Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Tuần báo Văn (1957-1958)

FB Lại Nguyên Ân

TUẦN BÁO “VĂN” (1957-58) – ĐỨA CON ĐẦU LÒNG

CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Không ít bạn đọc ngày nay vẫn tưởng rằng tuần báo VĂN NGHỆ hiện nay là tờ báo đầu tiên duy nhất của Hội Nhà Văn Việt Nam. Thật ra, VĂN NGHỆ hiện nay là kế tục tờ báo thứ hai của Hội – tờ VĂN HỌC, ra số đầu vào 25.5.1958, đến năm 1963 được hợp nhất với Tạp chí VĂN NGHỆ của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam để trở thành tuần báo chung của Hội Liên hiệp VHNTVN; chỉ đến 1978 VĂN NGHỆ mới trở lại là tuần báo của Hội nhà văn VN.

Thật ra, đứa con đầu lòng của Hội Nhà văn Việt Nam là tuần báo VĂN, chỉ tồn tại trong gần 1 năm, với 37 số báo.

Vào ngày đầu tháng 4.1957, cách nay tròn 60 năm, 278 người, được coi là đại diện cho giới viết văn, từ các nơi trên miền Bắc, được mời dự Hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam, họp tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, Hà Nội, thông qua điều lệ, phương hướng hoạt động, chương trình công tác 3 năm. Trong Điều lệ có đoạn nói rõ: “Trên cơ sở cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đoàn kết mọi nhà văn yêu nước và tiến bộ, không phân biệt tôn giáo, xu hướng chính trị, xu hướng nghệ thuật.” (điều III). Bỏ phiếu kín bầu Ban chấp hành khóa đầu tiên: 25 người trúng cử. Hội nghị quyết định: 25 người trong Ban chấp hành đầu tiên này là 25 hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (Nông Quốc Chấn, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Anh Thơ, Mộng Sơn, Cầm Biêu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Sao Mai, Tố Hữu, Hoàng Tích Linh, Nguyên Hồng, Bửu Tiến, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi, Phạm Huy Thông, Tế Hanh, Nam Trân, Vũ Tú Nam, Hoàng Trung Thông, Xuân Miễn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân).

Ngày 10.4.1957, hội nghị BCH lần 1 cử ra ban thường vụ gồm: chủ tịch Hội: Nguyễn Công Hoan, phó chủ tịch: Tú Mỡ, tổng thư ký: Tô Hoài, phó tổng thư ký: Nguyễn Xuân Sanh, và 3 uỷ viên: Nguyên Hồng, Tế Hanh, Đoàn Giỏi.

Ngày 25 và 26.4.1957, hội nghị BCH lần 2 thông qua đề án xuất bản báo Văn và thành lập Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.

Tuần báo Văn với Chủ nhiệm Nguyễn Công Hoan, Thư ký toà soạn Nguyên Hồng và 2 uỷ viên ban biên tập là Tú Mỡ và Tế Hanh. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn với Giám đốc Tô Hoài và 3 uỷ viên ban biên tập: Hoàng Cầm, Đoàn Giỏi, Nguyễn Văn Mãi. Hội nghị này cũng quyết định lập ra ban kết nạp hội viên (trưởng: Tú Mỡ, phó: Nguyên Hồng, có một tiểu ban giúp việc), ban chế độ công tác sáng tác (trưởng: Nguyễn Công Hoan, phó: Nguyễn Xuân Sanh, có một số uỷ viên), ban nghiên cứu sáng tác (trưởng: Tô Hoài), ban văn học nước ngoài (trưởng: Nguyễn Xuân Sanh, uỷ viên: Nguyễn Tuân, Phạm Huy Thông). Ban thường vụ Hội quyết định lập cơ quan Hội, quy định biên chế cơ quan gồm một số nhà văn và một số cán bộ hành chính.

Tuần báo Văn xuất bản vào ngày thứ sáu hằng tuần, số 1 ra ngày 10.5.1957, và, − ngoài mong muốn và dự liệu của giới lãnh đạo văn nghệ hay chăng (hay vẫn nằm trong số những dự liệu ấy?), − chính tờ báo này đã làm nên một đoạn phiêu lưu nữa, (sau các tập sách “Giai phẩm” và báo “Nhân văn” hồi 1956) như giọt nước làm tràn ly: với nó và sau nó, sự đấu tranh giữa những khác biệt trong nội bộ nền “văn nghệ cách mạng” này được công nhiên chuyển thành đấu tranh giữa “ta” với “địch”, một số “đồng chí” trong hàng ngũ được chuyển thành những “kẻ thù” và bị trừng phạt, bị trục xuất khỏi hàng ngũ, bị làm cho ô nhục bằng ngôn từ và bằng áp đặt sự phân biệt đối xử.

Ta hãy quan sát kỹ hơn những gì xảy ra với tuần báo Văn.

Văn là tuần báo ra ngày thứ sáu, chuyên về “sáng tác, phê bình, giới thiệu, sinh hoạt văn học, tin văn thơ”. Thành phần bài vở chính trong mỗi số là đăng sáng tác thơ văn, phê bình tiểu luận, chuyện nghề văn, thời sự văn hóa văn nghệ; một phương diện phục vụ chính trị không thể thiếu của báo là mảng hoạt kê và châm biếm chính trị: tranh đả kích, thơ trào phúng trong các mục “mũi nhọn”, “bia miệng”, đối tượng luôn luôn là “đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm”.

Văn có nét thông thường ở hầu hết các tờ báo của giới nhà văn: phần trang nhiều nhất dành đăng sáng tác thơ văn, dư luận văn nghệ. Có lẽ nét mới thấy rõ ở nó so với tuần báo Văn nghệ trước đấy là việc phản ánh sinh hoạt câu lạc bộ Hội nhà văn, hoặc những thông tin khá hồ hởi xung quanh những ngày đầu hoạt động của Hội nhà văn, nhất là những động thái triển khai việc xét kết nạp hội viên đợt đầu tiên…

Tuy nhiên, vào lúc đã ra được 10 số đầu, tờ tuần báo của Hội Nhà văn như bị dội nước lạnh khi trên tạp chí Học tập, cơ quan lý luận chính trị của trung ương Đảng Lao động VN, số 7.1957, xuất hiện bài “Tuần báo Văn và con người thời đại” của tác giả Thế Toàn (Trịnh Xuân An), theo đó, những sáng tác đăng tải trên 10 số Văn đầu tiên được đánh giá khá tiêu cực: chủ đề của nhiều văn, thơ đăng ở đây “toàn là những thứ lượm lặt ngoài rìa cuộc sống”, “không ăn nhập gì với cuộc sống, không dính dáng gì đến những con người vĩ đại và dũng cảm của thời đại chúng ta”; tóm lại, theo Thế Toàn, “Tờ báo hầu như xa rời thực tế, xa rời cuộc sống, tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng”.

Trước sự phê bình của tạp chí Học tập, ban biên tập tuần báo Văn và không ít nhà văn đã có phản ứng khá gay gắt. Lần lượt, các ý kiến của thư ký tòa soạn Nguyên Hồng (“Tuần báo Văn và một số bài của báo cần được nhận định như thế nào?” // Văn số 15, ngày 16.8.1957), của Nguyễn Văn Bổng (“Nhận lại phương hướng qua việc phê bình tuần báo Văn” // Văn số 20, ngày 20.9.1957), Lê Minh (“Xây dựng con người thời đại” // Văn số 21, ngày 27.9.1957), Tô Hoài (“Góp thêm vài ý kiến về con người thời đại” // Văn số 22, ngày 4.10.1957), Nguyễn Tuân (“Phê bình nhất định là khó” // Văn số 23, ngày 11.10.1957), Tế Hanh (“Cùng đặt một số vấn đề” // Văn số 26, ngày 1.11.1957), ở những mức độ khác nhau, hầu hết (đúng ra, trừ một số ý trong bài của Nguyễn Văn Bổng) đều bộc lộ thái độ không tán đồng sự phê bình của tạp chí Học tập.

Việc những người chủ trì tuần báo Văn coi sự góp ý của tạp chí Học tập chỉ như sự phê bình của tờ “báo bạn”, của “đồng nghiệp” − có lẽ đặc biệt gây tự ái nơi tâm lý những người nhân danh báo chí của đảng cầm quyền. Dưới dạng một bài đọc sách, − đây là bài nói chuyện của Trường Chinh tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần II được in thành sách riêng, − hai nhà báo của tạp chí Học tập, Hồng Chương và Trịnh Xuân An, lên tiếng nhắc nhở các nhà văn và Ban biên tập tuần báo Văn; nhan đề bài viết (Học tập, số 8, tháng 8/1957) được hai ông này đặt bằng mệnh lệnh thức: “Phải thấu suốt đường lối văn nghệ của Đảng. Bút ký sau khi đọc cuốn “Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội” của đồng chí Trường Chinh”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc cần phê phán ảnh hưởng của “tư tưởng tư sản” trong sáng tác văn nghệ. Ý nghĩa cảnh cáo lộ rõ trong đoạn kết:

“Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh chống những thiên hướng lệch lạc đi trệch ra ngoài đường lối văn nghệ của Đảng. Chúng ta cũng kiên quyết phản đối thái độ của một số cán bộ đảng viên phụ trách văn nghệ phạm khuyết điểm sai lầm được báo chí Đảng giúp đỡ phát hiện khuyết điểm sai lầm mà không chịu khiêm tốn kiểm điểm và thành tâm sửa chữa, trái lại, lại đả kích và mạt sát báo chí Đảng. Thái độ đó rõ ràng là không lợi cho việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ.”

Nhận xét về cách phê bình của hai ký giả trên tạp chí Học tập, Nguyễn Tuân (báo Văn số 23) nhắc lại mấy câu hỏi của Nguyên Hồng “Có phải vì giáo điều, sơ lược, công thức, nên mới có sự nhận thức và phê phán như thế? Có phải vì tác phong quan liêu, trịch thượng và cái lối đao to búa lớn nên mới có sự nhận xét như thế?”, và Nguyễn Tuân tỏ rõ ý kiến mình:

“Trong việc đánh giá, đặc biệt nhất là ba ông Thế Toàn, Hồng Chương và Trịnh Xuân An đã có những “thái độ trịch thượng và cái lối nói đao to búa lớn”. Tôi cũng đồng ý với ông thư ký tòa soạn báo Văn về cái nhận xét này. Thêm nữa, cá nhân tôi lại còn cảm thấy mấy ông đó đã làm cho người đọc phải hiểu rằng các ông đang lấy Đảng ra để “dọa” anh em viết bài báo”.

Đáp lại sự nhận xét trịch thượng cho rằng giới nhà văn chưa biểu hiện được “con người thời đại”, Nguyễn Tuân lên tiếng như là tiếng nói chung của giới mình:

“ Theo chỗ tôi biết thì đã có một số hiện tượng hách dịch đối với văn nghệ phẩm, xuất phát từ một số người phê bình cũng như từ một số cán bộ chính trị. Tôi rất đồng ý là văn nghệ sĩ, mà nhất là văn nghệ sĩ có tài, càng cần phải khiêm tốn. Nhưng chung quanh, nhất là những người có trách nhiệm về phán đoán cái này cái kia, đề nghị cũng làm như vậy cho. Tôi tán thành cái ý kiến là những “sĩ” của các ngành văn nghệ chúng ta chưa có gì là ghê gớm lắm đâu, về trình độ tư tưởng trình độ văn hóa trình độ nghề nghiệp còn phải học cho nát xương lòi da ra, học cho đến chết mà chắc gì đã nắm hết được quy luật của sự sống. Nhưng cũng không nên vì nó chỉ là “sĩ” của Việt Nam mà đánh giá nó quá thấp quá tồi về khả năng nhạy cảm đối với thực tế khách quan, cho nó là mít là xoài tất trong mọi cảm xúc phiền toái và vĩ đại của thời đại vừa gieo neo vừa lớn lao hiện nay của chúng ta. Trong mọi thực tiễn Việt Nam nói chung các mặt, nếu đã có những tác giả còn non nớt, nếu đã có những tác phẩm yếu xoàng, thì cũng đã có một số cán bộ thực hiện chính trị một cách cũng không được cao tay gì lắm. Đối với nghệ phẩm, anh đến với nó (nhất là thứ tạo ra ở bản xứ) mà anh tham lam quá đáng hoặc hung hăng một cách không cần thiết, thì nó biến mất….”

Lúc này, đến lượt Tạp chí Văn nghệ vào cuộc. Tạp chí này đã tái xuất hiện từ tháng 6/1957 với tư cách cơ quan của Hội Liên hiêp Văn học nghệ thuật Việt Nam, ra hàng tháng, đánh số từ số 1 nhưng ghi rõ trên manchette là tờ tạp chí “xuất bản từ 1948 trong kháng chiến”; chủ nhiệm là Đặng Thai Mai, thư ký tòa soạn là Nguyễn Đình Thi. Chính trên tạp chí này đã có những bài phê phán những sáng tác được coi là có những lệch lạc về tư tưởng, ví dụ “Thao thức” của Đoàn Giỏi (bài phê bình của Nguyễn Văn Bổng, TCVN s. 5, th. 10/1957), “Một ngày chủ nhật” của Nguyễn Huy Tưởng (bài phê bình của Vũ Đức Phúc, TCVN s. 7, tháng 12.1957).

Với tư cách Tổng thư ký Hội LHVHNTVN, thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ, Nguyễn Đình Thi có bài báo dài “Tuần báo Văn với phương hướng sáng tác và phê bình hiện nay” (Tạp chí Văn nghệ số 5, tháng 10.1957, tr. 113-136).

Có phần tán thành nhận định của Thế Toàn và Nguyễn Văn Bổng, đề cập đến các sáng tác đăng 10 số đầu báo Văn, Nguyễn Đình Thi cho rằng “Chúng ta chưa nhìn rõ cái thực tế tiến dần lên chủ nghĩa xã hội của đời sống chung quanh ta được báo Văn phản ánh lên thế nào” … “Tình hình đó không thể coi là bình thường được”. Nguyễn Đình Thi còn phân tích đánh giá về một số bài đăng trên các số Văn, trong đó đặc biệt tỏ rõ dị ứng với các bài thơ “Một giọng đàn, một dòng song” (Hoàng Yến, s. 5), “In dấu chân” (Hoàng Cầm, s. 15), “Lời mẹ dặn” (Phùng Quán, s. 21), hoặc ý kiến của Trần Dần “Nhìn lướt qua thơ văn gần đây” (s. 12). Tuy vậy, cũng có phần chia sẻ với Nguyên Hồng trong phản ứng trước sự phê bình đầy công thức và máy móc của tạp chí Học tập; Nguyễn Đình Thi viết:

“Nguyên Hồng phản ứng mạnh với cái khuynh hướng máy móc, giáo điều nó quan niệm con người mới trong văn học nghệ thuật như một thứ người gỗ, mà không hiểu nổi cái phức tạp phong phú của đời sống và tâm hồn con người, nó cũng không hiểu văn học nghệ thuật và không nắm được cái thực tế đang chuyển biến của sự sáng tác. Cái khuynh hướng cứng nhắc ấy, chúng ta đã phê phán nó khá nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng không phải đã hết. Nó duy trì những bệnh sơ lược, khái niệm, những thái độ đơn giản và độc đoán trong vấn đề tư tưởng và nghệ thuật. Cái khuynh hướng máy móc đơn giản ấy đã có biểu hiện trong bài của Thế Toàn, rõ rệt nhất là trong những nhận xét của Thế Toàn về mấy bài như Phở, Gió, Bích-xu-ra, v.v… Và cái thái độ gò ép, áp đảo ấy cũng thấy trong một bài của Hồng Chương và Trịnh Xuân An tiếp theo bài của Thế Toàn trên tạp chí Học tập số 8. Tôi cho thái độ đó là không đúng”.

Chỉ tìm hiểu qua những gì đăng báo còn lại đến hôm nay thì hẳn là khó có thể biết hết những gì đã thực sự diễn ra trong đời sống thực của văn nghệ một thời đã qua. Nhưng người đang viết những dòng này chưa có thêm phương tiện gì khác hơn là tài liệu in công khai còn lại trên giấy báo. Dù sao cũng có thể thấy những thị uy và uốn nắn đối với tuần báo Văn đã không gây được hiệu quả cụ thể. Nói như Tế Hanh, trong số bài vở đăng trên tuần báo “Văn”, “những bài Nguyễn Đình Thi cho tốt không phải ít hơn những bài xấu, kể cả trong 10 số đầu. Thế thì nên kết luận thế nào?”

Rất có thể vì vậy, tuần báo Văn cứ đi tiếp nhịp đi của mình. Trong số những tác phẩm được đăng trên tờ này đã có thêm khá nhiều những thảo luận về các vấn đề của thơ, thảo luận về việc nên hay không nên tái bản các tác phẩm ra đời trước cách mạng, báo đăng tiếp thơ của Xuân Diệu, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Trần Dần, Lê Đạt…, văn của Nguyễn Huy Tưởng, Bùi Hiển, Hồ Dzếnh, Thụy An, Nguyễn Dậu, Trần Dũng Tiến,…, tiểu luận phê bình của Nguyễn Tuân, Trương Chính, Trần Thanh Mại, v.v… Trong số những tác phẩm đăng lần đầu ở đây, sẽ được nhắc nhở sau này là các tác phẩm như thơ “Hãy đi mãi” (Trần Dần, s. 28, ngày 15.11.1957), “Lời mẹ dặn” (Phùng Quán, s. 21, ngày 27.9.1957), “Bão” (Tế Hanh, s. 32, ngày 13.12.1957), văn: “Đống máy” (Minh Hoàng, s. 34, ngày 27.12.1957), “Ông Năm Chuột” (Phan Khôi, s. 36, ngày 10.1.1958), là truyện dịch “Phòng số 6” của Chékhov đăng liền hơn 10 số đầu, là các tiểu luận Nguyễn Tuân viết về Thạch Lam, về “Kim tiền” của Vi Huyền Đắc, v.v…

Tất nhiên không khó để trừng trị những nhà văn cứng đầu ở tuần báo Văn; và trong việc này, tờ Học tập ra hàng tháng không thể thuận lợi so với tờ Nhân dân ra hàng ngày. Từ cuối tháng 11.1957, hàng loạt bài vở các loại từ tờ nhật báo lớn nhất miền Bắc lúc ấy chĩa mũi nhọn vào báo Văn. Ban đầu nhắm vào từng tác phẩm cụ thể, ví dụ thơ “Lời mẹ dặn” (bài của Trúc Chi, Nhân dân, 24/11/1957), tranh biếm họa “Phương pháp xây dựng văn nghệ” của Trần Duy (bài của Phượng Kim, Nhân dân 8.12.1957), truyện ngắn “Đống máy” (bài của Đặng Phò, Nhân dân 12.1.1957), gợi cho dư luận sự gắn nối “Văn” với “Nhân văn” (Vũ Đức Phúc: Từ “Con người Trần Dần” đến “Đống máy”, Nhân dân 2.2 và 3.2.1958). Lại còn mượn đến những tên tuổi nào đó, nói rằng đó là của “anh em ở miền Nam” (“Một bức thư của anh em từ Sài Gòn gửi cho chúng ta: D. và T.: Chúng tôi không đồng ý với báo Văn” // Nhân dân 17.1 và 18.1.1957). Rồi tiến tới nhận định bao quát (bài của Như Phong: “Góp ý kiến với các đồng chí có trách nhiệm ở báo Văn”// Nhân dân, 9.2, 10.2, 11.2 và 12.2.1957). Sau nữa là đăng tự kiểm điểm của một số “người phụ trách” của báo Văn dưới tiêu đề Các đồng chí ở báo “Văn” bắt đầu tự phê bình, lần lượt là Nguyên Hồng (Nhân dân 2.3.1958), Tô Hoài (Nhân dân 12.3.1958), Tế Hanh (Nhân dân 14.3.1958); lại nữa, không kiềm chế lời mạ lỵ nếu sự tự phê bình của họ chưa được coi là thành khẩn (câu viết sau đây cho thấy sự hạ nhục người bị phê bình:“trường hợp Nguyên Hồng, vì thái độ chưa thật thà thành khẩn và cũng vì trình độ nhận thức quá thấp nên mức tiếp thu rất hời hợt” − N.D., “Để chuẩn bị một thời kỳ văn học nghệ thuật phát triển tươi tốt hơn nữa” // Nhân dân 9.3.1958).

Bên cạnh báo Nhân dân, tham gia phê bình báo Văn còn có nhiều báo khác: báo Cứu quốc với các bài của Đông Hoài, Bùi Huy Phồn, Đặng Vũ Khiêu, Tú Mỡ, Nguyễn Mạnh Hào, Nguyễn Kiến Giang, v.v…; báo Thống nhất với các bài của Trịnh Xuân An, Hồng Chương, Vũ Đức Phúc, Lê Xuân Vũ, v.v…

Trên thực tế, việc phê bình tuần báo Văn chuyển dần hòa dần vào đợt đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm diễn ra liền sau đó.

Ở tuần báo Văn số 37 (ngày 17.1.1958), tòa soạn có lời “kính gửi các bạn yêu quý của báo Văn”, theo đó, “sau 8 tháng làm việc, báo Văn thấy cần phải kiểm điểm công tác trong thời gian qua, rút kinh nghiệm cho công việc mới, chấn chỉnh mọi mặt,… vì lẽ đó, báo sẽ nghỉ 2 kỳ ….” Trên thực tế, đấy chính là lời cáo chung của tờ tuần báo này; lời hẹn của báo về tờ Văn số tết cũng không thành sự thực vì BCH Hội nhà văn không cho phép thực hiện.

Ngày 6.1.1958, Bộ chính trị trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết “Về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ” (Nguyễn Duy Trinh ký), phát động một chiến dịch đấu tranh tư tưởng “quét sạch tư tưởng “Nhân văn” là biểu hiện của tư tưởng thù địch về mặt chính trị, đồng thời cũng là biểu hiện nghiêm trọng của quan điểm văn nghệ tư sản”. Những đợt học tập tập trung dài ngày cho văn nghệ sĩ được tổ chức sau đó, − mà về sự việc này người ta chỉ được biết qua một vài hàng tin vắn trên một số tờ báo, − có thể đã là diễn trường chính của cuộc đấu tranh theo chủ trương nói trên; thật ra, người ta chỉ có thể biết đến chúng thông qua phần nổi là những phê phán rầm rộ trên báo chí miền Bắc từ khoảng giữa tháng 2.1958 đến tháng 6.1958.

Sự phê phán, rủa sả và đấu tố rầm rộ này là sự tiếp tục những phê phán đã có từ vài năm trước, nhất là vào cuối năm 1956; song, suốt thời kỳ đó dù sao vẫn nằm trong quy ước của sự phê bình “trong nội bộ nhân dân”, tức là ít nhiều còn tôn trọng đối tượng bị phê phán, thậm chí ít nhiều chấp nhận có ý kiến trao đổi qua lại. Nhưng đến lúc này, khi mà người ta đã tuyên bố gạt phía bị phê phán sang hàng ngũ kẻ thù thì chỉ còn sự biểu dương lực lượng của một phía: phía những người phê phán có số lượng hết sức đông đảo. Trong hàng loạt những ý kiến bày tỏ một phẫn nộ đại chúng này rất khó thẩm định sự thật của những nội dung tố giác, dù nó hệ trọng đến đâu; sự kiện thấy được chỉ là sự tố giác.

Riêng ở giới văn nghệ, có thể hình dung cuộc phê phán này trên Tạp chí Văn nghệ các số 10 (tháng 3.1958), 11 (tháng 4.1958), 12 (tháng 5.1958), 13 (tháng 6.1958), mở đầu bằng bài của Đặng Thai Mai: “Căn bản vẫn là vấn đề lập trường tư tưởng”, và tạm kết bằng báo cáo của Tố Hữu đọc tại cuộc họp tổng kết hôm 5/6/1958. Trên các bài đấu tranh ấy, những thành viên bị coi là đầu sỏ của nhóm Nhân văn như Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm, Trần Duy, Thụy An, Trần Thiếu Bảo bị phê phán như đấu tố kẻ thù, những cây bút liên quan như Phùng Cung, Phùng Quán, Văn Cao, Hoàng Tích Linh, Đặng Đình Hưng, Trần Lê Văn, v. v… cũng không được đối xử tốt hơn.

Như đã biết, sau sự kiện này, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phùng Cung bị ngồi tù nhiều năm. Riêng trong Hội nhà văn: 3 người gồm Trương Tửu, Thụy An, Phan Khôi “bị khai trừ hẳn ra khỏi hội”; 2 người gồm Trần Dần, Lê Đạt bị khai trừ khỏi hội trong thời hạn 3 năm; Hoàng Cầm bị khai trừ khỏi Ban chấp hành; Hoàng Tích Linh bị cảnh cáo và được rút khỏi Ban chấp hành; các hội viên khác từng tham gia các số Nhân văn và các tập Giai phẩm (các văn bản thường không nêu tên) bị cảnh cáo. Tuy nhiên, những hình phạt mà ban đầu hoặc mang dạng án phạt của luật pháp, hoặc có khi chỉ là kỷ luật trong nội bộ đoàn thể (khai trừ, treo bút,…) kết hợp với xử lý hành chính (buộc cư trú xa thủ đô, bị theo dõi bí mật, buộc theo các nhóm văn nghệ sĩ đi thực tế xuống các địa phương …) trong thực tế đời sống miền Bắc những năm về sau (1958-85) sẽ trở thành những trừng phạt vĩnh viễn về mặt xã hội và công dân. Ấy là chưa nói đến không ít những người khác, vốn không dính líu gì tới sự kiện này, về sau sẽ vô tình trở thành liên lụy, bị tù đày hoặc phân biệt đối xử.

Một vài diễn biến bề sâu của cuộc đấu tranh ấy, từ khoảng những năm 1990 cũng đôi khi được hé lộ lẻ tẻ qua một vài hồi ức.

Sau đợt đấu tranh này, từ 25.5.1958, Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản báo Văn học với thư ký tòa soạn là Nguyễn Đình Thi (chức thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ từ tháng 6.1958 chuyển sang cho Hoài Thanh), tự coi là tờ báo hoàn toàn mới “với tinh thần mới và tên mới”; khẩu hiệu “Vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” được gắn lên manchette tờ báo của Hội Nhà văn VN kể từ thời điểm ấy. Trong lời ra mắt của mình, báo Văn học tuyên bố rằng tuần báo Văn trước đây đã “bị tư tưởng Nhân văn lũng đoạn” nên đã xa rời đường lối văn nghệ của Đảng, rằng các trang báo Văn “đã bị hoen ố vì những bài của nhóm Nhân văn” mà sự độc hại của chúng còn cần phải tiếp tục diệt trừ! Nghĩa là tuần báo Văn không xứng đáng để được kế tục!

Nhưng dù thế nào, sự hiện diện tuần báo VĂN với các tác phẩm thơ, truyện, ký, phê bình, tiểu luận đăng trên đó – mãi mãi vẫn còn đó trong các dấu mốc thời gian. Không ai có thể tẩy xóa những dấu ấn ấy khỏi ký ức lịch sử văn học. Tuần báo VĂN vẫn là đứa con đầu lòng của Hội nhà văn Việt Nam.

2012-2017

LẠI NGUYÊN ÂN

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10211063256236172