Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Đọc thơ Trần Nhân Tông (kỳ 1)

Nguyễn Lương Vỵ

Bìa sách Thơ Trần Nhân Tông

Nguyễn Lương Vỵ phỏng dịch và bình thơ

NXB Q&P - Sống, California,

kết hợp với Amazon phát hành trên mạng toàn cầu, 4.2017

*

Trong kho tàng thi ca cổ điển Việt Nam, Trần Nhân Tông là nhân vật lịch sử rất đặc biệt: Ngài không chỉ là một bậc minh quân lỗi lạc hiếm có, mà còn là một vị thiền sư đã liễu ngộ Phật pháp (được người đương thời tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng hay Phật Hoàng, trở thành vị tổ sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo Việt Nam), đồng thời, cũng là một nhà thơ lớn của dân tộc.

Tác phẩm thơ của Trần Nhân Tông, trải qua nhiều thời kỳ loạn lạc chiến tranh đã bị thất tán khá nhiều. Đến nay, di sản thơ của Trần Nhân Tông đã được sưu tập và lưu giữ chỉ còn khoảng trên dưới 35 bài và một số câu thơ lẻ nằm rải rác ở các bài giảng, ngữ lục, phú... Tuy số lượng thơ còn lại khá khiêm tốn, nhưng giá trị về nội dung tư tưởng, nghệ thuật trong thơ Trần Nhân Tông được người đương thời, cũng như các thế hệ đời sau rất tâm đắc, ca ngợi và ngưỡng mộ.

Thơ của một vị vua anh minh, đởm lược và nhân hậu

Trước hết, với tư cách là vị vua của một nước nhỏ phương Nam, luôn bị áp lực đe dọa xâm lược của nước lớn láng giềng phương Bắc, vua Trần Nhân Tông đã nối nghiệp vua cha Trần Thánh Tông và là một vị vua anh minh, đởm lược, nhân hậu: Lên ngôi khi còn rất trẻ, chưa tròn 20 tuổi (1278), nhưng đã hai lần (1285, 1287) thống lĩnh toàn dân, toàn quân, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của quân Nguyên khi tuổi đời chưa đến 30 tuổi. Thật là một vị vua thiên tài kiệt xuất hiếm có.

Theo sử sách ghi lại, ngày 26 tháng chạp năm Giáp Thân (01.1285), quân Nguyên tấn công cửa ải Chi Lăng, Nội Bàng. Tướng Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) cho lui quân về Vạn Kiếp để tránh sức tiến quân ào ạt của 50 vạn quân Nguyên. Vua Trần Nhân Tông đã lập tức lên thuyền ra Hải Đông gặp tướng Trần Hưng Đạo. Nhà vua không kịp ăn trưa, mãi đến chiều, người lính hầu Trần Lai mới dâng cơm. Tướng Trần Hưng Đạo vâng lệnh vua, chọn những người khỏe mạnh và dũng cảm làm tiên phong, lên thuyền vượt biển vào Nam. Thế quân ta mạnh dần, vô cùng phấn chấn.

“Cối Kê cựu sự quân tu ký,

Hoan Ái do tồn thập vạn binh.”

(Cối Kê chuyện cũ, ngươi nên nhớ,

Hoan Ái vẫn còn mười vạn quân.)

Cũng theo sử sách ghi lại, vua Trần Nhân Tông đã viết hai câu thơ trên và cho gắn ở đuôi thuyền, nhằm hiệu triệu lòng tin tất thắng cho tất cả tướng sĩ.

Hai câu thơ ngắn, nhưng tỏ rõ một tầm nhìn chiến lược, một bản lĩnh lớn lao: Nhà vua liên hệ với tích “Cối Kê” thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu (lúc Việt Vương Câu Tiễn phải lui quân về Cối Kê để dưỡng quân đợi thời cơ, đánh bại được Ngô vương Phù Sai, lập nên nước Việt cường thịnh, bao gồm cả lãnh thổ nước Ngô) với việc châu Hoan châu Ái (thuộc vùng Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh ngày nay) của nước Đại Việt lúc bấy giờ, vẫn còn ém giữ được 10 vạn quân, sẵn sàng chờ lệnh xung trận chiến đấu chống quân Nguyên trong thời điểm đó. Nhà vua đã tỏ rõ bản lĩnh đởm lược của một vị vua trẻ đầy khí phách và tài năng thao lược.

Sau ngày toàn thắng quân Nguyên, khi đến viếng lăng mộ vua Trần Thái Tông (ông nội của vua Trần Nhân Tông), chứng kiến cảnh mấy con ngựa đá trước lăng của ông nội mình bị lấm bùn (do trước đây, bọn giặc Nguyên muốn đào lăng phá hủy nhưng không kịp), nhà vua xúc động nhớ lại cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ Nhất (1258) do vua Trần Thái Tông lãnh đạo, nên đã cảm khái viết hai câu thơ:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.”

(Đất nước hai lần lao ngựa đá,

Núi sông ngàn thuở vững âu vàng.)

Chỉ cô đọng, ngắn gọn trong hai câu thơ bảy chữ, nhưng mỗi chữ như vết khắc in sâu trong tâm tưởng nhà vua: Vừa bày tỏ lòng tri ân, hoài niệm người xưa, vừa là niềm cảm khái mang nét đẹp bi hùng và lòng tự hào, lòng tin son sắt của vị minh quân yêu nước yêu dân!

Cũng vậy, bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt “Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng” (Ngày Xuân Viếng Chiêu Lăng) cô đọng nhưng đong đầy cảm xúc:

“Tì hổ thiên môn túc,

Y quan thất phẩm thông.

Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.”

(Ngàn cửa, uy nghiêm lính,

Bảy phẩm, chỉnh tề quan.

Người lính bạc đầu nhắc,

Chuyện Nguyên Phong còn vang.)

Chuyện Nguyên Phong là nhắc về niên hiệu Nguyên Phong thứ 7 của vua Trần Thái Tông: Ngày 17.01.1258, quân Nguyên tràn tới cánh đồng Bình Lệ (phía Nam Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ), vua Trần Thái Tông đã trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu chống giặc: “Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước, xông pha tên đạn...” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Đến ngày 29.01.1258, tức chỉ nửa tháng sau, vua Trần Thái Tông cùng thái tử Hoàng (vua Trần Thánh Tông sau này) đã phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, chiếm lại Thăng Long, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất.

“Người lính bạc đầu” là nói về những người lính 27 năm về trước (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất), nay đã là những ông già đầu bạc, ngồi ôn lại chuyện cũ với lòng tự hào và xúc động.

Mặc dù đã đánh thắng quân nhà Nguyên xâm lược, nhưng trong chính sách ngoại giao với đối phương, vua Trần Nhân Tông luôn giữ phong thái đĩnh đạc: Khiêm hạ nhưng không yếu hèn, ôn nhu nhưng dũng lược, khoan hòa nhưng vẫn kiên định vững vàng, khiến cho đối phương phải nể nang và tôn trọng.

Những bài thơ “Quỹ Trương Hiển Khanh Xuân Bính” (Tặng Bánh Ngày Xuân Cho Trương Hiển Khanh), “Tống Bắc Sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Mai” (Tiễn Sứ Phương Bắc Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Mai), “Tặng Bắc Sứ Lý Tư Diễn” (Tặng Sứ Phương Bắc Lý Tư Diễn), “Họa Kiều Nguyên Lãng Vận” (Họa Vần Thơ Của Kiều Nguyên Lãng), “Tống Bắc Sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng” (Tiễn Sứ Phương Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng) đã minh chứng rõ ràng cho những điều vừa nêu trên.

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Quỹ Trương Hiển Khanh Xuân Bính” (Tặng Bánh Ngày Xuân Cho Trương Hiển Khanh) được viết trong buổi tiệc chiêu đãi Trương Hiển Khanh (tức Trương Lập Đạo) sang sứ nước Đại Việt lần thứ hai, năm 1291. Nội dung bài thơ khá đơn giản: Miêu tả cảnh họp mặt vui vẻ với sứ thần phương Bắc giữa tiết hàn thực, mồng ba tháng Ba (tiết Thanh Minh), vào cuối mùa Xuân, không khí ấm áp trong lành, nhưng ngầm ý bày tỏ niềm tự hào về vẻ đẹp văn hóa vốn đã có lâu đời của nước Đại Việt. Vẻ đẹp tuy dân dã, dung dị trên mâm bánh trao tặng Trương Hiển Khanh, nhưng bài thơ hàm chứa niềm tự hào về tầng sâu văn hóa của một đất nước vốn đã có nền văn hiến lâu đời:

“Giá Chi vũ bãi, thí Xuân sam,

Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.

Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,

Tòng lai phong tục cựu An Nam.”

(Giá Chi múa xong, thử áo Xuân,

Lại thêm hàn thực, tiết thanh nhuần.

Bánh rau như ngọc hồng ăm ắp,

Tục Việt xưa nay đẹp bội phần.)

Trong bài thơ họa đáp lại, ngỏ lời cảm tạ với vua Trần Nhân Tông, Trương Hiển Khanh đã viết một cách trân trọng, thủ lễ:

“An Nam tuy tiểu văn chương tại,

Vị khả khinh đàm tỉnh để oa.”

(Nước An Nam tuy nhỏ nhưng đã có văn chương,

Chưa thể nói một cách nông cạn, xem thường họ là ếch ngồi đáy giếng.)

Khi tiễn hai sứ phương Bắc là Lý Trọng Tân và Tiêu Phương Nhai về nước, vua Trần Nhân Tông đã viết bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Tống Bắc Sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai” để chia tay với tình cảm chân thành, nhưng vẫn bày tỏ mong ước bang giao giữa hai nước được ôn hòa, tôn trọng lẫn nhau và được gìn giữ lâu dài. Lời lẽ trong bài thơ khiêm hạ, nhưng cũng có ngụ ý nhắc nhở tế nhị với vương triều phương Bắc rằng: Không nên dấy lên cảnh đao binh xâm lược phương Nam nữa, để cho dân hai nước được an hưởng thái bình:

“Khảm khảm linh trì noãn tiễn diên,

Xuân phong vô kế trụ quy tiên,

Bất tri lưỡng điểm thiều tính phúc,

Kỷ dạ quang mang chiếu Việt thiên.”

(Thăm thẳm Linh Trì, tiệc ấm đưa,

Gió Xuân khôn giữ ngọn roi xưa.

Chẳng hay phước báu, sao hai sứ,

Chiếu sáng trời Nam được mấy khuya.)

Cũng vậy, năm 1288, quân nhà Nguyên bị quân nhà Trần đánh bại, Thoát Hoan phải theo đường tắt chạy trốn. Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ bị bắt. Sau đó, theo đối sách ngoại giao mềm mỏng, vua Trần Nhân Tông đã cử sứ sang vương triều Nguyên để “cống” và dâng biểu với lời lẽ khiêm hạ “xin lỗi”. Vì vậy, năm 1289, vua nhà Nguyên cử sứ Lý Tư Diễn sang nước ta, chiêu dụ bằng chiếu “tha tội”, phong tước cho vua nhà Trần như cũ. Đồng thời, yêu sách với vua nhà Trần trao trả các tướng đã bị bắt. Trong buổi tiệc chiêu đãi nầy, Lý Tư Diễn làm thơ, vua Trần Nhân Tông cũng đã viết bài thơ thất ngôn bát cú “Tặng Bắc Sứ Lý Tư Diễn” để họa lại:

“Vũ lộ uông dương phổ Hán ân,

Phượng hàm đan chiếu xuất hồng vân.

Thác khai địa giác giai hòa khí,

Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần.

Tận đạo tỉ thư thập hàng hạ,

Thắng như cầm điện ngũ huyền huân.

Càn khôn kiêm ái vô Nam Bắc,

Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.”

(Ơn Hán như mưa rưới khắp nơi,

Chiếu son phượng ngậm, mây hồng phơi.

Đất nước mở mang hòa khí hẳn,

Thiên hà rửa sạch chiến tranh rồi.

Mươi hàng chiếu chỉ đâu nhiều lắm,

Năm dây đàn quí phải nhường thôi.

Trời đất thương đều Nam với Bắc,

Gian khó lo gì, sấm sét trôi.)

Lời lẽ trong bài thơ khá trân trọng, nhún nhường, “Tận đạo tỉ thư thập hàng hạ / Thắng như cầm điện ngũ huyền huân” (Mươi hàng chiếu chỉ đâu nhiều lắm / Năm dây đàn quí phải nhường thôi). “Mươi hàng chiếu chỉ” mà giá trị vẫn hơn “Năm dây đàn quí”, thể hiện cái ý khiêm hạ, “biết người biết mình”. Trân trọng, nhún nhường nhưng phong thái vẫn đĩnh đạc, đường hoàng với niềm tin: “Càn khôn kiêm ái vô Nam Bắc / Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.” (Trời đất thương đều Nam với Bắc / Gian khó lo gì, sấm sét trôi).

Năm 1301, Kiều Nguyên Lãng (Kiều Công Lượng) là Thị lang bộ Lễ, nhân vật chủ chốt của đoàn sứ nhà Nguyên sang nước ta. Trong buổi tiệc chiêu đãi tiễn khách về nước, vua Trần Nhân Tông đã viết bài thơ thất ngôn bát cú “Họa Kiều Nguyên Lãng Vận” (Họa Vần Thơ Của Kiều Nguyên Lãng):

“Phiêu phiêu hành lý lĩnh vân nam,

Xuân nhập mai hoa chỉ lưỡng tam.

Nhất thị đồng nhân thiên tử đức.

Sinh vô bổ thế trượng phu tàm.

Mã đầu phong tuyết trùng hồi thủ,

Nhãn để giang san thiểu trụ tham.

Minh nhật Lô giang yên thủy khoát,

Bồ đào nộn lục tẩy tâm đàm.”

(Như mây bay, nhẹ bước về Nam,

Mùa Xuân, mai lác đác khoe mầm.

Vua hiền đức lớn, thương trăm họ,

Trai tài chí cả, nợ muôn dân.

Tuyết rung đầu ngựa, niềm lưu luyến,

Mắt chứa non sông, nhịp lắng thầm.

Ngày mai sóng nước sông Lô tiễn,

Bồ đào cạn chén ấm lòng trần.)

Sau khi bày tỏ ân tình với “thượng quốc”: “Nhất thị đồng nhân thiên tử đức / Sinh vô bổ thế trượng phu tàm” (Vua hiền đức lớn, thương trăm họ / Trai tài chí cả, nợ muôn dân) rồi cảm khái: “Mã đầu phong tuyết trùng hồi thủ / Nhãn để giang san thiểu trụ tham” (Tuyết rung đầu ngựa, còn lưu luyến / Mắt chứa non sông, nhịp lắng thầm), rồi bày tỏ mong ước, hy vọng: “Minh nhật Lô giang yên thuỷ khoát / Bồ đào nộn lục tẩy tâm đàm” (Ngày mai sóng nước sông Lô tiễn / Bồ đào cạn chén ấm lòng trần). Đúng là giọng thơ nghĩa khí đĩnh đạc của một bậc minh quân, giàu sức rung động, cảm hóa đối phương bằng chính tấm lòng nhân hậu của mình.

Trong dịp nầy, khi tiễn Ma Hợp và Kiều Nguyên Lãng về nước, vua Trần Nhân Tông đã viết thêm bài thơ thất ngôn bát cú “Tống Bắc Sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng” (Tiễn Sứ Phương Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng) với lời chào tiễn biệt trân trọng và tình nghĩa, kèm theo lời nhắn nhủ, nhắc nhở tế nhị với vương triều phương Bắc về chiếu Trung Thống năm 1261 của Hốt Tất Liệt, vua nhà Nguyên, đại ý nói: “Các phong tục và mũ áo ban cho các quan, nước Đại Việt được theo lệ cũ của mình mà sử dụng.” (Ngoài ra, vua nhà Nguyên còn răn bảo các tướng phía quân Nguyên ở Vân Nam không được đem quân lấn chiếm, cướp bóc và quấy nhiễu vùng biên giới nước Đại Việt). Cuối bài thơ có đoạn:

“... Tiết lăng chướng vụ thân vô dạng,

Tiên phất Xuân phong mã hữu tham.

Đỉnh ngữ nguyện ôn Trung Thống chiếu,

Miễn giao ưu quốc mỗi như đàm.”

(... Cờ tiết khí hung, người vững bước,

Gió Xuân roi vút, ngựa ghìm chân.

Trung Thống chiếu xưa, lời hệ trọng,

Vận nước lo toan được bớt dần.)

Lời lẽ đoạn thơ trên rất ôn nhu, chân thành. Chiếu Trung Thống nhắc lại trong bài thơ còn được gọi là “đỉnh ngữ” (lời chuông vạc), nghĩa là lời hệ trọng của vua đã ban ra, phải vâng phục và làm theo. Vì vậy, lời nhắc nhở của vua Trần Nhân Tông thật thấu tình đạt lý, buộc đối phương phải suy nghĩ, nếu muốn việc bang giao giữa hai nước được duy trì tốt đẹp.

*

Năm 1290, vua Trần Nhân Tông đem quân đi đánh nước Lào, do vua Lào bội ước, nghe lời xúi giục của nhà Nguyên, tạo điều kiện cho quân nhà Nguyên tấn công nước ta từ phía Tây Nam. Bài thơ thất ngôn bát cú “Tây Chinh Đạo Trung” (Trên Đường Chinh Tây), nhà vua đã viết trên đường hành quân chinh phạt:

“Cẩm phàm khinh sấn lãng hoa khai,

Bồng để yêm yêm thủ bất đài.

Tam Giáp mộ vân vô nhạn đáo,

Cửu Than minh nguyệt hữu long lai.

Thê lương hành sắc thiêm cung mộng,

Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi.

Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng,

Nam nhi đắc đắc nhược vi tai.”

(Thuyền gấm rượt nhau tung sóng hoa,

Chẳng ngẩng đầu lên, mui ướt nhòa.

Tam Giáp mây chiều, tin nhạn vắng,

Cửu Than trăng sáng, bóng rồng sa.

Hành cung nuối mộng thêm sầu nhớ,

Chén rượu vơi sầu một bóng ta.

Vua Hán đánh Phiên, đời chán ghét,

Làm trai như vậy, đáng khen à?)

Bút pháp giản dị nhưng rất tài hoa, nhạy cảm, giàu sức liên tưởng khi tác giả nhìn phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên trên đường hành quân: “Tam Giáp mộ vân vô nhạn đáo / Cử Than minh nguyệt hữu long lai” (Tam Giáp mây chiều, tin nhạn vắng / Cửu Than trăng sáng, bóng rồng sa). Hai câu cuối của bài thơ, “Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng / Nam nhi đắc đắc nhược vi tai!” (Vua Hán đánh Phiên, đời chán ghét / Làm trai như vậy, đáng khen à?!) liên tưởng đến việc vua nhà Hán đánh nước Phiên ngày xưa để bày tỏ lòng mình rằng không muốn chuyện binh đao với nước Lào (chỉ là chuyện bất đắc dĩ), không muốn mang tiếng hiếu chiến như vua nhà Hán, cũng là xuất phát từ tấm lòng bi mẫn của một vị vua đầy lòng nhân hậu, không muốn dấy lên cảnh chiến tranh máu lửa, khiến cho hai dân tộc phải rơi vào cảnh tang thương, chết chóc.