Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Bởi các cây cầu sống được là do những bước chân ta

(Lời bạt cho tuyển tập “Tự Vấn”(Fragen an sich selbst)

Thơ Thế Dũng bản tiếng Đức do Vipen & Trilce Editionen Berlin xuất bản 2003)

Ulrich Grasnick*

clip_image002

Có lần Thế Dũng trích dẫn một câu của Apollinaire: Thơ chính là sự đòi hỏi cái bóng ở trên tường khiêu vũ với mình. Những cái bóng đã khiêu vũ với Thế Dũng cũng giống như những cái bóng đã nhiều lần từ họa phẩm “Thảm kịch chiến tranh”-(“Desastres de la Guerra”) của họa sĩ Goya** đã nhẩy bổ vào ta.

Khi còn trẻ tuổi, nhà thơ Thế Dũng đã phải lao mình vào giữa những khủng khiếp kinh hoàng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là một trường hợp may mắn, chiếc xe tải của anh không lăn bánh qua mìn, cũng không bị trúng bom và anh đã sống sót sau cuộc chiến. Những nếm trải trận mạc không đưa anh vào những cuộc tuyên truyền om xòm; trái lại anh đã nói về những điều đó bằng một giọng thiết tha, thấm thía.

clip_image004

Thế Dũng và các nghệ sĩ Đức đọc 5 vai trong tiểu thuyết kịch Chuyện tình dở dang

vào hồi 16:00 ngày 29.09.2000 tại Diễn đàn Văn chương Di cư ở Französischen Friedrichstadtkirche Berlin

( Ảnh Tư liệu của Vipen)

Ngày 29 tháng 09 năm 2000 khi kịch bản sân khấu Chuyện tình dở dang*** của Thế Dũng được công diễn lần đầu dưới dạng đọc và giới thiệu tác phẩm tại nhà thờ Pháp (Französischen Friedrichstadtkirche) ở quận Mitte tại Berlin, tôi đã ý thức được rằng giọng thơ trữ tình sâu thẳm của Thế Dũng cũng đã phát huy công hiệu biết bao trong kịch nghệ. Trong một toàn cảnh rộng lớn căng thẳng, bằng cách thức gây xốc, tài năng biểu hiện thi ca của anh đã dẫn ta tới những miền xúc động và tận mắt thấy những nếm trải đầy thương tích và những hậu quả của cuộc chiến ở Việt Nam. Giấc mơ và cả những cơn ác mộng đã không ngừng can thiệp vào đời sống, không ngừng gây tai họa, làm tổn thương cho đòi hỏi hạnh phúc của những người sống sót. Những dấu vết còn lại của thương tích được bạch lộ trong dự án vĩ đại vượt qua những hủy diệt dã man cả thể xác lẫn tinh thần.

o

Thông qua cách nhìn mới mẻ về các sự việc quen thuộc, một số bài thơ của Thế Dũng đã gây ấn tượng, mê hoặc. Ví dụ như việc từ biệt một bản thảo:

Thôi giã từ! Đành vậy! Những dòng thơ

Bao đêm thức cùng tôi Em từng biết

Nhưng đâu chỉ riêng tôi còn cả Trời cả Biển

Cả đứa bé lên ba sẽ đọc những lời này!

Những độc giả vô tình… đọc sẽ quên ngay

Những bè bạn thật lòng, đọc rồi họ trách!

Tôi xấu hổ mà em thì vô ích!

Em đi đi! Dù tôi khóc vẫn còn hơn…

Từ biệt chính mình! Đành vậy!- Dẫu tiếc thương…

Trong sáng nữa và kim cương hơn nữa!

Tôi hạnh phúc sau mỗi lần sửa chữa

Được thấy em mới mẻ, chân thành.

Em sống động sâu sa- sau chia lìa nghiệt ngã

Tôi tốt hơn- khi biết giã biệt mình !

(Lời từ biệt bản thảo Hà Nội 1983- Berlin 1990)

Ta bỗng nhiên ý thức về một chuyến du lịch, một cuộc du ngoạn thật dài từ nhà thơ đến bạn đọc, từ Việt Nam tới CHLB Đức khi đọc dữ liệu xuất hiện của bài thơ nói trên: Hà Nội 1983- Berlin 1990. Ta cảm thấu sự day dứt với vết thương rách da rách thịt của người viết, nhà thơ luôn luôn trở đi trở lại với sự thăng bằng của tâm hồn và tìm kiếm sự thăng bằng giữa giữa Việt Nam và Đức, khi anh viết về sự sụp đổ của bức tường Berlin và về đêm trừ tịch bên cổng thành Brandenburg:

…Đêm trừ tịch đầu tiên tôi được thấy

Đông với Tây cởi mở nỗi lòng mình?

Chân phiêu lãng chợt buồn trên xứ lạ!

Dưới chân mình đâu phải đất khai sinh!

Xin nhớ mãi một giao thừa du ngoạn

Tôi rong chơi như trẻ nhỏ la đà…

Tây Berlin chợt cười tôi cay đắng

Thèm nghe nhạc pháo hồng trên cổng ngõ nhà ta

( Viết trước cổng thành Brandenburg-Giao thừa 1990)

Và cảm xúc không quê hương cùng với sự bất an đã tự mình bay lên trước chiếc quan tài Việt Nam ở Pasewalk, nơi mà:

Điều không thể hình dung đã thành có thể

Và điều không thể xảy đã xảy ra rồi

Chiếc quan tài Việt Nam giữ một khoảng không rất nhỏ trong đời.

(Trước chiếc quan tài Việt Nam ở Pasewalk)

Thơ văn của Thế Dũng đã bảo tồn không lẫn vào đâu được cái chất trí tuệ thơ Đông Á. Thi ca của anh có thể cầm giữ được cả những điều tưởng chừng không thể nghe thấu, nó sống động mênh mông trong sự kiệm lời như ta vẫn thấy chúng trong Tankas và Haikus, một loại thi ca ghi lại cho ta cái đẹp hoặc cả sự bi cảm của một khoảnh khắc

Một ví dụ về điều đó là những dòng thơ tinh tế của anh trong bài “ Đợi hoa Quỳnh”:

Khi muốn gặp hoa Quỳnh

Đừng bao giờ lơ đãng

Đừng bao giờ ngủ quên

Nhất là lúc trăng lên

Hoa Quỳnh nở về đêm

Đợi hoa đừng nóng ruột

Đợi hoa đừng mỏi mắt

Hoa có giờ mà em?

(Đợi Hoa Quỳnh)

o

Nếu độc giả nào muốn liều thử suy ngẫm toàn bộ vấn đề, bí pháp, cái bất giải tiếp tục tồn tại của một bài thơ như “Đêm Trùng phu” thì việc đọc lại lần nữa bài thơ “Chuyện tình dở dang” mà tôi đã dẫn ra ở đầu bài này có thể sẽ giúp được phần nào.

“Đêm trùng phu” không phải là sự vui thú nhân hai mà là sự nhân đôi của cực hình. Trong bài thơ này vang lên sự trăn trở đi đến quyết định, đòi hỏi ở mỗi người mà trong tình yêu, trong tưởng nhớ đến người đã mất đã không dứt ra được khỏi người đó. Chung thủy mãi sau cái chết, luôn được nuôi dưỡng bằng những kỷ niệm không bao giờ phai, lại còn mạnh lên qua trí tưởng tượng, càng nổi cộm lên khi người kia, người thương yêu ở hiện tại càng ít hiện diện. Kết quả là:

Nguyên khí thành Thơ để khỏi bị nghẹt thở…

Người đàn ông đã hy sinh trong chiến tranh đã chiếm lĩnh hoàn toàn cuộc sống của vợ mình thông qua những giấc mơ của chị với anh. Đã nảy sinh xung đột giữa hai người đàn ông, một người chết và một người sống-trong vở kịch của Thế Dũng họ sẽ phải được hòa giải thông qua các trạng sư và thẩm phán dưới Âm phủ. Có một sự song hành ở đây:

Đêm trùng phu,

Chơ vơ hoang vu cõi đời Thi sĩ

Có người đàn ông này

chợt nghĩ về người đàn ông kia mà xót buốt, thảng thốt, u uất

Có người đàn ông nọ chợt hình dung ra

Một người đàn ông nào đó đang yêu mê

Có thể cả hai đều yêu mãnh liệt vợ mình

Nhưng bằng hai lối khác ?

Âm phủ, tôi muốn gọi đó là vùng tiềm thức. Đó là một kiến trúc tài tình cung cấp cho những xung đột trong những giấc mơ một sân khấu, một địa diểm hành động. Trong tiềm thức ta thấy niềm khát vọng toại nguyện trong cuộc sống thực. Song không một bản án nào có thể ngăn cản việc ta mơ được cái còn đang ở ước vọng bất thành. Giấc mơ đã nắm giữ vai trò đạo diễn trong khi ta ngủ:

Anh trôi về nơi đắm đuối đã vào lưu ảnh

Để lặng lẽ yêu em trong tuyết mưa hư ảo

Bỗng thấy chơ vơ trong một khắc khoải phi lý ngổn ngang khăn ngủ nấc buồn…

Ngủ yên sao ?

Khi anh không nằm đúng nơi chốn …

Những vần thơ của Thế Dũng luôn luôn làm ta xúc động bằng tính chân thật của nó khi thuật lại những trải nghiệm đớn đau, gắn bó với những khoảnh khắc siêu thực đồng hiện với lý giải phân tâm học.

Trong ngôn ngữ của Thế Dũng văn thơ của hai lục địa với nền văn hóa khác nhau đã hòa quyện vào nhau và sự mệnh danh rắc rối sự trái khoáy của nó cho đến tận nấm mồ ở Pasewalk. Ở đây không có bài điếu văn với lời diễn giảng giải hòa gây xúc động, ở đây ta chỉ thấy những đoản văn trong khi dẫn chứng đầy cảm động của mình đã hầu như không còn chỗ cho sự diễn giải trữ tình. Tất cả những trải nghiệm này dường như đã muốn đóng các cánh cửa lại hơn là làm thỏa mãn ước muốn ta mở cho nhau cửa tới vô cùng của Thế Dũng. Song với sự định hướng mạnh mẽ thi pháp vào cuộc sống trong sự nhiệt thành tìm kiếm tính nhân văn, Thế Dũng đã bỏ qua mọi sự kín bít, tránh được sự trốn chạy vào một cuộc ly tán trí tuệ.

Hồn thi sĩ chia mấy vùng trận mạc ?

Song Thế Dũng vẫn trung thành với ước vọng của mình, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam bằng những bài thơ của mình, với nhịp bước của chính mình làm sống động lại những cây cầu đang có, cùng những vần thơ của mình bước lên những thân tre vắt vẻo bởi các cây cầu sống được là do những bước chân ta.

Ulrich Grasnick Berlin 12.2003 Người dịch: Phan Mai **** - 10.2012

Chú thích: (của Thế Dũng)

*Ulrich Grasnick: Sinh năm 1938, tại Pirma. 1959-1963 Tốt nghiệp Đại học Âm nhạc tại Dresden. Từ năm 1968 xuất bản nhiều tác phẩm tại “Neue Deutsche Literatur“. Từ năm 1974 là nhà văn tự do, Hội viên hội nhà văn Đức. Là tác giả của nhiều tập thơ và tiểu luận nổi tiếng. Hiện ông đang sống và viết ở ở Berlin.( http://de.wikipedia.org/wiki/Ulrich_Grasnick)

**Francisco de Goya (1746-1828) Họa sĩ Tây ban nha nổi tiếng thế giới với các họa phẩm: Desastres de la Guerra (Thảm kịch chiến tranh) La maja desnuda (Nàng Maja khỏa thân)…v…v..

*** Unvollendete Liebegeschichte – Tiểu thuyết kịch Bản tiếng Đức của Ng. N. D. & Huyền Nhân-Bìa Viên Linh Edition Trillce Berlin 2000. Năm 2011, NXB Lao Động tái bản (Bản tiếng Việt) trong bộ ba tiểu thuyết kịch của Thế Dũng

****Dịch giả hiện đang sống và làm việc tại Đức.

Bài viết được rút ra từ Tập Tùy bút & Đối thoại Gió Đi Dưới Trời do Vipen xuất bản 2013.