Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

Ôi, Nhân loại! Về cuốn “Cuộc nổi loạn của bầy thú” của Władysław Reymont

 Charles S. Kraszewski, Lời giới thiệu tiểu thuyết Cuộc nổi loạn của bầy thú[*]

Hiếu Tân dịch

Một Orwell của Ba Lan

Người thứ hai trong số sáu người đoạt giải Nobel văn học của Ba Lan, Władysław Stanisław Reymont (1867-1925), không phải là một người vô danh bên ngoài quê hương của ông. Các bản dịch của ‘Những người nông dân’ (‘The Peasants’) [Chłopi, 1904-1909], tác phẩm đã mang về cho ông giải Nobel năm 1924, và tác phẩm trước đó của ông là ‘Đất Hứa’ (Promised Land) [Ziemia obiecana,1899] đã có bản tiếng Anh ít nhất là từ năm 1925 và 1927.¹ Không thể nói như thế về cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, ‘Cuộc nổi loạn của bầy thú’ (The Revolt of the Animals) [Bunt,1924]. Ngoài việc đăng báo theo kỳ vào năm ông mất, chỉ có ba phiên bản của tiểu thuyết này dưới dạng sách được in ở Ba Lan: phiên bản năm 1924 của công ty Gebethner and Wolff trước chiến tranh, phiên bản năm 1934, được xuất bản tại Warsaw bởi ‘Wydawnictwo Tygodnika Ilustrowanego’ [Illustrated Weekly Publications], và gần đây nhất là phiên bản của Wimana (Gdańsk: 2018).

Niên biểu này rất nói lên rất nhiều: hai lần in (hoặc ba lần, nếu tính cả lần đăng báo theo kỳ) trước Thế chiến thứ hai, chấm dứt nền độc lập của Cộng hòa Ba Lan thứ hai vừa được phục hồi, và một lần vào năm 2018 – hai thập kỷ sau khi Ba Lan giành lại được nền độc lập và sự sụp đổ của quyền bá chủ Liên Xô ở Đông-Trung Âu. Vì, như các biên tập viên của ghi chú in năm 2018 trên trang đầu của họ:

Cuốn tiểu thuyết là suy tư cá nhân của Tác giả về cuộc cách mạng Nga, và là lời phê phán về hệ tư tưởng của nó. Mặc dù ông đã nhìn với sự ghê tởm về chủ nghĩa tư bản quá trớn, một sự ghê tởm mà ông đã thể hiện trong Đất Hứa của mình, nhưng kết quả của việc rơi vào thái cực khác đã khiến ông kinh hãi. Trên trái đất này, tất cả các Đất Hứa (Utopia) sẽ sẽ vẫn là những lý tưởng chưa thành hiện thực. Bất chấp những ý định ban đầu tốt đẹp nhất, mọi nỗ lực áp đặt Utopia, đặc biệt là thông qua cách mạng, sẽ kết thúc theo cùng một cách: hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu nạn nhân hầu hết là vô tội. Không có gì ngạc nhiên khi trong suốt những năm của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, ‘Cuộc nổi loạn’ của Reymont vẫn nằm trong danh mục các đầu sách bị cấm. ²

Cuốn tiểu thuyết, mà Reymont đặt phụ đề là baśń – một câu chuyện ngụ ngôn hoặc truyện cổ tích – tập trung vào Rex: một chú chó giống chó ngao khỏe mạnh, được nuôi dưỡng trong một trang viên, sau khi sống sót và bị gia đình đuổi khỏi Địa đàng của con người một cách tàn bạo sau cái chết của chủ nhân, đã nảy ra ý tưởng cách mạng là dẫn dắt các con vật thoát khỏi ách nô lệ của con người. Hắn sẽ đưa họ đi xa về phía đông, lấy cảm hứng từ tiếng hót của những chú sếu, những bài ca trữ tình về một vùng đất thiên đường nơi bàn chân con người chưa từng đặt đến, nơi đồng cỏ xanh tươi và lấp lánh những dòng nước tinh khiết. Người đọc sẽ thấy điều này diễn ra như thế nào vào đúng thời điểm. Tuy nhiên, chính khái niệm về một câu chuyện ngụ ngôn về động vật – một thể loại thơ ca đã biết từ thời cổ đại – đã chuyển sang xem xét cách mạng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa toàn trị không thể không gợi lên trong tâm trí người đọc một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng hơn, cũng có phụ đề là 'một câu chuyện ngụ ngôn' – Trại súc vật (1945) của George Orwell. Với sự thẳng thắn khá dễ hiểu, các biên tập viên tại Wimana đã nhanh chóng chỉ ra điều này, một vài dòng bên dưới đoạn trích ở trên: ‘Cuộc nổi loạn’ ra đời trước hơn hai mươi năm so với tác phẩm Trại súc vật của G. Orwell. Có lẽ, nếu không bị đưa vào danh sách đen, nó có thể đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất thế giới của thể loại này.’ Độc giả hoài nghi có thể tự hỏi tại sao không có dịch giả nào tìm đến ‘Cuộc nổi loạn’ trong mười lăm năm tương đối hòa bình và thịnh vượng sau lần xuất bản đầu tiên của tiểu thuyết, trước cuộc xâm lược Ba Lan của Đức Quốc xã/Liên Xô vào tháng 9 năm 1939 đã dập tắt mọi mối quan tâm thứ yếu như văn học trong nước; tại sao bản dịch tiếng Anh đầy đủ chỉ mới xuất hiện, gần một thế kỷ sau lần xuất hiện đầu tiên của cuốn sách, trong khi tiểu thuyết của Orwell đã được dịch sang tiếng Ba Lan ngay sau khi xuất bản bản gốc tiếng Anh, vào cuối năm 1946, tại London, nơi khan hiếm giấy.³

Người ta có thể nói, ‘vì Trại súc vật là một cuốn sách hay hơn.’ Tôi – dịch giả – hoặc bất kỳ ai có hiểu biết sâu sắc về văn học, không thể đưa ra lời đáp nào cho điều khẳng định đó. Nhưng: có thực sự có những cuốn sách hay hơn và dở hơn không? ‘We’ [Chúng ta] của Evgeny Zamyatin có ‘hay hơn’ 1984 không? Hay 1984 có hay hơn Darkness at Noon’ [Bóng tối giữa trưa] của Koestler không? Có hợp lý không khi nói rằng bản làm lại tuyệt vời của Roger Waters trên chủ đề Orwellian (theo mode Orwell) từ ‘Những con vật (Animals) của Pink Floyd’ (1977) ‘hay hơn’ Trại súc vật [Animal Farm] khúc đồng quê táo bạo và vô vọng của Ray Davies từ Village Green Preservation Society (1968)? Người ta có thể thích The Kinks hơn Pink Floyd [các ban nhạc rock] , hoặc ngược lại; Orwell hơn Reymont, hay Reymont hơn Orwell, nhưng liệu xếp hạng ‘hay hơn’ và ‘dở hơn’ có áp dụng trong nghệ thuật không? Raphael có phải là một họa sĩ ‘giỏi hơn’ David Hockney không? Tác phẩm First Communion (1906) tự nhiên như ảnh chụp của Picasso có hay hơn hay dở hơn tác phẩm Chân dung Dora Maar (1937) của ông, là tác phẩm phá vỡ phối cảnh và màu sắc? Có lẽ tốt nhất là gạt sang một bên mọi sự so sánh đánh giá như vậy và tiếp cận tất cả các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả hai cuốn sách này, trên cơ sở cái riêng của chúng. Tác giả đã cố gắng làm gì? Ông ấy có thành công không?Các nhà phê bình Ba Lan, cả trước và sau chiến tranh, đều không quá lời khen ngợi thành quả cuối cùng của ngòi bút đoạt giải Nobel của họ. Năm 1938, khi viết trên The Slavonic and East European Review, Wacław Borowy chỉ dành một câu mô tả cho cuốn tiểu thuyết, đủ để nói lên điều đó khi tránh đánh giá. Ông gọi nó là 'một dạng Roman du Renart đương đại, trong đó [Reymont] cố gắng mô tả sự rối rắm của các ý tưởng xã hội hiện tại.'Năm 1926 (và do đó chỉ hai năm sau khi xuất bản), Roman Dyboski, dịch giả và giáo sư văn học Anh tại Đại học Jagiellonian, đã thấy sự ra đời của ‘Cuộc nổi loạn’ trong bối cảnh lịch sử đương đại: Chiến tranh Liên Xô-Ba Lan 1919-1921, trong đó Quân đội Ba Lan chiến thắng dưới sự chỉ huy của Józef Piłsudski đã ngăn chặn những nỗ lực của Liên Xô nhằm xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản sang phương Tây 'trên xác chết của nước Ba Lan trắng'. Dyboski viết:

Reymont đề cập đến hiện tượng quái đản của chủ nghĩa Bolshevik dưới hình thức ẩn dụ của một câu chuyện về cuộc nổi loạn trong thế giới động vật (‘Cuộc nổi loạn’). Điều này gợi ý cho chuyên gia văn học một sự so sánh thú vị với bài thơ tiếng Latin của nhà thơ Anh thời trung cổ John Gower về cuộc nổi loạn nông dân vĩ đại năm 1381 (Vox Clamantis), nhưng bản thân nó quá đầy sự phấn khích tự nhiên của người Ba Lan về những điều khủng khiếp xảy ra ngay bên hàng xóm của họ, để thu hút được chú ý như một dòng suy tưởng văn chương lâu dài về tấn kịch chính trị vĩ đại diễn ra ngay trước mắt chúng ta.⁶

Dyboski dường như ngụ ý rằng điều này giống như tâm trí của nhà văn bị bắt quả tang, và nếu định nghĩa của Ezra Pound về văn học là 'tin tức vẫn là tin tức' được chấp nhận, thì Cuộc nổi loạn của bầy thú của Reymont, chỉ năm năm sau Chiến tranh Ba Lan-Liên Xô, là một lá thư chết như những phóng sự báo chí về các chiến dịch quân sự đang dần phai nhạt trong các kho lưu trữ. Gần với thời đại của chúng ta hơn, Jerzy Kwiatkowski, một nhà văn học sử chuyên về thời kỳ giữa hai cuộc chiến, đã bày tỏ đánh giá của mình về cuốn tiểu thuyết này theo cách phản ánh bầu không khí chính trị đang thịnh hành của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan Cộng sản.

Nói về cuốn tiểu thuyết trong bối cảnh 'khoa học viễn tưởng', thường trong những năm hai mươi 'là một sự châm biếm và cảnh báo về 'sự vật chất hóa' của xã hội mới sau chiến tranh và – một cuộc tiếp quản của Cộng sản', ông viết:

______________________________________________________________

Cuộc nổi loạn của Reymont (1924) có cùng mục đích. Đây là một tập sách mỏng sắc sảo chống lại cuộc cách mạng, được trình bày như một 'câu chuyện ngụ ngôn về động vật', với giọng thảm họa theo tinh thần của các tác phẩm của Florian Znanecki. […] Cuộc nổi loạn gây ấn tượng với người đọc bằng sự thẳng thừng, bản tính cụ thể, tính nhất quán về mặt nghệ thuật của nó. Tuy nhiên, là một tác phẩm châm biếm; nó nông cạn và cường điệu một cách ghê gớm.

Sự vô vị trong ý tưởng của nó (trình bày 'cuộc nổi loạn của quần chúng' như một cuộc nổi loạn của loài thú) đã làm cho tác giả phải đau đầu, vì nó hạn chế khả năng phân tích các hiện tượng mà nó lên án.

Thật ra đánh giá này có vẻ quá khắc nghiệt. Bởi vì ngay cả khi ‘Cuộc nổi loạn của bầy thú’ được coi là một 'cảnh báo chống lại sự tiếp quản của Cộng sản', và nếu Reymont phản đối một cách quyết liệt cuộc cách mạng của Rex – bất kỳ cuộc cách mạng nào – thì ông cũng không mô tả các bầy thú hoặc thủ lĩnh của chúng như quỷ dữ. Trái lại, ông thể hiện sự thông cảm và hiểu biết đối với chúng và những bất bình chính đáng của chúng cũng như đối với những người nông dân và công nhân trong những cuốn sách trước đó, nổi tiếng hơn của ông. Thật khó để đọc một đoạn văn mô tả về sự tàn ác của con người, chẳng hạn như chúng ta thấy trong chương đầu tiên của cuốn sách, khi Rex trèo lên hiên nhà để thăm một người bạn cũ:

‘Rex, Rex!’ con vẹt rít lên vui sướng từ chiếc vòng vàng của nó. “Tớ đang tìm cậu,” nó gừ gừ, trèo lên một chiếc ghế, như nó vẫn thường làm. Chúng vốn là bạn từ lâu. Con vẹt đáp xuống lưng dựa ghế và vỗ cánh, bắt đầu kể cho con chó nghe đủ loại tin tức bằng cái giọng the thé của nó. Nhưng trước khi nó có cơ hội trút bầu tâm sự với cô ả kia, những chú chó chồn lao vào, sủa váng lên, và đằng sau chúng là bà chủ nhà, cậu chủ nhỏ với khẩu súng hỏa mai của cậu và cả một đám đông ầm ĩ trong đoàn của họ.

‘Chạy đi, chạy đi!’ con vẹt thở hổn hển vì kinh hãi.

Đã quá muộn. Người đàn bà giận dữ lao tới và hét lên:

‘Cút đi! Cút! Cút cho khuất mắt tao, đồ bẩn thỉu! Đồ chó lai chết tiệt! Cút ngay!’

Và ngay lúc đó nó cảm thấy răng của con chó chồn cắm vào chân mình, trong khi những cú đập đau đớn trút xuống lưng nó.

Điên cuồng vì nhục và đau, nó tóm lấy những con chó nhỏ khốn khổ và xé xác chúng một cách không thương tiếc, bây giờ không để ý đến bất cứ điều gì, kể cả tiếng la hét, tia nước phụt hay những trận gậy đập xuống.

'Chạy! Chạy đi, Rex, chạy đi!’ con vẹt tiếp tục rít lên.

Cuối cùng, nó thoát khỏi đám đông đang tấn công và với một bước nhảy vọt như sư tử, rẽ lối dạt ra khỏi sân và đáp xuống bãi cỏ. Nhưng trước khi nó đến được bụi cây, một tiếng súng vang lên trong bụi cây và có thứ gì đó giống như một nắm sỏi nóng hổi cắm vào sườn bên trái của nó. Cú va chạm dữ dội đến nỗi nó bị ném thẳng về phía trước, nhưng ngay lập tức, cố thu lại chút sức tàn, nó nhảy vọt lên giữa đám linh sam. Tiếng súng thứ hai vang lên. Những cành cây nhỏ trút xuống mình nó như trận mưa những giọt nước mắt xanh, chết chóc. Nó không chờ đợi nữa mà bò qua công viên trở lại sân, gần nhà kho, nó chen vào một cái cũi, ở đó nó ngã xuống xuống, đau đến ngất đi.

Thậm chí còn khó đọc hơn đoạn văn này, là một đoạn sau đó: khi bị quấy rối và đánh roi, và điên lên vì tức giận trước cách đối xử với những con vật của những người bảo hộ trước đây của chúng, chú chó mang mầm mống cách mạng chứng kiến một cảnh phim đặc biệt rùng rợn về sự tàn ác của con người:

Lúc đó chúng nghe thấy một tiếng thét ghê rợn và nhìn thấy con lừa chạy tới, hoảng loạn ném mình vào đống phân.

‘Thằng mất dạy con ông chủ đã tạt nước sôi vào người nó! Làn da của nó bị bỏng tuột cả ra.

Rống lên một tiếng thảm thiết khủng khiếp, con lừa lăn lộn trong lớp bùn dơ mát lạnh, trong khi một lũ con trai, với cậu chủ trẻ dẫn đầu, chạy tới để tiếp tục cuộc vui của mình, ném đá như mưa vào con thú và quật gậy vào chân nó.

Người ta phải vô tâm lắm mới không nổi giận và thương hại trước cảnh tượng như vậy. Và tôi mạo muội nói rằng hầu hết mọi người khi đọc lời bài hát đau lòng ‘The Mongrel’ (con chó lai) của Thomas Hardy, trong đó một người đàn ông lừa con chó của mình nhảy xuống bến cảng trong một cơn sóng dữ, nhấn chìm con thú chết đuối để tiết kiệm một vài xu tiền thuế, đều hiểu ra khi cuối cùng, con chó nhận ra ‘vị thần’ của nó có ý định gì với nó:

______________________________________________________________

Ngay trước khi chìm, người ta thấy điều gì

hiện ra trên khuôn mặt của kẻ sùng đạo ấy?

Thức tỉnh về sự phản bội!

Nó đã yêu bằng tình yêu mù quáng đến thế?

Niềm tin đã tỏa sáng trong đôi mắt của con chó lai

rằng chủ của nó sẽ cứu nó, dần dần

trở thành một lời nguyền rủa khi nó chìm xuống để chết,

Với sự ghê tởm loài người.⁸

Tuy nhiên, khi chúng ta bắt gặp sự tàn ác, chúng ta gọi đó là 'thú tính'. Khi chúng ta nghe về một hành động tàn bạo khủng khiếp, chúng ta thốt lên 'Thật vô nhân đạo!' Chúng ta đã sai lầm biết bao. Theo lời giải thích của ông thày dòng người Mỹ Robinson Jeffers của Hardy, không có gì ‘người’ hơn sự tàn ác và bạo dâm vô cớ. Động vật không làm những điều như vậy.

Liệu Reymont có đồng ý với triết lý của chủ nghĩa vô nhân đạo mà người California vĩ đại ấy đã xây dựng trong hơn nửa thế kỷ sáng tạo thơ ca của mình hay không, chúng ta sẽ không bao giờ biết. Tuy nhiên, ‘Cuộc nổi loạn của bầy thú’ không phải là một bài luận văn tẻ nhạt, không phải là một bộ phim cao bồi viễn tây hạng B đội mũ đen và trắng để nhận dạng những tên côn đồ và những anh hùng. Nếu – trong bối cảnh của cuốn tiểu thuyết – Reymont đứng về phía xã hội loài người chống lại những bầy thú có móng guốc và sừng làm cách mạng, thì không phải là ông mù quáng trước sự độc ác của loài người. Hãy xem xét một con người được các loài động vật đánh giá là xứng đáng để đi cùng chúng trong cuộc hành trình của chúng – một đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi Dummy (không có tên thánh nào được nhắc đến; biệt danh của cậu – Niemowa – bắt nguồn từ tật nói lắp của cậu). Không ai biết làm thế nào mà một ngày nọ, khi còn là một đứa bé, cậu ta xuất hiện trên bậc thềm bếp của trang viên; lòng từ thiện khắc nghiệt của những người giàu có khiến chúng ta tự hỏi liệu có tốt hơn không nếu không nhận nuôi cậu, mà thay vào đó là vứt bỏ cậu, như trong cái thời tồi tệ của người Hy Lạp cổ đại, hơn là cho cậu ăn vừa đủ để cho hồn không lìa khỏi xác, để đánh đập cậu, để chế giễu cậu, để đối xử với cậu như một trong những con thú (bạn còn nhớ con lừa không?) là những người bạn duy nhất của cậu. Có một cảnh đáng chú ý trong nửa sau của cuốn tiểu thuyết, khi đang lục lọi trong đống đổ nát đầy khói của một thị trấn bị cư dân bỏ hoang sau khi biển động vật giận dữ đi qua, Dummy thấy mình đang ở trong một cửa hàng đồ chơi bị đập phá:

______________________________________________________________

...đưa mắt liếc quanh cửa hàng, cậu đột nhiên rùng mình vì sợ hãi như thể cậu vấp ngã trước một bàn thờ. Có một tủ quần áo lớn với những ô của gương, và trên kệ có những con búp bê có kích cỡ và trang phục khác nhau. Có những con gấu, màu hồng và màu trắng, những con ngựa, những con choi choi và, bên cạnh đó, những chồng kiếm, súng, trống, tù và và hàng ngàn thứ kỳ diệu khác mà cậu nhìn thấy lần đầu tiên. Cậu chúc phúc cho mình và dụi mắt, không thể tin được vận may lớn lao này. Cậu đã nuốt chửng tất cả những thứ kỳ diệu này với đôi mắt bồn chồn, nghẹt thở và sợ rằng tất cả sẽ tan biến như sương mù. Cậu đứng đó há hốc mồm, xúc động đến tận cùng, kinh ngạc, nước mắt chảy dài trên má. ‘Ôi Chúa ơi, đẹp làm sao!’ cậu nức nở bằng một giọng tràn đầy một nỗi vui sướng khôn tả.

Chúng ta có cần thêm bất kỳ bằng chứng nào về sự độc ác của con người không? Phải có một cuộc cách mạng của các loài động vật để giới thiệu đồ chơi cho trẻ em. Xin lỗi nếu tôi trích dẫn không đúng ngữ cảnh, Robinson Jeffers có lần đã nói ' Nếu không bị phạt, tôi thà giết một con người còn hơn là một con diều hâu'⁹ Vâng. Bạn nói đúng.

Tôi cũng có thể trở nên trong sạch.

Có thể cái này không làm bạn ngạc nhiên, nhưng bản thân tôi hơi vô nhân đạo.

Tôi không ăn thịt động vật.

Tôi không phải lúc nào cũng như thế này. Giống như hầu hết mọi người, tôi lớn lên với món Fleisch [thịt] (tôi cố ý dùng một từ tiếng Đức ở đây). Tôi nhớ – khi đã là người lớn – tôi đã cười khi xem một quảng cáo của một quán bít tết ở New York chỉ vẽ một con dao và dòng chú thích (lúc đó tôi nghĩ là dí dỏm) Làm những người ăn chay khiếp sợ trong hơn năm mươi năm. Tôi không ngờ rằng, chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ là một trong những người khiếp sợ.

Hầu hết những người ngừng ăn thịt, sau khi được nuôi dưỡng bằng thịt, sẽ có một câu chuyện giải thích khi nào và tại sao, điều đó xảy ra. Câu chuyện của tôi không có gì kịch tính về điều đó cả. Câu chuyện diễn ra ở Sở thú Norfolk. Họ có một khu vực được gọi là Sân trại Virginia', hay đại loại thế. Đó là nơi trưng bày tất cả các loài động vật được con người thuần hóa. Lúc đó tôi không nghĩ đến điều đó, nhưng thực ra, tôi đang lang thang giữa tất cả các loài động vật mà bạn tìm thấy trên trang trại trong tiểu thuyết của Orwell, hoặc trong khuôn viên điền trang của Reymont. Có một lúc, tôi bước vào chuồng lợn. Có một rào chắn bằng gỗ thấp – một vài tấm ván ngang đóng đinh vào các cột – bên kia là con lợn to nhất mà tôi từng thấy. Con lợn này to lớn vô cùng. Tôi cá là nếu tôi nằm dài bên cạnh nó (không, tôi không làm thế!) thì nó sẽ không ngắn hơn tôi là bao, và tôi cao hơn met tám. Tôi không biết tại sao – đó không phải là một trải nghiệm huyền bí – nhưng khi tôi dựa vào rào chắn thấp đó, nhìn xuống hình dạng khổng lồ của con lợn đó, tôi đã bị thôi miên. Và đột nhiên tôi nói, Tại sao tôi lại muốn ăn thịt bạn? Tại sao tôi lại muốn giết bạn, và ăn thịt bạn? Đây không phải là sở thú; con lợn không lộn nhào hay rúc vào để được thưởng thức hoặc dụi cái đầu to lớn của nó gần để được gãi; nó đang ngủ. Có lẽ đó chỉ là sự yếu đuối của nó, nằm nghiêng một bên, bộ ngực lớn, hình thùng của nó phồng lên và xẹp xuống với mỗi hơi thở, tai nó giật giật đuổi một con ruồi… tiếng ngáy đột ngột giống hệt tiếng ngáy của tôi (người ta kể) khi ngủ trên bãi biển, tôi đột nhiên kêu lên trong vòm miệng… Đó là một sinh vật sống. Một loài động vật có vú. Một sinh vật thông minh. Và tôi sẽ giết nó – một cái chết khá tàn nhẫn, trong trường hợp mà một số người gọi một cách khinh suất là 'thịt trắng khác' – chỉ để tôi có thể đặt một ít thịt xông khói lên một miếng thịt xay Fleisch cắt từ một loài động vật có vú khác đã hiến tế cho vị thần đó – dạ dày của tôi? Không. Và từ đó trở đi, tôi đã ngừng ăn thịt. Tôi sẽ ăn cá, nhưng không ăn động vật có vú. Không, cảm ơn.

Tôi cho rằng có một chút đạo đức giả trong chuyện này. Theo một góc nhìn nào đó, bạn có thể nói rằng tôi không chỉ vô nhân đạo, mà còn phi tự nhiên. Reymont có lẽ sẽ nghĩ như vậy, như tôi sắp cho bạn thấy.

Tôi đang viết những dòng trên vào một buổi chiều nắng nóng, trên một bãi biển đầy cát ở phía nam Florida, thỉnh thoảng nhìn ra vùng nước màu ngọc lam của Đại Tây Dương. Bỗng nhiên, mặt nước bắt đầu kêu lách tách với một loạt những tiếng nổ nhỏ như thể một đám mây biêm họa vẽ bằng những chấm li ti đột nhiên trút xuống một trận mưa xối xả dài khoảng mười mét và rộng năm mét. Đó là cá đối và những con cá bột nhỏ khác, nhảy một cách tuyệt vọng ra khỏi môi trường của chúng, chỉ để lao xuống và sau đó, quay ánh mắt sang bên phải, tôi thấy lý do tại sao: ba hoặc bốn cái bóng dài tối tăm ngay dưới mặt nước, với vây lưng giống như vây của cá mập cá tráp, kiên nhẫn bơi về phía bắc, kiếm bữa trưa sớm. Và rồi, một trong những con bồ nông nâu khổng lồ những con chim đẹp lơ lửng trên mặt nước để thực hiện một trong những cú lao ngoạn mục của chúng sau một vật sống khác, sớm thành thứ thịt chết còn tươi rói Fleisch. Và cuối cùng có phải Ai Đó đang cố nói với tôi điều gì đó không? một con diều hâu bay đến một chỗ đậu ở đâu đó theo hướng Collins, với một con cá bạc trong móng vuốt, đuôi vẫn quét sang trái sang phải Nó còn phải làm gì nữa? Reymont, hay là bạn, độc giả, có thể hỏi thế. Và tất nhiên là bạn đúng.

Tôi không phải là kẻ đần độn. Nhưng tôi cá là không chỉ mình tôi rời mắt khỏi màn hình khi bầy sói cuối cùng cũng đuổi kịp con trâu bệnh. Làm sao David Attenborough có thể mô tả điều đó một cách điềm tĩnh và ngọt ngào đến vậy? Và tôi biết đó là tà giáo, nhưng tôi chưa bao giờ là người cực kỳ hâm mộ Cựu Ước. Tất cả máu đó. Tất cả máu động vật nhỏ giọt trên bàn thờ, rảy lên người, bôi lên khung cửa. Đừng bắt tôi bắt đầu nói về Abraham và Isaac.

Nhưng nếu có một phần nào đó trong Kinh thánh mà tôi thật sự thích, thì đó sẽ là Isaiah. Ví dụ:

______________________________________________________________

Sói sẽ ở với chiên con: và báo sẽ nằm với dê con: bê và sư tử, và chiên sẽ ở cùng nhau, và một đứa trẻ nhỏ sẽ dẫn chúng. Bê và gấu sẽ ăn: con của chúng sẽ nghỉ ngơi cùng nhau: và sư tử sẽ ăn rơm như bò. Và trẻ con đang bú sẽ chơi đùa trên hang rắn hổ mang: và trẻ con cai sữa sẽ thò tay vào hang rắn hổ mang. Chúng sẽ không làm hại, cũng không giết chóc trong toàn bộ núi thánh của ta, vì trái đất đầy dẫy sự hiểu biết về Chúa, như nước bao phủ biển cả. […] Sói và chiên con sẽ ăn cùng nhau; sư tử và bò sẽ ăn rơm; và bụi sẽ là thức ăn của rắn: chúng sẽ không làm hại hay giết chóc trong toàn bộ núi thiêng của ta, Chúa phán vậy.¹⁰

Chắc chắn rồi, nhưng đó là núi thiêng của Chúa, không phải ở Florida. Tuy nhiên, đây không phải là cách chúng ta muốn sao? Một số phần cảm động nhất của Trại súc vật là khi mọi người – mọi loài – chạy ra đoàn kết để giúp đỡ chú Boxer nổi tiếng:

______________________________________________________________

Khoảng một nửa số động vật trong trang trại chạy ra gò đất nơi cối xay gió đứng. Boxer nằm đó, giữa hai trục xe, cổ vươn thẳng, thậm chí không thể ngẩng đầu lên. Đôi mắt chú đờ đẫn, hai bên hông đầm đìa mồ hôi. Một dòng máu nhỏ rỉ ra từ miệng nó.

Clover quỳ xuống bên cạnh.

‘Boxer!’ cô kêu lên, ‘anh có sao không?’

‘Phổi của tôi,’ Boxer thều thào nói. ‘Nhưng không sao. Tôi nghĩ là anh em sẽ có thể hoàn thành cối xay gió mà không cần tôi. Đã tích lũy được một kho đá khá lớn. Dù sao thì tôi cũng chỉ còn một tháng nữa thôi. Nói thật, tôi đã mong chờ đến ngày nghỉ hưu. Và có lẽ, vì Benjamin cũng đang già đi, tôi nghĩ họ sẽ để anh ấy nghỉ hưu cùng lúc với tôi cho có bạn.’

‘Chúng ta phải tìm người giúp đỡ ngay lập tức,’ Clover nói. ‘Có ai đó chạy đi báo cho Squealer (Chỉ điểm) biết.

Tất cả các con vật khác ngay lập tức chạy về nhà trại để báo tin cho Squealer. Chỉ còn Clover ở lại, và Benjamin không nói gì, nằm xuống bên cạnh Boxer, dùng cái đuôi dài của mình xua đuổi ruồi cho nó.¹¹

Và một lần nữa những lời phản đối: ‘Chủ nghĩa hiện thực ở đâu trong cái này? Đây là hư cấu!’

Bạn còn nhớ con chó của bạn đã làm gì khi nó bắt được con chuột đất và lắc mạnh nó không? Và cách mà con cáo mang con mồi sống về để lũ con của nó “đùa giỡn” cho đến khi chúng học được cách giết? St Robinson Jeffers sẽ nói gì về điều đó? Và máng ăn cho chim ở phía sau? Cách mà loài chim chìa vôi đuổi chim sẻ và loài chim giẻ cùi đuổi chim chìa vôi, những con sóc đuổi sóc chuột và…’

Chính xác vấn đề là thế. Nếu có một tiểu thuyết được lập trình ở đây, thì đó không phải là Cuộc nổi loạn của bầy thú, mà là Trại súc vật. Mặc dù cuốn tiểu thuyết đó rất tuyệt vời, nhưng nó chỉ là một bình luận được che đậy một cách hời hợt về xã hội loài người. Các loài động vật – ngoại trừ uy ban trung ương của loài lợn và các cán bộ chó của NKVD [Bộ Nội vụ (tiếng Nga)] của chúng – hòa thuận với nhau, giống như đại đa số công dân bị bịp của các nền dân chủ nhân dân, trong khi những quan lớn thì béo lên, không bao giờ phải nhận khẩu phần phân phối. Về cuối tiểu thuyết, những con lợn bắt đầu nhiễm cung cách con người đến mức mà đám dân đen tụ tập ở cửa sổ trong bữa tiệc thượng đỉnh của các sếp của Trại (đã đổi tên) Manor và những con người, hàng xóm với chúng, nhìn vào bữa tiệc 'từ lợn đến người, và từ người đến lợn, và từ lợn đến người một lần nữa; [đã thấy] không thể nói cái nào là cái nào.’¹²

Trong Cuộc nổi loạn, bất kể nội dung ẩn dụ của nó là gì, động vật vẫn là động vật. Chúng không đọc, chúng không xây cối xay gió hay nấu bia, và – điều thú vị hơn về mặt khái niệm – chúng hành động như động vật: những đứa con của một thiên nhiên theo nghĩa đen, và thực sự, răng và móng vuốt đỏ lòm:

______________________________________________________________

Giống như cây sồi bị gió mạnh quật ngã, con gấu lắc lư bên này bên kia, bị giằng xé từ mọi phía bởi những chiếc nanh của đám đông cuồng nộ. Nó không hề nghĩ đến việc trốn thoát, tự vệ bằng sự dũng cảm tuyệt vọng, nhưng giờ đây nó có thể cảm thấy những chiếc răng đang cắm sâu vào bên trong mình. Bên sườn của nó bị cào rách, cả đùi cũng vậy; xương sườn của nó bị gãy vì ngã xuống đất hết lần này đến lần khác, tuy nhiên nó luôn lảo đảo đứng dậy với chút sức lực cuối cùng của mình, đầy vết thương và rách rưới, máu chảy ra từ nó, đôi mắt mờ mịt vì cái chết nhưng nó đã chiến đấu đến cùng với một kết cục cay đắng. Đột nhiên, trong nháy mắt, khi con gấu đứng dậy lần cuối cùng, Rex lao mình vào cổ họng của nó. Cả hai đều ngã xuống đất và cả đám còn lại chồng thành đống lên trên. Chúng quay cuồng trong một khối cầu rối rắm đầy móng vuốt, đầu, những vết thương khủng khiếp và hú, lăn lộn trên mặt đất cỏ từ bên này sang bên kia, phun máu, tấn công vào cây, bụi rậm và đá, đánh dấu cơn thịnh nộ tăng lên ngùn ngụt của chúng bằng những cái xác của những con bị giết và những thân thể bị thương nặng.

Không có lý do gì để Rex và những con chó giết con gấu, con gấu chỉ đang băng qua một khoảng đất trống với những con khác cùng loài. Nhưng bạn có thể nói rằng có lý do: chúng đang hành động chính xác như một bầy chó hoang sẽ hành động trong một tình huống như thế. Rex, loài vật được thuần hóa đã trở nên hoang dã, đã bị các loài động vật hoang dã chỉ trích trước đó trong cuốn sách vì đã vô tình giết hại động vật vào những thời gian không thích hợp theo ‘luật của thế giới hoang dã’ , ở đây đã thực hiện một chiến công - tự nhiên - được tất cả công nhận: nó đã hạ gục vua của rừng xanh, loài săn mồi ở đỉnh cao của chuỗi thức ăn, và từ giờ trở đi, nó sẽ được tất cả công nhận là vị vua kế nhiệm.

Hoàng đế băng hà; Hoàng đế khát máu muôn năm.

Đó là hành vi tự nhiên như hành vi mà Dummy đã chứng kiến, sau khi bị trục ​​xuất, vào một đêm mùa đông, khi nó nhìn thấy những con vật hoang dã từ thời xa xưa làm những gì đã trở nên tự nhiên với chúng:

Và quả thật, cậu bắt gặp một chuỗi những bóng đen đang lướt về phía dòng sông. Ở ngay phía trước, một con nai đực khổng lồ đang chạy, nó gập gạc lại, lao đi với sức lực cuối cùng của mình, ngày càng loạng choạng hơn cho đến khi, đến bờ dốc, nó dừng lại ở đó và rống lên trong tuyệt vọng. Bầy sói sau đó bắt được nó và giờ đây tiếng hú chiến thắng vang lên xé toang bầu không khí. Nhưng sau đó con nai đực nhào xuống bờ sông, và bằng những bước nhảy khổng lồ, nó đã đến đầm lầy, từ đó nó lao đi bằng tất cả sức mạnh của mình, chốc chốc lại chìm nghỉm. Nó tự thoát ra hết lần này đến lần khác và phóng đi với tất cả sức mạnh của sự tuyệt vọng, cho đến khi, cuối cùng, nó lao sâu đến ngực qua lớp băng mỏng. Trước khi nó có thể trèo ra khỏi đó, toàn bộ bầy sói điên cuồng đã lao vào nó. Một trận chiến dữ dội đã diễn ra sau đó. Con nai đực kéo mình ra khỏi vũng lầy, tự vệ bằng gạc, dùng móng guốc đập liên hồi vào bầy sói, rồi lại trốn thoát. Rơi xuống đầm lầy, nó chiến đấu đến cùng cho đến khi cuối cùng nó ngã xuống, bị những chiếc nanh xé xác.

Thật kỳ lạ, Dummy đã làm một việc rất con người. Cậu tràn đầy lòng thương hại cho con nai đực. Cậu nhân cách hóa con thú, nhìn thấy tinh thần anh hùng trong cuộc chiến cho đến kết cục cay đắng, và trái tim cậu hướng về kẻ yếu thế (không có ý chơi chữ [underdog: chó bị thua người bị áp bức]).

'Bọn khốn nạn!' Cậu hét lên về phía bầy sói, tức giận vì chúng liên kết với nhau chống lại loài vật mà chúng săn bắt một cách tự nhiên, và cậu rút khẩu súng lục ra và bắn vào đám đông đang quay cuồng. Tóm lại, cậu làm chính cái điều mà các nhiếp ảnh gia và nhà làm phim về động vật hoang dã không làm, mặc dù (tôi chắc chắn) điều đó làm tan nát trái tim họ – cậu can thiệp, với tư cách là một con người, vào các quá trình tự nhiên của thế giới hoang dã. Và điều đó là sai. Cũng sai như việc những con lợn của Orwell bóc lột các con khác trong trại, một khi chúng học được cách sống của con người.

Và như vậy, mặc dù bản chất là một câu chuyện ngụ ngôn chính trị, ‘Cuộc nổi loạn của bầy thú’ là một tác phẩm cực kỳ thực tế, cho thấy động vật hành động như động vật, trước và sau khi được 'giải phóng'.

Chúng ta sẽ nói thêm về Dummy sau. Cậu là một nhân vật mà chúng ta không tìm thấy trong Trại súc vật, nơi con người được nhắc đến, nhưng chỉ dưới dạng phi nhân cách của phép ẩn dụ chính trị được lập trình mà cuốn sách này đề cập. Jones là ông chủ trại đã đẩy công nhân của mình đi quá xa. Những trại viên ở cả hai bên của ‘Trại súc vật’ lần lượt trở thành kẻ tử thù quỷ dữ của tất cả 'loài súc vật', và là những đồng minh hữu ích trong chủ nghĩa ký sinh qua lại, khi một modus vivendi (lối sống) đạt được với những con lợn, những kẻ quên đi các nguyên tắc của Chủ nghĩa súc vật ngay khi việc làm như vậy trở nên có lợi. Dummy là một con người quan sát, người đồng cảm sâu sắc với những con vật, đã được chúng chấp nhận – sau đó bị loại bỏ. Nhưng cậu không phải là anh hùng. Thật vậy, không có anh hùng nào trong cuốn sách này. Điều quan trọng là Reymont đã chọn chó làm nhân vật chính, vì như vậy ông chơi đùa với sự đồng cảm tự nhiên của chúng ta đối với những người bạn này của chúng ta – bằng cách cho chúng thấy hành động tàn nhẫn – giống như con người. ‘Hắn sẽ bị bỏ lại một mình, trần truồng và không có khả năng tự vệ, giống như một con chó con bị giằng ra khỏi núm vú và bị ném xuống mương,’ Rex thốt lên tại một điểm trong những trận chiến chiến thắng của hắn với con người. Vậy đây một lần nữa tác giả đào sâu vào sự tàn nhẫn khét tiếng của con người: rằng điều tương tự thậm chí xảy ra ngay cả với Rex là bằng chứng cho thấy hành vi tàn ác của con người (dìm chết những lứa đẻ 'không cần thiết') là điều bắt buộc. Nhưng, quay lại với Dummy, thậm chí còn ớn lạnh hơn là lý do tại sao người bạn cũ này của Rex sẽ bị trục xuất: cậu ta đang trở nên nổi tiếng hơn trong số các loài động vật, kiệt sức vì chúng đã đi một chặng đường dài đến một tương lai hạnh phúc mà dường như càng tiến xa hơn thì càng thấy xa vời. Chính Dummy là người đã kiểm soát tình hình trong một cơn bão dữ dội bất ngờ và cứu các loài động vật khỏi bị hủy diệt, điều mà các loài động vật – bao gồm loài chó – không thể làm được (do đó chứng minh được tính ưu việt tự nhiên của con người); ngay cả trong 'hành động phản bội' của mình, đi từ đàn này sang đàn khác và thuyết phục chúng từ bỏ cuộc hành trình, để trở về nhà, Dummy thể hiện năng lực suy luận logic mà các loài động vật không thể nào nắm bắt được.

Thật kỳ lạ, trong trường hợp này, Dummy, biểu tượng con người giữa các loài động vật, cho thấy mình là một Tạo vật tự nhiên hơn Rex và những tín đồ thực sự khác. Cậu nhìn thấy thực chất dối trá của vùng đất, trong khi Rex và ‘bè đảng’ của hắn đuổi theo những điều hão huyền, bất kể chúng có biết điều đó hay không. Và như vậy, tại sao Dummy lại bị trục xuất? Bởi vì Rex và đồng bọn của hắn sợ cậu là đối thủ của chúng. Cậu là Trotsky đối với Stalin của Rex. Việc cậu bị trục xuất (và cuối cùng là cái chết) là do động cơ chính trị. Đối với những con vật, việc được chứng minh là bắt chước con người là một chuyện. Đối với những con vật bắt chước các chính trị gia? Tôi cho rằng không có con vật nào có thể đồi bại hơn thế!

Dummy với cái mặt ‘chó bun’ và tật nói lắp của cậu, vừa loại cậu ra khỏi xã hội loài người vừa đẩy cậu vào giữa những loài động vật, nơi mà cậu học cách bắt chước ‘lời nói’ của chúng là hình ảnh gần nhất với một nhân vật người mà chúng ta có trong câu chuyện này. Nhưng ngay cả cậu cũng không phải là không có tì vết.

Bị trục xuất khỏi những loài vật mà cậu đã đi cùng, vào giữa mùa đông giá lạnh, Dummy phải tự lo liệu cho bản thân:

______________________________________________________________

Sáng hôm sau, khi còn sớm, ngụy trang bằng những cây sậy khô, cậu ngồi xuống giữa những bụi cây và kiên nhẫn chờ đợi ở đó, mặc cho cái lạnh thấm vào tận tủy xương. May sao, linh cảm của cậu đã được đền đáp: ngay sau khi mặt trời mọc, một đàn vịt trời xuất hiện và bắt đầu hạ xuống nơi mặt nước chưa đóng băng. Dummy bắt đầu kêu quạc quạc như một con vịt trời già cảnh báo đàn con về một mối nguy hiểm sắp xảy ra. Một số con chim hoảng sợ lại bay đi, nhưng phần lớn chúng bò vào giữa đám cỏ khô nơi cậu đang đợi. Cậu phang gậy vào chúng và tóm được rất nhiều con bằng tay đến nỗi khó có thể mang hết chúng về hang của mình.

Chỉ có hai cách để đọc đoạn văn này: hoặc là chỉ ra sự phản bội độc ác của con người, dụ những con vịt đến cái chết tàn khốc bằng sự lừa dối (điều không bao giờ có trên ngọn núi thiêng của Chúa!), hoặc là một phần của cách tự nhiên mọi thứ diễn ra trên thế giới này. Chúng ta ăn mọi vật chỉ để chính chúng ta bị ăn.¹³ Điều duy nhất không đổi là sự tàn ác, bóc lột.

Và sau đó là trường hợp hành quyết những kẻ đốt phá. Trong nỗ lực ngăn chặn dòng thác lũ động vật đe dọa mạng sống của họ, khi chúng vừa tấn công họ một cách hung dữ vừa từ chối giúp họ cày ruộng, những con người tuyệt vọng đã đốt cháy khu rừng nơi đàn gia súc tình cờ có mặt ở đó. Một số mà chúng ta cho là kẻ đốt phá; liệu chúng có thực sự chịu trách nhiệm cho vụ cháy, hay chỉ là ví dụ điển hình về tội lỗi tập thể, là con người? bị những con chó bắt và lùa vào bãi đất trống để xét xử:

______________________________________________________________

Vài chục chú chó chăn cừu Đức lông nâu, khỏe mạnh đuổi theo một nhóm động vật hai chân đang hú hét điên cuồng phía trước chúng.

“Người! Lạy Chúa Giêsu nhân từ, chúng là con người!’ Dummy chết điếng kêu lên. ‘Những chú cừu con và mẹ của chúng đang co rúm trong rừng sau đám cháy chết; những con bò cái với những bê con của chúng và những con lợn nái với những con lợn con của chúng chết; những con ngựa cái với đàn con của chúng chết. Đây là những kẻ đã châm lửa thiêu rụi tất cả và họ bắn tia sét vào chúng tôi, trong khi chúng tôi cố gắng tự vệ. Rất nhiều trong chúng tôi đã ngã xuống. Chúng tôi đòi công lý! Báo thù!’ những con chó chăn cừu đau buồn rên rỉ.

“Tại sao các ngươi không tự mình giải quyết?” Rex sốt ruột hỏi.

‘Mệnh lệnh cho chúng tôi là canh gác và chăn đàn cừu. Tùy ngài phán xét, kẻ cai trị và chủ nhân của chúng tôi!’

Những người đàn ông gần như trần truồng và bị cháy xém trong ngọn lửa, người đầy máu, nửa tỉnh nửa mê, đờ đẫn nhìn vào khoảng không trước mặt, không chờ đợi gì ngoài bị hành hạ hơn nữa và chết.

‘Trèo lên cây! Trốn thoát theo lối đó!’ Dummy lắp bắp, run rẩy vì thương hại khi nhìn cảnh tượng ấy.

Nhưng họ dường như không hiểu, đôi mắt họ quét qua đám đông động vật áp sát từ mọi phía.

Gimpy chạy tới, sùi bọt mép. Nước bọt chảy ra từ miệng gã, và đôi mắt gã lóe lên những tia sáng xanh lục.

“Hãy chăm sóc họ nếu muốn,” Rex ra lệnh.

Gimpy hú lên một tiếng kêu xung trận. Những con chó chăn cừu tránh sang một bên, và ngay sau đó những người đàn ông đang đứng ở trung tâm của một bãi đất trống. Họ bắt đầu thì thầm điều gì đó với nhau; đôi mắt của họ đảo quanh, càng lúc càng thường xuyên bám vào những cây đoan lớn mọc sau nhà.

Nhưng trước khi họ quyết định chạy thật nhanh tới đó, mặt đất bắt đầu rung chuyển, và một bầy sói điên cuồng chạy tới và lao vào họ.

Những tiếng hét xuyên thấu không khí. Một lúc sau, chẳng còn lại gì ngoài máu me.

Ai sẽ chờ đợi một sự tàn ác như vậy của loài thú? Không phải việc họ bị xé xác dưới chân của chó và sói làm chúng ta khó chịu – đó không phải là những gì loài chó hoang làm khi chúng đói sao? Mà là việc giữ lại những tạo vật sống cho đến khi phán quyết được đưa ra – một đặc điểm của con người – và ý tưởng rằng một cuộc hành quyết công khai phục vụ công lý – một lần nữa, một đặc điểm của con người – khiến người ta rùng mình.

Đây không chỉ là sự đảo ngược vai trò như chúng ta thấy trong bộ phim câm ngắn khá đơn giản ‘The Dangers of Feminism’ [Những nguy hiểm của thuyết nữ quyền] của Alice Guy Blanché. Đó là sự giản lược mọi hình thức sống, cả con người và động vật, thành luật của rừng rậm (luật rừng – theo định nghĩa, là không có luật nào cả).

Dễ thấy một thông điệp chính trị đằng sau tất cả những điều này. Hệ thống Cộng sản có ý định giải phóng giai cấp công nhân khỏi sự áp bức của những người chủ đất, chỉ để tạo ra một giai cấp thống trị khác của đảng tinh hoa những người tiếp tục áp bức nhân dân mà họ tự nhận là đại diện, có lẽ thậm chí còn ở mức độ lớn hơn những người chủ đất và chủ nhà máy đã làm.

‘Chủ nhân, ngay cả tôi, người đã chống lại con người, giờ cũng đang run rẩy!’ Gimpy nói về tất cả những ‘con người!’ con sói, cúi mình trước người anh em họ thuần hóa mạnh mẽ của mình để xin giúp chống lại loài người đang tàn phá vùng hoang dã.

Chủ nhân, gã gọi Rex, con sói đã được thuần hóa thành nô lệ cho con người? Hãy gặp ông chủ mới, giống như ông chủ cũ, như bài hát đã nói.

Sức đẩy ý thức hệ của Cuộc nổi loạn của bầy thú chỉ có thế. Một trong những điều chúng ta không nên bỏ qua là tính nghệ thuật của cuốn tiểu thuyết. Kwiatkowski hoàn toàn đúng khi ông nói về 'tính nhất quán về mặt nghệ thuật' của nó; trong tiểu thuyết này, Reymont cho thấy ông là một tiểu thuyết gia cẩn thận và thậm chí là có chất thơ. Một trong những khía cạnh trong thi pháp của ông không thể tái tạo trong bản dịch tiếng Anh lại có nguồn gốc sâu xa trong ngữ pháp tiếng Ba Lan. Tiếng Ba Lan không chỉ sử dụng các giống – đực, cái và trung – mà còn phân biệt (cảnh giác nhé, hỡi những kẻ sợ giới tính!) ‘con đực’ với ‘con cái’, trung tính và thậm chí danh từ giống đực không chỉ người ở dạng số nhiều. Tóm lại, tiếng Ba Lan dành hậu tố 'li' trong các động từ thì quá khứ (và một số trong thì tương lai) cho con người nam, trong khi tất cả các danh từ khác (bao gồm cả động vật) đều dùng 'ły’. Do đó, thật đáng kinh ngạc khi thấy Reymont liên tục sử dụng các kết thúc động vật giống đực liên quan đến những loài không phải con người, chẳng hạn như wszyscy posnęli (‘tất cả đều ngủ thiếp đi’), trong khi cách sử dụng tiếng Ba Lan chính xác phải là wszystkie posnąły. Khi ông mô tả những con sói lặng lẽ biến mất vào bụi rậm, ông viết Zaszyli się w gąszcze, trong khi ông đáng lẽ phải viết zaszyły się. Nếu đây là Sách Rừng của Kipling, với chú gấu tốt bụng Baloo và chú báo thông thái Bagheera, chúng ta sẽ cho rằng tác giả đang 'làm cao quý' các loài động vật bằng cách ban cho chúng các hình thái ngữ pháp dành cho con người; trong Cuộc nổi loạn của bầy thú đôi khi, tranh luận về sự tôn trọng dành cho những loài không phải con người, đặc biệt là các giống vật nuôi – ý định chủ yếu có vẻ là ngược lại: Reymont tinh tế lập luận rằng các loài vật không tốt hơn kẻ vô lại đó.

Kỹ năng viết của Reymont cũng được thể hiện trong cấu trúc của cốt truyện. Một trong những khoảnh khắc kịch tính nhất trong câu chuyện xảy ra khi các loài vật đột nhiên thấy mình ở một khu vực dường như có nhiều điểm chung với Địa ngục của Dante hơn bất kỳ phần nào của những đồng bằng Á-Âu:

______________________________________________________________

Đột nhiên, chúng húc đầu vào một vách đá dựng đứng, và nhiều con bị gãy chân ngã xuống một vực thẳm thình lình hiện ra. Đường đi của chúng bị chặn bởi dòng nước đen, chậm rãi chảy xiết, từ đó những cột lửa lớn liên tục bốc lên bầu trời đen kịt màu nhựa đường. Một số sinh vật có cánh quái dị lập lòe trong làn sương mù đẫm máu. Mặt đất rung chuyển. Những vách đá gần bờ biển liên tục đổ sụp thành những đống đổ nát. Không con nào kêu lên một tiếng. Ngay cả tiếng gầm rú ghê sợ ban đầu cũng tắt ngấm trong những cổ họng kinh ngạc của chúng…

Cái gì? Chúng ta đang ở quái quỷ đâu thế này, dưới một bầu trời nhựa đường đó, giữa những lưỡi lửa bùng lên từ một dòng suối đen, nơi những tạo vật có cánh kỳ lạ bay lượn quanh? Chúng ta có thể đưa ra những phỏng đoán: phải chăng đây là một mỏ dầu đang hoạt động, như đã được phát triển ở phía đông Galicia vào đầu thế kỷ XX? Không dễ để quyết định, nhưng điều đó không liên quan.

Những con vật phải đối mặt với một thực tế đầy kịch tính mà chúng chưa từng trải qua trước đây, và chúng bị ném vào một vòng kín – giống như chúng ta. Địa điểm, và ngay cả vấn đề phong cảnh này có thực hay không, không quan trọng bằng sự kinh ngạc của những con vật, mà Reymont mời chúng ta tham gia, bằng cách đẩy chúng ta vào một quang cảnh tuyệt vời mà chúng ta không thể hiểu được. Bất kể thực tế của thiên nhiên này có thể là gì, thì đó là thực tế của sự hiểu biết sửng sốt của chúng.

Chúng không hiểu – chúng ta cũng vậy. Đó là cái tài tình của thi pháp.

Thật là kịch tính. Nhưng bản thân hành trình được tác giả xử lý một cách khéo léo; nó kéo dài mãi, đơn điệu, thử thách sức mạnh của các loài động vật bằng những đồng cỏ cằn cỗi dọc đường, và thử thách đức tin của chúng bằng sự lê bước vô tận hướng đến một mục tiêu dường như luôn lùi xa trước mắt chúng:

______________________________________________________________

Toàn bộ hành trình giờ đã trở thành một cực hình không thể diễn tả được. Ngày mất, đêm mất; không còn bất kỳ ranh giới rõ ràng nào về thời gian, và điều này dẫn đến tình trạng hỗn loạn ngày càng lớn. Chúng ngủ khi muốn, và thức dậy khi thấy phù hợp. Thời gian nghỉ ngơi của chúng thậm chí còn thường xuyên hơn và dài hơn. Sau đó, thậm chí sau khi ăn rêu và địa y khốn khổ để lấp đầy bụng, và giải cơn khát bằng cách liếm sương giá, chúng tiếp tục di chuyển với tốc độ bi thảm của những kẻ bị kết án. Toàn bộ các nhóm của chúng thích ở lại phía sau và chết hơn là phải chịu đựng như vậy. Ngay cả hy vọng của chúng cũng tan đi trong lồng ngực, trong khi cái đám màu xám đơn điệu kia, không chịu nhường một tấc nào, đã mang đến phát súng ân huệ cho niềm hy vọng ấy.

Trên hết, thời gian cứ kéo dài, và sự mù quáng bắt buộc đã đánh gục chúng. Thậm chí chúng bắt đầu mất đi bản năng, là cái đã ở với chúng từ thuở khai thiên lập địa. Trong số chúng rất ít con cảm nhận được màn đêm buông xuống hoặc bình minh đang đến. Chúng chỉ tiếp tục đi mãi, không ngừng, không biết liệu đã bao nhiêu ngày, tuần, hay có lẽ bao nhiêu năm đã trôi qua trong suốt hành trình này của chúng.

Cuộc hành trình cứ kéo dài như thế. Có vẻ như Reymont đã hết chủ đề và chỉ bắt đầu lặp lại chính mình để lấp đầy các trang. Nhưng điều ngược lại mới đúng. Cuốn tiểu thuyết đầy chất thơ này cho chúng ta thấy một tác giả hoàn toàn kiểm soát được cảm xúc của người đọc về câu chuyện. Tiểu thuyết bất tận, và thông qua tính bất tận của nó, Reymont có thể khiến chúng ta tham gia vào nỗi thất vọng của bầy thú, nỗi khao khát cho nó ‘kết thúc’. Đối với độc giả quan tâm đến thi pháp – thi pháp táo bạo, xét đến thực tế là cái cốt truyện này của tác giả dựa trên sự đơn điệu đã tính trước, có nguy cơ mất độc giả (sự nhàm chán cố ý như một chiến lược văn học!) – đặc điểm này của tiểu thuyết, lôi kéo chúng ta tham gia vào nỗi đau khổ của bầy thú, là đỉnh cao của nghệ thuật Reymont, bỏ qua thực tế rằng tính bất tận nhấn mạnh chủ đề chính trị trung tâm của tiểu thuyết:

Cái Thiên đường không có con người của Rex, không kém gì Marx, nơi chính phủ sẽ héo tàn và công lý chỉ đơn giản là ngự trị trên tất cả, sẽ không bao giờ đến.

Đó là một ảo tưởng, một trong số nhiều ảo tưởng trong tiểu thuyết này. Có bao nhiêu ảo vọng có thể được tìm thấy ở đây! Sau khi Dummy bị trục xuất vì đã gieo rắc ý tưởng nổi loạn trong các bầy đàn, chúng vẫn tiếp tục nhìn thấy cậu, dẫn dắt chúng, khi chúng thoát khỏi ảo tưởng của Rex để theo đuổi một loại hy vọng không thể thực hiện khác, đó là trở về nhà. Rex, tất nhiên, có ảo tưởng của mình; thật kinh ngạc khi thấy con vật thông minh này có thể bị cuốn hút bởi tiếng hót của đàn sếu và thêm thắt vào để bài thơ của chúng thành một lộ trình đến nơi không còn đau đớn.

Bây giờ, bất kể Reymont có phải là kẻ thù thâm căn cố đế của chủ nghĩa cách mạng xã hội chủ nghĩa và những người theo chủ nghĩa Lenin của Liên Xô hay không, những người đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng của nó về phía tây bằng một cuộc xâm lược bạo lực vào quê hương của ông, thì cũng phải chỉ ra rằng ông đủ rộng lượng để nhận ra cái logic của sự ra đời của nó. Có thể đó không phải là câu trả lời thích đáng cho nỗi khốn khổ của những tầng lớp thấp hơn, nhưng nỗi khốn khổ đó thực sự tồn tại. Tiếng hót của những con sếu đã xoa dịu Rex khi hắn bị đuổi khỏi cuộc sống thoải mái trước đây của mình vì sự tàn ác của con người. Sau đó, với tư cách là kẻ thù của những con người, chứ không phải đồng minh của họ, khi hắn nhìn 'từ bên ngoài hệ thống', như vậy, và thấy sự tàn ác của con người đối với động vật là quy luật, chứ không phải ngoại lệ, những giấc mơ của hắn biến thành một chương trình:

______________________________________________________________

Sau đó, ngay trước cái sân bên đường, hắn nhìn thấy lão lừa già, đầu trùm trong một chiếc bao bằng gai dầu, bị những thằng bé quất roi hối thúc lão đi về phía một hố vôi.

‘Đừng bỏ cuộc! Ta sẽ giúp lão!' hắn sủa, bừng bừng cơn giận điên cuồng và lòng trắc ẩn.

Hắn xé cái bao ra khỏi đầu con vật. Con lừa già phát khùng vì đau khổ và được khích lệ bởi sự giúp đỡ của Rex, đã lao một cách hung hãn vào mấy thằng bé, dùng móng đập, giẫm đạp và thở khò khè như một cánh cổng rỉ sét. Rex không đợi để nghe những lời cảm ơn của lão. Hắn lẻn vào sân và tìm đường đến cũi của Blackie. Con chó già bị sốc và sợ hãi, thậm chí chua kịp nghĩ đến việc ngăn hắn vào. Rex kể ra kế hoạch của mình trước mặt lão. Sau một hồi lâu cân nhắc vấn đề, con chó già gầm gừ:

‘Hãy đưa tất cả đi với mày. Con người sẽ tức sặc máu. Rốt cuộc, tất cả đều phải chịu đựng cùng một sự khốn khổ, đòn roi và cảnh nô lệ như nhau. Điều ấy đang ăn dần ăn mòn tất cả chúng ta.’

Làm sao chúng ta có thể không đứng về phía những con vật ở đây? Nhưng khi cuộc hành trình tiếp tục, và thực tế về hoàn cảnh của chúng ngày càng trở nên rõ ràng hơn đối với các loài thú, và mong muốn trở về nhà bắt đầu làm lung lay niềm tin của chúng vào Rex, hắn quay sang chúng với tất cả sự nhiệt thành mà tuyên truyền có thể mang lại:

‘Hãy kiên trì, và một lần nữa tất cả các chuồng trại sẽ đầy ắp, và tất cả các đống cỏ khô sẽ là của bạn. Tất cả các cánh đồng và đồng cỏ! Mặt trời sẽ là của bạn, và sự ấm áp, và những con suối tươi mát. Và bạn sẽ được tận hưởng bóng râm mát mẻ trong thời tiết nóng nực và nơi trú ẩn khỏi ẩm ướt, và nơi ngủ êm ấm! và không có lao động cưỡng bức, không có thuế nô lệ và máu, không có nghĩa vụ, thậm chí không có bổn phận biết ơn. Các đồng chí, bạn bè, anh em, tôi đảm bảo với các bạn bằng tất cả sức mạnh của sự chắc chắn rằng những ngày may mắn bất tận đang đến gần chúng ta. Tôi đã có thể nhìn thấy chúng từ bây giờ, tôi đã cảm thấy chúng rồi chúng chỉ ở phía sau những màn sương mù này. Các bạn không thể nhìn thấy bình minh, dù còn nhợt nhạt, ở phía đông sao? Bình minh đã được những sứ giả thần thánh của ngày sắp đến báo trước…’ hắn hú lên với sức mạnh của một con sư tử và được đáp lại bằng những tiếng gầm giống như tiếng sấm vui vẻ của mùa xuân.

Sau đó, chúng nằm xuống nghỉ ngơi, đói, đúng vậy, nhưng tràn đầy hy vọng tin tưởng.

‘Anh đã nói dối họ như một con chó lai Do Thái,’ Gimpy gầm gừ, duỗi người ra bên cạnh Rex. ‘Đối với lũ gia súc thì ổn, nhưng tôi đòi hỏi sự thật..’

Dù trái tim của Rex vẫn còn đúng chỗ, dù anh ta có nghiêm túc tin rằng mình đang bắt những con thú phải chịu đựng gian khổ như vậy 'vì lợi ích của chính chúng', thì tại điểm này trong tiểu thuyết có hai điều là rõ ràng. Thứ nhất, một số con vật bình đẳng hơn những con khác, như Orwell đã nói. Một tầng lớp tinh hoa đã phát triển, với những con chó ở trên đỉnh, và những con chó này với Gimpy là đại diện của chúng đòi hỏi phải biết sự thật, trong khi (theo quan điểm của anh ta) thì việc giữ cho 'sừng và móng guốc' tiến lên cùng với một lời nói dối là điều tốt sau cùng, những con sói vẫn đang ăn no... Thứ hai, khi anh ta tiếp tục từ đây đến tuyên bố, anh ta biết rằng Rex biết sự thật. Rex đang liên lạc với những con sếu đang bay phía trước, và biết rất rõ rằng sẽ mất hơn một ngày cho đến khi mặt trời ló dạng, hơn 'vài mặt trời nữa' cho đến khi chúng đến thiên đường. Rex, kẻ đang che giấu sự thật vì lợi ích chính trị của hắn, không còn là Moses nữa; hắn là một Dzierzhynsky.

Ngay từ đầu câu chuyện, Dummy đã kết bạn với Rex, an ủi hắn, và cuối cùng cậu đi cùng hắn, là con người duy nhất trên con đường của các loài động vật rời xa thế giới loài người. Cách mà cuốn tiểu thuyết bắt đầu với cả Dummy và Rex nhận 'roi' của họ từ người giúp việc nhà bếp liên kết họ trong tâm trí chúng ta như những kẻ bị áp bức, họ không nợ không chịu ơn ‘những kẻ có quyền lực của thế giới này’ bất cứ thứ gì, xét theo cách họ bị đối xử. Tuy nhiên, giống như với các loài động vật sau này, Dummy lần đầu tiên hiểu rằng tình đồng chí trong sự áp bức chỉ có thể kéo dài trong một thời gian nhất định. Trong trường hợp của Dummy, điều này xảy ra ngay từ đầu chuyến đi:

______________________________________________________________

Cậu thật ngu nếu tưởng tượng rằng mọi người sẽ chỉ biết phẩy tay khi họ bị mất tài sản. Lúc ở trang viên cậu đã thông minh hơn. Vậy là những con thú đã nổi loạn và bây giờ chúng nghĩ rằng chúng sẽ đảo lộn thế giới.

‘Ai cũng biết ăn,’ cậu nói, liếc nhìn đàn gia súc một lần nữa, bụng chúng chứa đầy ngũ cốc, ‘nhưng không phải ai cũng biết gieo hạt!’

Tức giận, cậu đứng dậy và tìm đường ra khỏi đống đổ nát.

‘Dừng lại! Nếu không tôi sẽ cho bầy sói xé xác cậu ra từng mảnh và mang những mảnh xác cậu về trang viên.’

Dummy dừng lại, sủng sốt khiếp hãi khi nhận ra sự tức giận khủng khiếp trong đôi mắt con chó.

‘Hãy để tôi đi. Tôi có bao giờ chống lại cậu không?’ Và những giọt nước mắt cậu bật ra vì khiếp sợ.

‘Tôi đã nói phần mình. Một ngày nào đó, khi chúng ta đến được nơi cần đến, tôi sẽ để cậu đi,’ Rex ân cần hứa.

'Tôi sẽ chết đói với cậu ở đây. Tôi sẽ không ăn cỏ với lũ trâu bò!' cậu lẩm bẩm khinh thường.

‘Cậu sẽ không thiếu bất cứ thứ gì. Những chú chó sẽ chăm sóc cậu thật tốt, thậm chí cậu sẽ béo lên.'

‘Chắc chắn! Bàng thịt sống và máu tươi! Nhưng này Dù sao tôi cũng sẽ không đi bộ được xa đâu’

‘Cậu sẽ cưỡi con ngựa giống từ trang viên! Nhưng bây giờ biến khỏi tầm mắt của tôi đi!’

Lệnh vang lên với giọng nghiêm khắc đến mức Dummy không dám nói bất cứ điều gì để đáp lại, cậu tìm cho mình một chỗ có bóng mát cạnh bức tường và cố ngủ. Nhưng sự nguy hiểm của tình huống mà cậu rơi vào khiến cậu thậm chí không sao nhắm được mắt. Khóc nức nở, lau mũi trên tay áo, cậu bắt đầu tập trung vào những biện pháp thông minh để tìm cách thoát.

Thế trận đã đảo ngược. Giờ thì con chó đã nắm quyền, và chính con người kiêu ngạo phải lùi bước, sợ co vòi, sợ bị con chó trừng phạt thảm khốc. Như thể muốn nhắc nhở thêm chúng ta về sự thật này, Reymont đã vẽ vòng tròn khép kín ở đây: những ‘nô lệ’ đã trốn thoát giờ đã trở thành những ông chủ mới, và đỉnh cao sáng tạo trước đây phải phủ phục dưới bụi đất và tìm kiếm… cách trốn thoát. Khi anh ta trốn được, và tái lập quyền lực, một lần nữa hai bên sẽ thay đổi vị trí, và ai ở dưới, sẽ lên trên, ai ở trên, lại xuống dưới một lần nữa.

Nếu đúng như vậy, chúng ta có một tình huống âm dương ở đây; có thể tìm thấy thiện và ác ở đâu trong câu chuyện xoay vòng liên tục này của kẻ áp bức và bị áp bức? Con người thì tàn nhẫn, động vật thì trở nên tàn nhẫn ngay khi chúng giải thoát bản thân khỏi sự giám hộ của người và tạo ra một xã hội dù có thể là nguyên thủy giống với xã hội của con người ở chỗ nó không được cai trị bởi những người tốt, người khôn ngoan, hay người có công, mà là người mạnh hơn. Sự biến đổi trong tâm hồn của Dummy khi đối mặt với sự thật này thật đáng kinh ngạc, càng đáng kinh ngạc hơn khi nó trái ngược với ký ức của cậu về cách cậu bị đối xử lúc ban đầu của trong thế giới loài người:

Mọi người hành hạ và làm nhục con vật xấu xí, vụng về, đáng tởm đó về cái mõm chó bun, đôi chân vòng kiềng, mái tóc hoe đỏ trên cái đầu quá khổ so với thân mình của nó giống như một quả bóng bay; với cánh tay thõng gần xuống đất như của một con vượn; và thay vì một giọng nói là tiếng kêu ộp oạp như ếch của nó. Ở nó chẳng có gì đẹp ngoài cái ấn tượng dễ thương của đôi mắt xanh, sáng và khôn.

Bị chà đạp đến tận đáy vực sâu của đau khổ, bị ném ra giữa đám thú vật trong sân trang viên, cậu đã trở nên gắn bó với chúng, thành anh em với chúng, như ruột thịt. Chúng vui vẻ làm theo sự dẫn dắt của cậu, thừa nhận sự ưu việt của cậu. Chỉ đến bây giờ, trong chuyến đi này, cậu mới bắt đầu nhận ra sự khác biệt giữa cậu và chúng, và thậm chí coi chúng là những kẻ thù. Cậu thậm chí đã bắt đầu nhìn Rex bằng con mắt khác với những suy nghĩ sâu sắc của con người. Lúc đó ý nghĩ trốn chạy mới thực sự hiện lên trong tâm trí cậu.

Sự khác biệt? Sự khác biệt nào? Có lẽ quan trọng hơn, đó chỉ là một sự khác biệt. Cậu không nhận ra ằng con người là tốt hơn, cậu chỉ nhận ra rằng cậu là một con người. Khi cuối cùng cậu tách ra khỏi các loài động vật, và cậu thấy mình hoàn toàn đơn độc, bị cắt đứt khỏi cả con người và loài chó, cậu bắt ầu hồi tưởng về quá khứ; tất cả những cú đánh và mọi đòn roi đều bị lãng quên, hay, ít nhất, chúng không còn quan trọng bằng xã hội của mình:

Cậu nghĩ về ngôi nhà đó, xa lắm, căn bếp ấm áp, những chiếc nồi sôi sùng sục trên lò sưởi, và mùi thơm bay ra từ làn hơi bên trên chúng. Tiếng nức nở làm cậu đau đớn hơn bao giờ hết, và một nỗi buồn dữ dội bóp nghẹt trái tim cậu. Cậu bắt đầu tự trách mình một cách cay đắng. Tại sao cậu lại nhập bọn với những con vật? Ngay cả trong chuồng, cậu vẫn còn sống tốt hơn ở đây. Và giờ cậu sẽ chết một cái chết thảm hại. Nếu lũ sói không xé xác cậu, thì cái lạnh sẽ giết chết cậu. Có ai thương hại cậu không? Trong nỗi buồn và đau đớn như vậy, ngay trước bình minh, cậu vùi mình vào cái lều bằng lá và khóc cho đến khi chìm sâu vào giấc ngủ.

Vào cuối buổi sáng mặt trời lên cao, và cái lạnh buốt giá mà cậu chưa từng trải qua đã đánh thức cậu. Mí mắt cậu đông cứng, thân thể cậu tê liệt. Cậu gần như không thở được. Cậu phải mất rất nhiều công sức để nhóm lửa. Rồi, sau khi ăn một chút, cậu bắt đầu thu thập chất đốt cho đêm sắp tới. Cậu thực sự phải vật lộn để làm được việc này; cậu liên tục vấp và ngã, đầu choáng váng, mình đầy mồ hôi. Lúc thì bị cơn sốt hành hạ, lúc thì run rẩy với những cơn lạnh đến mức ngay cả ngọn lửa cũng không xua tan đi được. Cho đến cuối cùng, khi hoàng hôn buông xuống, cậu cảm thấy kiệt sức và buồn ngủ đến mức, mặc dù nhận thấy rõ mối nguy hiểm rình rập gần đó, cậu vẫn trải giường bằng bộ lông của những con chim mà cậu đã giết và cuộn tròn người, cậu ngủ thiếp đi.

Dummy bị đánh thức vào đêm khuya bởi tiếng hú và tiếng sủa. Bầy sói đang đánh nhau để giành phần còn lại của con nai đực và sau đó, sau khi đã ăn hết, chúng bắt đầu bò về phía hang của cậu. Cậu đuổi chúng đi bằng lửa, nhưng chúng vẫn vòng quanh cho đến rạng sáng, hú lên vì đói và giận dữ. Cậu tiếp tục canh gác, nhóm lửa, mặc dù việc đó mất nhiều công sức, mà cậu thì rất yếu và mệt. Đôi khi, như thể mê đi, cậu không biết mình đang ở đâu, hoặc chuyện gì đang xảy ra với mình. Nhưng rồi, cậu lại thờ ơ vượt qua. Vào những lúc như vậy, ngay cả những tiếng hú của bầy sói và cuộc chạy đua đáng ngờ của chúng cũng không thể thu hút sự chú ý của cậu. Thậm chí cả miếng thịt nai tươi nướng cũng có vị khó chịu trong miệng, và cậu ném nó đi trong ghê tởm. Cậu đón chào ngày mới mà lòng chẳng nhẹ nhõm chút nào. Cậu chui lại ổ của mình, nhưng không thể nào ngủ được. Cậu bị hành hạ bởi cơn khát không thể giải tỏa. Cậu uống nước, nuốt nước đá lạnh, nhưng không gì giúp được cậu. Cậu lang thang vô định suốt cả ngày, không biết phải làm gì với bản thân mình. Cậu bị hành hạ bởi sự buồn chán. Cậu thu gom những thân cây sậy và cành cây như một người máy, rồi đi gỡ những con chim mà cậu đã bẫy được. Những tiếng thở dài của cậu thậm chí còn sâu hơn khi cậu chạy ra thảo nguyên, tìm kiếm một dấu vết của một con người nào đó qua những giọt nước mắt đang nhanh chóng đóng băng của mình. Sự cô đơn và nỗi nhớ nhung sẽ bất ngờ ập đến, và xoắn chặt cậu một cách khủng khiếp bên trong như một con rắn đang siết chặt trái tim cậu. Nước mắt bắt đầu trào ra từ những chiều sâu thẳm bị quên lãng. Chúa ơi, cậu sẽ hạnh phúc biết bao khi lại được rúc mình vào góc tối sau bếp lò vào một đêm đông, khi căn bếp của dinh thự đầy người và những giọng nói! Ngay cả khi cậu bị bớp mạnh vào đầu vì trêu chọc những chú chó. Vì ngay cả như vậy, sau đó người quản gia sẽ đưa cho cậu một khúc xương để gặm, một ít sữa ấm hoặc thậm chí là bánh mì và bơ.

Chúa ơi, và tất cả họ đều vui vẻ như thế nào, họ cười đùa và trêu chọc nhau và những câu chuyện cổ tích mà cô gái chăn lợn có thể kể! Và khi những người hầu gái ngồi xuống bên xa kéo sợi và bà chủ điền trang nhìn vào, những câu chuyện đủ mọi thể loại tưởng không bao giờ kết thúc. Đó là lúc họ nói về những nàng công chúa bị phù phép, những con rồng và những hoàng tử những chuyện đáng sợ khiến tóc bạn dựng đứng.

Không phải ngẫu nhiên mà Reymont xây dựng phần đầu tiên của đoạn trích này từ những ẩn dụ gợi nhớ đến Dụ ngôn Người con hoang đàng. Tuy nhiên, đó là sự đảo ngược của câu chuyện Cơ đốc giáo, ở chỗ khi rời khỏi nhà, Người con hoang đàng đã làm hại cha mình, và sau đó phung phí gia sản giàu có của mình vào rượu chè và ăn chơi trụy lạc. Anh ta không có quyền mong đợi bất kỳ sự đối xử tử tế nào từ người đàn ông mà anh ta đã làm hại, ban đầu, và sự chào đón của người cha dành cho anh ta (khiến người anh trai 'tốt' của anh ta bực bội) càng có sức mạnh hơn. Người con hoang đàng đã từ chối tình yêu để thỏa mãn bản thân, chỉ để biết rằng tình yêu là vô điều kiện. Còn trong trường hợp của Dummy? Đứa con hoang này (cậu không có cha), không hề phạm tội mưu phản tùy tiện khi rời khỏi một cộng đồng đã đánh đập, chế giễu, thậm chí ghét cậu ta. Cậu ta không có lý do gì để xin lỗi bất kỳ ai. Việc cậu lựa chọn 'của riêng mình' giống như truyền thống tồi tệ nhất của người Mỹ về ‘đất nước tôi, dù đúng hay sai'..

Ít nhất trong câu đó có sự thừa nhận đúng sai. Trong truyện ngụ ngôn của Reymont, chỉ có 'của tôi' và 'không phải của tôi'.

Nói về các ảo ảnh, ảo ảnh của Dummy là Công chúa của cậu một con búp bê có kích thước bằng người thật với một kĩ xảo ‘biết nói’, nhờ đó cậu ta tin (theo những câu chuyện mùa đông về những cô gái mà cậu mơ thấy ở trên) rằng cô ấy là một công chúa bị phù phép, và cậu chỉ cần tìm ra câu thần chú để giải thoát cô ấy khỏi bùa mê, khi đó cô ấy sẽ kết hôn với cậu, và cậu sẽ trở thành một hoàng tử (tức là một người vượt trội hơn thậm chí cả những kẻ ngược đãi con người trước đây của cậu). Bỏ qua thực tế rằng lối suy nghĩ theo kiểu cổ tích này khiến chúng ta hiểu Dummy là một nhân tố con người chưa hoàn toàn trưởng thành, đây là một bằng chứng nữa cho bản chất con người của cậu ta những giấc mơ ban ngày của cậu (thậm chí có thể nói là 'hệ thống niềm tin' của cậu) hoàn toàn là của con người; động vật không có vai trò gì trong đó ngoài vai trò của con ngựa đen ma thuật sẽ xuất hiện để đưa cậu ta và công chúa của cậu đến lâu đài của cha cô, một khi cậu tìm ra câu thần chú đó.

Trong một cuốn tiểu thuyết mà những điều không thể tin được xảy ra một cuộc nổi loạn có sự phối hợp của các loài động vật trong nhà chống lại chủ nhân của chúng là con người, dẫn đến sự hủy diệt của xã hội sau này một cuốn tiểu thuyết mà động vật không chỉ giao tiếp với nhau, mà còn sử dụng cái mà chúng ta gọi là lời nói của con người, lời cầu nguyện mà Dummy đột ngột thốt ra trong vùng hoang dã làm chúng ta sửng sốt trước sức mạnh nổi bật của nó, vì bất ngờ:

Xin hãy cứu con, lạy Jesus đức Chúa Con! Và con sẽ điêu khắc cả một ngôi miếu thờ! Con sẽ treo trước bàn thờ của Người một con chim hét đang hót trong lồng! Xin cứu con, Chúa ơi!’ cậu nức nở, làm dấu Thánh giá hết lần này đến lần khác.

Nếu Reymont kết thúc tiểu thuyết của mình ở đây – với lời kêu gọi này đến Đấng vĩ đại nhất trong tất cả các Tertium Quids, Chúa, Đấng vượt qua cả con người và động vật, Cuộc nổi loạn của bầy thú sẽ có cùng thông điệp như một tác phẩm khác đề cập đến đấu tranh giai cấp: Hài kịch Undivine của Zygmunt Krasiński, trong đó giải pháp khả thi duy nhất cho những yêu sách không thể hòa giải của Quý tộc và Cách mạng là Sự Phục lâm của Chúa Kitô. Nhưng Reymont đi xa hơn. Dummy bị xua đuổi và chết, còn Rex bị chính bầy đàn cách mạng của mình hành quyết không thương tiếc như bất kỳ Robespierre nào, và các loài động vật tiếp tục cho đến khi chúng gặp một sinh vật giống người, cuộc gặp gỡ đó khiến chúng vô cùng sung sướng:

______________________________________________________________

Và rồi, sau nhiều, rất nhiều ngày lang thang như thể chúng đã đi qua toàn bộ thế giới, những con đi đầu hàng ngũ đột nhiên dừng lại, rống lên, phủ phục xuống đất:

‘Người! Chủ nhân của chúng ta! Người!’

Ở đó, tại bìa của một khu rừng rậm rạp, dưới bóng mát của một cây cọ rộng lớn, có một gia đình vượn người đang ngồi.

Con đực khổng lồ, sửng sốt trước sự xuất hiện đột ngột của chúng, vụt đứng thẳng người lên.

Khi nhìn thấy nó, tất cả các đàn đều quỳ xuống trong sự khiêm nhường và gầm lên một tiếng rung chuyển cả bầu trời:

‘Xin hãy làm chủ chúng tôi! Hãy cai trị chúng tôi! Chúng tôi là nô lệ trung thành của các ngài! Xin đừng bỏ rơi chúng tôi!'

Tiểu thuyết kết thúc bằng một vòng tròn khép kín khác: mọi thứ trở lại bình thường.

Bất chấp mọi lời hứa về sự tiến bộ, dòng sông động vật khổng lồ quay trở lại trên con đường của nó và trở về nơi nó đến: với sự thừa nhận tự nhiên (mặc dù trong trường hợp này là nhầm lẫn) của loài vật về nhu cầu của chúng về một người chủ hai chân vì lợi ích của chính chúng. Bất kể chúng ta nghĩ gì về sự bi quan của cái kết này, Reymont chứng tỏ mình, nếu không phải là nhà văn 'giỏi hơn', thì ít nhất cũng là nhà tiên tri giỏi hơn, so với Orwell, người đã từng viết 'Tôi khá vui khi bị trúng đạn vì tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra với tất cả chúng ta trong tương lai gần.' ¹⁴ Những thay đổi vào năm 1989 và 1990, mà Orwell không dự đoán được (ai có thể dự đoán được?!) chắc chắn sẽ khiến Władysław Reymont mỉm cười. Marx đã được chứng minh là sai. Nếu có một cái gì như thuyết quyết định luận lịch sử, thì, tốt hay xấu, nó được tìm thấy trong sự phân cách [compartmentalisation] của chúng ta, sự bất bình đẳng phải dùng từ này vì không có từ nào hay hơn tự nhiên của chúng ta. Vấn đề là chúng ta không thể để cho sụ thật này vượt qua cái mệnh lệnh [đạo đức] là: tôn trọng lẫn nhau.

Orwell và Ba Lan

So sánh Cuộc nổi loạn của bầy thú với Trại súc vật là điều tự nhiên; chúng ta đã nói một vài điều về việc này. Trên hết, điều quan trọng là phải nhớ rằng hai cuốn này, mặc dù giống nhau, nhưng có mục đích khác nhau. Trại súc vật là một tác phẩm châm biếm về hệ thống Stalin, một cuốn tiểu thuyết ám chỉ với danh sách nhân vật có thể đoán ra được, dựa trên những nhân vật ngoài đời thực. Cuộc nổi loạn của bầy thú là một tác phẩm về nhân học hơn là chính trị, và là sự xem xét chính cái ý tưởng về những lý tưởng không tưởng không một cái nào trong số đó có thể trở thành hiện thực. Mỗi cuốn sách phải được đọc và đánh giá theo giá trị của riêng của nó.

Orwell, một trong những nhà văn thực sự vĩ đại của thế kỷ XX, chắc chắn là ngang hàng với Kafka và Borges, tất nhiên, là một tên tuổi nổi tiếng ở Ba Lan. Như đã đề cập trước đó, phiên bản tiếng Ba Lan đầu tiên của Trại súc vật, (Folwark zwierzęcy) của Teresa Jeleńska, đã được xuất bản sớm vào năm 1946 bởi những người Ba Lan ở London đã chọn ở lại phương Tây, thay vì trở về một 'xã hội không tưởng' do Cộng sản thống trị như Orwell đã thấy trước trong hai tác phẩm vĩ đại nhất của ông (tác phẩm kia là 1984). Cả hai cuốn sách này, rõ ràng, cùng với The Cuộc nổi loạn của bầy thú, đã bị cắt đến tận sương để những người Cộng sản cho phép xuất bản chúng trong khối Xô Viết.

Như Orwell được người Ba Lan biết đến, Ba Lan cũng được Orwell biết đến, và những lá thư được sưu tầm của ông, đã được dẫn trong ấn bản của Peter Davison, cung cấp cho chúng ta một số hiểu biết thú vị về quan điểm cá nhân của ông về các vấn đề của Ba Lan.

Lần đầu tiên Ba Lan được đề cập cụ thể là trong một bức thư dài được viết cho tờ báo Tribune vào cuối tháng 6 năm 1945, phàn nàn về sự thiên vị ủng hộ Liên Xô (và do đó là chống Ba Lan) trong phóng sự của họ về phiên tòa trình diễn tệ hại xử 'Mười sáu' nhà lãnh đạo của Nhà nước ngầm Ba Lan, bị bắt cóc đến Moscow và bị xét xử theo cách chính trị, là hậu quả trực tiếp khiến một phần tư trong số họ mất mạng. Bằng giọng mỉa mai, Orwell viết:

Ngay từ đầu phiên tòa, tôi đã nảy ra ý kiến ​​rằng những người bị cáo này có tội về mặt kỹ thuật: có đỉều, họ đã phạm tội gì? Rõ ràng là họ chỉ làm những gì mọi người cho là đúng khi đất nước của họ bị một thế lực nước ngoài chiếm đóng tức là cố gắng duy trì sự tồn tại của một lực lượng quân sự, duy trì liên lạc với thế giới bên ngoài, thực hiện các hành vi phá hoại và đôi khi giết người. Nói cách khác, họ bị kết tội cố gắng bảo vệ nền độc lập của đất nước mình chống lại một chính phủ bù nhìn không được bầu lên, và vẫn tuân theo một chính phủ mà vào thời điểm đó được toàn thế giới công nhận ngoại trừ Liên Xô.

Người Đức trong thời kỳ chiếm đóng của họ có thể đã đưa ra chính xác cùng một bản cáo trạng đối với họ, và họ sẽ có tội như thế.

Ông tiếp tục cáo buộc tờ Tribune đạo đức giả khi ca ngợi quân đội ngầm của Hy Lạp, trong khi vì những cân nhắc chính trị lại đứng về phía người Nga trong trường hợp của người Ba Lan:

Chỉ có thể chống Ba Lan và ủng hộ Hy Lạp nếu người ta lập ra một tiêu chuẩn kép về đạo đức chính trị, một cho Liên Xô và một cho phần còn lại của thế giới […] Một mặt miệng chúng ta kêu gào rằng trục xuất hàng loạt, trại tập trung, lao động cưỡng bức và đàn áp quyền tự do ngôn luận là những tội ác khủng khiếp, trong khi mặt khác chúng ta tuyên bố rằng những điều này hoàn toàn đúng nếu được Liên Xô thực hiện.

Trong khi bối cảnh của bức thư là thiệt hại mà những tiêu chuẩn kép như vậy gây ra cho phong trào Xã hội chủ nghĩa, mà Orwell vẫn gắn bó (mặc dù, như ông thừa nhận với Stephen Spender trong một bức thư đề ngày khoảng 15 tháng 4 1938, 'Tôi đã rất thù địch với [Đ]ảng [C]ộng sản kể từ khoảng năm 1935'), thì cũng không kém phần đúng khi ông hiểu bản chất bất chính của quyền bá chủ của Liên Xô ở Đông-Trung Âu là biểu hiện khách quan của cái ác cần phải chống lại. Chính vì lý do này mà trong bức thư ngày 1 tháng 9 năm 1945 gửi cho dịch giả người Nga Gleb Struve, trong đó ông đề cập đến một bản dịch tiếng Ba Lan của Trại súc vật vừa đến trên bàn làm việc của ông vào đúng thời điểm bức thư của Struve, ông đã rất hào phóng tuyên bố rằng 'nếu có bản dịch sang các ngôn ngữ Slav, bản thân tôi sẽ không muốn nhận bất kỳ khoản tiền nào từ chúng‘. Những cam kết như vậy, đối với ông, không phải là đề xuất kinh doanh, mà là một cách đảm bảo việc truyền bá tư tưởng tự do ở những khu vực hiện đang diễn ra sự đàn áp chính trị. Chúng ta thật may mắn khi sống trong thời đại không có những trở ngại như vậy đối với các nhà xuất bản, như Glagoslav, khi họ muốn trao các tác phẩm như Cuộc nổi loạn của bầy thú của Władysław Reymont cho độc giả tiếng Anh, và tôi chắc rằng cả ông ấy và Orwell cũng sẽ vui mừng như tôi, khi ghi nhận sự biết ơn của tôi đối với Viện Sách Ba Lan, một tổ chức tại Ba Lan độc lập, hào phóng trợ giúp các ấn phẩm như vậy.

Kraków, ngày 18 tháng 8 năm 2021

______________________________________

CHÚ THÍCH

1. Của Knopf tại New York, cả hai tác phẩm đều do M. H. Dziewicki dịch.

2. Władysław St. Reymont, Bunt (Gdańsk: Wimana, 2018), trang sau.

3 George Orwell, Folwark zwierzęcy, dịch. Teresa Jeleńska (London: The League of Poles Abroad, 1946). Đối với cuốn 1984, bản in đầu tiên bằng tiếng Ba Lan là bản dịch của Juliusz Mieroszewski, được Kultura tại Paris xuất bản năm 1953. Tuy nhiên, như Beata Dorosz lưu ý trong bài viết của bà: ‘George Orwell’s 1984: The Polish Chapter in Light of the PIASA Archives,’ The Polish Review, Tập. 61, Số 4 (2016), tr. 57-66, chính nhà thơ Jan Lechoń là người đầu tiên thực hiện phát thanh bản dịch của cuốn tiểu thuyết, được Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phát sóng vào tháng 11 năm 1949, tức là trong vòng một năm kể từ khi in bản gốc tiếng Anh.

4. Wacław Borowy, ‘Reymont,’ Tạp chí Slavơ và Đông Âu, Tập XVI, Số 47 (tháng 1 năm 1938), tr. 443.

5. Tướng Liên Xô Mikhail Tukhachevsky đã tuyên bố như vậy (người không lâu sau đó đã phải chịu một thất bại nhục nhã tại cổng thành Warsaw, dẫn đến chiến thắng cuối cùng của Ba Lan): ‘Về phía Tây! Trên xác chết của Ba Lan Trắng là con đường dẫn đến thảm họa toàn thế giới.’ Trích dẫn từ Norman Davies, Sân chơi của Chúa: Lịch sử Ba Lan, Tập. II: ‘1795 đến nay’ (New York: Columbia University Press, 1982), trang 396.

6. R. Dyboski, ‘Żeromski và Reymont,’ The Slavonic Review, Tập IV, Số 12 (tháng 3 năm 1926), trang 560-561.

7. Jerzy Kwiatkowski, Literatura dwudziestolecia [Văn học giữa hai cuộc đại chiến] (Warsaw: PWN, 1990), tr. 206. Tôi không hề cho rằng Giáo sư Kwiatkowski (1927–1986) đang theo đường lối của đảng ở đây. Là một người nổi loạn chiến đấu vì đất nước mình trong Cuộc nổi dậy Warsaw, ông quen thuộc hơn với sự phản bội của Liên Xô so với Reymont, người sống trong thời kỳ Ba Lan đã thành công trong việc chống lại các cuộc xâm lược của Cộng sản từ phía đông. Tuy nhiên, giống như tất cả các nhà văn thuộc mọi thành phần chính trị ở Ba Lan do Cộng sản kiểm soát, trong các ấn phẩm của mình, Kwiatkowski đã phải lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận. Ông qua đời trước khi đất nước ông giành lại được độc lập, và đánh giá trên dường như không thay đổi trong phiên bản mới nhất của cuốn sách của ông (PWN: 2012, tr. 248). Sẽ rất thú vị khi xem liệu ông có thay đổi cách diễn đạt của mình không, nếu ông sống đến thời đại hiện tại.

8. Thomas Hardy, ‘The Mongrel,’ tr. 25-32. Trích từ Thomas Hardy, The Complete Poems (New York: MacMillan, 1982). Bài thơ ban đầu được xuất bản trong tuyển tập Winter Words in Various Moods and Metres (1928).

9. Robinson Jeffers, ‘Hurt Hawks,’ II: 1. Trong Robinson Jeffers, Selected Poetry (New York: Random House, 1959). Bài thơ được tập hợp đầu tiên trong Cawdor and Other Poems (1928).

10. Isaiah 11:6-9; 65:25.

11 George Orwell, Animal Farm / 1984 (New York: Harcourt, 2003), tr. 71.

12 Orwell, Animal Farm, tr. 84.

13 Rafał Wojasiński đã từng nói với tôi: ‘Chúng ta nghĩ rằng mình đang kiểm soát mọi thứ trên trái đất này. Chúng ta nghĩ rằng mình đang ở đỉnh cao của chuỗi thức ăn. Nhưng không phải vậy. Mốc. Nấm và mốc. Bạn không thể tiêu diệt nó; chúng ta ăn nó, và nó sống mãi trong chúng ta; khi chúng ta chết, nó tiêu thụ chúng ta và sống mãi. Mốc. Sự bất tử duy nhất tồn tại.’

14 George Orwell, Thư ngày 31 tháng 7 năm 1937, gửi Rayner Heppenstall. Trong George Orwell, A Life in Letters [Cuộc đời qua những bức thư], biên tập bởi Peter Davison (New York: WW Norton, 2013), tr. 82. Trong một lá thư gửi Francis Westrope ngày 15 tháng 1 năm 1939, Marrakech, ông viết: ‘Tôi cho rằng rắc rối tiếp theo sẽ xảy ra ở Ukraine, vì vậy có lẽ chúng ta có thể về nhà kịp lúc để đi thẳng vào trại tập trung nếu chúng ta không bị một tàu ngầm Đức đánh chìm trên đường đi.


[*] Władysław Reymont, The Revolt of the Animals, Charles S. Kraszewski dịch từ tiếng Ba Lan. Glagoslav Publications, 2022.