Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Sáu năm về trước Noam Chomsky đã tiên đoán sự trỗi dậy của Donald Trump

Cả hai chính đảng đã làm dân Mỹ thất vọng ghê gớm. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi một thủ lĩnh độc tài xuất hiện.

Jake Johnson, ALTERNET, ngày 18/5/2016

Trần Ngọc Cư dịch

Bài báo này giúp chúng ta hiểu hơn thực trạng chính trị Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hóa và bất bình đẳng kinh tế gay gắt hiện nay tại Mỹ. Tình trạng này đang đẩy giai cấp công nhân da trắng vào vòng tay của Donald Trump, một ứng cử viên dân túy phảng phất hình bóng Hitler. Nhưng mọi người tin tưởng rằng các cơ chế hiến định Mỹ sẽ không cho phép xuất hiện một phiên bản Hitler trên đất Hiệp Chúng Quốc. Bất quá, Trump chỉ là hiện thân của "niềm hi vọng tốt đẹp cuối cùng" (the last best hope) của giai cấp trung lưu da trắng nghèo đang ngày một mất thế đứng trước các nhóm dân thiểu số và việc chuyển công ăn việc làm của họ ra nước ngoài.

Dịch giả

 

Trả lời phỏng vấn với Chris Hedges năm 2010, nhà ngữ học vừa là một trí thức bất đồng chính kiến nổi tiếng thế giới, nhận xét rằng ông “chưa bao giờ thấy bất cứ một điều gì như thế này.”

Bằng từ thế này, ông muốn nói tình trạng xã hội Mỹ hiện nay, so với thời ông sinh ra và lớn lên – những năm Khủng hoảng kinh tế 1930 – và so với tình trạng xáo trộn tại châu Âu trong cùng thời kỳ.

“Tình trạng này rất giống những năm cuối của Cộng hòa Weimar (Đức),” Chomsky nói. “Những điểm tương đồng thật rõ nét. Dân Đức cũng rất thất vọng với chế độ nghị viện của họ. Sự kiện nổi bật nhất về Cộng hòa Weimar không nằm ở chỗ Đảng Quốc xã đã tiêu diệt được Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Cộng sản nhưng ở chỗ các đảng truyền thống, tức Đảng Bảo thủ và Đảng Tự do, bị dân chúng oán ghét, phải biến mất. Sự kiện này đã để lại một khoảng trống chính trị mà Đảng Quốc xã đã chiếm lấy một cách khôn khéo, thông minh.”

Qua nhiều thập niên, Chomsky liên tục cảnh báo về bước ngoặt hữu khuynh của Đảng Dân chủ. Đảng này, trong một nỗ lực nhằm thắng cử, đã sao chép nhiều mảng lớn trong chương trình nghị sự của Đảng Cộng hòa và từ bỏ chủ nghĩa tự do bình đẳng [liberalism], một đường lối đã mang lại cho chúng ta Chương trình New Deal [kinh tế xã hội mới] và về sau, Chương trình Great Society [Đại Xã hội] của Lyndon Johnson.

“Các chính trị gia tự tách rời khỏi yêu cầu của dân chúng và lừa bịp họ để thăng tiến, đang lúng túng chứng kiến sự trỗi dậy của Trump. Nhưng Trump, như cuộc phỏng vấn đầy tiên tri của Chompsky chứng minh, là một sự kiện tất yếu.”

Đường lối mới được coi là khuôn vàng thước ngọc bởi Bill Clinton, người đã đắc thắng tuyên bố rằng “kỷ nguyên của Chính phủ bao biện [big government] đã cáo chung.” [Big government là một từ thường được phe Cộng hòa Bảo thủ dùng để chỉ chính phủ hay khu vực công quyền quá rộng lớn và can thiệp quá nhiều vào các lãnh vực chính sách công cộng hoặc khu vực tư – dịch giả.]

Với tuyên bố này, Clinton mang lại một thời đại mới cho Đảng Dân chủ (cái gọi là Tân Dân chủ), bỏ rơi giai cấp công nhân và tạo quan hệ hữu hảo với giới lãnh đạo các tập đoàn kinh tế và các nhà tài phiệt Wall Street; nhiều người trong số đó về sau đã giữ những chức vụ then chốt trong Chính quyền Clinton, và nhiều người tái xuất hiện trong các nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Xu thế triết lý của những chính khách Tân dân chủ này được Charles Peters tóm tắt khéo nhất trong “Một Tuyên ngôn Tân tự do bình đẳng,” trong đó ông định nghĩa chủ nghĩa tự do bình đẳng mới [neoliberalism] là một ý thức hệ hoàn hảo đối với những người “không còn đương nhiên ủng hộ các công đoàn và một chính phủ bao biện hay chống lại giới quân sự và các đại công ty.” Từ khi Peters soạn bản tuyên ngôn đến nay, Đảng Dân chủ đã vượt khỏi giới hạn lập trường có vẻ trung lập này khá xa.

Về phần mình, Bill Clinton hủy bỏ welfare (trợ cấp tài chánh cho người nghèo), giảm bớt luật lệ điều tiết giới tài chánh Wall Street, làm tồi tệ thêm tình trạng khủng hoảng nhà tù vì gia tăng dân số tội phạm bị giam giữ, và ký thành luật Hiệp ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), một hiệp đồng sâu rộng gây thiệt hại cho hàng triệu công nhân Mỹ, Mexico, và nhiều nơi khác.

Ngày nay, Tổng thống Obama, cùng với các đảng viên Cộng hòa trong Quốc Hội, đang xông xáo vận động cho cái gọi là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương [TPP], một thương ước bị các nhà phê bình gọi là “NAFTA khổng lồ” [NAFTA on steroids]. Thỏa hiệp này, nếu được Quốc Hội thông qua, sẽ bao gồm 40% GDP toàn cầu và ban cho các đại công ty một quyền lực chưa từng có.

Mặc dù Tổng thống Obama có đưa ra các hứa hẹn về tính minh bạch, nhưng dân chúng phải dựa vào các thông tin rò rỉ để thu thập các chi tiết cụ thể về thỏa hiệp này – và, căn cứ trên những thông tin chúng ta có được, hiệp định TPP là một thảm họa cho công nhân [Mỹ] và môi trường và, không đáng ngạc nhiên chút nào, nó là một ân huệ lớn cho các tập đoàn kinh tế đa quốc.

Tắt một câu, Đảng Dân chủ đã nhanh chóng bỏ rơi giai cấp công nhân, thường lấy “cớ là họ cần đến ủng hộ viên giàu có để nắm được thắng lợi,” như một bài bình luận gần đây trên New York Times nêu ra.

Trong khi đó, theo nhận xét của Chomsky, phe Cộng hòa, “cam kết phục vụ” lợi ích của giới giàu và của đảng mình, và với xu thế chủ chiến và bác bỏ khoa học khí hậu, “là một đe dọa cho loài người.”

Vì thế chúng ta đang đối diện với một chế độ chính trị gần như chỉ phục vụ nhu cầu của giới giàu được tổ chức thành hệ thống [organized wealth] khiến người lao động bồn chồn lo lắng về tương lai, và, như chúng ta đã và đang chứng kiến, là họ rất phẫn nộ. Tự cơ bản, giới chóp bu chính trị – của cả hai đảng – đã tạo một khoảng chân không mà một kẻ mị dân to mồm và có sức thu hút quần chúng có thể luồn lách vào.

Như Chomsky nhận xét trong cuộc trao đổi quan điểm với Hedges, “Hoa Kỳ cực kỳ may mắn ở chỗ chưa có một nhân vật vừa thành thật vừa có sức hấp dẫn quần chúng xuất hiện. Mọi nhân vật có sức hấp dẫn rốt cuộc đã hiện nguyên hình là một tên đại bịp để tự hủy, như McCarthy hay Nixon hay các nhà truyền giáo mà mọi người đã biết. Nếu có một nhân vật nào đó vừa thành thật vừa có sức thu hút quần chúng xuất hiện, thì nước này sẽ ở trong tình trạng rất đáng lo ngại vì người dân bức xúc, thất vọng, và không được đáp ứng bằng một giải pháp triệt để.”

Đấy là năm 2010, [khi Chomsky trả lời phỏng vấn]. Bây giờ là năm 2016, khi chúng ta có Donald J. Trump, ứng viên giả định của Đảng Cộng hòa.

Tất nhiên, Trump không “thành thật” trong bất cứ định nghĩa nào của từ này, nhưng những người ủng hộ Trump tin rằng ông dám “nói lên sự thật mà không nương nể” (tells it like it is). Họ coi ông như một người thật sự nói thẳng, một người không ngại xúc phạm các nhóm thiểu số.

Để kiếm phiếu, Trump khai thác những nỗi lo sợ và căm phẫn của các thành phần trong giai cấp lao động da trắng, những người trước đây ủng hộ Đảng Cộng hòa nhưng bây giờ lại coi đảng này như một nơi tập hợp giới quan liêu đã bán đứng họ.

Trump, họ tin tưởng, khác hẳn với giới quyền lực của đảng. Họ cho rằng Trump không bị mua chuộc; ông dùng tiền túi của mình để vận động tranh cử, số tiền được tích lũy bằng khả năng giao dịch phi thường. Ông là người ở ngoài giới quyền lực; ông sẽ chọi lại giới lãnh đạo cổ hủ. Và trên hết, ông thẳng thắn nói lên sự thật về các nhóm mà họ coi là kẻ thù đích thực – kẻ thù này không phải là những tỉ phú như Trump, mà là dân nhập cư bất hợp pháp và người Hồi giáo.

“Người dân sẽ nghĩ gì nếu có người nói với họ, ‘tôi đã tìm ra câu trả lời, chúng ta có một kẻ thù’?” Chompsky đặt câu hỏi. Tại Đức, ông nói thêm, “đó là người Do Thái. Ở đây sẽ là dân nhập cư bất hợp pháp và người da đen. Họ sẽ nói với chúng ta rằng đàn ông da trắng là một thiểu số bị đàn áp.”

Nghe có quen thuộc không?

“Chúng ta sẽ được nhắc nhở rằng chúng ta phải bảo vệ chính mình và danh dự quốc gia,” Chomsky nói tiếp. “Quân đội sẽ được đề cao. Nhiều người sẽ bị lôi ra đánh đập. Điều này có thể trở thành một lực khống chế không ai cưỡng lại được.”

Như Matt Taibbi nhận xét, nước Mỹ, cụ thể là giới chính trị chóp bu của Mỹ, “đã giúp Trump trở thành một ứng viên không ai cản nổi.”

Các chính trị gia tự tách rời khỏi yêu cầu của dân chúng và lừa bịp họ để thăng tiến, đang lúng túng chứng kiến sự trỗi dậy của Trump. Nhưng Trump, như cuộc phỏng vấn đầy tiên tri của Chompsky cho thấy, là một hiện tượng tất yếu.

“Tâm trạng chung của cả nước là rất đáng sợ hãi,” Chomsky kết luận. “Cao điểm của sự giận dữ, thất vọng và thù ghét các cơ chế chính phủ không được vận dụng một cách xây dựng. Nó đang bùng nổ thành những hoang tưởng chính trị đầy tính tự hủy.”

Trump là hiện thân của sự hoang tưởng ấy: ông là sự giận dữ, là chiếc búa mà các người ủng hộ ông hi vọng có thể dùng để đập nát các cơ chế của Mỹ hiện nay và đưa nước Mỹ trở về một quá khứ huyền thoại đầy hoan lạc.

Tầng lớp chính trị Mỹ không chỉ chao đảo dưới sức nặng của hiện tượng Trump; những thất bại của giai cấp này đã tạo ra nhân vật này, và giới quyền lực bây giờ phải đứng trước một lựa chọn. Hoặc là họ sẽ giải quyết các quan tâm chính đáng của những người dân đang bị chủ nghĩa dân túy giả hiệu [fake populism] của Trump thu hút – từ việc chỉ trích các hiệp ước thương mại thảm bại đến việc bày tỏ sự khinh khi đối với giới tinh anh đối ngoại Mỹ – hoặc là họ đành phải chấp nhận sự thật là Đảng Cộng hòa hiện nay là đảng của Donald Trump, người dám nói huỵch toẹt những gì mà đảng viên Cộng hòa chỉ nói bằng ngôn ngữ được mã hóa qua hàng chục năm nay.

Thay vì cố gắng giải quyết các quan tâm của dân chúng, giới quyền lực của đảng [the establishment] đang ra sức “huấn luyện” Trump, và trong tiến trình này họ đang sát cánh với nhau, chứng minh một cách chính xác luận điểm mà Trump đã khai thác thành công: Rằng chính trị Mỹ chỉ là một cuộc tranh đấu để duy trì sự tùng phục ý thức hệ [ideological conformity] và sự đoàn kết của đảng, chứ không phải là một cuộc tranh đấu cho phúc lợi chung của quốc gia.

Giờ đây, Trump đã là một ứng viên giả định của Đảng Cộng hòa. Và những hệ lụy cho tương lai, nếu ông đắc thắng trong cuộc tổng tuyển cử, là rất u ám.

Chomsky ngại đưa ra những tiên đoán cho biết một Tổng thống Trump sẽ như thế nào, nhưng, ông nói, “có một người với tính khí hoang dã đặt ngón tay lên nút bấm hạt nhân có thể hủy diệt cả thế giới hoặc làm những quyết định với ảnh hưởng cực kỳ to lớn là một viễn ảnh hết sức ghê rợn.”

Còn rất nhiều điều để nói về Trump – và về tình hình chính trị Mỹ nói chung. Nhưng chúng ta không thể nói là chúng ta không được ai cảnh báo trước.