Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (18)

Thụy Khuê
Chương 16: Con số người Pháp trong quân đội Nguyễn Vương
 
Có bao nhiêu người Pháp trong quân đội Nguyễn Vương? Đó là một câu hỏi mà chúng ta có thể tìm thấy nhiều lời giải đáp khác nhau, tuỳ theo vị trí, quan niệm và mục đích của người trả lời, vì vậy, phải tìm cách phân tích và nhận định, để thử tìm ra một con số gần gụi với sự thực hơn cả.
Đại Nam Liệt Truyện, trong bài viết về Bá Đa Lộc, ghi công trạng của 7 người:

“Về đồ đệ [của Bá Đa Lộc] có những tên: Mạn Hoè [Manuel], Đa Vật [Chỉ Dayot hoặc Chaigneau], Va Nê E [Vannier], Ô Ly Vi (tức tên là Tín) [Olivier de Puymanel] và Lê Văn Lăng [de Forcant] đều là người nước Phú Lãng Sa; còn tên Gia Đố Bi [Santiago] và Ma Nộ E [Emmanuel] đều là người nước Y Pha Nho. Khi trước Đa Lộc tiến Mạn Hoè có thể dùng được, trải bổ làm Khâm sai Cai cơ coi đội trung nông [trung khuông]. Năm Nhâm Dần [1782] Tây Sơn vào lấn Gia Định, các tướng chống lại, bầy trận ở sông Thất Kỳ, thuyền giặc thừa cơ có gió xông vào trận, quân ta đều rút lui, Mạn Hoè một mình đi chiếc thuyền lớn Tây dương bọc đồng cố sức đánh, giặc bốn mặt vây đánh, Mạn Hoè tự liệu không thoát, bèn tự đốt mình chết. Sau truy tặng Hiệu Nghiã công thần, được liệt vào thờ ở đền Hiển Trung ở Gia Định. Gia Đố Bi và Ma Nộ E cũng theo Đa Lộc xin gắng sức theo làm việc. Năm Quý Mão [1783], sai vượt biển sang Lã Tống [Luzon, đảo lớn nhất của Phi Luật Tân, chỉ thủ đô Manille] cầu giúp binh, giữa đường gặp binh thuyền của Tây Sơn bị giết chết.
Đa Vật, Va Nê E, Lê Văn Lăng và O Ly Vi, bốn người ấy theo Đa Lộc từ Tây Dương tới Gia Định, xin ở lại làm thân bộc, đều bổ làm Cai đội. Đa Vật cho tên là Chấn, Va Nê E cho tên là Thắng, đều cho họ là họ Nguyễn, trải theo đánh dẹp [trên] 2 chiếc thuyền lớn là: Long Phi, Phượng Phi, rồi làm đến Chưởng cơ. Minh Mạng năm đầu, vì già xin về nước, vua y cho.
Lê Văn Lăng làm Chưởng cơ, Ô Ly Vi làm đến Vệ úy Vệ ban trực hậu quân Thần sách.” (LT, Tập II, mục từ Bá Đa Lộc, t. 506-507).
Nhà sử học và văn bản học Trần Kinh Hoà trong bài giới thiệu Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực, có nhận định sau đây về Thực Lục và Liệt truyện: “…những quyển nội dung rất đầy đủ nhất, thu lượm được sự kiện lịch sử được nhiều nhất, thì là Thực Lục chính biên kỷ thứ hai [tức] Đệ Nhị kỷ (Thực Lục triều Minh Mệnh); [rồi đến] thứ hai là kỷ thứ nhất [tức] Đệ Nhất kỷ (Thực Lục triều Gia Long)” sau đó đến Thực Lục triều Thiệu Trị và Tự Đức (Trần Kinh Hoà, Quốc sử di biên, Nxb Văn Hoá Thông tin, 2009, t. 12).
Thực vậy, khi so sánh với các tài liệu gốc, phiá Pháp, Thực Lục và Liệt Truyện có độ chính xác rất cao. Tuy nhiên, trong đoạn văn mà chúng tôi vừa trích dẫn trên đây, trừ đoạn viết về Mạn Hoè, những câu khác có nhiều sai lầm, tại sao? Xin tạm giải thích:
Câu: “Về đồ đệ [của Bá Đa Lộc] có những tên: Mạn Hoè [Manuel], Đa Vật [Chỉ Dayot hoặc Chaigneau], Va Nê E [Vannier], Ô Ly Vi (tức tên là Tín) [Olivier de Puymanel] và Lê Văn Lăng [de Forcant]“. Thực ra, trong những người này, chỉ có Mạn Hoè là đồ đệ của Bá Đa Lộc.
Còn về Đa Vật; chữ này chắc phiên âm chữ Dayot, người được vua trọng vọng nhất, nhưng vì y làm đắm tàu, trốn đi từ năm 1795, các sử thần đã dùng chữ này để chỉ Chaigneau, người đến sau, “thay thế” Dayot.
Trong ba người còn lại: Va Nê E [Vannier], Ô Ly Vi [Olivier de Puymanel] và Lê Văn Lăng [de Forcant], thì Vannier đến từ Pondichéry, nhận chức Cai đội ngày 27/6/1790. De Forcant, không biết từ đâu đến, chỉ thấy xuất hiện trên thư của các giáo sĩ khoảng 1800, và được lái tàu Bằng Phi.
Riêng Olivier de Puymanel, tình nguyện binh nhì, khởi hành cùng với Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh, từ Lorient, trên tàu Dryade, ngày 27/12/1787. Tàu này, sau khi ghé Pondichéry để giám mục và hoàng tử lên bờ, sẽ đến Côn Lôn từ 15 đến 19 /9/1788; tại đây, Olivier đào ngũ và ở lại. Vì vậy, chỉ có mình Olivier de Puymanel có thể coi là đã “nghe lời” vị giám mục đến giúp Nguyễn Ánh, nhưng theo thư y gửi cho gia đình, thì y đến đây tìm của.
Tuy nhiên, hoặc Bá Đa Lộc nhận họ là “đồ đệ” của mình để giới thiệu với vua. Hoặc Bá Đa Lộc Lộc là cha đỡ đầu cho tất cả những người Pháp đến Nam Hà; vì thế mà các tác giả Liệt truyện coi họ là đồ đệ của Bá Đa Lộc.
Còn Gia Đố Bi và Ma Nộ E, tức Santiago và Emmanuel, hai giáo sĩ Franciscain, năm 1783 về Phi Luật Tân, định cầu viện cho Nguyễn Ánh, bị Nguyễn Nhạc bắt, nhưng không bị giết, sau được thả về; nhưng trong một thời gian dài, giám mục Bá Đa Lộc không biết tin tức của họ nên tưởng họ bị giết (thư Bá Đa Lộc gửi M. Descourvières ngày 5/12/1783, Launay, t. 76-81). Vì vậy, Liệt Truyện đưa tên họ vào danh sách những người tử nạn vì giúp vua.
Tóm lại, Liệt Truyện chỉ ghi tên những người đã theo vua đến chiến thắng hoặc bị chết trong chiến trận hay vì nhiệm vụ. Con số là 7 người. Những người bỏ đi, hoặc phản bội, không được ghi tên.
Tài liệu của Louvet
clip_image002
Trong cuốn La Cochinchine Religieuse, I, (Leroux, Paris, 1885) của Louis-Eugène Louvet, phần Pièces Justificatives (Chứng từ), Louvet tìm được 7 văn bằng cai đội vua ban cho: JM Dayot, Philippe Vannier, Julien Girard de L’Isle Sellé, Théodore Lebrun, Jean-Marie Despiaux, Louis Guillon và J. Guilloux. Và thư sai phái, có ghi chức cai đội của 3 người: Barisy, Januario Phượng (người Bồ?) và Gibsons (người Anh?).
Tổng cộng là 10 người Âu, chính thức có văn bằng, còn lưu lại.
Những văn bằng này làm theo một kiểu mẫu giống nhau, cùng ghi ngày 27/6/1790, nội dung thay đổi chút ít tuỳ theo phận sự từng người. Vậy có thể hiểu, đã có một buổi lễ vào ngày 27/6/1790, vua cho những người này “nhậm chức” và “tuyên thệ”.
Vì không có bản dịch từ nguyên bản chữ Hán; chúng tôi xin dịch lại bản đã được dịch sang tiếng Pháp, có ghi là do Puymanel dịch, in trong La Cochinchine Religieuse của Louvet. Thí dụ văn bằng của Dayot, được viết như sau:
Văn bằng do vua Nam Hà cấp cho M. Dagot [Dayot]
“Hoàng thượng xét sự trung thành và nhiệt tâm trong công việc của Jean-Marie Dagot, quốc tịch Pháp, người đặc biệt chú ý đến thiện chí mà y đã chứng tỏ khi đến từ rất xa để phục vụ trong ngành thủy binh của người, Hoàng thượng xét thấy y xứng đáng được chọn, và với văn bằng này, cấp cho y chức Khâm sai cai đội quản chiếu tàu nhị chích trí lược hầu, quản chiếu hai tàu Đồng Nai và Le prince de Cochinchine. Hoàng thượng hy vọng khi thời cơ đến, Jean-Marie Dagot, sẽ kịp thời chứng tỏ lòng can đảm và trí thông minh để điều khiển các tàu được giao phó, và nghiêm khắc áp dụng quân lệnh, y sẽ xứng đáng được tin cậy. Nếu vì lỗi, không làm tròn nhiệm vụ quan trọng này, thì y sẽ bị nghiêm trị theo luật pháp.
Ngày thứ 15, tuần trăng thứ 5, năm Cảnh Hưng thứ 51, tại Sài Gòn, ngày 27/6/1790″.
Văn bằng cấp cho Vannier, có câu:
“…với văn bằng này, cấp cho y chức Cai đội chấn thanh hầu, giao cho y quản một trong những tàu của hoàng thượng là tàu Đồng Nai, dưới quyền điều khiển và phải tuân mọi lệnh của Jean-Marie Dagot, chỉ huy phân khu có tàu này.”
Văn bằng cấp cho Isle-Sellé, có câu:
“…với văn bằng này, cấp cho y chức Cai đội long hưng hầu, giao cho y quản chiếc tàu Le prince de la Cochinchine, dưới quyền điều khiển và phải tuân mọi lệnh của Jean-Marie Dagot, chỉ huy phân khu có tàu này”.
Trong văn bằng cấp cho Le Brun có câu: “Hoàng Thượng xét thấy tài năng của Théodore Lebrun, quốc tịch Pháp, với bằng văn bằng này, cấp cho y chức Khâm sai cai đội thanh oai hầu, quản chiếu việc công thự (bản tiếng Pháp dịch là capitaine ingénieur)”.
Như vậy trong 7 văn bằng chỉ có Dayot và Le Brun là được chức Khâm Sai, tức là cao hơn những người khác một bực. Rồi chúng ta sẽ thấy, Dayot trốn đi, vì làm đắm tàu và Le Brun bỏ đi, vì không làm được công việc “kỹ sư” mà anh ta đã nhận.
Con số 369 người của Alexis Faure
clip_image004
Alexis Faure trong cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine (sẽ dẫn là Faure), mục Pièces justificatives (Chứng từ) (t. 235-249), đã làm một số việc sau đây:
1- Kê khai tên các tàu Pháp hoạt động ở vùng biển Ấn Độ và Trung Hoa trong khoảng 1785-1790, gồm có 12 tàu: Résolution, Vénus, Dryade, Méduse, Subtile, Astrée, Duc de Chartres, Nécessaire, Dromadaire, Pandour, Mulet và Marsouin.
2- Ghi tên họ và chức vụ những người bị đuổi hoặc đào ngũ trên những tàu này, tổng cộng 369 người (trang 248 ghi 369; trang 210 ghi 359; nhưng 369, đúng với số tổng cộng).
3- Ghi hải trình của những tàu này trong 5 năm (1785-1790). Qua hải trình được ghi lại, ta thấy chỉ có ba tàu Dryade, Méduse và Pandour là ghé Việt Nam thường xuyên. Các tàu còn lại, làm dịch vụ ở vùng khác. Vậy mà, Faure tổng kết như sau:
“Tổng cộng những mất mát trên các chiến dịch của các tàu là: Résolution: 33 người, Vénus: 54, Dryade: 21, Méduse: 126, Subtile: 48, Astrée: 15, Duc de Chartres: 1, Nécessaire: 16, Dromadaire: 4, Pandour: 31, Mulet: 12, Marsouin: 8. Tổng cộng: 369.
Như thế, theo con số ghi nhận vai trò của họ trong thuỷ thủ đoàn của 12 tàu trên đây, thì con số thuỷ thủ Pháp đã bỏ hiệu kỳ để theo Giám Mục Adran đến Nam Hà là 369. Nhưng còn phải thêm vào danh sách trên đây, một phần lớn thủy thủ của tàu Revanche, Espérance, Ariel và Flavie, năm 1794, cũng bị giải giới ở Macao để khỏi bị Anh bắt, họ cũng đi qua Nam Hà với vũ khí và hành lý. Trong số này có một sĩ quan, Chaigneau (Jean Baptiste) enseigne ở trên tàu la Flavie, đến muộn, cũng không kém phần hữu ích cho cuộc tranh đấu mà ông đã theo đuổi đến cuối đời” (Faure, t. 248).
Như trên chúng tôi đã nói: trong 12 tàu trên chỉ có 3 tàu là có dịch vụ ghé qua Việt Nam, còn những tàu kia hoạt động ở những vùng khác trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thì làm sao những người đào ngũ trên các tàu ấy có thể “đến” Việt Nam được? Không lẽ họ đi bộ hay bơi tới Việt Nam để theo Giám mục Adran để tổ chức quân đội Nam Hàchăng?
Nhưng chưa hết, con số 369, dưới mắt Faure vẫn chưa đủ, còn phải kể thêm cả thủy thủ đoàn của bốn tàu bị giải giới nữa, thành ra bao nhiêu?
Đó là lối lập luận của Faure.
Dò kỹ danh sách và chức vụ của 369 người này, ta thấy:
- Một bác sĩ giải phẫu, Dominique Desperles, ở tàu Pandour, và môt phụ tá giải phẫu, Pierre Georgeault, tàu Mulet. Còn tất cả chỉ là hạ sĩ (quartier maiîre), thủy thủ, lính tình nguyện, làm các công tác khác.
- Một người tên Magon de Médine đại uý hải quân (lieutenant de vaisseau), đào ngũ từ tàu Pandour, nhưng không thấy tên trong số những người được nhận chức cai đội ngày 27/6/1790 và cũng không thấy dấu vết ở đâu cả. Tuy nhiên, Faure vẫn đưa tên Magon de Médine vào danh sách các sĩ quan được Bá Đa Lộc chọn cùng với Puymanel, Le Brun, Guillon, Guilloux, Tardivet, Malespine, Dayot (Faure, t. 210).
Trong danh sách 369, có 3 người sau này sẽ nổi tiếng:
Olivier de Puymanel, tàu Dryade, tình nguyện binh nhì (volontaire de 2e classe), chức có từ 15/12/1787, đào ngũ ở Poulo-Condor [Côn Đảo] ngày 19/9/1788.
Théodore Le Brun, tàu Méduse, tình nguyện binh nhất (volontaire de 1è classe), chức có từ 1/1/1789), xuống Macao ngày 13/1/1790.
Jean-Baptiste Chaigneau, tàu Subtile, tình nguyện binh nhì (volontaire de 2e classe, chức có từ 1/7/1787, được hứa sẽ lên binh nhất tháng 12/1787), nhưng sau đó đổi sang tàu Flavie, và năm 1794, tàu này bị giải giới ở Macao, Chaigneau không thuộc dạng đào ngũ. Ông không được tàu Flavie cho lên chức sĩ quan (enseigne) như Michel Đức con ông ghi lại trong hồi ký, chúng tôi sẽ nói rõ việc này trong chương viết về Chaigneau.
Vì những người lính này đều thuộc diện lính tình nguyện, nên chúng ta cần tìm hiểu thế nào là lính tình nguyện.
Lính tình nguyện
Những người đến Nam Hà, được biết đến, đều thuộc dạng lính tình nguyện (volontaire). Vậy trước hết, lính tình nguyện là gì?
Faure định nghĩa: “Những lính tình nguyện trong thủy quân thời trước là những thanh niên, con nhà khá giả, trình độ học vấn tự do (ayant reçu une instruction libérale) thích viễn du, lên tàu nhà nước làm lính ăn ở trên tàu, được trợ cấp mỗi ngày 1 franc để trả tiền ăn. Những người lính tình nguyện này, sau một thời gian đi tàu, qua những cấp bậc liên tiếp, có thể tiến đến chức học viên (élève) hay chuẩn uý thuỷ quân (aspirant de la marine), với tư cách sĩ quan. Danh sách thủy thủ tàu Dryade xếp Olivier de Puymanel vào loại đào ngũ, là không đúng, vì lính tình nguyện thời đó, không bị buộc phải tại ngũ trong thời gian hạn định; đã đi, giao kèo có thể bãi, theo ý muốn của người tình nguyện, nếu anh ta không nợ nần gì nhà nước. Ta sẽ thấy, sau này, lính tình nguyện Le Brun bỏ tàu ở Macao, cùng trong một diều kiện, mà không bị coi là đào ngũ trong danh sách thuỷ thủ” (Faure, note 2, t. 199-200).
Thực ra Le Brun bị xếp vào danh sách đào ngũ hai lần; một lần trên tàu Vénus (Faure, t. 241) và một lần trên tàu Méduse (Faure, t. 243). Faure không đọc kỹ hồ sơ do chính ông thiết lập.
Thấy ý nghiã mơ hồ của câu “trình độ học vấn tự do (ayant reçu une instruction libérale” do Faure đưa ra, chúng tôi vào Internet, Website của Hải Quân Pháp, tìm định nghiã Volontaire de la marine, thì thấy ghi: “từ 17 đến 26 tuổi, không bắt buộc bất cứ trình độ học vấn nào” (âgé de 17 à 26 ans, aucun niveau scolaire n’est requis). Vậy Faure đã biến câu “aucun niveau scolaire n’est requis” thành “ayant reçu une instruction libérale”, để dễ thăng những người lính tình nguyện binh nhì, binh nhất lên làm kỹ sư, kiến trúc sư, chăng?
Nhưng đối với chúng ta câu “không bắt buộc bất cứ trình độ học vấn nào” rất đáng chú ý, nó giải thích sự kiện, khi đọc thư của những người như Olivier de Puymanel, Barisy, Chaigneau, Vannier… do Cadière sưu tầm đăng trong bài Les français au service de Gia Long: Leur correspondance (Thư từ), BAVH, 1926, IV, ta thấy tiếng Pháp của họ đầy lỗi, viết như người mới học. Và Faure chỉ nói sau “một thời gian” đi biển có thể lên sĩ quan, mà ông không nói rõ là bao lâu. Jurien de la Gravière (đô đốc) cho biết: sau sáu năm phục vụ mới xin được ủy ban xét để thăng thiếu uý (sous-lieutenant) trong quân đội chính quy, hoặc phải đợi đến tuổi 23 (thay vì 25) mới có thể xin làm thuyền trưởng đi trường kỳ (capitaine au long cours) (Jurien de la Gravière, Souvenir d’un amiral, 1872, t. 15; Taboulet, I, t. 244).
Xét về điều kiện sáu năm này, chỉ có một mình Chaigneau là có, vì ông đi biển từ tuổi 12, nhưng Chaigneau, có lẽ vì kém quá, không trúng các kỳ sát hạch để lên chức, nên vẫn ở mức độ binh nhì, và sau này khi phục vụ Nguyễn Ánh, ông ở chức cai đội trong 7 năm, Vannier ở chức cai đội trong 11 năm. Như vậy đủ biết vấn đề trình độ rất quan trọng trong quân đội.
Con số của Bá Đa Lộc: 40 người Âu trong bộ binh của Nguyễn Ánh
Một thư giám mục Bá Đa Lộc viết không đề ngày, in trong Montyon II, t. 143, có câu sau:
“Trong tám ngày nữa, vua sẽ đi đánh Quy Nhơn [...] ông chỉ mang theo một nửa quân đội. Bộ binh của ông có 40 người Âu, trong đó có một người được lãnh trọng trách cai quản 600 binh; còn thuỷ binh, có hai chiến thuyền Tây phương trang bị đầy đủ vũ khí. Tôi tin rằng, nếu chiến dịch này thành công, ta sẽ có cơ gửi những giáo sĩ ra Phú Yên, Nha Trang Bình Khang, và Bình Thuận”. (Montyon, II, t. 143).
Phần chót lá thư được Launay in lại, ghi thư Bá Đa Lộc gửi M. Boiret ngày 18/7/1792, (Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, III, t. 284).
Thư này viết tám ngày trước khi Nguyễn Ánh khởi binh đánh Thị Nại năm 1792. Vậy có thể Nguyễn Ánh xuất quân ngày 26/7/1792. Thực Lục cho biết, trong trận này “Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành đi thuyền Long [Long Phi] và Phụng [Phượng Phi], đánh thẳng vào.” (TL, I, t. 287). Tấn công chớp nhoáng trong lúc Nguyễn Nhạc đi săn vắng, và thắng lớn, rồi rút về Gia Định.
Thư Bá Đa Lộc nói: có hai chiến thuyền Tây phương trang bị đầy đủ vũ khí, nếu đối chiếu với Thực Lục, thì chắc là hai tàu Long Phi và Phượng Phi chở hai đại tướng Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành.
Bá Đa Lộc còn viết: Bộ binh của ông có 40 người Âu, trong đó có một người được lãnh trọng trách cai quản 600 binh. Ông không nói đến thuỷ binh. Như vậy, năm 1792, theo Bá Đa Lộc, bộ binh của Nguyễn Ánh có 40 người Âu; và có một người được lãnh trọng trách cai quản 600 binh, tuy ông không nói rõ tên, nhưng ta chắc là Olivier de Puymanel, vì Thực Lục, việc tháng 7-8/1792 có ghi: “Lấy cai đội Ôlivi (người Tây) làm Vệ Uý ban trực tuyển phong hậu vệ Thần sách” (TL, I, t. 286), mà chức Vệ uý, thời đó có thể cai quản tới 600 quân. Tóm lại, theo Bá Đa Lộc, có 40 người Âu, trong bộ binh của Nguyễn Ánh, năm 1792.
Con số của Vannier: 14 sĩ quan và 80 binh sĩ
Trong lá thư Vannier viết từ Auray (Lorient) cho Bộ trưởng Nội vụ (không đề ngày, có lẽ vào khoảng 1825-1826, khi ông mới trở lại Pháp) mục đích xin cho con gái 10 tuổi vào trường hoàng gia ở Ste-Denis, trong thư, có câu sau đây:
“Nhà vua quen biết mười bốn sĩ quan và tám mươi binh sĩ giúp ông lấy lại ngai vàng” (ce prince trouva dans les connaissances de quatorze officiers et quatre-vingts soldats des secours tels qu’ils l’aidèrent à remonter sur son trône) (Documents d’André Salles, Philippe Vannier, BAVH 1935, II, document 54, t. 143).
Trong thư Vannier cũng cho biết ông được nhận chức quan võ, hàng bát phẩm, như vậy rất phù hợp với văn bằng vua cho ông chức Cai đội chấn thanh hầu.
Khi nói đến con số 14 sĩ quan mà vua “quen biết”, có thể Vannier nhớ đến con số 14 người được nhận chức cai đội, trước và sau ông, cùng làm việc với ông.
Trong số đó, Louvet thu thập được cả thẩy 7 văn bằng và 3 chỉ dụ sai phái, tổng cộng là 10.
Chúng ta thử kiểm lại con số của Vannier:
Văn bằng do Louvet tìm thấy, gồm có: JM Dayot, Philippe Vannier, Julien Girard de L’Isle Sellé, Théodore Lebrun, Jean-Marie Despiaux, Louis Guillon, J. Guilloux.
Chỉ dụ sai phái: Barisy, Januario Phượng (người Bồ), và Gibsons (người Anh).
Ngoài ra còn có những người như: Puymanel (đến trước), Félix Dayot (đến sau), Chaigneau (đến sau) và de Forcanz (chưa rõ đến từ bao giờ). Tổng cộng đúng 14 người.
Như vậy con số 14 người, do Vannier nhớ lại hơn ba mươi năm sau, là chính xác hơn cả.
Con số của Cosserat: 17 người
H. Cosserat, đại lý thương mại là một trong những nhà nghiên cứu trung thực của Pháp, đã đúc kết trong bài Notes bioghaphiques sur les français au service de Gia Long, BAVH, 1917, III (165- 206), một loạt chân dung những người Pháp này. Ông dùng tư liệu của Louvet, trong cuốn La Cochinchine Religieuse (Leroux, Paris, 1885), của Faure, trong cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine (Challamel, Paris, 1891), và của Cadière trong bài Les documents relatifs à l’époque de Gia Long (BEFEO) số 12, 1912 (t. 1- 82), và những thư từ trong Archives của Hội Thừa Sai Paris về giai đoạn này.
Cosserat liệt kê được 17 người: Manoè (Mạn Hoè, Manuel), Joang (Jean), Etienne Malespine, Dominique Desperles, Magon de Médine, Emmanuel Tardivet, Guillamne Guillon, Julien Girard de l’Isle Sellé, Théodore le Brun, Alexis Olivier de Puymanel, Jean-Marie Despiau, Jean-Marie Dayot, Félix Dayot, Laurent Barisy, De Forcant, Philippe Vannier, Jean-Baptiste Chaignau.
Trong 17 người này có 4 người thuộc tàu Pandour, là: Etienne Malespine, tình nguyện binh ba; Dominique Desperles, bác sĩ giải phẫu. Magon de Médine, đại úy (sĩ quan duy nhất có tên trong danh sách đào ngũ) và Emmanuel Tardivet, tình nguyện binh nhất, Cosserat chép lại của Faure (t. 210), và ông cho biết ông không tìm được dấu vết gì, chúng tôi thấy nên loại cả 4 người này. Vì theo Vannier chỉ có 14 người được nhận theo diện sĩ quan mà thôi. Và cũng nên nói rõ, vì họ khai là sỹ quan, thực ra họ cũng chỉ là lính. Giám mục Bá Đa Lộc biết rõ việc này, nhưng ông lờ đi.
Con số của Tạ Chí Đại Trường: 140 sĩ quan và 80 lính Pháp
Tạ Chí Đại Trường là người phóng đại công trạng của Bá Đa Lộc và những người Pháp đến giúp Nguyễn Ánh, quá đáng hơn cả những ngòi bút thuộc địa.
Ông dành trọn tiết 12, tựa đề: “Tiếp viện của Bá Đa Lộc” (Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, t. 200- 208), để vinh thăng “sự trở về” của Bá Đa Lộc. Và để mô tả cuộc trở về “trọng đại” này, ông Tạ viết:
“Viên thuyền trưởng, hầu tước De Rosily Meros cho bắn 15 phát súng [...] Luôn thể ông cũng tỏ một cử chỉ bặt thiệp: “Tôi tưởng có bổn phận phải thêm vào cho sứ bộ nhỏ bé này 2.000 cân thuốc súng để cho cậu Hoàng tử không có dáng trở về tay không và để làm vui lòng Giám Mục đã tỏ vẻ ước muốn chúng lắm” (Trích lại của G.Taboulet, Le traité de Versailles, BSEI, XIII, t. 103)”.
Không biết “2.000 cân thuốc súng” này, Taboulet lấy ở đâu ra? Vì không thấy đâu ghi cả. Bá Đa Lộc không nói đến, Faure không đả động, cả Maybon cũng không. Ông Taboulet viết sử theo lối “tiểu thuyết” như vậy hay là ông Tạ “tiểu thuyết hoá lời ông Taboulet thành một “sự thực sống động” như thế: bao gồm cả lời tuyên bố và cử chỉ bặt thiệp của “hầu tước De Rosily Meros”?
Tiếp đó, Tạ Chí Đại Trường lấy lại những ngụy biện của Maybon (t. 267- 268) mà chúng tôi đã nói đến trong chương 14, để “chứng minh” Bá Đa Lộc đã có những nguồn tài trợ từ khi đến Ile de France (TCĐT, t. 201-202), và còn dùng thêm một loạt “chứng từ” khác của Gaide, Imbert, là những tác giả khó tin được, để viết những câu như thế này:
“Từ năm 1779, Nguyễn Ánh đã đặt ở Côn Lôn, những viên quan mang chứng minh thư của “P.J.G Giám mục d’Adran” giới thiệu với các thuyền trưởng Tây phương, mời họ vào bến”. Và: “Chính ở Côn Lôn, tháng 9/1788, chiếc tàu La Dryade, trong sứ mệnh dò tình hình Nam Hà đã thả lại Hồ Văn Nghị và 1.000 khẩu súng mua cho Nguyễn Ánh”.
Để đi đến kết luận: “Bá Đa Lộc gom góp tiền bạc khí giới lương thực chất lên các tàu ông thuê ở Ile de France và cả ở Pondichéry nữa nhờ sự giúp đỡ của các nhà buôn như ta đã biết. “ (LSNCVN, t. 203).
Những điều này, chúng tôi đã chứng minh là sai trong chương 14.
Còn vụ “chứng minh thư” rút trong bài viết của Gaide (Note historique sur Poulo-Condore, BAVH, 1925, II (t. 88), thì xin vắn tắt: Gaide viết lại chuyện Hồ Văn Nghị (nhưng không biết nên gọi là một ông quan): linh mục Hồ Văn Nghị có chỉ dụ của vua, được toàn quyền cai quản và giúp đỡ bất cứ thuyền bè ngoại quốc nào đi qua Côn Đảo hoặc nếu họ tìm đường vào VN thì hướng dẫn cho họ. Le Labousse nói về “quyền” của Hồ Văn Nghị như sau: “Chúng tôi đi từ Pulo-Condor ngày 2/3 [1789], và đến kinh thành [Gia Định] ngày 5; không cần phải trốn tránh hay sửa soạn trước những gì phải trả lời khi đi qua đoan. Một khi bị gọi lại, chỉ cần bảo: thuyền của cha Nghị, là xong” (thư gửi Létondal ngày 15/6/1789, Launay, III, t. 213).
Còn việc ông Nghị đem 1000 khẩu súng về trên tàu Dryade, thì chúng tôi cũng đã nói trong chương 14: đó là súng Pháp, vua sai ông Nghị đi mua rồi chở tàu Pháp về, Maybon nhận vơ là của giám mục Bá Đa Lộc mua đem về.
Rồi ông Tạ còn viết: “Qua lời thư của De Guignes, viên lãnh sự Pháp ở Macao, ta thấy ông làm trung gian mua cho Nguyễn Ánh nhiều chiếc tàu. Và cũng từ Macao, trong những tháng cuối năm 1789, 8,9 chiếc tàu đi buôn ở Cochinchine cũng đã mang theo nhiều thứ khí giới quân dụng…” (LSNCVN, t. 203).
Tất cả đoạn dài trong trang 203 này Tạ Chí Đại Trường chép theo Maybon, Taboulet, rồi vì, do ông không hiểu rõ tiếng Pháp, hoặc do ông tự ý thêm thắt vào, cho nên sự chép của ông đã quá sai với bản gốc, ví dụ, Maybon chỉ bảo de Guignes cho rằng: “sự thành công của Nguyễn Ánh là “nhờ nhiều tàu ông ta đã mua”, Tạ Chí Dại Trường chép lại, trở thành: “ta thấy ông [de Guignes] làm trung gian mua cho Nguyễn Ánh nhiều chiếc tàu“, v.v.
Nhưng lỗi nặng nhất ở đây là ông đã phóng đại con số những người Pháp đến giúp Nguyễn Ánh, Tạ Chí Đại Trường viết:
“Nhưng quan trọng hơn cả là việc có đám người Tây phương giúp. Ở Gia Định có đến 140 sĩ quan và 80 lính Pháp. Một bức thư của Bá Đa Lộc ngày 18/7/1794 nói đến 40 người Âu trong bộ binh, thêm vào chừng ấy nữa trên các tàu đồng (dẫn bởi Taboulet, La Geste francaise … t. 204)” (LSNCVN, t. 203).
Không hiểu con số 140 sĩ quan Pháp, Tạ Chí Đại Trường lấy ở đâu? Trong trang 204, sách của Taboulet, mà ông Tạ dẫn, không có gì về con số này.
Về số lính Pháp đến giúp Nguyễn Ánh, Taboulet viết khá đứng đắn, ông bác bỏ con số 369 của Faure, và nhắc lại con số của Vannier: 14 sĩ quan và 80 người lính và con số của Bá Đa Lộc: 40 người Âu, rồi thêm vào câu: “có lẽ còn phải thêm vào con số [40] này cũng chừng ấy người nữa trên các chiến thuyền bọc đồng” (auxquels il convient sans doute d’en ajouter autant pour les vaissaux doublés de cuivre) (Taboulet, I, t. 240).
Bá Đa Lộc chỉ nói: “có 40 người Âu trong bộ binh”. Ông không nói đến “sĩ quan” vì ông biết họ là lính. Ông cũng không nói đến lính thuỷ.
Maybon dựa vào câu “Đừng quên những thủy thủ cùng đi với anh ta“, trong thư Le Labousse ngày 22/6/1795, để nói có thủ thuỷ Pháp trong quân đội Nguyễn Ánh. Việc này chưa thể kiểm chứng được.
Taboulet dựa vào “một lá thư của giám mục Adran [...] nói đến 40 người trong bộ binh, có lẽ còn nên thêm vào chừng ấy nữa cho những tàu chiến bọc đồng(une lettre de l’Evêque d’Adran [...] parlant de 40 Européens dans l’armée de terre, auxquels in convient sans doute d’en ajouter autant pour les vaisseaux doublés de cuivre” (Taboulet, I, t. 240). Taboulet cũng chỉ “gợi ý” nên thêm vào 40 thuỷ thủ nữa trên các tàu chiến bọc đồng, để cho cả thảy có 80 người.
Nhưng đến Tạ Chí Đại Trường thì có sự thổi phồng quá mức, ông viết: “Nhưng quan trọng hơn cả là việc có đám người Tây phương giúp. Ở Gia Định có đến 140 sĩ quan và 80 lính Pháp. Một bức thư của Bá Đa Lộc ngày 18/7/1794 nói đến 40 người Âu trong bộ binh, thêm vào chừng ấy nữa trên các tàu đồng”.
Ông chép đúng câu của Taboulet, nhưng bỏ tất cả những rào đón của Taboulet. Ông viết như một sự thực. Sự thực của Taboulet là 80 người lính Pháp; còn con số 140 sĩ quan Pháp mà ông Tạ tự ý thêm vào, thì không thấy ở đâu chép cả, ông viết nhầm hay ông cố ý bịa đặt ra như thế? Với mục đích gì? Để “chứng minh” là có một đội ngũ hùng mạnh gồm 140 sĩ quan Pháp “đến giúp Nguyễn Ánh” tổ chức quân đội, làm tàu chiến, xây dựng thành trì, chiến thắng quân Tây Sơn, như ông mường tưởng ra chăng? Thực không thể nào hiểu được.
Thụy Khuê
(Còn tiếp)
Xem các kỳ trước: