Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

MÙA TRĂNG TRINH NGUYÊN

Truyện

Việt Dzũng

1

Trăng mãi đợi treo mùa con gái
Trở đầy vơi tròn khuyết đơn côi
Heo may khép mơ hồ vạt phố
Mộng vàng theo đau lá thu rơi…

Chị như thiên thần sà xuống mâm ngũ quả trong sân. Ánh trăng rằm mỏng đi. Nó reo lên trong niềm vui sướng bất ngờ rồi thu mình lại như con mèo ngoan ngồi khoanh tròn ngắm chị.

Chị thoăn thoắt bày lại mâm ngũ quả thật khéo. Nó ngây ngất mỗi khi mái tóc dài của chị vướng qua. Cái cảm giác được mơn man, thoảng một mùi hương dìu dịu lạ, thật thích. Nó lén hít những hơi sâu vụng trộm.

Như mọi trung thu khác, nó đã phải chén tơi bời mâm cỗ. Năm nay, nó đã lớn rồi. Nó cứ ngắm chị cười và góp cười theo chị. 

Trăng lên quá bụi tre đầu ngõ. Chị rủ nó qua nhà chị chọc bưởi. Chi khoe nhà chị có cây bưởi đào dôn dốt rất ngon. 

Đường trăng sáng rỡ. Nó cố ý bước đi sao cho bóng nó trùng bóng chị khiến chị cứ phải quàng tay kéo nó sát vào người. 

Nó đi như mê theo những bước chân không trọng lượng, ngợp trong hương thơm và những ấm mềm lạ lẫm từ da thịt chị lan toả. Gió đêm hoang lạnh như đẩy thêm cái cảm giác run run rung khắp cơ thể. Nó có cảm giác bất lực không sao kiềm chế được...

Đến đầu làng, nơi có con máng nổi chạy qua chợt chị hỏi nó:

- Em lạnh à, mình tìm chỗ ngồi ngắm trăng đi. Trăng đẹp quá. 

Nó ngắc ngứ nhìn chị cười. Chị kéo nó đến ngồi xuống chỗ bờ miệng cái cống nổi.
...

Chị hơn nó bốn tuổi. Nó quen chị ngay từ những ngày đầu về quê sơ tán. Trong đôi mắt nó, chị là người con gái đẹp nhất nó từng nhìn thấy. Chẳng biết có phải vì chị hay bất ngờ gặp ánh mắt nó nhìn chị như bị hút hồn không mà chị động lòng, hay vì nó là cậu bé dân thành phố trắng trẻo, dễ thương lại hiền lành và hơi nhút nhát nên chị tỏ ra mến nó. Chị thường cười với nó và rất thích rủ nó đi chơi cùng. Nó cũng rất thích được có chị ở bên cạnh. Ngày nào không gặp chị là nó nhớ. Hình bóng của chị cứ ám ảnh nó hàng đêm. Và nó lặng thầm yêu chị…

Một lần, tự nhiên nó nảy ra ý định chụp ảnh cùng chị. Nó đập vỡ con lợn đất đã nuôi hơn hai năm. Một đống tiền năm xu nó bọc vào chiếc khăn mùi-soa để đi gặp chị. “Em có quà cho chị đấy à?”. Chị hỏi khi nhìn thấy nó ôm bọc khăn chạy vào nhà. “Không, đây là tiền em tiết kiệm, em rủ chị đi chụp ảnh”. Chị tròn xoe mắt ngạc nhiên. Chị nói với nó chụp ảnh đắt tiền lắm, ở rất xa, tận ngoài thị trấn cơ. Chị khuyên nó để dành tiền mua quần áo. Thấy nó buồn, nước mắt rân rấn, chị vội đổi ý dỗ dành và hứa chủ nhật sẽ đi cùng. Nó nhoẻn cười sung sướng. Lần đầu tiên nó được đi chơi xa và lâu cùng chị. Chỉ tiếc, cái thị trấn nhỏ chỉ có một cửa hiệu chụp ảnh, ông chủ lại đi vắng.

***

- Chị sắp đi lấy chồng rồi.

Nó bàng hoàng lặng người nhìn chị đang ngước đôi mắt ráo hoảnh ngắm vầng trăng vô cảm. Mới lúc nãy, chị còn rất vui huyên thuyên kể cho nó nghe bao thứ chuyện. Từ chuyện chị sắp được mẹ mua cho mảnh vải xa tanh theo tiêu chuẩn của người bà con Hà Nội có họ hàng thân quen đến chuyện con Lu nhà chị mới đẻ được bốn con, có hai con vá và dặn nó phải gọi là chó vá, đừng gọi chó lang vì Lang là tên của ông thành hoàng làng… Tự nhiên, nó thấy thương chị vô cùng. Nó cảm nhận trong lòng đang dội lên một mất mát nào đó rất ghê gớm.

- Sao chị lại phải lấy chồng? Nó nén lòng hỏi chị.

- Tại có người làm mối chị cho một người họ hàng.

Chị cười bâng quơ chua chát, rứt rứt những cọng cỏ ném xuống dòng nước đang vô tư chảy đều đều rồi đột ngột quay sang nhìn thẳng mặt nó nghiêm trang:

- Chị lấy chồng em có vui không?

Nó sửng sốt một thoáng, cố lấy lại vẻ mặt bình thường gật gật cái đầu nhưng cổ họng cứ nghèn nghẹn:

- Co... ó…

- Em... nói dối.

- Vâng… Nó lí nhí đáp vội theo lời chị.

Chị bật cười tinh quái bẹo má nó. Trông chị cười thật đẹp, hai mắt long lanh, nhất là hai hàm răng trắng đều đặn của chị cứ lấp loá dưới ánh trăng.

- Em cũng sắp về Hà Nội rồi đúng không? Chị hỏi nó, giọng buồn buồn.

- Vâng… hết năm học này chị ạ.

- Hà Nội đẹp lắm. Con gái Hà Nội rất xinh. “Ếch tháng mười, người Hà Nội”. Được ở Hà Nội là thích nhất. Vừa nói chị vừa với tay bứt một cọng cỏ đưa lên miệng nhấm nháp rồi lại ngửa mặt nhìn trăng cười mơ mộng…

Trăng treo gần giữa đỉnh trời. Cánh đồng làng vằng vặc sáng. Nó có lại được cảm giác an lòng khi thấy chị cười. Nó cũng thấy hãnh diện khi nghe chị khen Hà Nội của nó, mặc dù vẫn chưa hiểu câu ếch nhái gì với người Hà Nội. Nó ngắm chị say sưa. Đêm nay chị thật đẹp, làn da chị trắng ngần dưới trăng. Chắc chị chưa đi lấy chồng đâu. Chị trẻ thế cơ mà. Nếu chị được ra Hà Nội làm công nhân thì hay biết mấy. Ra Hà Nội chị còn đẹp nữa. Tự nhiên nó như thấy nó đã rất lớn trong một thoáng đăm chiêu.

- Em về Hà Nội rồi, ở đây chị buồn lắm…

Luồng suy tư của nó bỗng bị cắt ngang khi giọng nói của chị đột ngột buông rơi. Chị đang nhìn nó trong ánh mắt buồn buồn như tìm sự cảm thông.

- Chị... Nó thấy giọng mình run run - Chị có xin được… đi làm ở… Hà Nội không?

Chị thoáng chút ngạc nhiên rồi hững hờ:

- Chẳng dễ như em nghĩ đâu…

- Tại… chị không thích thôi. Nó buồn rầu

- Thích… Chị thích lắm chứ. Ai cũng bảo chị ra Hà Nội là lấy được chồng ngay nhưng các bác ở xã không muốn cho chị đi vì không có ai làm thư ký…

- Thế chị sẽ lấy chồng ở quê à? Giọng nó nghe sao đau đớn.

Chị không trả lời, cứ nhìn nó chăm chăm. Chợt, chị chúm miệng cười rất duyên rồi quàng tay ôm nó sát vào người.

Nó thấy toàn thân nhột nhạt khi cọ xát với những phần mềm mại của da thịt chị. Người chị cũng đang run lên. Chị kéo bàn tay nó dụi hẳn vào phần tròn trịa duyên dáng nhất trên bộ ngực chị rồi xiết chặt nó vào lòng. Lần đầu tiên trong đời, nó cảm nhận được nỗi sợ hãi lẫn trong sự sung sướng bất ngờ từ những cảm giác lần đầu tiên được biết đến thân thể của người con gái. Hai hàm răng của nó cứ rung lên cầm cập. Dù nó đã được xem những bộ phim có cảnh người lớn ôm nhau, hôn nhau và cũng nhiều đêm nó đã tưởng tượng được hôn chị như thế, nhưng lúc này, nó chỉ cảm thấy sự thụ động đờ đẫn của cơ thể đang run rẩy trong sự nóng bỏng cuồng nhiệt truyền sang từ cơ thể chị.

Rồi vòng tay của chị nới ra. Nó đã bớt run cùng với cảm giác rạo rực trong cơ thể. Nó ngẩng lên nhìn chị, ngượng ngập cười...

2

- “ Màn... chiều dần buông xuống... gió ngàn vi vu, lấp ló đầu hiên... ngôi sao ban chiều...”

- Gớm, lại chuẩn bị đi đâu mà vui vẻ thế ông lão?

Đang hì hục lắp lại bộ yếm vừa cọ trắng tinh cho con Dream, bị cắt khỏi dòng hứng khởi phiêu du trong giai điệu của ca khúc Ngôi Sao Ban Chiều, gã cau mày quay lại nhìn mụ vợ:

- Đi đâu? Mai có về quê ăn cơm chay không đấy, đây... cho bám càng.

- Tưởng gì, thứ bẩy này cũng có cơm chay ở chùa Bà Đá rồi, chả thiết... Chợt, như nhớ ra đã... lỡ lời, mụ béo vợ gã vội chuyển giọng - Ơ...mà nhanh thật nhỉ, mới thấy bác cả nhắn rủ về, mai đã khánh thành đình ở quê rồi hở ông?

Vừa nói, ả vừa thậm thịch đôi chân cà nhắc vì bệnh gut, khó nhọc bước xuống mấy bậc thềm nhà đến bên gã.

- Nghe nói làng mở hội tế ở đình to lắm. Cánh ông Thư cũng về tổ chức hầu đồng ở chùa nữa, hay bà chịu khó về thăm quê một chuyến? Hỏi đò đưa vậy, chứ gã biết có tặng tiền mụ vợ cũng chả muốn về.

- Thôi, mình ông về đại diện là được rồi. Cả đời tôi chưa về bao giờ, chả quen biết ai, ngại chết. Mới lại về có một ngày, thở còn chả ra hơi nữa là tế mới chả hát. Nói rồi, mụ cũng xán đến nặng nề thả tấm thân ngót bảy mươi kí lô xuống bên gã, thủ thỉ – Ông nhớ xem cánh anh cả đóng góp thế nào rồi liệu nhé. Nhớ mang theo lọ Béc-bơ-rin về phòng xa nữa đấy…

- Bà chỉ được cái bao biện và nói xấu quê tôi. Tôi vẫn thèm món chả đậu xanh, món đậu phụ nấu chuối nghệ của quê tôi đấy. Ngon tuyệt!

- Ui dào, là tại ngày xưa cả tháng bói chả ra lạng thịt nên ông thấy thế thôi. Tôi dặn chẳng thừa đâu, bụng ông chả tốt lắm đâu. Vừa nói, mụ vừa lấy tay nắn nắn cái lốp xe vừa khẽ khàng – Sao không lấy con SH mà đi cho nó “xịn” mà lại khổ sở với con “la già” này hả ông?

- Bà ơi, ai chả thích đi xe sang - gã mỉm cười tinh quái - nhưng việc này nó phải vậy. Mấy chục năm, tôi có biết quê quán nó thay đổi thế nào đâu, chi cánh thân thích nhà mình chẳng còn ai ở làng, lấy đâu ra chỗ gửi xe, rồi con cháu việc làng chúng nó mượn, rồi bọn nghiện hút... cả trăm điều phiền toái đấy. Con xe gần cả trăm triệu đâu có đơn giản hả bà.

- Ừ, ông nói đúng. Mụ gật gù ra chiều tâm phục, bỗng mụ chợt dài giọng - Chứ không phải ông muốn “bình dân” với cánh anh em trong cơ quan hả? - Vừa nói, mụ vừa hinh hích cười híp cả hai mắt để tự tán thưởng cho câu nói của mình rồi nặng nhọc chuyển tư thế để đứng lên.

Ôi, cái giọng “đá đểu” của mụ sao nghe chua thế. Gã nhăn mặt. Dẫu ngoảnh đi cười góp, gã cũng nhận thấy mụ béo đã chống hai tay vào đầu gối, ậm ạch lê cái thân phì nộn vào nhà.

Mụ béo bắt bài đúng. Chẳng phải vô cớ mà gã lại vui vẻ đến vậy. Cũng phải kể từ ngày “hạ cánh an toàn”, gã mới có những phút giây thực sự rảnh rang để lần mò về kí ức của những ngày tháng xa xưa ấy. Và hình ảnh của nàng đôi lúc lại hiện ra. Dẫu đã nhạt nhòa qua năm tháng nhưng những đường cong từng vùng nhạy cảm ấm mềm tròn trịa của cái tấm thân mềm mại, làn da trắng mịn màng, đôi mông chắc lẳn và bờ môi mọng ướt của nàng cùng cái cảm giác thích thú xen lẫn sợ sệt của buổi ban đầu ấy mà mỗi lần nghĩ đến, người gã lại thấy nóng rần lên, con tim gã lại phải đập loạn nhịp.

Còn nhớ sau cái “đêm trăng” ấy, nàng đã không còn là... chị của gã nữa. Nàng gọi gã âu yếm bằng “anh” và xưng “em” ngọt ngào. Cái men tình buổi ban đầu của tuổi trẻ khiến cả hai cùng ngây ngất trong đam mê bởi được thỏa mãn sự khát khao khám phá về nhau trong tận cùng khoái lạc.

Ngày đó, bố mẹ gã phải về Hà nội để sửa sang lại ngôi nhà bị bom B52 của trận 12 ngày đêm. Gã được gửi lại nhà một người họ hàng để học hết cấp 2. Chuyển lên cấp 3, gã sẽ phải về Hà nội học tiếp. Chẳng có gì thuận lợi hơn, ngôi nhà mà cả làng đã góp công dựng lên cho gia đình gã ở tạm những ngày sơ tán trở thành nơi lí tưởng cho gã và nàng - bất kể lúc nào, sáng tối, hễ gặp nhau cả hai lại... cuốn chặt lấy nhau mà say đắm...

Cách đây một tháng, có người họ hàng ở quê lên Hà Nội đưa giấy mời gã về dự lễ khánh thành đình làng. Ngay từ những suy nghĩ đầu tiên, gã đã nhớ tới nàng. Nàng giờ cũng ngót sáu mươi rồi, không biết trông như thế nào nhưng gã chắc rằng nàng vẫn còn thon gọn, chẳng sồ sề nặng nề như vợ gã đâu. Và chắc chắn, với nét đẹp rạng ngời đã có thì giờ hẳn nàng vẫn phải còn sắc nước lắm. Hy vọng được gặp lại người tình với hình ảnh tưởng tượng cứ ngày càng đẹp lên khiến gã nóng ruột theo từng ngày chờ đợi.

3
- Này ông bác ơi!... Đừng về đường máng nổi nhé, cống máng đang sửa, đường bùn đất lầy lội lắm. Bác chịu khó dắt xe đi tắt sang đường làng Thịnh Lộc gạch đẹp, dễ đi. Hơi xa một tí nhưng xe máy thì chả mấy, về làng dự lễ cho sạch bác à.

Có tiếng từ mấy bà đi chợ sớm về gọi gã. Ôi, may quá. Chẳng là gã cũng muốn đi theo con đường đằng đầu làng này cho gần, nơi có cái cống to dẫn nước từ con máng nổi về làng. Cũng chỉ nghĩ đường lầy lội chút ít vì mưa bụi tháng ba, nào ngờ càng đi càng lầy hơn. Làng đang sửa cống. Lập cập trong “tiến thoái lưỡng nan” thì may gặp mấy bà người làng, gã chưa kịp nói lời cảm ơn, mấy bà đã rảo chân đến bên gã bắt chuyện. Chẳng biết các bà này là ai. Không biết trong số có bà nào cùng học với gã ngày xưa không nhỉ? Ai gã cũng thấy lạ hoắc. Da dẻ mặt mày bà nào cũng nhăn nhúm, ăn mặc đến là xấu. Chỉ có những con mắt nhìn gã là vồn vã, tươi roi rói. Mà sao thế kỉ 21 đi qua đã gần hai thập niên rồi mà các bà vẫn còn đi chân đất là sao vậy hả trời???

- Nhà bác về có một mình thôi ạ?

- Bác tháo giày ra cho dễ đi bác ạ.

- Bác để chúng em giữ xe cho mà cởi quần, à quên... cởi giày mà lên giường... à quên, mà lên đường bác ạ... hihihiiii !!!

- Bác... bác đánh rơi bác gái ở dốc Vân rồi ạ... híhíhí....

Những tiếng trêu chọc cười ồ vui vẻ cứ dậy lên xung quanh. Ôi, phải công nhận người làng mình dễ thương thật. Vẫn nhiệt tình, chân chất, cởi mở và hóm hỉnh như xưa. Hai bà, một bà mặc áo len tím xỉn màu, sờn gấu, chắc lại mặc đồ thải ra của con gái. Một bà mặc cái áo da đầy những túi với phéc-mơ-tuya đã bợt bạt, nứt nẻ, chắc là đồ “si- đa” của cậu con giai, nhanh nhẹn đặt thúng đồ đi chợ xuống vệ đường, giúp giữ chiếc xe để gã cởi đôi giày.

Đất quê mát lịm. Đã lâu lắm rồi gã mới có được cái cảm giác của đôi chân trần trên nền đất mát lịm như thế này. Ngước nhìn hai bà giữ hộ xe đang ngắm mình, gã như thấy một cảm giác vui vui pha chút hãnh diện. Khi cởi đôi tất để lộ đôi bàn chân trắng toát của mình, gã đã lén đưa mắt nhìn trộm mấy bàn chân đen đúa, nứt nẻ, móng phèn vàng khè của mấy bà. Gã động lòng, một chút tội nghiệp cho người quê mình. Biết làm sao được. Xã hội tự phân hóa mà. Mình ở quê thì mình cũng vậy thôi.

Nhưng hình như các bà chẳng hề quan tâm đến điều ấy. Họ cứ hùa nhau, vừa đẩy xe giúp gã, vừa trêu ỡm ờ những câu đùa gán ghép nhau rất vui vẻ khiến gã chẳng hiểu ất giáp gì cũng đỏ mặt, cứ nhăn răng ra mà cười trừ.

Đến ngã ba cầu ông Đống, gã và các bà chia tay nhau. Các bà về làng theo đường máng nổi có con cống đang sửa. Gã rẽ phải về phía làng Thịnh Lộc. Đường đất chỉ một đoạn khó đi. Vào làng, dựng xe rửa đôi giày sạch sẽ, ngắm lại bộ dạng dung nhan cho tươm tất rồi gã thẳng tiến trên con đường lát gạch ngon lành đã quen thuộc. Nghe đâu cứ mỗi đám cưới của gái làng này, họ nhà trai phải nộp cho làng mấy trăm gạch để lát đường. Lệ xưa thế mà hay.

Bon bon xe chạy vào giữa làng, hai bên đường cờ phướn tung bay. Phía đình, nơi bãi đất trống đã lác đác có mấy chiếc xe con cùng một lô xe máy dựng ngổn ngang. Khách khứa cùng người làng đã tập trung ở sân đình. Khung cảnh thật náo nhiệt.

Chẳng vội vàng, gã vào gửi xe, nhận vé có chữ kí qua tay một gã trung tuổi, tướng bặm trợn, xăm trổ đầy ngực. Kệ, ở quê, những kẻ này có khi còn có tác dụng hơn cả chính quyền đấy. Cởi chiếc mũ bảo hiểm, gã hít một hơi thở căng tràn lồng ngực. Thật khoan khoái, thoang thoảng cái mùi hoa soan ngan ngát, hương vị đặc trưng của mùa mưa bụi tháng ba, cái hương vị chân quê như đang ngược thời gian gặp lại. Gã thư thái thả gót giày trên con đường làng thân thuộc ngày nào.

Bao năm rồi mà quê chẳng nâng cấp được cơ sở hạ tầng là mấy. Duy chỉ có dãy nhà hai tầng mới xây ở khu ao đình là có nét văn minh như ở nơi phố thị. Khu này chắc được san lấp làm nhà chứ trước chỉ là phần ao kế đối ao đình, nằm bên con đường từ thôn Thịnh Hòa tới tạo thành ngã ba của làng. Nay chắc là khu trung tâm xã, vì tập trung nhiều cửa hàng mua bán khá đông vui.

Tìm về nơi nhà cũ phía trái đình, cách một con đường đất và rặng duối, gã chẳng còn tưởng tượng ra được chốn xưa. Thay đổi quá. Mấy cây nhãn, cây mít trong khu vườn đã bị chặt hết rồi. Chẳng còn vẻ um tùm bí ẩn như ngày trước nữa. Một ngôi nhà hai tầng cũ kĩ trơ trọi mọc lên, xung quanh là mảnh vườn với những gốc táo bị cưa cụt cành. Cách trồng táo này xưa làng chưa hề có, nhìn sang thửa nhà kế bên gã cũng thấy một kiểu như vậy. Chắc cả làng học nhau cách trồng.

Cuối làng vắng hoe, gã có cảm giác con kênh của làng như ngắn lại. Cả cái giếng làng cũng như bé xíu đi. Mà sao nhiều cây hoa trang nổi lên thế, lấp hết cả mặt giếng. Ngày xưa, gã hay ngồi câu cá ở cái giếng này. Ngày đó giếng sạch và rộng lắm. Một thời thế giới tuổi thơ của gã hiện về để so sánh. Gã như thấy bóng dáng của nàng ngày nào thấp thoáng bên rặng duối già. Bâng khuâng, gã ngắm một nhành hoa duối tím bên đường. Nàng cũng thích hoa duối tím lắm. Gã thì thích chùm quả hơn. Chùm quả duối già chín vàng óng như chuỗi ngọc, nhìn rất đẹp.

Đã có tiếng oang oang của ông tổ chức chỉ đạo trên loa mời mọi người về để chuẩn bị cho buổi tế bắt đầu. Gã quay trở lại sân đình.

.....

- Ông bác ơi, em mời ông bác vào trong ngồi khu ghế hàng trên ạ.

Ồ... lại cái bà mặc áo len tím gặp hồi sáng, khuôn mặt giờ trông hồng hào, chắc nhờ diện cái áo cánh hồng. Gã mỉm cười xuề xòa, xin phép để nhường cho các cụ bô lão, còn mình ngồi thích bên gốc cây gạo cụ đầy những u nổi, rất tiện để đứng lên chụp ảnh làm kỉ niệm.

Bà “áo len tím” nghe gã nói vậy mừng như vớ được bạc. Bà có vẻ rất thích thú được đứng cạnh gã làm công việc giới thiệu về hội tế và giải thích cho gã. Bà cứ liếng láu kể việc chuẩn bị cho đội tế. Từ chọn người đến việc học đi đứng hành lễ, rồi cả việc thuê những bộ quần áo lụa trên tỉnh... Cho dù công việc luôn bận bịu, bà cứ phải chạy đi chạy lại nhưng thế nào cũng lại về bên cạnh gã để tiếp tục thuyết trình, giảng giải. Và bà không quên nhắc gã nhớ kỉ niệm cho làng mấy tấm ảnh đẹp.

- Đó, ông bác thấy chưa. Bà “áo len tím” đưa tay chỉ cho gã về hướng có cô bé đứng ở hàng đầu đội tế - Con bé đứng hàng đầu đó. Nó tên là Hạt, đẹp nhất xã này đấy. Chắc gì gái Hà Nội của ông bác đã ăn đứt được nó…

Ôi, phải công nhận cô bé đẹp quá. Gã vội giơ máy ảnh lên bấm liền mấy kiểu. Bà “áo len tím” lại rổn rảng:

- Nó là con của cái nhà anh Dục trông xe kia đấy. Trông ông bố thế ai lại nghĩ có được đứa con xinh đẹp như tiên nhỉ? Cũng là nó giống mẹ nó ông bác ạ. Mẹ nó cũng xinh nhất làng này. Hôm nay, khách khứa các nơi về, mẹ nó ở nhà bận bán hàng, chắc chẳng ra được đây.

Gã chợt nhận thấy như có một luồng điện chạy rất nhanh từ đầu lan xuống lưng. Một linh cảm mơ hồ đang liên hệ với quá khứ tương đối rõ rệt hiện ra. Gã vội ướm hỏi dò xét:

- Thế bà có biết mẹ nó là con cái nhà ai không đấy?

- Mẹ nó tên là Hoài, con bà Huệ "điên". Tôi về làm dâu làng này đã có mẹ nó rồi. Hoàn cảnh bà Huệ đẻ ra mẹ nó tội lắm ông bác ạ. Nói rồi bà “áo len tím” nhìn quanh, hạ thấp giọng, ghé sát tai gã mà thì thào – Bà Huệ nó ngày xưa nghe nói cũng đẹp nhất làng đấy, lại có học, làm thư kí cho xã giống như con Hạt bây giờ, nhưng không hiểu thế nào mà không lấy chồng, lại chửa. Sinh con ra bị dân làng và gia đình chê trách lắm. Xã không cho làm thư kí với bí thư chi đoàn nữa, còn bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà...

Nghe như sét đánh ngang tai, gã rùng người chết lặng. Chẳng biết bản năng mách bảo lúc nào mà gã chụp được cái mũ bảo hiểm lên đầu, tiếp theo là cái kính đen cũng được bịt lên đôi mắt. Vậy là chắc chẳng có ai là người quen ở làng có thể nhận ra gã. Yên tâm trở lại, gã thận trọng lắng nghe bà “áo len tím” kể về lai lịch gia đình của con bé Hạt.

Cho dẫu phải chạy đi chạy lại, cứ lộn xộn chuyện nọ xọ chuyện kia nhưng rút cuộc, bà “áo len tím” cũng cho gã nắm được một số thông tin. Thật bất ngờ và đau đớn, nàng của gã - Huệ, chính là bà ngoại của con bé Hạt, có đứa con gái tên là Hoài - mẹ của Hạt, giờ là một bà lão dở hơi của làng và suốt cuộc đời bà, bà đã phải đeo cái tội không chồng mà chửa.

....

Bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà, nàng của gã - Huệ, bế theo bé Hoài mấy tháng tuổi ra ngoài đồng bãi cuối làng, khu nghĩa trang, dựng túp lều lên để ở vậy nuôi con. Tá túc đồng bãi được hơn năm thì nàng mắc chứng dở dở dang dang, thỉnh thoảng lại đi lang thang khắp làng, điên chẳng ra điên, dại chẳng ra dại. Tuy dở dang như vậy nhưng được cái tốt tính, chịu khó, ai bảo làm gì nàng cũng làm. Có lảm nhảm nói nói cười cười cũng chỉ là mấy câu thơ vớ vẩn thôi. Người ta nói do ăn nước nghĩa trang đồng bãi nên nàng bị vậy.

Cha mẹ nàng thấy thương con, lại cho nàng về nhà ở và nuôi nàng cùng đứa con. Vì nàng bị coi là điên và bé Hoài là con hoang nên nó không được đi học đến nơi đến chốn. Mặc dù lớn lên rất xinh đẹp nhưng trai làng và cả trong xã cũng chẳng ai dám yêu con gái của nàng. Chúng chỉ thích đùa ghẹo thôi.

Ở đời, ăn hiền gặp lành, rồi vận may cũng đến cho gia đình nàng. Cái nhà anh trông xe xăm trổ đầy người ấy, cũng đã khá tuổi, đi tù về rất thương con Hoài. Thế là hai đứa dắt díu nhau trở ra đồng bãi, rào lại thành một cái trang trại để sinh sống. Thấy chúng chăm chỉ làm ăn, Hoài lại sinh nở - ra con bé Hạt bây giờ, nên xã cũng làm ngơ, cho họ sử dụng cả khu đồng bãi đó. Hơn nữa, do có sức vóc hơn người lại có uy với lũ ba trợn và nghiện ngập trong xóm ngoài làng nên anh “xăm trổ” còn được xã cử làm đội trưởng đội dân quân giúp công việc an ninh cho xã.

Cuộc sống khấm khá dần lên. Nhà anh “xăm trổ” tậu được cả xe công-nông chuyên chở vật liệu xây dựng, hàng hóa cho cả làng cả xã. Nghe nói, cũng nhờ có xe công-nông chở đất giúp mấy ông cán bộ xã lấp cái ao thành khu dãy nhà hai tầng mà anh cũng chen được một suất nhà ở đó cho vợ con. Giờ hai vợ chồng Hoài khá nhất làng. Vừa chạy xe công- nông, vừa bán hàng tại nhà, lại có cả khu đất đồng bãi cho công ty sản xuất bao bì thuê, so với người làng, nhà vợ chồng Hoài hiện có thu nhập cao nhất. Người ta còn đồn con bé Hạt sắp được ra Hà Nội học làm người mẫu. Chỉ có nàng, vì dở người nên chịu thiệt thòi, chẳng ở được với ai, cứ thế lang thang trong xóm ngoài làng, khổ cho gia đình luôn phải canh chừng và đi tìm về.

Thôi, âu cũng tại cái số của nàng… Dù sao, cuộc sống của gia đình nàng ngày nay cũng ổn định. Kể cũng không đến nỗi nào, gã tự an ủi.

***

- “Lên chùa xin cháo lá đa/ Nghe chú tiểu hỏi ma già hay non”... ha hahahaaa!!!... Bà Huệ ơi... sao không ở trên chùa hầu đồng thụ lộc mà ra đây làm gì?

Tiếng lẩy Kiều đón đưa của bà “áo len tím” với câu gọi tên nàng vang bên tai khiến gã giật thót mình. Nàng đến thật sao? Cũng may cái mũ bảo hiểm đã được đội lên cùng cái kính đen che đi khuôn mặt. Chỉ có trán gã đang túa mồ hôi đầm đìa. Gã thấy như đất trời tối sầm lại, hai tai ù ù trong tiếng cười rúc rích của mấy người làng đang hướng về phía bà Huệ.

Có tiếng hát như điệu chầu văn cùng giọng cười the thé ngân nga, nhẹ nhàng như một âm điệu ma quái. Gã định thần liều ngoảnh lại. Ôi!... Huệ của gã đây sao?

Trước mặt gã, một bà già có thân hình tiều tụy xơ xác đang khoa chân múa tay. Quần áo dù không đến nỗi nào nhưng cách mặc thì khá cẩu thả. Đầu tóc bạc trắng bơ phờ, khuôn mặt ửng đỏ gầy gò, nhăn nhúm, còn đôi mắt dài dại ướtnhẹp. Chắc là bà vừa được uống rượu. Miệng bà nhai trầu bỏm bẻm, nước bã trầu rỉ đỏ ra hai khóe mép.

Bà “áo len tím” ghé tai gã nói: “Bà ngoại của con bé Hạt đấy. Cứ thấy khách Hà Nội về là lại đến xin tiền để uống rượu và hút thuốc lá”. Nói rồi, bà vội chạy đến bên bà Huệ, tay chỉnh trang giúp áo sống nàng gọn ghẽ hơn, miệng thẽ thọt những câu phỉnh nịnh để nàng không gây ồn ào, ảnh hưởng đến hội tế.

Chắc chắn đó là nàng rồi. Gã nhận ngay ra nàng, bởi vẫn còn đó những nét hao hao của nàng ngày xưa cũ. Tim gã đập lọan xạ liên hồi, không sao làm chủ được. Hai tay đầm đìa mồ hôi lạnh, gã run run nắm chốt mũ bảo hiểm, bước đi như thể đang bước giữa thinh không, rời khỏi đám hội hè.

Bà “áo len tím” nhìn thấy, vội gọi với theo: “Ông bác đi đâu nhớ lát về xơi cơm chay nhé”. Gã phải quay lại giơ tay như thất lễ, chào tạm biệt rồi chắm chúi vào bãi lấy xe.

Gã chạy xe về Hà nội theo lối đường làng Thịnh Hòa. Xe chạy qua gốc gạo cụ, như thoáng có một đôi mắt man dại, sắc như dao cau đuổi theo sau gáy gã…

Qua khu nhà hai tầng, thấp thoáng bóng một người đàn bà có lẽ rất đẹp bởi những tiếng cười trong trẻo từ trong quán vọng ra.

Gã thấy cay cay nơi khóe mắt. Đường về thêm nhạt nhòa trong mưa bụi giăng giăng...

SG, 29/12/2015