho người ta mất quyền lực. Hoặc là bị kẻ thù bên ngoài xâm lược, hoặc là lãnh đạo kém hiệu quả đến nỗi quần chúng đứng lên khởi nghĩa, hoặc là cho phép tầng lớp trung lưu mạnh và bất mãn xuất hiện, hoặc là đánh mất niềm tin và không muốn cầm quyền nữa. Bốn lí do này không xuất hiện riêng rẽ, ở mức độ này hay mức độ khác, chúng thường xuất hiện cùng một lúc. Giai cấp cầm quyền nào đề phòng được cả bốn thì sẽ giữ được quyền lực mãi mãi. Nói cho cùng, nhân tố quyết định chính là trạng thái tâm lí của giai cấp cầm quyền.

Từ nửa sau thế kỉ XX, lí do thứ nhất thực chất là không còn. Ba siêu cường đã chia thế giới thành những vùng bất khả chiến bại, các nước này chỉ có thể bị chinh phục thông qua sự biến đổi dân số, quá trình này xảy ra chậm và một nhà nước mạnh sẽ dễ dàng đẩy lui được nguy cơ. Mối nguy thứ hai cũng chỉ còn trên lí thuyết. Quần chúng không bao giờ tự đứng lên khởi nghĩa, họ cũng không bao giờ khởi nghĩa chỉ vì bị đàn áp. Thực ra, nếu không có cái để so sánh thì họ cũng chẳng bao giờ biết họ bị đàn áp. Những cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kì trong quá khứ đã hoàn toàn không còn cần thiết; vả lại, người ta cũng không để xẩy ra nữa, nhưng có những vụ lộn xộn lớn không khác gì khủng hoảng có thể và thực sự đã xảy ra mà không tạo ra biến cố chính trị nào vì không còn cách nào thể hiện sự bất bình công khai nữa. Vấn đề hàng hoá thặng dư, từng tiềm ẩn ngấm ngầm trong xã hội ta kể từ khi công nghiệp phát triển, đã được giải quyết bằng bộ máy chiến tranh hoạt động liên tục (xem chương III), chiến tranh còn giúp giữ đạo đức xã hội luôn đứng ở tầm cao cần thiết. Thế là, từ quan điểm của các nhà cầm quyền hiện nay mà xét thì mối nguy thực sự là ở khả năng xuất hiện các nhóm mới, có năng lực, nhưng chưa được trọng dụng, lại có tham vọng quyền lực và sự phát triển chủ nghĩa tự do cũng như thái độ hoài nghi trong chính hàng ngũ của họ. Nói một cách khác, đấy là vấn đề giáo dục. Đấy là vấn đề liên tục nhào nặn ý thức của tầng lớp lãnh đạo và tầng lớp thực thi đông đảo hơn nằm ngay bên dưới tầng lớp lãnh đạo. Đối với ý thức của số đông quần chúng, chỉ cần tác động theo hướng tiêu cực.

Trên cơ sở đó, người ta có thể rút ra, nếu trước đó chưa biết, cấu trúc tổng quát của xã hội Oceania. Đỉnh kim tự tháp là Anh Cả. Anh Cả không bao giờ sai lầm và đầy quyền năng. Tất cả thắng lợi, tất cả thành tích, tất cả chiến thắng, tất cả các phát minh khoa học, tất cả kiến thức, tất cả trí tuệ, tất cả hạnh phúc, tất cả đức hạnh đều xuất phát trực tiếp từ sự lãnh đạo và động viên của Anh. Chưa ai nhìn thấy Anh Cả bao giờ. Người ta chỉ được thấy mặt Anh trên biểu ngữ, người ta chỉ được nghe tiếng Anh trên màn vô tuyến mà thôi. Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng Anh là bất tử, đến ngày sinh của Anh cũng cực kì mù mờ. Anh Cả chỉ là chiêu bài mà Đảng dùng để tự giới thiệu mình với thế giới mà thôi. Anh là tiêu điểm của tình yêu, nỗi sợ hãi và lòng sùng bái, là những tình cảm dễ biểu lộ với một cá nhân hơn là với một tổ chức. Bên dưới Anh Cả là Đảng Nội Bộ với sáu triệu đảng viên, chiếm chưa đến hai phần trăm dân số Oceania. Bên dưới Đảng Nội Bộ là Đảng Ngoại Vi, nếu Đảng Nội Bộ là đầu óc thì Đảng Ngoại Vi giống như tay chân. Bên dưới nữa là đám quần chúng ngu dốt thường được gọi là "cu li" chiếm khoảng tám mươi lăm phần trăm dân số. Theo cách phân loại bên trên thì cu li là tầng lớp hạ lưu vì đám dân nô lệ thuộc vùng xích đạo được sang tay thường xuyên từ nước này qua nước khác nên không được coi là bộ phận cấu thành cần thiết của xã hội.

Về nguyên tắc, các giai tầng xã hội không phải là cha truyền con nối. Con cái đảng viên Đảng Nội Bộ, về nguyên tắc, không phải là đảng viên ngay từ khi mới lọt lòng. Họ sẽ được kết nạp vào nhánh này hay nhánh kia của Đảng sau khi dự một kì thi khi tròn mười sáu tuổi. Trong Đảng không có sự phân biệt nào về dân tộc hay địa phương. Ta có thể thấy cả người Do Thái, người da đen, người Nam Mĩ hay người Ấn Độ chính gốc trong ban lãnh đạo cao nhất của Đảng; các nhà lãnh đạo khu vực bao giờ cũng được chọn ngay trong khu vực đó. Không vùng nào ở Oceania cảm thấy mình là dân thuộc địa, bị điều khiển từ một thủ đô xa xôi nào đó. Oceania không có thủ đô, người đứng đầu nhà nước hiện ở đâu cũng không ai biết. Ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ chung và Ngômo là ngôn ngữ chính thức ra, người ta không thấy một biểu hiện trung ương tập quyền nào. Những người cầm quyền liên kết với nhau không phải do quan hệ huyết thống mà là do cùng trung thành với một học thuyết. Xã hội ta là xã hội phân biệt đẳng cấp, mà lại phân biệt rất rõ nữa, mới nhìn thì cứ tưởng việc phân chia là do cha truyền con nối. Việc nhảy từ giai tầng này sang giai tầng khác ít xảy ra hơn thời tư bản chủ nghĩa, thậm chí ít hơn cả thời tiền công nghiệp. Việc chuyển đảng viên từ nhánh này sang nhánh kia cũng đôi khi xảy ra, nhưng chỉ ở mức tối thiểu sao cho có thể loại bỏ được những kẻ yếu đuối khỏi Đảng Nội Bộ và cho những đảng viên có nhiều tham vọng của Đảng Ngoại Vi lên để họ khỏi gây rắc rối mà thôi. Vô sản, trên thực tế, không được vào Đảng. Những người vô sản tài ba, có khả năng trở thành trung tâm bất mãn, sẽ bị Cảnh Sát Tư Tưởng theo dõi và trừ khử. Nhưng đấy không phải là nguyên tắc và cũng không xảy ra thường xuyên. Đảng không phải là một giai cấp theo nghĩa cũ của từ này. Đảng không đặt mục tiêu truyền ngôi cho con em của mình, nếu không thể tìm được những người có năng lực nhất trong tầng lớp chóp bu thì Đảng sẵn sàng tuyển cả một thế hệ lãnh đạo mới từ tầng lớp vô sản. Việc đảng không phải là tập đoàn cầm quyền cha truyền con nối đã giúp ngăn chặn được phong trào đối lập trong những giai đoạn quyết định. Những người xã hội chủ nghĩa kiểu cũ, những người đã từng được đào luyện trong cuộc đấu tranh chống lại cái gọi là “đặc quyền đặc lợi giai cấp” cho rằng không thế tập thì chẳng thể bền. Họ không hiểu rằng sự kế tục của băng đảng không dứt khoát phải mang tính di truyền, họ cũng không có thì giờ để nghĩ rằng tầng lớp quí tộc thế tập thường chóng “phải ra quét chùa”[2], trong khi các tổ chức chọn người theo kiểu tuyển lựa, như nhà thờ Thiên Chúa Giáo chẳng hạn, có thể tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm. Thực chất của kiểu quản lí băng đảng không phải là cha truyền con nối mà là sự ổn cố của một thế giới quan và một cách sống, do người chết áp đặt lên người sống. Nhóm đương quyền chỉ còn đương quyền khi có khả năng chỉ định được người kế tục. Đảng không quan tâm đến việc lưu lại dòng máu của mình, Đảng chỉ quan tâm đến việc lưu lại chính mình. Ai nắm quyền không quan trọng, miễn là xã hội đẳng cấp như thế này cứ tồn tại mãi là được.

Tất cả các tín ngưỡng, thói quen, thị hiếu, tình cảm, thái độ đặc trưng cho thời đại chúng ta, đã được định hình sao cho có thể duy trì mãi tính chất thần bí của Đảng và ngăn không cho người ta hiểu được thực chất của chế độ hiện hành. Ngày nay, không chỉ khởi nghĩa, mà ngay cả những bước chuẩn bị đầu tiên cho một cuộc khởi nghĩa cũng không thể nào thực hiện được. Vô sản chẳng phải sợ ai. Tự thân họ sẽ cứ sống như thế từ thế hệ nọ đến thế hệ kia, từ thế kỉ này sang thế kỉ khác; họ sẽ vẫn làm, vẫn sinh con đẻ cái rồi chết; không bao giờ nghĩ đến khởi nghĩa, thậm chí không bao giờ nghĩ rằng người ta có thể sống khác hiện nay. Họ chỉ có thể trở thành mối đe doạ khi tiến bộ kĩ thuật đòi hỏi phải đào tạo họ thành những người có học thức hơn, nhưng vì công cuộc cạnh tranh về quân sự cũng như thương mại đã trở thành không quan trọng, nền giáo dục quốc dân thực chất là đang đi xuống. Quần chúng nghĩ gì hoặc chẳng nghĩ gì không phải là việc đáng quan tâm. Họ được tự do tư tưởng vì đằng nào họ cũng chẳng có tư tưởng gì. Đảng viên thì lại khác, ngay cả một sự lệch lạc tối thiểu về tư tưởng đối với những vấn đề đơn giản nhất cũng bị coi là không thể chấp nhận được.

Đảng viên, từ khi sinh đến khi chết, phải sống dưới sự giám sát thường xuyên của Cảnh Sát Tư Tưởng. Ngay cả khi ở một mình, anh ta cũng không dám chắc chỉ có một mình. Dù ở đâu, dù thức hay ngủ, dù đang làm việc hay đang nghỉ ngơi, dù đang ở trên giường hay trong phòng tắm; anh ta vẫn có thể bị theo dõi mà không được thông báo, cũng như không biết mình đang bị theo dõi. Hành vi nào cũng là quan trọng hết. Bạn bè của anh ta, cách anh ta nghỉ ngơi, cách anh ta đối xử với vợ con, nét mặt khi anh ta ở một mình, lời anh ta nói lúc ngủ mê, ngay cả những động tác đặc thù của cơ thể, tất cả đều được nghiên cứu một cách kĩ lưỡng. Không chỉ hành vi mà bất kì một sự lập dị nào, bất kì thói quen mới nào, bất kì một động tác nóng nảy nào, có thể biểu lộ triệu chứng của sự giằng xé nội tâm chắc chắn đều được ghi nhận. Anh ta không được tự do lựa chọn bất cứ vấn đề gì. Nhưng mặt khác, hành vi của anh ta lại không được điều chỉnh bởi bất kì điều luật hay qui định thành văn nào. Oceania không có luật. Không có tư tưởng và hành vi nào bị cấm một cách chính thức (ngay cả đấy là những tư tưởng và hành vi đáng tội tử hình, nếu bị phát hiện); những cuộc thanh trừng, những vụ bắt giữ, tra tấn, tù đày và bốc hơi bất tận không có mục đích trừng phạt một tội cụ thể đã phạm, mà đơn giản chỉ là việc loại bỏ những phần tử có thể sẽ phạm tội trong tương lai mà thôi. Đảng viên không chỉ cần có quan điểm đúng mà còn phải có bản năng đúng nữa. Thái độ và quan điểm của anh ta không bao giờ được công bố công khai và không thể công bố nếu không bóc trần những mâu thuẫn nội tại của Chuanh. Nếu bản chất anh ta là người chính thống (Ngômo gọi là chánhtưduy) thì trong bất kì trường hợp nào, anh ta cũng biết phải có thái độ và tình cảm như thế nào, mà không cần suy nghĩ dù chỉ một giây. Việc đào luyện ngay từ lúc bé trên cơ sở những từ như ngưngtội, trắngđennướcđôi đã làm cho anh ta không còn muốn và không thể suy nghĩ bất cứ chuyện gì một cách thấu đáo nữa.

Đảng viên phải luôn tràn đầy nhiệt huyết và không được có bất kì tình cảm riêng tư nào. Anh ta phải luôn luôn sôi sục căm thù bè lũ cướp nước và bán nước, phải luôn luôn hân hoan với mỗi chiến công, phải tự hạ mình trước sức mạnh và trí tuệ của Đảng. Những bất mãn vì cuộc sống ô trọc và bức bối được hướng một cách có chủ đích vào các đối tượng bên ngoài và được xua đi bằng các biện pháp như Hai Phút Hận Thù; những tư tưởng có thể dẫn đến thái độ hoài nghi và chống đối đã bị tính kỉ luật, tiếp thu được từ ngày còn bé, giết chết ngay từ trong trứng nước. Bước đầu tiên và đơn giản nhất của tinh thần kỉ luật, ngay trẻ con cũng tiếp thu được, gọi bằng Ngômongưngtội. Ngưngtội là khả năng ngăn chặn ngay lập tức, có thể nói là theo bản năng, mọi ý nghĩ tội lỗi trước khi nó xuất hiện. Nó bao gồm khả năng không nhận thấy những trường hợp tương tự, không phát hiện được những sai lầm có tính logic, không chịu hiểu những luận cứ đơn giản nhất nếu như luận cứ ấy đi ngược lại quan điểm của Chuanh, phải tỏ ra chán và không chấp nhận mọi luồng tư tưởng có thể dẫn vào con đường ngoại đạo. Tóm lại, ngưngtội là ngu si để được an toàn. Nhưng ngu si không chưa đủ. Ngược lại, chính thống, theo đúng nghĩa của từ này, đòi hỏi người ta phải kiểm soát được tất cả các quá trình tâm lí như người uốn dẻo kiểm soát cơ thể của họ vậy. Nói một cách rốt ráo thì toàn bộ xã hội của Oceania được xây dựng trên niềm tin rằng Anh Cả là người cực kì thông thái, còn Đảng thì không bao giờ sai. Nhưng vì Anh Cả không phải là người cực kì thông thái mà Đảng thì cũng rất hay sai cho nên cần phải thường xuyên, từng phút từng giây, xử lí quá khứ một cách mềm dẻo. Mấu chốt là từ trắngđen. Giống như nhiều từ Ngômo khác, từ này có hai nghĩa hoàn toàn đối nghịch nhau. Đối với kẻ thù thì đấy là thói quen tuyên bố một cách trâng tráo rằng đen là trắng, bất chấp sự thật hiển nhiên. Đối với đảng viên thì đấy là sẵn sàng tự nguyện nói rằng đen là trắng khi kỉ luật Đảng đòi hỏi như thế. Nhưng nó còn đòi hỏi phải tin rằng đen là trắng, hơn nữa phải biết đen là trắng, và quên đi là trước đây mình đã từng tin ngược lại. Điều đó đòi hỏi phải thường xuyên sửa lại quá khứ. Việc sửa lại quá khứ được thực hiện trên cơ sở một phương pháp tư duy, thực chất đây là phương pháp bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống, gọi theo Ngômonướcđôi.

Quá khứ phải được sửa lại vì hai lí do. Lí do phụ, có tính chất phòng ngừa như sau: đảng viên, cũng như vô sản, phải chấp nhận điều kiện sống như hiện nay vì họ không có tiêu chuẩn nào để so sánh. Để có thể luôn tuôn tin rằng chúng ta sống sướng hơn tổ tiên và mức sống ngày càng được nâng cao, người ta phải bị cắt đứt với quá khứ, cũng như không được tiếp xúc với người ngoại quốc. Nhưng có một lí do quan trọng hơn nhiều, đấy là chặn đứng mọi nghi ngờ rằng đảng cũng có thể sai. Muốn chứng minh Đảng luôn luôn dự đoán đúng thì phải sửa không chỉ những bài diễn văn, những số liệu thống kê và những tài liệu khác cho phù hợp với tình hình hiện tại. Hơn nữa, không được thừa nhận bất kì sự thay đổi nào trong lí thuyết cũng như đường lối chính trị nữa. Bởi vì, thay đổi quan điểm hay đường lối chính sách nghĩa là thừa nhận mình yếu. Nếu, lấy thí dụ, Eurasia là kẻ thù (hoặc Eastasia, ai là kẻ thù không quan trọng) thì nó đã luôn luôn là kẻ thù. Phải sửa tất cả những sự kiện chứng minh ngược lại. Cứ phải viết đi viết lại lịch sử là vì thế. Việc xuyên tạc quá khứ do Bộ Sự Thật tiến hành hằng ngày cũng cần thiết cho sự ổn định của chế độ như việc theo dõi và đàn áp do Bộ Tình Yêu làm mà thôi.

Tính khả biến của quá khứ là luận điểm cơ bản nhất của Chuanh. Luận điểm này khẳng định rằng, những sự kiện của quá khứ không tồn tại một cách khách quan, chúng chỉ có trên giấy và trong đầu óc người ta mà thôi. Quá khứ là tất cả những gì được ghi bằng giấy trắng mực đen và phù hợp với kí ức. Và vì Đảng quản lí tất cả mọi loại tài liệu, cũng như hoàn toàn làm chủ đầu óc của các đảng viên, nên Đảng thích quá khứ thế nào thì nó sẽ là thế ấy. Từ đó, lại có thể kết luận rằng, mặc dù quá khứ là khả biến, nó chưa hề bị biến đổi trong một thời khắc cụ thể nào đó. Vì, khi nó được tái tạo trong một hình thức cần thiết nào đó cho phù hợp với hoàn cảnh thì đấy chính là quá khứ, làm gì còn một quá khứ nào khác. Điều này đúng ngay cả khi một sự kiện nào đó bị sửa chữa, đến không còn nhận ra được, mấy lần trong một năm. Lúc nào Đảng cũng nắm được chân lí tuyệt đối, cho nên phải nói cái tuyệt đối chính là cái đang là. Dễ dàng thấy rằng làm chủ quá khứ phụ thuộc chủ yếu vào việc rèn luyện trí óc. Sửa tất cả tài liệu cho phù hợp với đòi hỏi của hiện tại là công việc không cần một chút sáng tạo nào. Nhưng quan trọng hơn, là phải nhớ sự kiện đã xảy ra theo đúng chiều hướng mong muốn. Nếu cần phải xào xáo kí ức hay sửa lại tài liệu thì cũng phải lập tức quên ngay là mình đã làm chuyện đó. Trò này cũng có thể học được, nó cũng chỉ là một trong những cách rèn luyện trí năng mà thôi. Đa số đảng viên cũng như những người thông minh hay sùng tín đều nắm được. Ngôn ngữ cũ gọi đấy là “chinh phục hiện thực”. Ngômo thì gọi là nướcđôi, mặc dù nướcđôi bao hàm nhiều lĩnh vực hơn.

Nướcđôi nghĩa là khả năng giữ trong đầu cùng một lúc hai quan điểm trái ngược nhau. Một đảng viên thông minh luôn luôn biết lái kí ức của anh ta vào đúng hướng cần thiết và như vậy, anh ta biết rằng mình đang chơi trò đánh lận con đen, nhưng nhờ phương pháp tư duy theo kiểu nướcđôi mà anh ta lại lấy làm hài lòng là hiện thực không hề bị xúc phạm. Đây là quá trình đòi hỏi phải tỉnh giác, vì, nếu không sẽ không thể nào chính xác được; nhưng lại phải làm một cách vô thức, vì, nếu không, sẽ có cảm giác giả mạo, nghĩa là có lỗi. Nướcđôi chính là phần tinh tuý nhất của Chuanh, vì, thực chất là Đảng sử dụng mánh khoé bịp bợm một cách có ý thức, trong khi vẫn giữ vững mục tiêu, nghĩa là phải hoàn toàn trung thực. Nói một điều mình biết rõ là dối trá, trong khi lại chân thành tin vào nó; quên ngay sự kiện khi thấy không còn phù hợp, nhưng lại lôi được nó ra từ trong kí ức khi cần; phủ nhận sự tồn tại của thực tế khách quan, trong khi vẫn phải tính đến chính cái thực tế mà mình vừa phủ nhận đó, đấy là những điều cực kì cần thiết phải nhớ. Lại còn phải áp dụng thái độ nướcđôi khi sử dụng chính từ nướcđôi nữa kia. Vì người ta biết rằng sử dụng từ đó nghĩa là đang dùng trò đánh lận con đen đối với hiện thực; phải cần một cú nướcđôi nữa để xoá nó khỏi đầu và cứ thế, không bao giờ ngừng, mà trong tiến trình đó, giả dối bao giờ cũng đi trước sự thật đúng một bước. Cuối cùng, nhờ nướcđôi mà Đảng đã, cũng có thể là sẽ tiếp tục hàng ngàn năm nữa, chặn đứng được vòng quay của bánh xe lịch sử.

Tất cả các tập đoàn băng đảng trong quá khứ đều bị mất quyền lực vì bệnh giáo điều cứng nhắc hoặc trở nên quá mềm yếu. Họ, hoặc là trở thành những kẻ ngu dốt và ngạo mạn, không thể tự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và bị lật đổ; hoặc là trở thành những người có tư tưởng tự do, nhút nhát và cũng bị lật đổ. Có thể nói, họ thất bại là vì tỉnh giác hoặc vì thiếu tỉnh giác. Việc sáng tạo ra một phương pháp tư duy cho phép cả tỉnh thức và vô thức cùng song hành là một thắng lợi to lớn của Đảng. Chỉ có trên cơ sở tri thức đó, Đảng mới có thể duy trì quyền lực “đến muôn đời sau”. Người muốn nắm quyền hoặc muốn tiếp tục nắm quyền phải biết cách bóp méo cảm nhận thực tại. Vì bí quyết của bá quyền là sự kết hợp giữa niềm tin vào sự đúng đắn của mình và khả năng học hỏi từ những sai lầm của quá khứ.

Chẳng cần phải nói rằng chính những người phát minh ra nướcđôi đã coi đây là một hệ thống lừa bịp vĩ đại và là những người sử dụng nướcđôi một cách tài tình nhất. Trong xã hội ta, người nắm được thông tin nhiều nhất lại chính là người xa rời thực tế nhất. Nói chung, càng hiểu nhiều thì càng lắm ảo tưởng; càng thông minh thì càng ít tỉnh táo. Có thể thấy rõ điều đó qua minh hoạ sau đây: người càng làm to càng hiếu chiến. Chính những người bị trị trong các vùng tranh chấp lại có thái độ hữu lí nhất đối với chiến cuộc. Đối với họ, chiến tranh chỉ là những tai hoạ liên tục đập vào người như sóng thủy triều vậy thôi. Bên nào thắng không thành vấn đề. Họ biết rằng, thay đổi chính thể cũng chỉ có nghĩa là họ vẫn làm những công việc cũ cho những ông chủ mới, còn các ông chủ mới thì đối xử với họ cũng hệt như các ông chủ cũ. Những người lao động ở vị trí ưu tiên hơn một chút mà ta gọi là “cu li” chỉ thỉnh thoảng mới biết chiến tranh là thế nào. Khi cần, họ có thể bị kích động cho đến gần như điên loạn vì căm thù hay hoảng loạn, nhưng nếu được để yên thì còn lâu họ mới nhớ đến chiến tranh. Hăng hái chiến đấu nhất là các đảng viên, đặc biệt là đảng viên Đảng Nội Bộ. Tin tưởng nhất vào việc chinh phục toàn thế giới lại chính là những người biết rằng đó là việc không thể nào thực hiện được. Sự liên kết kì quặc giữa các mặt đối lập: hiểu biết và ngu đần, vô liêm sỉ và cuồng tín là đặc trưng cơ bản của xã hội Oceania. Hệ tư tưởng chính thức đầy rẫy mâu thuẫn. Theo đó, Đảng, nhân danh chủ nghĩa xã hội, đã bác bỏ và phỉ báng tất cả những nguyên tắc cơ bản của phong trào xã hội chủ nghĩa. Đảng truyền bá một thái độ khinh miệt, chưa từng có trong các thế kỉ trước, đối với giai cấp công nhân; nhưng lại cho các đảng viên mặc những bộ đồng phục vốn một thời được dùng cho những người lao động chân tay. Đảng phá hoại ngầm một cách có hệ thống sự gắn bó của gia đình, nhưng lại gọi lãnh tụ của mình bằng một cái tên nhắc nhớ trực tiếp đến tình cảm họ hàng. Ngay tên gọi của bốn Bộ đang quản lí chúng ta cũng cho thấy mức độ trâng tráo của họ trong việc đổi trắng thay đen. Bộ Hoà Bình thì tiến hành chiến tranh, Bộ Sự Thật thì làm tài liệu giả, Bộ Tình Yêu thì tra tấn, còn Bộ Ấm No thì bỏ dân chết đói. Nhưng đấy không phải là vô tình, cũng không phải là thói đạo đức giả, đấy là nướcđôi trong thực tiễn. Vì chỉ có hoá giải được các mặt đối lập thì mới vĩnh viễn nắm giữ được quyền lực. Đấy là cách duy nhất có thể cắt đứt cái chu kì đã có tự ngàn xưa. Nếu muốn ngăn chặn vĩnh viễn sự bình đẳng giữa người với người, nếu tầng lớp mà ta vẫn gọi là thượng lưu muốn nắm giữ mãi vị trí độc tôn của họ thì trạng thái tinh thần chủ đạo của xã hội phải là sự điên rồ được kiểm soát.

Nhưng còn một vấn đề nữa, cho đến nay ta chưa nói tới. Đấy là, tại sao phải ngăn chặn sự bình đẳng giữa người với người? Giả sử như cơ chế của quá trình được trình bày một cách chính xác thì động cơ nào thúc đẩy người ta tiến hành một khối lượng công việc đồ sộ, theo một kế hoạch chính xác nhằm chặn đứng vòng quay của bánh xe lịch sử tại một thời điểm nhất định?

Chúng ta đang tiến gần đến bí mật quan trọng nhất. Như chúng ta đã thấy, tính chất thần bí của Đảng, nhất là Đảng Nội Bộ, phụ thuộc trực tiếp vào nướcđôi. Nhưng bên dưới nó là cái động cơ nguyên thủy, cái bản năng chưa hề được khảo sát, dẫn đến việc đầu tiên là chiếm quyền, sau đó mới tạo ra nướcđôi, rồi thành lập Cảnh Sát Tư Tưởng, rồi tiến hành chiến tranh liên miên và đủ thứ cần thiết khác cho chế độ. Động cơ đó là…"

Winston cảm thấy được sự im lặng, như người ta nghe thấy âm thanh vậy. Anh thấy dường như Julia không hề động đậy đã khá lâu rồi. Cô nằm nghiêng, hở từ thắt lưng trở lên, má đặt trên lòng bàn tay, một lọn tóc đen vắt ngang qua mắt. Ngực cô đưa lên đưa xuống một cách chậm rãi và nhịp nhàng.

“Julia?”

Không thấy cô trả lời.

“Julia, em ngủ hả?”

Vẫn không thấy cô trả lời. Cô đang ngủ. Anh gấp sách rồi thả nhẹ xuống sàn và nằm xuống, kéo chăn đắp cho cả hai người.

Anh nằm yên, tiếp tục suy nghĩ, thế là anh vẫn chưa biết được cái bí mật quan trọng nhất. Anh hiểu làm thế nào, nhưng không hiểu tại sao. Chương I và chương III không có gì mới, nó chỉ hệ thống lại những kiến thức mà anh đã biết. Nhưng sau khi đọc xong thì anh biết một cách chắc chắn rằng mình không điên. Thiểu số, ngay cả rút lại chỉ còn một người cũng không có nghĩa là điên. Thật và giả luôn luôn tồn tại, nếu ta bám chặt vào sự thật, dù cho có phải chống lại cả thế gian thì ta vẫn không phải là một người điên. Một tia nắng vàng chiếu qua cửa sổ và rơi xuống cái gối. Winston nhắm mắt lại. Tia nắng mặt trời âm ấm vờn trên má cùng với những xúc chạm vào da thịt mềm mại của người con gái tạo ra trong anh cảm giác tin tưởng vừa mơ màng, vừa mạnh mẽ. Anh vẫn an toàn, mọi việc vẫn tốt. Anh thiếp đi, miệng lẩm bẩm: "Sáng suốt không phải là số liệu thống kê", thâm tâm thấy như câu đó chứa cả một đạo lí sâu sắc.


[1] Nguyên văn: like three sheaves of corn - giống như ba cây ngô.

[2] Nguyên văn shortlived – mau chết, chóng tàn.