Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

SƠ YẾU LÝ LỊCH

Truyện Nguyễn Viện

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

===========================================

SƠ YẾU LÝ LỊCH

PHẦN I: LỊCH SỬ BẢN THÂN

1.Họ và tên: ..............

Theo lời bố tôi kể lại, việc đặt tên tôi là một ngẫu hứng bí ẩn. Suốt nhiều tháng trời khi biết mẹ tôi mang thai, bố đã nghĩ đến việc đặt tên cho tôi. Ông nghĩ đến ước vọng cũng như ý nghĩa sự tồn sinh cho tôi, nhưng cho đến khi tôi được sinh ra, ông cũng chưa vừa ý với bất cứ cái tên nào đã chọn trước đó. Chỉ đến lúc ôm tôi vào lòng, đứa con đầu tiên và là con trai của ông, ông mới bật thốt: “Thằng giống”. Tôi là giống của ông vừa mọc lên trên mặt đất này và vì thế tôi được gọi là Giống. Nguyễn Giống, trong niềm hân hoan mãn nguyện của ông. Tôi vừa là giống của ông và đồng thời cũng sẽ là kẻ đi gieo giống. Sau này, cũng có khi tôi tự hỏi, cái giống của mình thì có đáng gì để được đi gieo trên mọi miền đất xa lạ? Nhưng Chúa bảo hãy sinh hoa kết trái. Thì tôi cứ sinh hoa kết trái mà cũng không biết để dành cho Chúa hay cho tôi. Hay cuộc sinh tồn này vốn thế? Và mỗi số phận thì cứ để cho nó vận hành theo cái cách của riêng nó? Thế nào là tốt xấu với tôi và với Chúa? Những câu hỏi cũng không làm ngập ngừng hơi thở dồn dập trong những cuộc gieo giống.

Và khi đến lúc tên tôi trở thành một hồ sơ lưu trữ trong guồng máy hành chính và an ninh, tôi cảm nhận được một cách rõ ràng hơn hết thảy mọi thứ tôi đã làm để hình thành nên số phận mình. Tôi được xếp loại. Cái tên Nguyễn Giống không còn mang ý nghĩa của một bản thể mà chỉ còn là một sự vụ. Điều đó làm cho tôi bị tách rời ra giống như các miếng ghép, đặc biệt những khi tôi bị công an đeo bám theo dõi. Bản thân tôi mất tính thuần nhất và rất nhiều khi tôi phải sống riêng rẽ với những phân mảnh của mình. Đó là một cách tồn tại.

Tồn tại. Tồn tại. Tồn tại.

Âm vang của sự tồn tại hay tiếng kêu thảng thốt của tôi giữa im lặng của thời gian và cái hoang vu trên mặt đất cũng không dấy lên được điều gì khả dĩ mang đến cho tôi niềm hy vọng về sự tồn tại của mình.

Âm vang của sự tồn tại hay tiếng kêu thảng thốt của tôi giữa cái ồn ào của thời gian và sự chật chội trên mặt đất cũng không làm cho sự va đập của tôi vào lòng thế giới một ý nghĩa thiết tha nào.

Thằng giống đi gieo giống.

Và nhiều khi tôi cảm thấy mình bị mất tích.

Tên tôi đôi khi vang lên đâu đó như một lời mời gọi hay chỉ là tiếng tôi đi tìm mình đã bị đứt gãy với toàn bộ cái gọi là truyền thống hay tổ tiên. Tôi bị mất nguyên quán. Sự tồn lưu của tôi vì thế giống như một cuộc lưu vong. Tính lưu vong càng trở nên khốc liệt hơn khi tiếng nói và sự hiện hữu của tôi bị chối bỏ, bị khai trừ, bị truy đuổi, bị hăm họa bởi sự toàn trị của cuộc sống. Dù thế nào, tên tôi không thể là một trong những cái đồng nhất về loại hình.

Khi sinh ra tôi, cái nguồn mạch thiêng liêng nối kết tôi với tổ tiên vẫn được xác định nhưng nó bị chính cái ý chí hiện hữu bôi xóa. Tôi từ chối gánh vác lịch sử dòng giống cũng như phủ định tính kế thừa gia sản di truyền.

Thằng giống không đi gieo giống.

Việc không có quyền chọn lựa cho sự có mặt của mình làm tôi khủng hoảng suốt cả đời. Chính vì thế, rất nhiều lần tôi muốn tự tử. Dường như đấy là cơ hội duy nhất do ta tự quyết định.

2.Nam, nữ:..........

Thằng giống không đi gieo giống.

Trong sự xác tín về phái tính không thể không kể đến tính ba hoa khoe mẽ của giống đực. Tiếng hống và bộ bờm của con sư tử đực. Tiếng gáy và bộ lông sặc sỡ của con gà trống. Tôi không có nhu cầu phải khẳng định điều gì, ngay cả đó là việc mình có phải là đàn ông hay không. Tuy nhiên tôi vẫn sống như một người đàn ông là biết yêu và chiều phụ nữ. Nhưng không để phụ nữ ràng buộc mình.

Tôi không thích những người đàn ông làm ra vẻ “hầm hố” cũng như những gã óng ả. Bản lãnh đàn ông đích thực không phải là cầm ly rượu hay bia chai tu một hơi như quảng cáo, hoặc ngậm điếu thuốc trầm tư cho trí tuệ hay phải đeo mang các thứ hàng hiệu. Tất cả mọi phô trương đều đáng vất vào sọt rác.

Người đàn ông trong tôi chỉ có sự khinh bỉ.

Người đàn ông trong tôi là một ngọn lửa thiêu đốt mọi thứ nó đi qua.

Và tôi không cho phép mình trở thành đồng bọn với bất cứ ai.

Tôi chọn sự tuyệt tự cho sinh phận mình.

3.Ngày, tháng, năm sinh:............

Ngày nào cũng là ngày sinh nhật tôi.

Nhưng có một ngày tôi đã cất tiếng khóc chào mặt đất. Trên ngón tay cái bên phải tôi có thừa một ngón nhỏ xíu. Khi tôi chuẩn bị đi học, bố tôi đã cắt bỏ cái ngón thừa ấy của tôi. Mặc dù được đem chôn cẩn thận trong sân nhà, nhưng bố tôi bảo, mỗi khi nhớ đến cái ngón bị cắt lìa ấy, bố đều cảm thấy thương xót như một phần thân thể mình lưu lạc. Tôi cũng nhớ cái ngón lủng lẳng nhỏ xíu ấy, nhưng nó không gợi cho tôi một cảm xúc nào. Tôi luôn luôn sống với một sự thật là chết đi mỗi ngày và tái sinh mỗi ngày. Bởi thế, mọi sự mất còn trong dòng chảy nhân sinh với tôi giống như những bọt bèo.

Và thời gian sẽ chẳng bao giờ là những cột mốc.

Tôi đã được rửa tội sau khi sinh ra năm ngày với tên thánh là Đôminicô. Và được dạy là có một thiên thần bản mệnh.

Nhưng máu tôi không phải máu thánh.

Tôi không cảm thấy có mối liên hệ với ông thánh quan thày dòng Đa Minh này. Nhưng tôi vẫn cảm nhận có một thiên thần bản mệnh thật sự trong mọi bước đi của tôi. Mấy ông thày tử vi lại bảo có những âm hồn bảo bọc tôi. Tôi tin có nhiều thế giới trong vũ trụ và có những giao lộ giữa các thế giới đó.

Tôi đã từng đứng giữa các giao lộ của những thế giới khác nhau và điều đó cho tôi một cảm thức nhất quán về sự tương thông phi thời gian, phi không gian.

4.Thường trú số nhà: ......... Đường:.......... Phường, xã:......... Quận, huyện……..

Có khoảng 1.130.000 kết quả (0,20 giây) cho cụm từ “Tôi đã bị đuổi khỏi nơi cư trú” và có khoảng 1.250.000 kết quả (0,15 giây) cho cụm từ “Số người đã bị đuổi khỏi nơi cư trú”. Đó là kết quả của Google vào thời điểm 23.4.2011.

Có rất nhiều lý do và hoàn cảnh của việc bị đuổi khỏi nơi cư trú. Từ một kẻ ở nhờ nhà vợ cho đến những nông dân bị lấy đất cho các dự án của chính quyền.

Thật ra, một triệu người hay một tỷ người bị đuổi ra khỏi nhà hay tự buộc phải ra đi không cho một ý nghĩa nào về sự không chốn dung thân của con người. Có lẽ con người cũng không nên trông đợi vào một sự an cư nào kể cả sự quan phòng của Chúa.

Tôi luôn đứng trên bờ vực và tôi nghĩ mình cần phải nhảy.

Nhưng nhảy như thế nào lại không phải là điều dễ dàng.

Tôi tự hỏi nếu không phải tôi đang đứng trên bờ vực mà tôi đang nằm trên giường thì cuộc sống tôi có khác?

Chúng ta luôn có những địa chỉ khác nhau và không cần phải nhớ chúng ta đã từng ở địa chỉ nào. Hãy mặc mẹ bọn công an khu vực, bọn quản lý hộ khẩu, bọn kiểm soát an ninh. Vô sở trú hay vô sở trụ là một địa chỉ chính xác để tôi tìm về. Và nhảy xuống.

5.Dân tộc:............Tôn giáo:............

“Theo truyền thuyết dân tộc Kinh, những người Việt đầu tiên là con cháu của một thần rồng tên là Lạc Long Quân và một vị tiên tên là Âu Cơ. Hai người này lấy nhau và đẻ ra một bọc 100 trứng và nở ra 100 người con. Những người con sinh ra cùng một bọc gọi là "cùng bọc" (hay còn gọi là đồng bào) và "đồng bào" là cách gọi của người Việt để nói rằng tất cả người Việt Nam đều cùng có chung một nguồn gốc.

Nếu xét xa hơn nữa thì Lạc Long Quân, tên thật là Sùng Lãm, là con của Kinh Dương Vương, vua nước Xích Quỷ và Long Nữ; còn Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai. Lạc Long Quân nối ngôi cha làm vua nước này. Bờ cõi nước Xích Quỷ phía bắc giáp hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông giáp biển Nam Hải, phía tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc).

Kinh Dương Vương tên thật là Lộc Tục, là con của Đế Minh, cháu ba đời của vua Thần Nông. Đế Minh đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.

Con cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ trị vì dưới tên Hùng Vương, và là vị vua đầu tiên của người Việt. Vì thế, người Việt thường tự xưng là con rồng cháu tiên.” (Wikipedia)

Dân tộc của rồng.

Tổ tiên tôi sinh ra từ trứng của rồng. Người họ đầy vẩy. Sau hơn bốn ngàn năm biến thái, những chiếc vẩy biến thành các hình xăm. Những hình xăm mang đủ các biểu tượng của nền văn minh Trung Hoa lẫn Ấn Độ. Thời đại toàn cầu hóa, những hình xăm bị xóa để lại các vết sẹo. Các vết sẹo biến thành bài vị và được đặt lên bàn thờ.

Tôn giáo của rồng.

Từ im lặng dấy lên tiếng ồn. Tiếng ồn tạo ra màu sắc. Màu sắc tạo ra sự ngưỡng vọng và cầu khẩn.

Các vết sẹo được phát tán thành ấn. Ấn được vẽ theo những mong ước tài lộc. Tài lộc trở thành đạo của rồng. Nghi thức thiêng liêng nhất của đạo rồng là múa rồng. Tuyệt đỉnh công phu của múa rồng là leo lên ngọn cột thẳng đứng hái lộc.

6.Trình độ văn hóa:............... Ngoại ngữ:...............

Trình độ văn hóa mang tính cộng đồng.

Khu phố tôi ở được gắn bảng hiệu “Khu phố văn hóa” trên một cái cổng lớn. Chẳng có lý do gì tôi lại không phải là một công dân có văn hóa. Ít ra tôi cũng đã leo lên được 4 cấp độ. Từ một cá nhân văn hóa, gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa đến khu phố văn hóa.

Tuy nhiên, tôi cho rằng trình độ văn hóa đích thực của một cá nhân hay một dân tộc là khả năng biết xấu hổ của cá nhân hay dân tộc đó.

Nếu như trong mục “nam, nữ” ở trên, tôi đã bộc bạch là “người đàn ông trong tôi chỉ có sự khinh bỉ”, thì cùng với sự khinh bỉ, một cái nhìn ngược vào bên trong , tôi cũng luôn biết xấu hổ với những điều đáng xấu hổ của mình. Như vậy, trong bản chất, văn hóa cũng là một khả năng phản tỉnh, khả năng nhìn lại. Và nó tạo ra sự cày xới của ý thức với hành động.

Trình độ văn hóa của tôi là khả năng phản tỉnh và lên tiếng của tôi trước cuộc sống.

Ngoại ngữ là một thế giới khác.

7.Ngày tham gia tổ chức (nông hội, hội phụ nữ, công đoàn): …………tại………….

Tôi chưa bao giờ có khái niệm về tổ chức cho đến sau ngày 30-4-1975 khi chế độ Cộng sản áp đặt lên cuộc sống toàn xã hội.

Tôi biết mỗi tổ chức là một cách quản lý con người trong bộ máy của chế độ. Tôi nhìn thấy tính bi kịch của nó (từ sự sợ hãi tới sự nịnh nọt) và trong tôi chỉ có sự thương hại với tất cả những con người của mọi thứ tổ chức ở mọi thứ cấp bậc. Chưa bao giờ tôi chứng kiến sự rẻ rúng con người đến thế. Có một sự kiểm soát chặt chẽ đến nỗi nếu anh không tham gia vào bất cứ tổ chức nào thì anh cũng sẽ bị đẩy vào một trong các tổ chức trên. Xã hội không cho phép anh đứng bên ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ đến khi nền kinh tế thị trường bắt đầu phát triển, quyền tư hữu được xác lập, quyền cá nhân mới được hình thành.

Tuy thế, tôi cũng đã không thoát được một thời gian dài là một đoàn viên công đoàn khi đi làm trong các cơ quan nhà nước.

8.Ngày vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:........... tại:.............

Thú thật, tôi ngưỡng mộ về sự nhiệt thành của một số người làm cách mạng. Nhưng tôi ngạc nhiên không hiểu được tại sao người ta (từ một anh nông dân mù chữ đến một anh trí thức) có thể luôn luôn lặp lại đúng như một con vẹt tất cả mọi ý kiến, mọi phát biểu, mọi suy nghĩ, mọi quan điểm, lập trường một cách máy móc đến không sai một dấu phẩy?

Không kể tới những điều kiện của lý lịch mà tôi không đủ, tôi không thể tự biến mình thành một con vẹt và một con cừu.

9.Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam:................. tại:................

Đã không làm vẹt và làm cừu thì tôi cũng không thể trở thành người nuôi vẹt và chăn cừu.

10.Quá trình bản thân (tóm tắt từ lúc 12 tuổi đến nay, làm gì? Ở đâu?): ……….

Tại sao lại phải khai lý lịch từ năm 12 tuổi?

Tôi không tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Đó là thời điểm bắt đầu hình thành nhân cách?

Đó là lúc các âm mưu phản loạn nẩy mầm?

Đó là lúc bắt đầu có ý thức về hành động của mình và có thể chịu trách nhiệm về hành vi của mình?

Đó là khởi điểm của một chuỗi các hành động cần được theo dõi?

Dù sao, cũng phải khai báo thành thật thôi.

Mặc dù đã bắt đầu vào học cấp 2, tức là Trung học đệ nhất cấp thời ấy, nhưng tôi vẫn là đứa trẻ thích sờ tí mẹ. Buổi tối tôi vẫn thích nằm với mẹ và chỉ sờ vú mẹ tôi mới ngủ được. Mẹ tôi chiều tôi cho đến khi tôi sờ được tí của một cô gái khác.

Đó là năm tôi 13 tuổi.

Cô gái học cùng lớp với tôi và đẹp. Hình như do lòng thương hại, cô đã đồng ý đi chơi với tôi trong vườn lài. Cũng hình như vì tội nghiệp sự thèm khát của tôi, cô đã để cho tôi ôm trong vườn vắng. Và hình như muốn bố thí, cô đã để cho tôi sờ tí. Tôi đã sờ tí cô đến hết năm học.

Năm 14 tuổi.

Tôi bắt đầu viết nhật ký. Đây là một đoạn nhật ký tôi còn giữ được: “Cô giáo dạy tiếng Anh của mình đẹp lắm. Có lẽ là đẹp nhất trên đời. Bởi vì lúc nào mình cũng thấy cô trong suốt. Lúc nào mình cũng thấy cô lồng lộng. Lúc nào mình cũng nhìn thấy cô... như thể sáng lòa. Mình ước mong sao được ở bên cô suốt đời”.

Năm 15 tuổi.

Tôi nghĩ mình đã là một người lớn. Bởi vì tôi đã đủ dũng cảm để viết cho cô giáo một lời tỏ tình: “Cô ơi, em yêu cô”.

Năm 16 tuổi.

Tôi đổi trường học. Công việc đầu tiên ở trường mới của tôi là tìm xem cô bé nào đẹp nhất. Kết quả là tôi bị bọn ma cũ đánh cho một trận tơi tả. Cũng nhờ trận đòn đó mà cô gái tôi tìm được đã xót xa yêu tôi.

Cô đã yêu tôi đến khi chúng tôi cùng đậu tú tài 1.

Cô gái nghỉ học lấy chồng là một sĩ quan cộng hòa. Tôi tiếp tục học ở một trường khác với những ông thày rất nổi tiếng như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sĩ Tế, Lữ Hồ...

Khi lên đại học, tôi gặp những ông thày nổi tiếng khác: Vũ Khắc Khoan, Kim Định, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Lê Xuân Khoa, Đặng Phùng Quân...

Lúc này, chỉ có gái đĩ thương hại tôi.

Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc đối với tôi đã bắt đầu ngay sau khi gia đình tôi bước xuống tàu há mồm di cư vào Nam, lúc ấy tôi 5 tuổi. Chúng tôi đã bước vào một chiến tuyến khác với mọi hệ lụy. Nhưng bản thân tôi chỉ có sự đối kháng thật sự khi bị đặt dưới sự cai trị trực tiếp của chế độ Cộng sản với những trải nghiệm về sự sai lầm và giả dối của nó.

Máu đổ từng ngày từng giờ.

Một người anh của tôi dù đã chết cả tuần lễ trước, nhưng khi nhận xác anh từ trong ngăn kéo một tủ lạnh của quân y viện Cần Thơ, vẫn tiếp tục hộc máu. Xác mang về đến nhà, anh tôi lại hộc máu khi mẹ tôi ôm xác anh.

Sau thời gian được hoãn dịch vì lý do học vấn, tôi được hoãn dịch tiếp vì lý do công vụ. Nhờ thế tôi không mang nợ máu, nói theo kiểu những người chiến thắng, chỉ những kẻ thua trận mới mang nợ máu. Nhưng dù máu của ai, mùi máu cũng làm tôi lợm giọng. Tôi không thể ca tụng máu, cho dù đó là máu chiến thắng mang hồn nước. Nhưng cũng không ai cho phép tôi ca tụng hòa bình. Bởi ca tụng hòa bình là phản bội máu. Chỉ có những kẻ ca tụng hoa lá cỏ và gái gú là vô can. Cho dù không mang nợ máu, tôi cũng là tội đồ.

Khi chiến tranh chấm dứt vào ngày 30-4-1975, máu thằng em tôi lại chảy khi nó tìm cách vượt biên và bị bắt. Một người anh họ của tôi bị đánh cho đến chết khi về nông thôn tìm đất cày.

Những vết máu hôm nay vẫn loang lổ trên mặt đất. 

Tôi 26 tuổi khi đất nước thống nhất. Xác định cuộc đời mình chấm dứt. Tôi thuộc về một thế hệ bị bỏ đi. Bạn bè tôi bị bắt đi cải tạo hoặc ngồi tù. Những kẻ may mắn ra đứng chợ trời. Những kẻ không may đi kinh tế mới cầm cuốc. Một cuộc đổi ngôi khốc liệt. Tôi cũng ra đường bán các thứ tinh hoa của miền Nam từ sách báo, chén bát, vàng bạc, kim cương đến quần áo cũ.

Khi 50 tuổi, tôi mới lần đầu trở về quê quán và nhìn Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tôi đã không có cảm xúc như tôi vẫn tưởng. “Hà Nội ở dưới ấy” như Mai Thảo đã viết trong đêm giã từ. Tôi trở thành kẻ mất quê hương vĩnh viễn.

Năm 60 tuổi. Tôi biết không còn cơ hội nào nữa. Và tôi sẽ giã từ cuộc đời như một kẻ bé mọn.

Có thể tôi bỏ sót một số việc như đã từng dạy học, đã từng làm thơ, đã từng đi cày... Tôi không khai vì xét thấy những việc đó không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia cũng như không làm cho tôi thành danh hay thành công. Nhưng tôi cần bổ sung một chi tiết mà tôi cho rằng đã khắc họa một nét cá biệt trong lý lịch tôi.

Đó là thời gian những năm cuối cấp hai. Tôi có hai nhóm bạn tách biệt. Một nhóm chỉ tụ tập đi đánh lộn với đầy đủ dao búa. Thằng bạn thân nhất của tôi đến giờ này có cháu nội ngoại vẫn là một đại ca khét tiếng. Nhưng bạn tôi bao giờ cũng là một tay anh chị coi trọng đạo nghĩa giang hồ và khí tiết quân tử. Một nhóm bạn khác lại có máu văn nghệ. Chúng tôi đã lập nhóm “The black dogs” và cũng đập phá mọi thứ có thể đập phá. Tôi cho rằng sự “nổi loạn” trong giai đoạn thiếu niên là cần thiết. Và có thể cần thiết đến suốt đời đối với một người chọn văn chương làm sự nghiệp.

PHẦN II: QUAN HỆ GIA ĐÌNH

11.Họ tên cha: ..................

Tôi không ra gì, nhưng bố tôi rất nổi tiếng.

Tên khai sinh của ông là Nguyễn Du. Tôi được di truyền từ ông hai thứ, một là thích làm thơ, hai là mê gái. Với cả hai thứ đó, nam nhi chi chí. Suy từ tôi ra ông, chẳng làm hai thứ đó thì còn nên làm gì trên đời?

Làm thơ và tán gái.

Chuyện làm quan của ông đã rõ. Chẳng phải ông đã thú nhận chỉ là một thứ hàng thần lơ láo!? Tôi cũng đã từng lơ láo hàng thần như ông. Thế gian này, mua vui cũng được một vài trống canh. Thì hãy cứ vui. Ông đi hát cô đầu. Nhịp phách ngất ngưởng. Tôi đi hát Karaoke ôm. Úmbala mật. Ông cố tôi là Nguyễn Trãi thì cũng thơ và gái thế thôi. Quan trường cũng oan nghiệt với ông tới mức. Một ông cố khác là Nguyễn Dữ, quan trường mới chập chững đã đứt gánh. Ông về quê sáng tác truyện quỉ thần để bày tỏ lẽ xuất xử của mình với thế sự. Cứ xem thế thì dòng họ nhà tôi, hoạn lộ hôn ám. Chỉ có ông nội Nguyễn Nghiễm là hanh thông, tuy nhiên ông cũng lấy đến tám bà vợ.

Chẳng làm thơ, tán gái thì làm gì?

Sinh năm:........................

Nghề nghiệp (chức vụ và cấp bậc) trước và sau 30-4-1975:..............chỗ ở hiện nay:..................

Tại sao lại đặt cột mốc trước và sau 30-4-1975 cho lý lịch của mỗi con người?

Ngày chấm dứt chiến tranh, ngày hòa bình, ngày thống nhất đất nước. Đó cũng là ngày phán xử. Kẻ thua người thắng. Ngày định phận. Kẻ có công người có tội. Và mỗi lần khai lý lịch là mỗi lần xác nhận cái sự thua thắng, công tội đó. Một lằn ranh không cho phép ai vượt qua. Một sự chia cắt vĩnh viễn giữa các con người, giữa các công dân.

Không được quyền quên.

Trước ngày 30-4-1975, bố tôi có thời gian đi làm sở Mỹ. Nhờ thế có tiền in thơ. Việc đi làm cho Mỹ khiến sau ngày giải phóng ông cũng khốn khổ. Một vài ông cán bộ văn nghệ nằm vùng tố cáo bố tôi làm tay sai cho địch với tang chứng là các tác phẩm đồi trụy phản động. Trong vụ án Hồ Con Rùa, bố tôi bị bắt. Tù 3 năm. Ngoài ra bố tôi còn bị truy cứu về tội âm mưu chạy theo vua Lê Chiêu Thống, cho nên bị quản thúc tại nhà thêm 3 năm nữa.

Trong 3 năm bị quản chế, bố tôi viết hồi ký. Tôi hy vọng rằng, khi chế độ kiểm duyệt không còn khắt khe, tôi sẽ in cuốn hồi ký đó.

Sau thời kỳ đổi mới, nhờ có chút ít chữ nghĩa và biết làm thơ, nên bố tôi được mời ra cộng tác với nhà văn hóa huyện. Họ giao nhiệm vụ cho bố tôi thành lập câu lạc bộ thơ lục bát.

Thành thật mà nói, nhờ có câu lạc bộ này, những năm cuối đời của ông cũng bớt tẻ nhạt.

Tôi không biết hồn ông hiện nay ở Thăng Long hoài cổ hay Nam Kinh vong quốc.

12.Họ tên mẹ:................

Vốn là người gốc Minh Hương, mẹ tôi là con của Vương gia Thanh Tâm Tài Nhân. Sau khi nhảy xuống sông Từ Đường tự vẫn, mẹ tôi được một ông chủ ghe thương hồ vớt và cứu sống. Mẹ tôi theo ông đến xứ An Nam tị nạn triều đình Mãn Thanh.

Bố tôi gặp mẹ tôi trong một lần nghe bà đàn hát. Biết bà là Vương Thúy Kiều, bố tôi xin cưới ngay, mặc dù khi ấy bà đang mang thai mà không cần biết người để lại hậu quả cho mẹ tôi là Từ Hải, Kim Trọng hay một thằng sở khanh nào khác. Cũng may, bà chỉ còn một mình, bố tôi mới lấy được. Tôi nghĩ Vương gia, ông ngoại tôi chẳng khi nào chịu gả bà cho một gã trai Việt.

Sinh năm:.................

Nghề nghiệp (chức vụ và cấp bậc) trước và sau 30-4-1975:................chỗ ở hiện nay:.......................

Trước 30-4-1975, mẹ tôi làm đĩ 15 năm. Sau ngày 30-4-1975, khi có chiến dịch đốt sách, tiêu hủy toàn bộ tàn dư văn hóa đồi trụy phản động của chế độ cũ, mẹ tôi sợ quá đứng tim chết. Bà nhớ đến câu ca dao “Đàn ông chớ kể Phan Trần - Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

Tôi không biết mẹ tôi hiện nay đang ở thiên đàng hay địa ngục.

13.Họ và tên vợ (hoặc chồng): .........................

Cung thê trong tử vi của tôi vô chính diệu. Vì thế tôi không thể định hình được người nào gọi là vợ. Phụ nữ với tôi là một vật thể không xác định được cả trong mối tương quan với tôi hay chính bản thân họ.

Trong thâm tâm, tôi vẫn thầm ước lấy được một cô vợ người Miên.

Tôi thích màu đen của gái Miên. Màu của linh hồn của hư vô của mọi bí mật. Tôi thích một cô gái Miên làm vợ vì tôi đang bước đi trên miền đất của tổ tiên cô ấy. Tôi muốn tất cả những tổ tiên của dòng giống cô ấy nhìn thấy tôi và chứng giám sự hiện hữu của tôi trong cô ấy tha thiết như thế nào. Tôi muốn cô ấy chính là đất của tôi. Và trên miền đất ấy, tôi bùng nổ. Tôi muốn cô ấy biến tôi thành lửa. Và tan biến. Luôn luôn tan biến.

Sinh năm:........................

Nghề nghiệp (chức vụ và cấp bậc) trước và sau 30-4-1975:................chỗ ở hiện nay:...........................

Trước 30-4-1975.

Có thể cô chỉ là một sợi tóc của người cha và một móng tay của người mẹ. Cha cô đi lính ngụy. Mẹ cô là Khmer Đỏ.

Sau năm 1975.

Cô vẫn là một sợi tóc của người cha và một móng tay của người mẹ. Cha cô đi đá gà. Mẹ cô đi buôn lậu ngà voi, sừng tê giác.

14.Họ tên các con: tuổi, làm gì? Ở đâu?................

Tôi biết nhiều phụ nữ, nhưng không có con vì tinh trùng loãng. Cũng có thể vì biết nhiều phụ nữ đâm ra loãng tinh trùng.

15.Họ tên anh, chị, em ruột: tuổi, làm gì? Ở đâu?......

- Anh Hai tôi là con cùng mẹ khác cha. Thi rớt tú tài, thay vì đi hạ sĩ quan Đồng Đế, anh chọn lính nhảy dù, thiên thần mũ đỏ. Anh từng tham gia nhiều trận đánh lớn như ở Cổ Thành Quảng Trị năm 1972. Hành quân ở đâu, trong ba lô anh luôn có ít nhất một tập thơ của bố và vài tờ tạp chí văn chương định kỳ của Sài Gòn. Anh bảo “Văn tế thập loại chúng sinh” là tập thơ cho số phận con người, cho cái chết của chính anh đã máng trên đầu súng. Còn đọc vài tờ tạp chí văn chương là cách anh thoát ra khỏi cái số phận đó. Những lần về phép, sau khi xả xui trong các xóm đĩ, anh thường rủ tôi đi nghe nhạc. Cũng như tôi, anh không thích nhậu.

Tôi không biết anh yêu ai vì anh không bao giờ nói về những người phụ nữ của anh. Tuy nhiên, khi anh chết, có một cô gái đã đến đưa ma anh và mỗi tháng vào ngày anh hy sinh, cô đều đặt một bó hoa trên mộ. Lần cuối cùng và cũng là giỗ đầu của anh, tôi đã gặp cô. Tôi nói nên để anh siêu thoát. Cô gật đầu và không bao giờ quay lại.

Sau 30-4-1975, nghĩa trang quân đội được giải phóng. Gia đình tôi bốc mộ anh và đem cốt tro vào nhà thờ.

- Chú Tư em trai tôi trước ngày 30-4-1975 còn đang đi học. Mặc dù cho rằng đi học chỉ là một cách đúc khuôn mình, chú ấy vẫn đến trường với tham vọng sẽ phá bỏ mọi thứ khuôn. Sau 30-4-1975, nhận ra mái trường xã hội chủ nghĩa chỉ đẻ ra các con vật vừa hèn vừa ngu, chú ấy bỏ học và quyết định vượt biên. Bị bắt và bị đánh cho đến chết. Chú ấy không đủ bình tĩnh khi bị người quản giáo nhục mạ.

Linh hồn u uất của chú là những ngọn gió.

- Cô Năm em gái út tôi trước 30-4-1975 cũng đang đi học. Sau 30-4-1975 học tiếp cho đến khi xong đại học. Đó là những ngày khó khăn nhất. Mỗi ngày đạp xe 15 cây số đi và 15 cây số về với một lon cơm độn khoai mì và mấy miếng chao. Tuy thế, cũng không khó nuốt bằng những giờ học chính trị và sinh hoạt Đoàn. Cô bảo cái cực hình không phải là phải chứng kiến những đứa nịnh hót và nghe những thứ giáo điều ngu xuẩn, mà chứng kiến sự chịu đựng của chính mình.

Ra trường thuộc loại giỏi, cô Năm đi dạy học ở một trường trung học cách xa nhà 20 cây số. Và vẫn với một chiếc xe đạp trên đường trường 40 cây số mỗi ngày, cô muốn nói với học trò về sự khai phóng đích thực cho con người là gì, nhưng cô không dám nói. Không ai dám nói những suy nghĩ chân thật của mình.

Sau 3 năm đi dạy, em tôi tự tử bằng một liều thuốc ngủ.

Linh hồn tự do của cô vẫn bị cầm tù ở đâu đó.

Ngày 30 tháng 4 năm 2011

Người làm đơn

(ký tên)

Họ tên: Nguyễn Giống

NHẬN XÉT VÀ CHỨNG NHẬN CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

(Nội dung chứng nhận cần ghi bản lý lịch này đúng hay sai. Nếu sai thì ghi rõ sai ở chỗ nào, có thể nhận xét thêm về tư cách nghề nghiệp và hoàn cảnh người xin việc làm).

Ngày.............Tháng.............Năm...........

UBND Phường, Xã..............................

--------------------

Ghi chú của tôi:

UBND Phường làm quái gì biết tôi khai bản lý lịch này đúng hay sai. Có lẽ cũng vì biết thế, nên UBND Phường chỉ đóng mộc ký tên và thu lệ phí 5 ngàn đồng mà không có bất cứ nhận xét nào. Cho nên tôi suy luận rằng, mục đích của thủ tục hành chánh này chỉ để cho các vị trong UBND có việc làm. Phần tôi, đã đóng góp 5 ngàn đồng để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

(2011)