Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Điểm cao trước mặt

Bút ký
Phạm Đình Trọng

17.2.1979 – 2016
TRÒN 36 NĂM KHỞI ĐẦU CUỘC CHIẾN TRANH 10 NĂM 1979 – 1989 DO TÀU CỘNG PHÁT ĐỘNG XÂM LƯỢC BIÊN GIỚI PHÍA BẮC NƯỚC TA.
HÀNG CHỤC NGÀN NGƯỜI DÂN VIỆT NAM BỊ GIẶC TÀU GIẾT HẠI. HÀNG CHỤC NGÀN CHIẾN SĨ VIỆT NAM BỎ MÌNH TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG TÀU BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM.
BÚT KÍ “ĐIỂM CAO TRƯỚC MẶT” GHI CHÉP LẠI MỘT SỰ HI SINH CAO CẢ ĐÓ
P.Đ.T.  


Con đường lớn bám theo bờ tây sông Lô càng ngược lên phía bắc càng chênh vênh, gập ghềnh, quanh co giữa núi non chất ngất. Qua khỏi thị xã Hà Giang, con đường lại bị đạn pháo Trung Quốc đào bới nham nhở. Từ đây lên biên giới, con đường hoàn toàn vắng bóng dân, chỉ còn những tốp  lính ba lô trên lưng, súng đạn lỉnh kỉnh quanh người lầm lũi hành quân. Rồi đến bóng những người lính cũng không còn nữa. Những người lính đã bỏ con đường lớn rẽ vào những nhánh đường nhỏ sâu hút trong rừng già. Rồi những con đường nhỏ cũng không còn. Chỉ còn những triền núi đất, những vách núi đá giăng giăng như những bức tường thành, tầng tầng lớp lớp. Chỉ còn những đỉnh núi chót vót chon von lẫn trong mây sớm, chìm trong sương chiều. Trong bản đồ tác chiến của những người cầm quân chặn giặc giữ đất, những đỉnh núi đó là những điểm cao được ghi bằng một chữ cái và một chữ số, điểm cao A1, điểm cao B2 .  .  .

Những điểm cao đó không phải chỉ nằm trong tầm đạn pháo, cối mà còn nằm ngay trong tầm đạn bắn thẳng của quân Trung Quốc. Có điểm cao phải hứng đạn nhiều đến nỗi núi đá bị lửa đạn nung thành vôi. Núi đá xám đen thành núi vôi trắng xóa. Trên những điểm cao đó đến cánh chim trời cũng tuyệt nhiên không còn. Núi đá của sáo sậu. Rừng già của ba mươi sáu thứ chim. “Trên rừng ba mươi sáu thứ chim / Có chim là chim chèo bẻo / Có chim là chim chích chòe .  .  .” Bài dân ca đồng bằng Bắc Bộ đã kể ra ba mươi sáu thứ chim trên rừng. Nay núi rừng không một bóng chim, không còn sự sống. Nhưng trên tất cả những điểm cao của đất đai Tổ quốc ở vùng biên cương phía bắc trong những ngày nóng bỏng này đều có những người lính thân yêu của chúng ta đang trấn giữ.

Giữa những điểm cao chất ngất thì Xê Ba (C3) là một điểm cao rất bình thường nằm sâu trong lãnh thổ nước ta tới hơn cây số. Cuối năm tám nhăm (1985), trong một đợt hoạt động quân sự hung hăng bất thường, phía Trung Quốc xối xả dội pháo suốt một đêm, nung vôi cả núi đá. Mờ sáng hôm sau  biển quân Trung Quốc như những đợt triều cường ào ạt dâng lên hết đợt này đến đợt khác quyết chiếm bằng được Xê Ba. Một tuần sau, vào đêm cuối tuần trăng, một đại đội đặc công Việt Nam chỉ có súng AK và pháo tay lặng lẽ lên đỉnh Xê Ba thả pháo tay vào từng cửa hang đá, diệt gọn lũ lính Tàu rúc trong hang đang trong giấc ngủ thấp thỏm chập chờn. Trong khoảnh khắc đại đội đặc công giành lại được Xê Ba rồi ngay hôm sau giao lại cho bộ binh chốt giữ.

Một tuần sau trận đánh của đặc công giành lại Xê Ba, tôi đến bộ tư lệnh binh chủng đặc công ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội gặp lại người quen cũ: Anh hùng quân đội, đại tá Đỗ Văn Ninh. Tôi đã có cả một ngày ngồi nghe người anh hùng Đỗ Văn Ninh kể lại quãng đời chiến đấu của anh, quãng đời từ người thợ máy lái xe lửa đến người lính đặc công vào ra sân bay Biên Hòa, vào ra tổng kho Long Bình như vào ra căn nhà của mình, thuộc từng hàng rào, nhớ chỗ đậu từng loại máy bay, nắm chắc kho nào chứa loại bom đạn gì. Nay người anh hùng đó là Tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng binh chủng đặc công. Nghe đề xuất của tôi, đại tá tư lệnh phó binh chủng đặc công Đỗ Văn Ninh liền gác mọi việc lại, đưa tôi lên Hà Giang đến cánh rừng bên thượng nguồn sông Lô gặp những người lính đặc công đã giành lại Xê Ba.

Trên đường đi, đại tá Đỗ Văn Ninh cho ô tô ghé vào khu tập thể Ủy ban Khoa học Xã hội ở Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội, đón thêm một gia đình bé nhỏ của lính đặc công: Chị Nguyễn Thị Định mới hai mươi tám tuổi đã là một bà góa và con trai chị, cháu Cao Việt Cường mới bốn tuổi đã mồ côi cha. Đó là vợ và con trai đại đội trưởng, thượng úy Cao Hoàng Việt, người chỉ huy trận đánh giành lại Xê Ba.

.  .  .  .  .

Trước khi những người lính đặc công đưa tôi đi lại con đường từ doanh trại dã chiến của họ lên đỉnh Xê Ba, chúng tôi cùng mẹ con chị Định ra viếng mộ thượng úy Cao Hoàng Việt. Trên khoảng đất trống giữa cánh rừng lúp xúp, sáu nấm mồ lùm lùm xếp hàng ngang chưa kịp bén cỏ, đất từ dưới huyệt sâu mới lật lên lổn nhổn sỏi đá. Chị Định thắp hương vái mộ chồng rồi đổ vật xuống ôm lấy nấm mồ còn tươi màu đất mới chưa có một ngọn cỏ xanh. Đứa con trai bốn tuổi chưa biết nỗi đau mất cha đứng bên mẹ đang ôm nấm mồ cha nhưng mắt nó vẫn mải nhìn theo con chuồn chuồn ớt đỏ như quả ớt chín đang rập rờn trước mặt. Tôi cùng những người lính đặc công cắm nhang lên sáu ngôi mộ rồi lặng lẽ đứng thành hàng ngang phía sau người vợ trẻ âm thầm khóc chồng.

Đi lại con đường lên Xê Ba, đúng phương tiện và trình tự như đại đội trưởng thượng úy Cao Hoàng Việt đã dẫn quân đi. Chỉ khác thời gian. Cao Hoàng Việt đi trong đêm giá lạnh không trăng. Chúng tôi đi trong buổi chiều mùa đông ảm đạm. Đến bản P. chúng tôi rời ô tô, người sau bám theo người trước thành một hàng dọc lặng lẽ vào vị trí tạm dừng.

Bản P vốn trước là một bản trù phú đông vui. Từ ngày quân Trung Quốc gây hấn lùa quân sang bắn giết dân bản, vơ vét từ quả mướp non trên cây. Chúng rút đi rồi nhưng ròng rã năm này qua năm khác những trân địa pháo bên đất Trung Quốc suốt ngày đêm dội pháo vào bản, người dân phải bỏ nhà cửa ruộng vườn, dắt díu nhau chạy ra ngoài tầm pháo giặc, dựng bản mới. Trong bản không còn ngôi nhà nào mái tranh. Đến cái chuồng trâu cũng lợp ngói. Nhưng không ngôi nhà nào còn lành lặn. Nhà nào cũng bị lính Trung Quốc đặt thuốc nổ phá sập. Những ngôi nhà sàn gỗ lim mái ngói bề thế, khang trang nay chỉ còn những cột gỗ tua tủa chĩa lên trời. Những vườn mít, vườn cam bạt ngàn đổ rạp. Cây bị đạn pháo tiện ngang thân. Cây bị bật cả rễ. Gốc cây nhãn buộc trâu vẫn còn một đoạn dây thừng nhưng những vết chân trâu dẫm lầm trên mặt đất thì đang chìm dần trong rêu xanh, trong lá khô rụng. Những máng dẫn nước xộc xệch, nước chảy tung tóe. Những cối nước giã gạo, cối không có gạo, tiếng chày gỗ nện vào cối gỗ, khô khốc, nhức nhối. Có chiếc cối ngã vật xuống rãnh nước. Nước từ lòng đất trên núi cao dẫn về bản, dòng nước mát lành lại xối xả đổ vào đất hoang sơ. Tiếng nước đổ ào ào trong vắng lặng. Những hố đạn pháo tanh bành trên mặt đất. Những vạt cây cụt ngọn. Những thân cây cổ thụ bị mảnh pháo xé tướp. Nhìn những hố đạn pháo dày đặc khắp bản, tôi lại nhớ đến những bãi bom B52 thời tôi vào mặt trận phía Nam. Qua bản P. đến khe núi hẹp. Những mảnh ruộng bậc thang cỏ mọc lút bờ.

Trong buổi chiều mùa đông xám lạnh, nhìn những nếp nhà sàn thân thương, những người lính đều liên tưởng đến những bếp lửa ấm áp và họ đều nhìn lên mái nhà để tìm một sợi khói bình yên thong thả bay lên. Nhưng mái nhà không còn thì làm gì còn sợi khói lam chiều. Bóng tối đã lấp đầy những ô cửa xiêu vẹo, tối đen. Không một ô cửa có ánh lửa đèn hắt ra. Những nếp nhà tan hoang trong bản làng xơ xác điêu tàn. Hình ảnh bản làng như một nỗi đau cứa vào trái tim người lính ra trận.

Điểm tạm dừng chính là sở chỉ huy, nơi trung đoàn trưởng Phạm Văn Toanh và tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Hưởng theo dõi, chỉ huy trận đánh. Sở chỉ huy chỉ là đoạn hào ngắn sâu ngập đầu người trên sườn núi nhìn sang Xê Ba. Khi quân Trung Quốc còn làm chủ Xê Ba, chúng vẫn nã đạn cối sang đây. Pháo từ đất Trung Quốc bắn sang cũng dội xuống đây. Cây lớn đã bị pháo dọn quang. Cây nhỏ bị sức nổ thổi xơ xác. Những khối đá lớn bị đạn pháo chẻ toác, chênh vênh, lắt lẻo. Chốc chốc lại có những tảng đá từ trên cao rào rào lăn xuống vực. Lính đặc công phải khuân những khúc cây rừng bị pháo chém đứt chất trên miệng hào để đá không lăn xuống hào đè bẹp người.

Từ đây, đại đội trưởng Cao Hoàng Việt dẫn những người lính quần đùi, áo bó gọn thân người với những túi đựng pháo tay, lựu đạn, băng đạn AK đi tiếp lên Xê Ba. Trước khi xuất phát đại đội trưởng Cao Hoàng Việt trực tiếp làm mũi trưởng xoạc chân đặt lên một tảng đá, cúi gập người xuống thì thào nhắc lại với từng tổ chiến đấu nhiệm vụ của tổ và xiết chặt tay từng người lính như muốn truyền cho họ ý chí quyết giành lại đất Mẹ yêu thương đã bị giặc chiếm. Trung đoàn trưởng Phạm Văn Toanh chỉ cho tôi tảng đá Cao Hoàng Việt đã đặt chân. Tôi xoa tay lên tảng đá đã in dấu chân Việt và thấy như anh vừa thì thầm với tôi.

Cao Hoàng Việt là người con duy nhất của một cán bộ cấp cao binh chủng đặc công, đại tá Cao Ngọc Hùng. Dù là đứa con duy nhất, khi đến tuổi trưởng thành, ông đã cho con làm người lính đặc công đầy thử thách hiểm nguy. Cho con làm lính ở binh chủng mà mình là cán bộ cao cấp có uy tín, có cương vị cao không phải để con được ưu ái, được tạo bệ phóng cho con bay cao, bay xa trên con đường công danh nhung lụa, trở thành một sĩ quan ở tổng hành dinh, một công chức nhà binh nhàn hạ và thăng tiến mau lẹ. Đại tá Cao Ngọc Hùng không chọn cho đứa con duy nhất con đường trải thảm hoa đó. Đất nước đang còn chiến tranh. Một dải biên cương đang bị xâm lấn. Cuộc sống đầy thử thách hiểm nguy của người lính đặc công trong cuộc chiến đấu giành đi giật lại từng tấc đất với bọn bành trướng, người lính phải lấy máu ra giữ từng tấc đất của đất Mẹ Việt Nam sẽ mở rộng tâm hồn con, cho con những tình yêu lớn với đất nước, với nhân dân, với cuộc đời, cho con được đứng trên đôi chân vững chãi, cứng cỏi của chính con, cho con tìm ra bản thân mình. Sau hơn mười năm được rèn luyện trong cuộc sống nghiêm khắc đó, Cao Hoàng Việt trở thành đại đội trưởng vững vàng, tin cậy nhất của trung đoàn trưởng Phạm Văn Toanh. Vì thế khi điểm mặt những đại đội để giao việc giành lại Xê Ba, trung đoàn đã nhất trí chọn đại đội Cao Hoàng Việt.

Khi thượng úy Cao Hoàng Việt hành quân lên Hà Giang, nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh biên giới với giặc Tàu thì đại tá Cao Ngọc Hùng thanh thản nhận sổ hưu trở về cuộc sống dân sự ở quê nhà Yên Định, Thanh Hóa. Hàng ngày cầm tờ báo, bao giờ ông cũng tìm đọc hết những tin chiến sự ở biên giới phía bắc. Nhưng báo chí chỉ thông tin được một phần nhỏ những gì xảy ra sau khi nổ súng. Mà cái quyết định cho kết quả trận đánh là những gì diễn ra từ trước khi tiếng súng nổ. Báo chí chỉ thông tin những chiến công, không thông tin những mất mát, hi sinh người lính phải chấp nhận để làm nên chiến công đó.

Trung đoàn trưởng Phạm Văn Toanh là người ôm ghì lấy Việt, chia tay Việt sau cùng. Vẫn đứng ngoài hào sở chỉ huy bên tảng đá Việt đã xoạc chân dẵm lên nhìn theo bóng Việt chìm hẳn vào đêm tối. Rời mắt khỏi hướng những người lính thân yêu, Toanh ngửa mặt nhìn trời. Lính đặc công bao giờ cũng mang bộc phá ra đi vào cuối tuần trăng. Đêm nay là hai mươi chín tháng mười theo lịch mặt trăng. Đêm không trăng. Chỉ có một ngôi sao lẻ loi. Bỗng ngôi sao lẻ loi cũng vụt sa xuống. Vệt sao sa tắt ngấm sau Xê Ba làm cho Toanh bỗng thấy bồn chồn. Nhảy xuống hào sở chỉ huy Toanh, bước vội đến chiếc  máy vô tuyến điện giữ liên lạc với Việt.

Người hướng dẫn tôi từ sở chỉ huy lên Xê ba là Phạm Ngọc Bích, một người lính trẻ măng. Ngay lần đầu vào trinh sát Xê Ba, Bích thò tay sờ vào cửa hang lấy được gói lương khô mang về. Đến cửa hang khác, Bích thả chân xuống thăm dò liền đạp phải vai thằng giặc ngủ trong hang. Tên giặc tung chăn hốt hoảng nhỏm dậy. Bích còn kịp nhận ra mùi hôi từ chiếc thốc ra trước khi biến vào bóng đêm. Tên giặc nằm ngay cửa hang cho Bích biết rằng hang này giặc tập trung đông, chúng phải ngủ tràn ra cả cửa hang trống trải. Hai đêm sau lên đánh, Bích đã tập trung vào hang này ba quả pháo tay, trong đó có quả pháo một cân. Đánh xong, nghe ngóng không thấy động tĩnh gì, Bích xuống hang kiểm tra thấy những xác giặc còn nằm cả dãy trong chăn.

Bích dẫn tôi đến hang “lương khô”, đến hang “ba quả pháo tay”. Từ đó, lần theo đường dây điện thoại, Bích đến hang trung tâm là mục tiêu của mũi Cao Hoàng Việt. Khi Việt đến cửa hang trung tâm, cửa hang đã được chặn một khối đá lớn. Hai chiến sĩ vần nhẹ khối đá ra không để phát tiếng động.  Cửa hang lộ ra chỉ đủ để thả pháo tay vào là số phận lũ giặc trong hang đã được định đoạt.

Toàn bộ giặc Tàu trên Xê Ba đã bị tiêu diệt. Cao Hoàng Việt đến từng hang kiểm tra. Khi anh vừa về đến hang trung tâm thì pháo giặc dập thẳng xuống Xê Ba. Đạn pháo thổi tung Việt lên rồi ném anh dính vào khối đá chặn cửa hang. Máu anh tràn trên khối đá, nhỏ giọt vào trong hang. Nghe Bích kể thế nằm của Việt ôm khối đá trên Xê Ba tôi lại nhớ dáng vợ Việt phủ phục ôm nấm mồ Việt ở cánh rừng thượng nguồn sông Lô.

Tôi đang ân hận vì không mang theo thẻ hương vừa để thắp nơi Cao Hoàng Việt ngã xuống vừa để thắp cho hồn thiêng sông núi kết tinh bao dòng máu Việt Nam đã đổ ra để giữ mảnh đất này thì một ánh lửa lóe lên. Từ sở chỉ huy, trung đoàn trưởng Phạm Văn Toanh vẫn đi bên tôi nhưng im lặng không nói gì. Bây giờ anh lấy ra thẻ hương trong túi da đeo bên mình, quẹt lửa thắp hương. Mùi hương trầm ngan ngát trên đỉnh Xê Ba như tấm lòng thơm thảo của những người con đất Việt.

Trích bút kí ĐIỂM CAO TRƯỚC MẶT, bút kí giành giải nhì cuộc thi bút kí báo Văn Nghệ, hội Nhà Văn Việt Nam năm 1987.