Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Anh hùng Điện Biên Nguyễn Dũng Chi

Trần Vũ

Trang An Ninh Thế Giới ngày 30 tháng 8-2010 đăng bài thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, sư đoàn 316, là người nhận Thiếu tá Marcel Bigeard đầu hàng trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Ký giả Khánh Linh ghi:

“Trong cuốn hồi ký Nguyễn Dũng Chi viết để nhớ lại cuộc đời binh nghiệp của mình, ông dành một mảng khá đậm cho trận chiến Điện Biên Phủ. Có lẽ không chỉ bởi, đó là một chiến thắng lừng lẫy của cả dân tộc mà trận chiến đó gắn liền với những dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời ông.

[…]

Nguyễn Dũng Chi đứng giữa lưng chừng đồi A1 dốc về phía trung tâm Điện Biên Phủ, mang một cảm xúc khó tả, vì mới chỉ cách đây vài giờ, ông và đồng đội đã phải đối mặt với cái chết. Bỗng đại đội trưởng Lâm Viết Hữu chạy ngược lên:

– Báo cáo ban chỉ huy, có quan tư Tây đầu hàng muốn gặp.

Ông không ngần ngại, dõng dạc bảo:

– Cho nó lên.

Và trước mặt chàng trai Nguyễn Dũng Chi lúc đó mới chỉ 27 tuổi, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 251, là một tên quan Tây cao lớn, mang quân hàm thiếu tá, đầu đội mũ bêrê màu xanh lục, ngực đeo Bắc đẩu bội tinh đồng, đánh gót nghiêm chỉnh theo nghi lễ nhà binh, chào và nói:

– Tôi, thiếu tá Bigeard, chỉ huy tiểu đoàn 1, Bán Lữ đoàn Lê dương số 13, xin thuộc quyền ngài. Quân số tôi chỉ còn 150 người. Xin đợi lệnh ngài.

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Dũng Chi đã viết: “Hãnh diện biết chừng nào khi lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, một tiểu đoàn trưởng Việt Nam tay chắp sau lưng ngắm nghía tên quan tư nổi tiếng của quân đội Pháp, viên chỉ huy cơ động của De Castries đang chào và đợi lệnh theo đúng lễ nghi lục quân Pháp. […] Viên quan tư Pháp đầu hàng Nguyễn Dũng Chi lúc đó cũng còn rất trẻ, khoảng 30 tuổi, sau này trở thành đại tướng Marcel Bigeard, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp.” (1)

[…]

Đồi A1 là đồi Éliane 2 phía Pháp, khi thất thủ do đại đội 3 của đại úy Jean Pouget thuộc Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Thuộc địa (1er BPC) trấn giữ, không phải Tiểu đoàn 1 Bán Lữ đoàn 13 Lê dương (I/13 DBLE) của thiếu tá De Brinon đang cố thủ Claudine. (2) Trong hồi ký Chúng tôi đã có mặt tại Điện Biên Phủ (Nous Étions À Dien Bien Phu, Nxb Presses de la Cité, 1964) Pouget kể lại phút cuối cùng: Đích thân ra tuyến đầu, dùng carbine M-1 bắn trả cho đến khi bị Việt Minh quăng lựu đạn nổ tung trong giao thông hào. Bị thương, bị thúc lưỡi lê xuống đồi, không có trình diễn đầu hàng hay cờ trắng. Cũng không cấp chỉ huy Việt Minh nào thẩm cung. (3) 

Thiếu tá Marcel Bigeard mà Nguyễn Dũng Chi “hãnh diện nhận đầu hàng” thuộc binh chủng Nhảy dù Thuộc địa (Parachutistes Coloniaux) đội béret đỏ chứ không thuộc Lê Dương Nhảy dù (Légionnaire Parachutiste) đội béret lục. Bộ binh Lê dương của Bán Lữ đoàn 13 thì đội nón képi trắng hình ống mà không đội béret mềm. Bigeard đặc cách trung tá tại mặt trận ngày 16 tháng 4-1954, nắm quyền chỉ huy Phản kích Nhảy dù (chỉ huy toàn bộ các tiểu đoàn Dù), bộ chỉ huy đặt tại khu trung tâm Mường Thanh (Claudine) trong cùng hầm của đại tá Langlais, cạnh bộ chỉ huy của tướng De Castries, không trên đồi A1 (Éliane 2). Đồi A1 thất thủ lúc 5 giờ sáng ngày 7 tháng 5-1954, Nguyễn Dũng Chi không thể bắt sống hay nhận đầu hàng của Bigeard khi chiếm A1, vì Bigeard vẫn còn chỉ huy chống trả cho đến 17 giờ 30 chiều, khi De Castries ra lệnh ngưng bắn.

Bigeard không còn mang cấp bậc thiếu tá (quan tư) và đã cương quyết không ra xếp hàng cho đạo diễn Sô-Viết Roman Karmen quay hình, bằng câu từ chối lừng danh: “Plutôt crever (Thà chết)”. Trong lệnh viết tay gửi cho trung úy Allaire, đại đội trưởng Nhảy dù cuối cùng trên cứ điểm Éliane 10, Bigeard viết: “Lệnh cho Allaire: Ngưng chiến lúc 17h30. Ngừng bắn. Không cờ trắng. Tội nghiệp tiểu đoàn 6. Tội nghiệp Nhảy dù. Gặp lại lát nữa. Bruno.” (4) Bruno là danh hiệu truyền tin của Bigeard và lệnh viết tay này được trung úy Allaire cất giữ trong suốt thời gian “cải tạo” cho đến ký kết Genève, rồi trao lại cho Bigeard tại Dakar 15 năm sau. “Không cờ trắng”, “thà chết” — một quân nhân như vậy không quỵ lụy “xin thuộc quyền ngài”. Chi tiết khác, tổng thống Pháp Giscard d’Estaing trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Grand-croix de la Légion d’honneur) cho Bigeard tháng 9-1974 trên sân Invalides, vào thời điểm tháng 5-1954 Bigeard chưa có huân chương này; cũng không sĩ quan Nhảy dù nào nhảy xuống mặt trận với huân chương và dây biểu dương. Khi về hưu Bigeard là trung tướng (général de corps d’armée) không phải đại tướng (général d’armée). Đa phần “anh hùng Điện Biên” Nguyễn Dũng Chi đã tự hư cấu huyền thoại của chính mình, ông không biết đơn vị nào giữ đồi A1, ai chỉ huy và chưa từng gặp Bigeard. (5)

Võ Nguyên Giáp là tướng lãnh hiếm của Quân đội Nhân dân trích dẫn Clausewitz. Không có trong bản Việt ngữ của hồi ký Chiến đấu Trong Vòng vây, nhưng trong bản Pháp văn của hồi ký này: Mémoires, tome 1, La Résistance Encerclée, Editions Anako, 2003. Ở trang 105, đại tướng cho biết ông đem theo bản dịch Clausewitz của Denise Naville khi rời Hà Nội lên Việt-Bắc kháng chiến đầu năm 1947. Ông khẳng định đã suy nghiệm Clausewitz. Các trích đoạn dẫn chứng Clausewitz của đại tướng đều trích từ bản dịch của Denise Naville. Tuy nhiên bản dịch của Denise Naville do nhà Minuit ấn hành, cho mãi đến năm 1955 mới xuất bản. Võ Nguyên Giáp không thể có quyển sách này trong tay năm 1947. Vì sao phải như vậy? Vì đại tướng không thật sự tự tin vào thiên tài của mình nên cần tựa vào Clausewitz? Hay vì cần Clausewitz để biện minh cho các quyết định của mình thay vì thú nhận đến từ cố vấn Trung cộng Vi Quốc Thanh? Từ cấp thấp đến cấp cao, phía Việt Minh không hiểu Điện Biên Phủ tự thân là một chiến thắng vinh quang, không cần phóng đại thêm.

Trần Vũ

(1) An Ninh Thế Giới: http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Nguoi-nhan-Thieu-ta-Marcel-Bigeard-dau-hang-trong-chien-thang-Dien-Bien-Phu-312745/

(2) Bố trí đơn vị Pháp tại Điện Biên Phủ http://www.fondation-general-bigeard.com/items/actualites/Dien-Bien-Phu-dossier.pdf

(3) Jean Pouget, Nous Étions à Bien Bien Phu, Nxb Presses de la Cité, 1964, trg 339 đến 341

(4) Hồi ký Marcel Bigeard, Cho một mẩu Vinh Quang, Pour Une Parcelle de Gloire, Nxb France Loisir, 1975, trg 186

(5) Nguyễn Dũng Chi là nhân vật tiểu đoàn trưởng trong tiểu thuyết Cao điểm Cuối cùng của Hữu Mai

clip_image002Trung tá Marcel Bigeard thuộc binh chủng Nhảy dù Thuộc địa đội bérét đỏ khác với Nhảy dù Lê dương đội bérét xanh lục.

clip_image004

Tổng thống Giscard d’Estaing trao Bắc đẩu bội tinh cho trung tướng Marcel Bigeard tháng 9-1974 trên sân điện Invalides

clip_image006

Bán Lữ đoàn 13 Lê dương đội képi trắng mà không đội béret.

clip_image008Hầm chỉ huy của Bigeard nằm trong phân khu trung tâm Claudine ngừng bắn lúc 17g30 chiều 7 tháng 5 trong lúc đồi Éliane 2 thất thủ lúc 5 giờ sáng 7 tháng 5-1954.

clip_image010

Lệnh ngừng bắn lúc 17g30 viết tay của trung tá Marcel Bigeard cho trung úy Jacques Allaire chiều 7 tháng 5-1954.