Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

HỎI CHUYỆN NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Nhà báo Dương Phương Vinh

1. Dương Phương Vinh:

Lê Minh Khuê viết “thù hận làm đời ta ngắn lại” (trong truyện vừa “Nhiệt đới gió mùa”, nói về những vết thương lòng trong cuộc chiến tranh vừa qua).

Còn anh viết:

Vợ chồng cãi nhau

Rồi lại làm hòa

Bạn bè ghét nhau

Rồi lại làm hòa

Các nước đánh nhau

Rồi lại làm hòa

Chỉ riêng chúng ta

Là làm ngược lại.

Thơ của anh có một mảng quan trọng về hòa giải?

Nguyễn Đức Tùng:

Đôi khi đọc lại thơ mình, tôi thấy trong đó có sự tha thứ. Tinh thần cốt lõi của hòa giải là tôn trọng sự thật và tha thứ. Tha thứ cho người khác và cho chính mình. Tất cả chúng ta đều từng có lúc phạm lỗi lầm, đối với người này hay người kia, phía này hay phía khác. Thật khó khăn để đi tìm sự thật, đối diện với nó, nhìn kỹ khuôn mặt mình trong gương, một khuôn mặt không toàn hảo. Nhưng nếu một người hay một dân tộc vượt qua được sự khó khăn này, tập nhìn sự vật từ góc nhìn của người khác, họ sẽ đến được với khả năng tha thứ. Đó không phải là một quyết định trong một lúc, đó là một tình trạng, một cảnh huống. Tôi tin rằng ai đã đến được tình trạng ấy, sẽ sáng suốt hơn, trưởng thành hơn. Một dân tộc đến được cảnh huống ấy sẽ đi một bước dài trên con đường tiến hóa.

Tôi có hai người bạn thân cùng xóm, họ là anh em ruột, người em học cùng lớp, người anh trên một lớp. Sau năm 1972 người anh vào Nam đi lính Thủy quân lục chiến, người em ở lại trở thành đội trưởng du kích. Cả hai đều tham gia trận đánh tại thành cổ Quảng Trị, tất nhiên là ở hai chiến tuyến, và đều tử trận. Chị có nghĩ rằng nếu còn sống, hai người bạn ấy của tôi sẽ có mong ước hòa giải với nhau, trở về bắt tay nhau, ôm lấy nhau mà khóc, hay không?

Tôi nghĩ là có.

Ở đây hình như hai chữ hòa giải chúng ta hay dùng chưa diễn tả hết đòi hỏi sâu xa của tình tự dân tộc.

2. Dương Phương Vinh:

265 câu hỏi của anh trong “Đối thoại văn chương” được Vũ Quần Phương đánh giá là những câu hỏi rất tế nhị nhưng cũng rất truy kích. Và anh rất biết cách truy kích đến đâu là vừa. Còn Nguyễn Quang Thiều lại cho rằng anh vẫn hơi tế nhị quá, đang đà truy kích thì lại dừng vì lo âu cho Trần Nhuận Minh và những điều khác. Anh Thiều và Nguyễn Trọng Tạo muốn anh phải đập vỡ hơn nữa những cấn cái, phải đi tới tận cùng, bóc tới lõi của củ hành. Có lẽ “bóc” nữa sẽ rất khó nhiều bề, như thế này là cũng là ghê lắm rồi?

Nguyễn Đức Tùng:

Tôi nghĩ cuộc hội thảo ngày 1 tháng 3 tại L’Espace, dưới sự điều khiển của quý vị Chu Hảo và Phạm Xuân Nguyên, đã diễn ra tuy thân mật nhưng rất sôi nổi. Tôi cám ơn các anh chị đã đóng góp nhiều ý kiến khác nhau, có khen có chê, thậm chí có lúc đối nghịch, nhưng thật chân tình. Đúng là không khí tranh luận học thuật mà tôi mong đợi, chỉ tiếc là ít thời gian. Như chị nói, nhà phê bình Vũ Quần Phương đã chỉ ra tính chất cuộc đối thoại, đó là sự đi tìm rất xa, mà anh gọi là truy kích, các sự thật của cá nhân và cộng đồng. Sau khi lắng nghe những nhận xét của các anh Dương Tường, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thanh Giang, Đỗ Lai Thúy, Đặng Thân, Ma Văn Kháng, Trần Đăng Khoa, Châu Hồng Thủy, tôi cũng nhận ra rằng lẽ ra phải “đập vỡ hơn nữa” những lớp vỏ bọc sự thật, đối lập và so sánh nhiều hơn.

Tôi cũng nhớ ý kiến độc đáo của anh Nguyễn Thụy Kha cho rằng, mới đầu thì anh không ủng hộ nhưng về sau lại thấy cuốn sách là công việc cần thiết, Trần Nhuận Minh là cánh cửa đúng cần gõ vào của nền văn học chính thống, mặc dù cuốn sách còn nhiều bộn bề.

Các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và Hữu Thỉnh đã nhấn mạnh đến sự gợi mở của cuốn sách đối với công việc giao hòa, đối thoại, cảm thông giữa trong nước và ngoài nước và các phía khác nhau của lịch sử. Tôi cũng tin rằng cuốn sách của chúng tôi, nếu còn thời gian và trong điều kiện xuất bản bình thường, còn có thể làm cho cô đọng hơn nữa. Nói cho cùng tuy là tác phẩm chung, nhưng khuyết điểm của cuốn sách bao giờ cũng thuộc về người phỏng vấn, tức là tôi, người dẫn chuyện và biên tập.

Nguyễn Đức Tùng, Du Tử Lê, Lena Nguyễn, 2012, California, USA

3. Dương Phương Vinh:

Anh rất coi trọng sự hài hước, điều mà nhiều nhà văn Việt Nam còn thiếu?

Nguyễn Đức Tùng:

Trong bất kỳ tấn bi kịch nào, cũng đều có ít nhất một vở hài kịch. Ngoài đời tôi là người hài hước, có lẽ vì vậy mà thơ cũng… hơi hơi có tính chất ấy. Nhiều người nghĩ rằng hài hước trong văn học là sự giải trí, phần phụ thêm vào, nhưng thật ra hài hước là một hoạt động tinh thần, và về mặt sinh lý học, là một trong những mắc xích quan trọng của quá trình thao diễn thông tin. Chủ nghĩa hậu hiện đại cũng nhấn mạnh đến tính hài hước, bao gồm giễu nhại (parody), mô phỏng (pastiche), nhưng không giới hạn trong các kỹ thuật ấy. Trong văn học, sự hài hước thường được thực hiện thông qua nhân cách hóa. Nhân cách hóa là phương pháp được dùng nhiều trong ngôn ngữ hình ảnh và ít được dùng hơn trong ngôn ngữ thông tin.

Tính chất hài hước diễn ra như thế này:

- Bạn tin rằng một điều gì đó là hoàn toàn đúng.

- Bạn gặp phải một sự kiện chứng tỏ niềm tin ấy không đúng lắm. Bạn đau khổ.

- Thực tế là niềm tin của bạn hoàn toàn sai. Bạn càng đau khổ hơn nữa.

- Khi nhận thức được như vậy, bạn liền phá vỡ định kiến ấy. Có một niềm vui thú lạ lùng của người tìm ra được sự thật, và tìm lại được chính mình.

- Khác với bạn, có một số người không chịu đựng nổi sự đau khổ nói trên, vì vậy họ không thể phá vỡ được định kiến. Sự sai lầm không được thú nhận, vì không thể chịu nổi.

Những người không có tính hài hước rất khó thay đổi niềm tin. Các nhà khoa học lớn đều có tính hài hước. Các nhà độc tài thì ngược lại. Vì vậy họ dễ mê lầm. Trong các bức ảnh tôi chưa thấy Polpot cười bao giờ, trừ một lần ra phi trường Phnom Penh tháng tư năm 1979 đón phái đoàn cố vấn cấp cao Trung quốc. Ai cũng biết Trung Quốc là thầy của bọn diệt chủng.

HÒA GIẢI DÂN TỘC

Anh giận vợ

Ném cái ly xuống sàn

Vỡ tan từng mảnh

Khi anh về

Chúng đã được dọn rồi

Anh thở phào

Đi tìm cái chổi.

3. Dương Phương Vinh:

Và cả chất suy tưởng triết học trong thơ nữa? Còn ngôn ngữ đẹp thì đương nhiên. “Chữ bầu lên nhà thơ” (Lê Đạt).

Nguyễn Đức Tùng:

Chị nói đúng, có lẽ tôi coi trọng chất suy tưởng triết học trong thơ. Như Cavafy, Frost, Stevens hay Milosz. Thơ một số tác giả Việt Nam mấy chục năm gần đây như Tô Thùy Yên, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Ngu Yên, Nguyễn Quang Thiều, Thường Quán, Chân Phương, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Quyên, Lê Vĩnh Tài và những người khác, cũng có tính chất triết học ấy.

Cần chú ý rằng thơ có chất suy tưởng triết học khác với loại thơ triết lý như của Chế Lan Viên trước đây.

Cũng vậy, thơ vốn có tính nhận thức (cognitive) nhưng lại không có tính khái niệm (conceptual).

GIÃ TỪ

Cuối năm một con chuột trò chuyện với tôi

Gác đuôi lên thành ghế.

Nó ngậm ngùi: hãy thương tiếc ngày qua

Tôi bảo: tôi biết rồi.

Nó hỏi: bạn biết gì

Tôi bảo: bạn sắp sửa đi xa.

Nó nói: bạn lầm rồi.

Bạn sắp sửa đi xa.

4. Dương Phương Vinh:

Cách đây nhiều năm nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã để cho nhân vật của ông suy nghĩ thế này vào thời khắc tháng 4/ 1975: “Hy vọng đây là lần đổ máu cuối cùng. Để lại sống trong hòa thuận. Bởi vì chẳng bao giờ một người đánh cá Phan Thiết lại nghĩ phải đi giết chết người thợ sơn tràng Bắc Giang và ngược lại”. Thế nhưng tiến trình hòa giải sau gần 40 năm vẫn chỉ là nhúc nhích? Có lẽ đành phải nhờ vào các nhà văn - những người từng làm được cuộc hòa giải Việt - Mỹ bằng văn chương?

Nguyễn Đức Tùng:

Tôi đã đi với Dương Tường, Nguyễn Thụy Kha, Trần Thị Trường, Nguyễn Đăng Mừng, Khánh Phương xuống thăm nhà văn Bùi Ngọc Tấn, và khi trò chuyện tôi tin rằng nhà văn lớn của chúng ta thành thật nghĩ như nhân vật của ông. Hàng triệu người Việt chúng ta cũng nghĩ như thế. Ai cũng muốn hòa bình, sum họp, đoàn viên. Dân tộc chúng ta đã mất mát, đổ máu, đau thương quá nhiều. Nhưng trên thế giới từng có thứ hòa bình công lý, vì vậy mà bền vững, và hòa bình không công lý, có tính cưỡng bách, vì vậy mà không bền vững.

Hòa giải tuy khởi đầu từ sự thật và công lý, nhưng lại vẫn có thể đi trước một bước để mở ra những sự thật khác. Vì vậy, tôi nghĩ, bước đầu, vai trò của nhà nước hiện nay là rất lớn. Vì hòa giải chính trị là hòa giải cao nhất. Trước đây, một số nhà văn nhà thơ trong nước và hải ngoại đã làm, họ rất cô đơn, nhưng về lâu dài, tôi tin rằng số lượng của họ sẽ nhân lên, họ sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa.

Hòa giải thực sự là khi bạn bắt đầu biết yêu thương một người xa lạ, người ấy đã từng có lúc chính là bạn.

Như thế thì, tôi nghĩ, đó phải là công việc vui nhất của một dân tộc, của một đời người. Phải không?

SAU CHUYẾN NGHỈ HÈ

Sau chuyến nghỉ hè xa

Về đến trước nhà, tôi ngạc nhiên

Thấy ánh sáng hắt lên từ cửa sổ

Nhà đầy người

Tôi đứng im trong tối

Nhiều người ngồi quanh bàn

Vung tay tranh luận

Những người khác đi dọc bờ sông

Tìm kiếm, nơi họ bị đuổi bắt

Bị lạc đường, bị bịt mắt đem đi

Một người ngồi ở góc nhà

Thắp ngọn đèn hạt đỗ

Lần dở những trang sách cũ ố vàng

Có người đấm ngực thở dài

Vì đã ngồi quá lâu trên ghế

Có kẻ hối hận ăn năn

Vì đã nằm suốt đêm trong bụi rậm

Phục kích đứa em trai của mình

Tôi đứng nín thở, chờ họ tắt đèn

Một người với tay ra ngoài khép cửa sổ

Cánh tay dài như cây cọ

Tôi bước vào nhà: không có ai

Trên bàn ăn

Chỉ còn lọ tiêu và lọ muối

Không ngớt rung lên

Cụng trán vào nhau

5. Dương Phương Vinh:

Công phu của Nguyễn Đức Tùng qua “Thơ đến từ đâu”, “Đối thoại văn chương” có thể gợi ý cho nhiều nhà văn và nhà phê bình, mở ra một hướng mới khiến bạn đọc quan tâm đến đời sống văn nghệ hôm nay hơn?

Bởi hình thức này không mới nhưng lại chưa được phát huy ở Việt Nam, khác hẳn Trung Quốc rất phong phú: Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê (Vương Sóc đối thoại với Lão Hiệp), Đối thoại với Trương Nghệ Mưu vân vân…?

Nguyễn Đức Tùng:

Nói về công việc phỏng vấn, để mở đầu, xin chị đọc mẩu đối thoại sau đây của nhà thơ Marianne Moore, dẫn theo Donald Hall:

- Marianne Moore: Nhà hát là hình thức giải trí lý thú, và đó là sở thích tuyệt vời nhất của tôi.

- Người phỏng vấn: Thưa bà, thế bà có thường tới đó không?

- Marianne Moore: Không. Chưa bao giờ.

Phỏng vấn trong văn học đã có từ lâu, nhưng ở phương Tây vài chục năm qua, thể loại này phát triển mạnh vì nhiều lý do. Song song với hiện tượng talk show dành cho các nhân vật nổi tiếng. Phỏng vấn văn học là thể loại liên ngành giữa văn học và báo chí, trong đó có thể tìm thấy phần nào ba yếu tố: (1) nghiên cứu và phê bình văn học; (2) báo chí; (3) sáng tác, đặc biệt là hồi ký, giai thoại, tùy bút. Nhà văn Đặng Thân khi nhận xét về cuốn “Thơ đến từ đâu” trước đây, đã dùng chữ “quite connects”, theo tôi chữ của anh có thể dùng để chỉ chức năng của phỏng vấn văn học, là nối kết những người làm văn học với nhau và với độc giả, và như chị nói, khiến bạn đọc quan tâm hơn đến đời sống văn nghệ hôm nay. Trong các phỏng vấn hay đối thoại, nhà nghiên cứu có thể tìm thấy những tài liệu rất quý về một thời kỳ văn học, một giai đoạn của lịch sử nước nhà, nhiều khi không thể tìm thấy ở nơi khác.

Trong thời gian thường trú phân tâm học, tôi làm quen với một số kỹ thuật phỏng vấn mà tôi nghĩ là có thể áp dụng thích hợp cho văn học nghệ thuật. Vì vậy khi thực hiện phỏng vấn, tôi quan tâm đến các chủ đề hơn là tên tuổi tác giả, không có nhiều câu hỏi đã chuẩn bị sẵn, cố gắng loại bỏ các định kiến ban đầu, trông đợi rất nhiều vào các liên kết tự do, các ngẫu hứng bất chợt và tại chỗ. Tình hình khó khăn hơn khi làm việc qua điện thoại hay thư từ, và dễ hơn nhiều khi đàm thoại trực tiếp. Tôi muốn tìm kiếm ở các cuộc trò chuyện không khí sống động và sôi động của một thời đại, các thói quen tốt và xấu của một cá nhân, những bí mật nghề nghiệp, những giây phút hạnh phúc và yếu đuối trong đời họ, những khó khăn mà họ đã gặp phải và muốn chia sẻ với độc giả. Bên cạnh sự đồng cảm, đôi khi tôi cũng gặp những phản ứng khó chịu của người được và bị phỏng vấn, những bức tường im lặng. Tôi tin rằng các cuộc trò chuyện ấy gợi lên ở người đọc lòng yêu mến đối với văn chương, gợi lên ở các nhà văn mới viết sự tò mò, khích lệ, giúp họ bớt cô đơn: à thì ra, cũng có những người bất lực và đau khổ như ta trước trang giấy trắng.

Không phải bao giờ tôi cũng thành công, nhưng khi công việc trôi chảy, một cuộc trò chuyện đem lại phần thưởng tinh thần vô giá, đem lại cho tôi bài học mà người được phỏng vấn có khi không biết, và nhiều năm sau đọc lại, tôi vẫn còn muốn lặng lẽ úp trang sách vào ngực mình, cảm nhận thứ hơi ấm bổi hổi bồi hồi của tình bạn văn chương và của tình đồng bào.

Dương Phương Vinh:

Cảm ơn anh.