Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 9)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Sơ thời Ki-tô giáo

Thời La-Hy, cũng như thời nay, triết học chủ yếu độc lập với tôn giáo. Triết gia có thể đặt những câu hỏi liên quan đến nhữngvấn đề tôn giáo, nhưng tổ chức Giáo hội không ảnh hưởng, và không có quyền lực gì, đối với những nhà tư tưởng. Thời gian từ khi Đế quốc Rome sụp đổ cho đến thời Trung Cổ khác hẳn hai giai đoạn trước, và sau đó. Triết học phương Tây bị tác động bởi sự lãnh đạo và bảo trợ của Giáo hội. Có nhiều lý do giải thích sự kiện này. Ở thời điểm Đế chế Rome phương Tây rạn vỡ, vai trò Hoàng đế - Thiên mệnh trước kia là một bị tách phân thành hai quyền lực.

Khi Ki-tô giáo mang tước vị quốc giáo dưới thời Contantine[1], Giáo hội đã khống chế mọi vấn đề liên quan đến Thượng Đế và Tôn giáo, và Hoàng Đế thì chuyên lo những chuyện thế gian. Quyền lực của Giáo hội tuyệt đối, bất khả kháng trên nguyên tắc, nhưng về sau giảm dần xuống cho đến thời Cải Cách, thời vai trò cá thể con người trước Thượng Đế được nêu cao. Sau đó thì Giáo hội trở thành một phương tiện trong trào lưu Nhà nước-Quốc gia (State-Nation) sau này.

Trong khi trung tâm Đế quốc La còn giữ được truyền thống một thời gian, man ri phương bắc chẳng có chỗ chống dựa. Chỉ giáo sĩ của Giáo hội mới biết chữ. Giáo hội nắm giữ văn hóa, và triết học trở thành một công cụ để giữ quyền hành. Nhưng cũng có những thế lực khác cạnh tranh, như truyền thống Rome cổ và truyền thống Đức do lớp đặc tuyển phong kiến đã tham chính từ thời Đế chế còn vững. Tuy nhiên, những thế lực này không có được một tầm nhìn xã hội, và không thể thách thức được Giáo hội. Truyền thống Rome chỉ tái khẳng định từ thời Phục Hưng ở Ý từ thế kỷ thứ 14, và truyền thống Đức với phong trào Cải Cách (Reformation) nở rộ vào thế kỷ 16. Trong thời Trung Cổ, vì thế, triết học trói buộc vào Giáo hội.

Khi phân quyền ra làm hai, một bên là Giáo Hoàng và Thượng Đế, và bên kia, Hoàng Đế và Triều đình, nhiều vấn đề trở nên bức bách. Đầu tiên, là tranh chấp giữa LaTinh với Teuton[2]. Nếu Giáo hội do người LaTinh kiểm soát thì Đế chế ở trong tay lớp kế thừa người Teuton, gốc Đức ngày trước đã chiếm được Đế quốc. Cho đến khi tan rã trước sự xâm lăng của Napoleon mãi sau này, Đế chế vẫn còn mang tên là Đế quốc Thánh linh La Mã thuộc quốc gia Đức.

Thứ đến là vấn đề phân chia giữa tập đoàn giáo sĩ và những người thế tục. Giáo sĩ là những kẻ bảo vệ chính thống, và qua họ mà Giáo hội chống trả những khuynh hướng dị giáo. Ở phương Tây, giáo sĩ trở thành một tập đoàn quyền lực. Một vài Hoàng đế trong thời kỳ đầu Đế chế theo khuynh hướng Arianism[3] chống lại giáo sĩ, nhưng quan điểm chính thống cuối cùng vẫn thắng. Sau là sự phân biệt giữa Vương quốc Thiên đàng và Vương quốc trần thế. Căn nguyên của chuyện này có thể tìm ra trong Phúc Âm. Man di có thể tàn phá Vương quốc dưới thế, nhưng không bao giờ đụng được Vương quốc Thiên đàng. Và cuối cùng là mâu thuẫn giữa tâm linh và thân

clip_image002 Tượng Constantine

xác. Điều này được bàn từ thời Socrates. Với hình thức Tân-Plato, những khái niệm này trở thành trung tâm của thế cách thánh Paul[4] cho tôn giáo. Và từ nguồn này mà tính khổ hạnh của Ki-tô thuở sơ thời được xưng tụng.

Những điều vừa trình bày phác thảo cái chúng ta gọi là Triết học Công giáo. Nền triết học này trưởng thành với Thánh Augustine, người thừa hưởng truyền thống Plato, và phát triển tột độ với Thánh Thomas, kẻ đã xây nền móng cho học thuyết Kinh Viện trên cơ sở Aristotle mà nhiều biện giải còn được bảo lưu. Những triển khai của nền triết học này dính chặt với Giáo hội có trọng lượng đáng kể trong quá trình lịch sử. Tìm hiểu những vấn đề này là tối cần nếu chúng ta muốn nắm bắt tinh thần, và triết lý, của thời đại đó. Ki-tô giáo, ở vị thế độc tôn trong văn minh phương Tây, là một nhánh của tôn giáo Do Thái hòa trộn với văn hóa Hy Lạp và văn hóa phương Đông.

Ki-tô và Do Thái giáo cùng quan điểm rằng Thượng Đế chọn những kẻ đặc sủng, nhưng sự chọn lựa có khác nhau. Hai tôn giáo này có chung một thế cách nhìn lịch sử như sự khởi phát từ một sự sáng tạo thiêng liêng và tiến đến một chung cuộc huyền diệu. Nhưng có khác biệt về vấn đề ai là Chúa Cứu thế, và điều gì Chúa sẽ phải tạo tác hoàn thành. Với người Do Thái, Chúa Cứu thế sẽ đến và mang cho trái đất cuộc chiến thắng cuối cùng. Với người Ki-tô giáo, Chúa Cứu thế là Jesus thành Nazareth đã hiện diện trên trái đất, nhưng Vương quốc của Chúa không ở trong thế gian này. Ki-tô giáo tiếp thu từ Do Thái giáo tính công chính như nguyên tắc hành xử với đồng loại, nhưng cũng đồng thời lại rất khắc nghiệt giáo điều. Cả hai tôn giáo sau này đều chấp nhận khái niệm Tân-Plato về một thế giới khác. Nhưng nếu tư duy Hy có tính triết học và không buộc ai cũng phải tuân thủ thì Do Tháo và Ki-tô giáo áp đặt bằng cách cho rằng người nào công chính sẽ được lên thiên đàng, và ngược lại, ai không công chính sẽ phải xuống địa ngục. Tính cách răn đe và ban thưởng này khiến lý thuyết đàng sau tôn giáo hằn nét hiện thực.

Để hiểu những gì đã đưa đến những quan điểm trên, chúng ta ghi nhớ rằng ở giai đoạn đầu tiên, Yahweh, đấng Thượng Tôn trong đạo Do Thái, là một vị thần trong một bộ tộc đã bảo vệ những thành viên của bộ tộc đó. Tương tự như Yahweh, có những vị thần khác của những bộ tộc khác, và chẳng có một thế giới nào khác cả. Đấng Thượng Tôn đạo Do Thái dẫn dắt bộ tộc đi tìm phúc lợi, rất ghen tuông, và không chịu nhận có những đấng thần linh khác mình. Những vị tiên tri có trách nhiệm đề cử thần linh chần chừ vì không muốn mất lòng Yahweh và sự liên kết của những bộ tộc Do Thái. Tính bộ tộc của Do Thái giáo phát triển thêm một bước qua một loạt những thảm họa. Năm 722 TCN, Vương quốc Do Thái phía bắc là Israel rơi vào tay quyền lực Assyrians[5] khiến một phần lớn cư dân Do Thái lâm vào cảnh lưu đầy. Năm 606, người Babylonnia đánh bại Đế quốc Assyria, chiếm vương quốc phía nam là Judah, chiếm thành Jesusalem năm 586, đốt Đền Thiêng và bắt rất đông người Do Thái đem về giam ở Babylon. Chỉ đến khi vua Ba Tư là Cyrus thắng Babylon vào năm 538 người Do Thái mới được phép quay về Palestine. Trong thời kỳ bị giam hãm ở Babylon, tính giáo điều và bộ tộc của Do Thái giáo trở nên rất cứng rắn. Vì Đền Thiêng bị phá hủy, những nghi thức hy sinh thế mạng không còn, nhưng phần lớn kiến thức, lễ lạc, truyền thống của tôn giáo này tồn tại cho đến ngày nay. Từ thời gian đó, người Do Thái tiếp tục phân tán, và không phải ai cũng quay về cố quốc, buộc sống khép kín bất kể thể loại thần quyền nơi mình cứ trú. Sau thời Đại đế Alexander, họ cố tự xác định giữa hai ảnh hưởng của Seleucid[6] Á và Ptolemaic[7] Ai Cập.

Một cộng đồng đông đảo Do Thái lớn mạnh ở Alexandria, nhưng tôn giáo của họ bị Hy hóa. Ký hiệu ngôn ngữ Hebrew chuyển sang tiếng Hy Lạp, dịch bộ kinh Septuagint mà theo truyền thuyết thì có 70 người chuyển ngữ độc lập với nhau nhưng cùng hoàn thành những bản văn giống hệt nhau. Hoàng đế Seulicid là Antiochus IV buộc Do Thái đồng hóa vào văn hoá Hy ở tiền bán thế kỷ 2 TCN khiến họ nổi loạn dưới sự lãnh đạo của anh em Macabean. Những người này can đảm chiến đấu bảo vệ tôn giáo cũ, cuối cùng chiến thắng. Gia đình Macabean nắm quyền hành. Thế quyền này được gọi là triều đại Hasmonean và tồn tại đến thời Herod[8].

clip_image004 Lưu đầy ở Babylon

Sự thành tựu của cuộc kháng chiến do Macabean lãnh đạo đã khiến Do Thái giáo tiếp tục tồn tại, tạo điều kiện mà nếu không có thì cả Ki-tô lẫn Hồi giáo không thể hiện diện sau này. Thời gian đó là thời mà quan niệm có một thế giới khác hội nhập Do Thái giáo, lý do hiển nhiên là cuộc kháng chiến chứng minh rằng sự tàn hủy thế tục nào có buông tha những kẻ đạo hạnh. Trong thế kỷ thứ 1 TCN, bên lề chính thống và truyền thống Hy Lạp, một nền đạo lý được khởi động từ giảng dạy của Jesus được truyền tụng qua kinh sách Phúc âm. Ki-tô giáo thời sơ khởi thật chỉ là Do Thái giáo được tu sửa, cũng hệt như sau này đạo Tin Lành từ Giáo hội Ki-tô.

Dưới quyền lực của Marc Antony[9], sự điều hành của đẳng cấp tu sĩ bị xóa bỏ. Herod, một người Do Thái hoàn toàn Hy Lạp hóa, được bổ nhiệm vào chức vụ Hoàng đế. Sau khi Herod chết, vùng Judaea lại chuyển vào vòng kiểm soát của người Rome. Nhưng cũng như người Ki-tô, người Do Thái phủ nhận loại hình Hoàng đế - Chí tôn (God-Emperor). Không thuần phục như người theo Ki-tô giáo với đạo lý nhún nhường, người Do Thái không chấp nhận bất cứ gì khác Thượng Đế của tôn giáo họ. Lời Jesus “cái gì của Caesar trả lại cho Caesar, cái gì của Chúa trả lại cho Chúa” là cách thế rất Do Thái. Chỉ giữ thỏa hiệp bề mặt, họ chối bỏ trong thâm tâm sự sát nhập Hoàng đế vào một đấng thiêng liêng. Vào năm 66, người Do Thái nổi loạn. Sau một cuộc chiến, Jerusalem rơi vào tay người Rome, Đền Thiêng lại bị đốt lần thứ hai. Sử gia Do Thái tên Josephus đã ghi lại cuộc chiến này.

Sau biến cố này, người Do Thái bị lưu đầy thêm một lần. Cũng như thời ở Babylon, quan điểm chính thống giáo điều trở nên khắc nghiệt hơn. Sau thế kỷ thứ 1, Do Thái giáo và Ki-tô giáo trở thành hai tôn giáo đối kháng. Ở phương Tây, Ki-tô giáo gây ra tâm thế chống Do Thái (antisemit) khiến người Do Thái bị đẩy ra lề xã hội, bị ngược đãi và bóc lột cho đến thế kỷ 19. Chỉ trong những xã hội theo Hồi giáo, đặc biệt ở Tây Ban Nha, cộng đồng Do Thái mới phát triển được. Khi những người đạo Hồi bị trục xuất, chính những người Do Thái thông thạo ngôn ngữ ở Tây Ban Nha thời đó trung chuyển truyền thống tôn giáo đến giới Giáo Sĩ Ả Rập. Năm 1948, người Do Thái lại chiếm lại Đất Hứa của họ, và liệu họ có khai triển và quảng bá một ảnh hưởng nào trên phương diện văn hóa hay không còn là điều quá sớm để nói tới[10].

Ki-tô giáo thưở sơ thời không có tham vọng mang tín điều áp đặt lên những người Do Thái mà chỉ gắng giữ những truyền thống riêng. Do Thái giáo cũng không nhằm cải đạo những người bên ngoài, và ngay ở điều kiện mới bây giờ, chỉ lôi cuốn những thành viên qua nghi thức thức ăn uống và cắt bao qui đầu. Nếu không có những người theo Ki-tô sau này muốn phát triển rộng ra thì có lẽ Ki-tô chỉ là một nhánh của Do Thái giáo. Paul ở Tarsus[11], một người Do Thái theo Ki-tô giáo, đã hệ thống hóa tín ngưỡng tôn giáo này và tổ chức lối sống theo tinh thần Ki-tô phổ quát.

clip_image006 Saint Paul.

Những công dân Hy Lạp của Đế chế cũng không chấp nhận rằng Chúa Giê-su là con của Đức Chúa Trời. Những kẻ được cho là ngộ đạo, một phong trào khá hổ lốn linh tinh đồng thời với Ki-tô giáo sơ khai, cho rằng thế giới của vật chất và cảm nhận là do Yahweh tạo ra, nhưng vị này chỉ là một thần linh cấp nhỏ bị Đấng Chí tôn bắt đi đầy nên xuống thế để làm những điều ma quỉ. Cuối cùng, con của Đấng chí tôn sẽ đến với con người nhân gian để đưa họ vào con đường chính trực chứ không đi theo con đường mà Cựu Ước vạch ra. Phong trào ngộ đạo hỗn hợp huyền thoại Hy Lạp với tính bí nhiệm Orpheus, mượn vài giảng dạy Ki-tô chiết trung qua triết học Plato và học thuyết Khắc Kỷ. Tính tạp nhạp của đám ngộ đạo đẩy xa đến độ coi như bằng đẳng sự phân biệt Tâm linh-Vật chất với Tốt đẹp-Xấu xa, và còn cực đoan hơn cả phái Khắc Kỷ. Coi ăn thịt và chuyện thỏa mãn sinh lý là tội lỗi, đám này cũng tồn tại vài thế kỷ, nhưng thật khó biết giáo lệnh của họ có được tuân thủ hay không. Đám ngộ đạo trở thành không còn mấy quan trọng khi Constantine lên nắm quyền. Giáo phái Docetics loan truyền rằng Giê-su không bị đóng đinh trên thập tự giá mà là một con ma nhập vào thay thế. Điều này nhắc nhớ huyền thoại hy sinh của Iphigenia trong văn chương Hy. Mohammed, người khai sáng đạo Hồi, cho rằng Giê-su là một nhà tiên tri cũng như mình, và dĩ nhiên không thể bằng mình. Sau đó, Mohammed còn hạ Giê-su xuống đến độ chấp nhận truyền thuyết Docetics.

Khi Ki-tô giáo lớn mạnh, họ bắt đầu chèn ép tôn giáo tuân thủ Cựu ước, cho rằng những người Do Thái không chấp nhận Đấng Cứu Thế giáng trần là loài ma quỉ. Từ thời Constantine qui định Ki-tô là quốc giáo, đàn áp Do Thái giáo thành điều được ca ngợi. Thật là quái khi những người theo Ki-tô từng đã bị ngược đãi và khủng bố lại có thể, khi nắm quyền, hành xử hệt như vậy với một thiểu số người Do Thái kiên định với lòng tin của họ.

Trong một chừng mực, tôn giáo Ki-tô đã xoay chuyển về một hướng. Do Thái giáo, nói chung, rất giản đơn và không có thần học. Chính vì vô tư như vậy mà tôn giáo này sống sót ngay trong Phúc âm.

clip_image008 Origen

Với thánh John, chúng ta thấy xuất hiện những tư biện thần học muốn tổng hợp tôn giáo với siêu hình học Hy Lạp. Không chỉ quan tâm đến Thượng Đế mang nhân cách Giê-su, họ đi sâu vào quan điểm thần học của Thế Giới, điều phái Khắc Kỷ quan tâm kể từ Plato cho đến Heraclitus. Luận cứ này được trình bày có hệ thống trong công trình của Origen sống từ 185 cho đến 254 ở Alexandria.

Vị này học với Ammonius Saccas, thày của Plotinus mà ông có nhiều điểm chung. Origen cho rằng Thượng đế không hữu hình. Theo Socrates, ông cho rằng linh hồn tồn tại ở trạng thái độc lập, có trước thân xác, và chỉ nhập xác khi sinh ra. Cuối cùng, tất cả đều được cứu rỗi, và đó là những quan điểm khiến ông bị kết tội dị giáo. Suốt đời, ông bị Giáo hội chê ghét. Khi trẻ, ông chống sự quyến dụ của nhục dục bằng cách tự đi thiến, điều Giáo hội không chấp nhận. Thiến rồi, ông không đủ điều kiện để thành tu sĩ, mặc dầu ở điểm này cũng có những lời đồn đãi lung tung khác.

Trong cuốn sách “Chống Celsius”, Origen đưa ra biện giải nhấn mạnh trên bản thể thiêng liêng của Kinh Thánh. Trên một trong nhiều phương diện, Origen cho rằng lòng tin có tầm ảnh hưởng đến xã hội là sự minh chứng về giá trị của lòng tin đó. Đây là cách nhìn thực dụng còn được William James[12] nêu lên ngay gần đây. Rất dễ thấy loại lập luận này là con dao hai lưỡi. Tất cả tùy thuộc vào tính từ giá trị ở đây. Người Mác-xít không chấp nhận tổ chức Giáo hội Ki-tô, gọi tôn giáo là thuốc phiện mê hoặc quần chúng, hoàn toàn có quyền chống lại trên quan điểm thực dụng. Tập trung quyền lực của Giáo hội là một quá trình tiệm tiến. Ban đầu chức Giám mục được những địa phương bầu ra. Sau Constantine, tầng lớp những Giám mục tăng về số lượng và quyền hành. Mặc dầu tiếng là ủng hộ người nghèo, Giáo hội tiếp nhận nhiều gia đình thượng nghị sĩ quyền quí hệt như chính quyền Roma đã làm trước đó. Cuộc xung đột về giáo điều tạo ra ít nhiều biến động. Để yên dân, Constantine phải dùng ảnh hưởng của mình để triệu tập Công đồng Nicae[13] năm 325. Hội đồng đặt ra những tiêu chuẩn chính thống để phân biệt với trào lưu Arianism, theo đó Đức Chúa Cha khác, và là bề trên của Đức Chúa Con. Ngược lại, ở thái cực đối nghịch, Sabellius rao giảng rang Đức Chúa Cha và Con chỉ là một. Quan điểm chính thống của Giáo hội phân biệt ra hai, đặt ngang hàng, và nhận rằng những đấng linh thiêng đó có cùng bản thể. Arianism tiếp tục được truyền tụng, cũng như một số điểm dị giáo khác. Người chủ xướng chính thống là Giám mục Athanasius ở Alexandria từ 328-373. Sau khi Constantine chết, những kẻ thừa kế vương quyền ủng hộ Arianism ngoại trừ Julian vốn là người vô thần. Theodosius lên ngôi năm 379, từ đó quan điểm chính thống của Giáo hội lại được vương triều ủng hộ.


[1] Contantine ( 306-337 ) là Hoàng Đế Rome đầu tiên cải đạo theo Ki-tô giáo.

[2] Vào Thế kỷ 1 TCN, bộ lạc này di cư đến miền nam và miền tây bình nguyên Danube, và gặp sự bành trướng của Đế quốc Rome. Vào cuối thế kỷ 2 TCN, người Teuton và Cimbi vượt đất Gaul và đánh phá Ý. Sau khi thắng trận, liên minh này tan rã, và bị người Rome phản công rồi toàn thắng.

[3] Arianism là thần học theo Arius ( 250-336), một giáo sĩ ở Alexandria luận về Ba Ngôi, bị kết vào tội dị giáo vì cho rằng Đức Chúa Con là phụ thuộc vào Đức Chúa Cha.

[4] Một trong những tác giả của kinh sách Tân Ước, tên Paul, tông đồ của Chúa Ki-tô, người đặt nền móng cho Thần học Ki-tô.

[5]Assyrian là một dân tộc ở Mesopotamia, miền bắc đất Akkadian. Vào thế kỷ 24 TCN, Assyria trở thành Đế quốc cho đến thế kỷ thứ 7 TCN.

[6] Được thành lập sau cuộc chinh phục miền đông của Alexander, trở thành trung tâm văn hoá Hy, điều hành bởi một lớp đặc tuyển Hy-Macedonian.

[7] Thành lập bởi Ptolemy I Soter, kẻ tự phong là Vua Ai Cập, tạo được một đế chế Hy rộng lớn, với Alexandria như thủ phủ văn hóa và thương mại.

[8] Herod (74-4 TCN) được biết qua việc xây dựng cảng Caesarea Maritima và đền đài ở Jerusalem, bị gọi là kẻ điên khùng vì đã hãm hại gia đình mình và những tu sĩ Do Thái giáo.

[9] Marc Antony ( 1-30TCN) là Chính trị gia và Đại tướng , người kế nghiệp Julius Caesar.

[10] Cuốn sách của. B Russell viết năm 1959, tức là độ 10 năm sau khi quốc gia Israel được thành lập.

[11] Paul ( 5-67 ), một trong 13 vị tông đồ của Jesus, là người truyền đạo có ảnh hưởng trong buổi sơ thời đạo Ki-tô. Vai trò giáo lý của Phúc âm theo thánh Paul rất quan trọng trong Tân Ước.

[12] William James (1842-1919) là nhà tâm lý học và triết gia Mỹ, khảo sát huyền bí và những kinh nghiệm tôn giáo, và cổ vũ triết học thực dụng.

[13] Hội đồng Giám mục tìm cách thống nhất Giáo hội trên liện hệ của Jesus với Đức Chúa Cha, xác định ngày lễ Phục Sinh, và tuyên bố giới luật của Giáo hội.