Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Hồi ức trong máu

Truyện

Nguyễn Viện

1.

Những cuốn sách được nghiền nát rồi hòa với nước làm thành một thứ thuốc chích bơm thẳng vào máu đã tỏ ra là một liệu pháp hiệu nghiệm trong việc giáo dục và đào tạo những nhân cách tiên tiến. Chính vì thế mà tôi tiếc khi phải đem bán từng cuốn sách. Nó chẳng được mấy bát cơm hay mấy ly cà phê. Chắc chắn là đã từng được bơm cái thứ nước hòa với bột sách ấy, khi có những lúc tôi không kiểm soát được chính mình. Zarathoustra đã nói như thế hay Alexis Zorba chịu chơi xúi giục, tôi vẫn ngồi lì ở một góc phố nhâm nhi cô gái bán cà phê và cả những cô gái tất tả đi qua với cái mông lép. Không thể nào biết chuyện gì sẽ xảy ra khi đột nhiên những cuốn sách bị lôi ra đường rồi châm lửa đốt. Họ bảo như thế là tốt hơn. Tốt hơn thì nhất định nên làm. Nhưng tôi bảo tôi cần mấy đồng bạc để trưa nay ăn cơm. Họ bảo muốn ăn cơm thì hãy lao động. Đúng là như thế. Chúa cũng bảo như thế. Nhưng tôi vẫn muốn bán mấy cuốn sách cũ hơn là đem đốt. Ít ra thì cũng có một ly cà phê sáng để nhâm nhi cô gái bán quán và nhâm nhi những cô gái đi ngoài đường. Và khi chúng ta nhâm nhi nhau, máu thịt chúng ta nuôi nhau chẳng là cũng bõ bèn biết bao cái thời gian vàng bạc châu báu trên trần gian này. Tôi đã cầm quyển sách từ khi bốn năm tuổi gì đó ở nhà một ông giáo làng và chưa kịp nhận ra mặt chữ thì đã phải di cư theo ý của đấng toàn năng đến một khu rừng cao su đang mưa.

Tôi nhận ra một điều là cứ mỗi khi tôi làm một cái gì đó có tính cách thay đổi thì trời mưa. Những hạt mưa rơi nhanh từ trời xuống những chiếc lá xanh. Từ những chiếc lá xanh, những hạt mưa rơi chậm xuống mái bạt. Âm thanh trên lá, âm thanh trên bạt và cả tiếng gió sạt qua đám lá, cào trên tấm bạt tôi đã nghe rất rõ và ngửi thấy cả mùi hôi của đất bốc lên. Tôi chẳng bao giờ quên những âm thanh đầu tiên và cái mùi muôn thuở ấy cũng như hình ảnh của ngôi nhà bốc cháy. Đồng tiền có những dòng chữ con gái (tôi đoán thế), một bên viết: Một con vịt xòe ra hai cái cánh, bốn con vịt xòe ra bao nhiêu cái cánh? Ở mặt phía bên kia, dòng chữ viết bên cạnh con rồng: Chúc “you” luôn hạnh phúc. Tôi bỗng nhiên nghi ngờ mọi sự. Bốn con vịt có phải thực sự xòe ra tám cái cánh? Và “you”, you có hạnh phúc không? Và dù bốn con vịt có bao nhiêu cánh đi nữa, you có hạnh phúc hay không, đồng tiền ấy tôi vẫn đổi được một tách cà phê và mấy điếu thuốc. Quyển sách đã gấp lại bằng câu “Thật tình ta chẳng hiểu gì hết, tuyệt nhiên không. Nó là thế đấy” không để lại một chút ám ảnh nào. Cơn mưa cào trên mái bạt gần năm mươi năm trước bây giờ vẫn cào trên mái bạt. Quán cà phê góc phố nhấp nhổm bỏ chạy. Bọn nó tới. Cô chủ quán nói anh làm ơn ngồi sát vào chân tường. Tôi lúc nào cũng ở chân tường. Ông cậu rao bán thuốc chuột ở một cái chợ bé như một cái mẹt. Tôi không hiểu nổi làm sao ông vẫn kiếm đủ tiền để hút thuốc phiện. Cuộc phiêu lưu của ông kết thúc ở tuổi bốn mươi chín khi ông không còn rao được nữa dù thuốc chuột của ông vẫn công hiệu. Lúc ấy máy cassette chưa thịnh hành, người ta vẫn phải khóc và tụng kinh bằng mồm của mình. Cô chủ quán vội vàng dọn dẹp bàn ghế. Chiếc xe dép từ từ chạy qua. Những người ngồi trên xe chỉ trỏ với khuôn mặt đe dọa. Khi họ đi khuất, cô chủ quán lại bày bàn ghế ra. Tim cô vẫn đập thình thịch trong lồng ngực. Tôi bảo muốn vào viện tim mà chờ được tới phiên mình khám thì hoặc đã ngoẻo hay là tự khỏi bệnh. Cô gái cười. Tôi hỏi em cao thước mấy?Một thước năm mươi. Tôi bảo em cao thêm hai tấc nữa thì làm người mẫu được. Tại sao lại cứ phải làm người mẫu. Danh giá lắm à? Không danh giá thì cũng dễ kiếm tiền. Bằng cách làm điếm à? Không, nói thế oan. Người mẫu tất nhiên là đẹp, mà đẹp thì nhiều cơ hội lắm. Tôi lại chỉ thích bán cà phê thôi. Vì sao? Vui. Nhưng kiếm tiền sao bằng người mẫu. Cũng không hề gì, niềm vui của em là một ngày có vài chục ngàn, diễu những người đàn ông tư lự và cười với những người đàn ông bông lơn. Tôi là người để em diễu hay cười? Để khóc. Em có năng khiếu tấu hài đấy. Đóng kịch bây giờ cũng nhiều tiền, em thích đóng kịch không? Ngày nào em cũng phải diễn với khuôn mặt niềm nở. Phát minh mới trong công nghệ sinh học, thuốc chuột đa năng có thể dùng để uống hoặc xoa bóp đều công hiệu như nhau, bà con cô bác mua hai gói bổn hiệu tặng thêm một gói. Ông cậu chắc chắn phải niềm nở hơn em. Chuột chết nhiều đến độ vị sư già tụng kinh cầu siêu bảo ông này nghiệp chướng chồng chất không thể siêu thăng được. Lời cảnh báo ấy chẳng có ý nghĩa gì trong sự mơ hồ của thế giới, nhưng nó đã biến thành nỗi sợ hãi khi mười hai đạo tì khỏe mạnh không nhấc được chiếc quan tài lên. Mợ tôi và mọi người trong họ xúm vào lạy lục ông sư: Xin thày mở lòng từ bi cứu độ, tốn kém bao nhiêu cũng cố lo toan cho chu đáo. Ông sư nói: Sống đi đường nào, chết về nẻo ấy. Cứ để cho người chết giải quyết việc của mình. Mọi người cầu xin: Hãy giải oan cho chúng tôi. Ông sư nói nghiệp ai người ấy gánh, phúc ai người nấy hưởng. Họ hỏi lại sư: Thế thày bảo chuột có phải là sinh linh không? Tất nhiên đó là sinh linh, còn có thể là kiếp phận của một ai đó. Nếu những con chuột chết đòi báo oán thì sao? Người chết đã chết rồi. Người sống cần phải được tử tế, thày bảo thế có đúng không? Tất nhiên là đúng. Vậy thì chẳng những cần phải giúp cho ông giết chuột siêu thăng mà cả những nỗi niềm oan khuất của chuột cũng cần phải được một phen phổ độ. Ông sư nói: Cái khó không phải tôi khó, nhưng khó là chỗ làm sao mời được bảy mươi hai vị sa di để cùng hành lễ. Xin thày cứ chỉ dạy. Nếu mọi người tha thiết thì tôi xin mách bảo, ở thiền tự Lăng Nghiêm hiện có bảy mươi hai sa di được tuyển chọn đặc biệt tinh tuyền đang tu tập ở đó, hãy thỉnh họ đến đây. Ôi thế thì khó thật. Có tiền mời chưa chắc đã xong. Lúc ấy, anh Hai tôi còn nhỏ, nhưng tật hay nói leo, oang oang cái mồm: Tiền thì đã đành, nhưng còn có cách sai người khác nữa là dùng quyền. Mình không có quyền thì mượn quyền người khác. Mẹ tôi bảo, mày chỉ được cái hóng hớt. Thứ dân mạt hạng như mình thì mượn đâu ra quyền mà hành người khác. Một ông bạn của mẹ tôi đột nhiên lên tiếng. Ông nói rất nhẹ nhàng: Cháu nó góp ý hay đấy, tôi có người bạn làm lãnh đạo ở đây, để tôi nhờ thử xem. Chẳng biết câu chuyện lòng vòng thế nào. Chỉ trong vòng mấy tuần trà, bảy mươi hai vị tăng sinh nghiêm cẩn và trẻ trung đã có mặt trong sân nhà cậu. Anh Hai nói nhỏ vào tai tôi: Mày hãy cầu cho quốc thái dân an. Tôi hỏi lại: Cầu cho cậu siêu thoát chứ? Tất nhiên rồi, cậu mà không siêu thoát thì quốc thái dân an thế chó nào được. Cậu thì liên quan gì đến quốc gia đại sự? Không phải cậu liên quan mà chuột liên quan. Tôi sợ lại phải nghe anh Hai lý sự nên không hỏi nữa. Các vị sư đã xếp thành hai hàng. Họ chắp tay ê a tụng kinh. Giữa tiếng chuông tiếng mõ, tôi buồn tình cũng lẩm nhẩm đọc: Nhất dương chỉ, nhị thiên đường, tam quốc chí, tứ đổ tường, ngũ vị hương… Cậu thì chắc đã đủ tứ đổ tường, nhưng cháu chỉ thích ngũ vị hương. Năm em Spice Girls, em nào cũng sướng. Đột nhiên cỗ quan tài bốc cháy. Ông cậu được tắm lại một lần nữa giữa sự kinh hoàng của mọi người. Vị cao tăng an ủi: Đấy là điềm lành khi chúng ta chứng kiến nhãn tiền một cách giải thoát. Ở trước nấm mộ, chờ lúc mọi người đã ra về, tôi viết vào tờ giấy dòng chữ : “Nơi an nghỉ của người đã sống và chết trong lửa”, rồi lấy cục đá dằn trên mô đất mới đắp. Kể ra cũng hơi cường điệu, nhưng tôi nghĩ ông cậu chẳng phải đã thật sự sống với ngọn lửa bàn đèn và chết trong quan tài bốc cháy sao. Tôi nhìn thấy vú cô gái trong áo khi cô cúi xuống đặt bình trà lên bàn. Ngọn lửa trầm lặng âm ỉ và buồn phiền. Ông cậu cũng đã từng bỏ nhà đi giang hồ gần mười năm theo một gánh hát. Nghe đâu ông cũng đã sống với một bà trong Nam. Chẳng biết điều gì đã khiến ông quay trở về quê nhà để tất tưởi và câm nín trong tiếng rao bán thuốc chuột với một nhịp điệu không bao giờ thay đổi. Em cho anh thêm mấy điếu thuốc lẻ. Tôi hỏi cậu làm gì trong gánh hát. Cậu bảo viết tuồng. Tôi nói viết tuồng thì cần gì phải đi theo đoàn. Cậu nói cũng có thể không cần, nhưng cậu đi là vì cậu muốn viết cho một người đóng. Người cậu yêu? Cũng không hẳn vậy. Còn có một bà khác phải không? Cậu nói có những điều người ta không thể vượt qua được. Đấy có phải là đàn bà không? Cậu im lặng. Công nghệ sinh học làm chuột chết không đau dù đứt từng khúc ruột. Anh không hút thuốc dổm đâu nhé. Yên tâm, đồng chí cứ bình tĩnh mà suy nghĩ. Tôi có thể suy nghĩ điều gì ngoài một nỗi mơ mộng bọt bèo. Nhiều lần đi xem kịch và tiếp xúc với cả những cô đào cải lương, tôi vẫn tự hỏi đâu là cái cậu mê đắm. Những người đàn bà nghệ sĩ, cậu nói, chỉ thực sự là họ trong vai diễn. Lúc ấy, họ có đôi cánh của thiên thần, con mắt của quỉ và cái miệng của chiêm bao. Tôi lại chỉ thích thấy đàn bà trong lúc đói. Có thể bảo cậu kể chuyện giang hồ, nhưng chưa bao giờ tôi dám hỏi tại sao cậu nghiện. Một lần khác, cậu nói không có một giới hạn nào mà người ta không thể vượt qua. Tôi bảo cậu không nhất quán. Cậu cười: Thượng đế cũng có nhất quán đâu. Sau đó cậu nghiêm trang: Đó chính là cái bí ẩn nhất của tạo hóa. Tôi nói Thượng đế thì quả là không hiểu được, nhưng ngay cái việc cậu lấy vợ làng cũng là điều khó hiểu với tôi. Đấy, một ông rất mực dân chơi, thế mà lại lấy một bà nhà quê vừa dốt nát vừa xấu. Hôm ăn lễ hỏi, tôi nghe kể lại, mẹ tôi đã khóc sướt mướt. Mẹ thương cậu. Tại sao cậu lại chấp nhận số phận hẩm hiu để sống với một người đàn bà nửa người nửa khỉ? Gia đình người đàn bà ấy không giàu. Bà ngoại tôi chỉ nói một câu duy nhất: Nó là một cô gái đức hạnh. Có một điều gì đó đồng cảm giữa cậu và bà ngoại về đức hạnh của đàn bà chăng. Em đi chơi với anh không?Anh mua tặng em cái gì nhé. Tặng anh đủ rồi. Anh thì cần phải bù lỗ hơi nhiều. Tôi chỉ biết rằng không bao giờ cậu dám đi chung với mợ ngoài đường. Tôi tưởng tượng cuộc nói chuyện giữa bà ngoại và cậu. Bà nói: Tao đã chọn cho mày một chỗ. Cậu trả lời: Con không muốn lấy vợ. Bà: Muốn hay không muốn cũng cần phải lấy. Cậu: Thôi được, tùy ý mẹ. Ngày tàn phai. Cậu ngồi giữa buổi chiều và cảm thấy sự phù phiếm của mình. Không uống rượu, sự vô vị làm cho nỗi hoang mang trở nên không chịu nổi, cậu đến nhà lão tổng nằm bẹp ở đó nuốt khói. Em cứ bay đi. Không có thiên thần nào chết giữa không trung cả. Nhưng Thượng đế chết trong rượu. Em vẫn hát bằng lời của anh. Nhưng người đàn ông trong anh đã chết. Chúa bảo người ta chỉ thực sự sống sau khi chết. Nhưng người ta đã hiểu sai cách nói ấy. Tôi đứng dậy. Ngày khô khốc. Tất cả mọi ngọn lửa đều tắt. Không thể hút thuốc được nữa. Hãy tưới xuống thể xác tôi héo úa những giọt nước em nín nhịn. Tôi mò mẫm giữa phố. Thượng đế đã sai lầm. Ngày cậu lấy vợ, mẹ tôi bỏ đi. Bà ngoại chỉ im lặng. Việc giao tiếp bà giao cho mấy ông chú. Quan viên bốn họ vui vẻ ăn nhậu. Tôi tìm đàn bà trong quán xá. Cậu kể chuyện tình của cậu đi. Cậu bảo giản lược lại thì mọi chuyện tình đều giống nhau. Nhưng cháu muốn biết chi tiết. Nụ hôn ngây dại. Ai ngây dại? Chỉ có nụ hôn ngây dại. Cháu muốn biết người ngây dại. Không phải đàn ông cũng không phải đàn bà. Sao lại thế? Nó là một con quỷ. Cháu có sợ quỷ không? Cháu chưa gặp. Quỷ thì không cần phải tìm. Những người đi một mình thường hay thấy nó. Tôi vẫn đi một mình chờ đón cơn cám dỗ. Quỷ bảo tôi phải bù lỗ. Những người đàn bà ngoại tình nhìn đi nơi khác. Trong giấc mơ, cô gái chỉ cười. Một khoảng cách không bao giờ vượt qua được chính là sự nhút nhát. Tận cùng của khát vọng, tôi là một xác chết. Ở mỗi nơi cậu tới, cậu đều biết đàn bà ở đó chứ? Một cách nào đó. Làm thế nào cậu thoát được họ? Linh hồn của đàn ông vốn bị giam giữ trong ngục kín của đàn bà như một thứ tông truyền. Sao cậu biết? Vì cậu ở trong ngục. Tôi cảm thấy được an ủi. Đám trẻ nhỏ vẫn hùa lên rao lớn khi nhìn thấy cậu từ xa “tin vui đến khắp mọi nhà, trung tâm công nghệ sinh học vừa phát minh ra một loại thuốc diệt chuột mới công hiệu như thần, chuột không muốn chết cũng phải chết…”. Ông bán thuốc chuột trở thành một phần ký ức của bọn nhóc. Bản thân ông bán thuốc chuột không bận tâm điều gì ngoài việc kiếm đủ tiền buổi trưa ghé nhà lão tổng hít khói. Bà ngoại tôi chỉ có cậu là con trai. Suốt bao năm cậu bỏ nhà đi không thư từ. Người cùng đi với cậu năm xưa là ông bác, anh ruột bố tôi, qui cố hương trước nói lại với mẹ rằng, cậu đang đi tìm cái mà chính cậu cũng không biết. Tôi mệt. Nhịp tim đập nhanh trong lồng ngực. Dẫu thế nào, tôi cũng cần phải sống. Cậu đã tìm thấy gì trong cuộc đời này? Tôi ngã sấp xuống. Những ánh chớp của sao băng đi qua đầu, tôi thấy từ cuối trời đằng đông hiện lên một người đàn bà mặc tang trắng, tà áo quét từ bắc xuống nam, trên tà áo lóng lánh những giọt nước mắt như đính kim cương. Mặt người đàn bà câm nín. Ánh mắt nghiêng như đang bỏ đi. Bà từ chối thế giới ư? Tôi bỗng hỏi. Người đàn bà không trả lời. Chân bà co lên và bà bắt đầu bay. Sau đó tôi chỉ còn nghe thấy tiếng khóc. Người đàn bà đầu tiên tuyên dương cái giống đực của cậu là cô gái bán hột vịt lộn. Đêm ấy, bởi lòng trắc ẩn, cậu đã ăn đúng mười hột vịt lộn cuối ngày. Và khi ăn xong, trời đã khuya lắm. Cậu nói trong cơn say: “Qua đã giải quyết cái ế ẩm cho em, bây giờ em cũng giải quyết giùm qua chỗ nằm chớ?”. “Ông nói chi kỳ vậy?”. “Có chi mà kỳ, chỉ bởi qua không biết về đâu đêm nay. Em có giúp qua không?”. Tôi nói cậu cải lương. Cũng chính nhờ cải lương mà biết thế nào là đàn bà. Cuối cùng cậu ngủ ở đâu? Trong bếp nhà cô ấy. Cậu ngủ ở đấy mấy lần? Năm lần. Và lần nào cậu cũng phải ra đi trước khi trời sáng? Ừ. Những người phu quét đường lầm lũi. Tiếng động đầu ngày chỉ là những tiếng ú ớ của sự nuối tiếc. Tôi thích uống cà phê từ lúc trời còn mờ tối để nhìn thấy một ngày vất vả và lo toan. Những chuyến đi và sự từ biệt. Rừng cao su ngút mắt, chưa bao giờ tôi đi hết cánh rừng ấy suốt thời thơ ấu. Một đôi lần trong năm tôi thấy nó đẹp, khi tất cả mọi chiếc lá đã rụng hết, chĩa những cành khô lên trời, và khi những chiếc lá non xanh tươi thức giấc vào đầu xuân, chúng tôi đi tìm những mảng cao su khô dưới đất. Vào mùa hè, nắng làm khô vỡ quả, những tiếng nổ ròn trên ngọn cây, chúng tôi đi nhặt hột. Hột cao su có vân và màu rất đẹp, nhất là khi nó vừa nóng hổi rời cành. Tôi vẫn lưu luyến khi phải bán tất cả chúng và được đong trong một cái thùng sắt. Đó là thời gian cậu trở về sau lần giang hồ thứ hai. Và cậu không còn đủ sức để cúi lưng nhặt từng hột cao su nữa. Tôi hỏi: Cậu đã lấy mợ rồi sao còn lại đi? Cậu bảo vì cậu cần phải gặp lại một mợ khác. Bà ấy có con với cậu à? Không phải vậy, bà ấy muốn gặp cậu lần cuối cùng để biết tình yêu có thật hay không. Dường như với cậu không có gì là thật cả, phải không? Sự thật chỉ là khái niệm và nó dễ bị ngộ nhận. Chóng mặt. Tôi thấy những đứa bé bị nhốt trong những cái vòm tối, chúng kêu la đòi ra ngoài. Nhưng người đàn ông cầm gậy đứng chắn ngoài cửa, ông ta cũng la hét bảo đừng đi đâu cả. Và rồi tôi thấy nước dâng lên. Nước nhấn chìm tất cả trong ruột của nó. Lúc nào bụng tôi cũng óc ách. Không người đàn bà nào có con với cậu sao? Cậu nghĩ là có. Tại sao chỉ là nghĩ thôi? Vì cậu chưa từng thấy một đứa nào. Những người đàn ông mọc sừng giữa trán, răng nanh chĩa ra khỏi mồm. Họ đứng trên đồi cao, hai cánh tay vươn ra mỗi lúc một dài. Không một con vật nào thoát khỏi bàn tay họ. Và khi miệng họ ứ máu, sấm sét nổi lên đốt cháy tất cả mọi cánh rừng biến trái đất thành quả cầu lửa. Người đàn bà thứ hai của cậu là ai? Một mụ nạ dòng thơm như lúa. Người đàn bà cho cậu biết sống không thể thiếu tình dục. Bà như sa mạc khát nước. Hoang vu và vô độ. Bà ấy có tiền, cậu nói. Thời gian ấy cậu sung sướng. Nó thật là một cuộc rong chơi. Nhưng niềm vui nào cũng cần phải thay đổi. Cô đào hát đong đưa cái mỏ dẫn cậu đến những bến bãi xa vắng. Từ bên cánh gà, cậu se thắt bao dự cảm đớn đau. Vũ điệu và tiếng hát của cô như nỗi lòng của thiên cổ gởi vào chút phù du. Cậu điêu đứng bờ vực. Cảm giác về sự bất lực làm bồn chồn gan ruột. Một khoảng cách rất gần nhưng không thể vượt qua. Tài năng cậu và cô đào lệch nhau ở tâm thế. Tiếng hát vùi dập cậu vào hư vô. Nhan sắc thiêu đốt cậu trong hỏa ngục. Cậu đã làm một chuyện vô vọng là viết cho cô ấy diễn. Nó là một bi kịch thực sự của số phận. Bởi vì đã không bao giờ đạt tới được điều cậu muốn là cô ấy phải bay thẳng lên trời. Chỉ có tuyệt đối mới đáp ứng được cho tuyệt đối. Nhưng cậu chỉ là một con lừa. Ngày và đêm kéo lê cái số phận qua những lối mòn. Cậu đem niềm u uất vào cơn chiêm bao của khói thuốc phiện. Cô đào rũ cậu như rũ một chiếc áo rách. Cậu lê la các bến xe chia phần với lũ gái điếm. Cậu bảo sống giữa trời mới thấy trời cũng hẹp. Bọn gái điếm móc túi khách và trấn lột lẫn nhau theo một thứ trật tự riêng của nó. Cái thi vị duy nhất của cuộc sống này là không bận tâm đến ngày mai. Buồn vui nào cũng là cuối cùng. Và cậu, trong tận cùng sâu thẳm, nhìn thấy bản ngã nở hoa trên cành cây khô. Đấy cũng là thời gian cậu nhận ra rằng mọi thứ ngôn ngữ đều thừa. Hút, ngủ và chơi gái. Những ký họa phóng túng trên giấy làm cho các cô gái phục lăn phục lóc. Những ngón đàn hào hoa không chỉ làm cho gái điếm mà ngay cả mấy bà chủ quán cơm quán nước cũng mềm nhũn. Ngày ấy, có một cô bé trong veo như nước phiêu bạt đến địa ngục. Cậu không thể cầm lòng được, bảo sẽ vẽ cho cô ấy một tấm. Chưa kịp làm thì cô bé bị một đám mất dạy đưa về nhà chơi tập thể. Vỡ tử cung, cô bé chết đau đớn và sợ hãi. Cậu uống rượu liên tiếp một tháng và trong sự chếnh choáng của cảm giác, cô bé trong veo ấy luôn luôn ở trước mặt cậu với đôi mắt ngơ ngác. Cậu nghĩ cần phải giải thoát khỏi ám ảnh này bằng cách vẽ cô ấy lên vải. Và cậu đã vẽ một cô gái trong veo đến độ cậu nghĩ ánh sáng vẫn chiếu xuyên qua cô ấy. Và đôi mắt của cô ấy nhìn cậu vẫn ngơ ngác. Và cô gái vẫn bước ra với cậu. Và cậu vẫn xuất tinh bất kể ngày hay đêm. Cậu xanh mướt thịt da và vàng đục đôi mắt. Các cô gái điếm hỏi nhau, ai đã làm cho cậu đến nỗi này. Không ai trả lời được câu hỏi ấy và họ quyết tìm sự thật. Và không phải chỉ có một người nhìn thấy mà tất cả những kẻ tò mò đều nhìn thấy cô gái từ trong tranh bước ra. Họ làm lễ cúng và đốt bức tranh không cho cậu biết. Sau đó cậu ốm liệt một tháng. Lúc đó cậu không còn một ý nghĩ nào về chuyện sống hay chết. Một trạng thái lơ lửng và vô vị, không có chỗ để tới cũng như không có nơi để quay về. Nắng làm cho tôi say và tôi thấy: Những con quỉ đen chui lên khỏi mặt đất, chúng không có sừng, cũng không có đuôi, chúng nhẵn nhụi và trơn láng như con lươn. Tôi thấy lũ quỉ bò vào đám đông và chui vào trong quần họ. Sau đó tôi thấy, tất cả đàn ông và đàn bà đều cứng như gỗ. Họ đi lại khó khăn nhưng tiếng nói lại uyển chuyển và ngọt ngào. Và tất cả họ đều nói giống nhau, dự báo một cuộc thay đổi về tính giống .Tôi hỏi một người bất chợt gặp: Xin lỗi, … là đàn ông hay đàn bà? Họ lạ lùng nhìn tôi rồi bỏ đi. Tôi nhìn cả thế giới và hét: Ai là đàn ông? Không có ai trả lời. Tôi lại hỏi: Ai là đàn bà? Cũng không có ai trả lời. Lũ quỉ thò đầu ra khỏi dây kéo (quần) cười khúc khích. Tôi nhìn thấy ở gốc cây có người đang ngồi thiền. Lửa cháy chung quanh người ông ta. Tôi nhìn thấy củ của ông ấy thòi ra. Cậu bảo làm đàn ông đã khó làm đàn bà còn khó hơn. Sao vậy? Cháu cứ nghĩ xem, để thỏa mãn là đàn bà mà vẫn đức hạnh có phải khó không. Lúc ấy, tôi chẳng hiểu mấy điều cậu nói. Thoát chết sau cơn bệnh, cậu nghĩ không thể sống với mấy cô gái điếm nữa, dù họ đã quá tận tụy với cậu. Cảm giác trong veo của một linh hồn vừa được tẩy rửa, cậu bước vào thế giới tự tại và lặng lẽ. Không bất cứ một ràng buộc nào. Cậu có thể hành động mà không phải nghĩ ngợi. Những hồi niệm với cô đào hát trở nên mãnh liệt và khoan dung. Và cậu nghĩ đã đến lúc có thể vẩy tay cho cô ấy bay thẳng lên trời được. Cậu đi tìm gánh hát cũ. Dưới mái hiên đình, cô đào năm xưa ngồi ôm con cho bú. Một vẻ đẹp bình dị vô song của con người làm cho cậu lúng túng. Và cậu nghĩ, chẳng để làm gì nếu cô ấy bay thẳng lên trời, cứ để cho con người bám vào đất của nó bằng cái hạnh phúc nhỏ mọn của mình. Cậu thanh thản ra đi. Cô đào hỏi: Sao anh không ở lại? Cậu bảo: Anh chỉ muốn nhìn thấy em thế nào. Cô ấy hỏi lại: Thế anh thấy em thế nào? Cậu nói: Anh nhìn thấy em hạnh phúc. Cô đào: Anh không nhìn thấy hết. Cậu: Anh không cần nhìn thấy hết. Cô ấy gởi cho cậu một giọt nước mắt. Cậu để lại cho cô ấy một khoảng trống để điền những lời ca xa xăm. Sau đó còn dịp nào cậu gặp cô đào hát không? Tôi hỏi. Thực ra, cậu vẫn quan tâm dõi theo từng bước đi của cô ấy, và cậu nhận ra rằng, đàn bà chỉ chín muồi sau khi có con, tiếng hát của cô ấy vì thế có sức nặng hơn. Cậu có phải hối tiếc không? Không, khi chúng ta ngộ ra điều này thì cũng là lúc chúng ta bước vào mê lộ khác. Không có điểm dừng cho kẻ đi tìm. Fuck you. Con đười ươi ngẩn ngơ trước cơn mưa. Rát cổ. Người bạn cậu hỏi, tại sao cậu không viết? Viết thì được tích sự gì? Xúi trẻ con ăn cứt gà. Tôi ngồi xay những cuốn sách thành bột theo từng chủng loại. Thập toàn đại bổ gia truyền.Một cân dâm thư với ba lạng cẩm nang du lịch rẻ tiền.Bốn lạng gương danh nhân với một lạng tự học Tây ban cầm trong vòng bảy ngày. Hai lạng tư vấn tiêu dùng với bảy lạng Việt Nam sử lược. Năm lạng tự học tiếng Anh với chín lạng hướng dẫn kế toán thực hành. Một lạng võ hiệp kỳ tình với nửa cân kinh kệ. Sắc ba ngày ba đêm thành cao. Mỗi ngày ăn một miếng bằng móng tay thì hiệu quả sức khỏe có thể sánh với Hạng Vũ, thông minh có thể sánh với Trương Lương, bền bỉ có thể sánh với Lao Ái. Thế rồi cậu đi đâu? Cậu lên rừng sống chung với một người bạn. Căn chòi dựng bên bờ một con suối nhỏ. Hằng ngày cậu đi bắt cá, còn người bạn đốt rừng làm rẫy. Vào mùa nắng, bọn cậu chặt cây làm than.Có những người đàn ông đi xuyên rừng mua tất cả những thứ gì có thể mua được. Bọn cậu trao đổi lương thực và quần áo với họ. Thuốc đâu cậu hút? Đấy là thời gian cậu muốn cai. Nhưng thực ra đó không phải là lý do để cậu lên rừng. Cậu vẫn tin rằng khi chúng ta lắng nghe, chúng ta có thể nghe thấy mọi bí ẩn. Những cô gái che mặt vẫn đi ngang phần đất của bọn cậu. Họ mang theo cơm nước và dao. Để chọc ghẹo họ, cậu nằm chắn ngang con đường mòn giả như xác chết. Rồi cô gái đã cúi xuống. Khi vừa đúng tầm tay, cậu mở mắt và vít cổ cô gái. Cô gái chỉ ú ớ trong miệng. Ngày chết tiệt ấy, cô gái lại chỉ đi có một mình. Cậu kéo khăn che mặt của cô ta ra, một đôi môi khô câm nín từ muôn trùng mấp máy. Ngươi phải nói. Ngươi phải nồng nàn giãi bày khát vọng. Nhưng cô gái vẫn câm nín như cô vẫn câm nín như thế từ lúc làm người. Cậu khựng lại. Cô gái bỏ đi. Ngày hôm sau, cô đi vòng qua con đường khác. Cậu lẽo đẽo theo sau kéo co một niềm im lặng. Vào tới vùng cây buông, cô vẫn không thèm nhìn cậu, lẳng lặng chặt. Cậu giằng con dao khỏi tay cô ta, chặt điên cuồng từng tàu lá. Cô ta vẫn không nói gì. Khi cậu nghỉ tay, cô ta rót cho cậu cốc nước rồi dùng tay áo lau mồ hôi trên mặt cậu một cách dịu dàng. Cậu muốn ôm lấy cô ấy mà không thể. Có cái gì đấy từ cô ta cho cậu biết đừng để bị khinh miệt. Nó không phải là sự thánh thiện hay cao cả. Mãi sau này, cậu mới biết đó chỉ là sự ngay thẳng, mà cậu không đủ ngay thẳng để đặt trái tim mình vào lòng bàn tay cô ta. Tôi hỏi cậu: Không phải tại vì cô ấy câm điếc sao? Không, nó là phẩm hạnh lễ giáo. Tôi nhìn thấy cậu nằm úp mặt xuống đất, cả cánh rừng đổ xuống người cậu, bắt đầu là những chiếc lá, sau đó tất cả mọi cây đều bật gốc. Ngọn lửa của cô gái thiêu sống cậu. Và cậu đã nghĩ về lễ giáo theo một cách khác. Cậu nói với cô gái: Em đã làm biến đổi anh. Cậu nghĩ là cô ấy hiểu điều cậu nói. Cô ấy nhìn cậu thấu suốt vào bên trong. Cậu cảm thấy xấu hổ. Ngọn lửa liếm nhanh vào trảng cỏ. Những con thú bỏ chạy tán loạn. Tôi nhìn thấy cả chuột và mèo, nai và cọp, khỉ và voi, gấu và những con lợn rừng. Tất cả chúng đều sợ hãi như nhau. Cơn ghiền thuốc làm cậu vật vã. Cậu tự tát vào má mình, đấm vào ngực mình. Cô gái giữ tay cậu lại. Tiếng gầm gừ thoát ra từ cổ họng của cô ta tắc nghẹn. Đến lượt cô ta tự tát vào má mình, đấm ngực mình. Cô gái đã hiểu nhầm cậu. Tập trung hết nghị lực để tự trấn tĩnh, bọt mép sùi ra, cậu chắp hai tay lại và hét lớn: Không phải thế .Rồi cậu bỏ đi. Những đám ma vẫn đi qua lối này, con đường đầy ngập tiền giấy, những tờ dollar 100 lật phật theo gió. You vẫn hạnh phúc phải không? Mà you có cần gái không? Lén lút như you thì đời cũng mất sướng. Đưa tiễn you có bao nhiêu người khóc. Hỏa thiêu đài khuất nẻo giữa những người đập đá. Người ta bảo trong đá có ẩn ngọc, nhưng giấc mơ của những người đập đá là chỉ mong quẳng được cái búa. Lâu đài của you bị nguyền rủa bởi máu của những kẻ vô tội. Nhưng you vẫn là con ma nhát người. Thượng đế ở trong sa mạc với những công trình cát của người. Cậu ẩn mình trong đám lá. Những cô gái vẫn bịt mặt đi qua khu đất của cậu. Thời gian ở trong tấm vải che mặt ấy. Và thời gian làm chứng cho những nỗi niềm của họ. Con người phải tự che giấu mình dưới nhiều lớp áo và tự biến đổi mình như những hình nhân. Xin thưa với các cụ: Các cụ có thích gái trẻ không? Có ai trong các cụ không từng mua bán dâm hay quan hệ nam nữ bất chính không? Sự ca ngợi thánh đức hay tôn vinh tình dục trong sáng tạo nghệ thuật chẳng có gì khác nhau. Phẩm hạnh của người sáng tạo không phải ở chỗ anh lành mạnh hay dâm đãng. Chúa bảo: Ai trong các ngươi tự cho mình không có tội thì cứ ném đá người đàn bà này. Hãy để cho đàn bà lên tiếng. Và đừng làm quan tòa vì quan tòa cũng bị xét xử. Âm ti rất buồn phải không? Người ta dâng cúng you nhiều thứ, nhưng lại quên gửi cho you một cô gái. You thấy không, mọi nhà tổ chức đều luôn có những thiếu sót. Hãy tha thứ cho trần gian vì trần gian hệ lụy đa đoan. Có lẽ cậu sẽ ở lại mãi trong rừng và chết ở đó trong sự bình an của cây cỏ. Cậu đã chọn một chỗ nằm vĩnh viễn trên đỉnh đồi, nơi chiều chiều cậu vẫn leo lên nhìn hoàng hôn đổ xuống. Và cậu vẫn đo đếm bằng bước chân từ chỗ sống đến chỗ chết. Mấy trăm bước một kiếp người. Quá đơn giản để tiễn đưa nhau. Nhưng cây cỏ mất bình an vì những người cầm súng xuất hiện trong rừng. Cậu trở lại thành phố. Cóc nhái cũng vào thành phố. Cả ngày lẫn đêm cậu nghe tiếng cóc nhái kêu. Cậu nghĩ đến âm nhạc. Nghĩ đến lời cầu nguyện của những bà mẹ cho những đứa con. Nghĩ đến sự giải thoát kiến chấp. Cậu vào chùa lánh nạn. Rắn rết cũng vào chùa. Cả ngày lẫn đêm cậu thấy rắn rết cắn nhau và chúng cắn cả người. Cậu ra ngoài lập một cái am riêng, sống chay tịnh bằng công quả cúng dường của con Phật. Nhiều người bảo cậu buôn bán thần thánh. Cậu chỉ cười. Tiếng nói của con người trở nên ác độc. Ngôn ngữ xảo trá. Dưới chân đức Phật và trước mặt người đời, cậu từ chối đối thoại. Cậu kinh kệ bằng tiếng chuông, tiếng mõ. Nghe tiếng chuông và tiếng mõ của cậu, ma quái và âm hồn được an tịnh, cường quyền thì xao xuyến. Đấy là tiếng của hư không gọi về. Cơn nhá nhem thời cuộc nhiều oan trái. Người ta buộc nhau từng lời nói. Cậu mang tiếng đàn ra giãi bày, nhưng kẻ có tai thì ít, người lắm mồm thì nhiều. Cậu nhận ra rằng, sự yên tĩnh không phải ở không gian hay thời gian. Đóng cửa am, cậu theo dòng người chạy ngược chạy xuôi tránh khỏi bị chết oan. Người đàn bà vẫn làm công quả quét dọn trong am đòi đi theo cậu. Cậu bảo trong tâm cậu không có Phật, trên đầu cậu không có Phật, dưới chân cậu không có Phật. Bà ấy hỏi thế Phật ở đâu cho bà ấy theo. Cậu bảo Phật ở trong chùa, cứ vào trong ấy mà tìm. Bà ấy nói, thày đi rồi Phật ở với ai? Cậu bảo Phật ở với ma. Bất ngờ, bà ấy vội quay vào am. Sau này, cậu nghe tin bà ấy chết cùng với cái am đổ nát bởi bom đạn mà không biết thực sự bà ấy đã chứng ngộ chân lý hay chỉ vì một nỗi niềm tuyệt vọng. Tôi hỏi, tử vi của cậu có sao đào hoa ở cung thiên di phải không? Cậu bảo không quan tâm tới tử vi. Hãy sống như mình nghĩ. Đàn bà thích đàn ông liều mạng. Tôi vẫn bước tới hỏa thiêu đài, trên tay cầm một nắm tiền âm phủ. Cánh đồng đá lởm chởm. Tôi nói với người thanh niên đang ngửa cổ uống nước, hãy để dành cho mình một ít tiền làm giấy thông hành qua bên kia thế giới. Hắn nói: Ông cứ đi trước đi, đừng chờ. Quả là thông tuệ, tôi bảo, phải đấy. Và tôi cầm lấy cái búa của người đập đá, đập điên cuồng xuống những cục đá tảng. Một cục đá to vỡ ra, ở giữa rỗng, hiện ra hình một con cá hóa thạch. Thời gian bị nhốt lại. Tôi cầm cục đá lên ngửi. Mùi tanh của đại dương phảng phất. Khi ấy nước tràn ngập mặt đất và nối liền với trời bởi cuồng phong, Thượng đế phán: Hãy có. Tiếng nói của sự sống ứa ra ướt hai bàn tay. Đưa cục đá cho người thanh niên, tôi nói: Cục đá này bán cho người buôn đồ cổ được nhiều tiền đấy. Hắn bảo: Tôi chia cho ông. Tôi nói: Cám ơn, tôi không có ý định đi chung với anh. Tôi bước vào hỏa thiêu đài. Ba bốn cô gái đang ngồi sàng tro để nhặt cốt. Tôi hỏi: Giá hỏa táng bao nhiêu? Một trong số các cô gái nói: Làm thủ tục ở trên văn phòng. Một chiếc xe tang rồng rắn ập tới. Một người đàn ông của hỏa thiêu đài kéo chiếc xe đẩy tới. Các đạo tì đưa chiếc quan tài xuống đặt ngay ngắn trên xe đẩy. Người đàn ông kéo chiếc xe đẩy tới trước một cửa lò. Vị linh mục quàng dây hành lễ lên vai. Những ngọn nến được thắp trên nắp quan tài. Xin Chúa cho linh hồn Anna được nghỉ yên trong ánh sáng nghìn thu của Chúa. Này người, hãy nhớ mình là cát bụi… Người đàn ông đẩy chiếc quan tài vào trong lò qua hai ống lăn, rồi chất thêm củi vào trên đầu quan tài, sau đó người đàn ông tạt xô dầu vào đống củi. Khép cửa lò, người đàn ông dùng ống lửa phụt qua một cái lỗ tròn.Quan tài bốc cháy. Chúa sẽ dùng lửa để xóa sạch thế gian và xây lại trong ba ngày ngôi đền của ngài.

Cút

mẹ

chúng

mày

đi

cho

khuất

mắt.

Cuộc chiến tranh lằng nhằng.Súng bắn từ bên phải. Súng bắn từ bên trái. Súng bắn phía trước mặt. Súng bắn phía sau lưng. Cậu cũng chẳng hiểu được sao mình vẫn sống. Cuộc chiến không có kẻ bên lề. Cái chết thực sự không quan trọng, cậu dửng dưng và vô nghĩa. Quả lựu đạn gài sau tấm truyền đơn gắn dưới gốc cây kêu gọi hòa bình. Cậu bảo thằng nhóc, xé tấm truyền đơn đi. Thằng nhóc giật tấm giấy xuống cùng lúc với quả lựu đạn rơi. Thế giới chết lặng. Không, thế giới câm. Quả lựu đạn không nổ. Thôi thì hãy hút một điếu thuốc để cái chết đến từ từ. Cậu đưa bao thuốc cho thằng nhóc. Từ trong đám mây, tôi thấy ông thần đèn trùng trục bước tới và cúi rạp người xuống: “Thưa chủ nhân, xin được phục vụ ngài”. Tôi bảo: Hãy châm lửa cho thằng nhóc. Tức thì lửa từ trên đầu ông thần đèn bốc lên như ngọn đuốc. Từ rừng cao su đến trường khoảng năm cây số, tôi đi bộ qua sương sớm qua nắng trưa qua mưa chiều. Rừng âm u có rất nhiều ma. Ban ngày cũng có ma. Một hôm bụng rất đói, con ma hiện ra bắt đầu bằng cái mũ, rồi lớn dần lên to như cái nhà. Nó nuốt tôi vào bụng. Trong cái vòm tối dạ dày của con ma, tôi quờ quạng và ngửi thấy mùi cỏ rất thơm. Tôi bốc một nắm bỏ vào miệng. Con ma rú lên rồi tan biến. Nắm cỏ vẫn còn nằm trong miệng tôi. Nuốt. Con ma đã nằm trong bụng tôi. Từ đấy, tôi hay nhìn thấy ảo tượng và nghe thấy tiếng nói trong không khí. Đôi khi lão xà ích già cũng cho tôi đi nhờ trên chiếc xe ngựa ọp ẹp của lão. Lão bảo không có hai mặt trời trên thế gian. Tôi bảo điều ấy thì chắc chắn rồi và mặt trời là của ban ngày, mặt trăng là của ban đêm. Lão nói, một ngày kia mặt trời sẽ chiếu sáng cả ban đêm. Tôi bảo lão nói vui thật. Lão bảo đấy là niềm tin không phải là chuyện nói cho vui. Ít lâu sau, lão bị an ninh bắt, chẳng biết sống chết ra sao. Và tôi cũng đã hiểu như lão, một ngày kia mặt trời sẽ chiếu sáng cả ban đêm. Càng ngày càng có nhiều người cầm súng xuất hiện. Mẹ tôi lo lắng muốn đưa cả gia đình tìm nơi an toàn. Bà cầu nguyện xin Chúa quan phòng. Người mẹ của con người hiện ra trong giấc mơ, nói cứ đi đi, mẹ không bỏ con của mẹ. Sáng hôm sau cả nhà tôi dắt díu nhau về thành phố.Tôi phải bỏ học. Cả nhà tôi túm tụm trong cái chái nhà ông bác. Mẹ tôi lâm bệnh. Tôi đi bán bánh mì. Bánh mì ăn xong lại đói, tôi ước ao bánh hằng sống để khỏi vất vả, nhưng bánh hằng sống chỉ có trong thánh kinh. Ông Adam đã bị nguyền rủa và con cái của ông đã giết nhau. Không có tiền, bác tôi không bán gạo. Các em tôi ngồi khóc. Người hàng xóm thương tình bảo cứ sang nhà bà ấy đong thiếu, lúc nào có tiền thì trả. Chẳng bao lâu, tôi bị nám phổi vì lao lực. Mẹ tôi vẫn nằm bệnh. Bà cầu nguyện xin Chúa quan phòng. Người mẹ của con người lại hiện ra trong giấc mơ, soi sáng. Ngay ngày mai, con hãy ra chợ, đến quán bún của bà Phó, hỏi nhờ bà ấy một chỗ ngồi. Đấy là chỗ để con sống và chỗ để các con của con được học hành. Sáng hôm sau, mẹ tôi đã đứng lên như chưa hề bệnh tật gì, bà đi ra chợ và thấy có một quán bún nằm ngay trên lối đi chính của chợ. Mẹ hỏi: Thưa bà, bà có phải là bà Phó không? Bà ấy bảo: Tôi đây. Mẹ nói cần một chỗ ngồi để bán hàng, có thể chỉ giúp không. Bà ấy vui vẻ bảo: Con gái tôi vừa lấy chồng, bà có thể dùng cái sạp của nó, ngay bên cạnh đây, và có thể bán bất cứ cái gì. Bà ấy nói thêm: Để cho dễ, bà bán đồ ăn như tôi cũng được. Ừ, cái dễ nhất mà bà nội trợ nào cũng có thể làm được là nấu một nồi bánh đúc, mẹ nghĩ thế và sẵn mượn một cái cối xay gạo. Cả nhà tôi thay nhau vần cái cối xay bằng đá để xay gạo thành nước nấu bánh đúc. Mỗi lúc mệt lả, tôi lại thấy con ma lù lù hiện ra, nó nuốt tôi và tôi nuốt nó. Trên các tầng trời, các thiên thần ca hát với kèn đồng. Tôi thấy người đàn ông đeo tang trên đầu bước qua các đám mây. Ông ta đi tìm xác người. Ông đi đến đâu trời khép lại đến đó. Cho đến khi cả bầu trời tối lại, tôi nghe có tiếng nói: Thế giới bị phân rẽ bởi sự sống và sự chết. Hãy đi tìm kẻ khước từ cuộc sống và vượt qua cái chết. Bố tôi tìm được việc làm. Tôi vào nhà thương thí uống thuốc lao ròng rã một năm rồi đi học lại. Nhờ ơn trời, tôi học hành cũng không dốt. Cô bé ngồi đầu dãy bàn bên kia nhìn tôi thầm lặng. Mỗi khi đứng lên, ngồi xuống hay làm một việc gì đó, tôi luôn luôn nhìn cô như chờ đợi một sự đồng ý. Cô chỉ chớp mắt. Phải đến hơn một năm sau, tôi mới thay đổi cách thức tùng phục của mình bằng một lá thư tỏ tình rất ngắn, rằng: “Tôi không nhìn thấy ai ngoài em, hãy dẫn đường cho tôi”. Ký tên: “Người mù”. Lá thư kẹp trong cuốn sách. Ngày hôm sau, cô bé trả lại cuốn sách bên trong có lá thư trả lời: “Ông ngốc ơi, cầm tay tôi đi”. Ký tên: “Người dẫn đường”. Tôi sung sướng tê liệt đến hơn một tuần lễ mới hẹn được cô bé đi chơi. Nhưng hẹn rồi cũng chẳng biết đi đâu. Ngày ấy, tôi vẫn là một cậu bé nghèo. Quần áo mặc thừa của ông chú. Chưa bao giờ vào quán nước. Tôi dẫn cô bé ra bờ sông và chỉ đủ tiền mua một gói lạc rang mang theo. Nhờ mấy hột lạc, tôi cầm tay em và trở thành người mù vĩnh viễn. Cậu trốn việc cầm súng bằng cách xin làm cán bộ kỹ thuật.Cuộc chiến tranh tạo ra đình đám, ngày nào trong làng cũng có giỗ. Cậu theo ông phụ trách thông tin văn hóa xã vào trong làng giết thời gian bằng những cuộc nhậu mờ mịt. Không say không về. “Vô” đi ông cán bộ. Ờ phải vô mới biết nông sâu thế nào, phải không cô em? Cô em cũng vô đi cho biết dài ngắn ra sao. Những con tép sống nhảy lách tách trên đĩa. Cho xin mấy lát chanh. Này, tôi vắt chanh bỏ vỏ. Cô giáo làng ngồi nhìn cậu đăm chiêu. Nghe đâu gã thông tin văn hóa thường ghé nhà cô. Cậu hỏi: Thưa cô, cửa nhà cô có gài lựu đạn không? Cô giáo nổi quạu: Có cả mìn nữa đó. Cậu bảo: Mìn định hướng thì tôi không sợ. Tôi đi cửa sau. Mọi người cười ồ. Nào, vô. Trên bàn thờ, khói hương nghi ngút trước tấm hình một cô gái. Cái chết không được giải thích. Cô giáo nói với ông già: Bác Ba đờn đi. Ông già: Tôi đờn thì cô phải ca. Ông già với cây đàn cò treo trên vách bên cạnh bàn thờ. Tiếng gió cạ trên những lá lúa.Tiếng của thanh vắng dưới vòm cây. Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tin chàng. Năm canh mơ màng… Cậu thầm hỏi cô giáo: Đoạn trường cô đã qua chưa mà u hoài thế? Rồi cậu cất giọng bông lơn: Sen xa hồ, sen khô hồ cạn. Còn lựu xa đào thì lựu ngả đào nghiêng… Nỡ nào rẽ thúy chia uyên… Vỗ tay. Mấy cô bé hàng xóm đứng xem cũng vào cuộc. Ông văn hóa thông tin đứng lên điều khiển chương trình liên hoan ca nhạc tài tử cấp xóm xem ra đúng bài bản truyền hình trực tiếp. Cậu đưa cô giáo về nhà, tới cửa thì cậu ngã xuống vì say. Trong nhà cô giáo, nửa đêm cậu tỉnh. Hơi thở của cô giáo rất thơm. Có tiếng đập cửa và tiếng ồn ào bên ngoài: Xét sổ gia đình. Cô giáo ra mở cửa. Tiếng hỏi hách dịch lỗ mãng: Có người lạ trong nhà không? Cô giáo điềm đạm: Người lạ thì không có, nhưng có người quen. Bọn lính xộc vào đòi xem giấy cậu. Chúng yêu cầu cậu đi theo chúng. Ra tới chợ, cậu được giao cho ông sếp của chúng. Gã trung úy nhìn cậu: Thôi về đi ông nội. Cậu không biết nên về nhà mình trọ hay về nhà cô giáo. Cậu hỏi gã trung úy: Theo ông thì tôi nên về đâu? Gã để tay lên báng súng: Không nên mất ngủ vì chuyện vặt, thời gian không còn nhiều đâu. Đúng là thời gian không còn nhiều, cậu trở lại nhà cô giáo để cảm thấy cuộc đời không phí, dù rằng đấy chỉ là một đêm của Phật tính vô sắc tướng. Gã trung úy bị phục kích tan nát thân thể. Dư âm của tiếng nổ vẫn váng vất suốt mấy chục năm và nó làm cho một số người co rúm lại trong sự sợ hãi. Cô bé năm xưa của tôi vẫn còn ngồi bên bờ sông. Bọn điên tụ tập lại dưới lòng đường, tôi nghe chúng la hét: Hãy trùm áo mưa lên đầu kẻo nắng sẽ thiêu đốt cả tổ tiên chúng ta. Và dưới ánh nắng chói chang, bọn điên rú lên từng cơn man dại. Chúng kéo nhau đi từ phố này qua phố kia, kêu gọi người trong nhà hãy che mặt vì ánh sáng có thể làm mù mắt tất cả những ai chờ đợi nó. Cậu bảo có những người đàn bà là sinh thể của ta, nhưng cũng có những người đàn bà đưa ta đến mộ địa. Sau buổi tối gần nhau bên bờ sông với “người dẫn đường”, tôi cảm thấy có một khoảng cách không vượt qua được để đón nhận nhau. Hơn một tháng sau, chúng tôi mới lại có dịp để đi chơi chung với nhau, nhưng tôi cũng vẫn không biết cách làm cho tình yêu có thể trở nên thân mật. Tình trạng này kéo dài suốt hai năm cho đến lúc cô bé nghỉ học đi làm. Tôi vẫn là một cậu bé ngớ ngẩn mỗi sáng dậy thật sớm ra đứng ở bến xe nhìn người yêu bước lên chiếc xe lam mù mịt khói. Ba năm lẳng lặng như thế, rồi tôi cũng đi làm. Có tiền, một cô gái có bầu vú nhão nhẹt đã khai hóa cho tôi thành đàn ông. Thêm năm năm nữa đi ngược đường, trước lúc cô bé lấy chồng, chúng tôi đã ngồi ăn với nhau, với cô bé để không hối tiếc, với tôi một cơ hội cuối. Và tôi đã biết tôi phải làm gì, nhưng tôi cũng chẳng hiểu vì sao, cả hai chúng tôi lẳng lặng xa nhau. Không bao giờ gặp lại cô ấy nữa. Trong giấc mơ tôi, người vẫn về, vẫn thiết tha, nhưng cứ mỗi lúc sắp được ôm lấy nhau thì giấc mơ tan. Một khoảng cách kỳ lạ chia lìa chúng tôi cả trong giấc mơ. Bốn mươi năm sau, tôi vẫn nghĩ đến điều này dù lòng đã dửng dưng. Số phận tôi trên bàn tay mềm mại bé bỏng đã im lìm. Cậu bảo đàn bà là một con đỉa. Tôi nhìn thấy trên bầu trời những xác người chết trôi. Từ trong miệng họ nước không ngừng ứa ra. Những con chim bồ câu ngậm cành ô liu bay qua bay lại. Tiếng đập cánh của chúng giống như tiếng ống bễ thổi trong lò nung. Góc phía tây, con thuyền gỗ đã gãy hết cột buồm nằm úp xuống phân trần với thế gian sự tuyệt vọng của mình. Tôi hỏi tại sao cậu không viết văn? Cậu bảo muốn làm nhà văn thì không được hèn, mà cậu thì không phải là người có đủ dũng khí để nói sự thật. Người viết sử có sai thì còn có người khác viết lại, nhưng nhà văn viết sai thì không ai viết lại cho anh được. Tôi bảo đừng bắt nhà văn phải vác thập giá. Cậu cười bảo cũng không ai bắt anh phải là nhà văn. Tôi quay trở lại khu đập đá, người thanh niên không còn ở đó. Tôi bước vào chòi lá trống trơn. Cái búa tạ nằm chỏng trơ trong góc. Cầm cái búa lên, tôi hùng dũng bước tới giữa vườn đá và nhìn thấy trên tất cả mọi tảng đá đều có chữ. Nâng cái búa lên, tôi đập xuống như giết người.

(Còn một kỳ)