Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Trần Lê Sơn Ý “Thương một tình thương”

Trần Lê Sơn Ý

Một lúc nào đó, Trần Lê Sơn Ý từng viết: “Thơ như một chuyến xe kỳ thú, tôi bước lên và cứ thế mà đi. Cho đến hôm nay, sau vài chục năm khởi sự, chị vẫn rong ruổi trên chuyến xe ấy với tâm thức: “Tôi viết như thể mình đang ngồi trên một chuyến xe - nhìn bầu trời trên ca - nhìn hàng cây bên đường và nhìn mình đầy cảm xúc”.

Thế rồi, một lúc nào đó, vẫn trên chuyến xe kỳ thú ấy, Trần Lê Sơn Ý nhận ra, dường như Thơ là chưa đủ. Cùng với Thơ sẽ là những áng văn xuôi tinh tế, giàu có hình ảnh, nhịp đập khoan hòa của đời sống.

Đến nay, chị đã cho xuất bản hai tản văn Yêu thương là tự do (2018), Thương một tình thương (2024) và một tập ghi chép Sao con hỏi mà con kiến không trả lời (2018).

Văn Việt trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Lời giới thiệu và một số bài viết trong tập tản văn mới nhất của chị.

Nhân đây, xin được nhắn Trần Lê Sơn Ý, những người yêu thơ chị, những người từng đọc thi phẩm Cơn ngạt thở tình cờ (2007) vẫn luôn chờ đợi tập thơ tiếp theo của chị.

Văn Việt

 

LỜI GIỚI THIỆU

Với độc giả từng đọc Yêu thương là tự do (Phanbook & NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018) thì có thể nhận ra cuốn sách này là phần nối tiếp trong dòng chảy văn chương về chủ đề gia đình mà tác giả Trần Lê Sơn Ý đã lặng lẽ chọn viết nhiều năm qua.

Tuy không triết luận to tát, không lý trí sắc sảo, không tham vọng chạm đến đại sự, nhưng lối viết của cây bút – vốn là nhà thơ – này đủ tạo ra một thứ quyền lực mềm đầy thuyết phục. Tác giả không đưa người đọc đến những dặm đường xa với nhiều khám phá thú vị, gây ngạc nhiên, mà rủ rê ta cùng ngồi yên, hướng tâm trí trở lại với những ngóc ngách bên trong mái ấm, những góc khuất nơi tận tâm hồn mà lâu nay ta bỏ quên hoặc vờ như không thấy, không muốn đối diện hay chăm sóc.

Những góc khuất bừa bộn ngổn ngang ấy bây giờ không chừng lại là một bảo tàng viện gây ngạc nhiên và thú vị chẳng kém.

Từ đó, bức tranh tâm hồn con người hiện đại dưới mái gia đình và giữa thế giới hiện đại bắt đầu phát lộ. Những lựa chọn xu thời và ngắn hạn khiến ta vui đó, chao đảo khủng hoảng đó, những băn khoăn về lẽ sống và mối dây tình cảm trong cơn tai ương mà tác giả gọi là mùa dịch, những khoảng cách lớn dần giữa đứa con lập nghiệp thành phố với ông bà cha mẹ ở quê, những rối rắm khó gỡ giữa đứa con bước vào tuổi dậy thì với cha mẹ trẻ thiếu sự trang bị, những ngày trái gió bên người bạn đời, chuyện căn bệnh thời đại trầm cảm gõ cửa từng nhà hay tìm cách cân bằng cho bọn trẻ thành phố qua các khóa tu tập... Từng mẩu chuyện lẻ, tưởng là vụn vặt, nhưng nhờ trái tim thương kỹ và yêu chậm nhịp viết được điều tiết thong dong, chúng có thể trở thành những trường hợp hay cảnh huống có tính phổ quát mà những gia đình ở đô thị thời điểm này đều đang đối diện và xử lý. Nhiều chuyện nan giải, phức tạp nhưng qua cách kể đơn sơ, lối dẫn dắt giàu tình cảm, Trần Lê Sơn Ý đưa ra những gợi ý về một phương thuốc tình thương để nội trị.

Nếu ngại dùng chữ chữa lành, ta có thể chọn một chữ khác để nói về tập tản văn này: hòa giải. Sự hòa giải của mỗi cá nhân với chính mình, mỗi cá nhân với những tương quan trong mái ấm và với xã hội, thiên nhiên rộng lớn.

Mọi sự hòa giải chỉ có được khi trái tim không chỉ biết tỏa năng lượng yêu thương hướng tới đối tượng được thương (tha nhân, ngoại giới nói chung), mà còn luôn âm vang niềm thương bắt rễ từ nội tại, chấp nhận và nâng niu khối tình đang có – dù khối tình ấy tròn hay méo, khiến ta hạnh phúc hay khổ sầu.

Cuốn sách này là món quà của sự từ tốn, tinh tế và duy cảm – những thứ bình thường của hôm qua nhưng đã trở nên quá chừng xa lạ trong cuộc sống ồ ạt hôm nay.

Vì những hình mẫu, trạng huống gia đình hiện đại đầy ắp trong tác phẩm, nên chúng tôi mạnh dạn xếp tác phẩm này vào Tủ sách Gia Đình Việt Nam.

Phanbook ước mong cuốn sách sẽ có mặt trong những tủ sách gia đình đô thị như một sự đồng cảm và chia sẻ mà người viết và người làm sách gửi đến bạn đọc.

Trân trọng giới thiệu.

- PHANBOOK

TẬP THƯƠNG… MỘT TÌNH YÊU

Tập thương – thoạt nghe có vẻ chỏi với đôi tai hay bộ não đã quen với khái niệm, yêu thương là điều gì đó rất tự nhiên. Nhưng ngẫm lại thì tự nhiên yêu sẽ có ngày tự nhiên hết yêu.

Bạn nhiều lần nói “Nếu không phải vì thương con, mình chắc bỏ chồng lâu rồi. Vì thương con nên mình tập thương chồng, mỗi ngày một chút”.

1. Hết yêu chồng thì dễ, ký cái rẹt là xong (dẫu thực tế không hẳn luôn dễ dàng như thế). Ghét sếp, không ưa đồng nghiệp, bỏ việc là xong. Bạn bè nói sốc, nghỉ gặp là yên.

Nhưng hết... yêu con (hay tưởng hết yêu con, hoặc chịu hết nổi, thậm chí là có những khoảnh khắc tưởng không thể nhìn mặt nhau được nữa...) thì muôn phần phức tạp hơn.

Ghét một đứa trẻ, nhất là con mình, đâu có thể đá ra đường là xong. Bởi có một đứa trẻ, muốn hay không ta cũng hiểu từ nay có một sinh mệnh đã gắn liền với cuộc đời mình. Mình phải chịu trách nhiệm về sinh mệnh ấy (may mắn lắm thì đến khi ngôi thứ ba ấy đủ 18 tuổi – và được giáo dục đủ để có thể tự lập, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình).

Trong 18 năm ấy, bạn – kẻ đã góp phần tạo ra sinh mệnh kia – không còn chọn lựa nào ngoài việc... chịu thương, chịu khó thương (chữ chịu thương chịu khó lẽ nào được hình thành từ đây!). Bạn tôi dùng chữ “tập thương” hẳn từ cảm giác này.

Dẫu sao việc tập yêu chồng chỉ là một trong nhiều lựa chọn. Nhưng trong mối quan hệ với con cái, ba mẹ có vẻ như không có sự lựa chọn nào khác. Mối quan hệ này sống động và phức tạp hơn hẳn. Dường như vũ trụ đã chuyển trọng tâm vào cái miệng nhỏ xíu mà hét đến váng cả đầu kia.

Tôi nhớ nhìn vẻ mặt “đừ ngắc” của sếp khi có con đầu lòng mà ái ngại. Sếp than khẽ: “Từ nay không còn cái gì trên đời là của mình nữa, kể cả thời gian”. Tôi đã kịp phá lên cười rằng sếp ơi, bắt đầu từ đây anh sẽ giác ngộ được tinh thần vô ngã của nhà Phật.

Cũng phải nói thêm là sếp đã chuẩn bị tinh thần để chờ đợi một “cục con” khá lâu, đã tham gia các lớp tiền hôn nhân; thậm chí học chung lớp tiền sản để hỗ trợ vợ. Có thể vì vậy mà sếp có vẻ nhận định được tình hình một cách khá chân thật. Nhờ vậy mà sếp vẫn kiểm soát được tình hình chăng.

2. Tôi nhớ mãi câu chuyện cô bạn nhỏ kể hồi mới chân ướt chân ráo qua Úc học. Đang yên lành, cô nghe tiếng gõ cửa gấp gáp. Mở cửa thì gặp người hàng xóm ngoại quốc, tay bồng một đứa nhỏ hỏi: “Mày có thể cho tao gửi bé một giờ đồng hồ không?”.

Nhìn bà mẹ đầu bù tóc rối như vừa bước lên từ 18 tầng địa ngục, cô bé chưa chồng con, bỡ ngỡ đón đứa trẻ vừa hoảng vừa thương, vừa không chắc liệu bà mẹ trẻ có quay lại không. May quá một giờ sau bà mẹ quay lại, cảm ơn rối rít, sắc mặt đã tươi tỉnh lại. “Cảm ơn mày. Mày mà không giúp chắc tao giết nó hoặc tao giết tao mất”.

Mãi đến lúc có con, trải qua nhiều đêm mất ngủ căng thẳng, mệt mỏi, cự cãi... nhất là tiếng khóc như thêm xăng vào lửa của lũ trẻ to mồm, em mới hiểu được bà hàng xóm năm xưa, cô bạn nhỏ cười thông cảm. Hiểu được là một chuyện còn chấp nhận được lại là một chuyện khác nữa, cần nhiều thời gian hơn, cố gắng hơn và luyện tập nhiều hơn.

“Cũng có lúc nói thiệt, em ghét con kinh khủng, em cảm giác đó là một cục nợ mà em không biết khi nào mới trả nổi. Em nghĩ nó mà 18 tuổi chắc em đăng báo từ con quách”, cô bạn cười khanh khách. Không biết từ khi nào em nhận ra mình không còn cười nữa, từ lúc có con.

Em hoặc chỉ la hét như bà điên hoặc nhăn nhó như phù thủy xấu xí. Em không nhận ra đâu nếu không nhờ một ngày kia em gào thét, thay vì dỗ dành hay hét lại, gã chồng gí cái điện thoại quay lại cái mặt em lúc đó. Em hoàn toàn là một bà điên. Biểu sao con em nó không khiếp hãi, không hoảng sợ, không khóc lóc bất an. Tính ra nhờ smartphone mà em tỉnh ngộ, cô bạn nhỏ bắt đầu học được thói tự trào.

“Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời biết sao giờ. Em không đá đít nó được, không từ nó được, cũng không oánh, không chì chiết, nhiếc móc gì được, vì nó có hiểu đâu. Em còn biết làm gì ngoài việc chấp nhận con mình là đứa khó chịu, khó ăn, khó ngủ, khó ị... Nói chung trăm đường khó. Thôi em coi như nhường nó một bước, mai mốt nó lớn cưới vợ về có con, con nó khó lại cho biết đá biết vàng. Mà nghĩ lại cuộc đời nhiều điều thú vị, từ khi em quyết định không thèm ăn đủ thua đủ với nó, tự nhiên không khí trong nhà đỡ hẳn. Nó ăn dễ hơn, ngủ dễ hơn, bớt quấy hơn...”.

3. “‘Lùi một bước biển rộng trời cao’ là thật sao?”, tôi cũng bắt chước em đùa lại! Bao lâu nay mình hay nghĩ thậm chí còn dám tuyên bố, cứ yêu thương đi thì cái gì cũng làm được, cái gì cũng vượt qua. Thậm chí thấy ai đó than thở mệt nhọc, còn dám đánh giá vì chưa đủ thương.

Đến khi có con, đối mặt với việc không còn gì xảy ra theo ý mình nữa, tôi càng hiểu ra tình yêu trong mình vô cùng... giới hạn, dưỡng nuôi bao giờ cho đủ. Đối diện với nhiều thảm cảnh, ở đó người mẹ người cha trong phút chốc vụt hiện hình thành quỷ dữ, tôi lờ mờ hiểu rằng đó là lúc cơn giận được nuôi dưỡng lâu ngày bằng bạo lực phút chốc chuyển hóa thành cơn điên. Cơn điên đã thiêu rụi chút yêu thương và tỉnh thức cuối cùng!

Yêu thương có lẽ cũng như một cái cây, tập yêu, tập thương đơn giản là tưới nước mỗi ngày, quan sát coi sâu, bọ, cây có đủ nắng đủ dinh dưỡng... Giận dữ như đám lửa có thể thiêu rụi cả đám rừng nói gì đến... một cái cây.

Có lẽ vì thế mà ta cần nuôi dưỡng cái cây mỗi ngày. Nuôi dưỡng còn gồm cả việc bảo vệ. Phải bảo vệ canh chừng để lửa giận (từ bên trong lẫn bên ngoài) không bốc lên mà đốt cháy nó (lẫn mình)!

Trái đất còn đang nóng lên, nữa là con người! Càng nóng càng cần ít nhất một bóng cây, và bóng cây nào cũng cần tưới mỗi ngày cho đến khi cây bám rễ đủ chắc và sâu để tìm được mạch ngầm...

ÔNG NỘI MONG MANH VÀ CÁI CÔNG TẮC BÍ ẨN

Ông nội mong manh của tôi đã vô tình hay hữu ý một đôi lần đã bật công tắc của tôi lên, bằng những ngày Tết có thể là sau cùng của mình như thế.

Ông nội già, già hơn cây mai già nhất trong vườn nhà tôi. Năm ngoái về Tết, đứng trước mặt ông hỏi “Con là ai?”, ông chỉ cười cười rồi nói “Con chớ ai!”. Chỉ nhớ vậy thôi, chỉ biết vậy thôi chứ không còn nhớ tên đứa nào, kể cả người con trai duy nhất là ba tôi hay cô gái út ít bé bỏng của ông là cô Mười.

Ông đã quên nhiều thứ từ vài năm trước, quên luôn cả… điếu thuốc lúc nào cũng cầm trên tay (nhờ vậy mà bỏ được thuốc đâu đó ở tuổi 99). Nhưng một, hai năm trước giữa lưng chừng quên, có những khoảnh khắc chợt lóe lên như giật mình thảng thốt. Ông gọi đích danh tên ở nhà của tôi và hỏi “Con dìa hầu nào?”. Khách đến nhà không nhớ ai nhưng lúc nào cũng mời “Ăn đi con, uống đi con. Ngồi chơi, ông đi mua bánh xèo về ăn hé…”.

Năm nay, có chút ngậm ngùi, tưởng không có khoảnh khắc lóe lên nào nữa trừ hôm Hai bảy, Hai tám Tết, ông tự dưng nói bâng quơ: “Mấy ngày nữa là tết rầu”. Hơi sững nhìn ông, vậy là đâu đó trong nhớ quên vẫn còn một ngọn nến Tết.

Ngày vào lại Sài Gòn, sau khi thắp cây nhang lạy ông bà, tôi quay sang ôm ông đang ngồi lặng yên trong phòng thờ và nói: “Thưa ông nội con đi”. Tôi nói khẽ vào tai vì biết ông cũng chẳng nghe gì (ông điếc nặng nhiều năm nay). Nội không nghe đâu tôi biết, vậy mà ông nhìn tôi hỏi: “Chừng nào con dìa?”. Vội đi, tôi đáp nhanh: “Tết, Tết con về”.

Ông hỏi tiếp: “Mấy ngày nữa con dìa? Hai ngày nữa thâu nghen?”. Lúc này tôi mới thực sự đứng hình mất mấy giây. Vậy nghĩa là nội vẫn nghe, vẫn biết. Hồi trước tôi hay trêu: “Nội không có điếc, nội chỉ nghe những gì nội muốn nghe thôi”.

Giờ thì tôi không dám trêu nữa. Rõ ràng là nội đang không còn nghe bằng đôi tai thông thường nữa. Nội nghe bằng cảm nhận, bằng nhịp đập đâu đó trong mạch máu mình. Nội làm tôi nhớ câu nói nổi tiếng trong truyện Hoàng tử bé: “Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường mù lòa trước điều cốt tử”.

Nhiều năm về trước, lúc nội mới bắt đầu lãng tai, và bắt đầu, nói theo ngôn ngữ thế gian, trái tính trái nết, nhìn cách mọi người nói như hét vào tai nội, nhà lúc nào cũng như có tiếng cãi nhau, tôi hay nghĩ, mai kia già đi, nếu phải chọn giữa việc được nhìn thấy và được nghe thấy, tôi sẽ chọn được nghe. Nhưng giờ thì đôi tai cũng đã không còn quan trọng nữa. Nội đã nghe bằng niềm tin, bằng điều gì đó sâu thẳm bên trong. Liệu có phù phiếm khi gọi đó là tình yêu?

Hôm nội không kiểm soát được tiểu tiện, ba tắm cho nội, mẹ thay đồ, cháu nội út của ông thì lấy máy sấy, sấy ấm hai bàn chân ông. Ông đưa hai bàn tay gầy và khô đét nắm bàn tay cháu cảm kích: “Ông lạnh lắm, có con ông sống rồi, cảm ơn con nghe, vầy là phước đức lắm nghen con!”. Lại thêm một điều cốt tử nữa!

Trí nhớ tưởng đã bị trí quên xâm lấn mọi nẻo, nhưng không. Có những điều cốt tử vẫn âm thầm hít thở. Chỉ cần đâu đó, ai đó bật lên một công tắc tức thì lòng biết ơn, sự bày tỏ, niềm cảm kích, sự lịch lãm và quan trọng hơn cả, bài học lớn lao về về sự sống như phước đức, thiện lành bỗng sáng lên.

Vậy thì, được thấy, được nghe, được nhớ, hay mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý có còn gì quan trọng nữa đâu! Nội, người từng là người nổi tiếng một vai gánh hai gánh phân mỗi lần đi vãi ruộng, việc gì cũng làm gấp đôi người khác giờ chỉ còn là một người già mong manh. Người cần ai đó bật công tắc bên ngoài để nội có những khoảnh khắc lóe sáng bên trong.

Và nội, những khoảng sáng và cả tối của nội đều thức dậy trong tôi sự tỉnh thức về điều kỳ diệu, về giá trị cốt tủy của thương yêu, nương tựa và trên tất cả là bài học về vô thường!

Ba tôi hiểu rằng chăm một người già là điều nặng nhọc, ba nói với tất cả lòng thương: “Mai mốt các con cứ gởi ba vô nhà dưỡng lão”. Có lẽ tôi chưa từng trải qua cảm giác già mà vẫn còn làm dâu như má, hay cảm giác một người già chăm sóc một người già hơn như ba. Nhưng có một quãng trực tiếp chăm bà ngoại, tôi nhận ra một điều: Có một người già trong nhà là cơ hội để chúng ta học tập mỗi ngày. Tôi học cách giao tiếp qua những lời ú ớ, qua đôi mắt, qua nỗ lực phục hồi hằng ngày của bà sau cơn đột quỵ. Học quan sát vô thường. Và cả những điều kỳ diệu nữa như những lần công tắc được bật lên!

Ông nội mong manh của tôi đã vô tình hay hữu ý (tôi tin vào những điều mình không thấy bằng mắt thường) mà một đôi lần đã bật công tắc của tôi lên, bằng những ngày Tết có thể là sau cùng của mình như thế!

MÙI HƯƠNG NGÀY CŨ

Những ngày mưa Sài Gòn, một hôm ngồi ngó cái vườn bé xíu bạn chợt phát hiện ra một điều: Mảnh vườn con con trồng toàn những cây lá thơm. Không biết mình trồng kiểu gì mà toàn cây gia vị: lá lốt, gừng, chanh, ớt, sả, nghệ, é trắng, hương thảo... Thậm chí còn có cả một cây trà, chỉ thiếu hồ tiêu là đủ một vườn gia vị cơ bản. Nhủ thầm, ai tinh ý nhìn chắc biết bạn làm vườn người Trung. Vườn người Trung, nhà nào tối thiểu cũng có cây ớt chỉ thiên, phòng khi mưa gió, hay nắng bão, không có đồ ăn, cũng có chút nước mắm y dầm ớt cuốn bánh tráng sống qua ngày. Cá ớt đã đành, thịt cũng ớt, canh cũng ớt. Trái chưa đủ còn lấy cả lá ớt nấu canh, mà ngon nhớ mãi. Mấy đứa nhỏ về quê kêu trời vì ớt. Để rồi khi vô Sài Gòn tụi nhỏ hỏi nhau: “Sao mẹ nấu món này không ngon như ngoại?”. Mẹ giải thích: “Nguyên liệu ngon đã đành, bà ngoại còn có thêm cả một miền gia vị hỗ trợ nữa mà”. Mà lạ, con cá, miếng thịt gần như chỉ quấn khi lá chuối, khi lá nghệ, khi thì lá lốt, lá dứa mà thơm từ ngõ trước đến vườn sau.

Thi thoảng hiện về trong tôi buổi chiều 30 năm trước, tôi đứng trước sân nhà mình, nghe mùi cá rô đồng của đứa hàng xóm đi ruộng tiện tay bắt mấy con về nướng... Hay bọn bạn một hôm khơi khơi rủ nhau ra sau chùa bắt ốc, ngâm với ớt và nước vo gạo, rồi ra góc vườn, túm hầm bà lằng nào nào sả, gừng, lá lốt, ngổ om chung, rồi ngồi chu mỏ hỉ hả hút ốc cùng nhau. Giờ lớn lên mới biết mình nợ không biết bao nhiêu chúng sinh bé nhỏ quanh mình. Nợ từ củ khoai, con sâu, cái kiến, con còng cho đến quả ớt củ gừng, tép sả…

Cuối tuần qua nhà bạn, bạn làm cho chén nước tương sả ớt, vậy là nguyên một đoạn ấu thơ ùa về. Hồi đó những ngày ăn chay, món chay của má bao giờ cũng có sả, mình băm sả mỏi tay thấy ghét. Lớn lười, ăn qua quýt cho xong, hơi đâu chăm chút nào lươn phải xào với nghệ, phải nêm lá lốt... Thịt heo cũng nghệ, cá đồng kho tộ phải lót thêm lá nghệ, lá gừng. Cá biển thì nhất thiết phải có củ nén, kỹ còn lót thêm lá trà xanh dưới trả đất. Canh bầu phải có tiêu. Bánh canh phải có có hẹ, bánh căn phải có hành. Gà hầm lá é, gà nướng muối é... Vịt nhất thiết phải ướp với gừng, bò phải tỏi, sả, không được thiếu dầu ăn. Hay như món mì Quảng láng giềng, không có dầu phộng, không bao giờ ra được hương vị Quảng Nam...

Hồi nhỏ đôi khi đội nắng đội mưa ra chợ chỉ để mua một củ gừng, hay xin một tép sả, mình “oán” bà má cầu kỳ chi cho mệt xác. Và rồi khi vô bếp, mình hiểu rằng lũ gia vị con con đó khử độc cho thức ăn, cân bằng ôn ấm, âm dương... Có cả một nền văn hóa đằng sau những cái tên khiêm tốn ấy. Và rồi có ngày mình phát hiện ra đôi khi mình cho cả nhà ăn tiệm chỉ vì đồ ướp cá thiếu đi củ nén, mà lười chạy đến tận chợ bà Hoa.

Đã đành cái gì cũng phiên phiến thôi, đừng làm quá, đã dặn mình như vậy. Nhưng rồi ngẫm lại cái làm mình nhớ hôm nay có phải là món thịt món cá đó đâu mà chính là mùi hương từ món ăn ngày cũ. Dù chỉ mang tiếng là gia vị, chỉ có tính chất thêm vào cho đậm vị, nhưng nếu không có chúng, không có mùi hương ấy, chắc gì mình đã nhớ đến hôm nay?

NHỮNG MÙA MAI, NHỮNG MÙA NAY…

1. 15 tháng Chạp, hẳn sẽ được coi là ngày lặt lá mai… thế giới (nếu thế giới có mai, hẳn là vậy rồi), nhưng hình như, chỉ ở Việt Nam mai mới phổ biến đến vậy.

Mai Việt Nam được trồng co cụm nhiều nhất là trong những nhà vườn. Một trong những làng mai được biết đến khá nhiều là làng mai Háo Đức (Bình Định). Cây mai vàng ở đây được nuôi bằng hạt, chăm đến khi tạo được dáng thế đẹp, thường khi ra thị trường ít nhất cây đã 3-5 tuổi.

Ngoài giống mai bản địa dáng đẹp hoa thơm thì còn nhiều loại hoa mai được ong bướm tình cờ thụ phấn cho ra một loại tên là cúc mai từ 40-100 cánh, xếp chồng như hoa cúc. Người nông dân ở đây cũng vừa ghép vừa nhân giống loại cúc mai quý hiếm này. Chính vì vậy mà mai Bình Định mang trong mình sứ mệnh di chuyển: năm nào cũng du hành vào Nam ra Bắc, lên non (Tây Nguyên), thậm chí còn len lỏi cả về thủ phủ mai miền Tây với những dáng thế đặc biệt của riêng mình. Đó là một hành trình, thông thường khá suôn sẻ.

Nhưng không phải hành trình nào cũng thuận buồm xuôi gió như vậy.

Có những chuyến đi về “buồn như rệp”, theo cách nói thô mộc của người Bình Định. Nhưng năm nào, dù bán được hay không, việc gả những cây mai ra đi cũng chỉ là đoạn cuối của bao nhiêu cơ cực. Chăm mai như chăm con mọn, mỗi ngày quan sát từng chiếc lá để biết nó no nước hay thừa hay thiếu, canh từng con kiến con sâu và vô số các loài bọ gây bệnh. Mai dễ trồng nếu để nó lay lắt sống, nhưng để chăm đúng thời, đúng vụ, khỏe mạnh sai bông lại là chuyện khác. Chăm cực cả năm đã đành, cực nhất là một tháng trước Tết, đúng nghĩa “Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Cả năm chăm sóc đôi khi chỉ thu về... những nỗi lo âu và những phiền muộn.

Năm ngoái, ba tôi thuê một chỗ bán mai trong khu đô thị sầm uất gần Lotte Mart, quận 7. Cuối cùng, chỉ bán được một số cây cho người quen và duy nhất một cây cho người lạ. Đận đó không có xe tải để quay về, vì ba đã cầm cự đến tận Ba mươi Tết. Ba ở lại Sài Gòn chờ bay về chuyến sớm ngày mùng Một. Đành gởi lại đàn mai tá túc nhà người, rồi thuê người tưới sáng chiều cùng một lô một lốc những lời dặn dò, và mỗi ngày đều gọi điện hỏi thăm bọn cây. Mãi đến Mười tám tháng Giêng, ba mới kiếm được tải để vô rước mai về.

Cuối cùng đàn mai cũng trở về, sau một chuyến đi phơi gió, phơi nắng, phơi sương xứ người. Một cuộc hồi hương buồn. Tôi nhớ buổi chiều cuối năm đó, tôi tránh không nhìn dáng ba lầm lũi cầm kéo cắt trụi hết những cây cành đang búp mởn xanh. Không dám hình dung cảm giác của ông khi tự tay mình cắt đi những cây cành bông búp đã chắt chiu nuôi nấng cả năm ròng. Tôi nghĩ chắc ông hẳn phải nghiến răng, cắn răng mà cắt. Cắt cho cây đỡ mất sức. Cắt để dưỡng nuôi hy vọng cho mùa sau, và cả để lại một gốc rễ đơn giản nhất cho người giữ cây. Họ có tưới thế nào thì cây vẫn có thể sống, với dưỡng chất tối thiểu nhất là nước. Thương mấy cây cành chưa kịp nở, tôi lọ mọ đi lượm lại mang về cắm đầy những xô chậu có thể trưng dụng trong nhà mình. Cho tụi nó sống nốt những ngày sau cuối. Tôi cố hình dung cảm giác của ba. Năm nào trở về sau một đợt bán mai, ba cũng nói: “Ba bán năm nay nữa thôi!”. Rồi năm sau chở mai vô, lại nghe ba nói: “Ba bán năm nay nữa thôi!”.

Nghĩ thương cảnh ông già tuổi ngoài 70 vẫn còn “màn trời chiếu đất”. Con cái đứa nào cũng có gia đình riêng, gặp hôm đứa em trai út tình nguyện ra ngủ canh một bữa, “bộ xương già” xem như được đi ăn đám giỗ (được nằm thẳng thớm trên nệm, quấn trong chăn ấm, ngủ trong nỗi thanh thản như ở nhà: không lo trộm cắp, không lo bật dậy thay phiên cho người bán cùng được ngủ). Đất Sài Gòn đắt đỏ, dĩa cơm tấm, ly trà đá sương sương năm chục ngàn. Ăn xong lè lưỡi. Cái túi ngủ, cái võng dù ngăn được cái lạnh nhưng không ngăn nổi lũ muỗi vo ve. Ban ngày thì nắng, nắng rát. Nắng tiếp sinh lực cho cây mai bừng nở, nhưng lại rút đi chút sức tàn của những người ngày phơi trong nó, đêm phủ trong sương. Người thực dụng hay trêu: “Mai mốt trồng cây gì chơi được quanh năm. Đừng trồng cây chăm quanh năm mà chơi được mấy ngày”. “Chính vì vậy cây mai mới quý”, ba cũng đùa lại, dẫu có đôi chút ngậm ngùi. Để chăm sóc cốt cách của mai, người làm vườn hẳn cũng phải mang một cốt cách nào đó: ít nhất là tình yêu và sự chấp nhận. Mai khó chăm đã đành, phân thuốc nước đủ loại đã đành, đi đâu cũng không dám đi lâu vì sợ ở nhà không ai tưới.

Năm nay, thời tiết bất thường đến mức đâu từ Hai mươi tháng Mười một âm lịch, ba tôi đã bắt đầu lặt lá thăm dò. Cuối cùng vừa lạnh vừa sương muối, những búp xanh núp trong vỏ trấu “quyết liệt” không bung. Không lẽ lại chở vô phương Nam hong nắng? May thay, trời lại hửng lên vài đợt nắng, hy vọng lóe lên khi một số thương lái tìm đến đặt cọc, rồi tất cả hy vọng, khấp khởi,… đùng một cái tắt ngấm, khi tin Covid trở lại, họ đồng loạt hủy cọc, phần lớn là khách từ Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội,...

Dẫu biết hy vọng là một hình thức bám chấp thì cũng phải hành động. Cùng một số người quen, ba quyết định mang mai ra quốc lộ bán cho những chuyến xe Nam Bắc. Chúng tôi trêu cuộc bán mai gỡ gạc của ba, gọi cho ba dặn dò mang vớ quấn khăn và nhớ là ba đã có tuổi, đừng quên mà mang vác nặng nghe. Giọng ba một đêm ngủ ngoài trời đã nhuốm mùi sương giá (nghe nghẹt và mệt): “Ba không sao đâu, các con đừng lo. Có điều đứa nào về sớm được thì về với má, để má con ở nhà lủi thủi tội nghen con!!!”.

Người đàn ông hào sảng, lúc nào cũng sẵn sàng đương đầu với số phận đã bắt đầu nghĩ thương những điều bé mọn từ bao giờ không biết. Có phải từ ngày làm bạn với lũ mai, hay từ ngày làm bạn với vô thường tuổi tác?

CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA VỚI GEN Z VẬY?

1. U50 sáng nay dậy sớm mang xe đi khám lưu hành. Phải đi từ sớm để có thể là một trong những chiếc xe đầu tiên được xét vì còn một cái hẹn phỏng vấn ở công ty đúng 10 giờ. Xe xong, U50 đua ngay về không kịp ăn sáng. Chiều, bạn cùng nhà hỏi thăm: “Tuyển người ổn không?”. U50 dấm dẳng: “Có tới đâu mà ổn!”. “Ủa sao vậy?”. “Anh không biết nữa. Nhân sự gọi thì cậu ta không bắt máy, viết mail thì tới chiều mới trả lời là bận không tới được. Ủa… Không muốn đến thì làm ơn báo cho người ta một câu. Đã email xác nhận giờ giấc này kia đầy đủ rồi mà. Không?”. “Biết vậy hồi sáng anh ở lại ăn sáng rồi hãy đi cho đỡ đau bao tử. Mấy đứa nhỏ bây giờ nó bị làm sao không biết…” U50 vẫn còn càm ràm cho đỡ ức vì bị cho leo cây.

2. Mãi rồi U50 cũng tuyển được người. Thống nhất các lương thưởng, giờ giấc, công việc… Ngày đi làm, “đương sự” không xuất hiện. Người mới, “bài cũ”: không tin nhắn, không email, không bắt máy…

U50 lại vò đầu với câu hỏi cũ: “Tụi nhỏ bây giờ bị sao vậy?”. “Có làm sao đâu, chắc có ‘chốp’ ngon hơn nên xù ‘chốp’ này thôi.”. “Vậy cũng được đi, ai cũng có quyền lựa chọn điều tốt hơn. Nhưng mà có bẻ kèo cũng nói người ta một tiếng không được hả em? Ít nhất người ta cũng dành thời gian và tâm huyết cho mình mà. Không giữ được cam kết cũng lịch sự báo cho người ta một tiếng để người ta còn xoay xở chứ… Ủa!”… Giọng U50 ra chiều phẫn nộ.

Ủa, bức xúc thì giải quyết được gì? Nói chứ để thông báo với ai đó mình hủy kèo cũng… hơi ốt dột. Cũng cần chút dũng cảm. Thôi thì nghĩ tích cực chút thì chắc họ cũng thấy áy náy, hoặc ngại. Bạn nghe mấy cô bạn đang dạy đại học khen sinh viên lắm, mấy bạn được học nhiều giá trị sống… mà hồi xưa mình không có được học. Trong gia đình nếu để ý thì vẫn thấy phần lớn bạn bè cũng chú trọng việc dạy con điều lẽ phải. “Hay tụi nhỏ coi đó là giáo điều nên không để tâm?” – U50 lẩm bẩm, không hiểu nổi.

3. U50 cuối cùng cũng tuyển được người. Cậu ta đi làm thật. U50 còn dành thời gian đi ăn trưa với cậu để trò chuyện. Làm được vài ngày không thấy nhân viên mới xuất hiện trong cuộc họp tuần. Lần này, chẳng những không trả lời điện thoại, cậu ấy còn chủ động out ra khỏi các nhóm công ty. U50 lần này không buồn “ủa” nữa, cũng chẳng hỏi tụi nhỏ bị gì nữa, chỉ trầm ngâm xem chừng tuyệt vọng: “Bữa cậu ấy xin ứng lương, chắc cũng đã tính trước rồi. Mấy đứa nhỏ này…”, U50 chép miệng.

U50 làm bạn nhớ một hôm tình cờ trong thang máy chung cư, bạn gặp một cô nhỏ xíu xiu, đâu chừng lớp 1-2. Cô nhỏ giương mắt nhìn bạn, quét từ đầu xuống chân rồi… ngó đi chỗ khác. Bạn biết là trong thành phố đầy rẫy những hiểm họa khó lường, việc cha mẹ dạy con không chuyện trò với người lạ, không giao tiếp… là điều bình thường. Bạn đem câu chuyện kể cùng con gái. Con nói chắc em nó quánh giá mẹ… thuộc loại không cần phải giao tiếp. Bạn cười ha ha, “Ừ, chắc vậy!”. Bạn vẫn nhớ thỉnh thoảng khi chuyện trò cùng một số người tình cờ, bạn cũng không ít lần chưng hửng trước phản ứng của họ. Con gái đôi lần ý nhị nhìn mẹ lắc đầu, tỏ ý khuyên can, “Mẹ đừng bắt chuyện với người ta nữa!”. Dẫu hụt hẫng, bạn cũng chưa chừa cái nết… băn khoăn. Bạn nói với con: “Không nói chuyện cũng được nhưng con có thể gật đầu hoặc cười chào một cái rồi đi cũng ổn mà?”. Phản ứng của con gái làm bạn không bao giờ tưởng tượng được: “Ai thèm? Ai rảnh?”.

Đó là cách con phản ứng với thế giới bên ngoài sao? Bạn nhớ mình luôn dạy con những điều tạm cho là ứng xử cơ bản. Hay tụi nhỏ đã ở quá dài trong thế giới ảo đến mức không còn thấy cần nhu cầu giao tiếp nữa. Bạn những muốn quạt cho con một trận nên thân, nhưng rồi chỉ có thể nói: “Con người là một sinh vật cần giao tiếp xã hội. Con ứng xử như vậy thì mai mốt con sống được với ai?”. Con bướng bỉnh đáp: “Con vô rừng, sống với một con chó là đủ”.

Cô bạn đồng nghiệp khi nghe kể lại cũng chia sẻ, “Con tôi cũng vậy. Chỉ giao tiếp khi thấy điều đó có lợi cho chính mình”. Bạn vẫn cái nết băn khoăn: “Liệu mình có đang dán nhãn cho các con, liệu mình có tà kiến, có quá vội vàng, liệu chỉ là vài cá nhân đơn lẻ…”. Bạn những muốn tin vào điều đó. Bạn biết, ngôn ngữ ở góc độ nào đó phản ánh mức độ hiểu biết của con người (kể cả cách ta chọn nói ra hay im lặng). Bạn biết rồi mình sẽ tìm dịp quay lại chủ đề này nhiều lần nữa, cùng con.

Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng. Ai dường như cũng đang có ít nhất một thách thức phải đương đầu. Bất kể tuổi tác. Bất kể thế hệ X, Y hay Z. Bạn nhớ câu cách ngôn của tác giả, mục sư người Scotland Ian Maclaren: “Hãy tử tế, vì tất cả mọi người bạn gặp đều đang gồng mình chống chọi trong cuộc chiến khó khăn”. Bạn nhớ đến bé Auggie trong phim Điều kỳ diệu. Bạn nhớ cả con mắt duy nhất trên bìa cuốn sách. Bạn nhớ lời dặn dò của nhân vật thầy Brown trước khi chia tay học sinh cuối cấp: “Nếu bạn thực sự muốn thấy mọi người ra sao, điều duy nhất bạn cần làm là…nhìn”.

Chỉ cần nhìn thôi, bạn sẽ thấy ngay mà…

NHỮNG NGÀY SAU ĐÓ

Thời giãn cách, thỉnh thoảng tôi lại nằm nghe nhạc Trịnh Công Sơn, chìm trong những ca từ do chính ông hát: “Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm... Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam…”.

Như mọi khi, mấy đứa trẻ thuộc thế hệ Z trong gia đình thường sẽ phản ứng ngay trước thể loại nhạc của mẹ. Đứa thì “Mẹ nghe gì vậy mẹ?”, đứa thì thẳng thừng “Con nghe không nổi mẹ ơi!”. Nhưng hôm đó chúng lặng im. Đứa bé nhất còn hỏi người đang hát là ai, bài hát đó viết trong trường hợp nào, tại sao chiến tranh…

Có lẽ những ngày ấy, bọn trẻ cũng cảm nhận được không khí của một “cuộc chiến” đương đại, chỉ có khác là “kẻ địch” giờ đây lại không mặt mũi, không thể hình dung, chỉ sự mất mát, căng thẳng là rõ rệt hơn hết. Những ngày ấy, chúng tôi đã nói với nhau, ráng “sống mà nhớ lấy”. Ít ra chúng ta đã may mắn còn sống, chứng kiến và có thể kể lại một đoạn của thời khắc “đặc biệt” này trong lịch sử!

Chúng tôi đã hỏi nhau mình sẽ làm gì khi được ra ngoài, hít khí trời trở lại sau những ngày ở rịt trong nhà? Tôi nhớ mình suýt rớt nước mắt khi nghe cô gái ít vận động nhất nhà nói rằng: “Chắc con sẽ cắm đầu chạy một mạch, chạy đến khi nào kiệt sức mới thôi”. Mấy mẹ con chúng tôi ngồi với nhau, dệt chắc cũng đủ một tấm thảm ước mơ để có thể bay đi qua mùa… Covid.

Và rồi “hòa bình lập lại”, thật lạ lùng, không ai trong chúng tôi muốn nhúc nhích! Thoạt đầu tôi nghĩ rằng có thể mình đã bị ì sau một thời gian nhốt mình trong tổ. Nhưng sau đó tôi nhận ra sự ù lì có thật, “rêu bám” cũng là thật. Nhưng thật hơn sự thật có lẽ là chúng tôi có thể đã bị một dạng sang chấn, tâm lý “hậu chiến”?

Một kiểu bỗng dưng cười, bỗng dưng trào nước mắt. Cười thì cười không “nhặt được mồm”, mà khóc cũng khóc vì những chuyện hết sức ất ơ, thậm chí không liên quan. Đọc, xem, nghe về một điều thương tâm nào đó khóc đã đành. Có hôm nhìn cô bạn thân gọt mái đầu trọc lóc, nước mắt tự nhiên trào, đến mình cũng không ngờ được phản ứng của mình. Hoặc nhìn một cánh cò trắng chấp chới trong mưa chiều cũng trào nước mắt, nghĩ tưởng lung tung.

Cô bạn một hôm hớt hải gọi: “Có con chim én không hiểu sao tự nhiên bay vào nhà, có vẻ nó bị thương, giờ mình phải làm sao?”. Thế là đi tìm cách sơ cứu chim trời, ủ khăn, bỏ trong hộp giày, cho uống nước, thậm chí biết loài én không ăn gạo, phải chạy đi mua ít sâu bọ về cho “anh chàng”. Chăm được vài ngày, cuối cùng “anh ấy” cũng ra đi. Bạn chạy khắp nơi tìm một bờ lau hay một chỗ đất trống nào cho chim én. Tìm hoài không có đành “len lén” mang về chôn dưới gốc cây sứ dưới chung cư.

Bạn nói, “Bình thường chắc mình vất đi cho lẹ, nhưng không hiểu đợt này bị gì nữa mà nghe thương nó quá, thậm chí mang găng tay để chăm nó mà cũng tháo ra, dùng tay đút én ăn, cho én uống. Ngay cả khi tim én ngừng đập, không biết tụng chú Vãng sanh, đành nói một vài lời với én để kiếp sau em có thể sinh lên cõi người. Nhờ én, mà mình được nghe ké kinh Dược Sư, bài nguyện vãng sanh về Tây phương Cực lạc của Đức A Di Đà nữa. Tiễn én xong mình cũng thấy mình kỳ, không giống mình gì cả”.

Tôi đùa hay là sang chấn hậu Covid. Cả hai cười vang trong điện thoại. Bạn nói, “Không chỉ chuyện chú chim đâu, hình như sau này, mình nói chuyện với ba má cũng nhẹ nhàng hơn. Ba má có vẻ vui”. Lời bạn làm tôi liên hệ bản thân. Ừ nhỉ, gần nhất có hai lần, một lần con gái nêm nồi xúp quá mặn, lần khác thì nấu nồi xôi thành cháo, con la oai oái ‘Mẹ ơi cứu con!’”. Bà mẹ nhào tới chữa lửa bằng cách thêm nước sôi rồi thêm bột vô, thấy nồi xúp cũng không tệ. Nồi cháo sôi thì chắt nước để ráo bỏ tủ lạnh làm xôi chiên… Con nhỏ rón rén vừa ăn vừa hỏi: “Sao bữa nay mẹ hiền quá vậy, mẹ không la tiếng nào, chỉ lẳng lặng hành động”. Hóa ra mình đã từng rất nhiều lần “hiện thân phẫn nộ” mà không hay.

Ông chồng cũng “thừa nước đục thả câu”, thôi tranh thủ đất nước thanh bình, anh đi xuyên Việt một chuyến, kẻo nó dịch lại. Ông chồng nói khơi khơi ai dè bà vợ “từ bi bất ngờ” đồng ý. Nhờ sang chấn sau Covid, ông chồng có một chuyến đi xuyên Việt ba tuần mà không phải kéo theo một “rơ-moóc” nào, lần đầu tiên sau 15 năm lấy vợ! “Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ”, không biết xưa khi viết câu này, tâm trạng của cụ Nguyễn Khuyến ra sao.

Tất nhiên, “sang chấn hậu chiến Covid” chỉ là một cách nói vui, một giả thuyết “cùn” của một kẻ ưa tưởng tượng nhưng cũng không hẳn là không có cơ sở. Trong khi chờ các nhà tâm lý nghiên cứu một cách nghiêm túc, tôi đã tranh thủ làm một cái phỏng vấn bỏ túi từ hội tám (thực ra hội có cái tên dễ thương hơn: hoan hỷ ladies) của chúng tôi.

Hóa ra “cái bịnh trở nên mau nước mắt” kia không chỉ riêng mình, có ít nhất 5-7 mẫu theo khảo sát trong hội cũng rơi vào tình trạng ấy. Có phải đây là lý do hết giãn cách cả tháng, hội vẫn chỉ hẹn thôi, mà lần nào cũng có lý do để trì níu… không gặp? Kẻ ưa tưởng tượng là tôi lại nghĩ loanh quanh, thấy chúng tôi vẫn là những con cua lột, vẫn đang yếu đuối mong manh. Có phải không riêng gì tôi, các bạn cũng không ai muốn “trình diễn” sự mong manh của chính mình chăng? Hay nói cho hay hơn rằng, hiện tượng “sang chấn” kia cũng có thể là một gương mặt khác của sự chuyển tâm? Rằng chúng tôi đã học được bài học nâng niu sự sống?

HÌNH HÀI KHÁC CỦA TÌNH YÊU

Sáng nay, lúc xuống bậc thang chung cư, con ngạc nhiên hỏi: “Sao mẹ không bước thẳng xuống cho nhanh mà vòng qua bậc tam cấp cho mất thời gian, ba đang đợi?”. Chà, lẽ ra con gái ta phải tự trả lời câu hỏi ấy mới đúng nhỉ. Nhưng hình như ta lại đang phán xét và kỳ vọng mất rồi. Dù sao thì con cũng có quan sát, vậy cũng tốt.

Ta trần tình: “Đầu gối của mẹ không thể bước thẳng xuống bậc cao như vậy, mẹ chọn lối bước ba bậc cho yên tâm, đỡ bớt gánh nặng cho đầu gối”. Con không nói gì.

1. Từ lúc nào không biết ta thương cho tuổi trung niên, cái tuổi gánh cả hai đầu: con đang lớn, mẹ cha đang “bé” lại. Đầu nào cũng cần sự hiện diện sẻ chia, chăm lo cách này cách khác.

Tuổi trung niên như người đứng giữa dòng xoáy. Ai không may từng một lần vướng vào dòng xoáy mới hiểu được tình cảnh đó. Ta không còn bơi nổi nữa. Chỉ còn đủ sức đứng nước chờ bình tâm để bơi ngang mặt biển, chờ dòng xoáy qua đi.

Ta không còn hăm hở nữa. Nói cho đúng, ta thậm chí còn hoảng sợ khi nhìn về tương lai. Không già hẳn để có thể buông xuống một số điều. Phải được vậy thì nhẹ nhõm quá! Đôi khi ta thấy mình muốn bỏ trốn. Và rồi không biết trốn đâu cho thoát khỏi mình!

2. Chuyện của chuyến về thăm quê vừa rồi vẫn còn ám ảnh tâm trí! Ta thương cha mẹ già 70 tuổi vẫn lê lết (đúng nghĩa của từ này) để chăm ông ta nằm một chỗ.

Nhà có một ông nội trong nhà giúp ta nhạy mùi hẳn. Nhiều khi chỉ cần đi ngang qua hàng xóm, không cần vào trong, ta cũng biết nhà có người già. Cái mùi già, không hẳn là mùi nước tiểu són đâu đó không kịp lau giặt, nó là mùi của rất nhiều thứ: năm tháng, cũ kỹ, tủi phận, dồn nén, mặc cảm, sợ hãi... pha trộn lâu ngày, nó làm ta... bất nhẫn.

Đêm ấy đâu chừng ba bốn giờ sáng, ta thức dậy vì nghe nhà bốc mùi. Không cần tìm kiếm, ta thấy ngay những mẩu bỉm vương vãi khắp nhà.

Ta hiểu rằng ông cụ 100 tuổi giờ như đứa bé, khó chịu thì bứt ra vất tứ tung thôi. Ta biết nên chỉ lẳng lặng dọn dẹp lau rửa thay quần áo cho ông. Vẫn nghe mùi, lấy giấy ướt lau từng ngón tay cho ông. Kiểm tra tới lui vẫn thấy còn mùi. Lúc lau rửa hai bàn tay, ta thoáng thấy lưỡi ông hơi vàng.

Trong tranh tối tranh sáng, ta nhớ lại xem đêm qua ông ăn gì mà như vậy. Mà thiệt tình ta không thể nghĩ ra, đến khi nhìn cái miệng cũng dính vàng, lấy khăn mềm chùi thử thì... trời ơi!

Các bác sĩ lão khoa gọi điều này một cách bóng bẩy là sa sút trí tuệ. Ta biết chứ, ta nghe nhiều người già không còn phân biệt gì nữa, thậm chí ăn cả chất thải của mình. Nhưng đó là ai đó, ta nghe, cám cảnh rồi quên.

Khi ai đó là người thân của ta và ta tận mắt chứng kiến, cái cảm giác nó sững sờ kinh khủng. Ta lấy từng miếng khăn ướt moi từ miệng ông ra hết miếng này đến miếng khác, cho đến khi những miếng giấy ướt không còn dính một chút vàng nào.

Ta đưa ly nước cho ông, súc miệng rồi phun ra làm mẫu. Ông không còn biết nhổ nữa. Ông chỉ súc súc rồi nuốt. Ta thõng tay bất lực, nước mắt trào ra.

3. Ta không biết vì sao mình khóc. Vì kiếp người thống khổ, hay vì ta biết mình vừa mất một người ông! Hành động tự ăn chất thải của mình chẳng phải là dấu hiệu cho thấy một người đã mất hoàn toàn ý thức hay sao? Như một lời phủ quyết quyền làm người. Ta cố nhìn sâu vào mắt ông để tìm kiếm một cái gì đó, nhưng chỉ thấy một cái nhìn mờ đục.

Ta đột nhiên nhớ tới lời của chú heo trong truyện Chú heo giáng sinh của nhà văn J. K. Rowling, khi an ủi người bạn thân thiết của mình: “Có mất mới có còn”. Câu nói làm ta nhớ mãi.

Và rồi ta tình cờ đọc câu chuyện cảm động về nhà văn Kafka và một cô bé nhỏ (hay một câu chuyện được cho là từ nhà văn). Kafka đã viết cho cô bé: “Mọi điều cháu yêu quý có lẽ rồi sẽ mất đi, nhưng tình yêu sẽ trở lại dưới hình hài khác”.

Có lẽ Kafka đã thay lời muốn nói cho rất nhiều người không thể nói! Rồi tình yêu sẽ trở lại dưới một hình hài khác. Ông ta có lẽ đã không còn như người ông mà ta từng biết. Nhưng ngay cả khi không còn ý thức, ông vẫn đang dạy ta những bài học lớn bằng chính cái thân còn da bọc xương của mình, bằng chính sự mất bản thân mình.

Đó có phải là hình hài khác của tình yêu, hay là một tình yêu không cần cả hình hài.