Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (296): Nguyễn Thị Vinh (1)

Tiểu sử

Sinh ngày 15.7.1924 tại làng Vân Hoàng tỉnh Hà Ðông
Chủ bút tạp chí Tân Phong (Sài Gòn).
Chủ nhiệm báo Ðông Phương (Sài Gòn).
Ðịnh cư tại Na Uy từ năm 1984.

Tác phẩm đã xuất bản:
· Hai Chị Em (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1953)
· Thương Yêu (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1955)
· Xóm Nghèo (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1958)
· Men Chiều (truyện dài, Phượng Giang, Saigon 1960)
· Thơ Nguyễn Thị Vinh (1972)
. Cô Mai (1972)
· Vết Chàm (1973)
· Na Uy Và Tôi (1994)

NGUYỄN THỊ VINH, MỘT TÂM HỒN TỔN THƯƠNG VIẾT RA VĂN ĐÔN HẬU

TRẦN ÁNG SƠN

clip_image002

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh (trái) tại Hoa Kỳ.

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh là nhà văn nữ duy nhất trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn gồm có Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, v.v… đã hoạt động trong khoảng thời gian 1933-1945. Tác phẩm nổi tiếng của bà là truyện “Hai chị em”.

Nguyễn Thị Vinh là nhà văn  nữ có vẻ đẹp đằm thắm, phúc hậu – nét đẹp Thúy Vân. Những tưởng với vẻ đẹp ấy, cuộc đời nhà văn sẽ trôi đi êm ái; không ngờ cuộc đời ba chìm bảy nổi, chứa đầy bão tố; khác hẳn số phận nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của bà. (Tác phẩm đã xuất bản: – HAI CHỊ EM, 1953 – THƯƠNG YÊU, 1955 – XÓM NGHÈO, 1958 – CÔ MAI, – NỔI SÓNG ,  v. v…)

Tôi đọc tác phẩm Nguyễn Thị Vinh rất  sớm, cùng lúc đọc Alexandre Dumas, Phạm Cao Củng, Khái Hưng. Thuở làm quen với tiểu thuyết  sớm sủa ấy, thuần túy để thỏa mãn trí tưởng tượng, phiêu lưu của gã trai đang nhổ giò, nhổ cẳng, mà chẳng do một ý thức nào (…) Tôi đọc sách tạp nham, kể cả tiểu thuyết kiếm hiệp như: Long Hình quái khách, Bồng Lai hiệp khách… Cuốn tiểu thuyết đầu tiên khiến tôi rơi nước mắt là Dọc đường gió bụi của Khái Hưng – tôi thương cho  số phận những đứa trẻ bị dập vùi trong một gánh hát rong.

Thế giới trong tác phẩm Nguyễn Thị Vinh hoàn toàn khác, nó êm ái, đầm ấm, âu yếm, bình yên. Đó là thế giới đẹp nhất để có một ký ức đẹp. Nguyễn Thị Vinh không chọn cái gai góc, xung đột trong cuộc sống, ở bất cứ thời kỳ nào cũng có. Nói vậy, không phải tiểu thuyết Nguyễn Thị Vinh không có những gút thắt, mở –điều không thể thiếu trong kỹ thuật viết tiểu thuyết - nhưng là cái gút thắt hướng về cái hậu tốt đẹp. Đó là trong tiểu thuyết, rất có thể cũng là khao khát về một cuộc đời êm ả, nề nếp, hạnh phúc. Thế nhưng, người đàn bà, ít nhất hai lần gãy gánh này, đã hơn một lần phải đối diện nghịch cảnh; một tâm hồn bị tổn thương, mà  vẫn viết những dòng văn đôn hậu (…)

Đọc tiểu thuyết Nguyễn Thị Vinh, tôi có cảm giác, như đọc thiên hồi ký gia đình, vừa trang nghiêm, tôn kính, ấm áp, nhu hòa –  một điều khó trìm thấy ở các gia đình thời nay.

Sau 1975, chính xác là 1977, tôi gặp Nguyễn Thị Vinh, khi bà bước vào lứa tuổi 50. Tuy không trang điểm, nhà văn vẫn giữ được nét đẹp phúc hậu. Do hoàn cảnh chung, chúng tôi tạm quên chuyện viết lách để lao vào mưu  sinh.
Chuyện bắt đầu từ Vũ Thành, một người rất yêu thơ (xin đừng nhầm với nhạc sĩ Vũ Thành, tác giả ca khúc Tạ từ, Giấc mơ hồi hương…). Vũ Thành có vốn, nhưng chưa biết làm gì – trong khi ấy - tay Thế Phương, cựu phóng viên báo Đông Phương, có tay nghề lại không vốn. Cả hai hợp lại thành lập một tổ sản xuất thuốc lá, nhãn hiệu Nhà Tôi. Chẳng biết học ở đâu, hay hút thuốc lá nhiều quá, lại rút được kinh nghiệm sống, Thế Phương bằng một công thức bí mật, sao, tẩm, chế biến thuốc mộc thành một loại thuốc thơm. Tôi phụ trách khâu tiếp thị, Nguyễn Mai cùng người nhà của Vũ Thành làm công nhân bốc vác, chuyên chở, giao hàng. (Con gái của bà Nguyễn Thị Vinh lúc này đã bỏ Dương Kiền, lấy thi sĩ Nguyễn Mai).

Tổ hợp thuốc lá Nhà Tôi không tồn tại được lâu, vì Thế Phương không thật lòng sản xuất, để giúp đỡ anh em cùng cảnh ngộ, mà vẫn giữ thói giấu nghề, thủ lợi riêng… nên Vũ Thành dẹp bảng hiệu. Và từ ngày ấy, tôi không có cơ hội gặp Nguyễn Thị Vinh.
Mấy năm sau, nhà văn vượt biên, ra định cư ở nước ngoài.

Riêng Nguyễn Mai, cuộc hôn nhân với con gái của bà Nguyễn Thị Vinh dang dở, Nguyễn Mai sống bấp bênh, hận đời, những cơn say giúp anh thoát khỏi thực tế bế tắc, và khi tỉnh rượu lại thấy cô độc, điêu linh hơn.  Thình thỏang, tình cờ gặp Nguyễn Mai, tôi có cảm giác anh luôn luôn sẵn sàng nổi cơn phẫn nộ.

Qua 1990, Nguyễn Mai thử thời vận, anh viết một cuốn tiểu thuyết khá dày, giao cho một tư nhân xuất bản - người này nhờ tôi đọc, và sửa giùm. Nguyễn Mai viết cũng được, nhưng tôi không muốn anh biết tác phầm kia do tôi sửa, đành hoàn trả bản thảo nguyên vẹn. Gặp Nguyễn Mai, tôi thuật lại, anh trả lời thật dễ thương: “… cứ sửa đại đi…”. Tôi nghĩ, một kẻ tự ái tới độ ngạo mạn như Nguyễn Mai, mà bào tôi ”  sửa đại đi”, chắc anh đang trong tình trạng cùng quẫn lắm!

Mới đây, tình cờ đọc được mấy trang trong cuốn Chân trời Lam Ngọc Giai thoại Hồng của Hồ Trường An – được biết -  hiện giờ Nguyễn Thị Vinh đang sống năm tháng cuối đời, sung túc, an nhàn. Tất nhiên rồi, cuối cùng, thì nhà văn cũng đạt được phần nào mơ  ước về một quê nhà mà bà từng miêu tả trong tác phẩm của mình.

Nhưng mùa đông ở Mỹ, hay bất cứ ở một nước châu Âu nào đó, liệu có mang  hương vị một vùng quê, với phong tục, tập quán ăn sâu vào ký ức nhà văn, biến thành vùng hoài niệm, trong suốt cuộc hành trình ngòi bút dấn thân của bả?

Hẳn là phải trải qua nhiều mùi vị cuộc đời, mới trả lời được câu hỏi bình thường này. Nhớ về Nguyễn Thị Vinh, như một nhà văn - người ta không thể đánh giá bà là một nhà văn tiêu biểu, nhưng những gì bà viết trong tác phẩm có thể là tiêu biểu cho một xã hội tôn  sư, trọng đạo, đầm ấm, yên bình… cái xã hội mà chúng ta đã và đang mất, trở thành ký ức. Trong cuộc sống cuồn cuộn hiện nay, đôi khi chúng ta cô đơn,  đó chính lá lúc chúng ta cần đến hoài niệm.

Bởi vì, trong mỗi chúng ta đều có những mất mát riêng tư, sự hoài niệm là giá trị còn lại, vĩnh cửu, cuối cùng.

Tôi cảm ơn Nguyễn Thị Vinh đã rất sớm gieo vào hồn tôi cảm xúc về một chân trời đang lùi ra khỏi tầm mắt. Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ mất hút, chìm khuất vào một chân trời nào đó – có thể giống - mà cũng có thể khác chân trời mà Nguyễn Thị Vinh đã từng vẽ ra…

Sài Gòn, cuối thu

Nguồn: https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/10/15/nguyen-thi-vinh-mot-tam-hon-ton-thuong-viet-ra-van-don-hau/