Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Bối cảnh bản đồ học Châu Âu Thời đại Khám phá

 Nguyễn Man Nhiên


Thời Phục hưng (Renaissance) và Thời đại Khám phá (Age of Discovery) ở Châu Âu có phần trùng lặp về thời gian. Thời Phục hưng (khoảng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII) là thời kỳ phục hưng văn hóa, nghệ thuật, khoa học, và tư tưởng cổ điển Hy Lạp - La Mã. Tư tưởng nhân văn được đề cao, dẫn đến sự phát triển vượt bậc trong nghệ thuật (Leonardo da Vinci, Michelangelo), khoa học (Galileo, Copernicus) và triết học. Thời đại Khám phá (khoảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII) là thời kỳ các quốc gia Châu Âu (đặc biệt là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) thực hiện những cuộc thám hiểm trên biển để tìm kiếm các con đường thương mại mới, dẫn đến việc khám phá các lục địa mới. Những nhà thám hiểm nổi tiếng gồm Christopher Columbus, Vasco da Gama, Ferdinand Magellan. Cả hai thời kỳ đều bắt đầu vào thế kỷ XV và kéo dài đến thế kỷ XVII, tuy có những điểm giao thoa về bối cảnh lịch sử và tư tưởng, nhưng mỗi thời kỳ lại tập trung vào những khía cạnh khác nhau. Thời Phục hưng tập trung vào văn hóa, nghệ thuật và khoa học, trong khi Thời đại Khám phá tập trung vào mở rộng địa lý và thương mại. Thành tựu khoa học của Thời Phục hưng (như bản đồ học, toán học) đã hỗ trợ các cuộc thám hiểm. Các phát hiện từ Thời đại Khám phá (như việc tìm ra Châu Mỹ, các tuyến đường biển mới) đã ảnh hưởng đến tư duy và văn hóa của thời Phục hưng.

Thế kỷ XV là buổi bình minh của thời kỳ Phục Hưng, một giai đoạn đổi mới trong nghệ thuật, văn hóa và khoa học, nhấn mạnh vào việc tái khám phá kiến thức cổ xưa và lòng nhiệt thành học hỏi. Sự hồi sinh về trí tuệ này đã thúc đẩy mối quan tâm đến địa lý học và bản đồ học.

Thế kỷ XV đánh dấu một giai đoạn then chốt trong lịch sử bản đồ học phương Tây, đặc trưng bởi những tiến bộ và thay đổi đáng kể do sự hội tụ của các yếu tố chính trị, văn hóa, công nghệ và khám phá, khi hoạt động thám hiểm của Châu Âu mở rộng ra ngoài các khu vực quen thuộc, được thúc đẩy bởi tham vọng tìm kiếm các tuyến đường thương mại, tài nguyên và vùng đất mới ngoài Ấn Độ Dương. Những tiến bộ trong lĩnh vực hàng hải, kết hợp với động lực kinh tế và tôn giáo, đã dẫn đến những phát triển đáng kể trong việc lập bản đồ.

Bối cảnh bản đồ học của Thời đại Khám Phá được xác định bởi sự hội tụ của kiến thức địa lý thời Trung Cổ với những dữ liệu mới thu được từ quá trình thám hiểm. Người Châu Âu tìm kiếm các tuyến đường thương mại mới, sự giàu có tri thức và nhu cầu về gia vị và vàng. Giai đoạn này dẫn đến việc lập bản đồ các vùng đất mới, trao đổi hàng hóa và văn hóa, cùng những thay đổi địa chính trị quan trọng. Sau mỗi chuyến đi, bản đồ Châu Âu tiến gần hơn đến việc mô tả một thế giới hoàn chỉnh, kết nối với nhau. Những tiến bộ này không chỉ thay đổi khoa học bản đồ mà còn thay đổi cả quan điểm của người Châu Âu, mở ra con đường đến thời đại định hướng toàn cầu và mở rộng thuộc điạ.

1. Kiến thức cổ điển được tái khám phá:

1.1 Bản đồ thế giới thời Trung Cổ và những hạn chế:

- Ảnh hưởng của Ptolemy: Trước thế kỷ XV, bản đồ Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề của nhà bác học Hy Lạp cổ đại Ptolemy (khoảng năm 100-178), với tác phẩm Geographia (Địa lý học), giới thiệu khái niệm vĩ độ và kinh độ để lập bản đồ vị trí trên bề mặt Trái đất, cung cấp một khuôn khổ toán học để biểu diễn Trái Đất dưới dạng hình cầu và chiếu nó lên một bề mặt phẳng. Kiến thức này được lưu giữ thông qua các học giả Hồi giáo và được tái phát hiện và giới thiệu trở lại Châu Âu trong thời kỳ Phục Hưng, làm dấy lên sự quan tâm mới về địa lý và bản đồ học.

Bản đồ và phương pháp luận của Ptolemy, bao gồm các phép chiếu, các đường vĩ độ và kinh độ, đã hình thành nên nền tảng của bản đồ học Châu Âu, ảnh hưởng sâu sắc đến bản đồ học đương đại. Tuy nhiên bản đồ của Ptolemy chủ yếu tập trung vào Địa Trung Hải, Châu Âu và một số vùng của Châu Á, thiếu thông tin chi tiết về Châu Phi cận Sahara và Châu Mỹ.

1.2 Mappa Mundi: Thuật ngữ tiếng Latinh dùng để chỉ các bản đồ thế giới được tạo ra trong thời kỳ Trung Cổ, như bản đồ có hình dạng "T-O" (trong đó chữ "T" tượng trưng cho ba châu lục (Âu, Á, Phi) được chia cắt bởi các biển lớn như Địa Trung Hải, sông Nile và biển Đỏ; hình tròn chữ "O" bao quanh, biểu thị đại dương bao bọc toàn bộ thế giới).

Các Mappa Mundi thường mang tính biểu tượng, mô tả thế giới trong khuôn khổ thần học thay vì chi tiết địa lý chính xác. Những bản đồ này chia thế giới thành ba châu lục: Châu Âu, Châu Á và Châu Phi – với Jerusalem là trung tâm và cho thấy nhận thức hạn chế về các vùng đất bên ngoài Ấn Độ Dương.

Mappa Mundi không chỉ là một công cụ bản đồ mà còn là một biểu tượng văn hóa, thể hiện cái nhìn của con người thời Trung Cổ về thế giới và vũ trụ.

2. Vai trò của kiến thức Hồi giáo và Châu Á:

2.1 Thương mại và chuyển giao kiến thức – Ảnh hưởng của bản đồ Hồi giáo:

Các học giả Hồi giáo đã có những đóng góp đáng kể cho bản đồ học trong thời kỳ Trung cổ, dựa trên kiến thức của Hy Lạp và La Mã, phát triển các kỹ thuật toán học và thiên văn tiên tiến để xác định vị trí và khoảng cách, tạo ra các bản đồ chi tiết về thế giới đã biết, kết hợp thông tin từ khách du lịch và thương gia.

Kiến thức bản đồ Hồi giáo được truyền đến Châu Âu thông qua thương mại và trao đổi văn hóa. Tập bản đồ thế giới thế kỷ XII của học giả Hồi giáo Muhammad al-Idrisi (1100-1165), kết hợp kiến thức từ các thương gia và nhà thám hiểm Ả Rập, cung cấp cho người Châu Âu kiến thức địa lý chi tiết hơn, đặc biệt là về Châu Phi và Châu Á, giúp điều hướng tốt hơn ngoài Địa Trung Hải. Các nhà vẽ bản đồ Hồi giáo, đặc biệt là những người đến từ Trung Đông và Bắc Phi, đã tạo ra các bản đồ chính xác hơn về Ấn Độ Dương và các khu vực xung quanh, điều này đã ảnh hưởng đến các nhà thám hiểm Châu Âu.

2.2 Con đường Tơ lụa và hàng hải Trung Quốc: Các tuyến đường thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức địa lý giữa Châu Âu, Trung Đông và Châu Á. Các cuộc thám hiểm của Trung Quốc vào đầu thế kỷ XV, đặc biệt là dưới thời Đô đốc Trịnh Hòa (1371-1433), đã lập bản đồ các khu vực rộng lớn trên khắp Ấn Độ Dương. Mặc dù bản đồ của Trung Quốc không trực tiếp đến được Châu Âu, nhưng những chuyến thám hiểm này đã truyền cảm hứng cho sự hiểu biết về quy mô và địa lý của các khu vực xa xôi.

3. Ảnh hưởng về thể chế và chính trị:

3.1 Khám phá của Bồ Đào Nha và những tiến bộ về bản đồ: Trong thế kỷ XV và XVI, Bồ Đào Nha nổi lên như một lực lượng dẫn đầu trong lĩnh vực thám hiểm hàng hải. Vị trí chiến lược của quốc gia này, kết hợp với những tiến bộ trong đóng tàu và kỹ thuật hàng hải, đã cho phép các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha tiến vào những vùng biển chưa từng được biết đến. Giai đoạn này, được gọi là Thời đại Khám phá và Thám hiểm (The Age of Discovery and Exploration), chứng kiến những nhân vật vĩ đại như Bartolomeu Dias, Vasco da Gama và Ferdinand Magellan thực hiện những chuyến đi đột phá mở rộng thế giới. Bartolomeu Dias là người Châu Âu đầu tiên đi vòng qua mũi cực nam của Châu Phi, Mũi Hảo Vọng, vào năm 1488. Vasco da Gama là người Châu Âu đầu tiên đến Ấn Độ bằng đường biển, mở ra tuyến đường thương mại mới vào năm 1498. Ferdinand Magellan dẫn đầu cuộc thám hiểm đầu tiên vòng quanh thế giới (1519-1522), được Juan Sebastian Elcano tiếp tục hoàn thành sau khi Magellan qua đời. Chuyến hải trình của Magellan đã đi vào lịch sử như là chuyến đi đầu tiên bằng đường biển của con người từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương (có nghĩa "biển bình yên", tên này được đặt bởi Magellan; nơi tiếp nối giữa hai đại dương được đặt là eo biển Magellan). Chuyến đi này cũng đánh dấu sự kiện con người lần đầu tiên thành công trong việc đi vòng quanh Trái đất, qua tất cả đường kinh tuyến của địa cầu.

3.2 Ảnh hưởng của Hoàng tử Henry Nhà hàng hải:

Bồ Đào Nha dẫn đầu các cuộc thám hiểm hàng hải của Châu Âu vào thế kỷ XV dưới sự bảo trợ của Hoàng tử Henry Nhà hàng hải (Henry the Navigator; 1394-1460), người khởi xướng chính của Thời đại Khám phá. Ông đã thành lập một trường đào tạo hàng hải tập trung vào việc nâng cao kiến thức về lập bản đồ, hải hành và đóng tàu, rất quan trọng để khám phá những vùng đất xa xôi hơn ngoài bờ biển quen thuộc của Châu Âu.

Dưới thời Hoàng tử Henry Nhà hàng hải, Bồ Đào Nha nổi lên như một trung tâm đổi mới về hàng hải và bản đồ. Sự bảo trợ của ông đối với các nhà thám hiểm và nhà địa lý đã giúp tạo ra các bản đồ chính xác hơn về Châu Phi và Đại Tây Dương. Bản đồ học Bồ Đào Nha từng được xem là tiên tiến nhất ở Châu Âu với những công trình tiên phong của một số nhà họa đồ Bồ Đào Nha.

3.3 Hải đồ (Portolan): Một sự phát triển quan trọng khác trong ngành bản đồ học Châu Âu thế kỷ XV là bản đồ Portolan. Được sử dụng rộng rãi từ cuối thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII, những bản đồ hàng hải vẽ tay chính xác này, đặc trưng bởi các hoa hồng gió (wind roses) và một mạng lưới các đường thẳng vuông góc, là các đường tỏa ra từ tâm bản đồ để chỉ hướng la bàn, mô tả chi tiết đường bờ biển, vị trí các cảng và vũng neo đậu, đồng thời chỉ ra các mối nguy hiểm trên biển như đá ngầm hoặc dòng chảy.

Các bản đồ Portolan có độ chính xác cao đối với các vùng bờ biển và cảng nhờ vào kinh nghiệm thực tế của các thủy thủ và nhà hàng hải. Chúng không chỉ dựa trên lý thuyết địa lý mà còn trên quan sát thực địa, điều này khiến chúng khác biệt so với các bản đồ mang tính biểu tượng như Mappa Mundi.

Ban đầu, bản đồ Portolan được các thủy thủ Địa Trung Hải sử dụng, thiết kế chủ yếu cho các tuyến đường biển quanh khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen, tập trung vào đường bờ biển và cảng biển, các đặc điểm chi tiết ven biển như vịnh, cửa sông và mũi đất, để hỗ trợ cho việc điều hướng ven biển. Với những cuộc thám hiểm mới dọc theo bờ biển Tây Phi, những hải đồ này bắt đầu mở rộng, ghi lại những vùng đất mới được phát hiện như Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.

Bản đồ Portolan là một bước tiến lớn trong ngành bản đồ học và hàng hải, góp phần đáng kể vào khả năng đi biển, được các thủy thủ sử dụng rộng rãi để điều hướng và đóng vai trò là công cụ quan trọng cho hoạt động thám hiểm và giao thương ở Thời đại Khám phá. Portolan là một trong những bước đệm quan trọng trong lịch sử bản đồ học, kết nối giai đoạn bản đồ học cổ đại với bản đồ hiện đại, gây ảnh hưởng đến sự phát triển các bản đồ chính xác hơn trong những thế kỷ sau.

3.4 Hiệp ước Tordesillas (1494) – Sự phân chia thế giới thành hai vùng ảnh hưởng: Khi nhà hàng hải Christopher Columbus khám phá ra Châu Mỹ vào năm 1492, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là hai quốc gia đối địch. Không chỉ muốn chiếm hữu các vùng đất mới được phát hiện, họ thậm chí còn tranh cãi về quyền sở hữu những vùng đất chưa được khám phá. Để chấm dứt cuộc tranh chấp này, Giáo hoàng Alexander VI đã chia thế giới giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bằng cách vẽ một đường tưởng tượng từ cực Bắc đến cực Nam xuyên qua Đại Tây Dương. Đường ranh giới này, thiết lập vào năm 1493, được vẽ cách 100 hải lý về phía tây của quần đảo Azores. Tất cả các vùng đất được phát hiện ở phía đông đường này sẽ thuộc về Bồ Đào Nha; còn những vùng đất được phát hiện ở phía tây sẽ thuộc về Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Vua João II của Bồ Đào Nha không hài lòng với đường ranh giới này và những lời phàn nàn của ông đã buộc Quốc vương Ferdinand và Nữ hoàng Isabelle của Tây Ban Nha phải điều chỉnh yêu sách của mình. Theo Hiệp ước Tordesillas năm 1494, đường ranh giới được dời thêm 270 hải lý về phía tây, xấp xỉ kinh tuyến 46°T và 270°Đ. Về phía đông đường này, Bồ Đào Nha có toàn quyền trong việc khám phá và chinh phục các vùng đất mới, trong khi Tây Ban Nha được trao đặc quyền tương tự ở phía tây.

Theo thỏa thuận này, Bồ Đào Nha tìm cách kiểm soát hệ thống thương mại hàng hải kết nối các quốc gia Châu Á từ Trung Quốc đến Biển Đỏ. Để đạt được mục tiêu này, người Bồ Đào Nha đã tìm kiếm một tuyến đường vào Ấn Độ Dương, điều này đòi hỏi phải đi vòng quanh lục địa Châu Phi. Chuyến thám hiểm của Vasco da Gama đã thiết lập lại thương mại trực tiếp với Ấn Độ bằng cách đi vòng qua mũi Hảo Vọng Châu Phi và đến Calicut năm 1498. Khi đã thiết lập được căn cứ tại bờ biển Malabar (Tây Ấn Độ) năm 1505, ảnh hưởng của họ nhanh chóng lan rộng khắp khu vực phương Đông với tốc độ đáng kinh ngạc. Như vậy, việc Bồ Đào Nha khám phá ra tuyến đường biển đến phương Đông đã giúp họ thống trị hoạt động thương mại của Châu Âu với khu vực này.

4. Tìm kiếm tuyến đường biển đến Ấn Độ và vai trò của bản đồ – Những mô tả ban đầu về vùng đất mới và Đại Tây Dương: Sự ra đời của Thời đại Khám Phá vào thế kỷ XV đã dẫn đến việc tạo ra các bản đồ thế giới mô tả các vùng đất và tuyến đường biển mới. Các nhà vẽ bản đồ như Fra Mauro và Martin Behaim đã tạo ra các bản đồ thế giới thể hiện kiến thức mở rộng của Châu Âu về thế giới. Đến Thời đại Khám Phá, khởi đầu với các cuộc thám hiểm do Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tài trợ dẫn đầu, các nhà thám hiểm tiên phong như Christopher Columbus, Vasco da Gama và những người khác đã khám phá ra các tuyến đường mới đến Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ, đòi hỏi phải tạo ra các bản đồ mới để ghi lại những khám phá này.

4.1 Vòng qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope): Năm 1488, nhà hàng hải và thám hiểm người Bồ Đào Nha Bartolomeu Dias (1450-1500) trở thành người Châu Âu đầu tiên đi thuyền quanh mũi phía nam của Châu Phi: Mũi Hảo Vọng, chứng minh rằng có thể có một tuyến đường biển đến Châu Á. Thành tựu này đã thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong việc lập bản đồ, vì nó cho thấy tiềm năng tiếp cận Ấn Độ và Châu Á qua Đại Tây Dương thay vì đường bộ qua Trung Đông.

4.2 Hành trình đến Ấn Độ của Vasco da Gama: Năm 1498, chuyến hải hành thành công của nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Vasco Da Gama (1459-1524) đi thẳng từ Châu Âu đến Ấn Độ đã mở ra giao thương trực tiếp với phương Đông và đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong ngành bản đồ học Châu Âu. Hành trình này đã chứng minh rằng Ấn Độ Dương có thể tiếp cận được từ Đại Tây Dương, dẫn đến việc tạo ra các bản đồ chính xác hơn kết hợp các tuyến đường mới rộng lớn này.

4.3 Các chuyến đi của Columbus và những khám phá về Tân Thế giới: Các chuyến đi của nhà hàng hải nổi tiếng người Ý Christopher Columbus (1451-1506) dưới lá cờ Tây Ban Nha, nhằm mục đích đến Châu Á bằng cách đi thuyền về phía tây. Mặc dù Columbus không đến được Châu Á, các chuyến thám hiểm của ông đã khám phá ra Châu Mỹ vào năm 1492, nơi các nhà vẽ bản đồ Châu Âu sẽ sớm đưa vào bản đồ, định hình lại địa lý toàn cầu.

5. Các nhà vẽ bản đồ nổi tiếng và những đóng góp đáng chú ý: Thời đại Khám phá chứng kiến sự xuất hiện của một số nhà vẽ bản đồ nổi tiếng, những người đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực này và định hình nên sự hiểu biết về thế giới

5. 1 Henricus Martellus: Một nhà vẽ bản đồ người Đức, người đã vẽ bản đồ thế giới (khoảng năm 1490) kết hợp kiến thức địa lý từ Marco Polo và các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha, ảnh hưởng đến các nhà thám hiểm sau này như Christopher Columbus.

5. 2 Bản đồ Fra Mauro: Được tạo ra vào năm 1459 bởi Fra Mauro, người Venice. Bản đồ thế giới này đại diện cho kiến thức toàn diện về thế giới, kết hợp thông tin từ các văn bản cổ điển, các tài liệu du lịch và những khám phá mới nhất của các nhà thám hiểm và thủy thủ. Được coi là một trong những bản đồ tốt nhất của thời kỳ Trung Cổ, Fra Mauro miêu tả chính xác hơn về Châu Phi và Châu Á, dựa trên thông tin từ các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha. Bản đồ Fra Mauro là một cột mốc trong quá trình chuyển đổi từ bản đồ thời Trung cổ sang bản đồ hiện đại.

5.3 Quả địa cầu Erdapfel của Martin Behaim: Nhà vẽ bản đồ người Đức Martin Behaim (1459-1507) đã tạo ra Erdapfel, được coi là quả địa cầu lâu đời nhất thế giới, vào năm 1492. Quả địa cầu mô tả thế giới đã biết trước các chuyến đi của Columbus và bao gồm các hình ảnh đại diện cho Châu Âu, Châu Phi và Châu Á. Trên quả cầu có ghi 2.000 địa danh, 100 hình minh họa và hơn 50 ghi chú. Mặc dù vẫn thiếu Châu Mỹ, nhưng nó phản ánh sự hiểu biết ngày càng tinh vi về đường bờ biển của Châu Á và Châu Phi, và nó đưa ra giả thuyết về một tuyến đường về phía tây đến Châu Á, chịu ảnh hưởng từ các ghi chép của Marco Polo (1254-1324) – thương gia và nhà thám hiểm gốc Venezia (Ý). Quả địa cầu của Behaim có ảnh hưởng trong việc phổ biến ý tưởng về Trái đất hình cầu và thúc đẩy hoạt động khám phá.

5.4 Vai trò của các nhà vẽ bản đồ như Juan de la Cosa: Nhà hàng hải kiêm họa đồ người Tây Ban Nha Juan de la Cosa (1460-1510) đã tạo ra một trong những bản đồ sớm nhất được biết đến thể hiện Tân Thế giới vào năm 1500. Mặc dù hơi muộn so với thế kỷ XV, bản đồ của ông chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chuyến đi của Columbus, thể hiện vùng Caribe và một số vùng của Châu Mỹ, thúc đẩy việc đưa nhanh chóng các vùng đất mới được khám phá vào bản đồ Châu Âu.

5.5 Bản đồ thế giới Cantino: Bản đồ "toàn cầu phẳng" Cantino (Cantino Planisphere) năm 1502 là một trong những bản đồ có ảnh hưởng nhất và giá trị nhất thời Phục Hưng. Đây là bản đồ Bồ Đào Nha sớm nhất và có niên đại chính xác còn lại đến ngày nay, thể hiện những phát kiến địa lý mới ở phương Đông và phương Tây của các nhà hàng hải tiên phong và là hình ảnh đại diện cho thế giới đã biết trong thời đại Khám phá xuyên Đại Tây Dương của Châu Âu.

Bản đồ thế giới Cantino là bản đồ đầu tiên quan trọng phản ánh những khám phá từ các cuộc thám hiểm của Bồ Đào Nha vào cuối thế kỷ XV. Bản đồ này, do các nhà vẽ bản đồ Bồ Đào Nha ẩn danh thực hiện, là một trong những bản đồ đầu tiên mô tả các phần của Châu Mỹ và tuyến đường quanh Châu Phi đến Ấn Độ. Nó chứng minh Đại Tây Dương là một vùng biển có thể đi qua, cho thấy các nhà vẽ bản đồ Châu Âu đang bắt đầu mở rộng kiến thức của họ về các vùng đất ngoài Ấn Độ và Châu Âu. Nó kết hợp nhiều thông tin địa lý mới dựa trên bốn loạt chuyến đi: Columbus đến vùng biển Caribbean, Pedro Álvarez Cabral đến Brazil, Vasco de Gama, sau đó là Cabral đến miền đông Châu Phi và Ấn Độ, và các anh em Corte-Real đến Greenland và Newfoundland.

Trên bản đồ, bờ biển phía tây nam Ấn Độ, mũi đất hình tam giác ở đầu đồng bằng sông Cửu Long được đặt tên là ffulucadora (tức Mũi Cà Mau hiện nay). Nhóm đảo phía đông ghi là ilha das baixas (quần đảo các bãi cạn và bãi ngầm). Bản đồ mô tả đường bờ biển chung của Biển Đông; tên CHANOCOCHIM hiển thị dọc theo sông và CHINACOCHIM ở cửa sông; CHAMPOCACHIM cho phần phía nam.

Bản đồ thế giới dạng bản thảo lớn này được vẽ bằng màu trên giấy da và có kích thước 85,8 x 40,2 inch (218 x 102 cm). Do kích thước lớn, tình trạng bảo tồn khá tốt, giá trị nghệ thuật và ý nghĩa địa lý thể hiện Thế giới mới của nó, bản đồ Cantino được coi là một tượng đài trong lịch sử bản đồ học sơ kỳ hiện đại.

5.6 Abraham Ortelius (1527-1598): một nhà vẽ bản đồ người Flemish, đã xuất bản atlas hiện đại đầu tiên vào năm 1570, Theatrum Orbis Terrarum (Nhà hát của thế giới), được coi là sự khởi đầu chính thức của ngành bản đồ học trong thời kì hoàng kim của Hà Lan. Atlas chứa một bộ sưu tập các bản đồ có kích thước đồng nhất, được đóng lại với nhau và kèm theo văn bản mô tả. Tác phẩm của Ortelius đã đặt ra tiêu chuẩn cho việc sản xuất atlas và giúp người Hà Lan trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực bản đồ học.

5.7 Willem Janszoon Blaeu (1571-1638): một nhà vẽ bản đồ và xuất bản người Hà Lan, là nhân vật nổi bật trong thời kỳ hoàng kim của bản đồ học Hà Lan vào thế kỷ XVI và XVII. Blaeu đã sản xuất các atlas, quả địa cầu và bản đồ treo tường chất lượng cao, được biết đến với độ chính xác, chi tiết và vẻ đẹp nghệ thuật. Các bản đồ và atlas của Blaeu được săn đón rất nhiều và giúp đưa Amsterdam trở thành trung tâm sản xuất bản đồ.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Blaeu, Atlas Maior, được xuất bản từ năm 1662 đến 1672, bằng tiếng Latin (11 tập), tiếng Pháp (12 tập), tiếng Hà Lan (9 tập), tiếng Đức (10 tập) và tiếng Tây Ban Nha (10 tập), chứa gần 600 bản đồ và khoảng 3.000 trang văn bản. Đây là cuốn sách lớn nhất và đắt giá nhất xuất bản vào thế kỷ XVII, được đánh giá là một kiệt tác của thời kỳ hoàng kim bản đồ học Hà Lan.

5.8 Gerardus Mercator (1512-1594): một nhà bản đồ học và địa lý học người Flemish (nay thuộc Bỉ), đã sáng tạo phép chiếu mang tên ông: phép chiếu Mercator vào năm 1569, trở thành tiêu chuẩn cho việc điều hướng. Phép chiếu Mercator là phép chiếu bản đồ hình trụ giữ nguyên hình dạng nhưng làm biến dạng kích thước, đặc biệt là gần các cực. Phép chiếu của Mercator cho phép thể hiện các đường rhumb (đường đẳng hướng) trên bản đồ thành các đường thẳng, khiến nó trở nên có giá trị đối với việc điều hướng trên biển. Đây là các đường cắt ngang các kinh tuyến ở cùng một góc không đổi, thường được sử dụng trong hàng hải và hàng không để duy trì một hướng la bàn cố định. Mercator cũng đã xuất bản các atlas và quả địa cầu có ảnh hưởng, góp phần phổ biến kiến thức địa lý.

6. Truyền thống bản đồ học Châu Âu trong Thời đại Khám phá:

Các quốc gia Châu Âu đã phát triển những truyền thống bản đồ học riêng biệt trong Thời đại Khám phá, chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh chính trị, kinh tế và văn hóa của họ. Những truyền thống này đã đóng góp vào việc mở rộng kiến thức về thế giới và tạo ra các bản đồ ngày càng chính xác.

6.1 Bản đồ học Bồ Đào Nha: Bồ Đào Nha đứng đầu trong Thời đại Khám phá, với truyền thống hàng hải mạnh mẽ và cách tiếp cận có hệ thống trong việc thám hiểm và vẽ bản đồ. Trường phái bản đồ học Bồ Đào Nha nhấn mạnh các khía cạnh thực tiễn của việc định hướng và mô tả chính xác các bờ biển mới được khám phá (các bản đồ kiểu portolan). Các nhà bản đồ Bồ Đào Nha, như Pedro Reinel và Jorge Reinel, đã tạo ra các bản đồ chi tiết về Đại Tây Dương cũng như bờ biển Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ.

6.2 Bản đồ học Tây Ban Nha: Tây Ban Nha, một cường quốc hàng hải lớn khác trong Thời đại Khám phá, đã phát triển truyền thống bản đồ học của riêng mình. Các nhà bản đồ Tây Ban Nha tập trung vào việc vẽ bản đồ Tân Thế giới, đặc biệt là vùng Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Casa de Contratación (Nhà Thương mại) tại Seville chịu trách nhiệm biên soạn và cập nhật các bản đồ chính thức của Tây Ban Nha, được gọi là Padrón Real (ví dụ: bản đồ thế giới của Juan de la Cosa).

6.3 Bản đồ học Ý và Hà Lan: Các thành phố-đô thị Ý, đặc biệt là Venice và Genoa, có truyền thống bản đồ học lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bản đồ học Châu Âu. Các nhà bản đồ Ý, như Fra Mauro và Battista Agnese, đã tạo ra những bản đồ thế giới và tập bản đồ được trang trí công phu và chi tiết. Các nhà bản đồ Hà Lan, như Abraham Ortelius và Gerardus Mercator, trở nên nổi bật vào cuối thế kỷ 16 và 17. Họ phát triển các phép chiếu bản đồ mới (phép chiếu Mercator) và tạo ra những tập bản đồ có ảnh hưởng lớn, thiết lập tiêu chuẩn cho bản đồ học Châu Âu.

6.4 Trường phái bản đồ học Pháp: Pháp nổi lên như một trung tâm sản xuất bản đồ quan trọng vào thế kỷ 17 và 18. Các nhà bản đồ Pháp, như Nicolas Sanson và Guillaume Delisle, đã giới thiệu những cách tiếp cận khoa học và phân tích hơn trong việc vẽ bản đồ. Trường phái bản đồ học Pháp nhấn mạnh tính chính xác, rõ ràng và việc kết hợp các kiến thức địa lý mới nhất. Các nhà bản đồ Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc vẽ bản đồ Bắc Mỹ và khám phá nội địa của lục địa này.

7. Tiến bộ công nghệ và Sự chuyển đổi sang Bản đồ học tiền hiện đại: Bản đồ học và lập bản đồ đóng vai trò quan trọng trong Thời đại Khám phá. Bản đồ cho phép thực hiện các chuyến đi xa, mở rộng các tuyến đường thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám phá các vùng đất mới. Những tiến bộ trong bản đồ học cho phép thể hiện thế giới chính xác hơn.

Thế kỷ XV đánh dấu sự khởi đầu của các kỹ thuật khảo sát và lập bản đồ có hệ thống ở Châu Âu. Các nhà bản đồ đã tiên phong trong các phương pháp đo lường và tính toán mới, dẫn đến các bản đồ chính xác và khoa học hơn. Những tiến bộ trong khảo sát và lập bản đồ này đã đặt nền tảng cho bản đồ học hiện đại.

Việc định hướng ban đầu dựa vào bản đồ Portolan và Địa lý của Ptolemy. Bản đồ Hồi giáo ảnh hưởng đến những người làm bản đồ Châu Âu. La bàn từ tính, chiêm tinh và các kỹ thuật cải tiến để đo vĩ độ đã nâng cao độ chính xác của việc định hướng. Việc xác định kinh độ vẫn là một thách thức đáng kể trong giai đoạn này.

7.1 Cách mạng in ấn: Đầu tiên, một trong những phát triển quan trọng nhất trong bản đồ học Châu Âu thế kỷ XV là sự ra đời của máy in. Trước khi Johannes Gutenberg phát minh ra máy in vào giữa thế kỷ XV, bản đồ được các nhà họa đồ tỉ mỉ vẽ bằng tay và sao chép. Tuy nhiên, máy in đã cách mạng hóa quá trình lập bản đồ, cho phép sản xuất hàng loạt bản đồ và giúp chúng có sẵn cho nhiều đối tượng hơn.

Việc Johannes Gutenberg phát triển máy in chữ rời vào khoảng năm 1440 đã giúp phổ biến rộng rãi hơn kiến thức về địa lý và bản đồ. Bản đồ in trở nên phổ biến hơn so với bản đồ vẽ tay trước đó.

7.2 Những tiến bộ trong công cụ và kỹ thuật điều hướng hàng hải: Những tiến bộ trong các công cụ hàng hải, chẳng hạn như La bàn (Compass), Góc phần tư (Quadrant) và Máy trắc tinh (astrolabe), cho phép định hướng trên biển chính xác hơn. La bàn từ tính (magnetic compass), vốn được sử dụng ở Trung Quốc và thế giới Hồi giáo, đã được các nhà hàng hải Châu Âu áp dụng rộng rãi hơn, cho phép xác định hướng chính xác hơn trên biển, ngay cả trong điều kiện nhiều mây. Máy trắc tinh (astrolabe), một dụng cụ dùng để đo độ cao của các thiên thể, đã được cải tiến để phục vụ cho việc điều hướng trên biển, giúp xác định vĩ độ bằng cách đo góc của mặt trời hoặc các ngôi sao phía trên đường chân trời. Góc phần tư (quadrant), một phiên bản đơn giản hơn của máy trắc tinh, được sử dụng đo độ cao của sao Bắc Đẩu (Polaris) để xác định vĩ độ. Cây thánh giá (cross-staff), một dụng cụ bằng gỗ có thanh ngang trượt, được sử dụng để đo góc giữa đường chân trời và mặt trời hoặc các ngôi sao.

Tính toán theo phương pháp chết (Dead reckoning), một phương pháp ước tính vị trí của tàu dựa trên tốc độ, thời gian và hướng di chuyển, đã trở nên tinh vi hơn. Điều hướng thiên thể, sử dụng vị trí của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao để xác định vĩ độ, đã được cải tiến và sử dụng rộng rãi. Các hoa tiêu và lái tàu đã ghi chép nhật ký và bản đồ chi tiết để ghi lại các quan sát của họ và cải thiện độ chính xác của việc điều hướng. La bàn kết hợp với bản đồ giúp định vị và xác định lộ trình. Thang đo khoảng cách (Scale Bars) dùng để biểu thị khoảng cách trên bản đồ, tăng độ chính xác.

7.3 Những thay đổi trong phép chiếu bản đồ (Map projection): Một trong những nhà vẽ bản đồ Châu Âu nổi tiếng nhất thế kỷ XV và có ảnh hưởng rất lớn là Gerardus Mercator, với sáng kiến về phép chiếu Mercator, một phép chiếu bản đồ hình trụ thể hiện chính xác các đường kinh độ thành các đường thẳng. Phép chiếu Mercator đã cách mạng hóa ngành hàng hải, vì nó cho phép các thủy thủ vạch ra các lộ trình thẳng trên biển. Với các vùng lãnh thổ mới được ghi chép lại, các nhà vẽ bản đồ Châu Âu bắt đầu từ bỏ phép chiếu bản đồ thời Trung Cổ, áp dụng các phép chiếu cho phép độ chính xác cao hơn trên các khoảng cách xa hơn. Sự thay đổi này cho phép mô tả chính xác hơn hình dạng của Châu Phi, vị trí của Ấn Độ và bố cục rộng hơn của Châu Á, căn chỉnh bản đồ với nhu cầu hàng hải để thám hiểm và thương mại.

7.4 Những tiến bộ đáng kể trong kỹ thuật lập bản đồ:

Các bản đồ và kỹ thuật định hướng ban đầu đóng vai trò quan trọng trong Thời đại Khám phá, cho phép thực hiện các chuyến đi đến những vùng đất mới và mở rộng các tuyến đường thương mại. Đến cuối thế kỷ XV, các bản đồ Châu Âu đã chuyển từ những hình ảnh mang tính thần học và biểu tượng sang các mô tả địa lý ngày càng chính xác hơn. Những tiến bộ về bản đồ học trong thời kỳ này đã đặt nền móng cho bản đồ học hiện đại, với sự nhấn mạnh vào tỷ lệ thực, hướng đi và chi tiết. Bản đồ còn được trang trí bằng các hình minh họa phức tạp, đường viền trang trí công phu và hình hộp tinh xảo, biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật.

Thế kỷ XV và XVI chứng kiến sự gia tăng khám phá và phát hiện, dẫn đến sự gia tăng trong việc sản xuất bản đồ. Những tiến bộ trong bản đồ học trong giai đoạn này cho phép mô tả thế giới chính xác hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại đường dài. Khi các nhà thám hiểm Châu Âu như Christopher Columbus, Vasco da Gama và Ferdinand Magellan lên đường khám phá những vùng đất và tuyến đường biển mới, các nhà vẽ bản đồ được giao nhiệm vụ lập bản đồ các vùng lãnh thổ mới này. Thông tin từ các nhà thám hiểm được tích hợp vào bản đồ, tăng cường chi tiết và độ chính xác. Các bản đồ được cải thiện hỗ trợ những chuyến hải trình dài và chính xác hơn.

Việc phát hiện ra Châu Mỹ và các khu vực khác đã dẫn đến sự bổ sung các khu vực này vào bản đồ Châu Âu. Bản đồ năm 1507 của Martin Waldseemuller là bản đồ đầu tiên đặt tên "America" cho Châu Mỹ. Bản đồ bao gồm các vùng đất mới được phát hiện, thay đổi nhận thức của Châu Âu đối với thế giới rộng lớn hơn, dẫn đường cho các cường quốc trong việc chiếm lĩnh và định cư các lãnh thổ mới.

7.6 Những thách thức: Các nhà thám hiểm tiên phong của Thời đại Khám phá đã phải đối mặt với vô số thách thức hàng hải, từ hạn chế về công cụ và bản đồ cho đến điều kiện thời tiết khó lường và áp lực tâm lý khi mạo hiểm vào những vùng đất chưa được biết đến. Việc xác định kinh độ vẫn là một thách thức đáng kể trong Thời đại Khám phá, vì nó đòi hỏi phải tính toán thời gian chính xác. Kinh độ dựa trên sự khác biệt về thời gian giữa điểm tham chiếu (như kinh tuyến gốc) và vị trí của người quan sát. Việc thiếu các thiết bị đo thời gian chính xác và di động khiến việc xác định kinh độ trên biển trở nên khó khăn. Hạn chế này dẫn đến lỗi định hướng và sự không chắc chắn về vị trí chính xác của các vùng đất mới được phát hiện.

Những thách thức mà các nhà vẽ bản đồ phải đối mặt trong Thời đại Khám phá rất đa dạng, bao gồm sự kết hợp của những hạn chế về công nghệ và kỹ thuật, các biểu diễn mang tính thần thoại và đậm chất suy đoán, thách thức vật lý của việc thám hiểm và khoảng cách giao tiếp, cũng như áp lực chính trị và thương mại. Những yếu tố này ảnh hưởng đáng kể đến độ chính xác và độ tin cậy của các bản đồ được tạo ra trong giai đoạn chuyển đổi này trong lịch sử.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn này, các chuyến thám hiểm của họ đã dẫn đến việc khám phá những vùng đất mới và mở đường cho Kỷ nguyên Khám Phá toàn cầu, cũng là thời kỳ chuyển đổi đối với bản đồ học, nghệ thuật và khoa học lập bản đồ, thúc đẩy nhu cầu về bản đồ chính xác và chi tiết.

Thời kỳ Khám phá đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của người Châu Âu về thế giới, tích hợp Châu Mỹ vào sự hiểu biết của họ về địa cầu và cho thấy Châu Á có thể tiếp cận được theo cả hướng đông và tây. Giai đoạn này đã mở đường cho việc điều hướng toàn cầu và các bản đồ thế giới chi tiết của thế kỷ XVI, phản ánh một Châu Âu sẵn sàng khám phá, giao thương và thực dân hóa các vùng lãnh thổ mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

EVELYN EDSON (1998) - Mapping Time and Space: How Medieval Mapmakers Viewed Their World (Bản đồ Thời gian và Không gian: Cách những người lập bản đồ thời Trung cổ nhìn nhận thế giới) - The British Library Studies in Map History.

NORMAN J.W. THROWER (2008) - Maps and Civilization: Cartography in Culture and Society (Bản đồ và nền Văn minh: Bản đồ học trong Văn hóa và Xã hội) - The University of Chicago Press.

FELIPE FERNÁNDEZ-ARMESTO - Maps and Exploration in the Sixteenth and Early Seventeenth Centuries (Bản đồ và Thám hiểm vào thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII) - https://press.uchicago.edu/.../HOC_VOLUME3_Part1...

ELIZABETH DELLA ZAZZERA - The role of cartography in early global explorations (Vai trò của Bản đồ học trong các cuộc Thám hiểm toàn cầu thời kỳ đầu) https://flowingdata.com/.../the-role-of-cartography-in.../

JOHN BRIAN HARLEY & DAVID WOODWARD Biên tập (2007) - The History of Cartography (Vol. 3): Cartography in the European Renaissance (Lịch sử Bản đồ học (Tập 3): Bản đồ học trong thời kỳ Phục hưng Châu Âu) - University of Chicago Press.

DAVID BUISSERET (2003) - The Mapmakers' Quest: Depicting New Worlds in Renaissance Europe (Sứ mệnh của những người vẽ bản đồ: Khắc họa Thế giới mới thời Phục hưng Châu Âu) - Oxford University Press.

DAVID BUISSERET - European Maps for Exploration and Discovery (Bản đồ Châu Âu phục vụ Khám phá và Thám hiểm) - https://mappingmovement.newberry.org/european-maps-for.../

RADU LECA (2017) - Cartography and the Age of Discovery (Bản đồ học và Thời đại Khám phá) - Routledge Handbook of Mapping and Cartography.

TIM TRAINOR - The Early Evolution of Cartography (Sự Phát triển ban đầu của Bản đồ học) - https://www.esri.com/.../the-early-evolution-of-cartography/

THE MARINER’S MUSEUM - Exploration through the Age (Thám hiểm qua các thời đại) - https://www.vos.noaa.gov/MWL/apr_08/exploration.shtml

ALVOR-SILVES - Navegações atlânticas medievais (Điều hướng hàng hải Đại Tây Dương thời Trung cổ) - https://alvor-silves.blogspot.com/.../navegacoes...

TUTORCHASE - What were the navigational challenges faced by 15th-century explorers? (Những thách thức về hàng hải mà các nhà thám hiểm thế kỷ XV phải đối mặt) - https://www.tutorchase.com/.../what-were-the-navigational...

FIVEABLE INC - Maritime Technology in Exploration (Công nghệ Hàng hải trong Thám hiểm) - https://library.fiveable.me/archaeology-of-the-age.../unit-5

FRANCISCO BETHENCOURT và DIOGO RAMADA CURTO Biên tập (2007) - Portuguese Oceanic Expansion, 1400-1800 (Sự bành trướng hàng hải của Bồ Đào Nha, 1400-1800) - Cambridge University Press.

ANTÓNIO COSTA CANAS - "Cartografia náutica portuguesa" (Bản đồ hàng hải Bồ Đào Nha) - http://cvc.instituto-camoes.pt/.../cartografia-nautica...

I. C. B. DEAR & PETER KEMP Biên tập (2006) - The Oxford Companion to Ships and the Sea (Cẩm nang Oxford về tàu thuyền và biển cả) - Oxford University Press.

ADAM WEINTRIT & TOMASZ NEUMANN Biên tập (2011) - Methods and Algorithms in Navigation: Marine Navigation and Safety of Sea Transportation (Phương pháp và thuật toán trong định vị: Điều hướng hàng hải và an toàn vận tải biển) - CRC Press.

TÀI NGUYÊN TRỰC TUYẾN:

World Digital Library: https://www.wdl.org/

British Library: https://bl.uk

Library of Congress - Geography & Maps - https://blogs.loc.gov/maps/category/15th-century-cartography

Library of Congress Blogs - Worlds Revealed - Geography & Maps at the Library of Congress - https://blogs.loc.gov/maps/

Bibliothèque nationale de France:

https://gallica.bnf.fr/services/engine/search/

National Library of Australia:

https://catalogue.nla.gov.au/catalog/

Nationaal Archief (The Hague Netherlands):

https://www.nationaalarchief.nl/en/research/

Wikipedia - Early World Maps - https://en.wikipedia.org/wiki/Early_world_maps

European Research Council project MEDEA-CHART: https://medea.fc.ul.pt/main

David Rumsey Collection: https://www.davidrumsey.com

Barry Lawrence Ruderman: https://raremaps.com

Geographicus Rare Antique Maps: https://geographicus.com

Osher Map Library: https://oshermaps.org/

Yale University Beinecke Rare Book & Manuscript: https://beinecke.library.yale.edu

University of Florida Map & Imagery Library: https://maps.uflib.ufl.edu/

...

CÁC BẢN ĐỒ MINH HỌA:

1. Chart of Juan de la Cosa (1500) – Museo Naval, Madrid (Tây Ban Nha)

2. Cantino planisphere (1502) – Biblioteca Estense Universitaria, Modena (Ý)

3. Planisphère nautique / Opus Nicolay de Caverio ianuensis (Caverio map - 1506) – Bibliothèque nationale de France, Cartes et plans, GE SH Arch-1 (Thư viện Quốc gia Pháp)

4. Universalis Cosmographia Secundum Ptholomaei Traditionem et Americi Vespucii Alioru[m]que Lustrationes / Martin Waldseemüller, 1507 – Geography and Map Division, Library of Congress (Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ)

5. Carte Nautiche Borgiano III / Diego Ribero, 1529

– Biblioteca Apostolica Vaticana (Thư viện Tòa Thánh Vatican). Tên khác: Carta universal en que se contiene todo lo que del mundo se ha descubierto fasta agora hizola Diego Ribero cosmographo de su magestad, ano de 1529, en Sevilla. (Bản đồ thế giới phổ quát, trong đó chứa đựng tất cả những gì đã được khám phá trên thế giới cho đến nay, được thực hiện bởi Diego Ribero, nhà vẽ bản đồ của hoàng gia, năm 1529, tại Sevilla).