Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Lê Minh Hà kể chuyện (3)

Sông như là vẫn chảy

Bây giờ tôi không dám tắm sông. Không hiểu sao, cứ rờn rợn khi bàn chân sục phải bùn. Nhưng ngày bé đi sơ tán trốn bà lọt thọt lội bùn bắt ốc là thường, còn tắm sông thì mê lắm.

Nhà ngay bên bờ đê lát gạch già nghiêng nghiêng từ thuở ca dao nào không biết. Bến cũng lát gạch, các bậc phủ đầy lá tre khô. Tiếp giáp bậc cuối cùng là một tấm đá xanh to như cái mặt chõng, kê rất chắc chắn bằng mấy viên đá ong, chỉ lộ ra mùa nước cạn. Sông lắm hến, dân làng đãi hến đổ nguyên vỏ ra bến tự đời đời kiếp kiếp, thành thử chẳng thấy bùn.
Tôi mê sông lắm dù không biết bơi, mà có khi mê sông vì không biết. Nhưng cũng không hẳn vậy, sông Đáy trong vắt là nơi tôi tha thủi một mình bao ngày nghỉ học, thoát tầm mắt và tiếng kêu réo chế nhạo toàn những „con Hà Nội mặc áo hoa quần phăng tóc cắt ngắn rẽ ngôi lệch mắt ốc nhồi“ của bọn trẻ con cùng xóm. Dưới mắt chúng quần phăng và ngôi lệch là quyền ăn mặc của con trai, có nghĩa con Hà Nội là con điên. Khổ thế.

Sông thì im lặng. Rù rì sóng nhỏ bao điều.

Nhiều sáng nhiều trưa tôi hay đi xuống dốc bến dăm ba bậc, lót đít chiếc lá dong riềng, ngồi dõi sang bờ kia. Cánh bãi, nhưng không trồng màu, mà là nơi họp chợ huyện. Tuần tuần tháng tháng người từ Đồng Mít Thượng Lâm Tuy Lai và xa hơn nữa ra, người từ trên Cốc trên Sẽ trên Nguồn trên Hạ Dục xuống, người dưới Kinh Đào, có khi cả từ Xuy Xá Tế Tiêu ngược lên. Vào thì có người ngoài Vác, ngoài Miêng, ngoài Chuông, người bốn làng Vân hay người dưới Vân Đình. Bến sông ấy là nơi bao nhiêu ngày tôi ngóng tiếng chợ búa lao xao giọng người lợn éc vịt quạc vẳng qua. Chẳng nhìn rõ ai ra ai. Nhưng vẫn. Biết đi qua cầu sang bên đó, rồi cứ thế đi tiếp, là ra Hà Nội, có nhà mình. Bến sông ấy, có những ngày tôi chạy một mạch ra ngồi nép đống rơm nhà ông lang Mạch, mắt mờ nước, nhìn qua bờ kia nhớ phố nhớ nhà. Nghe nói… Ông hàng xóm mới bảo bà qua hàng rào „các cháu kể Hà Nội chỗ các anh các chị nhà bác tàu bay lại mới vừa oanh tạc“…

Lê la cùng tôi nơi dốc bến những ngày tháng đó chỉ có một đứa cháu họ là cái Oanh dại cháu ngoại bác Thơ. Thơ đây là thơ ký. Bác Thơ con nhà chức sắc to lắm của cả tổng Hà Đông một thời, đi học ở Hà Nội mà có cả người kéo xe riêng, mê Tự lực văn đoàn còn mở cả hiệu sách. Chẳng ai biết những ngày tháng đó ở Hà Nội thật bác làm gì, cứ thấy người học hành thì gán cho cái chân thư kí, vậy mà hòa bình lập lại bác chạy về sống ở làng thành tên luôn. Con gái đầu bác gả cho nhà Cát Tường Le Mur, chính là mẹ cái Oanh. Nó gọi tôi là cô, nhưng hơn hai tuổi và xinh lắm, mắt đen láy. Cái Oanh bị bệnh phải mổ tai, chẳng biết dao kéo chạm gì mà mổ tai xong nó thành lẩn thẩn phải về quê ở với ông bà. Bọn trẻ trong xóm không réo nó là con Hà Nội dù nó cũng áo hoa tóc ngắn như tôi mà gọi là con Oanh dại. Nhiều khi đang thơ thẩn mút cái hoa dong riềng hay phồng mồm thổi kèn lá chuối nhờ tôi cuộn, nó ngã ngửa, sùi bọt mép, lăn lông lốc xuống dốc bến, trôi tít ra giữa dòng. Bọn trẻ con chúng tôi chạy à à dọc bờ đê gọi người cứu nó, lúc thấy nó trôi khuất sau bờ tre, lúc lại thấy bập bềnh vùng vẫy giữa dòng. Khổ thân nó, được vớt vào rồi thế nào nó cũng bị ăn đòn, vì cái tội bị động kinh mà lại tha thẩn chơi toàn nơi bị cấm. Ấy thế mà có lần chính nó cùng với ông hàng xóm đã cứu tôi.

Chỉ vì chẳng ai khiến, tôi dám lột chiếu, cuộn lại đội đầu, tha theo cái bàn chải làm bằng gộc tre, ra sông. Cũng cọ cũng đập cũng vỗ như ai, cái chiếu trải ra dưới nước, ngấm đẫy nước mà không chìm bập bềnh bên chân như tấm thảm trong cổ tích. Thảm cổ tích biết bay. Ngồi lên cái chiếu này không chìm thì có thể tới đâu? Con bé thẳng lưng nhìn cái thuyền đinh khẳm cát đi ngang, nghĩ lan man, không biết cái chiếu bập bềnh xa mãi cho tới lúc con Oanh dại hét „cô Hà trôi trôi chiếu trôi“. Ông Thập lấy bà Mạ đẻ con đặt tên là Cửu là Lúa là Chấu nhà chung rào vừa đi cày về bơi ra tóm cái chiếu vào cho tôi, chứ không thì chắc tôi sẽ phải dạt vòm trốn bà lần thứ hai, tuổi ấy. Ông Thập cứu cái chiếu xong rồi, một tay giữ cái cày rửa sáng bóng trên vai, một tay khư khư bưng bòi phía trước rảo bước vào ngõ. Đội cái chiếu giặt sạch cuộn gọn ngật ngưỡng cong vòng trên đầu, nước rỏ tong tỏng thẫm bờ đê, lễ mễ đi sau hai quả mông trên tấm thân đen cháy gân guốc nom trắng lốp y như là bị bôi vôi của ông Thập, nghe bà lẩm bẩm rủa ông hàng xóm vô ý vô tứ, thế là tôi biết mình thoát nạn.


Còn có những ngày sông vui hơn.
Là khi cả lũ lõm bõm tập bơi. Hay đơn giản là đi tắm. Sông nước nhà quê, cả ngày chỉ loáng thoáng đôi ba người đi gánh nước hay giặt giũ, chỉ đông lúc chiều muộn, người đi làm đồng về, người đi buôn từ đằng rừng ra. Bến trên dành cho đàn ông, dốc bến chỉ là đi mãi cỏ rạp đất mòn thành đường. Nói là đàn ông, nhưng ngày chiến tranh, nhìn quanh chỉ thấy mấy ông già già và mấy chú trẻ trẻ còn chưa tới tuổi đi nghĩa vụ. Bến thẳng từ ngõ nhà tôi ra, lát gạch, thì ưu tiên đàn bà con trẻ. (Nhưng thật thì cũng không phải vậy, chẳng qua đàn ông ngại mang tiếng tắm nước đã mơn qua thân dáng đàn bà.)

Tôi rất thích nhìn các bà các cô lúc xuống nước lên bờ. Họ để cái nón đựng quần áo vào góc bậc bến gần mặt sông, chỉ cầm theo cái khăn mặt đã mòn nhưng giặt rất sạch còn nguyên mùi nắng nỏ, khoát khoát nước rồi đi dần ra giữa dòng, dìm mình xuống, thít lên một tiếng nửa khát khao nửa mãn nguyện, rồi mới lần lần cởi áo, vo một nắm ném lên bờ. Đến lúc tắm gội xong rồi, các bà các cô lội vào bờ. Cái quần đen cởi ra từ lúc nào không biết đã vò đã rũ sạch sẽ giữa dòng, những người đàn bà cầm ngược hai ống, quấn quanh hông, mông đằng sau tạm coi là kín, đằng trước chỉ có cái ống quần đã hẹp dắt hờ vào nhau, cho thấy đôi khi không phải chỉ là cặp chân dài. Mấy bà nạ dòng thì lội ào ào, ngực trần tơ hơ chẳng thẹn. Nhưng mấy cô mấy chị trẻ trẻ thì rón ra rón rén ấp khăn mặt làm vì che vú. Thì cũng phải che chứ. Trên bến, đàn ông tắm xong về nhà ngay chẳng về, đứng đầy. Dưới mắt của một con bé sinh ra ở thành phố, thân dáng đàn bà nhà quê thật là ngộ. Cặp chân đùi trắng cẳng nâu, lưng ngực cũng nâu bóng nhưng đúng hai bầu vú bỏ cái khăn ra thì căng tròn trắng lóa.

Rồi họ sẽ chổng mông quần vừa thay chỗ khô chỗ ướt cúi người giặt nốt. Rồi họ sẽ ới mấy người còn đang kì cọ phía ngoài ra giữa dòng vục cho đôi thùng nước. Rồi cất gánh lên vai, bàn tay ngửa đỡ cái nón nặng những áo quần khăn yếm vừa giặt, những cặp chân đàn bà thon thon rắn chắc đặt từng bước lên bậc bến, tỏa ra các ngõ, mơ hồ dần trong nắng quái cứ mỗi lúc mỗi nhạt dần như sương.
Berlin 9.1.2015