Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Lịch sử không phải là một môn học vô ích. Nó dạy tư duy phê phán, điều mà người Mỹ cần nhiều hơn nữa.

James Grossman

Hiếu Tân dịch

http://www.latimes.com/opinion/op-ed/la-oe-grossman-history-major-in-decline-20160525-snap-story.html

clip_image002

Tấm biển đồng này ở cửa trước Lăng mộ ở Alamo, San Antonio, Texas.

(Los Angeles Times): “Hãy im lặng, bạn. Những anh hùng ở đây đã chết

để mở đường đi cho những người khác.”

Từ đầu cuộc Đại suy thoái năm 2007, môn lịch sử đã mất thị phần trong giới học viện, giảm từ 2,2% trong sinh viên đại học xuống còn 1,7%. Lớp tốt nghiệp năm 2014, lớp gần đây nhất có số liệu quốc gia, số người chọn lịch sử làm môn học chính giảm 9% so với cùng kì năm trước, ghép lại giảm 2,8% so với năm trước đó. Sự sụt giảm rõ ràng nhất nói chung ở các viện đại học nghiên cứu lớn và các trường đại học xã hội nhân văn có uy tín.

Đây là điều bất hạnh, không chỉ cho các trường đại học, mà cho cả nền kinh tế và xã hội chúng ta.

clip_image003

Ném bom nguyên tử xuống Hirochima làm thay đổi thế giới, nhưng nó không chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ Hai

Tất nhiên không chỉ riêng lịch sử. Sinh viên đang coi nhẹ những môn học xã hội nhân văn khác, trong đó có tirết học, ngôn ngữ học, và các thứ tiếng. Tính toàn bộ, các môn xã hội nhân văn chủ chốt chỉ chiếm 6,2% trong tất cả các văn bằng cử nhân năm 2014, một tỉ lệ thấp nhất từ sưu tập số liệu có hệ thống về các môn học cao đẳng bắt đầu từ năm 1948.

Trí khôn ngoan thông thường đưa ra những câu trả lời dễ dàng cho những khuynh hướng này: Các sinh viên (đôi khi chịu sức ép từ các cha mẹ phải trả học phí) chọn những lĩnh vực có khả năng dễ dàng kiếm được công việc thu nhập cao ngay sau khi tốt nghiệp – một cái gì “có ích” như kinh doanh, (19% văn bằng) hoặc có khuynh hướng công nghệ. Lịch sử giống như một sự đặt cược tồi.

Các chính trị gia vừa thích nói đến những tính toán đơn giản này vừa làm cho chúng trở thành vĩnh viễn, từ Tổng thống Obama chê bai giá trị của một văn bằng môn lịch sử[1], đến Thượng nghị sĩ Marco Rubio bình luận rằng các thợ hàn kiếm nhiều tiền hơn các nhà triết học. Các thống đốc phản đối chi tiền công quĩ cho nhữg môn học “vô ích” ở đại học. Lịch sử, giống như người anh em nhân văn của nó, có thể chuẩn bị cho lớp trẻ của chúng ta trở thành những công dân, nhưng nó được coi là không chuẩn bị những công nhân – ít nhất là những công nhân lương cao.

Những viễn cảnh giảm số lượng luật sư trong những năm gần đây mở rộng cái logic này, vì môn lịch sử từ lâu đã được coi là trong số những môn học chuẩn bị tốt nhất cho trường luật. Một con đường sự nghiệp thông thường khác là dạy học, nhưng nó cũng chịu tình trạng nhu cầu thấp do áp lực lên ngân sách trường công.

Tuy nhiên, một nhà sử học nên biết rằng điều quan trọng là phải nhìn xa hơn cái logic đơn giản ấy. Vâng, trong vài năm đầu sau khi tốt nghiệp, các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật, toán và những môn học kinh doanh có triển vọng công việc rõ ràng hơn – đặc biệt trong công nghệ chế tạo và khoa học máy tính. Và trong bối cảnh kinh tế ‘sợ hãi suy thoái’ của chúng ta, tất nhiên sinh viên lo lắng với việc tìm kiếm công việc đầu tiên ấy.

Tuy nhiên, về lâu dài, các sinh viên tốt nghiệp môn lịch sử và các môn xã hội nhân văn khác có triển vọng khá giả về mặt tài chính. Rubio chắc sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng sau 15 năm, những người chọn triết học sẽ có sự nghiệp sinh lợi hơn những người tốt nghiệp đại học các ngành kinh doanh. Ở khoảng giữa sự nghiệp của mình, những người học lịch sử có tiền lương ngang với những người tốt nghiệp đại học ra làm chủ doanh nghiệp[2]. Đáng chú ý là những con số tiền lương này không kể đến những người lấy thêm bằng cấp về luật hoặc các bằng khác.

Ích lợi của các môn học chuẩn bị những người có tư duy phê phán không lọt vào mắt các phòng tổ chức nhân sự, các học giả và các chính khách (có lẽ một số người trong số họ thích sinh viên tốt nghiệp sẽ là những người đi theo hơn là những người lãnh đạo, dẫn đầu). Nhưng điều ấy là không nên. Thị trường lao động ở Hoa Kỳ và các nước khác là không ổn định và không thể đoán trước. Trong môi trường này – đặc biệt nếu tính đến khả năng thay đổi công việc giữa chừng – các văn bằng có ích nhất là những văn bằng có thể mở ra nhiều cánh cửa, và những văn bằng chuẩn bị cho người ta [tiếp tục] học hơn là làm một công việc cụ thể nào đó.

Tất cả những văn bằng khoa học xã hội nhân văn đòi hỏi kiểu học tập đó, cũng như những đức tính thường được cầu đến của tư duy phê phán và những kĩ năng truyền thông trong sáng. Đặc biệt những sinh viên học lịch sử, sàng lọc qua khối lượng thông tin khổng lồ, tổ chức nó lại, và tìm ra ý nghĩa của nó. Trong quá trình này họ học được cách suy luận những gì lôi cuốn và thúc đẩy hành vi con người, từ những cuộc bầu cử đến những phong trào vận động xã hội đến những phòng họp giám đốc.

Những ông chủ doanh nghiệp quan tâm đến việc tuyển dụng những nhà quản lí tương lai nên hiểu (điều mà nhiều người hiểu) rằng tư duy lịch sử chuẩn bị cho người ta tư cách lãnh đạo bởi vì lịch sử là nói về sự thay đổi – hình dung ra nó, lập kế hoạch cho nó, cuối cùng là thực hiện nó. Trong một mùa bầu cử chúng ta được thường xuyên nhắc nhở rằng thành công thường đến với những ai có thể ăn nói lưu loát thuyết phục nhất. Môn lịch sử học làm điều đó.

Mọi thứ trên đời đều có lịch sử của nó. Suy nghĩ theo cách lịch sử là thừa nhận rằng tất cả các vấn đề, tất cả các hoàn cảnh, tất cả các thiết chế, đều tồn tại trong những bối cảnh cần được hiểu trước khi ra những quyết định được cân nhắc với đầy đủ thông tin. Không một thực thể nào – tập đoàn nào, chính phủ nào, tổ chức phi lợi nhuận nào – dám liều lĩnh để thiếu một nhà sử học bên bàn nghị sự. Chúng ta cần nhiều hơn những người theo học lịch sử, chứ không phải ít hơn

HT- May 31, 2016

James Grossman là giám đốc điều hành Hội Lịch sử Hoa Kỳ


[1] https://www.insidehighered.com/news/2014/01/31/obama-becomes-latest-politician-criticize-liberal-arts-discipline: Obama:"I promise you, folks can make a lot more, potentially, with skilled manufacturing or the trades than they might with an art history degree."

[2] http://www.payscale.com/college-salary-report-2014/majors-that-pay-you-back. Xem ‘60-tie’ trong bảng của trang này