Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (47)

 Đông Ngàn Đỗ Đức     

 

CÂY ĐA GIỮA ĐỒNG – Yết Kiêu ngoại truyện

(Về họa sĩ Trần Nguyên Đán)

 

1 – Mỗi lần nhớ tới họa sĩ Trần Nguyên Đán là tôi lại liên tưởng đến cây đa. Một cây đã giữa đồng, một cây đa ở xóm Chùa, xóm Quẵng, cây đa đôi ở Phú Xuyên, hay cây đa Thùng Rượu ở Suối Cát nào đấy trên đất Đại Từ quê tôi.

Ông là cây đa to tỏa sum suê bóng mát mà có tên có tuổi chứ không vô danh. Cây đa Trần Nguyên Đán không hoa nụ, không hương thơm gì đặc sắc, chỉ có những tán lá to dày và quả đa chín bình dị cho đàn chim, chỉ có bóng mát gần gụi với tất cả những ai đi qua dưới bóng rợp đó. Cây đa Trần Nguyên Đán vừa gần vừa xa, vừa lạ vừa quen, cứ tồn tại sừng sững giữa đời, ai đến thì đến, ai đi thì đi, không vồn vã chầm bập nhưng cũng không rẻ rúng lảng tránh ai, xa gần đều thân thiện!

Sở dĩ có sự liên tưởng ấy cũng vì chính tính cách của ông, sự lầm lũi với công việc đã làm nên sự nghiệp để cái tên ông không lẫn với bất cứ ai. Cũng như nhắc đến tên ông người ta nhớ ngay đến cái nghiệp làm tranh khắc gỗ gắn chặt với đời ông nhưng lão ngư phủ với con thuyền trên sông, suốt ngày bươn bả với tấm lưới, cái chài nhặt từng con tôm con tép. Nhớ đến ông, như người ta không thể lẫn với ai khác, mà phân biệt rất mạch lạc như đa với đề, như si với gạo, như thị với mít, vì chúng hoàn toàn dễ nhận ra.

Những họa sĩ chuyên ngành như ông rất hiếm.

Ở ta, họa sĩ thường theo đuổi nhiều chất liệu từ lụa sang sơn dầu, sơn mài…, mỗi thứ thử một tí. Còn tranh khắc thì quá hiếm người theo, và chung thủy với nó lại càng hiếm… Không đơn giản chỉ là chất liệu khó mà cái chính là loại tranh khắc dù có đẹp cũng không thể bán được nhiều tiền.

Ít người làm, nên tranh khắc gỗ cũng dễ bị coi là âm lịch.

Vậy mà Trần Nguyên Đán tần tảo với tranh khắc gỗ như lão nông trên đồng, chung thủy với khắc gỗ như duyên tình của một mối tơ duyên tiền định!

2 – Hai gương mặt khắc gỗ nổi tiếng mà tôi biết được từ khi chưa vào nghề vẽ là Trần Nguyên Đán và Nguyệt Nga.

Cái nghề vẽ là thế, người trước khi vào nghề thế nào cũng có hai ba đàn anh đàn chị đi trước tỏa sáng trong đầu như một thần tượng nó cuốn hút. Tôi cũng không ngoại lệ.

Họa sĩ Nguyệt Nga xin nói ở câu chuyện khác.

Trong câu chuyện hôm nay tôi chỉ kể về Trần nguyên Đán. Lần đầu gặp ông tôi không nhớ là lúc nào, nhưng chắc là ở Bảo tàng Mỹ thuật, nơi ông gửi hết cuộc đời làm công chức của mình, bắt đầu từ một họa sĩ nghiệp vụ đến lúc nghỉ hưu trong cương vị Phó giám đốc.

Ngoại hình của ông giống một người lao động chân tay, một bác thợ mộc hơn là một họa sĩ. Còn giao tiếp ông để lại cho người ta cảm giác chân thành đến chân tơ kẽ tóc trong từng câu chuyện. Đó là câu chuyện của những nông phu cần cù và thạo việc! Không thấy có thuật ngữ nghề nghiệp nào lảng vảng quanh câu chuyện, không lẫn một tiếng Anh tiếng Pháp khi nói về nghề, ông cũng không nói đến những thủ thuật, kĩ xảo mà một người nên danh họa sĩ nào cũng có. Kĩ xảo là những tuyệt chiêu đúc kết được trong quá trình làm nghề, thành tài sản riêng của mỗi người. Nó như miếng võ tuyệt chiêu nhà nghề của ông thầy võ người Tàu, miếng độc thủ giữ mình. Người ta cảm thấy ông không có. Mà hình như không có thật!

Đã có những thời gian dài xem tranh Trần Nguyên Đán tôi cảm thấy hầu như ông không thay đổi gì. Vẫn con trâu với đứa trẻ, cô ba quan họ lấp ló sau không gian chùa chiền ngày hội. Xem tranh ông người ta thấy đồng quê thanh bình, đến chiến tranh chỉ hiện ra cái mũ rơm là cao nhất. Còn con mèo thì luôn liên tưởng đến Đám cưới chuột, hay Quan trạng vinh quy. Hiền lành và hóm hỉnh. Tất cả cứ lành lành như tính nết ông hàng ngày. Ông là một trong số ít các họa sĩ không biết giận và không to tiếng với ai bao giờ. Cái lành tính ấy nó lặn vào trong tranh ông thành thứ quả ngọt cho cảm xúc dẫn đến người xem những tình cảm mát lành!

Nói chuyện nghề, ông luôn thấy mình vụng dại, và rồi lại nhận ra cái khôn ngoan nấp sau sự vụng dại ấy đã tạo nên sắc thái cho mình. Sự tự đánh giá của ông quả thật tỉnh táo và đàng hoàng. Không khiêm tốn vớ vẩn mà cũng không ngộ nhận ngốc nghếch, chỉ nói đúng vào cái cốt cách của mình. Điều này thấy ông thật sâu sắc mà mấy chục năm chơi với ông tôi không nhận ra, mà chỉ nghĩ ông hiền lành dễ tính thôi. Rồi nhận ra mình cũng nông cạn lắm!

Hằng năm, có những triển lãm chung ông lại góp một bức tranh, có lúc tôi đã nghĩ trong ngôi nhà của ông không còn gì đặc biệt, nhưng rồi sau vài lần vào trường Huế giảng dạy và mấy chuyến đi Hội An tôi bắt đầu thấy những tranh to hàng mét vuông xuất hiện. Lúc này mới biết ông in trên giấy, trên cả vải, cả toan vẽ, tranh to trên cả mét vuông, là cái thứ tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra! Ông không chỉ khắc trên gỗ mà ông khắc cả trên carton, bìa giấy và đục trên ván ép những tranh khuôn khổ lớn mà gỗ ghép không có được. Lúc này, cái nghề ông học, tranh hoành tráng đã bước vào khắc gỗ của ông với những hình ảnh đồng hiện. Từ lối miêu tả dày dịt tự nhiên, Trần Nguyên Đán đã bắt đầu lưu ý đến những khoảng trống lớn trên tranh, khiến cho tranh ông trở nên phóng khoáng thuận mắt và sự chân chỉ lộ ra mạch lạc như tính nết ông. Tôi nhận ra câu nói người xưa: Tứ thập nhi bất hoặc (người bốn mươi tuổi thì không thể thay đổi gì nữa) là không thể đúng với Trần Nguyên Đán. Ông đã âm thầm làm cuộc cải tổ thành công ở độ tuổi nghỉ hưu!

Trong những họa sĩ đồ họa, có nhẽ ông là người duy nhất có kĩ thuật đi móng, sục vê cần cù nhất và ít dùng dao trổ, khi in không mấy khi để tâm đến những ma-che, những cái sót của nét khắc. Ông hầu như không thay đổi gì về kĩ thuật dùng dao, vê, móng trong suốt một đời sáng tác. Đôi khi thấy ông không có cả những téc-ních, một thủ thuật của riêng mỗi người hình thành trong quá trình sáng tác. Vậy mà những câu chuyện thủ thỉ của ông phơi bày trên tranh cứ dắt người ta đi trong hồn hậu yêu thương. Tôi nói rằng tranh ông như người kể chuyện quê hương. Con trâu, đứa trẻ, thôn nữ, gái hội và những phong cảnh miền quê ấm áp yêu thương cứ dần dà hiện ra trên từng nhát xúc trên gỗ của ông. Ông cứ lặng lẽ mải miết với ván gỗ và tờ in suốt những thời gian rảnh rỗi như con kiến tha mồi, và hôm nay ông có cả một cơ ngơi Trần Nguyên Đán sang trọng và độc đáo.

Và hôm nay, ông đúng là một cây đa bề thế trong làng tranh khắc Việt Nam.

19/3/2016

Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh ngày 29/10/1941, ở thành phố Bắc Ninh. Ông học khoa Hoành tráng thuộc trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Đại học Mĩ thuật Công nghiệp) từ 1966.