Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Cha con hội ngộ

John Cheever
Hiếu Tân dịch
clip_image002
John Cheever (1912-1982) Nhà văn Mỹ sở trường về truyện ngắn, thường được mệnh danh là “Chekhov của các vùng ngoại ô”. Ông được coi là một trong những tác giả truyện ngắn quan trọng nhất thế kỷ hai mươi.
Lần cuối cùng tôi thấy cha tôi là ở Nhà Ga Trung tâm. Lúc đó tôi đang đi từ nhà bà ngoại tôi ở Adirondacks đến một ngôi nhà nhỏ ở Cape mà mẹ tôi đã thuê, và tôi viết cho cha tôi là tôi sẽ có mặt ở New York vào khoảng một tiếng rưỡi giữa hai chuyến tàu, và tôi hỏi cha tôi có thể đi ăn trưa cùng tôi không. Thư ký của ông viết cho tôi rằng ông sẽ gặp tôi vào giữa trưa ở phòng điện thoại công cộng, và đúng mười hai giờ tôi thấy ông đi xuyên qua đám đông bước đến. Trông ông hơi lạ với tôi – mẹ tôi và cha tôi đã ly dị cách nay ba năm, và từ hồi đó đến nay tôi không gặp lại ông – nhưng ngay khi gặp ông tôi có cảm giác ngay rằng ông đúng là cha tôi, là máu thịt của tôi, là tương lai là số phận của tôi. Tôi biết rằng khi tôi lớn lên tôi sẽ là một người giống như ông, tôi sẽ phải đặt những kế hoạch của đời tôi trong tầm ảnh hưởng của ông. Cha tôi là một người đàn ông to lớn, đẹp đẽ và tôi vô cùng sung sướng được gặp lại ông. Ông vỗ vào lưng tôi và bắt tay tôi. “Chào con, Charlie!” ông nói. “Chào con, ba định đưa con về trụ sở của ba, nhưng bây giờ không còn là những năm sáu mươi, nên nếu con muốn đi chuyến tàu sớm nhất, ba nghĩ ta sẽ kiếm ở quanh đây chỗ nào để ăn trưa.” Ông choàng tay qua người tôi, và tôi ngửi mùi cha tôi theo cách mà mẹ tôi hít một bông hoa hồng. Đó là một hỗn hợp phong phú của hơi wishky, hơi mỹ phẩm, bọt cạo râu, mùi xi đánh giày, mùi len, một thứ mùi đậm đặc của người đàn ông trưởng thành. Tôi chỉ mong có ai nhìn chúng tôi lúc này. Tôi ước gì cha con tôi được chụp ảnh. Tôi muốn có một cái gì ghi lại thời khắc cha con chúng tôi bên nhau.
Chúng tôi ra khỏi nhà ga và đi sang phố bên cạnh đến một tiệm ăn. Lúc này còn sớm nên nhà hàng vắng vẻ. Người phục vụ đứng ở quầy rượu đang cãi cọ với thằng bé giao hàng, và có một người hầu bàn rất già mặc áo choàng đỏ đang đứng trước cửa bếp. Chúng tôi ngồi xuống và cha tôi gọi người hầu bàn bằng giọng rất to. “Kellner!” ông quát lên “Garçon! Cameriere!You!”[1] Sự ồn ào huyên náo của cha tôi trong tiệm ăn vắng khách nghe có vẻ lạc lõng. “Chúng tôi có được phục vụ một chút không đây?” ông quát. “Bộp, bộp” ông vỗ tay. Cái này làm người hầu bàn chú ý, và ông ta lướt đến bàn chúng tôi.
“Có phải ông vỗ tay gọi tôi không?” ông ta hỏi.
“Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào, sommelier” cha tôi nói. “Nếu việc tôi hỏi ông không phải là quá đáng, nếu nó không quá xa và quá cao so với bổn phận của ông, thì chúng tôi muốn hai Beefeater Gibson[2]
“Tôi không thích người ta vỗ tay gọi tôi” người bồi nói.
“Lẽ ra tôi nên mang theo cái còi” cha tôi nói. “Tôi có một cái còi chỉ người hầu bàn già mới nghe được. Còn bây giờ, ông hãy mang lại đây tấm bảng con và mẩu bút chì nếu ông có thể trực tiếp nghe cái này: hai Beefeater Gibson.”
“Tôi nghĩ ông nên đi chỗ khác” người hầu bàn sẽ sàng nói.
“Đây là lời đề nghị tuyệt nhất mà tôi từng được nghe. Đi thôi, Charlie, chúng ta hãy ra khỏi cái nơi chết tiệt này.”
Tôi theo chân cha tôi ra khỏi tiệm ăn này đến một tiệm khác. Lần này ông không làm huyên náo nữa. Khi đồ uống được mang ra, ông hỏi tôi cặn kẽ về mùa bóng chày năm nay. Rồi ông dùng cạnh dao gõ lên miệng chiếc cốc rỗng của ông, và lại bắt đầu gọi to “Garçon! Kellner! Cameriere! You! Chúng tôi có thể phiền ông mang thêm cho hai cốc như thế này nữa được không?”
“Cậu em đây bao nhiêu tuổi rồi?” người hầu bàn hỏi.
“Cái đó thì liên quan chó gì đến ông” cha tôi nói.
“Xin lỗi ngài, nhưng tôi sẽ không mang thêm cốc nữa cho cậu bé này.”
“Được, tôi có tin cho ông đây” cha tôi nói. “Tôi có tin hết sức thú vị cho ông đây. Đây hình như không phải là tiệm ăn duy nhất ở New York. Tiệm ở góc bên kia đang mở. Đi thôi, Charlie.”
Ông trả tiền hóa đơn, và tôi theo chân ông sang tiệm khác. Ở đây những người hầu bàn mặc áo véc màu hồng giống như những bộ áo đi săn, và có nhiều hình ngựa gắn trên các bức tường. “Hỡi các chó săn đầu đàn! Tallyhoo và tất cả các ngài tương tự. Chúng tôi muốn loại gì đó như một cốc bàn đạp. Tức là, hai Bibson Geefeater!”
“Hai Bibson Geefeater?” người hầu bàn mỉm cười hỏi lại.
“Anh thừa biết tôi muốn cái khỉ gió gì rồi.” cha tôi gắt gỏng. “Tôi gọi hai Beefeater Gibson, và nhanh nhanh lên. Ở cái nước Anh già nua vui nhộn này mọi sự đều thay đổi cả rồi. Công tước bạn tôi bảo thế đấy. Hãy xem nước Anh làm thế nào cái khoản côctay này.”
“Đây không phải là nước Anh.”
“Đừng cãi nhau với tôi. Hãy làm cái việc người ta bảo anh làm!”
“Tôi chỉ nghĩ có thể ông thích biết nơi ông đang ở là đâu” người hầu bàn nói.
“Nếu có điều gì tôi không thể chịu được” cha tôi nói. “Thì đó là đám gia nhân láo xược. Đi thôi, Charlie.”
Nhà hàng thứ tư mà chúng tôi đến là một nhà hàng Ý. “Buon giorno[3] cha tôi nói “Per favor, possiamo avere due cocktail americani, forti, forti. Molto gin, poco vermut.[4]
“Tôi không biết tiếng Ý” người hầu bàn nói.
“Ồ, thôi đi” cha tôi nói. “Anh hiểu tiếng Ý, và, mẹ kiếp, anh thừa biết là anh hiểu. Vogliamo due cocktail americani. Subito.[5]
Người hầu bàn bỏ đi đến gặp người quản lý, ông này đến bên bàn chúng tôi và nói “Tôi rất tiếc, thưa ngài, nhưng bàn này đã có người đặt trước rồi.”
“Được, cho tôi một bàn khác” cha tôi nói.
“Tất cả các bàn đã được đặt trước rồi” người quản lý nói.
“Ta hiểu rồi” cha tôi nói “Ông muốn chúng tôi không bao giờ đặt chân đến đây nữa, phải thế không? Thế thì mặc xác ông. Vada all’ inferno. Đi thôi, Charlie.”
“Con phải ra tàu bây giờ” tôi nói.
“Ba xin lỗi, xin lỗi” cha tôi nói. “Ba vô cùng xin lỗi.” Ông vòng cánh tay qua người tôi và kéo tôi áp sát người ông. “Ba sẽ cùng đi với con ra ga. Chỉ cần ba còn đủ thời gian về trụ sở của ba.”
“Thôi được rồi, ba” tôi nói.
“Ba mua cho con tờ báo” ông nói. “Ba mua cho con một tờ báo để con đọc trên tàu.”
Ông đi đến một sạp báo và nói “Chào ông bạn tốt bụng. Ông có vui lòng ban cho tôi một ân huệ với tờ báo buổi chiều, mẹ kiếp, bậy rồi, mười xu kia của ông không?” Người bán hàng quay đi nhìn chăm chăm vào bìa một tờ tạp chí. “Tôi có yêu cầu quá cao không, thưa ông bạn tốt bụng?” Cha tôi nói “Liệu có phải là một đòi hỏi quá đáng đối với ông không, khi tôi yêu cầu bán cho tôi một trong những tờ lá cải chết tiệt, trong cái đám báo chí đáng tởm kia của ông?”
“Con phải đi đây, ba ơi” tôi la. “Muộn rồi.”
“Ờ, đợi ba một giây thôi, cu con” cha tôi nói. “Chỉ một giây thôi. Ba còn phải làm cho thằng cha này phát khùng lên cái đã.”
“Tạm biệt ba” tôi nói, và tôi bước xuống những bậc thang để lên tàu, và đó là lần cuối cùng tôi thấy cha tôi.

[1] Bồi (gọi hầu bàn bằng tiếng Pháp, Ý, Anh)
[2] Tên một loại côctay.
[3] Xin chào! (tiếng Ý)
[4] Làm ơn cho chúng tôi hai côctay Mỹ, mạnh nhé. Nhiều gin, ít Vermut. (tiếng Ý)
[5] Tôi muốn hai côctay Mỹ. Ngay bây giờ (tiếng Ý)