Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (26)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

MAI LONG – HỌA SĨ CỦA MIỀN TIÊN CẢNH

 

Họa sĩ Mai Long thuộc khóa Kháng chiến của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Ông là cán bộ văn hóa yêu vẽ, rồi theo kháng chiến, duyên may được gặp họa sĩ Tô Ngọc Vân, rồi được làm việc ở xưởng vẽ của họa sĩ và được chỉ bảo cho bước vào nghề vẽ. Đó là cái duyên may trong đời mỗi người gặp được tri kỉ.

Thời ấy, mỹ thuật cũng là một công cụ cho kháng chiến. Thay vì vẽ bài trang trí thì họa sĩ Tô Ngọc Vân hướng dẫn ông vẽ tranh cổ động, vừa là bài học, vừa sử dụng luôn vào tuyên truyền. Lúc ấy là năm 1948, ông 18 tuổi, cái tuổi ham học, ham làm, đầy nhựa sống.

Khóa Mỹ thuật Kháng chiến là khóa vừa làm, vừa học trong thiếu thốn đủ bề! Những cán bộ lấy công việc làm lớp học. Năng lực nghề được cứng cáp dần theo năm tháng trên công việc. Đó là sự tự đào tạo mà ít người biết. Có khi chính họa sĩ cũng không tự biết!

Bây giờ nói đến Mai Long, người ta nghĩ ông là họa sĩ chuyên lụa, nhưng không hẳn thế. Ông bảo, trước đây ông vẽ sơn dầu khá nhiều và cả sơn mài dưới sự chỉ bảo cuả thầy Tô Ngọc Vân. Mấy chục năm lại đây ông mới chuyên chú vào lụa.

Những tranh lụa khổ lớn từ một mét vuông trở lên. Ông có duyên với chất liệu này. Những bức tranh lụa của ông đẹp như miền thiên thai, như suối mơ trong ca khúc của Văn Cao. So sánh thì khập khiễng nhưng khá nhiều tranh lụa của ông mượt mà như nhạc trữ tình trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà phần lớn giờ người ta biết đến Mai Long là dòng tranh lụa.

Là người Hà Nội nhưng ông là lứa cán bộ lên miền núi công tác khá sớm. Từ 1953, ông đã lên Nghĩa Lộ, rồi công tác thời gian dài đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông vẫn tiếp tục cuộc sống trên núi.

Có lẽ vì vậy và ông có duyên gắn bó với núi rừng mãi mãi trong những tranh lụa sau này, một chất liệu rất hợp với việc diễn tả mây mù, khói sương.

Một lần tôi nhận xét với ông: "Anh là người duy mĩ, với anh, tranh bao giờ cũng là miền cực lạc. Ở đấy cảnh đẹp, người đẹp, mây núi trập trùng tiên cảnh… Ở đấy không có nỗi buồn, chỉ có những cảm xúc dịu ngọt, thư giãn".

Ông cười hạnh phúc, đó là cảm quan cá nhân ông về góc nhìn nghệ thuật thành tài sản riêng của tâm hồn ông. Người họa sĩ kháng chiến đã có một miền yêu thương gửi gắm mà không thấy tiếng bom gào đạn xé, máu chảy đầu rơi mà chỉ còn những thung lũng tình yêu trong sương mai, mờ mờ nhân ảnh. Điều đó thật đặc biệt!

Hãy xem những tranh ông vẽ, những phác thảo chuyện tranh thì điều đó hiện lên rất rõ.

Không phải mấy ai có bản lĩnh nghệ thuật đến thế.

Ông làm việc bền bỉ và thầm lặng, và chỉ được nghỉ ngơi tí chút khi đội mũ, sắp áo đi thăm bạn bè hoặc dự các khai mạc triển lãm của đồng nghiệp, còn công việc nó bám níu lấy ông suốt thời gian tại phòng vẽ.

Tôi đã được ông cho xem cái kho những phác thảo tranh lụa. Những phác thảo hàng mét vuông nguyên khổ với khung lụa ông thể hiện. Ông phác thảo bằng chì, đi từng nét, cẩn trọng và kĩ lưỡng hơn cả kiểu vẽ của Trần Duy. Những nét bút mềm mại đầy xúc cảm trên tông chì đen trắng. Mỗi tranh lụa đều có một phác thảo như thế. Bây giờ, ông có thể trưng bày toàn bộ bộ tranh chì, gọi là phác thảo cho lụa, nhưng từng bức đều hoàn chỉnh đến từng chi tiết.

Ông sống vào thời lửa đạn, từng vẽ truyền đơn, vẽ tranh cổ động tuyên truyền cho cách mạng, và rồi ông đến với tranh truyện khá sớm, từ những năm 1954 khi được đặt hàng. Ông là lứa họa sĩ cộng tác viên đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Những tập truyện tranh đầu tiên ông vẽ như Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh nắn nót từng hình, kĩ như khi sáng tác tranh lụa, đã trở thành mẫu mực cho dòng tranh truyện từ thời đầu cho thiếu nhi.

Nhờ tài năng trời ban cho ông, cộng thêm sự chỉ bảo của bậc đàn anh mà ông vươn lên đỉnh cao, vẽ đẹp và đầy dấu ấn riêng từ tranh lụa, sơn dầu, sơn mài đến tranh truyện. Âu cũng là cái duyên với nghề, cái duyên với đời đã cho ông thành quả, đáng mừng lắm thay!

Mai Long là một trong 22 họa sĩ đã tốt nghiệp trường Mỹ thuật khóa Kháng chiến 1950-1953, cùng với lớp các ông Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Trần Lưu Hậu và nhiều người khác... Đó là lớp họa sĩ tài hoa đức độ, đóng góp rất nhiều cho nền hội họa nước nhà, để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Ông gắn bó với miền núi từ những năm kháng chiến chống Pháp. Sau này về Hà Nội vẫn tiếp tục học Đại học Mỹ thuật. Ông là họa sĩ vẽ lụa xuất sắc và có phong cách riêng biệt về xử lý ánh sáng ảo trong chất liệu lụa, tạo cho tranh vẻ đẹp tiên cảnh vượt qua tầm hiện thực.