Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 8)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Thời hậu cổ-Hy Lạp (tiếp theo)

Một trường phái triết học có ảnh hưởng rộng thời hậu-cổ Hy Lạp là phái Khắc Kỷ (Stoicism). Không bó gọn vào khuôn khổ địa dư thủ phủ Hy Lạp như những học phái Athens, Khắc Kỷ có những đại diện từ miền Đông cho đến miền Tây Rome. Người sáng lập trường phái gốc Phoenicia[1], tên là Zeno. Ông sinh ra khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 4 TCN. Giao dịch thương mại đưa ông đến Athens, và ở đấy, ông quan tâm đến triết học. Bỏ ngoại thương, ông sáng lập trường học, giảng dạy ở Stoa Poikile, có nghĩa là nơi tường được sơn bằng nhiều mầu. Chính thế mà trường phái ông đứng đầu mang tên Stoicism.

Triết lý Khắc Kỷ có ảnh hưởng kéo dài độ 5 thế kỷ. Trong thời gian này, học thuyết có những thay đổi đáng kể. Nhưng điều gắn bó những người theo học thuyết này là những giảng dạy về đạo lý vẫn giữ nguyên trạng từ đầu. Xuất phát từ cách sống đề xuất thời Socrates, phái Khắc Kỷ nêu cao giá trị của sự can đảm trước nguy nan và đau khổ, thản nhiên trước vật dục lôi cuốn, coi trọng sự chịu đựng bền gan và sự bàng quan trước thế sự.

Như một lý thuyết về đạo lý, Khắc Kỷ là một môn phái rất nghiêm ngặt khi đem so sánh với những học phái khác thời cổ Hy Lạp. Tuy thế, học phái này qui tụ được nhiều người hơn là Plato và Aristotle. Có thể là vì Plato đặt trọng tâm quá nặng lên kiến thức như điều tối thượng, điều khó được tiếp nhận cho những con người đang phải tranh sống. Dẫu sao, học thuyết Khắc Kỷ hình như chi phối được sức tưởng tượng của những người cầm quyền thời đó. Học thuyết này có, hay không, hội tụ đủ những điều kiện để triết gia phải trở thành Vua như Socrates mong ước, thì như ta biết là chuyện thật đáng ngờ.

Tài liệu về học thuật của những triết gia Khắc Kỷ thời đầu ít, chỉ dưới dạng từng đoạn, nhưng ta có thể kết hợp chúng để hình dung ra học thuyết này. Một trong những vấn đề chính đáng ta lưu tâm là thuyết Tất định (determinism) và Ý chí tự do (free will). Hai đề tài này vẫn còn hấp dẫn triết gia từ thuở xưa cho đến tận bây giờ. Theo Zeno, thiên nhiên chấp hành những qui luật nghiêm ngặt. Lý thuyết vũ trụ của ông khởi đi từ quan điểm tiền-Socrates. Cũng như Heraclitus, tố chất nguyên thủy theo ông là Lửa. Từ đó, những tố chất khác tách phân trong thời gian, theo cung cách gần như lý thuyết của Anaxagoras[2]. Cuối cùng, vũ trụ phát ‘lửa mừng’ ở mức độ toàn diện, mọi vật thể trở thành lửa nguyên thủy, và tiến trình cứ thế tiếp tục những chu kỳ theo lý thuyết Empedocles[3]. Qui luật vận hành vũ trụ được một quyền uy tối cao sắp xếp định đoạt từng chi tiết một. Mọi sự kiện xảy ra trong trật tự này đều có cứu cánh. Quyền uy tối cao siêu phàm không phải ở ngoài nhưng từ bên trong điều khiển thế giới, giống như nước rỉ qua cát. Thượng Đế là quyền năng nội tại ở khắp nơi, và là phần chung sống của mọi con người. Cách nhìn này trở nên thịnh hành trong thời hiện đại qua triết luận của Spinoza[4], người chịu ảnh hưởng sâu đậm của học phái Khắc Kỷ.

Đạo đức, thiêng liêng nhất là sống hoà đồng làm Một với thế giới. Đây không phải là một phát biểu trùng ngữ (tautology) trên quan điểm theo đó mọi sự hiện tồn đều ở trong thế giới, mà là ý chí con người muốn sống hài hòa với thiên nhiên chứ không chống đối đi ngược lại. Đạo đức rất quí hiếm. Một nhà độc tài có thể chiếm đoạt mọi tài sản vật chất, và ngay cả sự sống một người, nhưng lại không thể lấy được đạo đức vì nó là phần nội tại bất khả xâm phạm của cá nhân. Từ luận điểm này, ta đến kết luận là từ bỏ mọi vật chất ngoại lai, con người được giải phóng và tự do bởi lẽ đạo đức của con người đó không còn chịu áp lực bên ngoài nào nữa.

Dẫu đáng khâm phục như những khuyên can cho một cuộc sống có phẩm chất, lý thuyết Đạo đức của học phái Khắc Kỷ có những bất cập quan trọng. Chẳng hạn, nếu thế giới đã vận hành theo qui luật thì có ích lợi chi khi rao giảng sự tối thượng của Đạo đức. Kẻ đã tốt, tốt vì được định đoạt như thế, và những kẻ xấu, cũng vậy, là do tiền định. Và chúng ta là gì mà có thể thay Thượng Đế xác quyết cái xấu và tội lỗi? Đề xuất đã đưa ra trong “Nền Cộng hoà” của Plato, theo đó Thượng Đế là tác giả của cái Thiện trong thế giới không mấy ích lợi gì trước câu hỏi vừa nêu. Những phản biện tương tự cũng đều đặt ra với Spinoza và Leibnitz[5], và họ đều né tránh khó khăn bằng cách cho rằng não bộ con người không thể nắm bắt tính bức thiết của mọi sự vật ở toàn thể, và trong thực tế mọi sự vật này đã được sắp xếp một cách toàn hảo. Ngoài khó khăn về Lôgíc như ta vừa bàn, học thuyết Khắc Kỷ còn nhiều sai phạm khác. Thí dụ, nghèo khó hẳn không là con đường nâng cao phần hồn. Ngoài ra, trong giai đoạn này[6], chúng ta phát giác rằng vũ lực có khả năng mạnh đến tàn phá bất cứ ai, cho rằng họ có mạnh mẽ đến đâu chăng nữa. Điều cần ghi nhận với học phái Khắc Kỷ này là nhận định giá trị đạo đức nội tại như điều tối trọng cho sự sống, hơn tất cả những gì khác. Mất mát tài sản vật chất có thể gầy dựng lại được, nhưng nếu ai đó mất đi sự tự trọng, họ sẽ không hẳn là một con người toàn diện.

Tổng kết có hệ thống đầu tiên của phái Khắc Kỷ được cho là do Chrysippus (280-207 TCN), nhưng công trình này không mấy lâu bền. Đó là thời mà phái này quan tâm đến Lôgíc và Ngôn ngữ, trình bày có hệ thống về tính giả định và tính tách biệt (disjunctive) trong tam đoạn luận, tìm ra một liên hệ Lôgíc quan trọng mà ngày nay chúng ta gọi là tương quan hàm ẩn cụ thể (material implication). Đây là liên hệ giữa hai mệnh đề khi không phải trường hợp mệnh đề thứ nhất đúng và mệnh đề thứ hai sai. Lấy thí dụ “nếu hàn thử biểu xuống, trời sẽ mưa”. Liên hệ giữa “hàn thử biểu xuống” và “trời sẽ mưa” là một hàm ẩn cụ thể[7]. Ngoài ra, học phái Khắc Kỷ cũng sáng tạo ra từ văn phạm (grammar) và đề xuất nó như một lãnh vực nghiên cứu.

Học thuyết Khắc Kỷ chiếm ngự Triết học ở Rome qua hoạt động của Cicero[8], môn sinh của triết gia Posidonius[9]. Ông đến từ Syria, đi nhiều nơi và có những đóng góp trong nhiều ngành, từ thiên văn đến lịch sử khi ông tiếp tục công trình của Polybius[10]. Trên mặt triết học, Cicero giữ truyền thống của Academy thời trường phái này bị ảnh hưởng sâu đậm của chủ thuyết Hoài Nghi.

Mặc dầu những triết luận sau này của phái Khắc Kỷ không mấy quan trọng, chúng ta giữ được công trình về Đạo đức luận của ba triết gia cùng với nhiều sự kiện trong cuộc đời của họ. Đó là Seneca, nghị sĩ thành Rome, gốc Tây Ban Nha, Epictetus, một nô lệ lấy lại được tự do thời Nero, và Marcus Aurelius, Đại đế vào thế kỷ thứ 2.

Seneca sinh khoảng năm thứ 3 TCN, thuộc một gia đình Tây Ban Nha khá giả sang sống ở Rome. Ông vào chính giới và sau đảm đương trách vụ bộ trưởng. Sự thăng tiến của ông bị chựng lại dưới thời Claudius, người đẩy ông đi đầy năm 41 do lời yêu cầu của vợ là Messalina. Lý do là ông phê phán cách sống tự do của nữ hoàng, một chuyện thật vặt vãnh, và bà này chỉ vài năm sau là bị hất cẳng. Vợ thứ của Claudius là Agrippina, mẹ của Nero. Năm 48, Seneca được gọi từ nơi đi đầy ở Corse và về nhận nhiệm vụ giáo huấn hoàng tử. Vị này hẳn không phải là đối tượng của cách giáo dục Khắc Kỷ, nhưng ngay chính Seneca, ông cũng có một đời sống xa vời với những điều ông giảng dạy. Seneca xây dựng được cơ nghiệp đồ sộ qua cho vay lấy lãi những cư dân đất Anh, và đây là một yếu tố đưa đến sự nổi loạn. May thay, ngày nay chắc chắn phải có nhiều yếu tố hơn là lãi xuất nặng để tạo ra khí thế cách mạng! Nero ngày càng dâm loạn và độc đoán, Seneca lại thêm một lần bị ngược đãi. Cuối cùng, người ta cho ông chọn tự xử hay sẽ bị chém đầu. Seneca cắt mạch máu tự vẫn. Khi sống thì không, nhưng lúc chết, Seneca đã chết như một người tin vào thuyết Khắc Kỷ.

Epitetus người Hy Lạp, sinh khoảng năm 60, mang tên của một người bị mua làm nô lệ. Vì buộc làm việc nhọc nhằn, ông què, và sức khỏe không được tốt. Lấy lại được tự do, Epitetus giảng dạy ở Rome cho đến khoảng năm 90, khi Domitian đuổi ông và những môn đệ Khắc Kỷ đã phê phán luật lệ khắc nghiệt của triều đình.

Những năm cuối đời, Epitetus ở Nicopolis miền tây bắc Hy Lạp, và chết khoảng năm 100. Qua học trò ông là Arrian, ta giữ được một số diễn văn của Epitetius phản ánh khá trung thành quan điểm Đạo đức theo học phái Khắc Kỷ.

Nếu Epitetius là nô lệ thì nhân vật Khắc Kỷ thứ ba là một Hoàng đế. Marcus Aurelius, sống từ 121 đến 180, được chú là Antonius Pius nhận làm con nuôi. Vị này thông minh nhất trong số vua chúa Rome. Marcus Aurelius nối ngôi năm 161 và suốt đời phục vụ Đế chế. Thời ông trị vì, thiên tai và binh biến liên miên, ông phải đối phó với những bộ lạc man ri xâm lấn cương thổ và đe dọa thế lực của Rome. Nhà Nước khi đó chịu cảnh thù trong giặc ngoài. Marcus Aurelius phải chống chỏi để giữ lề luật. Ông khủng bố những người theo đạo Ki-tô, chẳng phải vì ác tâm, mà vì những người đó đặt vấn đề về quốc giáo, một yếu

clip_image002

 Marcus Cicero

tố gây bất đồng nghiêm trọng. Mặc dầu hiểu được, nhưng khủng bố thường là dấu hiệu của một quyền lực sa sút yếu kém. Một khi xã hội có cơ sở vững vàng và có tự tin, hẳn sẽ không cần đến phương tiện này.

Toàn bộ sách “Meditations” do Marcus Aurelius viết bằng tiếng Hy Lạp như những diễn văn của Epictetus đến tay chúng ta. Đây là nhật ký ghi những tư duy triết lý trong những lúc vị vua này không phải lo chuyện đánh dẹp hay chính sự. Đáng nói là không bám sát Đạo đức theo phái Khắc Kỷ, nhật ký cho thấy ông xem trách vụ công cộng khá gần với cách nhìn của Plato. Như một sản phẩm xã hội, con người có nhiệm vụ tham gia đóng góp vào chính trị. Điều này nêu rõ trên mặt đạo đức sự khó khăn của ý thức tự do và quyền xác quyết theo học phái Khắc Kỷ, theo đó cái xấu cái tốt là phương diện thuộc cá nhân mỗi người và không ảnh hưởng tác động gì đến tha nhân. Nhưng nhìn dưới khía cạnh xã hội thì phẩm chất mỗi con người đều có tác động trên mọi người khác. Giả như Marcus Aurelius có cái nhìn thoáng đạt hơn về nhiệm vụ của ông, ông sẽ không mạnh bạo can thiệp trên chính trường, và hẳn đất nước ông trị vì sẽ có nhiều xung đột hơn là tình thế tương đối ít bạo lực đã có. Giải quyết khó khăn vừa nói chưa bao giờ được đề cập trong học phái Khắc Kỷ.

Trên vấn đề những nguyên lý tiên khởi còn bỏ ngỏ từ thời Plato và Aristotle, phái Khắc Kỷ khai triển lý thuyết về tư tưởng bẩm sinh. Rõ ràng và hiển nhiên, đó là những điểm căn bản cho phép phương pháp diễn dịch vận động. Thế cách này ngự trị tư duy triết lý thời Trung Cổ và được cả những nhà duy lý hiện đại chấp nhận. Nó là hòn đá tảng của phương pháp luận theo Descartes.

Về quan niệm con người, học phái Khắc Kỷ có chiều rộng rãi hơn so với thời cổ-Hy Lạp. Xin nhắc, Aristotle khẳng định không một người Hy Lạp nào là nô lệ kẻ khác. Phái Khắc Kỷ, theo đường lối Alexander, cho rằng mọi người đều bình đẳng mặc dầu dưới thời đại đó nô lệ tồn tại, thậm chí còn đông đảo hơn trước. Tránh mâu thuẫn, phái Khắc Kỷ phân biệt luật Tự Nhiên và luật Nhà Nuớc. Quyền tự nhiên là cho con người tất cả những gì con người được hưởng vì đơn giản nó là con người. Học thuyết này ảnh hưởng tích cực lên nền pháp chế Rome qua cách làm giảm gánh nặng của những kẻ không có được những vị thế xã hội tốt đẹp. Cũng tương tự như vậy, quyền tự nhiên được tung hô thời Phục Hưng trong cuộc đấu tranh chống ý niệm về quyền năng thiêng liêng của vương đế.

Nếu Hy Lạp từng là một nơi hoạt động trí thức rộ lên cho toàn thế giới thì đất nước này lại không tồn tại lâu dài như một quốc gia độc lập và tự do. Truyền thống văn hoá Hy Lạp, mặt khác, tỏa rộng lan xa, và khắc những nét khắc thường trực lên nền văn minh phương Tây. Trung Đông được Hy Lạp hóa dưới thời Alexander Đại đế, và ở phía tây, Rome trở thành nơi truyền thừa của di sản Hy Lạp.

Liên hệ giữa Hy Lạp và Rome bắt đầu khi Hy Lạp đô hộ miền nam nước Ý. Về mặt chính trị, cuộc xuất chinh của Alexander không làm xáo trộn gì những quốc gia ở phía tây Hy Lạp. Trong thời đầu, hai quyền lực quan trọng trong vùng này là Syracuse và Carthage. Cả hai bị lệ thuộc Athens vào thế kỷ thứ 3 TCN, hậu quả của hai cuộc chiến Punic[11] đầu. Tây Ban Nha bị lệ thuộc vào Rome sau đó. Ở thế kỷ thứ 2 TCN, Hy Lạp chiếm Macedonia. Trên phương diện chính trị, Rome ban đầu thiết lập một thành quốc với nhiều điểm tương tự như thời thành quốc Hy Lạp. Vương triều Etruscan[12] bị sát nhập vào Đế chế Rome, thành lập một nền cộng hòa được chi phối bởi tầng lớp quí tộc toàn quyền kiểm soát Thượng viện.

clip_image004

 Tượng Marcus Aurelius

Và cuộc chiến Punic thứ ba kết thúc với sự san bằng thành quốc Carthage năm 146 TCN. Cũng năm đó, Corinth cũng cùng số phận dưới gót giầy của những quân đoàn Rome. Sự tàn phá có chủ ý này là ngoại lệ, sau bị phê phán kịch liệt. Về chuyện này, ở thời chúng ta đang sống[13], chúng ta cũng từng khá nhanh chóng quay lại thời man rợ.

Trong thế kỷ thứ 1 TCN, Tiểu Á, Syria, Ai Cập và Gaul bị Rome xâm chiếm, và hơn một trăm năm sau là đến lượt đảo quốc Britain. Những cuộc chinh phục này không vì khát khao sự mạo hiểm nhưng mà là cách kiếm tìm thứ bờ cõi tự nhiên dễ để chống trả những cuộc tấn công xâm lấn của những bộ tộc xung quanh. Thời đầu của Đế chế, mục tiêu này đã hoàn thành: phía bắc, là hai dòng sông lớn, Rhine và Danube. Phía đông, sa mạc Euphrates và Arabian; phía nam, sa mạc Sahara và phía tây, là đại dương. Với địa lý như thế, Đế chế Roman sống yên bình và ổn định hai thế kỷ 1 và 2.

Nhà nước phình to và trở nên quan trọng, những đổi thay trong Hiến Pháp ngày một dân chủ hơn trở nên thiết yếu. Trong khi Thượng viện giữ một phần lớn quyền hành, hội đồng dân sự được tổ chức với những đại diện có tiếng nói trong công vụ Nhà nước. Tổng Trấn trong những hội đồng này có thể là những người ngoài dòng giõi quí tộc. Qua bành trướng và chinh phục, những gia đình nắm quyền tạo được cơ nghiệp khổng lồ, trong khi tầng lớp địa chủ chiếm dụng đất đai của nông dân và sử dụng nô lệ trên một bình diện lớn. Thượng viện tập trung quyền lực, nhưng vào cuối thế kỷ thứ 2 TCN, Gracchi[14] khởi xướng và cầm đầu phong trào đòi dân chủ. Phong trào thất bại, dẫn đến một loạt nội chiến. Octavian, con nuôi của Julius Caesar, lập lại được trật tự và được phong tước vị Augustus, sau thành Hoàng đế, nhưng vẫn giữ một số thể chế dân chủ.

Gần hai trăm năm sau cái chết của Augustus năm 41, Đế chế Rome sống yên ổn. Có những biến động trong nội tình và dĩ nhiên có khủng bố, nhưng ở một múc thấp so với thuở mới thiết lập Đế chế. Tuy nhiên, ở biên giới vẫn có chiến tranh nhưng tại Rome, cuộc sống khá an lành, trật tự.

Cuối cùng, quân đội lợi dụng quyền bính, đổi sự ủng hộ triều chính lấy vàng. Hoàng đế lên ngôi nhờ sự ủng hộ này, và mất ngôi, nếu ngược lại. Trong một thời gian, khủng hoảng bị kiềm chế bởi những cố gắng của Diocletian (286-305) và Constantine (312-337), nhưng chính những phương sách cứu nguy khẩn cấp lại đưa đế chế vào đà suy thoái. Có khá nhiều lính đánh thuê người Đức phục vụ Đế chế. Những kẻ chỉ huy những đạo quân man ri này học được nghệ thuật quân sự với những quân đoàn chính qui, lần lần biết rằng họ có khả năng phục vụ quyền lợi của chính họ thay vì quyền lợi của những ông chủ Roman. Chưa đến trăm năm sau, thành Rome (thuộc Đế quốc Rome miền tây) rơi vào tay người Goths[15]. Một số di sản văn hóa sống sót qua ảnh hưởng của Ki-tô giáo được nâng lên hàng quốc giáo dưới thời Constantin. Trong chừng mực những kẻ xâm lăng này cải đạo theo Ki-tô, Giáo Hội còn có thể giữ được một số tri thức của nền văn minh Hy Lạp. Đế quốc Rome miền đông có số phận còn hẩm hiu hơn. Ở đấy, quân xâm lược Moslem[16] áp đặt tôn giáo của họ (ở thế kỷ thứ 6 và 7), và đẩy truyền thống Hy Lạp về phương Tây.

Về mặt văn hóa, Rome chỉ là một phó sản. Trong nghệ thuật, kiến trúc, thi ca và triết học, thế giới Rome bắt chước với ít nhiều thành tựu những công trình Hy Lạp. Tuy nhiên, có một phạm trù mà người Rome thành công so với Hy Lạp, kể cả so với Đại đế Alexander. Đó là phương cách tổ chức chính quyền ở cấp cao và rộng, đề xuất luật lệ pháp quyền và quản lý bộ máy nhà nước. Ở mặt này, Rome có ảnh hưởng lên tư duy Hy Lạp. Chúng ta đã thấy trên phương diện chính trị người thời cổ-Hy Lạp không thành công trong việc quảng bá một thành quốc lý tưởng. Ngược lại, Rome có viễn kiến về vấn đề này, và là điều đã được ghi nhận bởi sử gia Polybius, một người Hy Lạp sinh khoảng 200 TCN bị Rome bắt làm con tin 16 năm. Giống như triết gia Khắc Kỷ Panaetius, ông thuộc vào nhóm người có học quây quanh Scipio[17]. Ngoài ảnh hưởng chính trị, Rome chẳng hề gây hứng gì cho tư tưởng gia Hy Lạp. Dẫu như một quốc gia tiêu vong, Hy Lạp lại là một nền văn hóa chiến thắng lẫy lừng. Những người Rome có học vấn đều nói tiếng Hy Lạp, giống như ở Âu Châu trong thời đại gần đây người ta nói tiếng Pháp. Trường Academy ở Athens hấp dẫn con cái quí tộc Rome. Cicero từng học ở đấy. Trong rất nhiều lãnh vực, nhiều tiêu chuẩn Hy Lạp được chấp nhận, và trên nhiều phương diện, sản phẩm Rome chỉ là những phó bản tầm thường của bản chính gốc Hy. Đặc biệt, triết học Rome trần trụi, chẳng có gì có thể gọi là độc đáo.

Tính tò mò và ít tôn trọng truyền thống, cộng hưởng với sự lụi tàn thời hậu cổ-Hy Lạp, có tác động làm nhụt tính khí Rome, nhất là khi sự bành trướng ra bên ngoài của Đế chế đã đưa nhiều người giầu có vào nhập cư. Ảnh hưởng Hy giảm cường độ và chỉ còn tập trung trên một số cá nhân, đặc biệt là trong giai cấp quí tộc ở thành Rome. Yếu tố không thuần Hy Lạp trong văn hóa nẩy nở với thời gian. Phương Đông, như chúng ta đã nói, mang tới những đề xuất bí nhiệm, những yếu tố xưa nay không có nhiều quan tâm trong văn minh Hy Lạp. Ảnh hưởng tôn giáo từ Mesopotamia[18] và xa hơn lan vào phương Tây, tạo ra loại tạp chất giáo điều cho phép Ki-tô giáo nổi lên như một tôn giáo có đẳng cấp. Đồng thời, tâm thức bí nhiệm lan tràn khiến thói dị đoan mê tín được quảng bá. Khi con người không hài lòng với cái mình có và lại chẳng tự tin vào khả năng của mình thì bị những sự phi lý chiếm dụng. Dẫu Đế chế có 200 năm bình yên, nhưng giai đoạn Pax Romana này không phải là thời gian mà những cố gắng trí tuệ có được những thành quả tích cực. Triết học, nếu có, thì là triết thuyết Khắc Kỷ. Về mặt chính trị, đây là sự chia tay với chủ nghĩa địa phương của những triết gia thời cổ Hy Lạp. Thuyết Khắc Kỷ đề cao lòng nhân ái giữa người với người. Đế chế kéo dài nhiều thế kỷ, khiến quan niệm này có được ý nghĩa thiết thực. Với cách thế riêng, Đế chế cũng nhìn những vùng bên ngoài nơi cai trị với con mắt bề trên hệt như thái độ người trong thành quốc Hy Lạp thuở trước. Dẫu có ít nhiều liên hệ với vùng Viễn Đông, nhưng thế vẫn chưa đủ để người Rome nhận ra rằng có những nền văn minh lớn khác không thể đánh giá bừa là man rợ được. Tuy có cơ hội nhìn xa trông rộng, Rome vẫn giữ tính cách ngạo mạn của nền văn hóa Hy để lại. Chứng loạn thị cũng xâm nhập cả Giáo Hội , tự cho mình là tôn giáo cao cả và phổ quát, mặc dầu có những tôn giáo ở phương Đông rao truyền những đạo lý ít ra là cũng tiến bộ ngang với Ki-tô giáo. Tóm lại, loài người chúng ta đến nay vẫn luôn còn ước mơ một nền Văn minh, và một Nhà nước “không biên giới”.

Vai trò tối thượng của Rome là truyền bá một nền văn hóa cổ hơn, và cao hơn, văn hóa của chính mình. Điều này khả thi nhờ thiên tài tổ chức Rome, cũng như nhờ sự gắn bó kết hợp trong Đế chế. Hệ thống giao thông chi chít đường xá trên toàn cõi Rome nhắc nhở tài tổ chức này. Sự bành trướng của Rome bảo đảm rằng Âu Châu cần phải vận hành như một đơn vị văn hóa, mặc dầu những khác biệt quốc gia và địa phương có nổi cộm sau này. Ngay sự xâm lấn của những bộ tộc người “man” cũng không thể hủy hoại căn bản văn hóa này đến mức không cứu vãn được. Về phương Đông, ảnh hưởng Rome không bền lâu như với phương Tây. Lý do là vì sức sống dồi dào của cuộc chinh phục Muslim Ả Rập. Trong khi phương Tây bị cuốn hút vào truyền thống Rome, Trung Đông gần như hoàn toàn cải đạo và theo tôn giáo những kẻ chinh phục. Nhưng phải nói phương Tây nợ Ả Rập khá nhiều hiểu biết về Hy Lạp, văn hoá truyền bá qua những tư tưởng gia Moslem, đặc biệt là từ Tây Ban Nha.

Ở đảo quốc Anh, lệ thuộc Rome trong 3 thế kỷ, cuộc xâm chiếm của những người Anglo-Saxon hình như phá vỡ hoàn toàn ảnh hưởng Rome. Truyền thống luật pháp Rome tiếp tục tồn tại khắp những nơi dưới quyền Đế chế, nhưng ở Anh quốc, luật pháp là luật Anglo-Saxon. Triết thuyết Kinh Viện thời Trung Cổ cấu kết chặt chẽ với hệ thống luật pháp này. Và với truyền thống Anglo-Saxon, triết học Anh, ngay trong thời Kinh Viện, vẫn chủ yếu có tính cách thực nghiệm.

Khuynh hướng bá chủ trong tôn giáo thời Đế chế Rome cũng là khuynh hướng trong triết học. Dòng chính, nói rộng, là triết thuyết Khắc Kỷ, và những học thuyết lạc quan hơn của Plato và Aristotle không được mấy quan tâm. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 3, một cung cách diễn dịch mới về đạo đức Khắc Kỷ được chấp nhận. Một tổng hợp nhiều lý thuyết được gọi là trường phái Tân-Plato (neo-Platonism) gây ảnh hưởng lên Thần học của quốc giáo Ki-tô. Điều này, trong nghĩa nào đó, bắc nhịp cầu từ thời Cổ đại đến thời Trung Cổ. Triết học cổ điển nay nhường bước, để triết học Trung cổ lên đường.

Tân-Plato khai sinh như một trường phái ở Alexandria, nơi gặp gỡ giữa Đông và Tây. Ở đây, chúng ta thấy ảnh hưởng tôn giáo đến từ Ba Tư và Babylonia, cung cách tế lễ Ai Cập, một cộng đồng Do Thái khá mạnh, giáo phái Ki-tô, tất cả hoà trộn với nhau trong bối cảnh chung là văn hóa hậu cổ-Hy Lạp. Trường phái Tân-Plato được coi là thiết lập bởi Ammonius Saccas, nhưng ta biết rất ít về nhân vật này. Môn đồ quan trọng của ông, Plotinus (204-270), có lẽ là triết gia lớn nhất của trường phái. Sinh ra ở Ai Cập, ông học ở Alexandria và sống ở đấy đến năm 243.

Quan tâm đến tôn giáo và tư duy bí nhiệm phương Đông, Plotinus đi theo Hoàng đế Gordian III chinh phạt Ba Tư. Hoàng đế này trẻ, ít kinh nghiệm, và không được lòng những kẻ phụ tá. Lục đục nội bộ này kết thúc dưới bàn tay quyền lực của Caesar. Năm 244, Plotinus rời Mesopotamia, nơi gieo chết chóc tranh giành, quay về Rome, sống và giảng dạy cho đến hết đời. Những gì ông viết đều đến từ những bài giảng do học trò ông là Porphyry, một người sùng kính Pythagoras, ghi chép lại. Công trình của Plotinus có lẽ vì thế mà nhuốm màu sắc bí nhiệm.

clip_image006

 Plotinus

Gồm 9 quyển, công trình này có tên gọi là “Enneads”. Nói chung, nội dung rao giảng là triết thuyết Plato, nhưng không có sức cuốn hút và mầu sắc nguyên bản. Sách đặt trọng tâm trên lý thuyết Ý thể trộn với huyền thoại Pythagoras. Trong công trình này, Plotinus có vẻ dửng dưng trước hiện thực. Điều này chẳng lạ khi ta nhìn qua tình trạng của Đế chế. Phải mù, hoặc cực kỳ giầu sang may mắn, mới có thể giữ được lạc quan trước những bất an của thời đó. Một lý thuyết tư tưởng mà coi thế giới của cảm nhận và sự khốn cùng như không có thực hẳn là phù hợp cho những con người muốn hòa giải với số phận của mình.

Học thuyết chính trong siêu hình học Plotinus theo lý thuyết Ba ngôi trong một thể (trinity). Theo thứ bậc, đó là Một, Trí tuệ, và Linh hồn. Ta ghi nhận ngay rằng lý thuyết vừa nói chịu ảnh hưởng chẳng phải là của Ki-tô giáo, mà là từ phái Tân-Plato. Một đồng môn của Plotinus là Origen theo đạo Ki-tô cũng đưa một lý thuyết khác về Ba ngôi nhưng bị kết cái tội dị giáo. Là kẻ ngoại đạo, Plotinus không buộc phải chịu sự kiểm duyệt tư tưởng này, và cũng vì thế ảnh hưởng của ông trong thời Constantine khá lớn.

Một trong Ba ngôi của Plotinus rất giống như hình cầu của Parmenides mà về nó, chúng ta suy diễn như nó-là. Với cách suy diễn khác, ta có thể ngụ ý còn có gì cao cả hơn thế nữa. Plotinus có khi nói về Một như Thượng Đế, có khi như sự Thiện trong trước tác “Nền Cộng hoà” của Plato. Khái niệm nó-là bao trùm hơn khái niệm (being), ở mọi nơi mà lại chẳng ở đâu, toả tràn và không định nghĩa được. Về điều này, im lặng hơn là nói điều gì đó, và thế cách này có ảnh hưởng của trào lưu bí nhiệm. Người có khuynh hướng huyền bí thường lẩn đằng sau sự im lặng vô ngôn. Đây cũng là một thành tựu, và dẫu rằng có dây dưa chút yếu tố bí nhiệm, triết lý Hy Lạp vẫn chống lại loại hình tư duy này.

Yếu tố thứ nhì trong Ba ngôi theo Plotinus là Trí tuệ (Nous). Rất khó dịch từ Nous cho đủ nghĩa. Nó là trí tuệ, nhưng không phải trong nghĩa huyền bí mà là trong nghĩa tri thức. Quan hệ giữa Trí tuệ và Một có thể diễn tả qua phương cách nội suy như sau. Một như mặt trời rọi sáng, và Trí tuệ là ánh sáng khiến Một nhìn thấy mình. Trong chừng mực nào đó, nó như là khái niệm tự-ý thức. Đẩy hoạt động của trí năng xa rời phạm trù của cảm nhận, chúng ta có khả năng biết được Trí tuệ và qua đó, biết được Một, hình ảnh của Trí tuệ. Ở đây, chúng ta nhận ra sự tương tự với khái niệm biện chứng trong “Nền Cộng hòa” trong đó Plato mô tả quá trình dẫn đến cái nhìn ra sự Thiện.

Ngôi thứ ba là Linh hồn, một yếu tố bao gồm hai mặt. Ở mặt nội tại, linh hồn nối thẳng lên trên với Trí tuệ; và ở ngoại tại linh hồn dẫn xuống thế giới của cảm nhận mà nó khai sinh. Không như phái Khắc Kỷ cho rằng Thượng Đế chính là thế giới, lý thuyết của Plotinus phản bác tính đa thần và quay lại cách nhìn của Socrates. Tự nhiên được coi phát xuất từ Linh hồn, và nó không thể nào là ma quái xấu xa theo lối giảng dạy sự ngộ đạo qua trực cảm và bí truyền (Gnostics[19]). Ngược lại, Plotinus cho rằng Tự nhiên vốn là Đẹp và là Thiện, điều mà mà những triết gia và những người giảng đạo Ki-tô sau này không chấp nhận. Trong thế giới nhìn dưới khía cạnh của những người này, cái Đẹp và Khoái lạc đều là cơ sở của tội ác xấu xa. Chừng mực nào cách nhìn này được thực hành bởi những kẻ quá khích không mấy rõ ràng. Tuy nhiên, phải xác nhận rằng sự thờ kính cái xấu xa thấp thoáng trong nhiều quốc gia. Ki-tô giáo chính thức công nhận khái niệm kỳ quặc theo đó khoái lạc mang thuộc tính tội lỗi.

Trên vấn đề bất tử, Plotinius công nhận cách nhìn diễn dịch trong trước tác “Phaedo”. Linh hồn một con người là cốt yếu, và như vậy, nó vĩnh cửu trường tồn. Điều này tuơng đương vói cách nhìn của Socrates khi vị này cho rằng Linh hồn là ý thể. Tuy nhiên, lý thuyết của Plotenius có chút giáng dấp Aristotle. Dù Linh hồn vĩnh cửu, nó có xu hướng tan hòa vào Trí tuệ, mất dần đi bản chất của nó.

Chúng ta đến đây đã đi tới mức chót của công việc tổng hợp và trình bày triết học thời cổ đại. Trong quá trình này, chúng ta vượt qua 9 thế kỷ, từ thời Thales cho đến thời Plotinus. Dẫu phân định như thế, không phải là không có những triết gia sau này có thể coi như vẫn thuộc vào những truyền thống tư tưởng ngày trước. Chuyện này, trong nghĩa nào đó, đúng cho mọi nền triết học. Tuy vậy, ta vẫn có thể truy ra một số tiến bộ quan trọng trong sự triển khai của truyền thống văn hóa Hy. Sau khi đạt đến mức độ thời Plotinus, ít nhất ở phương Tây, triết học núp dưới cánh Giáo Hội. Điều này đúng, trừ dăm ngoại lệ, như trường hợp Boethius[20]. Đồng thời, ta ghi nhận rằng khi Rome suy tàn như vậy thì ở phương Đông, truyền thống triết học vẫn tiếp tục tự do so với tôn giáo với giáo lý Byzantium và sau là giáo lý Moslem.

Nhìn lại truyền thống triết học cổ đại, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước năng lực đặc biệt của trí tuệ Hy Lạp trong cách đề đạt những vấn đề tổng quát. Plato cho rằng ở bước đầu, triết học là đối mặt với sự khó xử lý, và khả năng giải quyết của người Hy Lạp thời đó quả là xuất chúng. Khái niệm tìm tòi và nghiên cứu là một trong những phát kiến Hy Lạp đã uốn nắn thế giới phương Tây. Dĩ nhiên, dễ gây ác cảm khi ta so sánh những nền văn hóa, nhưng nếu phải phát biểu thật ngắn gọn về văn minh Tây phương, ta có thể nói rằng nền văn minh này được xây dựng trên cơ sở đạo đức Hy Lạp. Một nét khác rất sống động của triết học Hy là tính quảng bá công khai. Sự thật, như chúng có thể có, không cần hào quang của thế cách bất phạm húy kị. Ngay từ đầu, công việc kiếm tìm chân lý đặt trọng tâm trên sự tranh luận biện bác qua ngôn ngữ và truyền thông. Dẫu vậy, vẫn có những tư tưởng mang tính huyền bí ngay thời ban sơ. Bí nhiệm Pythagoras trải qua đây đó suốt cả thời gian cổ đại, nhưng trong chừng mực nào đó, luôn đứng ngoài những phân giải nghiên cứu. Chỉ khi triết học vào độ suy tàn thì yếu tố huyền bí mới có tầm quan trọng hơn. Bàn về Plotinus, tư duy bí nhiệm rõ rệt là đi ngược lại tinh thần của triết học Hy Lạp.

Một trong những nan đề của những triết gia thời cổ Hy Lạp là họ không có một cái mốc được xác định nào để làm chuẩn mực so với những triết gia hiện đại. Nay, chúng ta thường dùng từ ngữ triết học, khoa học và kỹ thuật lấy từ nguồn cổ điển, và thường là không đánh giá đủ sự may mắn ta có. Đối với những nhà nghiên cứu Hy thời đó, mọi sự đều phải khởi đầu. Phải phát kiến những phương cách diễn đạt và từ ngữ gạn lọc từ ngôn ngữ đời thường. Nếu chúng ta thấy cách xếp sắp vấn đề của họ đôi khi vụng về thì xin chớ quên họ cấu tạo chúng mà trong tay không có những dụng cụ ngôn ngữ cần thiết khi đó đang trong quá trình hình thành. Hãy cố gắng đặt mình vào vị thế của họ, và tưởng tượng chúng ta diễn ngôn về triết và khoa học Anglo-Saxon mà hoàn toàn không biết nguồn cội Hy Lạp và La Tinh mà xem.

Đến thời chúng ta, 12 thế kỷ trôi qua mới có sự tái sinh của khoa học hiện đại trên cơ sở những nguồn hiểu biết cổ đại. Tại sao, chúng ta tự hỏi, có một giai đoạn dài mà mọi phát triển bị ngưng trệ. Lời đáp câu hỏi này thường sẽ bị cho là đơn giản quá mức, nhưng chuyện không ngờ vực được là những nhà tư tưởng Hy Lạp và Rome đã không thành công trong đề xuất một lý thuyết chính trị đầy đủ.

Nếu thất bại của người Hy là do tự cao tự đại về trí năng của họ thì với người Rome, lý do là họ thiếu tưởng tượng và sáng tạo. Đầu óc nặng nề biểu hiện qua nhiều cách, ít nhất là qua kiến trúc của thời đại hoàng kim Rome. Sự khác biệt của tinh thần Rome với tinh thần Hy Lạp thể hiện một cách tượng hình khi so sánh đền đài Hy Lạp với những hoàng cung Rome. Trong tay Rome, gia tài Hy Lạp để lại trở nên thiếu đi tính hài hoà tao nhã.

Truyền thống triết học Hy Lạp là một phong trào khai minh và giải phóng. Mục đích tối hậu của phong trào này là đưa trí tuệ con người ra khỏi vòng ngu tối, đuổi sự sợ hãi của điều không biết bằng cách biểu hiện thế giới qua những gì lý tính có thể đạt đến được. Phương tiện vận hành ở đây là thần ngôn (logos) đeo đuổi mục đích khai minh bằng tiếp thu tri thức qua ý thể của sự Thiện. Nghiên cứu vô vụ lợi để đạt hiểu biết tự thân là Tốt đẹp, và qua hiểu biết con người thực hiện một đời sống tử tế chứ không phải qua những chuyện huyền bí mê tín linh tinh. Trong truyền thống này, chúng ta nhận ra cách nhìn tích cực và lạc quan. Với Socrates, một cuộc đời không có thẩm tra là không đáng sống. Aristotle cho rằng không cần sống lâu, mà là sống cho đẹp. Những điều răn này mất dần ảnh hưởng trong thời hậu cổ-Hy Lạp và thời Rome với quan điểm ý thức của phái Khắc Kỷ. Tuy vậy, nói cho cùng, mọi thành quả tốt đẹp trong tri thức của nền văn minh phương Tây đều bắt nguồn từ truyền thống do những triết gia Hy Lạp gây dựng.


[1] Pheonicia là một nền văn minh cổ đại ( 2300 -1200 TCN) ở ĐịaTrung hải, tổ chức như những Thành quốc kiểu Athens.

[2] Triết gia ( 500-428 TCN), nổi tiếng trong Vũ trụ luận qua khái niệm Nous, một sức mạnh tạo trật tự trong thiên nhiên.

[3] Triết gia (490-430 TCN) người Sicile, đề xuất 4 vật thể cơ bản (lửa, không khí, nước, đất) tạo ra vũ trụ, tương tác và tách phân thành vô số vật thể khác nhau.

[4] Spinoza (1632-1677), triết gia duy lý thế kỷ 17, là một người tạo cơ sở cho thời đại Khai Minh về sau. Hegel nói với những người cùng thời, rằng “... anh theo Spinoza, hay nếu không, anh chẳng phải là triết gia”.

[5] Nhà Toán học thiên tài ( 1646-1716), cùng Newton xác lập Toán vi phân. Với ảnh hưởng phái Khắc kỷ, ông cho rằng Vũ trụ là điều tối thượng Thượng Đế đã tạo ra.

[6] Tức sau 2 Thế Chiến ở thế kỷ 20. Khi Bertrand Russell viết cuốn sách này, hiểm họa chiến tranh hạt nhân đang đe dọa thế giới.

[7] Hàm ẩn hoặc hữu hàm là chứa đựng, dính líu, liên quan (implication); còn cụ thể, dịch ý từ chữ material.

[8] Triết gia (106-43 TCN), đưa triết học Hy Lạp vào thế giới Rome. Ảnh hưởng của Cicero rõ nét nhất thời Khai Minh với những tác gia như Locke, Hume và Montesquieu. Ông viết sử, và trong thời Ceasar, ông cổ vũ sự quay lại chính thể Cộng Hoà.

[9] Triết gia (135-51 TCN), học ở Athens, ủng hộ chính quyền Rome như hình thể ổn định chính trị có hiệu lực.

[10] Triết gia ( 200-118 TCN), viết sử về thời đế chế Rome lấn áp dần ảnh hưởng Hy Lạp. Ông đề xuất sự phân quyền trong chính trị, điều sau này trở thành phổ cập qua tác phẩm nổi tiếng của Montesquieu.

[11] Punic là ba cuộc chiến giữa Rome và Carthage từ 264-146 TCN. Ban đầu, Carthage là lực lượng thống trị hải phận miền tây Địa Trung Hải, trong khi Rome đả khuất phục Ý nhưng lại yếu trong lãnh vực hải chiến. Đến cuộc chiến thứ ba, sau khi hai bên tổn thất hàng trăm ngàn nhân mạng, Rome chiến thắng, tàn hủy thành phố, và chinh phục toàn bộ Đế quốc Carthage, trở thành Đế chế quyền uy nhất bờ tây Địa Trung Hải. Về phía đông Địa Trung Hải, cuộc chiến Macedoinia cũng đưa tới thành công. Vương triều Seleucid phải ký hòa ước Apamea năm 188 TCN, từ đó Rome trở thành Đế quốc hùng mạnh nhất trong vùng cho đến suốt thế kỷ thứ 5 .

[12] Thiết lập vào năm 700 TCN, nền văn minh Ý thời tiền cổ bị sát nhập vào Đế chế Rome vào thế kỷ 1

[13] Bertrand Russell lại nhắc thời Thế chiến.

[14] Chính trị gia (163 -133 TCN), trong khủng hoảng ruộng đất ông đòi cải cách pháp chế trong nông nghiệp, đụng chạm đến quyền lợi tầng lớp địa chủ. Ông bị sát hại bởi một số nghị sĩ cầm quyền Thượng viện, và những người bảo thủ thuộc nhóm Optimate.

[15] Một bộ tộc gốc Bắc Âu, sống ở miền đông nước Đức.

[16] Liên quan đến Muslim, Hồi giáo.

[17] Đại tướng, chính trị gia (185-129 TCN), người chống đối Gracchi và là người chiến thắng Carthage trong trận chiến Punic thứ ba.

[18] Vùng hiện nay là Irak, cư dân có tôn giáo riêng từ 4000 năm TCN cho đến khoảng 3 thế kỷ SCN.

[19] Gnostics là tập hợp những niềm tin và thực hành thời sơ khởi của Ki-tô giáo. Điểm chung của tập hợp này là rao giảng rằng tri thức qua trực giác và bí truyền có khả năng cứu vớt linh hồn ra khỏi thế giới vật chất, thế giới tạo ra từ một trung gian chứ không phải trực tiếp từ Thượng Đế. Trung gian này bị coi là không hoàn hảo, và thậm chí có thể là cái Ác .

[20] Triết gia sinh ở Rome vào thế kỷ thứ 6, làm Tổng trấn dưới trướng Hoàng đế Theodiric. Vì nghi ngờ làm phản và thông đồng với Đế chế phương Đông, ông bị tù rồi bị hành quyết.