Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Thảo luận “vấn đề dạy chữ Hán trong nhà trường“ (15)

Trở lại vấn đề lượng từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt

Phạm Hùng Việt

CÓ BAO NHIÊU TỪ HÁN VIỆT?

Từ trước đến nay, đa số chúng ta đều cho rằng số lượng từ Hán Việt trong kho ngữ vựng tiếng Việt chiếm một tỉ lệ không hề nhỏ. Có lẽ mọi người vẫn tin theo thống kê trước đây của nhà ngữ học người Pháp H. Maspéro (sau này được Lê Đình Khẩn xác nhận lại) là trên 60%. Đó là một con số rất lớn mà bao nhiêu năm nay chưa được kiểm chứng. Đây là bài viết của PGS TS Phạm Hùng Việt đã đăng trên tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, s. 1-2016. Qua thống kê của ông, số lượng từ Hán Việt đang sử dụng trong giao tiếp tiếng Việt thấp hơn nhiều (khoảng trên dưới 30%).

Đó là một kết quả rất đáng quan tâm. Sau đây là toàn văn bài viết của PGS TS Phạm Hùng Việt.

Phạm Văn Tình

FB Phạm Văn Tình

 

1. Từ ngữ Hán Việt, theo cách hiểu phổ biến hiện nay là từ ngữ gốc Hán trong tiếng Việt đọc theo cách đọc Hán Việt. Từ ngữ Hán Việt, do điều kiện hình thành và phát triển của nó, rõ ràng chiếm một số lượng lớn trong vốn từ ngữ tiếng Việt. Nhưng cái “lượng lớn” đó là bao nhiêu thì còn có những ý kiến khác nhau. Lâu nay, chúng ta vẫn thường dựa vào ý kiến của H. Maspéro để cho rằng lượng từ Hán Việt chiếm khoảng 60% vốn từ tiếng Việt, chẳng hạn, Lê Đình Khẩn cho biết: “Trở lại với Maspéro [149], chúng ta thấy có lẽ ông là người đầu tiên tiến hành thống kê và công bố số lượng từ Hán trong tiếng Việt. Với tỉ lệ 60% từ Hán trong tiếng Việt, ông đã tưởng tiếng Việt là một nhánh của cái gốc Hán Tạng” [7, tr.6]. Một số ý kiến thậm chí cho rằng sự phát triển của từ Hán Việt trong thời gian qua làm cho lượng từ Hán Việt ngày càng nhiều hơn, nên có thể chiếm tỉ lệ cao hơn thế nữa.

Không rõ trước đây, Maspéro dựa vào nguồn dữ liệu nào để thống kê, tính đếm, đưa ra tỉ lệ nêu trên về từ Hán Việt trong tiếng Việt. Nhưng kết quả mà Maspéro đưa ra (năm 1912) cũng đã cách đây hơn một thế kỉ. Với sự phát triển của tiếng Việt, đặc biệt là sự phát triển rất mạnh mẽ từ sau khi đất nước thống nhất (1975) và sau đổi mới (1986) đến nay, vốn từ tiếng Việt đã có sự thay đổi lớn. Nhiều từ ngữ đã trở thành cũ, không còn được sử dụng, trong khi rất nhiều từ ngữ mới được sinh ra, đi vào vốn từ chung của tiếng Việt. Từ ngữ Hán Việt cũng nằm trong xu thế chung đó. Lớp từ ngữ này có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được phản ảnh vào trong các từ điển giải thích tiếng Việt.

2. Từ điển giải thích tiếng Việt là loại sách tra cứu cung cấp thông tin về các từ ngữ của tiếng Việt, có chức năng xã hội rất rộng. Bên cạnh việc cung cấp vốn từ ngữ và cách sử dụng chúng trong giao tiếp, học tập tiếng mẹ đẻ , góp phần chuẩn hoá ngôn ngữ, từ điển giải thích tiếng Việt còn giúp mở rộng hiểu biết của con người về sự vật, khái niệm - vốn là một mặt thường không thể thiếu được trong ý nghĩa của từ. Từ điển luôn phản ánh những kiến thức vốn có trong xã hội ở một thời kì nhất định. Nó là một trong những sản phẩm khoa học chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn hoá xã hội. Ngược trở lại, từ điển cũng có tác dụng lớn đối với sự phát triển của văn hoá, giáo dục, đối với việc nâng cao dân trí, đối với sự phát triển của bản thân ngôn ngữ và đối với việc mở rộng giao lưu giữa những cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Có thể nói, một cuốn từ điển tốt là một công cụ tri thức có tác dụng góp phần nâng cao hiểu biết cho người dùng, định hướng về cách sử dụng chuẩn mực ngôn ngữ, đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Lượng từ ngữ trong bảng từ của một cuốn từ điển giải thích cỡ vừa có thể được coi là vốn từ phổ thông của một ngôn ngữ.
Trong bảng từ của từ điển tiếng Việt, lớp từ Hán Việt có vai trò rất quan trọng, vì đây là lớp từ có khối lượng lớn, được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, …

Để tìm hiểu về lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay, chúng tôi đã tiến hành khảo sát lượng từ Hán Việt trong một số cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản trong thời gian gần đây, cũng như tham khảo kết quả khảo sát về lượng từ ngữ Hán Việt trong một số công trình, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, … Kết quả thu được như sau.

Cuốn từ điển tiếng Việt được dùng để khảo sát lượng từ ngữ Hán Việt là Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê và một nhóm cộng sự biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2011. Lí do chọn cuốn từ điển này vì đây là cuốn từ điển có ghi chữ Hán cho các từ ngữ Hán Việt trong từ điển (x. mục 2, tr. IX trong phần C. Cấu trúc vi mô của quyển từ điển). Đây cũng là cuốn từ điển đã tiếp thu hầu như toàn bộ thành quả của cuốn Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, Hoàng Phê chủ biên. Việc khảo sát cho kết quả như sau:

Tổng số từ ngữ Hán việt trong từ điển là: 14.933 đơn vị, trong đó có 1.184 từ đơn tiết, được phân bổ theo các vần:

TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG CHÚ THÍCH TỪ HÁN VIỆT

STT Vần Số lượng mục từ Từ đơn
1 A 167 7
2 Ă 0 0
3 Â 113 11
4 B 914 53
5 C 1.478 93
6 D 508 27
7 Đ 1.189 68
8 E 0 0
9 Ê 0 0
10 F 0 0
11 G 352 16
12 H 1.324 111
13 I 6 1
14 J 2 0
15 K 803 85
16 L 594 65
17 M 287 30
18 N 923 81
19 O 33 4
20 Ô 27 4
21 Ơ 5 1
22 P 694 58
23 Q 383 30
24 R 0 0
25 S 436 43
26 T 3.820 329
27 U 59 6
28 Ư 63 8
29 V 467 26
30 W 1 0
31 X 189 17
32 Y 96 10
33 Z 0 0

TỔNG CỘNG: 14.933 1.184

So với tổng số mục từ của cuốn từ điển này là 45.850 đơn vị thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm 32, 57%.
Trong luận án tiến sĩ của La Văn Thanh Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt (Có đối chiếu với tiếng Hán) (Hà Nội, 2010), tác giả đưa ra con số 10.900 tổ hợp song tiết Hán - Việt thống kê trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên). Nếu tính trên tổng số lượng từ ngữ của cuốn Từ điển tiếng Việt này là 39.924 thì lượng tổ hợp song tiết Hán Việt chiếm 27,3% . Tính cả từ đơn tiết và đa tiết Hán Việt thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm khoảng 31,5%.

Liên hệ thêm với một bộ từ điển đối chiếu Việt - ngoại ngữ là Đại từ điển Việt – Nga mới (Moskva 2012). Trong bộ từ điển này, tổng số từ Hán Việt được chú chữ Hán là 20.067 đơn vị (không chú cho từ đơn âm) trong tổng số khoảng 80.000 đơn vị mục từ. Nếu tính cả từ đơn âm thì lượng từ Hán Việt trong bộ từ điển này chiếm khoảng 26,6%. của toàn bộ mục từ trong từ điển.

Trong luận án tiến sĩ Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến nay) của Bùi Thị Thanh Lương bảo vệ năm 2006 [8], tác giả đã cho thấy lớp từ ngữ mới có nguồn gốc ngoại chiếm số lượng khá lớn, trong đó từ vay mượn gốc Hán chiếm ưu thế với 46,09%. Không chỉ đi vào số lượng, luận án còn cho thấy vai trò quan trọng của các từ ngữ mới gốc Hán trong việc tham gia phát triển hệ thống thuật ngữ các ngành khoa học. Đi vào khảo sát cụ thể sự hoạt động của từ ngữ mới trong một số tác phẩm văn học được lựa chọn từ sáng tác của các tác giả: Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, luận án đã cho thấy trong các tác phẩm văn học, các từ ngữ mới chủ yếu là các từ thuần Việt, chiếm tỉ lệ 75% so với 14,8% từ Hán Việt. Có thể thấy đây là kết quả khá bất ngờ vì trong lớp từ ngữ mới dùng trong các tác phẩm văn học, tỉ lệ từ Hán Việt lại thấp như vậy.

3. Xem xét thêm lượng từ ngữ Hán Việt được khảo sát trong một số luận án tiến sĩ làm về đề tài thuật ngữ - khu vực được cho là sử dụng rất nhiều từ ngữ Hán Việt, có thể thấy tình hình như sau.
Trong luận án tiến sĩ Thuật ngữ khoa học kỹ thuật xây dựng trong tiếng Việt của Vũ Thị Thu Huyền, bảo vệ năm 2013 [6], về nguồn gốc, luận án cho thấy đơn vị cấu tạo thuật ngữ xây dựng tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại ngữ tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các thuật ngữ được cấu tạo từ các ngữ tố thuần Việt chiếm tỉ lệ lớn: 72,24%, các thuật ngữ do sự ghép lai các ngữ tố thuần Việt và Hán Việt có tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều: 20,24%.
Trong luận án tiến sĩ Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt của Quách Thị Gấm – 2014 [4], tác giả cho thấy về nguồn gốc, đơn vị cấu tạo thuật ngữ báo chí tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại yếu tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các loại có cấu tạo từ các yếu tố Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn hơn cả (67,7%, so với thuần Việt là 25,3%, Ấn Âu là 7%).

Luận án tiến sĩ Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại của Lê Thị Thùy Vinh – 2014 [20] đã cho thấy, xét về nguồn gốc, có đến 745/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 73,6%) có nguồn gốc Hán Việt, 94/1011 đơn vị (chiếm tỉ lệ 9,3%) có nguồn gốc Âu Mỹ; chỉ có 172/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 17%) là từ thuần Việt.

Một số luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đi vào khảo sát về việc sử dụng từ Hán Việt của một số nhà hoạt động chính trị, nhà văn, nhà báo, … cũng đã cho kết quả như sau.

Luận văn thạc sĩ về đề tài: Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh của học viên cao học Vũ Đình Tuấn (2013) [10] đã đi vào khảo sát đặc điểm từ Hán - Việt trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát cho thấy tổng số từ Hán Việt được sử dụng là 3534 từ trên tổng số 12250 từ trong toàn bộ 25 tác phẩm được khảo sát, chiếm tỉ lệ 28,9%. Tác giả cũng cho thấy loại văn bản là tuyên ngôn, lời kêu gọi, lời hiệu triệu có số lượng từ Hán Việt được sử dụng nhiều nhất.

Luận án tiến sĩ đề tài Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ của Đặng Mỹ Hạnh [5] cho thấy, trong tác phẩm báo chí của nhà báo Hữu Thọ, theo nguồn gốc, lớp từ Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn nhất (51,3%); từ thuần Việt chiếm 43,9%, chủ yếu dùng trong nhóm từ chỉ nghề nông thuộc hai thể loại điều tra và ghi chép của nhà báo; từ Ấn – Âu chiếm 2,9%, phân bố khá đồng đều ở các tác phẩm.

4. Để thấy được sự thay đổi (với nghĩa là có tạo mới và có mất đi) của lớp từ ngữ Hán Việt, chúng tôi đã tiến hành so sánh một số từ đầu mục trong Từ điển tiếng Việt thời kì đầu thế kỉ XX với bảng từ của Từ điển tiếng Việt xuất bản gần đây.

Chẳng hạn, so sánh những từ đầu mục có từ gốc là An (安), có thể thấy:

- Trong Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của có 21 mục từ:

an bài, an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhàn, an nhân, an ổn, an phận, an tâm, an táng, an tĩnh, an thân, an thường, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị.

- Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) có 29 mục từ, gồm:

an bài, an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhàn, an nhiên, an ninh, an phận, an phận thủ thường, an sinh, an táng, an tâm, an thai, an thân, an thần, an tọa, an toàn, an toàn khu, an trí, an ủi, an ủy, an vị.

Trong số các mục từ dẫn ra ở hai từ điển nêu trên, chỉ có 11 mục từ chung cho cả 2 từ điển là: an bài, an nhàn, an phận, an tâm, an táng, an thân, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị. Có 9 mục từ có ở Đại Nam quấc âm tự vị nhưng không có ở Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) là: an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhân, an ổn, an tĩnh, an thường. Có 18 mục từ có trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) nhưng không có trong Đại Nam Quấc âm tự vị là an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhiên, an ninh, an phận thủ thường, an sinh, an thai, an thần, an toàn khu, an ủi.

So sánh thêm những từ đầu mục có từ gốc là bát (八), có thể thấy tình hình như sau:

- Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí-Tiến Đức có 13 mục từ, gồm:

bát âm, bát bửu, bát dật (bát tuần), bát dật (lối múa), bát giác, bát giác lầu, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát sát, bát tiên, bát tuần, bát trận.

- Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) cũng có 13 mục từ, gồm:

bát âm, bát cổ, bát cú, bát diện, bát giác, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát tiên, bát tiết, bát trân, bát tuần, bát vị.

Tuy nhiên, trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex), không có 7 từ mà Việt Nam tự điển đã thu thập: bát bửu, bát dật (2 từ), bát giác lầu, bát sát, bát tuần, bát trận; ngược lại, trong Việt Nam tự điển không có 6 từ mà Từ điển tiếng Việt có là: bát cổ, bát cú, bát diện, bát tiết, bát trân, bát vị.

Khảo sát một số trường hợp khác như các mục từ có từ gốc là bất (不), đồng (同), hồi (回, hội (會), … chúng tôi cũng thu được kết quả tương tự.

Từ các kết quả khảo sát nêu trên, chúng tôi đi đến nhận xét như sau.

Qua sự phản ánh lượng từ Hán Việt trong một số cuốn từ điển tiếng Việt thời gian gần đây, có thể thấy một thực trạng là: có một số lượng lớn các từ Hán Việt đã trở thành các từ cũ, không còn được sử dụng trong tiếng Việt hiện thời. Bên cạnh đó, cũng lại có một số lượng không hề nhỏ các từ Hán Việt mới được tạo thành. Tình hình này làm cho lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt luôn duy trì ở một tỉ lệ cao. Tuy nhiên, kết quả khảo sát một số cuốn từ điển tiếng Việt được xuất bản gần đây cho thấy lượng từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt thông dụng hiện nay chiếm tỉ lệ khoảng hơn 30%.
Đi vào sử dụng, lượng từ Hán Việt có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành nghề, các thể loại văn học, các tác giả, tác phẩm,… Chẳng hạn, trong lĩnh vực thuật ngữ, lượng yếu tố cấu tạo thuật ngữ có nguồn gốc Hán Việt có thể dao động từ hơn 20% (thuật ngữ khoa học kĩ thuật xây dựng) đến gần 70% (thuật ngữ báo chí).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1895.
[2] Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
[4] Quách Thị Gấm (2014), Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt, Luận án TS Ngữ văn, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[5] Đặng Mỹ Hạnh (2014), Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ, Luận án TS Ngữ văn, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[6] Vũ Thị Thu Huyền (2013), Thuật ngữ khoa học kĩ thuật xây dựng trong tiếng Việt Luận án TS Ngữ văn, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
[7] Lê Đình Khẩn (2002), Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, TP HCM.
[8] Bùi Thị Thanh Lương (2006) Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến 2006), Luận án TS Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.
[9] La Văn Thanh (2010) Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt (Có đối chiếu với tiếng Hán), Luận án TS Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội.
[10] Vũ Đình Tuấn (2013), Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luận văn ThS Ngữ văn, Trường Đại học Thái Nguyên
[11]Từ điển An Nam – Lusitan – Latinh (thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La, của Alexandre de Rhodes, xuất bản tại Roma, 1651, Bản chụp và dịch in của NXB Khoa học Xã hội, 1991.
[12] Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học (Vietlex), NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2011.
[13] Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977.
[14] Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2000.
[15] Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM, 2000.
[16] Tự điển Việt Nam phổ thông, Đào Văn Tập, Sài Gòn, 1951.
[17] Tự điển Việt Nam, Lê Văn Đức, Sài Gòn, 1970.
[18] Việt Nam tân từ điển, Thanh Nghị, Sài Gòn, 1952.
[19] Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí-Tiến Đức, Sài Gòn 1931.
[20] Lê Thị Thùy Vinh (2014), Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
[21] Институт Языкознания - РАН и Институт Лексикографии и Энциклопедии - ВАОН, Новый больной вьетнамско-русский словарь (Đại Từ điển Việt - Nga mới), Издательская фирма "Восточная Литература", Москва, 2012.