Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (21): Giới thiệu cuốn Tìm hiểu triết học Karl Marx của Trần Văn Toàn

Thụy Khuê

Giáo sư Trần Văn Toàn

Karl Marx
, triết gia và chính trị gia Đức, được coi là cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản, sinh tại Trèves (Đức) ngày 5/5/1818 và mất tại Luân Đôn ngày 14/3/1883.

Karl Marx đã góp phần xây dựng nền móng chính trị của tầng lớp thợ thuyền trong thế kỷ XIX chủ yếu trong lòng liên minh cộng sản và trong các hiệp hội lao động quốc tế.

Sau khi qua đời, ảnh hưởng của Marx lại càng lớn lao nửa sau thế kỷ XX. Và có thể nói, nếu Marx còn sống, chắc ông cũng khó nhận diện được những chủ nghĩa mác-xít mà người ta đem ra trình làng, ở khắp các nước cộng sản trên thế giới, có cái nào còn giống ít nhiều với triết học vật chất của Karl Marx.

Công lao lớn nhất của Karl Marx là ông đã đem vật chất đối chiếu với tinh thần. Phê bình hệ thống triết học tinh thần của Hegel và hoàn thành nền triết học vật chất đã được Fuerbach khởi xướng.

Sự khác biệt cơ bản giữa phương pháp biện chứng của Marx và Hegel được chính Marx viết trong bài hậu từ, in trong cuốn Tư Bản Luận lần tái bản thứ nhất, năm 1873, như sau; Marx đã tóm tắt lập trường của mình đối với Hegel như thế này:

“Phương pháp biện chứng của tôi không những có một căn bản khác mà còn đối lập hẳn lại phương pháp của Hegel. Hegel cho tư tưởng là một chủ thể tự lập, mang tên là ý tưởng và tác tạo nên thực tại, còn thực tại chỉ là một lối xuất hiện của ý tưởng. Đối với tôi thì ngược lại, tư tưởng chẳng qua chỉ là vật chất đã biến thể và được di chuyển vào đầu óc con người.”

Nhưng cách đấy mấy dòng, ông lại viết:

“Thế là tôi đã nhìn được một cách công khai rằng tôi là học trò của nhà tư tưởng đại tài ấy.”

Rồi ông viết đến câu rất thời danh: Biện chứng của Hegel đã đi ngược đầu xuống đất, và phải đảo lộn nó lại mới có thể đập vỡ được cái vỏ thần bí để khám phá được cái hạt nhân hữu lý. (Trần Văn Toàn, Tìm Hiểu Triết Học Karl Marx, trang 13).

Theo Marx, Hegel đã đảo ngược quá trình biện chứng duy vật thành quá trình duy tâm, tức là đáng lẽ phải đi từ vật chất đến tinh thần thì Hegel lại đi từ tinh thần đến vật chất.

Nói tóm lại, Hegel chủ trương tinh thần làm chủ vật chất và Marx đảo ngược phương trình: Vật chất làm chủ tinh thần.

Nói rõ hơn, Hegel cho rằng tinh thần quy định sự tiến hóa. Hoạt động tinh thần sáng tạo ra thế giới. Triết học Hegel phản ánh một chân lý: Đó là con người sáng tạo thế giới lịch sử. Và con người đó được quan niệm trong phạm vi tinh thần và biện chứng vong thân là chìa khóa mở cửa vào triết học, vào lịch sử.

Marx, trái lại, cho rằng biện chứng tinh thần về vong thân của Hegel là một ảo tưởng. Và theo Marx, biện chứng vong thân chỉ tìm được giải đáp trong sản xuất và chính ở “sản xuất” ta mới có thể tìm thấy những bí mật của hiện hữu con người.

Trần Văn Toàn căn cứ vào bộ toàn thư của Marx và Engels, viết tắt là MEGA, xuất bản tại Berlin từ năm 1927 đến năm 1932 để soạn cuốn Tìm Hiểu Triết Học Karl Marx của ông.

Tác phẩm của Trần Văn Toàn chia làm ba chương.

Trong Lời nói đầu ông giới thiệu ba chương ấy như sau:

Chương I: Trình bày sự hình thành của hệ thống Marx.

Marx là một nhà phê bình. Ông lấy chữ phê bình đặt vào tên những tác phẩm chính.

Hệ thống (tư tưởng) của ông thành hình trong khi phê bình người khác, nhất là Hegel.

Tuy phê bình Hegel nhưng Marx vẫn đứng trong lập trường biện chứng của Hegel.

Marx phê bình Hegel ở điểm then chốt: Quan niệm về cái toàn thể với chủ ý không bỏ rơi cái toàn thể, nhưng phải tìm cho ra cái toàn thể đích đáng. Cái toàn thể đích đáng này sẽ là tiêu chuẩn để có thể nhận ra đâu là con người vong thân.

Vì vậy, con người vong thân là ý niệm then chốt của hệ thống triết học Karl Marx.

Chương II: Bàn về sự vong thân của con người.

Chương này chia làm hai phần:

- Phần một, mô tả những trạng thái vong thân: con người đánh mất bản thân trong kinh tế, trong chính trị, trong cần lao và trong đời sống xã hội.

- Phần hai, bàn về ý thức vong thân: phân biệt vong thân trong tôn giáovong thân trong ý thức hệ.

Trong chương III, đáng lẽ phải nói đến cái thế giới lý tưởng của con người đạt thân, tức là trạng thái hết vong thâný thức hết vong thân.

“Nhưng trạng thái hết vong thân (tức là xã hội vô giai cấp), cả ở thời Karl Marx lẫn thời chúng ta, vẫn chưa phải là một thực trạng, một quang cảnh có thực, nhưng chỉ mới có ở trong ý thức, trong lời nói và trong sách vở mà thôi. Do đó chúng ta bắt buộc phải bỏ vấn đề trạng thái hết vong thân, mà chỉ nói đến cái ý thức hết vong thân, hay là ý thức cộng sản mà thôi.” (Trần Văn Toàn, Lời nói đầu).

*

Marx cho rằng: con người có thể dùng sức lao động của mình để làm cho thiên nhiên có một bộ mặt người, để làm cho thế giới thiên nhiên biến thành thế giới nhân văn. (Trang 36).

Cùng xây dựng cả, nhưng cái làm cho con người khác con ong là ở chỗ: Trước khi xây cái tổ ong bằng sáp thì kiến trúc sư đã xây nó trong đầu mình rồi. (Trang 36)

Cho nên, Marx xác định: Con người là con vật có loại tính và khác con vật là vì có hành động, có ý thức và tự do.

Tóm lại, theo Marx, con người chỉ khác con vật và chỉ thành người vì, một là, có ý thức về hành động của mình, và hai là, có thể tách biệt ra khỏi sản phẩm của mình, đến nỗi sản phẩm ấy có thể trở thành xa lạ hay đối nghịch với mình.

Nói như vậy, tức là Marx gián tiếp công nhận muốn trở thành người, thì con người phải vong thân (tức là phải cần lao).

Vì thế, Marx thấy cần phải đảo lộn hệ thống (vong thân của) Hegel và ông đã nhận định được rằng muốn đảo lộn như thế, thì phải xác định lại ý nghĩa của ý niệm vong thân. (Enthfremdung, Entaeusserun) (Trang 25)

Theo Marx, Hegel mắc hai cái lầm: Một đàng, Hegel coi triết gia như là cái thước đo thế giới vong thân, thành ra cái gì cũng ở trên bình diện tư tưởng cả. Mà nếu triết gia đã chỉ đứng trên bình diện tư tưởng, thì sự vong thân cũng như sự tiêu diệt vong thân đều chỉ có trong tư tưởng mà thôi. (Trang 26)

Tuy nhiên Marx cũng nhìn nhận rằng Hegel có một công trạng lớn: Hegel đã hiểu được thế nào là cần lao và nhận được rằng con người thiết thực là kết quả của lao động của mình.

Trần Văn Toàn, trong Tìm hiểu triết học Karl Marx, đặt trọng tâm vào vấn đề vong thân và trong chương II của tác phẩm, ông đã phân tích rất cặn kẽ ý niệm vong thân này. Theo Trần Văn Toàn, vong thân là ý niệm then chốt của hệ thống tư tưởng Karl Marx.

Vậy vong thân là gì?

Vong thân là mất mình, là đánh mất bản thân.

Hòn đất, hòn đá không bao giờ ở trạng thái vong thân, bởi chúng không có ý thức về mình.

Chỉ những vật có ý thức mới có thể vong thân.

Chữ vong thân nguyên trong tiếng Đức là Ent Fremdung. Ở những tác giả khác như Trần Đức Thảo, được dịch là phóng khí. Trần Thái Đỉnh dịch là phóng thể. Tiếng Pháp dịch là aliénation và ngày nay người ta gọi là tha hóa.

Chính sự kiện có ý thức làm cho con người có thể vong thân, tức là làm mất mình đi, là phóng thể, là sa đọa hay tha hóa.

Vấn đề vong thân bao quát hai phạm trù: trạng thái vong thâný thức vong thân.

Nhưng khi đã đặt vấn đề vong thân tức là phải biết thế nào là con người đạt thân, tức là con người đã tìm ra cái chân tướng của mình, không để mất mình nữa, thì mới có thể xác định đâu là vong thân.

Đối với Hegel, cái chân tướng ấy là cái tư tưởng tuyệt đối chỉ có thể có ở những nhà hiền triết. Như vậy đối với Hegel thì sự vong thân của con người chỉ là một giai đoạn để đi đến cái tuyệt đối trong tinh thần, tức là biết tất cả về vũ trụ và con người, và khi ấy thì con người hết vong thân.

Trái lại, đối với Karl Marx, cái vong thân không thể thu hồi được và phải tiêu diệt nó đi một cách triệt để.

Do vậy, triết học Karl Marx, trước tiên, vạch ra trạng thái vong thân.

Đối với Marx, “sự đánh mất mình” không phải là một hiện tượng về ý thức thuần túy như Hegel quan niệm, nhưng là một hiện tượng có thực, xẩy ra hàng ngày: Vong thân là thực trạng bất hòa giữa con người với thế giới thiên nhiên và thế giới nhân văn.

Nói cách khác, con người đánh mất bản thân trong thế giới này.

Đối với nhiên giới thì có vong thân trong kinh tế, đối với nhân giới thì có vong thân trong chính trị, cả hai đi đôi với nhau.

Tóm lại, nếu không có người khác thì không bao giờ ta đánh mất bản thân mình trong vật giới. Cả hai trạng thái vong thân này có thể gộp chung làm một gọi là vong thân trong cần lao tức là đánh mất mình trong lao động, vì lao động bao giờ cũng bao hàm yếu tố xã hội, và cũng có thể gọi là vong thân xã hội vì đời sống xã hội đặt cơ sở trên cần lao.

Như vậy trạng thái vong thân là vong thân trong cần lao, nghĩa là con người bị mất mình trong lao động sản xuất.

Marx giải thích:

“Tiền công làm việc được quyết định do cuộc tranh đấu giữa hai kẻ thù là tư bảnngười thợ.

Trong cuộc tranh đấu này người thợ không hi vọng gì có thể đạt được thắng lợi.

Sức làm việc không còn phải là sự giúp đỡ quý hóa giữa người với người, nhưng là một món hàng, giá cả tùy theo luật cung cầu. Người có tiền có thể theo giá “tự nhiên” ấy mà mua hay là cố tình dìm giá xuống” (Trang 66-67)

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng tiền công làm việc cũng như giá cả hàng hóa, là chỗ giao thoa giữa cung và cầu. Nhiều người làm mà ít việc thì tiền công tự nhiên hạ xuống. Ít người làm mà công việc nhiều thì tự nhiên tiền công cao lên.

Marx không công nhận cái lý tự nhiên này, ông cho cái gọi là tự nhiên này là bất nhân vì nó là đặc điểm của những liên quan giữa sự vật với nhau. Theo ông, tiền công làm việc không phải là sự cọ xát giữa sự vật mà là kết quả những xô xát giữa người với người.

Đối lập với tiền công thợ thì có tiền lời tư bản. Marx viết:

“Trong một món hàng, hễ cái phần nhân lực càng lớn thì tiền lời của cái vốn nằm chết lỳ ra đó lại càng nhiều. Nghĩa là tiền công của người thợ và tiền lời của tư bản thay đổi theo tỷ lệ ngược nhau. Đó là định luật của sức mạnh. Ai mạnh thì thắng lợi.” (Trang 67)

Ngoài ra, song song với vấn đề tiền công và tiền lời trong kỹ nghệ, thì có vấn đề điền chủ và nông dân. Marx viết:

“Vì tư bản và điền chủ không khác nhau, cho nên kết quả là trong dân gian chỉ có hai lớp người: lớp người làm việc và lớp người tư bản.”

Đại khái bức tranh xã hội của Karl Marx trong thế kỷ XIX là như thế.

Theo Marx, vong thân là như sau: Đáng lẽ cần lao làm cho con người thành người, thì lại làm cho con người không thành người.

Trước hết, cần lao là vinh dự của con người, là một hoạt động tự do, đem lại tự do.

Vì thế, lao động là quyền lợi của con người, đó là cái quyền phát triển bản thân.

Nhưng trong chế độ tư bản, Marx nhận xét: “Lao động không có gì là thú vị, đi vào xưởng làm là đi tiêu hủy tâm hồn và thể xác. Làm một công việc nặng nhọc do người khác xếp đặt.”

“Sự phân công lại càng bất công nữa: người sở trường việc này, bắt phải làm việc khác. Nhưng nếu không nhận việc thì chết đói. Con nguời đánh mất hoạt động của mình, không được làm chủ hoạt động của mình nữa tức là con người bị vong thân, nhưng chưa hết, cái cần lao vong thân vẫn còn hơn những người bị thất nghiệp. Những người này muốn vong thân mà cũng không được.” (Trang 68)

Vậy một thế giới lý tưởng là thế giới mà trạng thái vong thân phải được tiêu diệt. Tiêu diệt vong thân tức là tiêu diệt giai cấp. Tiêu diệt sự người bóc lột người.

Trần Văn Toàn đặt câu hỏi:

“Một xã hội không giai cấp như thế chưa thấy xuất hiện trên thế giới này.

Triết lý của Marx có phải là không tưởng hay không?”

Trong hệ thống triết học phương Tây, các chủ nghĩa, đường hướng luôn luôn đánh đổ nhau để tìm ra cái mới. Karl Marx xuất phát từ biện chứng Hegel để đánh đổ Hegel, rồi Jean Paul Sartre cũng đi từ triết học Karl Marx để phê bình Karl Marx không kém phần gắt gao. Rồi Sartre lại bị Foucault phê bình và tìm cách lật đổ.

Đó là khía cạnh mở của triết học: đời người là một cái gì vô cùng bí mật, càng khám phá tìm tòi, nó càng đưa chúng ta đến những bến bờ vô tận.

Thụy Khuê

Paris 5/12/2004

Đọc lại và sửa 2/8/2014