Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

chim gáy sau vườn

Truyện ngắn

Phùng Nguyễn

vào lúc chạng vạng tối, cô nghe tiếng con chim gáy cất lên sau vườn. Cô không lạ gì tiếng chim gáy. Ở làng cô, lũ chim làm tổ trên những cành mít cao nghệu, trong bụi tre gai um tùm, hay trên những tàng cây duối rậm rạp. Cô có thể phân biệt được tiếng gáy là của một chàng cu ngói hay một chàng cu đất. Cu ngói với mớ lông ức màu gạch non, trông đẹp nhưng tiếng gáy thì kém phần quyến rũ so với đám cu đất mập mạp với bộ lông xám xịt. Thường thì lũ chim gáy lên tiếng vào buổi sáng hoặc buổi trưa, cô hiếm khi nghe chúng cất tiếng cúc cu vào giờ này. Hình như cũng chính con cu đất này đã lên tiếng vào đêm qua, lúc cô nằm trên chiếc chõng tre dỗ giấc ngủ.

Cô dụi bớt mớ củi khô đang cháy bừng bừng trong chiếc bếp lò. Những bọt nước sôi trào ra từ chiếc nồi cơm bằng đồng dính dầy muội than đen nhẻm, rơi vào lửa kêu xèo xèo. Một chút nữa nồi cơm gạo lức độn những hạt bắp xay nhỏ màu cam sẽ chín tới, và bữa ăn thanh đạm sẽ được dọn ra dưới ánh đèn dầu. Và cô sẽ ngồi ăn một mình, suy nghĩ vẩn vơ về những việc xảy ra trong ngày, về đám học trò lớp Nhì của cô, và có thể về ngày giỗ mẹ vào tháng tới.

Cô dọn cơm ra vừa xong thì tiếng chim gáy lại cất lên từ bụi tre gai góc vườn. Tiếng chim vang lên trong buổi tối êm ả của làng quê như réo gọi làm cô thấy nao lòng. Tiếng chim gáy chợt im bặt, rồi có tiếng lạo xạo trên những chiếc lá tre khô ngoài sau vườn. Rồi tiếng chim gáy lại nổi lên, trầm buồn, dai dẵng. Bỗng dưng, một điều gì đó rất mơ hồ dậy lên trong lòng, cô cố nhớ ra mà không được. Một điều gì đã lâu lắm rồi, như một mơ ước đã phai tàn...

Tiếng lạo xạo của đám lá tre khô lại vang lên. Một con heo nhà ai đi lạc chui vào vườn nhà cô phá phách? Hay tiếng chân người? Đúng là tiếng chân người rồi! Cô có thể nghe thấy tiếng chân nhẹ nhàng rón rén trên những chiếc lá khô, băng qua cái giàn nước có chiếc chum sành cô mới đổ đầy nước hôm qua, và hướng về phía cánh cửa nhà bếp làm bằng nẹp tre đan trét phân bò. Cô cảm thấy lo sợ. Thường thì bà con trong làng có việc đến tìm cô sẽ kêu ơi ới ngay từ ngoài cổng để cô yên tâm. Nhà của cô ở cuối làng, nằm lọt thỏm trong một khu vườn rộng bao bọc bởi hàng rào keo dầy bịt, và góc sau vườn tiếp giáp với khu vườn còn lớn hơn nữa của ông Cửu Nhường là bụi tre gai um tùm, phần gốc tua tủa rễ tre và hang hốc.

Tiếng chân dừng lại phía sau cánh cửa mỏng mảnh, rồi có tiếng gõ nhẹ vào cái nẹp tre và tiếng ai đó gọi tên cô. “Xuyến ơi!”. “Ai đó?”. Cô hỏi vọng ra, cố giữ giọng mình bình thản. “Xuyến ơi, anh Thuận đây mà. Mở cửa cho anh vào đi”. Anh Thuận? Cô bước đi gần như chạy đến phía cánh cửa, hai tay lúng túng tháo thanh tre gài, và cánh cửa cuối cùng mở ra một cách vất vả. Ngọn đèn dầu từ phía nhà bếp hắt ra một ánh sáng ảm đạm, yếu ớt lên thân hình người đàn ông cao ốm đang đứng trước mặt cô. Và cho dù anh có già đi, có hốc hác và tiều tụy vô cùng, cô vẫn nhận ra anh Thuận của cô! “Mới đó mà đã mười năm rồi Xuyến nhỉ!”, anh Thuận lên tiếng.

Đúng vậy, đã mười năm trôi qua kể từ lúc anh Tấn và cô tiễn anh Thuận đi tập kết. Hôm đó cô nhất định đòi di theo mặc kệ anh Tấn cằn nhằn, chỗ đàn ông con trai bàn chuyện mà đi theo làm gì cho vướng! Cô còn nhớ khu tập trung của mấy anh là một khu vườn mít mênh mông bên kia sông. Mấy anh hoặc đang đu đưa trên mấy chiếc võng giăng ngang dọc trong khu vườn, hoặc đang tụm năm tụm ba trò chuyện. Vào lúc sập tối, họ sẽ bước xuống chiếc ghe bầu to lớn đang chờ dưới bến sông và sẽ được đưa đến một nơi gọi là Sa Huỳnh. Từ đó, họ sẽ xuống tàu thủy ra Bắc.

Cô đi theo hai anh của mình, cố giữ một khoảng cách vừa đủ để không làm gián đoạn câu chuyện của họ. Cả hai đang nói chuyện hăng lắm, cô nghe loáng thoáng những từ nghe đã quen tai nhưng không hiểu rõ cho lắm. Tổng tuyển cử, hòa bình, thực dân, đế quốc, chủ nghĩa, phản bội, trung thành, vân vân... Khi những người khác lục tục xuống thuyền, cô đến gần anh Thuận để nói mấy lời chia tay. Cô bé mười lăm tuổi chẳng nói năng gì được. Cô đứng chết trân nhìn ông anh nuôi thương mến. Anh Thuận đến trước mặt cô đưa tay vuốt mái tóc “bôm bê” của cô và nói nhỏ, “Hai năm nữa gặp lại nghe cô bé!”. Cô thấy anh Thuận cười dịu dàng với cô rồi quay đi. Cô nhớ mình đã ứa nước mắt, nhưng không khóc thành tiếng. Hai năm thì cũng đâu có lâu la gì, lúc đó cô đã nghĩ như vậy.

Tối hôm nay cô không ngồi ăn một mình như mọi hôm. Có thêm một đôi đũa, một cái chén trên bàn. Và trước mặt cô là anh Thuận, người mà cô đã rơi nước mắt tiễn đưa ở một bến sông mười năm về trước. Anh Thuận với cây đàn ghi ta loang lổ nước sơn trong những đêm trăng kháng chiến. Anh Thuận với tiếng cười khoái trá chiếu bí anh Tấn trong những ván cờ gay go. Anh Thuận và con cu đất mới ra ràng cho bé Xuyến, “Ráng nuôi cho nó lớn nó gáy cho mà nghe!”. Bây giờ thì cô đã nhớ ra, anh Thuận có lần giả giọng chim gáy thật giống khi cô than phiền con chim anh cho cô nuôi hoài mà chẳng chịu gáy giếc gì hết! Cô còn nhớ rõ cái cảm giác sung sướng khi được anh Thuận dịu dàng sai bảo, Xuyến xuống bếp lấy cho anh tô nước chè, Xuyến lấy cho anh cái hộp diêm, Xuyến đi ngủ đi, khuya rồi đó...

Hai người vừa ăn cơm vừa kể nhau nghe về những biển dâu của mười năm qua. Cô ứa nước mắt nhắc lại cái chết của mẹ cô vì bệnh thương hàn vài tháng sau cái Tết thứ ba kể từ lúc anh Thuận ra đi. Cô nói qua về những năm tháng ở trọ nhà người cô họ dưới tỉnh để học Trung Học. “Em học xong xin về làng dạy học. Nhà có hai anh em mà anh Tấn thì đi làm xa, không ai chăm sóc mồ mả ông bà cha mẹ. Anh Tấn kêu em về dưới quận ở với anh ấy, em không chịu, ảnh la một hồi rồi cũng thôi đó.” “Tấn bây giờ ra sao?” Anh Thuận hỏi, vẻ đăm chiêu. “Em nghĩ anh biết hết rồi mà! Hồi anh còn ở đây, hai người đã

không đồng ý với nhau về nguyên nhân cái chết của ba em. Lúc anh đi rồi, những người trong nhóm của ba em liên lạc với anh Tấn thường xuyên”. Cô ngưng lại một chút rồi hỏi, “Mà sao anh lại chọn về đây? Anh biết là anh Tấn chịu trách nhiệm an ninh cho vùng này mà!”. “Ở trên đưa về, biết làm thế nào được?”. Anh Thuận trả lời thật khẽ, vẻ mặt bối rối.

Anh Thuận chính là người đã báo tin buồn cho gia đình về cái chết của cha cô. Người liên lạc viên trẻ tuổi từ mặt trận Quế Sơn ghé vào nhà cô một buổi tối đầu mùa Xuân, mang cái tin tang tóc, và đã ở lại với gia đình cô từ đó. Anh Tấn gia nhập Việt Minh ngay sau đó, và cùng với anh Thuận, tham dự những trận công đồn và phục kích táo bạo trong những năm về sau của cuộc kháng chiến. Hai người thân thiết như hai anh em ruột, đi đâu cũng có nhau, và được dân trong vùng tặng cho danh hiệu “cặp gà nòi Điện Hồng” nhờ vào mưu trí và đảm lược của họ. Vào những đêm trăng không phải đi trận mạc, tiếng đàn ghi ta của anh Thuận và giọng hát ngọt ngào của anh Tấn biến khoảng sân cỏ trước nhà cô thành hội liên hoan. Những con gà mái tơ trong làng và từ những thôn xóm lân cận kéo đến với hy vọng lôi kéo được sự chú ý của cặp gà nòi. Nhưng cô luôn luôn tìm cách chen vào giữa anh Thuận và một cô gái nào đó, một cô gái quê hay một tiểu thư khuê các theo gia đình tản cư về vùng quê tránh bom Đồng Minh. Và anh Thuận không tỏ vẻ khó chịu chút nào khi bị cô phá đám. Thực ra, anh cưng chiều cô còn hơn anh Tấn, ông anh ruột của cô.

Vào năm cuối của cuộc kháng chiến, anh Tấn nhận được một vài tin tức về những điều mờ ám chung quanh cái chết của cha cô do những người bạn thân thiết của ông cho biết. Anh nửa tin nửa ngờ, nhưng chỉ riêng nỗi hoài nghi cũng đủ làm anh băn khoăn vô cùng. Khi hiệp định Geneve được ký kết, anh đã quyết định ở lại viện cớ phải chăm sóc mẹ già và cô em gái. Anh Thuận buồn lắm nhưng cũng không lay chuyển được anh Tấn. Anh Thuận thì không có gì phải băn khoăn, anh chứng kiến cha mẹ mình bị giặc Pháp tàn sát trong một trận càn ở vùng cao, và anh gia nhập kháng chiến rất sớm sau biến cố bi thảm đó.

Vào một buổi chiều mười năm trước, hai con gà nòi đã chia tay nhau ở một bến sông, và mặc dù họ đã hẹn gặp lại nhau hai năm sau đó, cả hai có lẽ đã không nhìn thấy một viễn ảnh tươi đẹp cho ngày tái ngộ. Sau cái chết của mẹ, anh Tấn tham gia chính quyền địa phương, và không bao lâu, anh trở thành một nhân vật trọng yếu, phụ trách an ninh cho quận nhà. Và bây giờ anh Thuận trở về hoạt động trong cùng một địa bàn, cái viễn tượng hai người mà cô thương yêu trở thành hai kẻ đối đầu khiến cô rầu rĩ vô cùng.

Anh Thuận trở lại ba hôm sau đó, vào giữa khuya. Cánh cửa bếp lần này được mở ra nhẹ nhàng, và ngọn đèn dầu được vặn thấp xuống để tránh sự chú ý của hàng xóm. Nồi cơm độn bắp vẫn còn giữ hơi ấm- cô đã vùi nó trong mớ than hồng còn lại sau lần nấu cơm chiều. Cô ngồi đối diện anh Thuận, yên lặng ngắm anh ăn uống ngon lành, cố giữ không hỏi anh đã đi đâu, làm gì trong mấy ngày hôm nay. Có nhiều điều cô không nên biết và anh không thể nói.

Lúc cô bới cho anh chén cơm thứ ba, anh Thuận đột nhiên lên cơn sốt rét. Bàn tay anh run rẩy đánh rơi chén cơm lên bàn ăn tung tóe, mồ hôi rịn ra trên trán, và cả thân người anh run lên bần bật. Anh nghiến răng chịu đựng, khoát tay ra hiệu cho cô là anh không sao. Nhưng anh không chịu đựng được lâu, thân hình ốm yếu ngã lăn ra trên nền đất, co quắp, hai hàm răng va vào nhau lách cách! Phải khó khăn lắm cô mới dìu được anh vào buồng trong của cô và đặt anh lên chiếc giường tre trải chiếu hoa hình chữ Thọ. Cô lấy chiếc mền nhà binh màu cứt ngựa anh Tấn cho đắp lên người anh Thuận. Anh tiếp tục run rẩy, thở dốc dưới lớp chăn. Những ngày tháng gian khổ dọc con đường mòn thăm thẳm trên dãy Trường Sơn và những lần ăn bờ ngủ bụi sau đó đã quật ngã anh không thương tiếc. Cô ngần ngừ một chút rồi tốc mền chui vào, nằm đè trên người anh ôm chặt, mong hơi ấm từ cơ thể mình sẽ làm anh bớt run. Vào lúc gần sáng, cô thiu thiu ngủ trên người anh, lúc bấy giờ đã thôi run rẩy, và nhận ra hai cánh tay anh đã làm thành một vòng ôm rất chặt chung quanh cơ thể mình. Cô dụi đầu thực sâu vào cổ anh, hôn lên lớp da nhớp nháp mồ hôi, và lòng cảm thấy rạo rực vô cùng.

Anh Thuận ở trong căn buồng ngủ của cô ba hôm. Cô cố gắng giữ sinh hoạt của mình diễn ra một cách bình thường để mọi người trong làng không biết nhà cô đang có khách! Anh Thuận hình như đã quen với cách sống lẩn lút nên rất ít khi gây nên tiếng động. Vào giữa khuya đêm thứ ba, anh hôn cô từ biệt rồi lẻn ra sàn nước tắm táp, cô nằm trên chiếc giường tre cố lắng nghe cũng chỉ bắt được những âm thanh sẽ sàng của chiếc gáo dừa khuấy động mặt nước im trong chiếc lu sành. Anh không trở vào với cô đêm hôm đó, nhưng cô biết anh sẽ trở lại, và anh sẽ qua đêm trên chiếc giường tre cô đang nằm. Cô sẽ rất vui lòng có anh bên cạnh, dù chỉ rất họa hoằn và lén lút. Cô đã chờ đợi suốt mười năm qua chỉ để được ngã vào lòng anh trong những dịp như vậy, hối hả và tuyệt vọng. Lần nào cũng có thể sẽ là lần cuối cùng!

Ba hôm trước ngày giỗ mẹ, Xuyến đi chợ quận mua nhang đèn vàng mã và những món cần thiết. Cô cũng ghé thăm anh Tấn, như mọi khi. Khi Thuận trở về vào lúc giữa khuya, anh bắt gặp cô đang ngồi khóc thút thít dưới ánh đèn dầu tù mù trong căn buồng ngủ nhỏ xíu. Thuận lờ mờ đoán ra chuyện gì, và anh biết mình đoán đúng khi Xuyến bảo anh phải rời khỏi nơi đây trước ngày giỗ mẹ cô. “Tấn biết anh về đây rồi phải không?”. Anh hỏi. Xuyến lặng lẽ gật đầu thay câu trả lời. Cô cúi xuống lục lọi trong chiếc giỏ ny lông lấy ra một gói thuốc lá đưa cho anh. “Của anh Tấn gởi anh đó. Ba hôm nữa anh ấy sẽ về giỗ mẹ. Anh ấy nói hai người gặp nhau sẽ có nhiều bất tiện”. Thuận cúi nhìn hàng chữ “Ruby Queen” viền kim nhũ lóng lánh trên màu hồng nhạt của bao thuốc lá, thở dài. Anh bỏ đi rạng sáng hôm sau. Hai người chia tay ở góc vướn, nơi có bụi tre già đầy hang hốc mà anh đã có lần chui vào đó giả tiếng chim gáy. Anh áp má cô vào mặt mình thực lâu, cố ghi nhận làn da mịn màng và mát rượi trên da mặt anh chai sạn. Lúc anh quay lưng bỏ đi, cả hai đều không biết rằng họ sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại!

Trong mười năm tiếp theo, Thuận như hòn đá lăn, di động không ngưng nghỉ. Anh có mặt trên những chiến trường xa lắc, có khi bên ngoài biên giới đất nước. Anh hoạt động ở nhiều địa điểm, trải qua nhiều nỗi hiểm nghèo, chứng kiến và tham dự vào việc tạo ra nhiều điều hùng tráng, nhiều điều bi thảm, nhiều điều tàn bạo. Và trong suốt mười năm dài, anh vẫn nghĩ đến Xuyến, như anh đã từng thương nhớ cô mười năm xa vắng trước đó. Cho dù không có tin tức nào chính xác về hành tung của cô, anh vẫn cho rằng cô luôn bình an và luôn mong chờ ngày anh trở về.

Rồi anh cũng trở về, với tư cách một thành viên của phe thắng trận. Nhưng Xuyến không còn ở đó. Không còn ai ở đó. Ngôi làng đã trở thành bình địa từ lâu trong cơn binh lửa, và những cư dân cuối cùng nếu không chết vì tên bay đạn lạc thì cũng đã dắt díu nhau đi mất. Thuận còn đang lúng túng thì có người đến tìm. Người đàn ông nằng nặc đòi gặp riêng anh. Thuận ra hiệu cho người cần vụ lui ra khi cái tên Xuyến được nhắc đến. Và người đàn ông nói ra cái tin chẳng lành mà Thuận đã cảm thấy được ngay trước khi anh ta lên tiếng. “Cô ấy chết thảm lắm, ngay buổi sáng ngày giỗ mẹ, hai hôm sau khi ông đi...”.

Lúc này Thuận đã nhận ra người đàn ông là ai. Chú du kích trẻ măng năm nào! Người có trách nhiệm canh chừng cái “bẫy” không cho ai đến gần ngoài “đối tượng” chọn lựa. Hắn nói gì vậy? Sao lại ngay hôm giỗ mẹ của Xuyến? Anh chồm lên, nắm ngực người khách lắc tới lui, nói như mê sảng, “Chú nói gì vậy? Sao lại vào ngày giỗ mẹ?”. Lòng anh quặn lại trong nỗi kinh hoàng cùng cực. Người đàn ông từ tốn gỡ tay Thuận ra khỏi người mình. Nét mặt hắn trầm tĩnh, có chút lạnh lùng. “Tôi có món đồ này cho ông!”. Anh ta lôi trong túi ra một gói giấy ny lông nhỏ đưa cho Thuận. Đó là một vỏ bao thuốc lá cũ mèm nhăn nhúm gấp làm đôi, màu hồng nguyên thủy đã bay mất, chỉ còn lờ mờ nhận được hàng chữ “Ruby Queen” ở mặt trước. Ở mặt sau chỉ có vỏn vẹn một hàng chữ viết tay nhòe nhoẹt, không còn đọc được nữa. Nhưng điều đó thực không còn cần thiết đối với Thuận. Anh biết hàng chữ đó nói gì. Chính anh đã viết xuống cái vỏ bao thuốc lá mà Tấn đã gởi cho anh cùng với lời “đuổi khéo” hơn mười năm về trước. Tờ giấy chứa vỏn vẹn có mỗi ngày đám giỗ sắp tới của mẹ Xuyến. Thuận còn nhớ mình trao mảnh giấy này cho người đồng chí chỉ huy du kích địa phương trước khi lên đường. Lúc đó anh đã dặn dò kỹ càng về việc cái bẫy phải được canh chừng cẩn thận để tránh tổn thất cho nhân dân. Chính là người đàn ông trước mặt anh chịu trách nhiệm về khâu này.

“Tôi đau bụng, đi ngoài có một chút thôi. Ai dè! Cô ấy chết tay còn nắm cứng tờ giấy này!” Người đàn ông thở hắt ra sau câu nói. Thuận muốn nhảy lên bóp cổ hắn, nhưng anh đứng im. Chính anh ra lệnh thực hiện cái bẫy để tiêu diệt Tấn, kẻ thù của nhân dân, như anh đã tuyên bố trong buổi họp cuối cùng với nhóm thuộc hạ ở địa phương. Anh cảm thấy đau nhói như thể có một ngọn chông nhọn hoắc đang xuyên vào hạ thể lên đến bụng dưới. Chông ba cạnh sắc lẻm, được chuốt từ cật tre đặc ruột, lún sâu vào cơ thể nạn nhân ngọt xớt. Mỗi cử động dù nhỏ đến đâu cũng làm ngọn chông đâm vào sâu hơn, những dăm tre sẽ gây ra cái cảm giác nhói buốt rợn người bên cạnh cơn đau xé ruột xé gan đến từ cây chông tre. Và Xuyến của anh đã chết như vậy đó, tay nắm chặt cái vỏ bao thuốc có thủ bút của anh! Nếu mà anh có thể biết được Xuyến đã nghĩ gì vào lúc đó!

“Ông Tấn không về hôm giỗ mẹ...”. Người đàn ông kể tiếp. Tất nhiên là Tấn không về. Con gà nòi Điện Hồng mưu lược không dễ dàng gì mắc phải cái bẫy do chính mình giương ra. Thuận không hề có ý định sát hại Tấn, người em kết nghĩa và là anh ruột của người yêu. Cái hầm chông bên cạnh ngôi mộ của mẹ Tấn chỉ là cái cớ. Không khó khăn gì để Tấn hiểu ra tại sao Thuận có mặt ở vùng kiểm soát của anh. Mục tiêu chính là Tấn, và Thuận phải là người triệt hạ mục tiêu, không còn cách nào khác. Việc Thuận bại lộ tung tích buộc anh phải rời vùng kiểm soát của Tấn tức khắc, và những ngọn chông tre ba khía chứng minh quyết tâm của anh. Một lối thoát tuyệt hảo, và chính là Tấn đã cho anh cái cơ hội đó. Chỉ có một việc cả hai đều không nghĩ tới, Xuyến! Thuận có thể hiểu được nỗi đau đớn và phẫn nộ của Tấn, trong đó nhất định có niềm ân hận mênh mông về cái ý nghĩ chính anh cùng Thuận là thủ phạm của cái chết đau thương của người con gái mà cả hai yêu quí vô cùng. “Ông ấy lồng lên như con hùm xám...”. Tấn trở nên hung dữ như hùm xám, độc ác như rắn cạp nia, và quỷ quyệt như chồn đèn. Những ngày tháng sau đó là cơn ác mộng của hạ tầng cơ sở địa phương. Tấn đã gây nhiều tổn thất trầm trọng cho đối phương. Vào năm kế tiếp, đến phiên Tấn chết dữ dằn trong một cuộc đột kích táo bạo của phe Thuận, cũng dữ dằn như những cái chết anh gây ra cho họ.“Ông ấy không giết tôi vì tôi có công mang cô Xuyến về quận. Hơn nữa, ông Tấn muốn tôi giao lại cho ông cái món đồ khi nãy”. Thuận không còn muốn nghe thấy gì nữa!

Ít lâu sau đó, Thuận bắt đầu thấy lại Xuyến trong chiêm bao mỗi đêm. Thuận không chắc những giấc mơ có thực giống nhau không, nhưng anh luôn luôn có cái cảm giác là mình đã sống qua những điều đang xảy ra trong giấc mơ ở một nơi nào khác trước đó. Trong những giấc mơ mà anh thấy hằng đêm, anh không thể nào đến gần Xuyến. Luôn luôn có một điều gì đó ngăn cản hai người đến gần nhau. Có khi là những mũi chông tre ba cạnh bén ngót cứ mọc dài ra mãi từ mắt, từ mũi, từ tóc, từ tai Xuyến, và tiếng thét đau đớn của cô làm Thuận giật mình thức giấc. Có khi là ngọn lửa từ đâu kéo đến, vẽ nên hàng chữ Ruby Queen chập chờn quấn lấy Xuyến, cô bốc lửa và cháy bùng lên như cây đuốc. Có khi là Tấn hai tay vung vẫy hai khẩu súng ngắn bóp cò nổ đoàng đoàng. Và Thuận cứ phải thức giấc trước khi được phân giải với Xuyến một lời! Không phải là Thuận chưa hề trải qua những cơn mộng dữ trước đó. Trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh, anh đã nhiều lần chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp, những cái chết quái đản của đồng đội và của đối phương. Anh cũng đã nhiều lần chịu trách nhiệm về cái chết của những người khác, những người mà anh trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc lên án, xét xử, và hành quyết. Nhưng anh chưa hề biết đến niềm ân hận lớn lao đeo đuổi anh từng giờ từng phút như hiện giờ. Cái chết của Xuyến chỉ là một tai nạn, anh biết thế. Tai nạn vẫn xảy ra hàng ngày, kể cả trong thời bình, cả điều này anh cũng hiểu. Ngoài nỗi buồn vì mất mát người mình thương yêu, anh không nên để mình bị cắn rứt vì cái chết của cô. Anh muốn lắm, nhưng làm sao được?

Những cơn mộng dữ cứ đến mỗi đêm, và Thuận vẫn không có được cơ hội nói cùng Xuyến một lời. Anh đâm ra sợ hãi. Anh không muốn ngủ, nhưng lại không thể không ngủ. Mà anh cũng không thể chia sẻ với ai về những giấc mơ dữ dội của mình. Người ta sẽ cho đó là triệu chứng của suy sụp về mặt tinh thần! Dần dần anh nhận ra một điều kỳ lạ: những gì anh nhìn thấy trong giấc mơ trở nên quen thuộc đến độ anh không còn cảm thấy khó chịu nữa. Chính cái việc anh phải nằm mơ làm anh khó chịu. Anh đâm ra thù ghét những giấc mơ, tất cả những giấc mơ. Anh không muốn có một giấc mơ nào hết. Nhưng anh cứ phải nằm mơ, những giấc mơ với nội dung tương tự, hàng đêm, hàng tháng, hàng năm.

Một buổi sáng anh thức dậy, lòng vô cùng hoang mang. Giấc mơ đã không đến đêm qua. Không có gì đến với anh trong giấc ngủ đêm qua. Anh cũng không chắc mình đã thực sự có một giấc ngủ! Nhưng tất cả những điều chung quanh anh cho biết anh đã trải qua một đêm yên lành. Anh lên giường lúc mười giờ đêm, và bây giờ những tia nắng đầu tiên ngoài kia có thể được nhìn thấy sau khe hở của màn cửa. Chiếc đồng hồ báo thức ở chiếc bàn đêm chỉ sáu giờ bốn mươi, và bản tin buổi sáng đang vọng ra từ chiếc máy thu thanh của nhà hàng xóm. Nhưng anh đã không có một ý niệm nào về khoảng thời gian dành cho giấc ngủ. Cứ như bị thuốc mê! Chợp mắt, mở mắt, và không có gì ở giữa hai động tác đó! Điều anh thù ghét- những giấc mơ- đã không còn ám ảnh anh nữa, nhưng điều này chẳng làm anh vui hơn chút nào. Mà anh cũng chẳng than phiền gì được, chẳng phải chính anh đã mong muốn không còn bao giờ phải nằm mơ nữa hay sao?

Từ đó về sau, đời sống của Thuận là một chuỗi dài của những ngày nối kết nhau, bởi vì những giấc ngủ chỉ còn là một hoạt động thuần túy sinh học, không để laị trong anh một khái niệm nào về sư hiện hữu của chúng. Trên một nghĩa nào đó, đời sống của anh bị rút ngắn lại, bị dồn nén, bị cắt đi. Nhưng đồng thời điều này cho anh sự liên tục trong những suy nghiệm về những vấn nạn của đời sống. Anh có thể nghĩ ngợi về cùng một điều trong nhiều ngày liên tiếp, bởi vì không có gì chen vào giữa những mốc thời gian đó. Trong những năm tháng kỳ lạ này, anh thăng tiến rất nhanh và tạo được sự kính nể của những người chung quanh. Nhưng anh không cảm thấy hào hứng bao nhiêu. Thực ra, trong thâm tâm, anh lạnh nhạt với tất cả những thành tựu của mình. Anh vẫn nhớ về Xuyến với niềm tiếc hận lớn lao, và những cơn đau buốt lòng bây giờ đã trở nên một phần không rời của đời anh.

V ào một buổi chiều anh chợt nghe tiếng chim gáy. Anh mới vừa về đến cổng nhà sau một ngày quần quật ngoài cánh đồng trồng dâu cạnh bờ sông. Tiếng gáy rụt rè, thiếu tự tin phát ra từ nhà bếp, nơi có chiếc lồng tre nhỏ tự tay anh đan cho Xuyến. Con chim non nay đã trổ lông cườm, những đốm đen tròn đỏm dáng viền quanh cái ức màu xám lợt. Xuyến đứng bên cạnh, ngắm say mê, mái tóc “bôm bê” ngày nào nay đã dài chấm vai, che hết một bên chiếc má có lúm đồng tiền xinh xắn. Cô quay lại nhìn anh mỉm cười, và ngay lúc đó, Thuận biết mình đang nằm mơ. Thực là một cảm giác kỳ lạ, ý thức được rằng mình đang nằm chiêm bao ngay giữa cơn mơ. Giấc mơ thầm kín nhất, bí mật nhất, không dám thổ lộ cùng ai, không dám cả thừa nhận bởi chính mình. Cái ước mơ trong đó lần chia tay cùng Xuyến ở khu vườn mít cạnh bờ sông Cái đã không hề xảy ra, những năm tháng gian truân, những cái chết của người bên này hay bên kia, những cây chông tre ba khía bén ngót, tất cả đều không hề xảy ra. Tất cả đều không cần thiết phải xảy ra. Chỉ có cánh đồng dâu xanh um và con chim non với tiếng gáy đầu đời bỡ ngỡ. Và Xuyến tóc chấm vai nhìn anh cười dịu dàng. Thuận quyết định không ra khỏi giấc mơ của mình, giấc mơ mà sau cùng anh đã tìm thấy, cái giấc mơ như một phủ định mọi ý nghĩa gán ghép cho những biến cố đã xảy ra cho đời anh trong mấy chục năm qua. Và bằng một cách nào đó không thể giải thích được, anh đã toại nguyện.

Tin Thuận qua đời được loan báo rộng rãi trên hệ thống truyền thông cả nước ngày hôm sau. “Sự ra đi của ông là một tổn thất không nhỏ cho công cuộc đổi mới của đất nước”. Bản tin đã chấm dứt như vậy. Không có lời nào đề cập đến giấc mơ sau cùng của Thuận. Có thể không ai biết đến một giấc mơ như vậy. Có thể những giấc mơ như vậy không nên được biết đến.