Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Những điều Heidegger che giấu

Khai quật chủ nghĩa bài Do Thái của triết gia này
Trần Ngọc Cư dịch
GREG FRIED là Giáo sư Triết học tại Đại học Suffolk và là tác giả cuốn Heidegger’s Polemos: From Being to Politics (Cuộc chiến của Heidegger: từ Hữu thể đến Chính trị).
clip_image002
Điểm sách: Heidegger und der Mythos der jüdischen Weltverschwörung (Heidegger và huyền thoại về âm mưu khuynh loát thế giới của người do Thái) BY PETER TRAWNY. Klostermann, 2014, 124 trg. 15,80 €
Triết gia Đức Martin Heidegger mất năm 1976, nhưng ngày nay các học giả vẫn còn cày xới sự nghiệp của ông – trong đó có một số vụ việc mới phát hiện lần đầu. Trên thực tế, ít có nhà tư tưởng hiện đại nào viết nhiều như ông: một khi được xuất bản toàn bộ, các tác phẩm hoàn bị của ông sẽ lên đến trên 100 tập. Số người có thể cạnh tranh tầm vóc của ông thậm chí còn ít hơn: Heidegger ảnh hưởng sâu sắc lên một số triết gia quan trọng nhất của thế kỷ 20, trong đó có Leo Strauss, Jean-Paul Sartre, Hannah Arendt, và Jacques Derrida. Và mặc dù sự nghiệp của Heidegger đặt nền móng vững chắc trong truyền thống triết học phương Tây, độc giả của ông có mặt khắp hoàn cầu, gồm cả những nhóm hết lòng hâm mộ ông tại châu Mỹ La tinh, Trung Quốc, Nhật, và thậm chí cả Iran.
Nhưng di sản triết học của Heidegger cũng mang một vết hắc ám, một tai tiếng mà ảnh hưởng to lớn của ông không bao giờ có thể gột sạch. Heidegger vào Đảng Quốc xã mùa Xuân 1933, thay mặt chế độ để điều hành Đại học Freiburg, và đọc những bài diễn văn nhiệt liệt ủng hộ Adolf Hitler vào những giờ phút nghiêm trọng nhất, kể cả trong cuộc trưng cầu dân ý mùa Thu 1933 nhằm củng cố hậu thuẫn quần chúng cho các chính sách Quốc xã.
Thế nhưng, Heidegger vẫn gượng dậy được sau Thế chiến II với thanh danh gần như nguyên vẹn. Chương trình giải trừ Quốc xã của Đồng minh, nhằm loại bỏ ý thức hệ Quốc xã khỏi xã hội Đức, đã đặt những người hậu thuẫn chế độ như ông trong tầm ngắm. Đại học Freiburg nằm dưới quyền kiểm soát của người Pháp, và nhà cầm quyền mới buộc Heidegger phải nghỉ hưu và cấm ông giảng dạy. Nhưng năm 1950, Đại học Freiburg lúc đó được độc lập, đã hủy bỏ lệnh cấm. Kết quả này có được một phần lớn là do Heidegger nỗ lực vận động với các trí thức Pháp có thành tích chống Quốc xã, gồm cả Sartre và nhân vật kháng chiến Jean Beaufret. Chỉ trong một thời gian ngắn, Heidegger chinh phục một một khối trí thức hâm mộ đông đảo tại Pháp. Sau khi uy tín quốc tế của ông được vững vàng rồi, Đại học Freiburg liền ban cho ông hàm giáo sư danh dự và cho phép ông tiếp tục giảng dạy.
Trước những người cổ vũ mới, Heidegger tự vẽ chân dung mình như một triết gia cao thượng tiêu biểu, cho rằng ông đã gia nhập Đảng Quốc xã và nhận chức hiệu trưởng Đại học Freiburg chủ yếu là để bảo vệ nền giáo dục đại học khỏi những hành động cực đoan tồi tệ của chế độ. Ông quả quyết rằng ông đã nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình, khiến ông từ chức hiệu trưởng dù chưa đầy một năm ở trong nhiệm kỳ và bắt đầu đưa các lời phê bình kín đáo nhắm vào chính quyền Quốc xã trong những bài giảng và bài viết của mình sau đó.
Đối với giới trí thức châu Âu và Mỹ có thiện cảm với Heidegger, luận điệu bào chữa này nhanh chóng trở thành quan niệm được chấp nhận rộng rãi. Lôgíc của họ là, nếu triết gia này có để lộ một nét bài Do Thái (anti-Semitism) nào chăng, thì đó cũng chỉ là hình thức bài Do Thái vốn đã phổ biến khắp nơi tại Đức (và hầu hết châu Âu) trước khi chiến tranh bùng nổ: một phản xạ văn hóa có tính cách bảo thủ, khác hẳn với ý thức hệ kỳ thị chủng tộc độc hại của Hitler. Vả lại, Heidegger cũng có nhiều sinh viên Do Thái, một trong số đó, Arendt, cũng là người yêu của ông. Sau chiến tranh và một thời gian lâu sau khi mối tình đã phôi pha, Arendt nối lại liên lạc với Heidegger và giúp dịch tác phẩm của ông ra tiếng Anh. Liệu một người không đội trời chung với Quốc Xã có thể hết lòng giúp đỡ một kẻ bài Do Thái không biết sám hối hay không? Không phải mọi người đều tin tưởng Heidegger vô tội, song những người bênh vực ông đã ra sức bảo vệ một công trình triết học khỏi bị tổn thương vì tai tiếng chính trị của tác giả. Và mãi cho đến gần đây, sách lược này gần như có hiệu quả.
Nhưng, luận điệu chính thức này bắt đầu bị bào mòn vào thập niên 1980, khi hai học giả, Hugo Ott và Victor Farias, dùng những văn kiện mới được tiết lộ, thay phiên nhau phản bác tuyên bố của Heidegger rằng việc ông dính líu với chế độ Quốc xã là một hình thức thích nghi miễn cưỡng. Gần đây hơn, năm 2005, triết gia Pháp Emmanuel Faye dựa vào các biên bản hội thảo từ thời kỳ Quốc xã để tranh luận rằng Heidegger đã có sẵn tư tưởng Phát-xít ngay cả trước khi Hitler lên cầm quyền. Faye qui kết các môn đệ của Heidegger tại Pháp đã cấu kết để che đậy chủ nghĩa cực đoan chính trị của Heidegger. Faye kêu gọi loại bỏ tác phẩm của Heidegger khỏi lãnh vực triết học; không ai, Faye nói, được phép kết hợp hành động man rợ nhất thế kỷ hai mươi với truyền thống hết sức cao quí của phương Tây là tôn trọng lẽ phải và sự sáng suốt. Để trả lời, các người bênh vực Heidegger gọi cách giải thích dựa vào nghĩa đen của văn bản mà Faye đưa ra là thiên vị và họ tìm cách cải biên lý luận cũ của Heidegger: rằng ông đã nhanh chóng hiểu rõ sai lầm của mình và nhận ra rằng chủ nghĩa Quốc xã chỉ là chủ nghĩa hư vô ngạo nghễ [chối bỏ những chuẩn mực phổ quát về công lý và đạo đức – người dịch]. Tuy nhiên, thật khó tẩy xóa chiều sâu của sự gắn bó mà Faye đã vạch trần.
Gần đây, Peter Trawny, giám đốc Viện Martin Heidegger thuộc Đại học Wuppertal, tại Đức, đã lội vào cuộc tranh cãi đang kéo dài này bằng một cuốn sách mới dù ngắn nhưng sắc bén, vừa được xuất bản bằng tiếng Đức. Tác phẩm công phu và tỉnh táo của Trawny đưa ra một loại tư liệu nguồn hoàn toàn mới mẻ: một sưu tập gồm các sổ tay đen trong đó Heidegger thường xuyên ghi vội tư duy của mình, một lề thói ông bắt đầu từ những năm đầu của thập niên 1930 và tiếp tục cho đến thập niên 1970. Trawny, cũng là người biên tập những sổ tay được xuất bản, gọi chúng là “những bài triết học được khai triển đầy đủ.” Nói vậy cũng hơi mạnh đối với một bộ sưu tập gồm những ghi chú, nhưng Heidegger rõ ràng có ý định sử dụng chúng như viên đá sau cùng để hoàn tất toàn bộ tác phẩm đã xuất bản của ông, và chúng chứa đựng nhiều tư tưởng chưa được tẩy xóa về giai đoạn then chốt này. Không lâu trước khi qua đời, Heidegger soạn một thời biểu qui định rằng những sổ tay này chỉ được xuất bản sau khi tất cả các bài viết của ông đã được xuất bản. Sau khi điều kiện đó được đáp ứng, cho đến nay Trawny đã công bố ba tập (tổng cộng khoàng 1.200 trang), với kế hoạch sẽ công bố thêm năm tập nữa.
Sách mới của Trawny dấy lên một sự náo động giữa các nhà nghiên cứu Heidegger thậm chí trước khi sách được ấn hành, phần lớn chỉ vì một số đoạn có tính kích động trích từ các cuốn sổ tay này, vốn chưa được xuất bản trước đây và rõ ràng có nội dung bài Do Thái, bị rò rỉ từ các trang in thử. Nhưng với cuốn sách bây giờ đã được công bố, lối phân tích mới lạ của Trawny đang tạo ra sự náo động riêng của nó. Dựa vào nguồn tư liệu mới, Trawny đưa ra hai lý luận liên quan: một là, chủ nghĩa bài Do Thái của Heidegger gắn liền sâu sắc với tư tưởng triết học của ông và, hai là, nó khác hẳn với chủ nghĩa bài Do Thái của chế độ Quốc xã. Trawny đặc biệt quan tâm những sổ tay Heidegger đã ghi chép trong thời gian 1931-41, gồm cả những năm sau khi ông từ chức hiệu trưởng Đại học Freiburg, năm 1934. Như những sổ tay này cho thấy, Heidegger không phải là một cảm tình viên Quốc xã hời hợt. Nói đúng hơn, ông hết lòng theo đuổi một dạng triết học bài Do Thái của chính mình – một dạng thức mà ông cảm thấy chế độ Quốc xã không theo đúng tiêu chí của nó.
HIỆN THỂ MARTIN HEIDEGGER
Thật khó cường điệu là Heidegger đã tham vọng như thế nào trong việc xuất bản tác phẩm đột phá, Hữu thể và Thời gian (Being and Time) , năm 1927. Trong tác phẩm này, Heidegger quyết tâm tìm kiếm một định nghĩa mới cho con người, hay làm người có ý nghĩa gì; đây là một nỗ lực đồng nghĩa với tuyên chiến trên toàn bộ truyền thống triết lý đi trước ông. Tư tưởng phương Tây, Heidegger lý luận, đã đi lạc hướng kể từ thời Platon, người đã đặt ý nghĩa của hiện hữu trong lãnh vực tư duy phi thời gian và bất biến. Trong quan niệm của Platon, thế giới như con người có thể cảm nhận được là giống một cái hang; con người sống trong đó chỉ thấy được những chiếc bóng in lên vách của các mẫu mực lý tưởng nằm bên ngoài. Như thế, Platon chịu trách nhiệm cho chủ nghĩa tự do (liberalism) theo nghĩa thông thoáng nhất: quan niệm cho rằng các qui phạm siêu nghiệm vĩnh cửu (transcendent, eternal norms) mang lại ý nghĩa cho lãnh vực có thể thay đổi của các vấn đề con người. Ngày nay, những nhà tư tưởng tự do hiện đại gọi những qui tắc này là giá trị phổ quát, luật tự nhiên, hay nhân quyền.
Nhưng đối với Heidegger, không có hình thức siêu nghiệm (no transcendence) và không có một Thượng đế kiểu Platon (no Platonic God) – trên thực tế, con người không có lối thoát ra khỏi cái hang. Ý nghĩa làm người không nội tại ở việc phục vụ những lý tưởng trừu tượng mà nằm ở chỗ đối đầu với thân phận của mình trong chính cái hang: trong cung cách các cá nhân và các dân tộc tồn tại trong cái hiện hữu có giới hạn của mình qua thời gian. Quan niệm của Heidegger về con người đòi hỏi nó phải thuộc về một bối cảnh lịch sử cụ thể được nhiều người chia sẻ hay một bản sắc dân tộc (national identity). Thuyết phổ quát kiểu Platon (Platonic universalism) làm xói mòn các hình thức tập thể như thế của bản sắc ngẫu hợp, mang tính lịch sử. Trong quan điểm của một Thượng đế siêu nghiệm hay luật tự nhiên, mọi người – dù là Đức, Nga, hay Do Thái – trên cơ bản là giống nhau. Như Heidegger phát biểu trong một bài diễn thuyết vào năm 1933 tại Freiburg: “Nếu người ta giải thích rằng những quan niệm [của Platon] là những phát biểu hay tư tưởng có một giá trị, một chuẩn mực, một luật lệ, một qui tắc nào đó, khiến cho các ý niệm bắt đầu được coi là qui phạm, và kẻ duy nhất thần phục những qui phạm này là con người – không phải là con người mang tính lịch sử, mà là con người nói chung.” Chính vì phải chống lại quan niệm về nhân loại “chung chung” và thiếu gốc rễ này mà “chúng ta phải tranh đấu,” Heidegger nói với sinh viên của mình.
Bằng chữ “chúng ta,” Heidegger muốn nói đến nước Đức dưới chế độ Quốc xã của Hitler, một chế độ mà ông hi vọng sẽ đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực trên. Heidegger nối gót nhiều thế hệ trí thức Đức, ngược dòng thời gian đến tận thế kỷ 18, gồm những người tin tưởng rằng nước Đức chắc chắn sẽ đóng một vai trò chuyển hóa trong lịch sử loài người -- một cách đáp lời hiện đại đối với hào quang sáng tạo của Hi Lạp cổ. Đối với Heidegger, điều này có nghĩa là phải thay thế trật tự Platon cũ kỹ bằng một trật tự đặt cơ sở trên viễn kiến của ông về hữu thể lịch sử (historical being). Trong những năm đầu của thập niên 1930, ông bắt đầu coi phong trào Quốc xã của Hitler, với sự nhấn mạnh về bản sắc dân tộc Đức, như một cơ may tốt nhất để mang lại một cuộc thay đổi mang tính cách mạng như thế. Và trong người Do Thái, ông thấy một kẻ thù chung của dân tộc.
THEO NGHỊ ĐỊNH THƯ
Như đầu sách của Trawny gợi ý, quan điểm của Hitler cũng như của Heidegger về người Do Thái phát xuất từ một hình thức đặc thù của chủ nghĩa bài Do Thái tràn lan khắp nước Đức sau Thế chiến I. Chiều hướng tư duy này coi người Do Thái nằm trong một âm mưu thống nhất kiên cố, xuyên quốc gia, được đúc kết trong “Những Nghị định thư của các Trưởng lão Xi-ôn,” một tài liệu ngụy tạo xuất hiện lần đầu tiên tại Nga năm 1903 và du nhập vào Đức năm 1920. Được xuất bản lần đầu bởi các giới chức quân chủ Nga nhằm biến người Do Thái thành dê tế thần cho những thất bại quân sự của sa hoàng và xáo trộn chính trị sau đó, những nghị định thư này có nội dung của những biên bản trong các buổi họp của các lãnh đạo Do Thái quyết thống trị thế giới. Theo văn bản được viện dẫn, những người âm mưu dùng thủ đoạn để kiểm soát tài chính thế giới, văn hóa, và báo chí; cổ vũ những tư tưởng cực đoan và những phong trào chính trị triệt để; và xúi giục chiến tranh để gây bất ổn cho những cường quốc đương thời. Hitler đọc ngấu nghiến tài liệu này, một văn bản mà ông nhanh chóng sử dụng trong bộ máy tuyên truyền Quốc xã. Nó đánh vào chỗ nhạy cảm của Đức, một nước vẫn còn bị chấn thương sau Thế chiến I, bị vây bủa bởi hỗn loạn kinh tế, và chịu đựng một tình trạng bất ổn chính trị cực kỳ nguy hiểm – tất cả những vấn đề này giờ đây có thể gán cho người Do Thái.
Trawny không tranh luận rằng Heidegger đã đọc những nghị định thư ấy hoặc đồng ý với tất cả những luận điểm của chúng. Nói đúng hơn, Trawny gợi ý rằng, như rất nhiều người Đức khác, Heidegger chấp nhận tiền đề cơ bản của những nghị định thư này, điều mà Hitler nhấn mạnh trong những bài diễn văn và trong tuyên truyền của Quốc xã. Để làm bằng chứng, Trawny trích dẫn một triết gia Đức và cũng là đồng nghiệp của Heidegger, đó là Karl Jasper, người đã nhớ lại trong hồi ký của mình một cuộc trò chuyện giữa ông và Heidegger vào năm 1933. Khi Jaspers bàn đến “luận điệu vô lý đầy ác ý về những Trưởng lão Xi-ôn,” Heidegger đã bày tỏ mối quan tâm thật sự: “Nhưng có một liên minh quốc tế nguy hiểm của người Do Thái,” ông đáp.
Tuy nhiên, Hitler và Heidegger chấp nhận những thuyết âm mưu bài Do Thái vì những lý do khác nhau. Trong khi Hitler tranh luận rằng người Do Thái đặt ra một mối đe dọa chủng tộc (một nỗi sợ hãi mà những nghị định thư cung cấp bằng chứng), Heidegger coi người Do Thái là mối đe dọa mang tính triết học. Người Do Thái, được coi là những nhóm du mục mất gốc thờ phượng một Thượng Đế siêu nghiệm (transcendental God) – dù đôi khi thông qua các hoạt động thế tục của họ – là hiện thân của chính cái truyền thống triết lý mà Heidegger muốn lật đổ. Hơn nữa, như Trawny cho thấy, Heidegger nhận thấy ý niệm chủng tộc có vấn đề sâu sắc. Ông không gạt bỏ toàn bộ ý niệm này; vì nếu được coi là một đặc điểm sinh học của một dân tộc đặc thù, thì chủng tộc rất có thể cho thấy hướng đi lịch sử của dân tộc đó. Nhưng Heidegger bác bỏ việc dùng chủng tộc như yếu tố quyết định chủ yếu của bản sắc dân tộc. Đối với Heidegger, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (racism) tự bản thân là một hàm số biến thiên theo tư duy siêu hình học bịp bợm (a function of misguided metaphysical thinking), vì nó chấp nhận lối gỉai thích con người theo ý nghĩa sinh học chứ không theo ý nghĩa lịch sử. Bằng cách “ràng buộc” con người vào “sự sắp đặt chia đều,” ông viết trong sổ tay, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc “đi đôi với một sự tự tha hóa (self-alienation) của các dân tộc – nghĩa là đánh mất lịch sử.” Thay vì quá ám ảnh về những khác biệt chủng tộc, người Đức cần phải đối diện với bản sắc dân tộc của họ như một vấn đề triết lý đang diễn ra. Heidegger công khai chỉ trích chế độ Quốc xã vì quá tập trung vào bản sắc sinh học (biological identity), nhưng ông cũng khiển trách người Do Thái về cùng một tội lỗi. “Người Do Thái,” ông viết trong sổ tay, “đã ‘sống’ lâu dài nhất theo nguyên tắc chủng tộc.”
Chủ nghĩa bài Do Thái của Heidegger khác với chủ nghĩa bài Do Thái đặc trưng của Quốc xã trong nhiều cung cách khác. Đối với nhiều người hậu thuẫn Hitler, chẳng hạn, những nghị định thư (the protocols) đã củng cố quan điểm cho rằng người Do Thái tự bản chất là phi-Đức (un-German), không có khả năng hội nhập thích đáng vào lối sống Đức hoặc thậm chí hiểu được tinh thần Đức. Nhưng Heidegger đẩy ý niệm này đi xa hơn nữa, tranh luận rằng người Do Thái không thuộc về một nơi chốn nào cả. “Đối với một dân tộc Slav, thiên nhiên của không gian Đức nhất định sẽ hiện ra khác với cách nó hiện ra với chúng ta,” Heidegger nói với sinh viên mình trong một cuộc hội thảo năm 1934. “Đối với dân du mục Do Thái, có lẽ nó chẳng bao giờ hiện ra cả.” Hơn nữa, Heidegger nói, lịch sử đã chứng minh rằng “các bộ lạc du mục thường để lại đằng sau những hoang tàn đổ nát ở nơi trước đó họ thấy mầu mỡ và canh tác đất đai.” Theo lôgic này, người Do Thái vốn là mất gốc; thiếu một quê hương thích hợp; tất cả những gì họ có được chỉ là lòng trung thành với nhau.
Một nỗi bất an khác được phản ánh trong những nghị định thư và trong luận điệu tuyên truyền của Hitler có liên quan tới sức mạnh được cảm nhận từ cộng đồng Do Thái vô tổ quốc, đầy âm mưu này – dù đó là lãnh vực ngân hàng, tài chính, hay các viện hàn lâm. Nhưng đối với Heidegger, sự thành công của người Do Thái tại châu Âu là một dấu hiệu của một vấn đề triết lý rộng lớn hơn. Khai thác một thành kiến sáo mòn coi người Do Thái là khôn lanh về trừu tượng và tính toán, những cuốn sổ tay đưa ra một phê phán tổng quát hơn về xã hội hiện đại: “Sự gia tăng quyền lực tạm thời của cộng đồng Do Thái đặt cơ sở thực tế trên ngành siêu hình học phương Tây, đặc biệt trong dạng thức phát triển hiện đại của nó, trở thành trung tâm cho việc bành trướng một thứ lý tính và kỹ năng tính toán lẽ ra rổng tuyếch (an otherwise empty rationality and calculative skill), bằng con đường siêu hình học đã xâm nhập vào ‘tinh thần’ [phương Tây].”
Nói cách khác, khi đánh mất ý nghĩa của khái niệm hữu hạn và lịch sử, phương Tây trở nên ám ảnh với việc làm chủ và kiểm soát các hiện thể (beings) -- một xu thế mà Heidegger gọi là “mưu đồ” (machination), hay quyết tâm thống trị thiên nhiên trong mọi hình thức, từ nguyên vật liệu đến chính bản thân con người. Và với “kỹ năng tính toán” của họ, người Do Thái đã thành công trong cái “tinh thần” bị bóp méo này của thời hiện đại.
Trong khi đó, người Do Thái, theo quan điểm của Heidegger, không chi là những kẻ thừa hưởng thụ động của cái “lý tính rổng tuyếch” và ý thức hệ tự do trong xã hội phương Tây; họ tích cực cổ vũ chúng. “Vai trò của cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới,” Heidegger viết trong sổ tay, là một “vấn đề siêu hình học về một thứ nhân loại, nếu không bị kềm chế, có thể giành lấy việc bứng gốc của mọi hiện thể (beings) khỏi Hiện hữu (Being) như là ‘nhiệm vụ’ lịch sử thế giới của mình.” Ngay cả nếu người Do Thái không thể bị đổ lỗi đã đưa học thuyết Platon vào hay giúp học thuyết này khống chế xã hội phương Tây, họ là những người chuyên chở chính cái “sứ mệnh” của nó. Bằng cách khẳng định những quyền tự do để đòi hỏi được thu nhận vào những quốc gia như Đức, người Do Thái đã ly gián công dân của những nước này với tính nhân loại của họ – cái bản sắc lịch sử chung đã làm cho họ khác với các dân tộc khác. Lý luận này tạo cơ sở cho một thái độ thù nghịch độc hại đối với người Do Thái, và đây có thể là phán đoán nguy hại nhất của Heidegger về họ. Tuy nhiên, hiện nay những sổ tay của ông được đưa ra ánh sáng, những đoạn như thế này tạo thành bằng chứng nguy hại nhất chống lại chính bản thân triết gia.
Vậy thì, Heidegger nghĩ nước Đức phải làm gì với người Do Thái? Ông có đồng ý với các chính sách của Quốc xã không? Những sổ tay của ông gần như không cho độc giả nghĩ gì thêm; hình như Heidegger không thích những bàn luận chi tiết về chính sách. Tuy vậy, triết gia này đã nói bằng sự im lặng của mình. Dù ông chỉ trích chế độ Quốc xã và chính sách kỳ thị chủng tộc thô bạo của nó, nhưng ông không viết gì để phản đối những luật lệ của Hitler nhắm vào người Do Thái. Dù Heidegger từ chức hiệu trưởng Đại học Freiburg trước khi Hitler thông qua Luật Nuremberg xếp loại công dân Đức theo chủng tộc, nhưng ông đã giữ vai trò này năm 1933, ngay sau khi chính quyền Quốc xã ban hành những luật loại bỏ người Do Thái ra khỏi ngành công chức và các chức vụ đại học (và Heidegger giúp thi hành những luật này). Trong một bài diễn thuyết vào mùa Đông 1933-34, Heidegger cảnh báo một giảng đường đầy sinh viên rằng “địch có thể luồn sâu đến tận gốc rễ” của nhân dân và rằng họ, tức sinh viên Đức, phải sẵn sàng tấn công một kẻ thù như thế “với mục đích tiêu diệt chúng hoàn toàn.” Heidegger không nói rõ “kẻ thù” ấy là ai, nhưng đối với chế độ Quốc xã, họ gồm có đảng viên cộng sản Đức, dân Gipxi, và đặc biệt là người Do Thái tại Đức. Sự báo trước đến lạnh người cái Giải pháp Cuối cùng của Hitler là quá rõ ràng, nhưng Heidegger chẳng bao giờ giải thích, đừng nói chi xin lỗi về, những tuyên bố khủng khiếp ấy.
CÁI CHẾT CỦA MỘT TRIẾT GIA
Trawny kết thúc bản phân tích của mình bằng cách tranh luận rằng chủ nghĩa bài Do Thái nằm trong những cuốn sổ tay này đòi hỏi một cuộc thẩm định lại tư tưởng của Heidegger, và ông nói đúng. Như Trawny chịu khó nhắc nhở độc giả, ngay cả nếu những sổ tay này cho thấy Heidegger bắt đầu gia tăng chỉ trích chế độ Quốc xã từ năm 1933, chúng cũng cho thấy rõ ràng chủ nghĩa bài Do Thái của Heidegger có gốc rễ trong tư tưởng triết học của ông.
Các học giả cần phải trả lời những câu hỏi mới về động lực của Heidegger. Một trong những câu hỏi đó là, làm sao ông có thể thù ghét người Do Thái nếu ông có nhiều sinh viên Do Thái như thế và có cả một cô nhân tình Do Thái? Trawny tỏ ra thấu hiểu nan đề này bằng cách trích dẫn một ý niệm gọi là người Do Thái xuất chúng (the so-called exceptional Jew), một quan niệm phổ biến ngay cả trong tầng lớp bài Do Thái độc hại nhất, kể cả những lãnh đạo Quốc xã ở chóp bu. Theo cách nhìn này, mặc dù ảnh hưởng của người Do Thái nói chung là tệ hại, nhưng một số cá nhân Do Thái hiếm hoi có thể nổi bật. Trawny trích dẫn cả Arendt, người đã nhắc nhở độc giả trong tác phẩm Eichmann in Jerusalem rằng chính bản thân Hitler được coi như đã che chở cho “340 người Do Thái hạng nhất” bằng cách ban cho họ qui chế công dân Đức hoặc lai Do Thái. Trong việc cứu vớt những người Do Thái xuất chúng này, những cách vận dụng như thế trên thực tế đã gia cố luật lệ chung bằng cách cho phép những phần tử bài Do Thái lấp liếm giải thích các trường hợp bất thường đối với những người Do Thái họ có cảm tình cá nhân.
Một câu hỏi mở khác [một câu hỏi chưa ai trả lời dứt khoát] liên quan những ý định của Heidegger trong việc ra chỉ thị như kê một đơn thuốc (prescribing), chứ không cho phép những sổ tay này được xuất bản. Ban đầu, hẳn nhiên, Heidegger cất giấu chúng để che đậy việc ông chỉ trích chế độ Quốc xã. Và sau chiến tranh, dựa vào kinh nghiệm bản thân về tiến trình giải Quốc xã (the denazification process), chắc hẳn ông sợ rằng những cuốn sổ tay sẽ hại đến thanh danh mình. Vậy sao cuối cùng lại đưa ra những sổ tay này, và đưa ra để làm viên gạch cuối cùng cho tuyển tập tác phẩm của ông? Một câu trả lời rộng lượng là, Heidegger muốn sòng phẳng trong hồ sơ của mình, giao hết mọi sự thật cho công luận soi xét. Một cách giải thích ác ý hơn lại cho rằng, Heidegger trước sau vẫn giữ sự cảm thông của mình đối với cuộc cách mạng Quốc xã, ngay cả nếu ông cho rằng phong trào này đã phản bội lý tưởng của ông. Trong cả hai trường hợp, rõ ràng là ông không muốn đương đầu với hậu quả khi ông đang còn sống.
Bất luận những động cơ của triết gia này là gì đi nữa, những cuốn sổ tay gần như chắc chắn sẽ triệt tiêu uy tín của Heidegger như một nhân vật trí thức được tôn sùng, và đó là một hướng phát triển đáng mừng [cho triết học]. Richard Wolin, một sử gia về các vấn đề tri thức và là một người chỉ trích lâu dài khuynh hướng chính trị của Heidegger, mở ra khả năng về một cuộc thảo luận triết lý nghiêm chỉnh đối với sự nghiệp của Heidegger nhưng tranh luận rằng các học giả cần phải thận trọng trong từng bước chân của mình. Như ông viết trong tạp chí Jewish Review of Books mùa Hè vừa qua [2014], “Bất cứ một cuộc thảo luận nào về di sản của Heidegger mà coi nhẹ hoặc giảm thiểu mức độ điên rồ chính trị của ông, như một hệ luận, là phạm tội kéo dài sự phản bội triết lý mà chính bậc Thầy này đã gây ra trước tiên.”
Nhưng biết đâu Heidegger lại muốn sự ám ảnh mang tính sùng bái đối với cá nhân ông chết đi để cho những vấn đề triết lý của ông tiếp tục sống. Ông muốn người đọc cảm nhận được toàn bộ sức mạnh của những vấn đề ông đặt ra theo điều kiện của họ, chứ không tập trung vào phản ứng của ông hay bất cứ phản ứng đặc thù nào khác đối với những vấn đề đó. Phương châm Heidegger chọn cho sưu tập tác phẩm của mình do đó là rất phù hợp: “Cung cách tư duy, chứ không phải là tác phẩm triết học” (ways, not works).