Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ (KỲ 4)

Tiểu thuyết

Nhật Tuấn

Tám

Hơn ai hết, ông toán trưởng hiểu rất rõ rằng tất cả chúng tôi đang bỏ công bỏ sức làm một việt vô ích. Nhận lãnh một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là thăm dò khảo sát một con đường có tầm cỡ quốc gia, càng đi hy vọng của ông càng vơi hụt cho đến khi vấp phải dãy vách đá kia, ông hoàn toàn thất vọng. Tính bất khả của phương án tuyến đã quá rõ ràng nhưng chẳng hiểu sao người ta vẫn không chấp nhận cho ông bỏ cuộc. “Trong bất kỳ tình huống nào, nhiệm vụ của các đồng chí vẫn là tiếp tục thăm dò cho hết tuyến đường...” Những bức điện như thế, liên tiếp nhắc lại nhiệm vụ ông đã được trao, không có gì thay đổi như một người lính khi nghe khẩu lệnh “bước tới, bước...” mặc dù trước mặt là vực sâu hay lửa cháy, ông vẫn cứ phải bước tới bước tới.

Nhưng để làm gì kia chứ khi biết trước chẳng để làm cái gì? Sự phẫn nộ đôi lúc cũng trồi lên nhưng lập tức bị đè bẹp bởi ý thức tổ chức và kỷ luật, sự phục tùng cấp trên một cách tuyệt đối. Ông đã nổi giận một cách giả tạo với thằng học giả vậy thôi, thâm tâm, ông thừa biết ý kiến của nó là đúng, và cũng là ý kiến của ông. Nhưng biết làm sao, cao hơn hết cả vẫn là kỷ cương, rường mối, ông không dằn mặt ngay thằng ấy còn gì là tổ chức. Nó có thể phê bình ông thiếu gần gũi anh em, gia trưởng, ít hoà mình với quần chúng, cái đó được, nhưng nó dám bác bỏ cả một con đường, chê cấp trên mù quáng thì phải triệt ngay cái thói hỗn xược, coi khinh tổ chức đó đi. Bởi vậy tuy trong bụng nghĩ khác, ngoài mặt ông vẫn ra sức làm bọn tôi tin rằng con đường vẫn tốt, dẫy vách đá kia chẳng là cái gì, sau này người ta sẽ khoét nó theo kiểu hàm ếch, và như thế nó lại trở nên độc đáo kia đấy, người ta sẽ tổ chức cho khách du lịch tới tham quan, rồi thì ở đây một thành phố nghỉ mát sẽ mọc lên, còn chỗ kia, có lẽ người ta sẽ xây dựng một trạm truyền hình nhận tín hiệu từ vệ tinh... Cứ như thế, ý nghĩa ông cấp cho công việc của chúng tôi, những người đi đầu, khai sơn phá thạch, cứ mỗi ngày mỗi lớn tới mức nếu như trong vụ tai nạn ở vách đá hai thằng kia có chết thì cũng là hy sinh cao đẹp, là trả giá cần thiết cho con đường mai sau.

Vậy nhưng hai thằng trời đánh không chết đó lại không chịu tan xác vì một vinh quang như thế. Hoặc chúng biết thừa miệng lưỡi ông toán trưởng, hoặc chúng quá coi trọng mạng sống, trong buổi trưa kinh hoàng đó thằng hộ pháp đã để thằng học giả bám chặt cổ chân như hai con mối cắn đuôi nhau, rồi vận hết sức lực, nó cong người kéo thằng học giả nhích dần, nhích dần cho tới khi hai đứa đặt được chân vào hốc đá. Tôi hét toáng lên: “Chúng mày ơi, không chết chứ?” Thằng hộ pháp thở hồng hộc: “Chết cái nỗ đít tao ấy”. Còn thằng học giả thì cứ luôn mồm: “Từ nay tao gọi mày bằng bố, từ nay tao gọi mày bằng bố...” Thằng cấp dưỡng lôi ngay trong ba lô ra hộp sữa, cái thứ dự trữ chiến lược ông toán trưởng chỉ cho phép dùng trong trường hợp có đứa nào ốm sắp chết: “Uống đi, hai thằng uống đi, tội đâu tao chịu.”

Lần mò suốt ba ngày, chúng tôi mới ra khỏi dãy vách đá quần áo rách tả tơi, mặt mày hom hem, nhem nhuốc. Quay trở lại nhìn cái vùng quái thạch ấy, tôi thở hắt ra, bảo thằng học giả:

“Thôi thế là thoát. Cũng may không thằng nào chết.”

Nó cười cay đắng:

“Giá chết cho một thành phố mọc lên ở đây thì cũng đáng chết.”

Ông toán trưởng đứng cạnh nó, có lẽ thấy cần phải lên tinh thần cho bọn tôi, ông bảo:

“Các cậu vẫn chưa tin tưởng hả? Nhất định con đường sẽ mở qua đây, nhất định sẽ mọc lên một thành phố và nếu cậu nào hi sinh, rất có thể người ta sẽ dựng bia lưu niệm.”

“Nếu vậy xin thủ trưởng cho khắc lên dòng chữ: nơi đây một con người đã chết cho một vinh quang vô ích.”

“Cậu nói cái gì thế?”

“Nói gì thì thủ trưởng đã nghe cả rồi đấy.”

“Phản động, cậu là thằng phản động, tôi sẽ điện về Ban chỉ huy cho người ta gô cổ cậu lại đưa đi cải tạo.”

Ông toán trưởng gào lên, lạy trời ông đừng có lên cơn hen, chụp lên đầu thằng học giả đủ các thứ mũ lớn mũ nhỏ mà vẫn chẳng làm được nó sợ. Nó chỉ cười nhạt.

“Thưa thủ trưởng, tôi biết cái thân phận tôi là con cái nhà tư sản bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng được đi cải tạo. Nhưng thưa với đồng chí, sống như thế này còn khổ hơn cả ở trại tập trung nữa kia”.

Tôi vội vàng bịt mồm nó lại, những lời lẽ kiểu đó bay về Ban chỉ huy thì thật chẳng hay ho gì cho nó, mặc dầu tôi thừa biết chẳng đời nào ông toán trưởng dám báo cáo chuyện đó khi cái quỹ “thành tích” ông gom được từ bọn tôi đã khá khá. Thằng cấp dưỡng đưa đến một tin thiết thực làm tan luôn cuộc tranh cãi:

“Báo cáo thủ trưởng, gạo chỉ còn đủ ăn ba ngày nữa thôi.”

Ông toán trưởng giật mình:

“Sao lại ba? Tôi đã tính toán còn bảy ngày nữa kia mà?”

Thằng cấp dương gãi gáy:

“Báo cáo, tại mấy hôm vượt vách đá vất vả quá anh em đề nghị cho ăn tăng tiêu chuẩn...”

Ông toán trưởng cảm thấy như bị người ta giật đi một chút quyền lực. Đến lượt thằng cấp dưỡng được nhảy theo điệu nhạc về ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần khắc phục khó khăn, ý chí con người phải luôn luôn chiến thắng các đòi hỏi bản nàng vân vân... đến nỗi tới lúc nấu ăn, mặt nó còn hầm hầm làm thằng hộ pháp đi kiếm nước về phải ngạc nhiên:

“Có chuyện gì thế?”

“Thủ trưởng cái đéo gì coi quân lính như kẻ thù, động một tý lên giọng mạt sát.”

Thằng hộ pháp nghe thủng câu chuyện, tức mình múc ngay thêm mấy bát gạo đổ nồi. Bọn tôi cứ lăn ra cười, chả ai thèm can. Thằng học giả còn xúi thêm:

“Ăn mẹ nó hết đi, chết đói cả lũ giữa rừng cho xong chuyện.”

Nồi cơm hôm đó phè lên có ngọn bốn thằng ăn như rồng cuốn chẳng mấy chốc hết sạch. Ông toán trưởng liếc thấy, nhưng cái vẻ bất cần đời của cả bọn tôi hình như làm ông chờn, chỉ cúi xuống ăn lặng lẽ. Tuy nhiên, tôi nghĩ ông đang nghĩ một biện pháp trừng phạt nào đó chứ chẳng chịu lép. Tối hôm đó tôi lại thấy ông ngồi loay hoay rất lâu trướctấm bản đồ trong lúc bọn tôi lại đốt một đống lửa ngồi tán gẫu. Khác với mọi tối, thằng cấp dưỡng chỉ ngoắc mồm ra nghe, đêm nay dường như điệu nhạc ban chiều của ông toán trưởng vẫn còn chói bên tai nên nó oang oang kể tội ông bác họ:

“Có lần sau tết tao với ông ấy đi tắt rừng về Ban chỉ huy. Tao đi trước khoác ba lô, ông ấy đi sau tòng teng cái sắc cốt. Đi mãi, đi mãi mệt bở hơi tai, bụng đói meo mới tới đỉnh đèo, ông mới cho ngồi nghỉ và dặn chớ đi đâu, chờ ông ấy đi ỉa. Thế là tao cứ ngồi chờ, chờ mãi. Quái, cái ông này “ngũ cốc luân hồi” gì mà lâu thế? Hay ông ấy cẩn thận, leo mãi lên cao nên bị rắn đớp rồi cũng nên. Tao hoảng quá mới để ba lô lại, lần theo lối ông ấy đã đi. Tao cứ trèo, trèo mãi tới hốc đá dưới lùm cây. Chúng mày có biết tao thấy ông ấy đang làm gì không?”

Thằng hộ pháp nhanh nhẩu:

“Rặn ỉa chứ còn làm gì. Chắc táo quá phải không??

Thằng cấp dưỡng lắc đầu:

“Không phải, tao nhìn thấy ông ấy đang... ăn bánh chưng chúng mày ạ. Thế có đau cho tao không? Thế mà cứ leo lẻo trách tao chẳng mang cái gì đi ăn đường, đói đành chịu.”

Giọng nó bỗng nghẹn nghẹn tắc lại không nói được nữa. Tôi phải giục:

“Rồi sao nữa?”

“Lúc đó tao ngượng cả cho ông lẫn tao. Tao đứng im, nín thở rồi lặng lẽ quay về chỗ đề ba lô làm như mình vẫn đang ngồi chờ. Lát sau, ông ấy quay xuống mặt mũi tươi tỉnh, vui vẻ động viên “Cố gắng khắc phục khó khăn. đi mau về đơn vị kịp báo cấp dưỡng nấu cơm.” Mẹ kiếp, từ đó bao nhiêu lòng kính trọng tao giành cho ông ấy, bao nhiêu lời hay ý đẹp ông ấy vẫn rót vào tai, tao cho nó bay hết theo gió rừng. Bữa nay tao mới nói thật với chúng mày, tao không bỏ về là vì tao không muốn mẹ tao vỡ mộng về tao, chứ thực ra...”

Một hồi còi toét lên cắt ngang câu chuyện. Lâu rồi kể từ hôm vấp phải vách đá, cái còi nằm chết trong túi ông toán trưởng, giờ nó chói bên tai khiến bọn tôi thằng nào cũng ngỡ ngàng. Có chuyện gì ông bắt chúng tôi họp bất thường thế, lời kể của thằng cấp dưỡng đã theo gió thoảng đến tai ông, hay ông mới nhận điện Ban chỉ huy cho phép bỏ dở tuyến thăm dò, quay trở về?

Ông ngồi xếp bằng tròn dưới một vòm cây, ngọn đèn bão soi rõ tấm bản đồ ông để trước mặt. Chờ cho cả bốn thằng bọn tôi yên chỗ, ông mới cao giọng:

“Tối nay ta thảo luận về lương thực. Tôi đã đo trên bản đồ với tốc độ hiện nay, bảy ngày nữa ta sẽ tới bản Mù U, ở đó có thể mua được gạo, nhưng theo báo cáo của đồng chí cấp dưỡng chúng ta chỉ còn có ba ngày gạo nữa thôi. Vậy phát huy trí tuệ tập thể, các đồng chí hiến kế, đề xuất ý kiến giải quyết khó khăn.”

Chúng tôi im lặng nhìn nhau, nghe rõ cả tiếng nổ lép bép của đống lửa thằng hộ pháp đốt lên đuổi muỗi. Tôi lẩn mẩn nhổ sợi râu cầm, thằng học giả lẩm bẩm câu gì đó, thằng cấp dưỡng che mồm ngáp, còn thằng hộ pháp rõ ràng là không định phát biểu, nó đang chăm chú đẽo một chiếc vỏ cắm dao thay chiếc vẫn đeo tòng teng bên sườn đã vỡ vì va vào đá. Cặp mắt ông toán trưởng giương lên trong khoảng không lờ đờ, mệt mỏi làm tôi thấy chợt thương.

Thế nhưng đào đâu ra kế gì để có thể hiến cho ông được. Giữa rừng hoang núi vắng toàn gai góc và đá trắng này kiếm đâu ra cái gì bỏ miệng nuôi sống được cả năm con người.

“Có ý kiến đi, các đồng chí có ý kiến đi.”

Giọng ông thảng thốt giục giã, rơi vào khoảng không như những tàn lửa đang tóe lên biến mất vào đêm rừng. Thằng cấp dưỡng cúi mặt xuống như chính nó có lỗi trong việc thiếu gạo này. Cái im lìm như hóa đá của bọn tôi làm ông toán trưởng nổi cáu:

“Không ai có ý kiến phải không? Không ai có ý kiến thì ý kiến của tôi là từ mai, bữa sáng ta ăn cơm để bảo đảm sức khỏe sản xuất còn chiều về ta chỉ ăn bữa cháo...”

Cái lý ông đưa ra quá xác đáng khiến cả bốn cái miệng bọn tôi không cãi nổi, chỉ riêng có cái dạ dày là lên tiếng. Thằng hộ pháp làu bàu trước tiên:

“Buổi chiều đi làm về rỗng ruột lại chỉ ăn có bát cháo thì bố a i chịu được.” Thằng học giả đã thôi lầm bầm, nó thở dài nẫu cả ruột:

“Không có cơm ăn để tái sản xuất sức lao động thì làm sao cầm nổi con dao phát cây.”

Tuy nhiên, tất cả những lời lẽ kiểu đó đều chỉ là kêu ca phàn nàn thôi chứ chẳng phải hiến kế, đề xuất biện pháp giải quyết khó khăn, bởi vậy quyết định của ông toán trưởng coi như được thông qua và ông chỉ còn thêm vài lời động viên tinh thần. Trước khi giải tán, ông phổ biến lệnh của Ban chỉ huy mới nhận được, bắt đầu từ mai, khẩu hiệu dán mũ sẽ thay đổi, thay vì phải chiếm lĩnh những đỉnh cao trong sản xuất, từ mai chúng tôi chỉ có một đỉnh cao cụ thể: đỉnh núi Hua Ca, nơi con đường tương lai phải đến. Tuy nhiên chẳng đứa nào trong bọn tôi nhằm tới cái đỉnh núi Hua Ca xa xôi ấy, mà chỉ chăm chăm vào mục tiêu gần: cái bản Mù U nào đó trên bản đồ, ở đó có thể mua được gạo thịt và được nhìn thấy con người, nhất là những cô gái mà đã từ lâu chúng tôi chỉ được thấy trong tưởng tượng vào những đêm khó ngủ.

Chín

Hàng ngày đi phát cây, thằng hộ pháp thỉnh thoảng lại trèo lên ngọn thật cao phóng tầm mắt về phía xa mờ cố tìm những dấu hiệu đầu tiên của cái bản Mù U ấy. Những lúc đó, bọn tôi xúm lại dưới gốc, há mồm, ngước mắt lên chờ đợi.

“Thấy chưa? Thấy gì chưa?”

Thằng hộ pháp nhìn rách cả mắt lại bị thằng học giả cứ hỏi cuống lên, nó phát bực: “Thấy cái nỗ đít, nàng bản đâu ra, rặt những núi với rừng.” Mọi ngày đi làm về, thường thường nó hát nghêu ngao dăm câu đầu voi tai chuột, từ hôm buổi chiều chỉ có bữa cháo, nó quên hết mọi bài hát trên đời, nuốt xong ba bát cháo, mỗi ngày mỗi loãng, nó vứt bát nằm ngửa ra chẳng nói chẳng rằng. Thằng học giả chịu đói giỏi hơn, hình như nó ăn chữ nghĩa thay cơm, chưa tối nó đã vác củi đốt đống lửa thật sáng rồi lôi ra cuốn sách dày cả gang tay cặm cụi đọc, đọc chán rồi lấy giấy bút ra viết chẳng biết nó viết lách những gì chỉ thấy miệng nó lầm bầm, lầm bầm làm cho thằng cấp dưỡng ngồi ở xa lại tưởng nó nhai gạo sống, tôi phải can: “Không phải đâu. Nó nhai chữ đấy”, thằng hộ pháp đang vuốt bụng lép kẹp cũng phải bật cười: “Mẹ kiếp, có nhai cả đấu chữ cũng chả bằng có bát cơm nóng.” Nói rồi nó đứng dậy, đi tới chỗ thằng học giả:

“Sách gì đọc lên anh em nghe coi có quên được cái đói không nào?”

Thằng học giả trợn tròn cặp mắt vốn đã trợn lên của nó:

“Chúng mày muốn nghe thật không?”

“Mày khinh tao óc bã đậu không nghe được sách của mày hả? Đọc đi, đọc ngay cái trang mày đang giở ra kia kìa.”

Thằng học giả nhếch miệng cười rồi hắng giọng đọc một hơi, miệng dẻo quẹo. Tôi thấy thằng hộ pháp và thằng cấp dưỡng cứ đực mặt ra, còn tôi thì ù cả hai tai như đang nghe người ngoại quốc nói chuyện. Tuy nhiên đứa nào đứa ấy làm ra vẻ lắng tai chăm chú lắm, thằng hộ pháp lại còn ra vẻ ta đây hiểu rõ, thỉnh thoảng lại hỏi cắt ngang:

“Duy tâm nạc quan là mấy thằng thày bói, thày cúng phải không? Ai mà chẳng biết.”

Thằng học giả phải đặt sách xuống sửa thằng hộ pháp nói cho đúng: duy tâm chủ quan chứ không phải lạc quan.

Thằng hộ pháp cứ gạt đi:

“Ôi già, đại khái cũng thế cả. Mày giỏi mày giảng thử bọn tao nghe...”

Chao ôi, những lời nó giảng lại rắc rối tối mù còn hơn cả điều nó đọc trong sách. Tôi nghe mãi sốt ruột, chịu không nổi phải gắt lên:

“Mày giảng thế, đến giáo sư đại học cũng chẳng hiểu huống hồ bọn tao.”

Thằng hộ pháp hùa ngay theo:

“Thôi vứt mẹ nó sách đi, kiếm cái gì bỏ bụng lại chả hơn cứ ngồi nghe nó ný nuận suông ư?”

Thằng cấp dưỡng giật mình vội giao hẹn trước:

“Tìm đâu tìm chớ có động vào ba lô thực phẩm. Tao đã ghi sổ đủ cả rồi, mất gì cứ chúng mày.”

Thằng học giả gói kỹ cuốn sách, lấy sợi dây buộc thật chặt theo thói quen rồi mới thì thào vào tai tôi:

“Tao biết chỗ này có cái ăn.”

“ Ở đâu?”

“Trong ba lô ông toán trưởng chứ đâu. Này, có cả thịt hộp nữa, mày tin không?”

Tất nhiên là tôi tin, bây giờ có chuyện gì mà ông không làm được, tôi đã hiểu ông khá rõ, nhất là trong chuyến đi này.

“Vậy đúng hôm trước mày lấy trộm mì chính của ông ấy rồi.”

Thằng học giả cười nhạt:

“Tao chỉ lấy lại cái ông ấy lấy của bọn ta thôi. Mày có định giúp tao một tay “thó” hộp thịt không?”

“Chữ nghĩa đầy một bụng như mày cũng đi ăn cắp vặt hả?”

“Ôi nhà đạo đức giả...”

Nó thốt lên thế rồi giảng giải cho tôi nghe cái lý thuyết “Ăn cắp cái bị ăn cắp tức là không phải ăn cắp”. Tôi chờ nó nói chán chê mới thủng thẳng:

“Tao thấy ông toán trưởng nói cũng có phần đúng, cái bọn trí thức chúng mày không đáng cục cứt.”

Nó không cãi lại chỉ nhe răng ra cười:

“Đúng đấy, mày nói đúng đấy, ở cái xó rừng này thì công cũng như quạ cả thôi.”

“Vậy sao mày không xuống thành phố ở cho có giá?”

Thật lạ, tôi chỉ nói vậy mà mặt nó nhăn lại như bị ong đốt, người run bần bật như thằng lên cơn sốt rét.

“Mày làm sao? Trúng gió hả?”

Nó gạt tay tôi ra, lững thững bước đi như người mộng du, giọng mê sảng:

“Trời ơi, tôi điên quá, bố ơi, con giết bố rồi, sao lại điên quá không biết...”

Tôi để mặc nó nằm vật bên đống lửa, cời rộng cho cháy to lên, phả hơi nóng vào người nó. Từ lâu tôi đã cảm thấy thằng điên điên khùng khùng này mang nặng một nỗi u uẩn nào đó, hoặc thất tình, hoặc gia sản bị tịch thu trong cải tạo tư sản nhưng tôi không thể ngờ nó lại mang tội giết cha, không, chắc không phải đâu, chắc nó lẩm bẩm những điều đã đọc trong sách như mọi khi thôi. Tôi tự an ủi vậy nhưng vẫn bối rối nhìn nó nằm co quắp, mắt nhắm nghiền trong khi từ trên cao vẫn thong thả rơi những chiếc lá khô đậu trên người nó. Tôi cứ ngồi bó gối mặc những ý nghĩ nhức nhối trong đầu tàn theo ngọn lửa.

Tôi cúi xuống bế bổng thằng học giả lên đặt vào võng của nó. Ngủ đi, sáng mai dậy, bóng đêm sẽ tan, cơn điên sẽ hết. Tôi đẩy nhẹ võng đu đưa cho nó. Gió bỗng nổi lên ầm ầm quét quang đám sương mù quẩn quanh từ chiều mà ngọn lửa xua mãi không chịu tan. Thằng hộ pháp đã dậy từ lúc nào, kéo tay tôi thì thào:

“Thằng học giả sao thế?”

“Trúng gió.”

“Bỏ mẹ, nó mà quỵ thì mai chỉ còn tao và mày vừa phát cây vừa kéo thước...”

“Vậy đã sao?”

“Bò ra rừng chứ sao? Rồi đến cái thủa nào mới tới được bản Mù U đong gạo.”

Tôi bật cười về nỗi lo cho cái dạ dày của nó, thảo nào nó không ngủ được phải bò dậy, nếu không nó đã đánh một giấc tới sáng.

“Mày có xem bản đồ của lão toán trưởng không?”

“Có tao xem rồi”

“Xem kỹ không?”

Quái lạ, xưa nay thằng này có bao giờ quan tâm tới bản đồ, bữa nay cái đói làm nó lẩn thẩn giống thằng học giả rồi sao? Tôi trố mắt:

“Tao xem kỹ rồi. Sao mày bỗng đốc chứng quan tâm cả cái đó?”

Thằng hộ pháp đảo mắt nhìn quanh, ghé tai tôi thì thầm:

“Tao nghi lão toán trưởng lắm. Có khi trên bản đồ đếch có cái bản Mù U ấy đâu, hoặc nếu có thì cũng còn khướt mới tới chứ chả phải như lão ấy nói đâu. Lão ấy lừa cho mình yên tâm đi đến đỉnh Hua Ca đấy thôi.”

Tôi bật cười về nỗi lo xa của cái thằng vốn chẳng quen nghĩ ngợi. Tôi nhớ ra tôi có xem bản đồ và có nhìn thấy một cái chấm nhỏ kèm theo hai chứ Mù U, tuy nhiên điều đó cũng chẳng chứng tỏ được chúng tôi chỉ còn cách nơi có xã hội con người ấy vài ngày đường như ông toán trưởng dự tính. Làm sao tin được tấm bản đồ chụp từ trên máy bay ấy, ngay đến dãy vách đá dài dằng dặc thế mà nó có “chụp” được đâu. Vậy nhưng giữa mênh mông rừng rậm núi cao này, ngoài nó ra, còn biết bám víu vào đâu? Tôi đành phải lên tinh thần cho thằng hộ pháp bằng những lời lẽ chính tôi cũng không tin. Nghe xong nó lắc lắc cái đầu bù xù:

“Mày chỉ giỏi bênh ông toán trưởng. Tao nói thực, còn ít gạo vậy, giờ cứ quay bố nó lại, lần theo tuyến mà về vẫn còn kịp, đi tiếp nữa là chết đói cả lũ giữa rừng.”

“Mày điên hả? Ông toán trưởng thà chết còn hơn cho cả toán bỏ nhiệm vụ.”

“Kỷ luật là cùng chứ gì? Cốt giữ được cái mạng mình thôi, có phải đi hót cứt cũng được.”

“Sống thế thì nhục lắm. To xác như mày không ngờ cái gan chỉ bằng ngón tay.”

Tôi nói khích nó một chặp nữa chẳng hiểu có lọt tai câu nào không, chỉ thấy mắt nó trợn trừng, đôi lông mày sâu róm rúm lại rồi nín lặng, lủi thủi quay về võng.

Ngày hôm sau thằng học giả vẫn bò dậy đi làm, cứ như đêm qua không có chuyện gì xảy ra, đến chiều, khi thằng hộ pháp leo lên ngọn cây cao, phóng tầm mắt ra xa, nó lại ngước lên hỏi toáng: “Thấy gì chưa mày? Thấy gì chưa?”

Mấy ngày liền như vậy, thằng hộ pháp vẫn chưa thấy gì, cái bản Mù U ấy vẫn mù tịt ở nơi nào đó. Ông toán trưởng thôi không nói cứng nữa, ông cũng phải thừa nhận với bọn tôi bản đồ khu vực này không chắc đã chính xác, mọi người phải chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đón nhận tình huống xấu nhất, khi bao gạo của thằng cấp dưỡng đã rỗng hết mà cái bản Mù U ấy vẫn ở tít mù khơi. Bây giờ ông bắt nó nấu cháo cả hai bữa, tự tay ông đong gạo đổ nồi. Sáng sớm ông thôi không còn thổi còi bắt tập thể dục nữa, suốt ngày ông nín lặng, mặc cho chúng tôi phát tuyến tới đâu thì tới, không giục “nhanh lên” để đảm bảo năng suất hàng ngày nữa. Buổi chiều đi làm về, nuốt xong bát cháo loãng, cả bọn leo ngay lên võng nằm im để tiết kiệm sức. Thằng học giả cũng thôi không còn sờ đến những cuốn sách. Riêng ông toán trưởng, buổi tối vẫn loay hoay bên cái máy vô tuyến điện. Tôi biết ông vẫn đánh đi những báo cáo nhận về những mệnh lệnh, nhưng không hề hé răng “phổ biến tức thời” như mọi bữa nữa. Tuy nhiên, sau mỗi lần nhận tin, không thấy gương mặt ông rạng rỡ, mừng vui như trước, ông cau có, lầm lì, tức giận chuyện gì đó. Vào một tối, khi cả bọn đã leo lên võng, ông ra hiệu muốn nói chuyện riêng với tôi.

“Tôi đã điện về Ban chỉ huy đề nghị cho chúng ta quay lại...”

Tôi giật mình nhìn ông như không tin ở tai mình. Ông toán trưởng của tôi, người nổi tiếng trong toàn Đoàn khảo sát về ý chí gang thép “khó khăn nào cũng vượt qua, kế hoạch nào cũng hoàn thành”, vậy mà nay lại bỏ cuộc, từ chối nhiệm vụ? Hay cũng giống như thằng học giả, thằng cấp dưỡng, ông cũng sắp điên rồi? Ông ngập ngừng như định thổ lộ chuyện gì, rồi có lẽ tôi có vẻ không sẵn sàng nghe, ông im lặng, rụt cổ vào tấm khăn bông đang khoác lên người. Kể từ hôm tôi nổ ông về chuyện không cho thằng hộ pháp buông máy VTĐ khi nó rơi xuống sông, ông có vẻ dè chừng, thôi không còn hỏi ý kiến tôi nữa. Tôi cũng chỉ để ý tới ông mỗi khi ông phổ biến chuyện công tác. Theo lối nói của thằng học giả, tôi và ông chỉ là hai phần tử trong một tập hợp có chung một mục tiêu là sản xuất và cùng theo một lý thuyết là “người ta chỉ ăn để mà sống chứ khôngphải sống để mà ăn”. Bởi vậy toàn bộ quan hệ giữa ông và tôi chỉ xoay quanh có mỗi cái việc làm sao đi tới được đỉnh Hua Ca và làm sao sống được khi gạo sắp hết.

Ông toán trưởng cứ ngồi như tượng mãi vậy, trong lúc tôi băn khoăn tìm cách rút nhẹ về võng làm một giấc, tránh không khí nặng nề, căng thẳng này. Thân phận chỉ quen cầm dao phát cây như tôi giúp gì ông được? Ông là cái đầu, còn tôi là tay chân, cùng lắm gãi cho ông khỏi ngứa vậy thôi. Ngẫm nghĩ, chỉ huy là việc của ông chứ. Rốt cuộc hình như ông cũng đã nghĩ xong và lên tiếng:

“Tôi đã ba lần điện xin cho anh em quay lại nhưng Ban chỉ huy không đồng ý. Chúng ta vẫn phải tiến tới đỉnh núi Hua Ca bằng bất cứ giá nào. Mệnh lệnh là mệnh lệnh, tuyệt đối phải chấp hành.”

Tôi nghĩ bụng giờ có quay lại cũng không được nữa, gạo đâu ra, chuyện đó lẽ ra ông phải tự quyết định ngay khi gặp vách đá kia, than ôi, ông chỉ quen nghĩ trong những điều cấp trên đã nghĩ.

“Bằng giá nào cũng phải đi đến được đỉnh Hua Ca. Bởi vậy phải lường trước mọi diễn biến xấu nhất...”

Cái tính lo xa của ông, tôi không lạ, ông là chuyên gia của các thứ diễn biến: nào tư tưởng, nào thời tiết... thứ nào cũng nằm trong dự tính kế hoạch cả rồi, tôi chỉ lạ sao ông bàn chuyện đó với tôi, một thằng cán bộ chẳng phải, đảng viên cũng không. Vậy là sao?

“Trong trường hợp xấu nhất nếu tôi bị ốm nằm xuống, các cậu cứ đi tiếp, tôi sẽ giao phó bản đồ, địa bàn tài liệu cho cậu.”

Tôi giật nảy người, ấy chớ, chớ xớ rớ vào chuyện đó, chẳng may không dẫn tụi nó tới được đỉnh Hua Ca lại lạc sang đỉnh của nợ nào đó thì bọn nó giết tôi. Tôi chối đây đẩy, tôi không có trình độ, tôi không quen chỉ huy, tôi không có uy tín, tốt hơn hết khi cần ông nên giao cho thằng học giả, nó làm việc đó giỏi hơn tôi.”

“Không được, về nguyên tắc tổ chức tôi không thể nào giao cho nó được. Cậu hiểu ý tôi chứ?”

Tất nhiên tôi hiểu, ông không tin thành phần tư sản, ngay đến khẩu súng trường cổ lỗ ông còn không cho nó mó tới huống hồ cả một hồ sơ thăm dò khảo sát của một con đường quan trọng. Cái ý thức cảnh giác đó đã ăn vào máu ông chẳng thể nào thuyết phục nổái, bởi vậy tôi đành ngồi im nghe ông dặn dò cách dùng địa bàn, xem bản đồ, ghi sổ các số liệu đo đạc xem ra cũng chẳng khó khăn gì, cứ bám chắc lấy cái hướng ông vạch sẵn, ắt là phải tới nơi.

Tuy nhiên đó là giả dụ vậy thôi, lúc ông mà nằm xuống thì khó có thằng nào còn đứng được, ngoài những cơn hen đôi khi hành hạ, thân hình gày guộc của ông vẫn săn chắc dẻo dai đến mức đôi lúc nhìn ông cặm cụi bên tờ bản đồ dưới ánh đèn dầu sau một ngày leo trèo vất vả thằng học giả cũng phải thốt lên: “Cái lão này thật chẳng khác con báo rừng, quái, sức mạnh lão ở đâu ra nhỉ?” Quả thực, trong thâm tâm, đôi lúc tôi cũng muốn ông... mệt mỏi, hoặc cảm cúm sơ sơ gì đó để tôi được nghỉ leo trèo một, hai ngày hoặc

ít ra cũng thoát được tập thể dục, nằm nấn ná thêm vài giờ lúc sáng sớm. Vậy mà không, ông vẫn trơ trơ và có vẻ lại còn khoẻ khoắn hơn cả bọn tôi nữa kia.

“Bác đừng quá lo thế, tới cái lúc bác ốm phải nằm đấy, chắc bọn tôi cũng chẳng thằng nào còn khỏe đâu.”

Tôi thoái thác bằng cái cớ cuối cùng như vậy, ông gấp tờ bản đồ lại, ngước lên nhìn tôi:

“Trong tình hình này, chuyện gì cũng có thể xảy ra, tôi phải giao phó trước cho cậu trách nhiệm nặng nề ấy.”

Chính vẻ vật nài trong ánh mắt, buồn buồn trong giọng nói của ông đã làm tôi nín lặng, và như vậy tôi đã chấp nhận để mai kia ông trút sang tôi cái gánh nặng đang đè trên đôi vai xương xầu của ông.