Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Phạm Duy Nghĩa và Một ngày ở Đồng Tâm

Đã có khá nhiều bài viết về và nhân vụ Đồng Tâm, nhưng tôi vẫn muốn chuyển đến Văn Việt bài này vì mấy lẽ:

- Người viết đến tận nơi, gặp, nghe và ghi lại “người thực, việc thực”, không suy diễn, không quy kết. Để những chi tiết thực của đời sống tự nói lên và người đọc tự rút ra kết luận. Tất nhiên, việc viết ra cái gì, ngậm tăm cái gì (tác giả nói là “nhạy cảm chính trị”) cũng cho ta hình dung một sự thực lớn hơn, bao trùm hơn.

- Người viết là một nhà văn, một nhà báo quân đội (Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội). Bài anh viết không thể đăng được trên tờ báo “lề phải” mà anh lãnh lương từ đó, nên anh gửi gắm nó cho một tờ “dân báo” online (“không lề”?).

Có những người đòi hỏi nhà báo chính thống (như tác giả bài này), đòi hỏi người đấu tranh (như dân Đồng Tâm) phải thế này thế khác… Bài ghi chép này cho ta thấy trong hoàn cảnh thực tế, nhà báo hay người đấu tranh nhiều khi phải chọn cách để “chầm chậm đi tới mình” (ý thơ Trúc Thông).

Nhưng tôi tin là sau Đồng Tâm, không ai còn có thể tự bằng lòng với cách đi “chầm chậm” như thế nữa. Chúng ta chẳng còn lại bao nhiêu để mất!

Hoàng Hưng

Qua các câu chuyện mình cũng biết thêm một số thông tin quan trọng (ngoài những gì đã biết qua báo, mạng) mà không tiện kể ra đây vì nhạy cảm chính trị. “Đêm nay cả xã ngủ ngon” - mọi người nói. Các cặp vợ chồng lại được ngủ với nhau sau một tuần gần như cách li để “trực chiến”. Trong câu chuyện, các cụ ông tỏ ra rất tự hào về truyền thống của Đồng Tâm – xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì chống Pháp. Hơn 7h tối, hai anh chị là dân trong làng vẫn nhiệt tình rủ mình và chị Thanh lên thăm đồng Sênh, nơi đang xảy ra tranh chấp đất đai, cách làng vài cây số. Đi qua mỗi quãng đồng, họ lại kể cho nghe các đời lãnh đạo xã gần đây đã cướp đất của dân như thế nào. Trong bóng tối hiện ra một chiếc cổng chào cắm cờ, một bên dán chi chít những đơn thư tố cáo việc cướp đất, một bên là bảng chữ lớn ghi “6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”.

MỘT NGÀY Ở ĐỒNG TÂM

PHẠM DUY NGHĨA

Mình về Đồng Tâm sáng ngày 22-4, đi cùng một đồng nghiệp có quê ở Mỹ Đức là chị Mai Thanh. Tới nơi thì thấy người dân đã tập trung khá đông ở cổng làng, chưa có người ở nơi khác đến. Hơn 10h, đoàn xe của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tới, người dân vỗ tay chào đón và cho các xe có đề số thứ tự vào làng, còn một loạt xe của truyền hình và các xe khác bị chặn không được vào, đề phòng gây rối loạn “ảnh hưởng đến danh dự của Đồng Tâm”. Lúc này mới thấy tinh thần kỉ luật của người Đồng Tâm thật cao. Khi các xe của đoàn công tác đã vào trong, họ điều một chiếc máy xúc Kobelco tới chắn giữa cổng làng, lại căng thêm hai lớp dây thừng để ngăn người, một chị phụ nữ đứng nghiêm cầm cờ, bất cứ ai kể cả người làng cũng không được qua cổng nữa. Các lối phụ vào làng được dân cử người canh gác rất nghiêm ngặt, không cho bất cứ ai qua. Về sau, nhờ một sự linh động đặc biệt, mình và chị Thanh vào được trong làng qua lối phụ, có người dẫn đi. Đi mỗi bước đều có những cặp mắt của dân theo dõi (bao năm đã bị lừa lọc nhiều nên họ hết sức cảnh giác), muốn chụp ảnh cũng không được phép.

Đến trụ sở UBND xã, thấy người dân ngồi dọc bên đường theo dõi nội dung cuộc đối thoại trong hội trường giữa đại diện của dân với Chủ tịch thành phố, được phát trên loa truyền thanh cho cả xã nghe. Đó đây, những khúc cây và đụn cát làm chướng ngại vật trên lối đi chưa được dọn hết. Quá trưa, khi cuộc đối thoại kết thúc, ông Nguyễn Đức Chung cùng đoàn làm việc đi bộ ra nhà văn hóa thôn Hoành, nơi vẫn đang giam giữ 19 người. Cánh nhà báo và công an chạy tới, người tụ tập quanh khu vực này rất đông. Tất cả đứng chờ trong nắng. Hầu hết là dân làng, ít có những gương mặt từ xa đến. Một người đàn ông nói: “Người dân mình như con chó bị đuổi đến đường cùng nên phải quay đầu cắn lại”. Bằng giọng bức xúc, có người nói rằng những ngày qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng chỉ nhấn mạnh vào tội lỗi của những người dân thấp cổ bé họng mà cố tình lờ đi những sai trái nghiêm trọng từ phía chính quyền.

Trong căn lều bên cạnh nhà văn hóa, cuộc thương thuyết kéo dài đến khoảng 2h30 chiều và kết thúc với bản cam kết gồm ba điều khoản khiến nhân dân phấn khởi nhiệt liệt vỗ tay. Mình và chị Thanh cùng một số người theo ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội) đi tống tiễn những cảnh sát cơ động được thả lên ô-tô rời khỏi làng. Người dân có vẻ khoái ông Dương Trung Quốc. Một chị nói: “Bác là Bồ Tát của chúng em”. Khi không còn biết bấu víu nương tựa vào đâu, dường như bất cứ ai tỏ ra có thiện chí với nhân dân Đồng Tâm đều làm họ xúc động.

Buổi chiều, mình và chị Thanh được mời ăn cơm uống rượu tại một nhà dân trong làng rồi được dẫn đến một nhà khác chơi. Người dân ở đây rất mến khách, cởi mở và thân thiện. Các ông cụ, bà cụ chủ nhà kể cho nghe về tình trạng “thời chiến” một tuần qua ở Đồng Tâm: các lối ra vào được canh gác cẩn mật suốt ngày đêm, cả xã không ai dám ngủ yên, kẻng báo động cất lên bất cứ lúc nào; toàn dân sẵn sàng kháng cự mọi thế lực tràn về, đề phòng nội gián và vũ khí bí mật từ ngoài đưa vào trong. Qua các câu chuyện mình cũng biết thêm một số thông tin quan trọng (ngoài những gì đã biết qua báo, mạng) mà không tiện kể ra đây vì nhạy cảm chính trị. “Đêm nay cả xã ngủ ngon” - mọi người nói. Các cặp vợ chồng lại được ngủ với nhau sau một tuần gần như cách li để “trực chiến”. Trong câu chuyện, các cụ ông tỏ ra rất tự hào về truyền thống của Đồng Tâm – xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì chống Pháp.

Hơn 7h tối, hai anh chị là dân trong làng vẫn nhiệt tình rủ mình và chị Thanh lên thăm đồng Sênh, nơi đang xảy ra tranh chấp đất đai, cách làng vài cây số. Đi qua mỗi quãng đồng, họ lại kể cho nghe các đời lãnh đạo xã gần đây đã cướp đất của dân như thế nào. Trong bóng tối hiện ra một chiếc cổng chào cắm cờ, một bên dán chi chít những đơn thư tố cáo việc cướp đất, một bên là bảng chữ lớn ghi “6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân” (!). Hai bên cổng còn có hai câu đối bằng chữ vàng in trên giấy đỏ tươi: “Đuổi giặc cướp nước ông cha luôn vâng theo lời Bác” – “Diệt lũ tham quan cháu con cùng học gương Cụ Hồ”. Phía trong cổng chào là một ngôi lều. Anh trai làng cho biết ở đây luôn có người trực để giữ đất, sẵn sàng quyết tử, và là nơi dân làng ngày ngày thắp hương cầu khấn Bác Hồ phù hộ cho dân chiến đấu đến cùng với bọn quan tham. Đây cũng là nơi dân làng đã nhờ thầy làm lễ mời gọi anh linh Hồ Chủ tịch và vong hồn các liệt sĩ về (nhập vào người sống) động viên, chỉ bảo cho dân con đường giữ đất. “Chúng tôi bị áp bức hơn thời đế quốc” – bà cụ ngoài 80 tuổi trong làng đã nói vậy. Trước kết quả thu được của Đồng Tâm qua cuộc đối thoại với Chủ tịch thành phố, bà cụ xúc động: “Đúng là có sự phù hộ của Cụ Hồ”.

Mình và chị Thanh là hai người đến Đồng Tâm sớm nhất trong sáng thứ bảy ngày 22-4 và có lẽ cũng là hai người cuối cùng rời khỏi làng khi đêm xuống. Một chuyến đi không phải với tư cách nhà báo mà như những người thường về thăm một vùng quê. Về đến Hà Nội, lúc 9h rưỡi đêm nhận được cuộc gọi từ Đồng Tâm hỏi thăm “hai anh chị đã về đến nơi chưa”. Một ngày ngắn ngủi chưa kịp hiểu nhiều về những người dân nơm nớp thân phận con ong cái kiến, nhưng trong sóng gió đã bật lên sự kiên dũng, tinh thần đoàn kết kỉ luật, lòng tự trọng và chân thành.

Nguồn: http://lethieunhoncom.blogspot.co.id/2017/04/pham-duy-nghia-va-mot-ngay-o-ong-tam.html?m=1