Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Một Thời Văn Học Miền Nam 1954-1975

Nguyễn Vy Khanh

ngvykhanhTháng 9-2016 vừa qua, chúng tôi đã cho xuất-bản bộ Văn-Học Miền Nam 1954-1975: nhận-định, biên-khảo và thư-tịch do nhà Nguyễn Publishings (Toronto, Canada) xuất-bản và do hệ thống amazon.com phát hành. Được biết đây là một công trình kéo dài từ nhiều năm qua, nay xuất-bản như một đóng góp cho việc tìm hiểu và bảo tồn một nền văn-học đã bị Cộng-sản Việt-Nam cấm đoán từ sau biến cố 30-4-1975 cho đến nay. Để giới thiệu bộ sách biên-khảo, chúng tôi trích dẫn lại phần lớn phần Dẫn Nhập:

*

Văn-học miền Nam vào giai đoạn này nói chung mang tính nhân-bản của con người hôm nay (vào thời đó), ở đây (miền Nam), với những vấn nạn, thân phận thực hữu, còn mang thêm tinh thần khai phóngđa nguyên. Mở cửa tiếp nhận (và gạn lọc) các khuynh hướng văn-học Âu Mỹ cả Nga, Đông Âu, Mỹ la-tinh, Nhật, v.v., góp phần đa dạng hóa văn-học, tức không minh họa, một chiều như “văn-học” miền Bắc CS cùng thời. Khai phóng còn ở tinh thần làm văn-học, ở sáng tác, ở thái độ và chủ trương khám phá tài năng trẻ, mới. Nhờ vậy mà văn-học miền Nam có nhiều tiếng nói, già trẻ, địa phương, “chiếu” lớn, “chiếu” nhỏ, thiên hữu cạnh thiên tả, “hôm nay” cạnh “dân tộc”, v.v. và có những khuynh hướng tâm linh, tôn giáo, triết lý cùng tham gia trường văn trận bút. Văn-học miền Nam với những đặc điểm nhân bản, khai phóng, đa dạng, bên cạnh tinh thần dân-chủ, tự do, đã là môi trường thuận lợi cho việc phát triển tài năng văn-chương, và đã có những tài năng thật sự, những tác-phẩm đáng kể. Dĩ nhiên chiến-tranh và văn-hóa tính của con người Việt-Nam đã bôi đen một số công trình cũng như gây một số thiệt hại cho nền văn-học dân-tộc!

Một nhà văn xuất thân từ miền Bắc, bà Dương Thu Hương, trong một cuộc phỏng vấn của Đinh Quang Anh Thái, đài Little Saigon Radio, California, nhân ngày 30-4-2000 - “30 tháng Tư 75, nền văn minh đã thua chế độ man rợ”, đã cho biết: “... khi đội quân chiến thắng vào Sài-Gòn năm 1975, trong khi tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ … nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Ðó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Ðó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải....”. Hàm hồ đó bà lại càng sẽ không ngờ vì ngay sau đó, nền văn học với những tác phẩm bà vừa khám phá sẽ bị tịch thu, tiêu hủy cho … đồng dạng với chế độ vô-sản Hà-Nội!

Chiến tranh tuyên truyền, Hà Nội luôn phủ nhận văn-học miền Nam; nếu không là những sai lạc, bóp méo sự thật về sinh hoạt văn-học nghệ thuật ở miền Nam. Việc này được những tay sai thiên tả hoặc thân Cộng như Lê Thành Khôi, Phan Huy Đường, (Nguyễn Khắc Viện), v.v. ở ngoài nước tiếp tay. Nhưng ảnh-hưởng của văn-học miền Nam là thực hữu, ở trong Nam và ở cả miền Bắc cộng-sản – một số các nhà phê bình, biên khảo miền Bắc như Vương Trí Nhàn, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Hưng, v.v. và một thế hệ trẻ hơn cũng đã bắt đầu khám phá những “thành quả” và “tiềm ẩn văn chương” của miền Nam trước 1975; đa số đã nhận thấy giá trị và ý nghĩa của nền văn học tự do và hiện-đại của miền Nam - một nền văn-học bất hạnh và bị bạo lực xóa bỏ, nhưng thời-gian đã cho thấy văn-học dân-chủ tự do và khai phóng đó đã ăn sâu vào tâm thức và nhân sinh quan của nhiều thế hệ độc giả, tại miền Nam và trải rộng ra ở các miền khác của đất nước.

*

Khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về thời kỳ văn-học này vào cuối thập niên 1970 ở hải-ngoại, tài liệu và văn bản của giai đoạn văn-học này hãy còn hiếm hoi, khởi từ ít tài liệu chúng tôi mang theo khi rời khỏi nước, thêm sách báo chụp in lại ở hải-ngoại và các thư viện Library of Congress, đại học Cornell, Harvard và ở Canada. Từ giữa thập niên 1990, với Internet và kỹ thuật số-hóa, nhiều văn bản đã bắt đầu xuất hiện và có thể tham khảo, một số biên khảo, bút ký và tuyển tập bắt đầu xuất hiện (trong nước cũng bắt đầu nghiên cứu, làm luận án), người viết và nghiên cứu sau này dễ dàng hơn chúng tôi trước đó (nhưng xảy ra thêm vấn-đề văn bản bị 'biên tập', sửa lại nguyên tác).

Thời-gian gần đây đã có những trao đổi về phê-bình, nghiên cứu về giai đoạn văn-học miền Nam này với những người thuộc thế hệ trẻ hơn, khiến chúng tôi thấy cần tổng kết lại những gì đã viết. Một lý do khác nhỏ hơn nhưng trắng đen cần phải rõ là đã có những 'nhà' đã sử-dụng lại ý tưởng và văn bản phân tích từ những bài viết của chúng tôi mà không ghi xuất xứ hoặc mập mờ như về Nguyên Sa, Mai Thảo, Nhất Linh, Võ Phiến, về thi ca, về tính dục, nữ quyền, lão hóa, về số phận của văn-học miền Nam sau biến cố 30-4-1975, văn-học chữ quốc-ngữ và các tác-giả thời mở đầu ở Nam-kỳ, v.v. Đây là lý do chúng tôi ghi lại năm tháng ở cuối phần lớn các phần và chương trong sách, dù chúng tôi đã cập nhật toàn bộ tuyển tập này. Với cá nhân chúng tôi, văn-học miền Nam cũng như nắng ấm miền Nam, đã đến và ở lại với chúng tôi từ những năm đầu trung học ở miền Nam cho đến khi ra đến hải-ngoại và về hưu. Phần chúng tôi, chủ quan chắc không thể nào tránh, chúng tôi viết ra những hiểu biết, nhận định của mình với tấm lòng yêu mến văn-chương và Chân Thiện Mỹ và cố gắng dựa trên văn bản gốc. Chúng tôi cũng không dám tự nhận là người làm công việc phê bình văn-học vì nhà phê-bình thường phải đảm nhận vai trò của một nhà lý thuyết và nhà nghiên cứu triết học và văn-chương!

Chúng tôi muốn góp phần lập lại lịch-sử văn-học miền Nam trong cái toàn bộ, nghĩa là trong sự quy định lịch sử và tất yếu trong tính chất không thể phủ nhận được, trong bản chất và trong hệ thống ý nghĩa sâu xa của nền văn-học này. Các tác-phẩm được nhìn như là sản phẩm của một người, một thời đại, mà cả như một vượt lên khách quan qua khỏi các điều kiện xuất phát và hình thành. Đối với chúng tôi, cái còn lại cuối cùng vẫn chỉ là văn-chương! Như một độc giả, nhân chứng rồi nhận định, nghiên cứu qua hành trình trở về quá-khứ không xa lắm, hãy còn trong vùng ''tiềm thức chung'', của tập thể, với tâm niệm ghi lại, đánh giá lại,... chúng tôi làm công việc khai thác ''tư tưởng'' của văn-chương, của ngôn-ngữ. Khi có thể, chúng tôi cũng chú tâm khía cạnh thư-tịch và dữ kiện văn-học trong và bên cạnh văn-học, cốt chứng minh luận cứ và cũng để những người nghiên cứu văn-học sử sau này có thể tra cứu, đánh giá. Đây là việc làm có tính cách cá nhân, không nhận trợ cấp như một số nghiên cứu về cùng giai đoạn này. Với ước mong đạt được điều mà giáo-sư Nguyễn Sỹ Tế từng kết luận khi bàn về việc viết văn-học sử: “Văn-học là một hiện-tượng sáng tạo văn-chương và học thuật của cá nhân trong những điều kiện nội ngoại phối hợp vô cùng phức tạp: người viết văn-học sử vừa phải là người tái tạo, vừa phải là một nhà khoa học đi tìm chân lý khách quan trong khuôn khổ của một triết lý chọn nhận” (Việt-Nam Văn-Học Nghị Luận, Trường Sơn, 1962, tr. 30).

image004

Trong khuôn khổ nhận định và tổng kết văn học sử, chúng tôi tự giới hạn trình bày những nét chính và giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu hoặc người viết có thể biết được với hy vọng có thể giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quan. Chúng tôi cố gắng ghi nhận một số tác giả và tác phẩm trước khi bị thời gian đào thải. Dĩ nhiên đã có nhiều tác phẩm và tác giả đã bị đào thải tự nhiên vì từng là công-cụ đoản-kỳ hoặc không có tính văn nghệ hay văn hóa! Chúng tôi thử nhìn lại những thành quả, dấu ấn của các văn nhóm, phong trào cũng như tác giả và tác phẩm! Đối với văn-học miền Nam giai đoạn 1954-1975, chúng tôi ý thức trách nhiệm của mình đối với một nền văn học mồ côi, xấu số, đã từng bị cấm đoán, loại bỏ. Và nay 40 năm sau, cũng đã có những sự kiện văn-học, những hiện-tượng và tác nhân văn-chương được rõ hơn, thành thử có thể nhận định sẽ chân xác hơn chăng? Đứng ở vị trí người thưởng ngoạn và yêu quí văn học, chúng tôi - như nhiều người cùng chí hướng, muốn chân lý được sáng tỏ và đen trắng như đã từng đen trắng! Với các chế độ độc tài hay toàn trị, tả cũng như hữu, thảm họa cho dân tộc và con người nói chung không chỉ ở những tàn phá, bạo lực, giết chóc, mà nguy cơ chính là vì các chế độ ấy đều muốn kiểm soát chân lý, quá khứ cũng như tương lai! [Văn-học miền Nam bị phần thư, có thể so sánh với số phận với những cuốn sách mà Hitler ra lệnh thiêu hủy. Trong 1001 vies des livres (2014), Eric Dussert và Eric Walbecq đã ghi lại nỗ lực của một số nhà văn lưu vong như Alfred Kantorowicz, André Gide, … đã lập ủy ban tìm cất giấu ở vùng Paris những tác-phẩm bị Hitler thiêu hủy, nhưng nỗ lực đã không thành vì chính phủ Vichy thân Đức quốc-xã đã khám phá ra chỗ giấu và thiêu hủy sách cũng như bắt giam những người của Ủy ban này (Ngày 10-5-1933 trước đó, bộ trưởng tuyên truyền Đức quốc xã Goebbels đã ra lệnh đốt 20.000 cuốn sách). Văn-học miền Nam may mắn hơn chăng trong cùng nỗi bất hạnh? Với Internet, thư viện số và vào thời điểm 2015 hôm nay, ở trong cũng như ngoài nước, đã có nhiều sinh viên, giáo-sư và nhà biên-khảo, phê-bình chuyên nghiệp và “nghiệp dư” đã bắt đầu đi sâu vào mảng văn-học này, dù với mục-đích có thể khác nhau, nhưng cách này hoặc các khác thì vẫn là điềm tốt sau gần 40 năm tác-phẩm bị đốt, cấm, xuyên tạc và người làm văn-nghệ bị đày đọa đến chết hoặc phải bỏ nước lưu vong].

Với chủ trương một nền văn-học bao gồm những gì đã được viết và chính thức xuất-bản vào giai đoạn đó (ở đây bao gồm cả những ấn phẩm in roneo và không giấy phép) cho nên trong biên khảo này, chúng tôi sử-dụng văn bản gốc xuất bản trước năm 1975, tác phẩm in hoặc đã đăng tạp chí. Với một số tác giả xuất bản và tái bản về sau các tác phẩm trước 1975, chúng tôi vẫn dùng bản gốc, khi cần thiết chúng tôi mới dùng ấn bản sau 1975. Và đối với các tác giả thời trước 1975 nhưng văn bản tác phẩm chỉ xuất bản sau 1975 ở trong cũng như ngoài nước, chúng tôi nếu có nói đến – như với Tô Thùy Yên, Hoàng Anh Tuấn, v.v., thì cũng với sự dè dặt, giới hạn thư tịch cần phải có và chúng tôi sẽ đề cập đến một số các tác-giả và tác-phẩm này như là phụ lục “Văn-học miền Nam 1954-1975 nối dài” trong nghiên cứu về Văn-học Hải-ngoại. Phần khác, chúng tôi nói đến con người tác-giả qua tác-phẩm thuộc về giai đoạn mà thôi, có tác-giả đã nổi tiếng trước đó và có người sẽ tiếp tục sinh hoạt ở hải-ngoại hoặc ở lại trong nước sau 1975, với một sự nghiệp có thể khác. Với biên khảo này, chúng tôi cố gắng trình bày, nói lên một số hiện-thực và sự thật về sinh hoạt văn-học nghệ-thuật ở miền Nam thời 1954-1975, vì quá khứ luôn là quá khứ với sự thật (sự kiện, dữ kiện, biến cố,…) và ngôn ngữ sử-dụng (cả nhãn hiệu,…) của thời đó: mỗi cá nhân và chế độ đều có những cái hay bên cạnh những điểm khuyết và các sự kiện đã xảy ra thì không ai có thể xóa bỏ, bóp méo, viết lại, viết khác đi được. Có sự kiện chúng tôi nêu ra như nghi vấn để người trong cuộc và những độc giả, nhà nghiên cứu khác tiếp tay, bạch hóa. Phần người viết sống thời văn học miền Nam và trưởng thành nơi đó, do đó ngôn từ chúng tôi là tiếng nói bình thường và văn-học nghệ-thuật của người miền Nam và Việt Nam từ thời khởi đầu 1865. Và xưa nay chúng tôi vẫn yêu thích và tìm kiếm Chân Thiện Mỹ ít ra mong được như người họ Hòa - Hòa Thị Chi Bích, trong Cổ văn Trung quốc lúc nào cũng yêu cái Thực, cái Phải và hành xử để cái Phải và cái Thực luôn được tỏa sáng!

Nội-dung Quyển Thượng tóm lược như sau:

Chương 1. Một thời văn-học, trình bày Các giai-đoạn văn-học, Các nhóm văn-nghệ (Sáng Tạo - Chỉ Đạo - Quan Điểm - Đại Học – Tư Tưởng, Vạn Hạnh - Bách Khoa - Nhân Loại – Tinh Việt Văn-đoàn – Văn Hóa Ngày Nay – Các nhóm “hiện-đại” - Thái Độ – Hành Trình, Đất Nước - Trình Bầy – Ý Thức, v.v.), Những người viết trẻ, Sứ mạng văn-nghệ, Văn-nghệ “hôm nay” - hiện sinh - dấn thân - viễn mơ, Văn-học chiến-tranh, Văn-chương phản-kháng, phản-chiến, hiếu chiến, mơ ước hòa-bình và Mác-xít, Ngôn-ngữ và kỹ thuật văn-chương, Một số hiện-tượng văn-học, Miền Nam lục-tỉnh (Hồ Biểu Chánh, Phạm Thái, Thẩm Thệ Hà, Ngọc Linh, Vương Hồng Sển, Phạm Công Thiện, Thanh Việt Thanh, Phương Triều, Đông Hồ,...), Ấn phẩm xám, và, Văn-học & ảnh-hưởng tôn giáo

Chương 2- Văn xuôi / Tiểu-thuyết luận về Văn-học chiến-tranh, Tiểu-thuyết chiến-tranh, Tiểu-thuyết phản kháng, phản chiến, Cái Chết, Tiểu-thuyết hiện-đại: văn-chương và triết lý, Khuynh-hướng dấn thân và thân phận con người, Tiểu-thuyết tâm-lý, tình cảm, Khuynh-hướng hiện thực xã-hội: tiểu-thuyết, phóng sự, Tự truyện, Con đường cách tân tiểu-thuyết, “Tiểu-thuyết mới”, Ảnh-hưởng các trào lưu văn-chương hiện-đại, Dục tính trong tiểu-thuyết, Tiểu-thuyết nữ quyền, Tiểu-thuyết đăng-từng-kỳ, Kỹ thuật tiểu-thuyết, và, Các thể-loại ngắn

Chương 3- Thi ca giới thiệu Một số thể thơ: Thơ tự do – Thơ xuôi - Thơ lục bát, Nội-dung: Thơ tình - Thương nhớ quê nhà, Thơ chiến-tranh - Thơ binh lửa, Thơ phản chiến, và, Thi-ca triết-lý, về phận người và vũ trụ.

Chương 4- Bộ môn Kịch nói đến Ngôn-ngữ kịch và sân khấu, và, Kịch-bản hay kịch-trường?

Chương 5- Phê binh văn-chương và Nghiên cứu văn-học trình bày Các phương-pháp nghiên-cứu và phê-bình: Phê-bình phân-tâm học - xã-hội học, Phê-bình hiện-sinh, hiện-tượng luận, Phê-bình cơ-cấu, Phê-bình văn-học, và Biên-khảo văn-học. Phần tiếp giới thiệu Các nhà biên-khảo, phê-bình: Bằng Giang - Bình-Nguyên Lộc - Bùi Đức Tịnh – Bùi Xuân Bào - Cao Huy Khanh - Đặng Tiến - Đỗ Long Vân - Huỳnh Phan Anh - Lê Huy Oanh – Lê Ngọc Trụ – Lê Tôn Nghiêm - Lê Tuyên - Lê Văn Siêu – Nguyên Sa - Nguyễn Hiến Lê - Nguyễn Văn Sâm - Nguyễn Văn Trung – Phạm Công Thiện - Phạm Thế Ngũ – Phạm Việt Tuyền - Tam Ích – LM Thanh Lãng - Thế Phong - Trần Thái Đỉnh - Trần Văn Nam – Uyên Thao - Các công trình khác – Các tuyển tập thơ văn.

Chương 6- Dịch thuật và văn-học nước ngoài đồng thời giới thiệu các Dịch-giả: Nguyễn Hiến Lê – Trương Bảo Sơn - Trần Thiện-Đạo – Trần Phong Giao - Nguyễn Minh Hoàng - Vũ Đình Lưu – Phạm Công Thiện - Phùng Khánh & Phùng Thăng - Hoài Khanh - Diễm Châu – Mặc Đỗ – Bùi Giáng – Đỗ Khánh Hoan – Cung Tiến – Bửu Ý – Lê Thanh Hoàng Dân – Tam Ích – Hoàng Hải Thủy – Các nhà xuất-bản

Chương 7- Báo chí miền Nam gồm Báo-chí quân đội, cơ quan chính phủ, Các tạp-chí văn-chương, văn-học, Tạp-chí các nhóm trẻ, chuyên môn, phổ thông-đại chúng, Báo chính-trị, đảng phái, Báo-chí tôn giáo, Báo thiếu nhi, tuổi trẻ, và các Nhật-báo: 1954-1963, 1964-1975, nội-dung, kiểm duyệt,...

Các nhà xuất-bản: thương mại, chuyên nghiệp, giáo khoa, của nhà văn, tạp-chí và nhật báo.

Sau phần nhận định Sơ kết, là phần bổ túc Chương 8- Biên niên 21 năm lịch-sử và văn-học gồm Biên niên 21 năm, phụ thêm các phần Hậu 1975, Các nhà văn bị “cải tạo”, tử trận, và cuối cùng là Các giải thưởng văn-chương.

Quyển Thượng kết thúc với Phụ-lục “Văn-học miền Nam 1954-1975: một thời tưởng tiếc” nhìn lại thảm cảnh của nền văn-học miền Nam từ ngày Cộng-sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam qua các chiến dịch và mưu đồ, cho đến gần đây vẫn còn tiếp diễn qua một bộ “văn-học sử” về miền Nam (“Phê-bình một bộ “văn-học sử” của trong nước”).

* Quyển Hạ trình bày sự nghiệp văn-chương qua văn bản của 91 nhà văn, nhà thơ của miền Nam – ngoài những vị khác đã được trình bày, nhận định hay phê-bình trong các chương của Quyển Thượng.

Danh sách 91 nhà văn: An Khê - Anh Hoa - Bình-Nguyên Lộc - Bùi Giáng - Cao Thoại Châu - Châu Liêm - Chu Trầm Nguyên Minh - Chu Tử - Cung Tích Biền - Diễm Châu- Diên Nghị- Doãn Dân- Doãn Quốc Sỹ- Du Tử Lê- Duyên Anh- Dương Nghiễm Mậu - Đinh Hùng- Đinh Tiến Luyện - Đoàn Thạch Biền - Đoàn Văn Khánh - Hà Thúc Sinh - Hạc Thành Hoa - Hoài Khanh - Hoàng Anh Tuấn - Hoàng Lộc - Hoàng Ngọc Biên - Hoàng Ngọc Hiển - Hoàng Ngọc Tuấn - Hồ Hữu Tường- Hồ Minh Dũng- Joseph Huỳnh Văn - Kiên Giang - Kinh Dương Vương - Lâm Chương - Lâm Hảo Dũng - Lê Văn Thiện - Lê Xuyên - Luân Hoán - Lữ Kiều - Lữ Quỳnh - Mai Thảo - Mai Trung Tĩnh- Mặc Đỗ- Minh-Đức Hoài Trinh - Nguyên Minh - Nguyên Sa - Nguyễn Bắc Sơn - Nguyễn Đình Toàn - Nguyễn Đức BạtNgàn - Nguyễn Đức Sơn - Nguyễn Lệ Uyên - Nguyễn Minh Nữu - Nguyễn Mộng Giác - Nguyễn Nghiệp Nhượng - Nguyễn Nho Sa Mạc- Nguyễn Tất Nhiên - Nguyễn Thị Hoàng - Nguyễn Thị Thụy Vũ - Nguyễn Thụy Long - Nguyễn Xuân Hoàng - Nhật Tiến - Phạm Cao Hoàng - Phạm Ngọc Lư  - Phạm Nhã Dự - Phan Nhật Nam - Phan Nhự Thức - Phương Tấn - Quách Thoại - Song Hồ- Sơn Nam - Thanh Tâm Tuyền - Thành Tôn - Thảo Trường - Thế Nguyên - Thế Uyên - Toàn Phong - Tô Thùy Yên - Trần Dzạ Lữ - Trần Hoài Thư - Trần Thị Ng.H. - Trần Tuấn Kiệt - Trần Yên Hòa - Trùng Dương - Tú Kếu Trần Đức Uyển - Túy Hồng - Viên Linh - Võ Hồng - Võ Phiến -Vũ Hoàng Chương - Vương Đức Lệ - Y Uyên.

[* Bộ sách gồm hai Quyển Thượng và Hạ, dày 1530 trang, có thể đặt mua thẳng từ trangweb amazon.com hoặc ở Canada, Âu châu].

Nguyễn Vy Khanh (Toronto, Canada)