Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Kể chuyện Nhân Văn Giai Phẩm chơi

(Rút từ facebook của Kiều Mai Sơn)

1/ Một ông anh còm trên fb của tôi thế này: "Hôm nay đi dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trên Lễ đài có nhắc đến các vị GS tiền bối từng là niềm tự hảo của khoa Lịch sử anh hùng như: GS. Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy... nhưng một thời từng bị coi là "KẺ TỘI ĐỒ" trong vụ nhân văn giai phẩm ...cũng chua xót lắm chứ!

Không nhắc đến chuyện các cụ trưởng lão PHANG NHAU kiểu như Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Hoán (đều dân du học ở Pháp) phang Trần Đức Thảo hay Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lân phang Trương Tửu... Hôm nay, chỉ kể chuyện các học trò khoa sử phang thầy.

2/ Năm 2008, Nhà văn Thái Vũ ra Hà Nội, tên khai sinh của ông là BÙI QUANG ĐOÀI - người tổ chức ra tờ ĐẤT MỚI - CHUYỆN SINH VIÊN, bị coi là CÁI ĐUÔI của tờ NHÂN VĂN và tạp chí GIAI PHẨM. Trong cuốn TRĂM HOA ĐUA NỞ TRÊN ĐẤT BẮC, tác giả Hoàng Văn Chí thiếu tư liệu cho nên viết rằng BÙI QUANG ĐOÀI hiện không có tin tức (đại khái hiểu là đã chết). Kỳ thực, ông còn sống thọ gần 90 tuổi, mất năm 2013.

Nhà văn Thái Vũ nghỉ tại Nhà khách Hội Nhà văn trên Quảng Bá. Ông gọi điện rủ tôi lên chơi và ông kể cho tôi nghe chuyện thời Sinh viên. Ông còn có 1 bản đánh máy trên giấy pơ-luya từ năm 1986 mang tên CHO TÔI NÓI LẠI ĐÔI ĐIỀU THỜI ẤY. Bài viết dài gần 20 trang, như LỜI TRĂNG TRỐI, ông kể với tôi là: "Năm 1986 [chắc là năm 1956 – Văn Việt], chú có lúc bức bách, ĐÃ TOAN TỰ TỬ".

Điều ông chua xót kể lại đó là việc SINH VIÊN được dựng lên để ĐẤU TỐ các thầy. Và ông kể tôi nghe những cái tên họ Phan ngành Sử, họ Phan ngành Văn, họ Trần ngành Sử, họ Trần ngành Văn, họ Hà, họ Nguyễn...

3/ Năm 2009, lớp sinh viên của Dự bị Đại học 1952-1953 đồng thời cũng học lên Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Văn khoa 1954-1956 họp nhau. Đây là sinh hoạt thường niên. Địa điểm luôn là nhà của ông Nguyễn Đức Tiếu phố Hàng Bè. Hôm ấy, tôi được bác Nguyễn Đức Nga (nguyên Chuyên viên Bộ GD-ĐT) mời tới dự cho vui.

Đến nơi, thấy có mặt nhiều người nổi tiếng: Đạo diễn - NSND Bạch Diệp; PGS Đặng Thị Hạnh (chị gái cô Đặng Anh Đào); từ Hải Phòng lên có nhà giáo Trần Tám (anh Hai Ha Thuc chắc biết rõ); từ Vinh - Nghệ An ra có PGS Ninh Viết Giao.... Hà Nội thì có Nhà văn Nguyễn Bản; nhà giáo Đào Văn Phái, nhà nghiên cứu Từ Thị Cung (vợ Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh đã mất từ 1975); nhà giáo Ngô Bá Cao...

Hôm đấy, PGS Ninh Viết Giao hào hứng kể chuyện đã làm xong cuốn sách về ông Võ Thúc Đồng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Ông Giao kể rằng, ông Đồng vẫn nhớ khi ở tù Côn Đảo thì người thầy giáo giảng bài về Chủ nghĩa Cộng sản là Trần Văn Giàu. Tuy bé nhỏ nhưng là người gan dạ.

Đợi PGS Ninh Viết Giao nói xong, Nhà văn Nguyễn Bản oang oang:
- Thằng Giao mày chịu ơn ông Giàu thì mày cứ bênh ông ấy. Ông Trần Văn Giàu mà bé nhỏ à? Ông ấy cao lớn như gì. Hồi đấy các ông ở đây đều biết cả, tôi không ở ký túc xá mà ở bên ngoài. Nhưng khi đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm, bọn sinh viên phải có mặt đầy đủ ở Việt nam học xá là Đại học Bách khoa bây giờ. Tôi còn nhớ ông Trần Văn Giàu nói 1 câu như thế này mà tôi còn hãi đến tận bây giờ: "Các anh ấy đã rơi xuống miệng vực. Chúng ta đã giơ tay kéo các anh ấy lên. Nhưng nếu các anh ấy không chịu lên thì CHÚNG TA PHẢI ĐẠP ĐẦU CHO NGẬP XUỐNG TẬN BÙN ĐEN".

4/ Nhà văn Nguyễn Bản, sinh năm 1931, nhà ở ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Hôm tôi đến thăm ông, tôi mới biết ông được mệnh danh là Trùm Nhân Văn tỉnh Bắc Ninh và Trùm Xét lại của tỉnh Hà Bắc.

Hồi đó, sinh viên ĐHSP về các tỉnh đều bị cái mác học trò của Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu. Anh nào cũng sẵn sàng cái lý lịch nhọ chảo ấy là khó ngóc đầu lên được. Nhà văn Thái Kế Toại có ông thầy dạy văn ở Thái Bình là như vậy. Nhà giáo Lê Gia Linh (tên khác: Lê Gia Loãn), tốt nghiệp năm 1957, về Thái Bình, vừa dạy học vừa đi đóng gạch để cải tạo tư tưởng.

Nguyễn Bản lấy cho tôi xem Thẻ sinh viên của mình năm 1956, rồi thủ bút 1 bài thơ của bạn đồng môn Hà Thúc Chỉ. Đoạn ông rỉ rả kể chuyện các thầy Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu... Phần về SINH VIÊN ĐẤU TỐ GIÁO SƯ, ông Bản nói với giọng khinh bỉ:
- Cậu nên nhớ, cái thằng Lê Mậu Hãn ấy, khoa Sử, thằng ấy hung hăng đấu tố các thầy lắm đấy.

Năm vừa rồi, nhân chuyện Hội KHLS Việt Nam ồn ào vụ tích hợp môn Lịch sử. Nhân có hội thảo ở Bảo tàng Lịch sử, phố Phạm Ngũ Lão. Tôi gặp PGS.NGND Lê Mậu Hãn ngoài hành lang. Tôi mới khều chuyện cụ hồi đi học. Người Quảng Trị mà ra Hà Nội học Khóa 1 khoa Lịch sử ĐH Tổng hợp năm 1956 là oách lắm. Cụ kể rất hào hứng.
- Vậy kỷ niệm của thầy với các cụ Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo chắc phải sâu sắc lắm.
Tôi vừa hỏi xong, PGS Lê Mậu Hãn bóp trán:
- Vừa rồi mình ốm một trận, trí nhớ giờ không còn tốt nữa, cũng không nhớ được lắm.
(Trong cuốn BỌN NHÂN VĂN GIAI PHẨM TRƯỚC TÒA ÁN DƯ LUẬN, nxb Sự thật, 1958, có tên Lê Mậu Hãn. Ông PV Thanh Hà có lần được cụ Mậu Hãn kể chuyện hồi sinh viên nghe axui. Ông dưa góp cổ phần cho khách quan).

5/ Cách đây cũng phải 7-8 năm rồi, nhân cuộc trò chuyện với tôi, GS.NGND Nguyễn Đình Chú (Dinh Chu Nguyen) kể rằng, thầy và GS Trần Quốc Vượng được Chi bộ phân công viết bài phê GS Trần Đức Thảo.
- May quá hồi đó bài viết thế nào lại không được đăng. Nếu bài hồi đó mà đăng thì bây giờ thành vết chàm trên mặt khó mà rửa được,

Thầy Nguyễn Đình Chú có lẽ là người chân thành và thành thực - khá hiếm - khi kể lại chuyện Nhân Văn Giai Phẩm trong sinh viên. Mỗi khi nhắc lại những chuyện trò đấu tố thầy, GS Chú luôn chảy nước mắt.

Có lần, thầy Chú kể rằng, Bí thư Chi bộ sinh viên hồi đó là Kiều Xuân Bá khoa Sử (GS Kiều Xuân Bá tốt nghiệp năm 1957, công tác tại Khoa Lịch sử - ĐH Tổng hợp từ năm 1947-1970. Hiện GS đang cư trú tại Đà Nẵng). Khi nhắc đến GS Trần Đức Thảo với sinh viên, Bí thư Kiều Xuân Bá gọi đó là TỘI ÁC (tiếng Pháp).
Chuyện này xin để nhờ thầy Chú kể cụ thể.

Còn 1 ông Bí thư Chi ủy khác là Nguyễn Kim Thản cũng kinh hoàng nhưng chuyện đâu còn có đó không kể ở đây.

P/S: Tào lao chút nhân dịp Sư vừa kỷ niệm 65 năm thành lập; Tổng đang kỷ niệm 60 năm. Và cũng là tròn 60 năm Khai sinh kiêm Khai tử báo Nhân Văn, tạp chí Giai phẩm, Đất mới và Tự do Diễn đàn.

Ảnh 1: BỌN NHÂN VĂN GIAI PHẨM TRƯỚC TÒA ÁN DƯ LUẬN, nxb Sự thật, 1958

Ảnh 2: GS Kiều Xuân Bá (2016)


Ảnh 3: Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và Nhà văn Thái Vũ năm 2007 tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây - Tư liệu Thái Vũ gửi cho tôi.