Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Tội nghiệp

(Rút từ facebook của Đỗ Ngọc Thống)

Tôi có quen một giáo viên tự nhiên dạy trường chuyên của tỉnh đã về hưu được dăm ba năm. Từ sau khi nghỉ anh mê mẩn viết văn, làm thơ, xem ra đắm đuối hơn nhiều món dạy học. Ban đầu tôi thấy cũng bình thường, vì hiện tượng khi lên làm to hoặc về già bỗng trở thành nhà thơ, nhà văn ở ta nhiều lắm. Hóa ra ai đó nói tài năng phải có từ rất sớm là sai toét hết cả.

Một hôm tôi nói nhận xét đó với bạn mình, hắn bảo: “Mày ngu vừa thôi. Cứ để ý mà xem, ai vốn đang bình thường tự nhiên lại thích làm thơ thì chỉ có thể hoặc là hấp hoặc là già rồi đổ đốn ra thôi”. Với hắn những người như thế rất tội nghiệp, đáng thương. “Nhất là có tay lại còn muốn in ra, đi mời hết chỗ này mua, chỗ khác mua mới chết chứ”, hắn vừa nói vừa cười mếu máo. Có lần tôi cùng hắn đến một cuộc tập huấn gì đó, tối tập trung đánh chén, rượu vào lời ra, nhiều tay ngứa ngáy râm ran bốc lên đòi đọc thơ. Hắn lớn tiếng: 

- Được thôi, thế này nhé, thằng nào đọc thơ người khác thì nộp hộ mỗi bài 50 ngàn, còn nếu đọc thơ của mình thì nộp 500 ngàn/bài để trả công người nghe và mua thêm thức nhắm. Cứ thế, đọc bao nhiêu cũng được.

Tôi tưởng nói cho vui, hóa ra hắn làm thật. Nhưng mà lạ, ối người xung phong đọc, nộp tiền hẳn hoi. Thế mới biết tiền chẳng là cái quái gì cả; so với thơ văn thế đếch nào được…

Lại nói chuyện anh giáo viên kia. Vào dịp tết vừa rồi, tôi nhận được mấy cuộc điện thoại. Chỉ vì anh muốn hẹn hò để tặng thơ văn. Không chờ được, anh ấy gửi qua bưu điện, lại còn post lên cả trang fb của tôi. Thế mà hôm gặp, anh còn hồ hởi dúi vào tay tôi tờ Văn nghệ số tết có in cái truyện đã đưa lên fây và gửi qua bưu điện rồi. Mặt anh vốn gầy gò, xanh xám tự nhiên bừng lên, thấy hồng hào và tràn trề hạnh phúc. Rồi hăm hở hỏi: “Ông đọc chưa? Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn hẳn hoi đấy”. Tôi giật thót người, trộm nghĩ “Chết thật dễ đến mấy năm nay mình không đọc tờ Văn nghệ”. Chả biết có tụt hậu không, chứ hồi bác Nguyên Ngọc còn làm báo này, một tuần không đọc đã lạc hậu rồi. Nay chỉ đọc fb đã thiếu thời gian. Mà trên đó cũng đủ thơ văn. Mà văn thơ trên fb còn hay hơn nhiều mấy tờ báo giấy kia…

Tôi chủ động lảng sang chuyện khác. Hỏi: Con cái anh đã cưới xin gì chưa? Anh lại nói: “Mình sắp vào Hội Nhà văn rồi”. Tôi cười, lại hỏi: Vợ anh sức khỏe thế nào? Anh lại bảo: “Chờ in thêm tập thơ nữa rồi nộp đơn xin vào Hội”. Đến đây, quả thật tôi không biết nói gì nữa. Cứ như nói chuyện với thằng điếc...

Giờ thì tôi thấy hình như thằng bạn mình nói đúng. Tội nghiệp!

HN, 11-03-2017