Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 7)

Thụy Khuê

Chương 6

Ngôn ngữ học

 

Bài 1

I- Đôi dòng về ngôn ngữ học và bác ngữ học

Văn chương khởi đi từ một chữ.

Với một chữ hay nhiều chữ, nhà văn, nhà thơ làm nên một câu.

Câu là đơn vị nhỏ nhất trong ngôn ngữ nhà văn, nhà thơ.

Nhiều câu làm nên một bài thơ, một truyện ngắn, một truyện dài, là một tác phẩm và xác định ngôn ngữ (còn gọi là văn cách, hay văn phong, hay phong cách, hay lối viết) của nhà văn nhà thơ.

Nếu coi sự khảo sát văn chương là một khoa học, thì đó là khoa giải phẫu chữ, theo hai chiều: đi từ chữ, đến câu, đến bài thơ; rồi đi ngược lại đi từ bài thơ, đến câu, và trở về chữ. Hai hành trình này, nhà phê bình phải lặp đi, lặp lại, nhiều lần, mới có cơ tìm được giá trị của chữ trước, rồi đến câu, bài thơ, và tác phẩm.

Phê bình cũ, không chuyên chú đến chữ, bởi vì ngôn ngữ học chưa phát triển, cho nên đã phải dựa vào những yếu tố khác, như tiểu sử, đạo đức, tâm lý, phân tâm, v.v. để giải thích văn bản và đôi khi đi xa, đi lạc ra ngoài tác phẩm.

Sự phê bình đích thực nào cũng phải có chủ đích là nói lên những điều nằm trong chữ nghĩa của nhà văn, tức là những điều có trong tác phẩm, chứ không phải những ý chủ quan, võ đoán mà nhà phê bình ngoại suy và gán cho tác phẩm.

Trong trường hợp phê bình ở Việt Nam, vì chúng ta hầu như không biết rõ lịch sử văn bản và tiểu sử tác giả, thì phê bình hiện đại là một lối thoát, bởi vì người phê bình không cần biết những thông tin về đời tư tác giả, về hoàn cảnh tạo nên tác phẩm, vẫn có thể phê bình tác phẩm qua chữ, đôi khi chính những chữ trong tác phẩm sẽ nói lên hoàn cảnh lịch sử, xã hội và con người. Đó cũng là phương pháp chủ yếu của các nhà phê bình lớn trong thế kỷ XX, mà chúng ta sẽ lần lượt điểm qua.

Vì ưu tiên của phê bình là chữ. Và muốn hiểu chữlịch sử chữ thì phải biết ít nhiều về ngôn ngữ họcbác ngữ học. Phê bình thế kỷ XX đã đạt những bước tiến quan trọng, nhờ sự phát triển hai môn học này.

Trường phái Hình thức Nga xây dựng trên những khám phá của ngôn ngữ học.

Trường phái phê bình Đức xây dựng trên những khám phá của bác ngữ học.

Vì vậy, muốn tìm hiểu hai trường phái lớn này, chúng ta cần biết sơ lược về hai ngành ngữ học kể trên. Chúng tôi xin chia bài viết làm hai phần:

I- Đôi dòng về ngôn ngữ học và bác ngữ học

II- Ngôn ngữ học de Saussure

*

Trong Giáo trinh ngon ngữ học đại cương (Cours de linguistique generale)[1] Ferdinand de Saussure, cha đẻ ngôn ngữ học hiện đại, nói về lịch sử tiến trình ngôn ngữ học như sau:

Khoa học được hình thành xung quanh những dữ kiện của tiếng nói[2] (la langue) đã trải qua ba giai đoạn liên tiếp trước khi nhận biết đối tượng duy nhất và thực thụ của nó.

Người ta đã bắt đầu làm cái mà người ta gọi là "văn phạm". Sự khảo sát này, do người Hy Lạp mở đầu và người Pháp, chủ yếu, tiếp nối, đã xây dựng trên luận lý học, vắng bóng mọi cái nhìn khoa học và vô tư về chính tiếng nói: Văn phạm chỉ nhắm vào việc đưa ra những lề luật để phân biệt những hình thức (viết) đúng và những hình thức (viết) sai, đó là một môn học có tính chất quy phạm, rất xa với sự quan sát thuần tuý, vì vậy mà quan niệm này tất nhiên là hạn hẹp.

Sau đó là sự xuất hiện của bác ngữ học (philologie). Đã có một trường phái "bác ngữ học" ở Alexandrie. Nhưng từ này được dùng, trước hết, để chỉ khuynh hướng khoa học do Friedrich August Wolf chủ xướng bắt đầu từ năm 1777[3] và còn hiện diện tới ngày nay.

Tiếng nói không phải là đối tượng duy nhất của bác ngữ học, môn học này, trước hết, muốn quy định, giải thích và phê bình văn bản. Sự khảo sát đầu tiên này dẫn tới sự quan tâm cả đến lịch sử văn học, phong hoá, thể chế, v.v. Bác ngữ học có một phương pháp riêng, là phê bình, dùng cho mọi địa hạt.

Nếu nó đề cập tới những vấn đề ngôn ngữ học, thì chỉ để so sánh những văn bản của các thời kỳ khác nhau, xác định ngôn ngữ đặc biệt của mỗi tác giả, giải mã và giải thích những chữ khắc được viết bằng một thứ tiếng cổ đại, tối nghĩa. Chắc chắn những tìm kiếm này đã chuẩn bị cho ngữ học lịch sử: công việc của Ritschl về Plaute có thể gọi là ngôn ngữ học; nhưng trong phạm vi này, phê bình bác ngữ học đã phạm sai lầm trên điểm này: quá nô lệ với chữ viết (langue écrite) mà bỏ qua tiếng nói (langue vivante), ngoài ra, nó bị thời kỳ Hy Lạp và La Tinh chiếm hết địa bàn hoạt động.

Thời kỳ thứ ba, bắt đầu khi người ta khám phá ra rằng: có thể so sánh những tiếng nói với nhau. Và đó là nguồn gốc của "bác ngữ học so sánh" còn gọi là "văn phạm so sánh".

Năm 1816, trong tác phẩm tựa đề "Hệ thống chia động từ trong tiếng Phạn" (Système de la conjugaison du sanscrit), Franz Bopp khảo sát những mối liên hệ giữa tiếng Phạn với tiếng Nhật Nhĩ Man[4], tiếng Hy Lạp, tiếng La Tinh, v.v. Bopp không phải là người đầu tiên nhận thấy những sự tương tự này và chấp nhận rằng tất cả mọi thứ tiếng cùng phát xuất ở chung một gia đình; điều đó đã được làm trước ông, chủ yếu là nhà Đông phương học người Anh, W. Jones (1746-1794). Nhưng một vài xác định lẻ tẻ chưa đủ để chứng tỏ rằng, năm 1816, người ta đã hiểu đại cương ý nghĩa và sự quan trọng của sự thực này.

Vậy Bopp không phải là người có công khám phá ra tiếng Phạn có họ hàng với một số thổ âm (idiome) ở Âu Châu và Á Châu, nhưng ông đã hiểu rằng những liên hệ giữa những thứ tiếng có họ hàng với nhau có thể là chất liệu để hình thành một ngành khoa học độc lập. Soi sáng một thứ tiếng bằng một thứ tiếng khác, giải thích hình thức của một thứ tiếng bằng một thứ tiếng khác, đó là những điểm, cho tới bấy giờ, chưa ai làm.[5]

De Saussure vừa điểm qua những bước đầu của việc khảo sát ngôn ngữ, xác định mối liên hệ giữa ngôn ngữ họcbác ngữ học và đồng thời cho ta thấy: phê bình không thể bỏ qua, hoặc không biết hai ngành học này.

Nếu ngôn ngữ học có đối tượng là tiếng nói, thì bác ngữ học có đối tượng là văn bản, bác ngữ học là nguồn cội việc giải thích, phê bình, khảo sát văn bản.

Tự nguồn, các tiếng nói đã có chung một gia đình. Tiếng Phạn là nguồn gốc của tiếng Hy Lạp và La Tinh. Sự kiện “họ hàng” này dẫn đến khoa bác ngữ học so sánh hay văn phạm so sánh, là nguồn cội các khuynh hướng văn học so sánhphê bình so sánh, sau này.

Từ Văn phạm Port-Royal đến Bác ngữ học

Tiền thân của Ngôn ngữ học (Linguistique) là Văn phạm (Grammaire), do người Hy Lạp khai trương và người Pháp tiếp nối. Thế kỷ XVII, các tu sĩ dòng Dương thân (Janséniste)[6] ở Port Royal (tức Port-Royal-des-Champs, nữ tu viện, xây năm 1204, vẫn còn dấu vết ở thung lũng La Chevreuse, thuộc Yvelines, phía nam Paris) soạn hai cuốn sách cơ bản:

1- Văn phạm tổng quát và hợp lý (Grammaire générale et raisonnée)[7], tác phẩm này tìm cách giải thích, kèm theo những kiến giải lịch sử và cho thí dụ về sự thành lập một chữ (un mot) và cách xây dựng ngữ điệu (tournure) của một câu (une phrase).

2- Luận lý học hay Nghệ thuật suy tưởng (Logique ou Art de penser)[8], sách này áp dụng luận lý học Descartes vào việc phân tích ngôn ngữ.

Hai cuốn sách nền tảng này thường được gọi ngắn gọn là Văn phạm Port-Royal (Grammaire de Port Royal) và Luận lý Port Royal (Logique de Port Royal).

Về khoa văn phạm Port Royal này, de Saussure, như ở trên, đã nhận xét rằng:

"Văn phạm chỉ nhắm vào việc đưa ra những lề luật để phân biệt những hình thức (viết) đúng và những hình thức (viết) sai, đó là một môn học có tính chất quy phạm, rất xa với sự quan sát thuần tuý, vì vậy quan niệm này tất nhiên là hạn hẹp".

Còn về bác ngữ học, từ thời cổ đại, Alexandrie đã có trường phái Bác ngữ học, nhưng mãi đến thế kỷ XVIII, người ta mới bắt đầu nói đến ngành Bác ngữ học (Philologie), do Friedrich August Wolf đề ra năm 1777, như một khoa học khảo sát văn bản, lịch sử văn chương, phong tục và chế độ... dựa trên phương pháp phê bình.

Bác ngữ học, theo de Saussure, nếu có chú ý đến ngữ học, cũng chỉ là để so sánh văn bản trong các thời kỳ khác nhau, xác định ngôn ngữ đặc biệt của mỗi nhà văn và giải nghĩa những mô thức trong các văn bản cổ xưa hoặc tối nghĩa.

Công trình của Friedrich Wilhelm Ritschl (1806-1876) viết về Plaute[9] có thể coi là nghiên cứu ngữ học và Ritschl cũng là một trong những người đầu tiên nghiên cứu tiếng La Tinh cổ. Nhưng về phương diện này, bác ngữ học cũng chỉ chuyên chú đến văn bản mà bỏ qua tiếng nói; và hầu như chỉ nghiên cứu mảng ngữ tự cổ La Hy.

De Saussure trách bác ngữ học thế kỷ XVIII-XIX mới chỉ quan tâm đến chữ viết mà bỏ qua tiếng nói, nhưng, đối với phê bình, đây là một điều may mắn, bởi chữ viết chính là đối tượng của phê bình. Ngoài ra, vì nước Đức là quê hương của bác ngữ học, cho nên chúng ta sẽ thấy trong khuynh hướng phê bình bác ngữ học Đức, những ngòi bút sâu sắc và độc đáo như Erich Auerbach (1892-1957) và Léo Spitzer (1887-1960).

Bác ngữ học so sánh và văn phạm so sánh

Giai đoạn thứ ba, theo Saussure, bắt đầu khi người ta thấy có thể so sánh các ngôn ngữ với nhau. Và đó là nguồn gốc của khoa Bác ngữ học so sánh hay Văn phạm so sánh.

Năm 1816, trong tác phẩm tựa đề Phép chia động từ trong tiếng Phạn (Système de la conjugaison du sanscrit), Franz Bopp nghiên cứu mối liên hệ giữa tiếng Phạn với tiếng Nhật Nhĩ Man, tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh. Tiếng Phạn là tiếng Ấn Độ cổ, có nguồn gốc từ tiếng nói của người Aryens (Aryens trong tiếng Phạn có nghĩa là Quý tộc), dòng giống này nguồn gốc Ần-Âu, từ thế kỷ XVIII, trước Tây lịch, đã chinh phục vùng Iran và miền Bắc Ấn Độ, vùng Ấn Hà, hợp chủng với thổ dân, thành dân tộc Ấn Độ. Tiếng nói của họ là tổ tiên của tiếng Phạn (Sanscrit) và tiếng Pali. Khi Hitler đề cao người Đức thuộc dòng giống Aryens, tức là dòng giống này.

Bopp không phải là người đầu tiên khám phá ra tiếng Phạn là tổ tiên của một số thổ ngữ ở châu Âu và châu Á, nhưng ông nhận ra rằng những tương quan giữa các ngôn ngữ có họ hàng với nhau, có thể là chất liệu cho một nền khoa học riêng.

Theo de Saussure, bên cạnh Bopp, còn có những nhà ngữ học nổi tiếng, như:

- Jacob Grimn (1785-1863), xây dựng nền móng nghiên cứu tiếng Nhật Nhĩ Man với bộ sách đồ sộ Văn phạm Nhật Nhĩ Man (Deutsche grammatik) in năm 1822, được coi là người xây dựng nền móng Bác ngữ học Đức.

- Wilhelm G. Grimn (1786- 1859), em Jacob Grimn, cùng anh sưu tầm truyện thần thoại Nhật Nhĩ Man in trong Truyện thần thoại của trẻ em và gia đình (Contes d'enfants et du foyer).

- Franz Bopp (1791-1867), nhà ngữ học Đức, còn là tác giả cuốn Văn phạm so sánh những tiếng Ấn-Âu (Grammaire comparée des langues Indo-Européennes), 1833-1852, tác phẩm này được coi là nguồn gốc của Ngữ học so sánh.

- August Friedrich Pott (1802-1887) nghiên cứu từ nguyên học (étymologie), tức là tìm nguồn gốc của chữ, đã đem lại những kết quả đáng kể cho ngôn ngữ học.

- Adalbert Kuhn, nghiên cứu ngữ học và thần thoại so sánh.

Ngoài ra còn có những nhà Ấn Độ học như Theodor Benfey và Theodor Aufrecht, v.v.

Trong trường phái So sánh, ba người đặc biệt góp phần rất lớn vào vấn đề nghiên cứu so sánh là:

- Max Muller (1823-1900), học trò của Bopp, quảng bá phương pháp so sánh trong những buổi nói chuyện rất hay, sau in thành cuốn Những bài học về khoa ngôn ngữ (Leçons sur la science du langage), 1861.

- Georg Curtius (1820-1885), thầy dạy de Saussure, tác giả cuốn sách cơ bản Những nguyên tắc từ nguyên Hy Lạp (Principes d'étymologie grecque), 1879, là người đã có công làm cho những nhà Bác ngữ học cổ điển chấp nhận Ngữ học so sánh, ông là một trong những người đầu tiên hoà hợp Văn phạm so sánh với Bác ngữ học cổ điển.

- August Schleicher (1821-1862), chuyên về Văn phạm so sánh, là người đầu tiên muốn tái thiết ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy, tác giả cuốn Yếu lược văn phạm so sánh những tiếng Ấn-Nhật Nhĩ Man (Abrégé de grammaire comparée des langues Indo-Germaniques), 1861. Schleicher là người đầu tiên hệ thống hoá kết quả của những nghiên cứu chi tiết. Tác phẩm Yếu lược văn phạm so sánh những tiếng Ấn-Nhật Nhĩ Man của ông, hữu ích trong một thời gian dài, phản ánh toàn bộ diện mạo trường phái so sánh và giai đoạn đầu tiên của nền ngữ học Ấn-Âu.

Nhưng trường phái So sánh, vẫn theo sự phê bình của Saussure, tuy có công khai quang một mảnh đất màu mới, nhưng vẫn chưa thành lập được một nền ngữ học có tính khoa học. Vì bị giới hạn trong biên giới nghiên cứu ngôn ngữ Ấn-Âu, văn phạm so sánh không tự hỏi những đối chiếu ấy có ăn nhập gì với nhau không và những điều họ khám phá ra có nghĩa lý gì. Bởi chúng hoàn toàn chỉ có tính so sánh mà không mang tính lịch sử.

Sự ra đời của Ngôn ngữ học hiện đại

Hay sự nghiên cứu những tiếng có nguồn gốc La Tinh

Theo de Saussure, chỉ từ khoảng 1870, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi: vậy những tính cách thiết yếu của đời sống ngôn ngữ là gì?

Và từ đó người ta mới nhận thấy rằng những điểm tương đồng liên kết các ngôn ngữ lại với nhau, chỉ là một trong những cục diện của hiện tượng ngữ học. Rằng sự So sánh chỉ là một phương tiện, một phương pháp để tái thiết những sự kiện đã xảy ra.

Theo de Saussure, ngôn ngữ học đúng nghĩa, chỉ thực sự phát sinh từ sự nghiên cứu những thứ tiếng có nguồn gốc La tinh do Diez mở đầu với cuốn Văn phạm những tiếng có gốc La tinh (Grammaire des langues romanes). Langues romanes là những tiếng có nguồn gốc từ tiếng La Tinh, gồm tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Rumani, Sardaigne, Occitan[10] và Catalan[11].

Friedrich Christian Diez (1794-1876) viết bộ sách quan trọng này từ năm 1836 đến 1843, ông là người xây dựng nền móng của ngành ngữ học Romane. Đây là tác phẩm chủ yếu đã đưa ngữ học trở về với mục tiêu đích thực của nó.

De Saussure coi ngữ học Romane và ngữ học Nhật Nhĩ Man (nguồn gốc của tiếng Anh, Đức, Hà Lan...) là hai khu vực sắc bén của ngữ học.

Sở dĩ những nhà nghiên cứu ngữ học La Tinh và ngữ học Nhật Nhĩ Man đạt được kết quả khả quan vì họ có lợi thế hơn những nhà nghiên cứu ngữ học Ấn-Âu, nhờ chỗ họ biết rõ tiếng La Tinh và những tiếng phát xuất từ tiếng La Tinh và các cách nói khác nhau của từng miền. Tóm lại, việc nghiên cứu ngôn ngữ Romane (Ý, Pháp, Tây ban Nha, Bồ Đào Nha...) và Nhật Nhĩ Man (Đức, Anh, Hà Lan, Bắc Âu...) của các trường phái ngữ học thế kỷ XIX, đã đưa đến những thành tựu đáng kể và đắc dụng hơn việc nghiên cứu ngôn ngữ Ấn-Âu của các trường phái so sánh trước đây.

Nói khác đi, theo de Saussure, việc nghiên cứu ngôn ngữ Ấn Âu, mới chỉ có tính cách so sánh để mà so sánh, chứ chưa dẫn đến kết quả cụ thể, như giải thích cấu trúc và tìm tới gốc gác nguồn cội những tiếng Phạn, Nhật Nhĩ Man, Hy Lạp và La Tinh, tức là chưa phân chất, mổ xẻ chữ, chưa tìm nguồn cội lịch sử của chữ.

Cuối thế kỷ XIX, Whitney (1827-1894) nhà ngữ học Mỹ, tác giả cuốn Cuộc sống của ngôn ngữ (La vie du langage), 1875, đã kích động một khuynh hướng mới: trường phái Tân văn phạm (Néogrammairiens) mà những người đầu xướng đều là người Đức: K. Brugmann, H. Osthoff, W. Braune, E. Sievers, H. Paul, thuộc nhóm Nhật Nhĩ Man học; cùng với Leskien, nhà Slave học (tiếng Slave là nguồn gốc các tiếng Nga, Serbe, Croate, Lituanien, Tchèque, Ba Lan...). Tân văn phạm cho rằng trường phái So sánh chỉ trình bày những trạng thái ngôn ngữ khác nhau mà không giải thích và tìm nguyên nhân.

Đến đây de Saussure xuất hiện như một thiên tài trẻ tuổi:

Năm 1878, ở tuổi 21, đang còn là sinh viên tại Đại học Leipzig, de Sausure viết cuốn Luận trình về hệ thống nguyên thủy của nguyên âm trong những tiếng Ấn-Âu (Mémoire sur le système primitif des voyelles dans les langues Indo-Européennes) (nxb Leipsick, 1879), tác phẩm sẽ được coi như ngọn đuốc soi đường cho nhóm Tân văn phạm, mở đầu cho khoa ngôn ngữ học hiện đại.

Nhờ những nhà Tân văn phạm, người ta không còn coi tiếng nói như một cơ quan tự phát mà là một sản phẩm của trí tuệ cộng đồng của những nhóm ngôn ngữ[12].

Từ đây tiếng nói sẽ được các nhà ngôn ngữ học đưa lên bàn mổ để khảo sát. Sự giảo nghiệm này sẽ dẫn đến những kết quả không ngờ, áp dụng vào việc nghiên cứu, phê bình, và đưa ngôn ngữ học lên địa vị hàng đầu trong thế kỷ XX mà Ferdinand de Saussure là người khai sáng.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/

Kỳ 3: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-3/

Kỳ 4: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-4/

Kỳ 5: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-5/

Kỳ 6: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-6/


[1] Ferdinand de Saussure, Cours de linguistique générale, Bibliothèque Scientifique Payot, 1972, Paris.

[2] Chúng tôi dịch: languetiếng nói (như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt), langagengôn ngữ, bao gồm nhiều cách diễn đạt khác nhau (như ngôn ngữ loài chim, ngôn ngữ máy móc, ngôn ngữ con người, ngôn ngữ nhà văn, v.v.) và parolelời nói (như lời anh Năm, lời chị Tám). De Saussure phân biệt rõ ba điạ hạt này. Nhưng trong đời sống hàng ngày, người ta thường dùng lẫn lộn những chữ này, không chỉ trong tiếng Việt mà các tiếng nước khác cũng vậy.

[3] Sách Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của de Saussure ghi Friedrich August Wolf, năm 1777, đã mở đầu cho môn bác ngữ học này. Nhưng năm đó, Wolf mới 18 tuổi, chưa có công trình gì. Các học trò khác của de Saussure, có người ghi: "F. A. Wolf, năm 1777, lúc còn là sinh viên, đã mong được gọi là nhà bác ngữ học". Thực ra, trong đơn xin vào đại học Gottingen, Wolf ghi tên học ban philologie nhưng ông khoa trưởng từ chối vì chưa có "ban" này, ông sửa lại theo tên truyền thống théologie (thần học). Nhưng Wolf cứng đầu, cứ tiếp tục tranh đấu và cuối cùng môn philologie được đưa vào danh sách của đại học. Saussure dựa vào chi tiết này để xác định sự hiện diện của môn bác ngữ học từ năm 1777, nhờ Wolf. (Cours de linguistique générale, chú thích số 23, t. 410).

[4] Nhật Nhĩ Man (Germanie, Deutsche) là vùng nước Đức xưa (chúng tôi dùng tiếng Nhật Nhĩ Man để phân biệt với tiếng Đức bây giờ). Tiếng Nhật Nhĩ Man là nguồn gốc của tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hoà Lan, tiếng Frisesland (quần đảo ở Bắc hải thuộc Hoà Lan và Đức) và các tiếng Bắc Âu.

[5] Cours de linguistique générale, Bibliothèque Scientifique Payot, 1972, Paris, t. 13-14.

[6] Dương thân (Jansénisme) là lý thuyết của Augustinus trong tác phẩm Jansénius, chủ trương giới hạn tự do của con người, đặt trên nền tảng: có những đặc ân ban cho người này ngay từ lúc ra đời mà không cho người khác. Jansénisme cũng là tên một phong trào đạo giáo, chống lại quyết định bất kỳ của vua và mệnh lệnh của giáo hoàng, phát triển ở Pháp, Ý... trong thế kỷ XVII và XVIII, lấy Port-Royal làm trụ sở.

[7] Văn phạm tổng quát và hợp lý (Grammaire générale et raisonnée) và Nghệ thuật nói (Art de parler) của Antoine Arnauld (1612-1694) và Claude Lancelot (1616-1695), in năm 1660.

[8] Luận lý học hay nghệ thuật suy tưởng (Logique ou Art de penser) của Antoine Arnauld và Pierre Nicole (1625-1695), in năm 1662.

[9] Plaute (254-184, trước Tây lịch) tên La-Tinh là Maccius hay Maccus Plautus, thi sĩ hài hước La-Tinh.

[10] Occitan là những thổ âm ở miền Nam nước Pháp thời trung cổ, gồm các vùng Limousin, Auvergne, Gascogne, Laguedoc và Provence.

[11] Catalan là tiếng romane nói ở Catalogne, quần đảo Baléares và Roussillon, cực Nam nước Pháp.

[12] Theo Giáo Trình Ngôn Ngữ Học Đại Cương, t.14-19.