Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

HAI KHÚC MẮC “KHÓ HIỂU” CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ SỚM

Nguyễn Đức Dương

Hai khúc mắc ấy là:

(1) Vì sao không ít người, thậm chí cả các nhà báo tiếng tăm, như Lại Văn Sâm chẳng hạn, vẫn cứ lẫn lộn tục ngữ [TN] với thành ngữ mà chúng ta cứ phải nghe vào mỗi tối Thứ Ba hằng tuần trên VTV3, khi theo dõi chương trình “Ai là triệu phú?” và

(2) Lí do nào đã khiến mãi tới nay, con em ta vẫn chưa thể kế thừa được cái di sản TN mà cha ông ta đã gầy dựng nên cho chính họ?

Mục đích chính của bài này là thử tháo gỡ hai khúc mắc khó hiểu vừa nêu. Trước tiên, xin đi vào khúc mắc đầu.

1.

Lẫn lộn TN với thành ngữ đang là chuyện “cơm bữa” ở quá nhiều người, nhiều giới, tới độ có nhà nghiên cứu văn thơ truyền miệng tên tuổi (như Triều Nguyên chẳng hạn) phải gọi đó là “quốc nạn” (xin x. Triều Nguyên (2006:19). Phân biệt thành ngữ và tục ngữ bằng mô hình cấu trúc. T/c Ngôn ngữ, số 5).

Thế đâu là lí do khiến tới tận giờ họ vẫn chưa thể phân biệt nổi đâu là TN, tuy đã từ rất lâu ai cũng biết mười mươi rằng mỗi đơn vị ấy, dù ngắn tới đâu cũng phải là câu, như học giả Vũ Ngọc Phan (1978 [1956]: 36-37) từng chỉ rõ cách nay hơn bảy tám thập niên! Và chuyện ấy e còn tái diễn dài dài tới khi nào giới Việt ngữ học ở ta phổ cập được rộng khắp một định nghĩa đủ ngắn, đủ dễ nắm bắt và đủ dễ vận dụng vào thực tế, như nhà ngữ học Cao Xuân Hạo (1991:72) từng đưa ra cách nay hơn một thập kỉ:

“Câu là mệnh đề [hay nhận định] được thể hiện bằng ngôn từ thực hiện ngay lúc nó [mệnh đề (hay nhận định) ấy] phát ra”.

Thực vậy, chỉ cần giúp mọi người nhận biết chóng vánh và chuẩn xác biểu thức ngôn từ nào là câu thì ngay cả trẻ lên bảy, lên tám cũng có thể cho biết tức thì nó có phải là TN không. Và thế là, cái “quốc nạn” kia lập tức hết đất sống!

Rồi tới lúc bấy giờ, câu chuyện hẳn chỉ còn là do đâu mà mãi tới nay giới Việt ngữ học ở ta vẫn chưa đưa ra được cho mọi người Việt bình thường một định nghĩa giản dị tương tự về câu, tuy ở ta đã từng có tới cả chục bộ ngữ pháp, nào là của GS Nguyễn Lân, nào là của GS Diệp Quang Ban, nào là của GS Hoàng Trọng Phiến cùng bao cây đa cây đề khác nữa. Song chuyện ấy hẳn là đề tài của một bài khác, mà chúng ta nên sớm trở lại hễ có dịp.

2.

Bây giờ, chúng tôi xin đi vào chuyện kế tiếp: Điều gì đã khiến con trẻ ta mãi tới tận giờ vẫn chưa thể kế thừa được cái di sản TN mà ông cha ta từng tạo dựng cho chính họ?

Như chúng ta đều biết, TN là pho tập đại thành các tri thức, các kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đạo đức mà tổ tiên ta chắt lọc được từ thực tiễn qua bao đời nhằm truyền lại cho con cháu mai sau. Cái di sản bề thế và vô giá đó, tiếc thay, hiện vẫn nằm ngoài tầm với của con trẻ chung quy chắc chỉ vì họ vẫn chưa thể tự giải mã được các thông tin mà người xưa đã gửi lại trong ấy.

Vậy, để làm được việc đó, chúng ta cần giúp họ vượt qua những rào cản nào?

Theo thiển ý, trước mặt con trẻ ta hiện vẫn có bốn rào cản chính: (1) chưa thể tự làm rõ được nghĩa từ vựng của mọi từ ngữ hợp thành (do vốn từ của họ còn quá hạn chế trong khi TN lại đầy rẫy các từ cổ cùng từ địa phương!); (2) chưa thể tự làm rõ được mọi mối quan hệ cú pháp giữa chúng (do câu trong TN không được định hình theo khuôn Chủ – Vị đậm màu “dĩ Âu vi trung” [lấy châu Âu làm trung tâm], như Cao Xuân Hạo thường gay gắt chỉ trích hồi còn sống), mà được định hình theo khuôn Đề – Thuyết); (3) chưa thể đưa các đơn vị TN trở lại dạng nguyên vẹn ban đầu bằng cách tự phục dựng đúng và đủ các từ ngữ đã bị lược bớt khi cần chỉ ra đâu là nghĩa hiển ngôn của mỗi câu; (4) rồi để dựa vào đó, tự làm rõ nghĩa hàm ẩn của chúng (một khi câu còn có cả thứ nghĩa ấy nữa).

Thế, đâu là những phần việc cụ thể chúng ta có thể giúp họ?

(1) Làm rõ nghĩa từ vựng của mọi từ ngữ hợp thành mỗi câu, theo thiển ý, là phần việc đầu tiên nhất thiết phải làm bởi một lẽ hết sức giản dị: nghĩa từ vựng của mỗi từ ngữ là một viên gạch góp phần dựng nên nghĩa của toàn câu.

Đối với không ít người, việc này xem ra quá đỗi dễ dàng, nên rất hay bị họ bỏ qua. Chứng cứ? Nếu coi trọng, chắc chắn GS Lân đã chả tuỳ tiện “đổi” “TƠ” thành “TO” trong “Vịt già; gà ”, rồi cắt nghĩa bừa rằng: ‘Vịt già thì ăn được; còn gà thì phải to béo, chứ gà già thì thịt dai’ (Nguyễn Lân 1989:311).

Có soạn giả còn chả buồn truy tìm xem KẸN và HOM trong “Già kén kẹn hom” nghĩa là gì, nên cũng đã giảng liều rằng: “Nói trường hợp kén chọn kĩ quá để đến nỗi tình duyên lỡ làng, cuối cùng có thể gặp cảnh không như ý”, như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã làm[1].

Thậm chí còn có soạn giả chả thèm đếm xỉa gì tới khía cạnh ấy cả khi cắt nghĩa câu “Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại”, mà chỉ giảng gọn lỏn: “Quan niệm trọng nam khinh nữ”, như nhà giáo Vũ Dung cùng cộng sự (1995:27) từng xử trí trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của họ.

Giá coi trọng hơn khía cạnh ấy, hẳn chúng ta đã có thể hợp sức cùng giới giáo dục lên ngay cho con trẻ một danh sách các từ ngữ “khó” (vốn thường là các từ ngữ cổ, từ ngữ địa phương cùng địa danh) và ghi kèm theo đó những lời giải nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu, nhằm giúp họ dễ dàng vượt qua của ải này.

(2) Tiếp theo, xin chuyển sang rào cản thứ hai: làm rõ mối quan hệ cú pháp giữa các hợp phần tạo nên các đơn vị TN. Rào cản này thoạt nhìn tưởng đầy thách thức, do như đã nói, cơ cấu cú pháp của các đơn vị ấy, vốn không được khuôn định theo khuôn Chủ–Vị quen thuộc, mà lại được khuôn định theo khuôn Đề–Thuyết [Đ–T] hiện họ quá lạ lẫm.

Tuy nhiên, chỉ cần tập luyện cho HS chừng mươi tiết học là các em đang học lớp Bốn, lớp Năm cũng sẽ có thể dễ dàng làm chủ khuôn này, miễn là họ nhớ cho hai dấu hiệu hình thức đơn giản sắp nhắc: (a) có tới hơn 95% số câu trong kho TN Việt, phần Đ bao giờ cũng đi trước; còn phần T bao giờ cũng đi sau; và (b) giữa hai phần ấy bao giờ cũng được / có thể được phân định rành rẽ bằng ba từ: THÌ / LÀ và / MÀ (chẳng hạn, Gần mực THÌ đen ; gần đèn THÌ sángCon hơn cha nhà có phúc Ăn mày đòi xôi gấc ; ăn chực đòi bánh chưng, v.v. và v.v.).

Nói khác đi, vượt qua rào cản thứ hai hoá ra lại quá dễ dàng, tới độ ngay cả trẻ lên chin, lên mười cũng có thể dễ dàng vượt được, miễn đầu óc họ bình thường (tức nói sõi tiếng mẹ đẻ).

Tới đây, chắc hẳn đã có thể chuyển sang khâu thứ ba.

(3) Thực tế cho thấy: nắm được nghĩa từ vựng và mối quan hệ cú pháp giữa các từ ngữ trong câu mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải điều kiện đủ, để có thể tự giải mã hữu hiệu, bởi một lẽ hết sức giản dị: ít thấy thể loại văn thơ truyền miệng nào lại chuộng lối diễn đạt rút gọn (tức tỉnh lược) phổ biến và rộng khắp tới độ ấy.

Đó là lí do khiến ta nhất thiết phải phục dựng đúng và đủ các từ ngữ đã bị lược bớt (tức trả câu về lại cái dạng đầy đủ ban đầu, khi chưa bị lược bớt bất cứ hợp phần nào).

Tiếc thay, đây lại là công việc thường đòi hỏi người phục dựng phải đủ “trải đời”, hiểu theo cái nghĩa là phải tích góp được một vốn hiểu biết đủ dày về nếp cảm, nếp nghĩ của dân thôn dã. Đây quả là một thách thức đáng kể đối với con trẻ ở độ tuổi “ăn chưa no; lo chưa tới”, nhất là với các cô cậu quen sống từ bé ở các đô thị lớn và hiện phải tối mắt tối mũi cả tuần với bao bài vở cả ở trường, lẫn ở nhà, nên chả còn đâu thì giờ để học hỏi thực tế cuộc sống dân dã nữa.

Nói cho công bằng thì chả riêng gì con trẻ, mà ngay cả các các bậc khả kính từng lăn lộn nhiều năm trên trường văn trận bút cũng đã phải trả giá khá đắt khi phải đối mặt với các thách thức loại này. Mời bạn đọc lướt qua vài dẫn liệu sau, để thấy thêm những gì họ đã phải trả.

Chẳng hạn, do quen với nếp sống đô thị và ít có dịp làm quen với nếp cảm, nếp nghĩ dân dã, GS Lân (1989) đã giảng câu “Rắn mai tại lỗ ; rắn hổ về nhà” là: ‘(Mai là mai gầm, hổ là hổ mang) Nhận xét cho rằng rắn mai thường ở trong hang; còn rắn hổ thì hay ra ngoài’, trong khi theo giới bắt rắn nhà nghề, nội dung câu ấy lại là: ‘Bị mai gầm cắn, nạn nhân thường mất mạng ngay tại lỗ (= cửa hang của nó); bị hổ mang cắn, nạn nhân thường có thể lê về tới nhà mới tắt thở’.

Tương tự, do ít đi sâu tìm hiểu nếp sống dân dã thời trước, GS Ý (trong Đại từ điển tiếng Việt (1999) mà chính ông chủ biên) đã giảng liều câu “Chết sông, chết suối, chả ai chết đuối đọi đèn” là: ‘Thà phải đương đầu với khó khăn lớn lao, chứ không chịu thất bại trước các đối tượng tầm thường’, trong khi theo dân gian, nội dung câu này vốn chỉ là: ‘Chỉ thấy người ta chết đuối dưới sông, dưới suối, chứ chưa hề thấy ai chết đuối trong đọi [= bát] dầu vẫn dùng làm đèn [và hay được viện đến để chứng giám cho các lời thề]’.

(4) Bây giờ, chúng tôi xin bàn sang khâu cuối: làm rõ nghĩa hàm ẩn của câu,– thứ nghĩa vốn không lộ rõ trên văn bản / ngôn bản, nhưng vẫn thấu tới người đọc / người nghe nhờ một phép suy diễn [logich] dựa trên nghĩa hiển ngôn.

Dù thế, chúng ta vẫn không được quyền thờ ơ với nó do trong khá nhiều trường hợp đây lại là điểm ý vị nhất mà người xưa muốn gửi tới cho con cháu mai hậu.

Chẳng hạn, nghĩa hàm ẩn của “Chết sông, chết suối, chả ai chết đuối đọi đèn” là: ‘Đừng tin vào các lời thề, ngay cả lời thề độc, vì độ xác thực của chúng nhìn chung cực thấp’. Còn của câu “Nắng đan đó; mưa gió đan gàu” là : ‘Có phòng bị sẵn mới dễ bề trở tay khi tình thế thay đổi’ do nghĩa hiển ngôn của nó là: ‘Khi nắng ráo vẫn nên đan sẵn đó (để có cái mà đơm khi mưa xuống); khi mưa gió vẫn nên đan sẵn gàu (để có cái mà tát khi khô hạn)’.

Tương tự, nghĩa hàm ẩn của “Xanh nhà hơn già đồng” là: ‘Một món lợi nhỏ, nhưng chắc ăn vẫn quý giá hơn các món lợi lớn nhưng còn xa vời’; bởi lẽ nghĩa hiển ngôn của nó chính là: ‘Lúa tuy còn xanh, nhưng đã gặt về nhà vẫn chắc ăn hơn là lúa đã già nhưng còn ở ngoài đồng’.

Tóm lại, dù nói gì chăng nữa thì mấy phần việc vừa nêu ở hai khâu cuối rõ ràng đã vượt quá xa năng lực tự giải mã của con trẻ một khi họ chỉ tuổi họ vẫn đang ở độ chưa đủ “chín”.

Rốt cục, lối thoát duy nhất chắc chỉ còn là: hãy sớm bắt tay cùng giới giáo dục biên soạn gấp một bộ từ điển tục ngữ Việt khả tín dành cho HS. Và cuốn từ điển ấy chắc chắn sẽ là cánh tay phải của con trẻ, giúp họ dễ dàng kế thừa cái di sản quý báu mà tổ tiên ta đã tốn bao công tạo dựng.


[1] Trong khi nghĩa đích thực của câu ấy lại là: ‘Kén [tằm] mà để quá lâu [= GIÀ] trên [= Thứ đồ dùng thong dụng trong nghề tằm tang, vốn được kết nên từ các thanh tre mảnh (gọi là HOM) để làm chỗ cho tằm đóng kén] thường dễ bị dính chặt [= KẸN] vào HOM (khiến phải mất lắm công khi cần gỡ xuống để ươm)’.