Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

The Duniazát

Salman Rushdie
Hiếu Tân dịch
Salman_Rushdie (1)Năm 1195, nhà triết học vĩ đại Ibn Rushd, đã có thời là một qadi, hay quan tòa, ở Seville và gần đây nhất, là bác sĩ riêng cho Caliph Abu Yusuf Yaqub tại tỉnh quê hương ông là Córdoba, đã bị giáng chức và bị sỉ nhục vì những tư tưởng tự do của ông không thể được chấp nhận đối với những kẻ Berber cuồng tín đang ngày càng mạnh lên, loang ra như dịch hạch khắp Tây Ban Nha Arab; và bị đầy đến sống trong một làng nhỏ Lucena, một làng đầy những người Do Thái không được tự nhận mình là người Do Thái bởi vì họ đã bị buộc cải sang đạo Hồi. Ibn Rushd, một nhà triết học đã không còn được phép thuyết giảng triết học của mình nữa, tất cả tác phẩm của ông đã bị cấm và bị đốt, ngay lập tức cảm thấy thoải mái giữa những người Do Thái không được tự nhận là người Do Thái. Ông đã từng được Caliph của triều đình hiện thời, triều Almohad, sủng ái, nhưng rồi sủng thần trở nên lỗi thời, và Abu Yusuf Yaqub đã cho phép những kẻ cuồng tín đuổi nhà giảng luận vĩ đại về Aristotle ra khỏi thành phố.
Nhà triết học không được thuyết triết học của mình sống trong một con phố hẹp đường không lát đá, trong một ngôi nhà tồi tàn với những của sổ nhỏ và ngột ngạt kinh khủng vì thiếu ánh sáng. Ông  mở một phòng mạch nhỏ ở Lucena, và danh tiếng cựu ngự y của Caliph kéo khách hàng đến với ông; ngoài ra, ông dung chút tài sản mà ông có để buôn bán ngựa, và cấp vốn để làm những tinajas, những vò đất nung mà người Do Thái đựng rượu và dầu ô liu để bán. Một trong những ngày đầu tiên của cuộc lưu đầy, một cô gái độ chừng mười sáu mùa hạ xuất hiện ngoài cửa nhà ông, mỉm cười dịu dàng, không gõ cửa cũng không đưởng đột bước vào giữa những suy tư của ông, chỉ đơn giản đứng đó kiên nhẫn đợi đến khi ông nhận ra sự có mặt của cô và mời cô vào. Cô nói với ông rằng cô mới bị mồ côi, rẳng cô không có nguồn thu nhập nào cả, nhưng không muốn vào nhà thổ, và tên cô là Dunia, nghe không có vẻ tên Do Thái bởi vì người ta không cho phép cô nói tên Do Thái của cô, và, bởi vì cô không biết chữ, cô không thể viết nó ra. Cô nói rằng một du khách đã gợi ý tên ấy cho cô, và nói rằng nó là tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “thế giới” và cô đã thích cái ý tưởng ấy. Ibn Rusthd, người dịch Aristotle, biết rằng trong nhiều ngôn ngữ nó có nghĩa là “thế giới”, nhưng  không nói dài dòng với cô để tỏ ra thông thái rởm không cần thiết. “Tại sao cô lại đặt tên cô là thế giới?” ông hỏi cô, và cô trả lời, nhìn vào mắt ông khi nói. “Bởi vì thế giới từ em chảy ra và những người từ em chảy ra sẽ ngập tràn thế giới.”
Là một con người lý trí, Ibn Rusthd không đoán ra cô gái này là một tạo vật siêu nhiên, một jinnia (vị thần), thuộc một bộ lạc thần nữ: một công chúa của bộ lạc ấy, trong một cuộc thám hiểm trần gian, theo đuổi cuộc mê hoặc những người đàn ông nói chung, và những người sáng chói trong số họ nói riêng. Ông đưa nàng vào căn lều của mình làm nội trợ và người tình của ông, và trong đêm động phòng nàng thì thầm vào tai ông tên “thật” – tức là giả - của nàng bằng tiếng Do Thái, và đó là bí mật của hai người. Dunia nữ thần ấy thật phồn thực đến ngoạn mục, như lời tiên tri của nàng đã ngụ ý. Trong hai năm, tám tháng, hai mươi tám ngày và đêm sau đó, nàng mang thai ba lần và sinh hạ nhiều con, mỗi lần ít nhất bẩy, và có lần đến mười một, hay có khi mười chin; hồ sơ ghi lại không rõ ràng. Tất cả bọn trẻ thừa hưởng của nàng một đặc điểm kỳ lạ: chúng không có dái tai.
Nếu Ibn Rusthd là một học giả về những điều thần bí, thì ông đã nhận ra những đứa con của ông là con cái của một người mẹ không thuộc loài người, nhưng ông chỉ chìm đắm trong những ý nghĩ của bản thân nên không nhận ra. Nhà triết học không được làm triết học sợ rằng những đứa con của ông sẽ thừa kế từ ông những năng khiếu buồn bã vốn là báu vật và tai ương của đời ông. “Dễ cảm, viễn thị và nói năng không dè giữ,” ông nói “là cảm quá sắc, nhìn quá rõ, nói năng quá tự do”. Điều đó quá dễ tổn thương trong thế giới này trong khi thế giới tin là nó không thể bị tổn thương, hiểu nó dễ thay đổi trong khi nó cho là nó không thể thay đổi, cảm thấy điều đang đến trước khi người khác cảm thấy, biết cái tương lai dã man đang phá toang những cánh cổng của hiện tại trong khi những người khác bám lấy cái quá khứ suy tàn, trống rỗng. “Nếu con của chúng ta may mắn, chúng chỉ thừa hưởng những cái tai của em, nhưng thật đáng buồn, vì chúng rõ ràng là con anh, có lẽ chúng sẽ suy nghĩ quá nhiều quá sớm, và nghe quá nhiều quá sớm, trong đó có những cái không được phép nghĩ hoặc nghe. ”
“Anh kể cho em một câu chuyện,” Dunia thường yêu cầu trong những ngày đầu họ sống chung. IIbn Rusthd phát hiện ra rằng mặc dù nàng có vẻ quá trẻ nàng vẫn là một cá nhân có đòi hỏi và ý kiến riêng, trong chuyện giường chiếu cũng như những chuyện khác. Ông to lớn, nàng như con chim nhỏ, hay con sâu tích, nhưng ông thường có cảm giác trong hai người nàng là người mạnh hơn. Nàng là niềm vui của tuổi già của ông, nhưng nàng đòi hỏi ở ông mức năng lượng khó duy trì. Đôi khi trên giường ông chỉ muốn ngủ, nhưng Dunia thấy vẻ từ chối của ông như một hành vi chống đối. “Nếu anh thức suốt đêm làm tình” nàng nói “anh sẽ thật sự cảm thấy được nghỉ ngơi hơn là ngáy như bò rống. Điều ấy ai cũng biết”. Vào tuổi ông, không phải lúc nào cũng dễ dàng đi vào trạng thái cần thiết cho hoạt động tình dục, đặc biệt là trong nhiều đêm liên tiếp, nhưng nàng thấy việc khó hứng lên do tuổi tác là bằng chứng của bản chất thiếu tình yêu ở ông. “Nếu anh thấy một phụ nữ hấp dẫn, sẽ không bao giờ có vấn đề gì”, nàng bảo ông. “Bao nhiêu đêm liên tiếp không thành vấn đề. Em đây này, em lúc nào cũng sung. Em có thể tiếp tục mãi mãi – Em không có điểm dừng.”
Ông khám phá ra rằng có thể chế ngự được cái nồng nhiệt thể xác của nàng bằng những câu chuyện kể làm khuây đi.
“Kể cho em một câu chuyện đi,” nàng nằm cuộn tròn dưới cánh tay ông để bàn tay ông đặt trên mặt nàng, và ông nghĩ, tốt, đêm nay mình được buông rồi, và ông kể cho nàng, dần dần từng ít một, câu chuyện trong đầu ông. Ông dùng những từ ngữ mà nhiều người đồng thời với ông thấy sốc, như “lý trí”, “logic”, “khoa học”, chúng là ba cột trụ của suy nghĩ của ông, những tư tưởng đã dẫn đến việc những cuốn sách của ông bị đốt. Dunia sợ những từ ấy, nhưng cái sợ kích thích nàng và nàng dịch lại gần ông hơn và nói, “Anh giữ chặt lấy đầu em trong khi rót vào nó những lời nói dối của anh.”
Trong ông có một vết thương sâu, đau đớn, bởi vì ông là người đàn ông thất bại, đã thua một trận lớn của đời ông với một người Ba Tư quá cố: Ghazali[ii] ở Tus, một đối thủ đã chết trước đó tám mươi lăm năm. Một trăm năm trước, Ghazali đã viết một cuốn sách nhan đề “Sự thiếu mạch lạc của các nhà triết học”, trong đó ông công kích các nhà triết học Hy Lạp như Aristotle, các nhà Platon- mới  và các đồng minh của họ, hai nhà tiền bối vĩ đại của Ibn Rusthd là Ibn Sina và al-Farabi. Ghazali  đã rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin tại một điểm, nhưng đã hồi phục với tự tin rằng ông đã trở thành nhà phê bình triết học vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Ông chế giễu rằng triết học không thể chứng minh sự tồn tại của Thượng Đế, hay thậm chí chứng minh không thể có hai vị thần. Triết học tin vào tính tất yếu của nhân và quả, đó là sự nhạo báng đối với quyền năng của Thượng Đế, người có thể dễ dàng can thiệp để vô hiệu hóa các nguyên nhân và thay đổi các kết quả theo ý muốn của Người.
Ibn Rushd hỏi Dunia, khi bóng đêm  bao trùm họ trong yên lặng và họ có thể nói những điều cấm ky, “Điều gì xảy ra khi một chiếc gậy lửa được chạm vào một quả cầu bông?”
“Tất nhiên bông bắt cháy” nàng trả lời.
“Thế tại sao nó bắt cháy?”
“Bởi vì đó là cách của nó,” nàng nói, “lửa liếm bông và bông trở thành một phần của lửa. Cách của mọi vật là thế.”
“Quy luật của tự nhiên,” ông nói. “Các nguyên nhân có các kết quả của chúng.” Và cái đầu nàng gật dưới bàn tay âu yếm của ông.
“Ông ấy không đồng ý,” Ibn Rusthd nói, và nàng biết ông đang nói đến kẻ thù, Ghazali. “Ông ấy nói rằng bông bắt lửa là vỉ Chúa làm ra như thế, bởi vì trong vũ trụ của Chúa quy luật duy nhất là những gì Chúa muốn.”
“Vậy nếu Chúa muốn bông làm tắt lửa, nếu người muốn lửa thành một phần của bông, thì Người có thế làm thế?”
“Đúng,” Ibn Rusthd nói. Theo sách của Ghazali thì Chúa có thể làm thế.”
Nàng nghĩ một lát. “Thế là ngu,” nàng nói. Dù trong bóng tối nàng vẫn cảm thấy nụ cười cam chịu, nụ cười khinh mạn với cả nỗi đau, đang tỏa ra khắp khuôn mặt râu ria của ông.
“Ông ấy nói rằng đó là niềm tin chân chính,” ông trả lời nàng, “và không nhất trí với nó là không mạch lạc”
“Vậy bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra nếu Chúa quyết định rằng nó là được,” nàng nói, “chẳng hạn chân người có thể không tiếp với mặt đất nữa. Người ta có thể bắt đầu bước đi trong không khí.”
“Một phép lạ,” Ibn Rusthd nói. “chỉ là Chúa thay đổi những qui tắc mà Người chọn để chơi, và nếu chúng ta không hiểu nó là bởi vì Chúa là tuyệt đối không thể nghĩ bàn, tức là, vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.”
Nàng lại im lặng. “Giả sử em giả sử,” cuối cùng nàng nói, “rằng Chúa không tồn tại. Giả sử anh làm cho em giả sử rằng “lý tri”, “logic” và “khoa học”có một ma thuật khiến cho Chúa không còn cần thiết nữa. Người ta thậm chí có thể giả sử rằng có thể giả sử một sự việc như thế không?”
Nàng nhận thấy thân thể ông đã cứng lên.  Bây giờ ông sợ những lời nói của nàng, nàng nghĩ, và nó làm nàng thích thú cách kỳ lạ. “Không,” ông nói rất gay gắt. “Đó thật sự là một giả định ngu ngốc.”
Ông đã viết cuốn sách của mình “Cái không mạch lạc của sự không mạch lạc” trả lời Ghazali xuyên qua một trăm năm và hàng nghìn dặm, nhưng mặc dù cái nhan đề có vẻ đốp chát, nó không hề làm giảm ảnh hưởng của nhà triết học Ba Tư đã chết, và cuối cùng chính Ibn Rusthd bị hạ nhục, sách của ông bị quẳng vào lửa, lửa nuốt những trang sách ấy bởi vì vào lúc đó chính là Chúa quyết định rằng lửa được phép làm việc đó. Trong tất cả các bài viết của mình, Ibn Rusthd đã cố gắng hòa giải những từ “lý trí” “logic” và khoa học” với các từ “Chúa”, “đức tin” và “Kôran”, nhưng ông đã không thành công, mặc dù ông đã sử dụng chúng cực kỳ vi tế cái lý lẽ từ lòng tốt, chứng minh bằng những trích dẫn trong kinh Kôran, rằng Chúa phải tồn tại vì mảnh vườn của những niềm hoan lạc trần thế mà người đã ban cho loài người. Và Ta đã chẳng từ những đám mây làm mưa xuống, nước tưới xuống tràn trề, các ngươi có thể nhờ đó mà làm sinh ra hoa màu và gia súc, và các khu vườn trồng cây rậm rạp sum suê, đó sao? Ông là một người làm vườn nghiệp dư say mê, và những lý lẽ về lòng tốt dường như chứng tỏ cả sự tồn tại của Chúa lẫn bản chất khoan dung, phóng khoáng của người, nhưng các đối thủ của một Chúa khắc nghiệt hơn đã đánh ông. Bây giờ ông nằm, hay ông tin như vậy, với một người Do Thái cải đạo, người mà ông đã cứu khỏi nhà thổ, và người dường như có thể nhìn sâu vào những giấc mơ của ông, nơi ông tranh luận với Ghazali bằng ngôn ngữ của sự không thể hòa giải, ngôn ngữ của sự toàn tâm toàn ý, của sự đi đến cùng, nó sẽ đưa ông đến đao phủ nếu ông dùng nó trong khi thức.
Vì Dunia liên tục mang thai rồi sinh ra cả đàn con trong căn nhà chật hẹp, không còn mấy chỗ cho những lời “nói dối” bị rút phép thông công của Ibn Rusthd nữa. Những khoảnh khắc riêng tư của cặp vợ chồng trở nên hiếm hoi, và tiền là vấn nạn. “Một người đàn ông chân chính phải biết đối mặt với những hậu quả hành động của chính mình,” nàng bảo ông, “đặc biệt là người tin vào nhân quả.” Nhưng làm ra tiền chưa bao giờ là chỗ mạnh của ông. Buôn ngựa luôn luôn gặp bọn lừa đảo và những tay tàn độc, nên lãi rất ít. Trong thị trường làm tinaja ông có nhiều kẻ cạnh tranh, nên giá thấp. “Anh phải đòi tiền bệnh nhân của anh nhiều hơn,” Dunia khuyên ông với ít nhiều giận dữ. “Anh quẳng cái danh tiếng hão của anh đi. Anh có cái gì nữa nào? Đẻ ra một đống trẻ con rồi chỉ ngồi đó làm ông bố trẻ con thì không được. Anh đã làm ra trẻ con, bây giờ trẻ con sinh ra rồi, phải nuôi chúng. Đó là “logic”. Đó là “hợp lý”. Nàng biết những từ của ông và bây giờ nàng quay chúng lại chống ông. “Không làm cái này” nàng hét lên đắc thắng, “là không mạch lạc.”
Các vị thần thích những thứ lấp lánh, vàng bạc kim cương vân vân, và họ thường giấu kho báu của họ trong những hang ngầm dưới đất. Tại sao công chúa nữ thần này không hô “Mở ra!” cánh cửa của hang châu báu và giải quyết khó khăn về tiền bạc của họ trong chớp mắt?  Bởi vì nàng đã chọn cuộc sống con người, làm “người” vợ của một con người, và nàng bị ràng buộc bởi lựa chọn của nàng. Bộc lộ bản chất thật của nàng với người yêu trong giai đoạn sau này sẽ là bộc lộ một kiểu phản bội, một lời nói dối, ở tâm điểm mối quan hệ của họ. Bởi vậy nàng giữ im lặng, sợ ông có thể bỏ nàng.
Có một cuốn sách Ba Tư tên là “Hazar Afsaneh,” hay “Một nghìn câu chuyện”, đã được dịch ra tiếng A Rập. Trong bản tiếng A Rập, có ít hơn một nghìn câu chuyện, nhưng hành động thì trải ra hơn một nghìn đêm, hay, vì con số tròn bị coi là xấu, nên thành ra một nghìn lẻ một đêm. Ibn Rusthd chưa thấy cuốn sách, nhưng ở tòa án nhiều truyện trong sách đó đã được kể cho ông nghe. Câu chuyện về người đánh cá và các vị thần hấp dẫn ông, không phải bằng những yếu tố tưởng tượng (vị thần đèn, những con cá biết nói, hoàng tử bị ma thuật biến thành nửa người nửa đá) mà bằng vẻ đẹp kỹ thuật của nó, cách những câu chuyện được bọc vào những câu chuyện khác và chứa những câu chuyện khác nữa, được bọc trong chúng, khiến cho toàn bộ câu chuyện trở thành một tấm gương thật sự của đời sống, Ibn Rusthd nghĩ, vì trong cuộc sống tất cả những câu chuyện của chúng ta chứa những câu chuyện của những người khác và bản thân chúng được chứa trong những câu chuỵện lớn, những đại tự sự, những lịch sử của các gia đình chúng ta, quê hương chúng ta, và những niềm tin của chúng ta. Còn đẹp hơn những câu chuyện bên trong những câu chuyện là câu chuyện về người kể chuyện, một hoàng hậu tên là Shahrazad hay Scheherazade, người kể những câu chuyện của nàng cho một ông chồng sát nhân để giữ ông ta khỏi hành hình nàng. Những câu chuyện được kể để đánh bại thần chết, để khai hóa cho một người dã man. Và dưới chân giường của cặp vợ chồng là cô em gái của Scheherazade, một Scheherazade thính giả tuyệt vời, yêu cầu kể thêm một câu chuyện nữa, rồi câu chuyện nữa. Từ cô em này, Ibn Rusthd có cái tên mà ông đặt cho lũ con tự bụng người yêu Dunia chui ra, vì người em này, được gọi là Dunyazad, “và những gì chúng tôi có ở đây làm đầy ngôi nhà tối tăm này và buộc tôi phải áp đặt những khoản phí cắt cổ lên những bệnh nhân của tôi, những người đau ốm và suy nhược của Lucena, là sự kéo đến của Duniazát, tức là, bộ lạc của Dunia, sắc tộc của những Dunian, dân tộc Dunia, tức là nhân dân của thế giới.”    
Dunia bị tổn thương sâu sắc. Nàng nói, “Ý anh là vì chúng ta không cưới nên con của chúng ta không thể mang họ cha của chúng?”
Ông cười buồn, nụ cười nhăn nheo. “Chúng lấy tên là Duniazát thì tốt hơn, một cái tên chứa đựng thế giới và không bị thế giới xét xử. Gọi chúng là Rusthd có nghĩa là đưa chúng vào lịch sử với một cái dấu trên trán chúng.”
Dunia bắt đầu nói về bản thân nàng như em gái của Scheherazade, luôn luôn đòi kể thêm một chuyện nữa, chỉ có điều Scheherazade của nàng là một người đàn ông – người yêu của nàng, không phải anh trai nàng – và một số chuyện của ông có thể khiến cả hai bị giết nếu không may những lời đó lọt khỏi bóng tối phòng ngủ của họ ra ngoài. Như vậy Ibn Rusthd là một loại phản- Scheherazade, Dunia nói với ông, sự đối lập chính xác với người kể chuyện của “Nghìn lẻ một đêm”: những câu chuyện của nàng cứu mạng nàng, trong khi những câu chuyện của ông đẩy ông vào nguy hiểm. Nhưng khi đó Caliph Abu Yusuf Yaqub là người chiến thắng trong chiến tranh, giành được thắng lợi quân sự lớn nhất của ông, chống lại Vua Cơ Đốc giáo của Castile, Alfonso VIII, ở Alarcos trên sông Guadiana. Sau trận Alarcos trong đó các lực lượng của Caliph giết một trăm năm mươi nghìn lính Castalia, một nửa quân đội Cơ Đốc giáo, Abu Yusuf Yaqub tự cho mình cái tên al-Mansur – Người Chiến thắng, và với sự tự tin của một anh hùng chinh phục ông đã chấm dứt uy thế của những người Berber cuồng tín và đưa Ibn Rusthd trở lại triều đình.
Dấu hiệu nhục nhã được xóa khỏi trán nhà triết học già, cuộc lưu đày của ông kết thúc. Ông được phục chức, hết bị thất sủng và trở về với vinh quang của chức vụ quan ngự y, hai năm, tám tháng, hai mươi tám ngày đêm sau khi cuộc lưu đày của ông bắt đầu, tức là một ngàn lẻ một ngày đêm; và Dunia lại có thai, tất nhiên, và ông không cưới nàng, tất nhiên, ông không bao giờ cho các con của nàng mang họ ông, tất nhiên, và ông không đưa nàng tới triều đình Almohad với ông, do đó nàng tuột ra khỏi lịch sử - ông mang nó theo với ông khi ông ra đi, cùng với những áo choàng, những bình cổ cong sôi sung sục, và những bản thảo của ông, một số được buộc, số khác được cuộn lại, những bản thảo sách của người khác, vì bản thảo của ông đã bị đốt, mặc dù nhiều bản còn sống sót, ông đã kể cho nàng, trong các thành phố khác, trong những thư viện của bạn bè, và trong những nơi ông đã dấu chúng trong những ngày ông bị ghét bỏ, vì một người khôn ngoan luôn biết chuẩn bị cho tai họa, nhưng, nếu ông khiêm tốn một cách thích đáng, hãy cứ để cho vận may tóm được ông bằng sự ngạc nhiên. Ông ra đi chưa xong bữa ăn sáng hay nói lời tạm biệt, và nàng không dọa ông, không tiết lộ bản chất thật của nàng hay quyền năng nằm ẩn trong nàng, không nói: “Em biết điều gì anh nói to khi anh ngủ mơ, khi anh giả sử cái điều ngu ngốc khi giả sử, khi anh thôi không cố gắng hòa giải những điều không thể hòa giải được, và nói lên cái sự thật khủng khiếp, chết người”. Nàng để cho lịch sử rời bỏ nàng mà không cố níu giữ nó lại, cái cách mà bọn trẻ con để cho đoàn duyệt binh lớn đi qua, chỉ giữ nó lại trong trí nhớ, làm của riêng của mình; và nàng tiếp tục yêu ông, mặc dù như thế là ông đã mặc nhiên bỏ rơi nàng. Anh là tất cả đối với em, nàng muốn nói với ông. Anh là mặt trời và mặt trăng của em, và bây giờ ai là người có thể ôm ghì đầu em, ai sẽ hôn môi em, ai sẽ là cha của những đứa con của chúng ta? Nhưng ông là người vĩ đại dành cho những lâu đài của những người bất tử, và những cánh buồm no gió này bây giờ không hơn gì những hàng hóa trên tàu vứt đi cho nhẹ sau vệt nước của thuyền ông.
Người ta tin rằng Dunia vẫn còn ở trong loài người một thời gian, có lẽ hy vọng Ibn Rusthd sẽ quay trở lại, và rằng ông tiếp tục gửi tiền cho nàng, rằng lâu lâu ông đến thăm nàng một lần, rằng nàng bỏ việc buôn ngựa nhưng vẫn theo việc làm tinajas. Nhưng nay khi mặt trời và mặt trăng của lịch sử đã lặn vĩnh viễn trên ngôi nhà của nàng, thì câu chuyện của nàng trở thành những cái bóng, những bí mật, như vậy có thể nó là đúng, như người ta nói, rằng sau khi Ibn Rusthd chết linh hồn ông trở về với nàng, và làm cha của số con còn nhiều hơn. Người ta còn nói rằng Ibn Rusthd đem cho nàng một chiếc đèn có vị thần trong đó, và vị thần là cha của những đứa con sinh ra sau khi ông rời bỏ nàng – như vậy chúng ta thấy tin đồn dễ dàng đảo lộn mọi vật như thế nào! Họ còn nói, không mấy thiện ý, rằng người đàn bà bị bỏ rơi đưa vào nhà bất kỳ người đàn ông nào trả tiền thuê cho nàng, và mọi người đàn ông nàng đưa vào nhà lúc ra đi để lại lứa con khác, do đó Duniazát, những lứa con của Dunia, hay một số trong chúng, không còn là con hoang của Rusthd nữa, vì trong mắt phần lớn người ta câu chuyện của đời nàng đã trở thành rối rắm, những chữ của chúng tan ra thành những dạng vô nghĩa, không thể hiện rõ nàng sống bao lâu, sống như thế nào, ở đâu, với ai, và nàng chết khi nào, như thế nào.
Không ai nhận ra và quan tâm rằng một ngày nàng quay sang một bên và trượt xuống một cái khe trong thế giới, và trở về Peristan, một thực tại khác, thế giới của những giấc mơ nơi mà các vị thần định kỳ hiện ra gây tai họa và giáng phúc cho nhân loại. Đối với những người dân Lucena, nàng hình như đã tan biến, có lẽ vào một làn khói không lửa.
Sau khi Dunia rời bỏ thế giới chúng ta, những lữ khách từ thế giới của các vị thần đến thế giới chúng ta trở nên ít hơn về số lượng, và sau đó họ hoàn toàn không đến nữa, và những khe hở trong thế giới mọc đầy thứ cỏ dại của ước lệ không có trí tưởng tượng và những bụi gai của vật chất chán ngắt, cho đến khi cuối cùng chúng bị lấp hẳn, và tổ tiên chúng ta phải cố gắng hết sức để giải quyết mọi chuyện của mình, mà không có pháp thuật mang lại phúc lành hay lời nguyền tai ác.
Nhưng những đứa con của Dunia đã lớn rất nhanh. Đến mức có nhiều chuyện đáng nói. Và gần ba trăm năm sau, khi người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha, ngay cả những người Do Thái không được phép nói họ là người Do Thái, những cháu chắt của các cháu chắt của Dunia trèo lên những con tàu ở Cádiz và Palos de Moguer, hay đi bộ vượt dãy núi Pyrenees, hay bay trên những tấm thảm thần kỳ hoặc trong những cái chum khổng lồ giống như những vị thần mà họ là dòng dõi. Họ đi xuyên các lục địa và đi thuyền qua bảy biển lớn, và trèo những đỉnh núi cao và bơi qua những con sông chảy xiết, và trượt xuống những thung lũng sâu, và tìm chỗ ở và sự an toàn ở bất cứ nơi đâu có thể, và họ quên nhau rất nhanh, hoặc nhớ lâu hết sức rồi sau đó quên, hoặc không bao giờ quên, trở thành một gia đình không còn đúng nghĩa một gia đình, một bộ lạc không còn đúng nghĩa một bộ lạc, theo mọi tôn giáo và không theo tôn giáo nào, tất cả bọn họ, sau nhiều thế kỷ chuyển dời, không biết gì về những nguồn gốc siêu nhiên của họ, và câu chuyện về sự cải đạo bắt buộc của người Do Thái, một số trong họ trở thành ngoan đạo trong khi những người khác khinh khỉnh không tin. Họ là một gia đình không có nơi chốn nhưng là một gia đình ở khắp mọi nơi, một làng không có địa điểm nhưng đến và đi mọi nơi trên địa cầu, giống như những cái cây không rễ, những rêu, địa y, những phong lan trườn trên đá, họ phải dựa vào nhau, không thể đứng đơn độc.
Lịch sử tàn nhẫn với những người bị nó bỏ rơi và cũng tàn nhẫn như thế với những người làm ra  nó. Ibn Rusthd chết (vì tuổi già, hay chúng ta tin thế) trong chuyến du hành Marrakesh chỉ một năm sau khi ông được khôi phục, và không được thấy danh tiếng ông lớn lên, không được thấy nó lan rộng vượt qua biên giới cái thế giới riêng của ông và đi vào thế giới không theo đạo, bên kia, nơi những giảng bình về Aristotle của ông trở thành những nền tảng cho sự nổi tiếng của tổ tiên hùng mạnh của ông, hòn đá tảng của triết học vô thần không tín ngưỡng của ông, saecularis  -thế tục, nó có nghĩa loại tư tưởng chỉ đến một lần trong một saeculum, một thời đại của thế giới, hoặc có thể là một tư tưởng cho các thời đại, và nó chính là hình ảnh và tiếng vọng của những tư tưởng mà ông đã nói nhưng chỉ trong mơ. Có lẽ, là một người sùng đạo, có thể Ibn Rusthd đã không sung sướng về cái địa vị mà lịch sử đã cho ông, vì nó là một số phận kỳ lạ đối với một tín đồ đã trở nên phấn hứng với những tư tưởng rằng không cần có đức tin, và lại càng là một số phận kỳ lạ hơn nữa đối với triết học của một người chiến thắng bên ngoài những biên giới của thế giới riêng của ông nhưng bị đánh bại bên trong những biên giới ấy, bởi vì trong thế giới của ông, chính những đứa con của đối thủ đã chết của ông, Ghazali, là những kẻ muốn làm tăng bội và thừa hưởng vương quốc, trong khi những đứa con lai của ông tỏa đi, bỏ lại cái tên bị cấm của ông sau lưng chúng, để sống ở khắp nơi trên trái đất.
Một tỉ lệ lớn những người sống sót cuối cùng đã đến lục địa Bắc Mỹ vĩ đại , và nhiều người khác đến tiểu lục địa Nam Á vĩ đại, nhờ hiện tượng “kết khối”, nó là một phần của sự phi logic kỳ bí của sự phân bố ngẫu nhiên; và nhiều người trong số họ lan ra phương tây và phương nam, xuyên qua Mỹ, và lên bắc và sang đông, từ viên kim cương vĩ đại ấy dưới chân châu Á, vào tất cả các nước trên thế giới, vì đối với Duniazát có thể nói một cách công bằng rằng, ngoài những cái tai kỳ cục, tất cả họ còn có những bàn chân ngứa. Nếu Ibn Rusthd đã chết, nhưng ông và đối thủ của ông tiếp tục tranh cãi bên ngoài nấm mồ, vì những lý lẽ của các nhà tư tưởng lớn không có kết thúc, lý lẽ bản thân nó là một công cụ để cải thiện trí tuệ, công cụ sắc bén nhất trong mọi công cụ, nơi sinh ra tình yêu đối với tri thức, tức là triết học.
(dịch từ The New Yorker, 03.05.15)