Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

“VA CHẠM” VĂN HÓA ĐÔNG - TÂY VÀ SỰ HOÀI NGHI CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG TRONG TIỂU THUYẾT SỐ ĐỎ

(Xem xét tiểu thuyết Số đỏ dưới góc nhìn văn hóa-lịch sử)

Nguyễn Trọng Bình

1. Đặt vấn đề

NTBinhLâu nay, dưới góc nhìn xã hội học mác-xít, phần đông các nhà nghiên cứu khi bàn về nội dung, tư tưởng tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng thường gặp nhau ở một số nhận định mang tính khái quát như: Số đỏ“tấm gương phản chiếu” xã hội thành thị Việt Nam trong buổi giao thời; thông qua tiếng cười trào lộng, Vũ Trọng Phụng muốn “đả kích”, “châm biếm” sự “lố lăng”, “kệch cỡm”, “suy đồi”... của con người trong xã hội thành thị Việt Nam những năm 1930-1945. Từ đó nhà văn lên tiếng phê phán, “tố cáo” xã hội thực dân phong kiến “thối nát”, “mục ruỗng” lúc bấy giờ v.v và v.v..

Trên tinh thần kế thừa, tiếp thu thành tựu từ những người đi trước; đồng thời đặt Số đỏ trong tiến trình vận động, phát triển lịch sử và văn hóa dân tộc, chúng tôi mạo muội trình bày quan điểm cá nhân về những vấn đề có liên quan như vừa đề cập ở trên. Theo đó có có hai nội dung cụ thể mà chúng tôi muốn trình bày như sau:

Thứ nhất, Số đỏ - sự “va chạm văn hóa” Đông – Tây trong xã hội Việt Nam những năm từ 1930 đến1945.

Thứ hai, Số đỏ - sự hoài nghi của Vũ Trọng Phụng về vấn đề “văn minh” và “tiến bộ” của con người trong xu hướng đô thị hóa.

2. Số đỏ - sự “va chạm văn hóa” Đông – Tây trong nhận thức của người Việt những năm 1930-1945

Trước hết, “va chạm văn hóa” ở đây được hiểu như là sự “xung đột” trong nhận thức và hành động của con người trong mọi phương diện của đời sống văn hóa. “Va chạm văn hóa” Đông - Tây vì thế, xảy ra ở mọi quốc gia có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa vốn tồn tại nhiều dị biệt này. Đây có thể xem như một quy luật tất yếu trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa.

2.1 Quan niệm về quan hệ tính giao của con người – một ví dụ điển hình về “va chạm văn hóa” Đông –Tây trong tiểu thuyết Số đỏ

Do những khác biệt văn hóa, những vấn đề liên quan đến quan hệ tính giao của con người được xem là vấn đề rất “tế nhị”, “nhạy cảm” thậm chí là điều cấm kỵ không được công khai trao đổi, bàn luận ở những quốc gia vốn chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa phương Đông trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ở các nước phương Tây thì đây là vấn đề đã được khoa học lý giải và nhìn nhận; là chuyện rất đổi bình thường của tâm sinh lý con người.

Tiểu thuyết Số đỏ được mở đầu bằng sự gặp gỡ tình cờ giữa hai nhân vật một trẻ, một già là Xuân Tóc Đỏ và bà Phó Đoan trong một hoàn cảnh, tình huống rất đặc biệt: Xuân Tóc Đỏ bị cảnh sát bắt về tội “nhìn cô đầm thay đồ qua ổ khóa” được Bà Phó Đoan với “lòng thương người” đã bảo lãnh và mang về Xuân nhà riêng. Chính sự gặp gỡ này đã tạo ra bước ngoặt có tính “lịch sử” trong cuộc đời của Xuân Tóc Đỏ về sau. Từ đây Xuân Tóc Đỏ chính thức từ một thằng vô giáo dục, một kẻ “đầu đường xó chợ” kiêu hãnh bước vào “thế giới thượng lưu”; từ một tên “ma cà bông” lưu manh, thất học trở thành “vĩ nhân cứu quốc”...

Có thể nói, ở đây phải chăng Vũ Trọng Phụng đã có những “tính toán” rất kỹ khi mở đầu Số đỏ bằng chi tiết gặp gỡ rất tình cờ giữa hai kẻ “lẳng lơ” và “dâm đãng” như vậy? Phải chăng, ngay từ đầu Vũ Trọng Phụng đã nhận ra cái căn nguyên làm cho xã hội thành thị Việt Nam những năm 1930 trở nên sự xô bồ, kệch cỡm? Và cái căn nguyên ấy là do nhận thức và ứng xử văn hóa của người Việt trong đó, nổi bật hơn cả là vấn đề quan niệm về quan hệ tính giao của người Việt trong bối cảnh giao thời? Bởi lẽ, cần thấy rằng, trước khi “sắp xếp” cho Xuân Tóc Đỏ và bà Phó Đoan gặp nhau, Vũ Trọng Phụng cũng đã cung cấp cho người đọc cái lai lịch và nguồn gốc xuất thân của hai nhân vật này. Nếu như “tiền sự” của Xuân Tóc Đỏ là thuở nhỏ lúc “bác gái nó tắm, nó đã khoét một cái chỗ phên nứa để nhìn” thì bà Phó Đoan trong một lần đi xem Hội đình chiến đã bị một tên lính Tây cưỡng hiếp, về sau bà lấy chồng nhưng cả hai người chồng đều “kiệt lực, cạn lực, phải trốn xuống suối vàng” vì sự “chính chuyên” của bà.

2.2 Trường hợp nhân vật bà Phó Đoan

Để thấy rõ hơn vấn đề trên, sau đây chúng ta thử phân tích trường hợp nhân vật bà Phó Đoan qua cái nhìn trào lộng của Vũ Trọng Phụng trong tác phẩm này.

Có thể nói, trong chừng mực nào đó, xét trên tinh thần văn hóa và khoa học phương Tây có lẽ chúng ta cũng nên... thông cảm cho sự “lẳng lơ” của người phụ nữ này! Vì ngay như Vũ Trọng Phụng trong chương 19 của tiểu thuyết Số đỏ, (qua lời của nhân vật Đốc tờ Trực Ngôn diễn thuyết về vấn đề“đàn bà nạ giòng”) ít nhiều cũng đã bộ lộ quan điểm đó. Vũ Trọng Phụng lý giải sự “lẳng lơ” của bà Phó Đoan thực ra là những biểu hiện tâm sinh lý của người đàn bà bị chứng “ẩn ức” hay “khủng hoảng về tình dục” – vấn đề đã được khoa học phương Tây lý giải. Đây là sự chuyển biến tâm lý rất bình thường của bất kỳ người phụ nữ nào ở độ tuổi “hồi xuân”, vì “tạo hóa đã an bài như thế loài người ít ai cưỡng được”.

Ngoài ra, về sâu xa, nguyên nhân của những sự “ẩn ức” hay “khủng hoảng về tình dục” ở bà Phó Đoan là do lúc nhỏ bà bị cưỡng hiếp, sau nữa là vì hai ông chồng bà mất sớm (ở đây Vũ Trọng Phụng lý giải dựa theo thuyết phân tâm học của Freus). Chính những sự cố này đã gây ra những “chấn thương tâm hồn” cùng những nỗi ảm ánh về quan hệ tính giao trong cuộc sống thường nhật của bà Phó Đoan.

Tuy nhiên, nếu xét trên tinh thần văn hóa phương Đông của người Việt nhất là đặt nhân vật Bà Phó Đoan trong toàn bộ chỉnh thể nghệ thuật tiểu thuyết Sổ đỏ thì khó có thể thông cảm cho sự lẳng lơ của phụ nữ này được. Bởi lẽ, người đàn bà này có nguy cơ trở thành kẻ loạn luân (do đã ăn nằm với Xuân Tóc Đỏ dù biết Xuân Tóc Đỏ có khả năng sẽ lấy Tuyết, cháu gọi bà bằng cô). Đặc biệt, người phụ nữ này quá trơ trẽn và không biết xấu hổ khi nói về cái bằng “tiết hạnh khả phong” – cái danh hiệu theo tinh thần văn hóa người Việt chỉ dành cho những người phụ nữ “trung trinh tiết liệt”, nếu chẳng may chồng mất sớm thì phải thủ tiết thờ chồng cho đến hết đời. Vì thế, nhân vật bà Phó Đoan trong cái nhìn của Vũ Trọng Phụng là một me Tây suy đồi về mặt đạo đức với những biểu hiện như: dâm đãng, tham lam, háo danh và dối trá...

Đến đây, có thể nói do bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây trong buổi giao thời, một mặt bà Phó Đoan muốn sống trọn vẹn với tất cả những gì thuộc con người kể cả những nhu cầu bản năng một cách “thành thực” nhất. Mặt khác, là một phụ nữ Việt, sống trong môi trường và xã hội Việt dù muốn dù không bà Phó Đoan cũng phải chịu sự “giám sát” của những thiết chế “văn hóa truyền thống” về vấn đề trên. Trong hoàn cảnh như vậy thì sự “xung đột” hay “va chạm” giữa một bên là bản năng sinh lý – cái nhu cầu có thật của một người đàn bà góa chồng đang vào tuổi “hồi xuân” với một bên là “đạo đức truyền thống” (vốn còn nhiều định kiến nhất là đối với người phụ nữ) là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, điều nguy hiểm và đáng lên án là nhân vật này thường hay nhân danh văn minh, văn hóa và khoa học Tây phương trong xu thế Âu hóa để biện minh nhằm làm tấm bình phong nhằm che đậy suy nghĩ và lối sống bản năng, suy đồi của mình. Tất nhiên, những điều này không thể qua mắt được Vũ Trọng Phụng – một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nôi, đã tận mắt chứng kiến tất cả sự đổi thay của xã hội và con người Việt Nam trong buổi đầu hội nhập với văn hóa Tây phương.

Trong Số đỏ, ngoài nhân vật bà Phó Đoan thì các nhân vật khác như cô Tuyết, cô Hoàng Hôn ít nhiều cũng có lối suy nghĩ và hành động tương tự.

Người đọc dễ dàng nhận ra vấn đề này qua ngôn ngữ và giọng điệu mỉa mai của Vũ Trọng Phụng. Với bà Phó Đoan, Vũ Trọng Phụng cho rằng bà này “có vẻ là linh hồn của nước Việt trên đường tiến hóa và giải phóng”; là một “tín đồ của chủ nghĩa khỏa thân”, là người “hư hỏng có tính chất khoa học”; cái bằng “tiết hạnh khả phong” của bà xứng đáng là “tấm gương cho các bạn gái soi chung”.

Với cô Tuyết, Vũ Trọng Phụng gọi là “trang bán xử nữ” vì cô này “ngây thơ” đến mức sẵn sàng để cho Xuân Tóc Đỏ sờ lên ngực kiểm tra “hàng” thật hay “hàng” giả, hay thậm chí“giá như Xuân có làm hại đời Tuyết một cách thực sự thì cũng xứng đáng lắm”.

Còn cô Hoàng Hôn thì vô cùng “tiến bộ” trong suy nghĩ và hành động khi cho rằng trong thời buổi Âu hóa “có chồng thôi mà không có nhân tình là hèn là xấu, là không có đức hạnh”, sẽ bị người đời, “bạn hữu” coi thường và “khinh bỉ”...

2.3 Như vậy, có thể thấy qua trường hợp bà Phó Đoan hay rộng hơn nữa, qua hình ảnh về một nhóm người lúc nào cũng nhân danh chuyện “cải cách xã hội”, “cải cách văn hóa” để làm những trò kém văn hóa trong Số đỏ, phải chăng Vũ Trọng Phụng muốn cảnh báo một vấn đề mang tính sống còn của xã hội và con người Việt Nam trong buổi giao thời hay thậm chí là cho đến tận bây giờ, đó là: những hạn chế, những khiếm khuyết về chiều sâu “nội lực văn hóa” người Việt trong quá trình tiếp thu và đón nhận những làn gió văn hóa mới từ phương Tây đang ồ ạt thổi qua; là sự thụ động, tự phát, máy móc, lai căng và xu thời trong tiếp nhận văn hóa ngoại. Nói cách khác, ở đây chính những kẻ như Xuân Tóc đỏ, bà Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh, ông TYPN, cô Tuyết, cô Hoàng Hôn,... đã làm cho văn hóa dân tộc có nguy cơ bị cưỡng bức, bị xâm hại vì những suy nghĩ và hành động tự phát, thiếu hiểu biết, thô thiển và rất lố bịch của họ.

Phải chăng đây là một trong những biểu hiện về sự “va chạm”, “xung đột” trong nhận thức và hành động của người Việt trên tất cả mọi phương diện của đời sống những năm từ 1930 đến 1945, trong đó nổi bật hơn hết là vấn đề quan niệm về tính giao của con người?

3. Số đỏ - sự hoài nghi của Vũ Trọng Phụng về vấn đề “văn minh”“tiến bộ” của con người trong xu hướng đô thị hóa

3.1 Về vấn đề này trước hết cần phải thừa nhận, trên phương diện đời sống vật chất thì sự “văn minh”, “tiến bộ” của con người (nhờ thành tựu của khoa học kỹ thuật) ở những khu vực đô thị so với nông thôn là điều không thể phủ nhận. Nhưng nếu xét ở phương diện đời sống tình cảm, đời sống tinh thần của con người thì có thật như thế không? Bởi nếu nói “văn minh”, “tiến bộ” nhưng sao con người ở khu vực đô thị lại có xu hướng gây hấn, kích động; phát động chiến tranh bằng những vũ khí hiện đại để thôn tính hay hủy diệt lẫn nhau? Phải chăng đô thị hóa mới là “thủ phạm” đã cản trở con đường tiến lên “văn minh” “tiến bộ” thật sự của loài người; đô thị là nơi đã phản bội và làm băng hoại cái thiện tính, cái “thiên lương” của con người, làm cho con người đứng trước nguy cơ ngày một trở nên vô cảm, “dã man” và tàn bạo hơn?

Vấn đề này nếu ngược dòng lịch sử một chút sẽ thấy, trước khi Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ, Phạm Quỳnh (1892-1945) - học giả nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam lúc bấy giờ cũng đã đề cập trong bài tiểu luận của ông nhan đề “Vấn đề tiến hóa các dân tộc” như sau:

“Thế giới ngày nay có tiến bộ hay không? Mới hỏi câu ấy thì ai cũng nghĩ đến ngày nay sự giao thông tiện lợi, các máy móc phát đạt, nghĩ đến hỏa xa điện khí mà tất đáp lại rằng: thế giới có tiến bộ. Nhưng nghĩ kỹ đến phong tục suy vi, những thói cách phong nhã ngày xưa không còn nữa, những tính nết cao thượng đã mất đi ít nhiều thì lại ngờ rằng không biết thế giới có tiến bộ thực hay là thoái bộ?” [7; 518].

3.2 Những ai đã đọc Số đỏ đều biết toàn bộ hệ thống nhân vật (con người) trong Số đỏ đều là những kẻ có nhân cách, đạo đức rất tệ hại... Hay nói cách khác, tất cả con người trong Số đỏ chẳng có ai thật sự là Người với nghĩa đẹp nhất của từ này. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Vũ Trọng Phụng lại nhìn một xã hội thành thị Việt Nam những năm 1930-1945 rặt một bọn người méo mó, kệch cỡm, suy đồi về nhân cách và đạo đức như vậy?

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng Vũ Trọng Phụng bị “ám ảnh” bởi một “tư tưởng bi quan định mệnh chủ nghĩa” [3;29]. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, Vũ Trọng Phụng không những không bi quan mà trái lại ông rất có niềm tin vào sự tự nhận thức của con người.

Chính xác hơn, theo chúng tôi Vũ Trọng Phụng rất có niềm tin vào ý nghĩa và giá trị của những tiếng cười và óc hài hước của con người; Vũ Trọng Phụng rất tin vào sự biết cười, biết tự trào, tự chế giễu của người Việt xưa nay trước những sự lố lăng, kệch cỡm, đồi bại trong cuộc sống. Đây cũng có thể xem là một “phương thuốc” giữ cho tâm hồn không bị vấy bẩn của cha ông. Điều này có thể dễ dàng tìm thấy trong kho tàng lịch sử văn học dân tộc như: những truyện cười mang màu sắc dân gian, những vần thơ tự trào của cụ Nguyễn Khuyến hay của Tú Xương... trước đó.

Với một niềm tin như vậy nên Vũ Trọng Phụng đã khai thác và tận dụng tối đa các thủ pháp gây cười để qua đó vạch trần bản chất thật của đủ mọi hạng người trong xã hội thành thị nhiễu nhương, xô bồ trong Số đỏ. Tiếng cười trào lộng trong Số đỏ vì thế, trước hết là cách tự trào của nhà văn trước sự xuống cấp và suy đồi về đạo đức xã hội trong buổi giao thời.

Vì vậy, theo chúng tôi ở đây không phải Vũ Trọng Phụng bi quan mà thực ra ông đang hoài nghi về những cái gọi là“văn minh”, “tiến bộ”, “sành điệu” của con người thành thị đang được lắm kẻ ra sức tung hô và cổ vũ. Cụ thể hơn, Vũ Trọng Phụng đang hoài nghi về cách thức và con đường tiến lên “văn minh”, “tiến bộ” của người Việt lúc bấy giờ do Xuân Tóc Đỏ và đồng bọn ra sức “thiết kế” và “thi công”. Trong ý nghĩa này, Số đỏ là tiếng cười vừa mang tính cảnh báo vừa mang tính dự báo của tiểu thuyết gia Vũ Trọng Phụng. Ở góc nhìn văn hóa – lịch sử, đây là một vấn đề ý nghĩa rất lớn - vấn đề có tính phổ quát của nhân loại ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào.

Đến đây, có thể nói thông qua tiếng cười trào lộng - vở hài kịch mang tên Số đỏ với những màn như “cải cách văn hóa”, “cải cách xã hội” nhằm “canh tân đất nước” do Xuân Tóc Đỏ và đồng bọn sắm vai - Vũ Trọng Phụng đã cài vào đó cùng lúc một thông điệp kép:

Thứ nhất, ở một đất nước thuộc địa vốn nghèo và lạc hậu như Việt Nam việc tiến lên “văn minh”, “tiến bộ” của con người và xã hội không phải là chuyện một sớm một chiều, không phải cứ hô hào suông là được; lại càng không đơn giản chỉ là chuyện thay tên đổi họ, thay đổi danh phận như Xuân Tóc Đỏ và đồng bọn hắn đã làm.

Thứ hai, ở bất kỳ xã hội nào, đô thị hóa dù muốn dù không cũng làm nảy sinh những “vấn nạn” có tính “phản văn hóa” không ai ngờ tới. Đây phải chăng cũng là một quy luật tất yếu của sự vận động và phát triển cần phải nghiêm túc nhìn nhận? Vì thế, mỗi người cần phải hết sức tỉnh táo để nhận ra đâu là “văn minh” và “tiến bộ” thật sự; đâu là “văn minh” và “tiến bộ” - sản phẩm của bọn người “lưu manh giả danh trí” thức tạo ra.

4. Kết luận chung

Qua những điều đã phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng nội dung, tư tưởng nghệ thuật của Số đỏ không đơn giản chỉ là “phản ánh chân thực” xã hội thành thị Việt Nam những năm 1930-1945; không phải chỉ nhằm phơi bày những cảnh tượng nhố nhăng, giả dối của con người lúc bấy giờ mà quan trọng hơn Vũ Trọng Phụng muốn “lý giải” cái căn nguyên đã gây nên những vấn nạn ấy.

Ở góc nhìn văn hóa – lịch sử, nếu phải đề cấp đến vấn đề tư tưởng của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ thì theo thiển ý của chúng tôi có hai vấn đề cần phải bàn đến đó là:

Một, với Số đỏ Vũ Trọng Phụng đã gián tiếp cảnh báo: “con thuyền văn hóa” của dân tộc, của đất nước vì lý do nào đó để cho những kẻ như Xuân Tóc Đỏ và đồng bọn hắn “lèo lái” thì sớm, muộn gì cũng gây ra cái thảm họa khôn lường. Rộng hơn nữa, một xã hội, một đất nước vì lý do nào đó để cho những loại người như Xuân Tóc Đỏ ngang nhiên, hùng hồn đứng lên diễn thuyết trước toàn thể quốc dân đồng bào về những vấn đề lớn lao như “cải cách xã hội”,“cải cách văn hóa” nhằm “canh tân đất nước” thì dù muốn dù không cũng cho thấy trong lòng xã hội ấy đang tiềm ẩn những bất ổn vô cùng nguy hiểm. Càng bất ổn và nguy hiểm hơn khi những kẻ vốn hiểu rõ bản chất thật của Xuân Tóc Đỏ nhưng vì “lợi ích nhóm” (như cách nói phổ biến của chúng ta hiện nay) chẳng kẻ nào dám vạch trần bộ mặt thật của Xuân, ngược lại còn cổ xúy và tung hô, tô vẽ thêm cho hắn.

Hai, ở mức độ khái quát cao hơn có thể thấy cái nhìn trên thể hiện một trình độ và tư duy tự nhận thức mang tính “phản tỉnh văn hóa” vượt thời đại của Vũ Trọng Phụng. Nói cách khác, đây cũng chính là ước muốn cải tạo xã hội, cải tạo văn hóa và con người Việt Nam trong buổi giao thời - vấn đề mà chúng ta có thể thấy rất trùng hợp với quan điểm của học giả Phạm Quỳnh (như đã đề cập ở trên) và nhà thơ Tản Đà qua hai câu thơ rất nổi tiếng:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con!”.

---------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Hạnh - Văn hóa như là nguồn lạch sáng tạo và khám phá văn chương. Tạp chí văn học, số 1, năm 2007

2. Hoàng Ngọc Hiến – Triết lí văn hóa và triết luận văn chương. Nhà xuất bản Giáo dục, 2006.

3. Nguyễn Đăng Mạnh – Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Nhà xuất bản Giáo dục, 2006.

4. Nhiều tác giả - Vũ Trọng Phụng, về tác gia và tác phẩm. Nhà xuất bản Giáo dục, 2003.

5. Nhiều tác giả – Số đỏ tác phẩm và dư luận. Nhà xuất bản văn học, 2012.

6. Huỳnh Như Phương – Lý luận văn học (nhập môn). Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2010.

7. Phạm Quỳnh – Thượng chi văn tập. Nhà xuất bản Văn học, 2006.

8. Đỗ Lai Thúy – Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy. Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2011.

9. Lê Ngọc Trà – Văn chương, thẩm mĩ và văn hóa. Nhà xuất bản giáo dục, 2007.

Vĩnh Long, 11/2014

N.T.B